Hoa oải hương ven sông Sương

Thứ Tư, 12/11/2014 09:14

.NGUYỄN THU HẰNG

Trải qua một hành trình khá dài với nhiều háo hức và cả mệt mỏi, Sa đã được bay lên trong giấc mơ màu tím ấp ủ suốt từ thời thơ ấu - đi chân đất, chạy giữa cánh đồng hoa oải hương.

Chân núi Alpilles, miền Đông Nam nước Pháp.

Sa nằm trong hoa, tư thế của cánh chim bay.

Tấm thảm tím khổng lồ chao nghiêng. Sa chấp chới, chòng chành, chao liệng, vun vút, lướt qua thảo nguyên, núi đồi, rừng rậm, biển sâu, trở về bềnh bồng trên sông Sương.

Sông Sương huyền ảo như màu tím oải hương vào mỗi tinh mơ.

Sáng sớm, cỏ non mềm như bàn tay con gái đeo những chuỗi hạt cườm. Bé con mải đuổi theo một con bướm xanh, bàn chân trần dẫm lên cỏ, những chuỗi hạt cườm vỡ tan, quấn vào chân, lành lạnh. Bướm xanh đậu xuống ngọn cỏ, đậu trên những bụi cây hoa dại, chờ bàn tay nhỏ xíu sắp chạm tới mình, nó lại vỗ cánh bay lên.

Bé con cứ chạy theo bướm xanh dọc bờ sông, cho tới khi trước mắt là một vạt hoa màu tím. “Òa!”. Từ trong bụi hoa dại, một chàng trai tóc vàng, da trắng, cao lênh khênh, đang bịt mắt bằng một dải lụa, chìa chiếc vòng xâu hạt cườm. Bé con giật mình, bướm xanh đã bay đi đâu mất. Chuỗi hạt cườm đung đưa trong gió đánh tan nỗi sợ hãi ban đầu của bé con, cánh tay của chàng trai vẫy vẫy như bảo bé con muốn có vòng cườm đeo tay thì lại đây!

Bé con chạy theo, nhón gót. Chàng trai xoay người, nhún nhảy. Chuỗi hạt vút lên cao. Bé con đuổi theo, chuỗi cườm rập rờn trong màu hoa tím… Bé con đuổi mãi không được, ngồi phệt xuống cỏ, giãy nảy lên, mếu máo ăn vạ. Lập tức chuỗi cườm sà xuống ngay trước mắt bé con. Chàng trai cười, tiếng cười như tiếng sóng biển rì rào. “Cho bé con này!”.

Bé con vừa xòe tay đón chuỗi cườm thì một cái đầu đen ngòm, rũ rượi ngoi lên từ mặt nước, mấy chiếc rọ cua bị ném lên bờ. Lập tức anh chàng tóc vàng biến mất, vạt hoa tím biến mất, chỉ còn một hạt cườm như giọt sương mai đọng trong lòng bàn tay bé con.

- Này, Tẹt, sao sáng sớm đã ra bờ sông thế?

Cái đầu ướt nước, ngúc ngắc, nước bắn tung tóe, bắn cả lên tóc, lên mặt bé con. Bé con phụng phịu như vừa đánh mất một giấc mơ đẹp.

- Tẹt cầm cái gì đấy?

- Em không phải là Tẹt.

- Không tên là Tẹt nhưng gọi là Tẹt cũng không sai. Người ở quê anh toàn gọi con gái như vậy. Cũng giống như tất cả bọn con trai trong làng, đều có thể gọi là Mẩu. Còn anh, còn gọi là Cua.

- Cua?

- Ừ! Gọi thế nào cũng được. Tẹt hái hạt cườm à?

- Có một anh tóc vàng vừa cho em.

- Tóc vàng nào? À… Chắc Tẹt ham đọc truyện cổ tích nên thích hoàng tử tóc vàng chứ gì?

- Anh ấy cho em thật đấy!

- Giờ thì hoàng tử biến mất chứ gì? Hì hì. Sáng sớm chẳng có ai ở làng này ra đây ngoài anh đi đổ rọ cua cả.

- Sao lại thế?

- Không biết. Nhưng sự thực là chẳng ai ra sông vào sáng sớm. Thế nên mới nhiều cua cho anh bắt chứ. Tẹt đứng đây trông cua cho anh một lát nhá!

Cua lội xuống sông một lúc, lại ngoi lên, tay cầm mấy cái rọ nữa. Cua nói, giọng bị sặc nước:

- Nếu thích đeo mấy thứ hạt này thì lúc nào đến nhà ông anh, tám tạ.

- Tám tạ… là gì?

- …À, là… là… chúng mọc đầy sau vườn…

“Sa ơi, Sa ơi!”, giọng bà hốt hoảng vọng tới. Cua cũng vừa đổ cua vào giỏ xong, reo khẽ:

- Á, thì ra tên Tẹt là Sa. Dám bỏ đi chơi một mình. Thôi về đi, bà em đang lo lắng đấy. Anh cũng phải về đổ cua cho kịp buổi chợ.

Tinh mơ hôm sau, con sông trước cửa nhà bà bốc hơi mù mịt, bé con đã reo lên: “Sông đang sôi kìa!”. Bà đang chải tóc cho cô cháu gái, bảo: “Sông nào sôi chứ, đó là sương đấy”. Sa ngẩn người. Thì Sa vẫn biết đó là sương. Sương nhiều vô kể, sương quấn chặt lấy chân người như khói lam chiều, sương nặng trĩu như những giọt nước mắt lã chã rơi. Sương cuộn thành màu khăn trắng bên bờ sông, sương tràn cả vào những gốc cây như quét vôi, sương trườn lên cành, lên quả…

Trong làn sương lảng bảng bay vào sân, bà kể: Con sông này, đã mấy chục năm nay, bỗng nhiên vào những buổi sáng sớm, sương buông nhiều đến nỗi chỉ nhìn thấy một màu trắng đục lờ mờ. Lại cũng chỉ có sương buông nhiều phía bờ bên này, nên mọi người trong làng đã gọi khúc sông này là sông Sương. Những nhà có vườn nhãn cạnh bờ sông, sau đợt sương buông mới trảy quả thì ăn rất ngọt. Rất ngọt nhưng không hề khé, mà có vị đằm mằn mặn như vị muối. Vị ngọt lạ.

Sông Sương chìm trong màu trắng khắc khoải.

Bà đang lúi húi đun bếp, bé con lén băng qua vườn nhãn, ẩn vào sương, ra bờ sông. Mỗi ngọn cỏ, cành cây đều đeo trên mình mấy vòng hạt cườm long lanh. Đứng từ nhà nhìn ra thì thấy mù mịt sương khói trắng ngay trước vườn nhà mình, nhưng khi ra đây, bé con lại thấy đám khói sương như một dải lụa trắng đang bay phía trước dọc theo bờ sông. Bé con đuổi theo sương. Bỗng vạt hoa tím trồi lên như được nảy nở từ sương. Những bông hoa tím đẹp đến nôn nao, thơm nồng nàn, bé con chưa trông thấy loài hoa này bao giờ. Bé con vừa định chạm tay vào thì vạt hoa tím rập rờn bay lên như cánh bướm, chàng trai bịt mắt tóc vàng lại xuất hiện. Chàng cười: “Đố bé con lấy được hoa của anh đó”. Thế là bé con nhoài người, đuổi theo… Khi tay sắp chạm được vào bó hoa tím của chàng trai, bé con thấy người mình như cuốn vào một vòng xoáy, nhẹ bẫng, rồi vút lên cao. Chàng trai nhấc bổng bé con lên xoay tít trong không trung giữa màu hoa tím. Chàng trai bảo, hoa oải hương của quê anh đó. Bé con như cánh bướm đang bay, nhắm chặt mắt, cười nắc nẻ…

- Này, tỉnh rồi hả?

Một bàn tay đã kéo thật mạnh. Bé con mở mắt. Dải lụa sương trắng mỏng manh đang tan biến, khúc hoa tím ngát và chàng trai kì lạ biến mất.

- Hôm trước hái hạt cườm, hôm nay thì hái hoa bèo. May mà ngài Hà Bá chưa tới kịp…

Quần áo bé con ướt sũng. Bà ôm bé con vào lòng, không ngừng rơi nước mắt và cảm ơn Cua đã cứu bé con. Còn bé con thì chưa hiểu chuyện gì đã xảy ra, thều thào khoe với bà:

- Cháu đã bay… anh bịt mắt cho cháu hoa tím…

- Suýt nữa bị Hà Bá bịt mắt bắt đi đấy – Cua ngắt lời.

- Không… thật mà… anh ấy cho cháu hoa…

- Anh nào hả cháu? Anh ta trông như thế nào?

- Anh ấy tóc vàng, thích chơi trò bịt mắt...

- Tẹt ơi, đó là ngài Hà Bá biến thành đấy!

Bà xoa dầu nóng vào thái dương đánh cảm cho bé con. Bé con ngủ thiếp đi, trong cơn mơ, bé con thấy anh bịt mắt đứng ngoài cửa sổ và cả một vạt hoa tím biết bay sau lưng. Anh bảo, là hoa oải hương đấy, nhớ chưa? Bé con kêu lên trong giấc mơ, hoa oải hương, hoa oải hương. Bà vừa bê bát cháo chạy vào giường lay, bé con choàng mở mắt, chỉ ra ngoài cửa sổ, một chú bướm xanh đang đậu trên song thưa.

- Là hoa oải hương! Con đã nhìn thấy bên bờ sông Sương có hoa oải hương với anh tóc vàng!

Chẳng kịp giục bé con ăn cháo, bà vội vã ra bàn thờ đốt nhang rồi lầm rầm khấn vái hồi lâu, khi quay ra thì bà đã không thấy bướm xanh ở cửa sổ nữa.

Bà điện cho bố mẹ về đón bé con đi. Kì nghỉ hè kết thúc sớm hơn dự định. Trước khi chia tay, Cua đến đón bé con sang nhà ông nội Cua, hai đứa chơi trò hái hạt cườm, xâu vòng tay…

Những năm sau đó Sa không về quê, bà bảo nhớ bé con nhiều lắm nhưng lại dặn bố mẹ đừng cho bé con về chơi vội, vì mỗi năm sông lại nhiều sương hơn, sương mù đặc chặn lối, khi mặt trời ló ra, sương tan to như giọt nước mắt rơi.

Sông Sương vẫn luôn hiện về trong những giấc mơ của Sa, chập chờn, đứt đoạn với hình ảnh vạt hoa tím biết bay và anh tóc vàng có nụ cười xôn xao tiếng sóng biển. Sa đã kể cho đứa bạn thân nghe về giấc mơ đó, nó bảo cậu mơ mộng quá đi, kiếm đâu ra trên đời có anh tóc vàng dễ thương vậy chứ.

Công ty kí được hợp đồng xuất khẩu lớn, tổng giám đốc quyết định thưởng cho nhóm của Sa một chuyến đi thực tế tìm hiểu thị trường tại Pháp. Cả nhóm cùng nhảy lên, còn Sa thì vui sướng đến không thốt lên lời.

Sa đã bay qua lớp sương khói để chạm vào giấc mơ cổ tích. Sau những tìm kiếm không ngừng nghỉ, cuối cùng cô và những người bạn cũng được đặt chân lên cánh đồng oải hương.

Sa đã chụp thật nhiều ảnh, lại còn kì công mang mấy cây hoa oải hương về. Sa muốn khoe với bà đây chính là bông hoa tím ngát kì lạ mà cô đã nhìn thấy với anh tóc vàng trong làn sương khói ven sông Sương, màu hoa và trò trốn tìm đã làm trái tim cô nôn nao suốt tuổi thơ…

*

* *

Từ bến xe khách, Sa cuốc bộ được một đoạn, cát đá lạo xạo dưới chân, chợt có tiếng xe tải ì ì vọng tới sau lưng. Sa đứng né sang vệ đường nhường chiếc xe đi qua. Nhưng chiếc xe đã chầm chậm dừng ngay nơi Sa đứng. Từ trong buồng lái, một cái đầu bù xù ló ra:

- Cô có về Sương thì lên tôi cho đi nhờ.

Thấy khuôn mặt hiền hậu của anh lái xe, Sa gật đầu. Anh lái xe dọn mấy chai nước để lấy chỗ cho Sa ngồi.

- Sao anh biết em về Sương?

- Đi trên con đường này, không về Sương thì về đâu chứ. Cứ gọi anh là Thành.

- Cảm ơn anh Thành đã cho em quá giang.

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú

Thành đánh tay lái tránh một cái ổ gà, rồi kể, anh đang chở vật liệu để xây một cây cầu qua sông Sương. Tới đây trẻ con đi học không phải đi vòng đến bốn cây số nữa, người trong xã không phải chèo đò chở thóc, chở nhãn qua sông mới ra được tới chợ, những người từ thành phố về quê cũng tiện đường hơn… Nói tóm lại giao thông thuận tiện. Sa nghe được niềm háo hức của Thành, tủm tỉm cười. Đến đúng rặng nhãn đầu ngõ nhà bà, Thành đỗ xe lại, nhìn Sa gật đầu:

- Xuống thôi, cô gái!

Sa bất ngờ:

- Sao anh biết là em xuống đây?

Anh lái xe khẽ mỉm cười, nụ cười bí ẩn, nhưng lại khoát tay trả lời:

- Đơn giản, bởi kia là chỗ tôi đổ vật liệu.

Câu trả lời làm Sa đỏ mặt vì câu hỏi hớ. Sa lí nhí cảm ơn rồi xuống xe. Chiếc xe giật lùi vào vị trí, rồi ầm ầm đổ đá, bụi bay mù mịt sau lưng, bay cả lên trước mặt, khiến Sa phát ho. Từ bếp đi ra, bà ôm chầm lấy cô cháu gái rồi nói vọng ra ngõ:

- Cua chở em về hộ bà đấy hả? Nghỉ tay vào uống nước đã!

Tiếng anh lái xe vọng vào:

- Để hôm khác bà ạ!

- Anh ấy là… Cua ngày xưa hả bà?

- Ơ, thế trên xe nó không nói gì với con à? Cua là tên tục của nó hồi bé thôi.

Sa ngẩn người nhìn theo chiếc xe tải xa dần.

Quà nước Pháp cho bà, ngoài một tấm lụa là những tấm ảnh chụp hoa oải hương. Bà nhìn chúng rất lâu rồi bỗng nói: “Thì ra là cái thứ hoa này con đã nhìn thấy ven sông Sương ngày trước. Mà… sao nó ở tận Pháp mà con lại có thể nhìn thấy ở ven con sông nhà mình được nhỉ?”.

Sa không biết trả lời bà thế nào, bởi chính Sa cũng không lí giải được điều kì lạ này. Nhưng dù sao Sa cũng đã mãn nguyện trước sự công nhận tuy có muộn màng của bà, rằng thứ hoa mà cô đã nhìn thấy nó trong buổi sớm ấy là hoa oải hương, chứ không phải hoa bèo tây dưới sông mà Cua đã hái cho cô.

Bà và Sa mang những cây oải hương ra vườn trồng. Sa rất tin rằng những cây oải hương này sẽ bén rễ và vươn lá mỗi ngày. Và chỉ mấy tháng nữa là bà sẽ được ngắm hoa oải hương thật, trong vườn bà…

Cơm trưa xong, Sa ra võng ngủ. Võng mắc gốc nhãn. Gió đàn thổi lồng lộng ngoài vườn. Sau chuyến đi nửa vòng trái đất, Sa ngủ mê mệt, giấc ngủ chông chênh như đang trên xe ô tô. Chợt cành nhãn rung rinh, một vài quả con rơi xuống người khiến Sa dụi mắt, sau gốc nhãn xuất hiện lờ mờ một khuôn mặt là lạ. Sa bật dậy, chỉ thấy gốc nhãn sần sùi mốc thếch. Sa chạy vội vào nhà bảo bà:

- Vườn nhà mình có kẻ trộm, cháu vừa tỉnh dậy thì nó chạy biến đi.

- Vườn chỉ có nhãn. Mà nhãn thì cả làng đều có, ai thèm ăn trộm chứ?!

Sáng hôm sau khi vừa trở dậy, Sa chạy ngay ra vườn. Cô nghe thấy tiếng cành nhãn rung xào xạc, và lại nhìn thấy lấp ló khuôn mặt lạ đó trong vòm nhãn, trong làn sương giăng mắc từ bờ sông tràn vào vườn cây của bà. Cô rón rén bước, nhưng khi tới gốc nhãn thì chỉ thấy những hạt nhãn đen nháy rơi dưới gốc cây, còn ướt nước. Sa rón rén bước theo những hạt nhãn rơi tới bờ sông. Giữa làn sương, bất ngờ một bông hoa oải hương từ từ nhú lên, cánh hoa mong manh đọng hai giọt sương như hai giọt nước mắt. Sa rùng mình, sau bông hoa chính là mái tóc vàng bồng bềnh như mây hiện ra...

- Sa dậy sớm thế à?

Thành từ đâu chui ra, đứng ngay trước mặt Sa. Khi ấy, mặt trời bắt đầu lấp ló sau rặng tre, xua tan dần màn sương mù.

- Là… anh à?

- Thế em tưởng là ai mà mặt trông hình sự thế?

- À, không… Anh ra đây làm gì?

- Anh phải trông nom đống vật liệu này và công trường.

- Lại phải trông nguyên vật liệu?

- Lần trước một anh lái xe khác trong cơ quan chở cát tới đổ, vì dự án trục trặc một thời gian, đến khi chuẩn bị xây dựng ra kiểm tra thì đống cát đã bị mất gần hết.

Sa nghĩ, lấy trộm cát còn xảy ra huống chi hái trộm nhãn. Sa về kể cho bà nghe chuyện, bà xua đi: “Đêm đêm vẫn có những con chim, con dốc đến ăn nhãn, chứ người thì nó phải bẻ hết cả cây”.

Tối hôm đó đầu tháng, bà ra chùa tụng kinh. Sa chốt chặt cổng, quay vào, đêm lờ mờ. Vừa bước tới sân, cô nghe rõ tiếng kèn kẹt mở cổng. Cô quay lại, không trông thấy người, cánh cổng vẫn dần mở to hơn. Có tiếng bước chân đi lướt qua cô, tiếng trườn mình trong cành nhãn… Toàn thân Sa sởn lạnh. Cô bậm môi, chạy lại gốc nhãn. Mấy hạt nhãn đang rơi xuống gốc cây, cơn gió lạnh lại băng qua người cô, cuốn ra cổng. Cánh cổng lại cất tiếng kèn kẹt, rồi từ từ khép chặt như chưa hề mở ra. Sa đứng gần như chết lặng.

Đêm đó, Sa mất ngủ, gần sáng thiếp đi vì mệt lại mơ thấy anh bịt mắt đang đứng rét run dưới lớp bùn lầy kêu cô tới giúp. Cô vùng dậy, người ướt đầm mồ hôi. Gà vừa gáy xong một hồi, bà từ dưới bếp đi lên lầm bầm rằng bị mất trộm một cây oải hương.

- Chứ không phải lấy trộm nhãn ạ? - Sa khoác thêm áo, hỏi lại bà.

- Mất cây hoa. Mà sương đang xuống nhiều, con định đi đâu đấy?

- Con đi ra đây.

Chú bướm xanh đang bay trước mắt, Sa đi theo như thôi miên. Đến đúng chỗ đống cát đá thì bướm xanh vụt mất. Sương đặc lại rồi mở ra vạt hoa oải hương, mùi thơm ngan ngát. Giữa vạt hoa, chàng bịt mắt đang chạy vội vã. Chợt chàng ngã nhào. Chàng hốt hoảng co chân định đứng lên chạy tiếp, nhưng dưới chân chàng bỗng nhiên sụt lún, chàng chìm dần trong cát, hai cánh tay giơ lên cầu cứu và khuôn mặt bị bịt mắt nhăn nhúm đau khổ. Sa chạy lại, một tay vịn vào thân cây ven bờ, một tay chìa ra, chàng trai cầm được bàn tay cô, nhưng cô không kéo được chàng lên. Chàng quá nặng. Mất đà, Sa chới với, tay kia của cô tuột khỏi bụi cây vung vào mặt chàng kéo theo tấm lụa trắng đang bịt mắt chàng xổ ra. Mắt Sa trợn tròn, cô nhìn đóng đinh vào khuôn mặt có đôi mắt xanh biếc màu nước biển…

- Đưa tay đây, mau lên!

Thành đã lôi được Sa lên khỏi cái hố cát đang bị lún sâu. Tay chân cô bị trầy xước, rớm máu. Tiếng thở của Thành hồng hộc:

- Cái cô này, vẫn như xưa, chết cũng không chừa!

Sa bần thần xụ mặt:

- Em… em… đã nhìn thấy…

- Lớn rồi mà… Dù nhìn thấy hoàng tử tóc vàng đi nữa thì em cũng nên chú ý đường đi. Hôm nay họ sẽ cho đào móng để xây cầu. Mấy hôm đắp đập, vét bùn, đường trơn dễ sợ, có vài người bị ngã xuống sông rồi đấy.

- Em đã nhìn rõ được khuôn mặt anh ấy. Đôi mắt xanh, rất giống, rất giống…

Vội vã, Sa kéo tay Thành chạy về nhà. Cô bật máy tính, mở những bức ảnh chụp cánh đồng hoa oải hương. Thành chưa hiểu lí do vì sao Sa lại nôn nóng cho anh xem ảnh đến vậy. Tới mấy tấm chụp gia đình một người Pháp, Sa dừng lại, phóng to tấm ảnh, chỉ vào bức chân dung một chàng trai treo trên tường, cô kêu lên:

- Đôi mắt xanh… em đã nhìn thấy… đó là đôi mắt của Paul d’Alzon!

- Người đó là ai?

- Anh bịt mắt… Em đã nhận ra anh ấy… Anh ấy là Paul d’Alzon.

Sa kể: Khi cả nhóm mải mê ngắm cánh đồng oải hương, đang ngây ngất với hương hoa nồng nàn quyến rũ của nó thì Sa chợt thấy nhói ở bắp chân. Một chú rắn bị quấy động đã quay lại cắn vào bắp chân cô. Cả nhóm hoảng loạn. Anh Giao vốn là dân miền núi vội lấy quả chanh cắt lấy hạt nhét vào miệng cô bắt nhai. Gioocgiơ, một nông dân đang cắt hoa cạnh đó đã chạy lại xem xét vết cắn và lau nó bằng một thứ thuốc anh mang bên mình, rồi bảo yên tâm, không phải rắn độc, nhưng cũng phải nghỉ ngơi, chưa thể đi ngay được. Tối đó, bố anh - cụ Jean d’ Alzon đã đón mọi người bằng cái nhìn thân thiện và ấm áp. Nhưng không hiểu sao Sa thấy trong đôi mắt cụ vẫn gợn lên một nét buồn vời vợi mơ hồ. Trực cảm mách Sa rằng, cụ già Pháp này đang mang trong lòng một nỗi u uẩn nào đó. Và Sa đã đúng. Sau bữa tối ấm cúng, biết đoàn khách đến từ Việt Nam, cụ Jean d’ Alzon đã kể một câu chuyện về người em trai út của mình: Paul đi lính cho quân đội Pháp và đã mất tích tại miền Bắc Việt Nam. Đã mấy lần gia đình sang Việt Nam mong tìm được Paul nhưng đến giờ vẫn vô vọng. Cụ run run tháo bức chân dung Paul de’ Alzon treo trên tường xuống cho mọi người xem và bảo, trong hồ sơ còn sót lại chỉ ghi lần cuối cùng Paul đóng ở đồn An Đinh…

- An Đinh? – Bà cất tiếng hỏi khiến Sa sựng lại nhướng mắt lên. Không khéo nó là cái đồn ở đầu làng mình hồi ấy cũng nên. Tên nó là An Đinh hay An Dinh gì đó, bà không nhớ rõ. Nếu cháu muốn tìm hiểu ngọn ngành phải hỏi thăm ông nội anh Thành đây. Cụ từng là cán bộ Việt Minh đấy.

Ông nội Thành đang nằm võng, thấy Thành dẫn Sa đếm thăm thì ngồi bật dậy. Đúng là làng An ta còn có tên cổ là An Đinh. Làng quê nghèo đang yên ả bỗng một ngày tiếng “moọc-chê” rơi nổ khắp nơi. Bọn Pháp đánh chiếm huyện lỵ, xây đồn ngay đầu làng vì cái làng An Đinh cứng cổ, có ổ Việt Minh khó chịu nhất xứ Đông. Một lần, đội Việt Minh của làng nhận được mật lệnh: Sẽ có một chuyến tàu của Pháp chở vũ khí từ Hải Phòng lên Hà Nội để chuẩn bị cho một chiến dịch càn quét lớn, nhiệm vụ của đội là phải đánh đổ chuyến tàu này. Ông nội Thành ngày ấy đang là một thanh niên ngoài hai mươi tuổi, đã đeo giỏ đi bắt cua cả năm trưa nắng chang chang dọc bờ sông nơi đường tàu để theo dõi quy luật giờ tàu chạy, giờ bọn lính Pháp đi tuần và nghiên cứu cách đánh. Đêm đó, cuối tháng, trời tối như bưng, ông và hai người nữa quần đùi, đeo giỏ, vờ làm người đi đặt rọ cua, từ các ngả khác nhau, bơi qua sông, sang gài mìn vào đường ray. Đúng ba giờ sáng, làng An Đinh đang chìm trong màn đêm yên tĩnh bỗng rung chuyển. Đoàn tàu trúng mìn trật bánh lật khỏi đường ray, bốc cháy. Đạn trong các toa phát nổ liên hồi, chớp lóa cả một vùng trời đêm. Khi những tiếng nổ vừa ngớt, ở những bờ mương, cánh đồng, mé sông, các đội viên Việt Minh nhào lên thu vũ khí rồi nhanh chóng qua sông mang đi cất giấu. Mờ sáng hôm sau, lính Pháp từ đồn An Đinh điên cuồng mở cuộc càn trả thù. Đốt phá, bắt bớ, tra khảo… Làng quê An Đinh náo động trong lửa cháy, súng nổ, tiếng khóc và tiếng thét… Sau trận càn kinh hoàng ngày đầu, những ngày sau đồn An Đinh vẫn cho lính Pháp đi theo tốp vào làng lùng sục, bắt lợn gà, hãm hiếp phụ nữ. Dân làng oán thán kêu trời. Đội Việt Minh quân mỏng, lực yếu, không thể ra tay, đành cắn răng nuốt hận chờ thời…

Một sáng đi đánh giậm dưới sông, ông nội Thành nhìn thấy có thằng tây trẻ một mình tha thẩn dọc bờ sông, mắt đăm đắm ngắm những bông hoa bèo tây, có lúc nó còn lội hẳn xuống sông hái hoa. Hai hôm tiếp theo, vẫn bắt gặp cái dáng điệu lơ ngơ của thằng tây đó trên bờ sông một mình, ông bèn về họp khẩn với đội Việt Minh. Phải bắt sống thằng tây này để đổi lấy người của ta đang bị bắt giam, và cũng để dằn mặt lính đồn An Đinh không được ngông nghênh vào làng cướp phá nữa.

Sáng hôm sau, thằng tây lại ra khỏi đồn, lại nhằm đoạn sông có nhiều bèo mà bước tới. Nó ngồi trên bờ, ánh mắt thẫn thờ ngắm hoa bèo tím. Rồi nó nằm ngửa ra cỏ mở mắt nhìn trời mà mơ mộng. Đúng lúc đó, từ đám bèo dưới sông, hai người đàn ông cầm mã tấu xé nước vót lên. Thằng tây chưa kịp phản xạ đã bị đè ra trói giật cánh khuỷu, bịt mắt, dẫn đi.

Trên đường dẫn giải dọc bờ sông, sau phút hoảng loạn, thằng tây sợ sệt hỏi mấy câu. Không ai biết nó hỏi gì nên nó chỉ nhận được câu trả lời bằng tiếng quát “Câm mồm” và lưỡi mã tấu sắc lạnh kề vào cổ. Có lẽ thằng tây nghĩ mình đang bị đưa đi giết nên sợ hãi rú lên và vùng chạy. Nó chỉ chạy được một đoạn ngắn thì đâm sầm vào một gốc nhãn cổ thụ và ngã văng xuống cống Chèm. Khi được kéo lên thì thằng tây đã tắt thở. Tình huống không ai ngờ tới, mấy ông đành bó cho nó một cái chiếu, vùi xuống bãi sông rồi lấy bùn, bèo tây trùm lên, xóa dấu vết...

- Thế lính Pháp đồn An Đinh phản ứng thế nào sau đó hở ông? – Thành hỏi.

- Tất nhiên là chúng lồng lộn lùng tìm, bắt bớ, tra hỏi... nhưng chỉ nhận được thông tin là dân làng có thấy một lính tây trẻ, tóc vàng, mắt xanh, thường hay ra hái hoa bèo tây ở sông đoạn ấy. Chúng đã cho lính đi dọc sông để tìm nhưng không thấy. Có lẽ chúng nghĩ thằng tây đó đã chết đuối, bị nước cuốn đi rồi…

- Ông có nhớ chỗ vùi xác người đó không? – Sa hỏi.

- Ông không nhớ chính xác. Khúc sông ngày ấy nhiều bùn và lắm bèo tây, cỏ dại mọc chằng chịt…

Vừa lúc đó, điện thoại của Thành đổ chuông, đội trưởng gọi anh ra công trường gấp.

*

* *

Nơi bờ sông, sau khi cắt đất đến thớ thứ hai, cánh thợ thi công cầu đã chạm vào một mảnh xương ống chân rất dài. Mọi người nháo nhác nhảy lên bờ, không dám đào tiếp.

Dân làng bắt đầu kéo đến xem. Sa dắt ông nội Thành đến nơi, ông đứng lặng, bần thần. Sa nhìn xuống mép sông, và mắt hoa lên khi thấy bên trái miệng hố sâu một cây oải hương đang nằm trên vũng bùn. Một cánh bướm xanh đang chấp chới lượn vòng tròn bên trên. Cô chợt kêu thất thanh:

- Đúng là ở chỗ này!

Sa lao xuống cầm cây hoa đặt sang một bên rồi lấy tay xắn bùn. Thành xuống theo, cánh thợ nghe được câu chuyện, thấy vậy cũng bảo nhau xuống hót bùn xắn đất...

Lễ được bày. Nhang được thắp. Rổ rá đã được mang ra để đãi bùn. Bộ hài cốt đã được tìm thấy hết.

Bao quanh hộp sọ là một vòng lụa đã đen đang mủn.

Lẫn trong đống xương là một chiếc hộp đồng nhỏ như bao diêm, bên trong là một trái tim bé xíu bằng thủy tinh có ép bức chân dung, mấy vết ố đen xung quanh, nhưng khuôn mặt chàng trai vẫn rõ nét với đôi mắt xanh biếc như nước biển, phía dưới là hàng chữ “Paul d’ Alzon”. Chính là bức chân dung Sa đã nhìn thấy ở nhà ông bà Jean!

Nhớ lại lúc bên Pháp, khi nhìn thấy bức chân dung Sa đã ngờ ngợ. Và ngay trong đêm ngủ ở gia đình Alzon, cô đã mơ thấy Paul đang ngồi khóc bên bờ sông Sương. Sa bảo có muốn về nhà không thì Paul gật đầu và càng khóc to hơn. Và Sa cũng khóc theo nức nở. Bà Jean nghe tiếng khóc trong đêm vội vàng vào lay Sa dậy. Sa choàng tỉnh, kể lại chuyện vừa gặp Paul đang ngồi khóc trên bờ sông...

Trước khi chia tay, ông bà Jean đã nắm chặt tay Sa: “Giấc mơ của con giống những giấc mơ của chúng tôi. Chúng tôi không thể cắt nghĩa được vì sao. Nhưng chúng tôi linh cảm rằng một ngày Paul sẽ trở về đây, về với những cánh đồng hoa oải hương như Paul vẫn từng về nhà trong những giấc mơ của chúng ta”…

Sa mở điện thoại, bấm số. Ngay sau tiếng chuông đầu tiên cụ già người Pháp đã bắt máy. Dường như cụ trực chờ cuộc gọi của Sa từ hôm chia tay tời giờ. Những câu thoại mừng tủi nghẹn ngào. Mắt Sa nhòe đi. Dòng sông Sương bồng bềnh trong nắng mai. Một cánh bướm xanh đang chấp chới trên thảm hoa bèo tây tím biếc. Chỉ ít hôm nữa thôi, cánh bướm kia sẽ vỗ cánh bay tìm về xứ sở hoa oải hương xa hút…

Tháng 7- 8/2014

N.T.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)