.HỒ HUY SƠN
1.
Thị nằm trên giường. Được một lúc thì có tiếng đẩy cửa. Tiếng khép cửa vang lên ngay sau đó. Thị mừng thầm. Vậy là hôm nay không bị ế sưng ế sỉa. Thị biết mình sắp hết tuổi băm, không còn hấp dẫn nữa. Dù thế, thị vẫn hi vọng dù đui què mẻ sứt nhưng mỗi ngày có một thượng đế nào đó đến với thị, để tối về lòng không buồn như trấu cắn.
Căn phòng bỗng trở nên im ắng như thể thượng đế vừa ghé vào, thấy hàng hết đát liền quày quả đi ra. Trong tích tắc, sự im ắng bị phá vỡ bởi tiếng bước chân loạt soạt. Tiếng bước chân có ở khắp nơi, thị hoàn toàn không định hướng được thượng đế đang ở đâu. Thị nhếch mép cười. Lũ thượng đế ấy mà, có tiền một chút là rửng mỡ, lại bày trò mèo này kia. Thị quá quen với những kiểu trò mà các thượng đế có thể nghĩ ra nên lần này thị mặc kệ. Mà thực ra thị cũng chẳng làm gì được, vì cái quyền của thượng đế bao giờ cũng cao hơn suy nghĩ của thị. Hơn nữa, nhiều thượng đế còn bo thêm cho thị vì những trò mèo ấy. Nên những lúc đó, với thị tốt nhất là nằm yên, lại được tiếng chiều thượng đế.
Tiếng bước chân dần dần tiến về phía thị. Rồi bất chợt cả thân người đổ ụp xuống giường. Thị giật mình. Chết, có lẽ nào hôm nay mình vớ phải một thượng đế là đệ tử Lưu Linh. Thị có hơi bấn loạn một chút. Rồi thị lấy bình tĩnh. Biết rằng dây dưa với những thượng đế kiểu này, có ngày phải bỏ nghề, đến cám cũng chẳng có mà ăn. Nhưng say hay tỉnh cũng là thượng đế!
Thị tự động viên mình rồi tiếp tục nằm im. Bàn tay thượng đế bắt đầu sờ soạng, tứ tán như trêu ngươi.
- Bố khỉ! Nhột bỏ mẹ!
Câu nói lạc lõng vang lên khiến y khựng sững, hai bàn tay trở nên thừa thãi trên người thị.
- Tôi… tôi xin lỗi…
Giọng nam trầm có chút rụt rè, lại có chút gì đó run run. Hơn nữa, luồng hơi thoát ra không hề có mùi rượu. Ắt hẳn không phải là đệ tử Lưu Linh. Tính giở trò mèo gì nữa rồi!
- Lỗi liếc gì! Rau này không còn là rau sạch. Anh giai có mần thì làm ơn nhanh giùm tôi, tôi còn phải kiếm cơm…
- Xin lỗi. Tôi… không nhìn thấy…
Thị ngạc nhiên:
- Là sao?
- Tôi… tôi… bị mù - y trả lời.
Suýt nữa thì thị bật hẳn người dậy. Nhưng, rất nhanh chóng thị tự trấn an mình, tiên sư, mắt mù thôi chứ cái ấy có mù đâu!
2.
Như thường lệ, ăn cơm chiều xong, thị giặm thêm chút phấn lên mặt, lên cổ, tô thêm một chút son môi rồi mới tới chỗ làm. Gọi là chỗ làm có vẻ hơi ưu ái cho thị nhưng kì thực cũng không biết phải gọi như thế nào vì nơi đó ngoài thị ra còn nhiều người khác cũng đang vật lộn với kế sinh nhai, không việc này thì việc nọ. Ai cũng phải lao động để sống.
Đó là một quán cà phê bình dân. Chỗ của thị là mấy gian phòng cấp bốn đằng sau. Ngoài thị ra, còn một số người khác, đa số đều trẻ hơn thị. Không ít lần thị chép miệng, kệ, nồi nào úp vung nấy. Bởi vậy, thượng đế của thị là những ông thợ hồ hay bốc vác xấu xấu bẩn bẩn, luôn có nhu cầu vì xa vợ quanh năm suốt tháng. Thỉnh thoảng, những lúc thiếu đào, thị gặp được những thượng đế nhìn cũng ra tấm ra miếng. Như vậy cũng an ủi thị nhiều lắm rồi!
Thị chấp nhận điều đó. Kiểu chấp nhận của một người biết người biết mình. Thì có hề gì. Ai cũng phải đi làm kiếm tiền vậy thôi. Kiếm nhiều tiêu nhiều. Còn như thị, khéo co thì ấm.
Việc y trở lại là điều mà thị đã nghĩ tới. Khi nghe tiếng bước chân loạt soạt, thị cười thầm trong bụng. Có thằng đàn ông nào lại ngán phở bao giờ!
Thị cảm thấy lòng khấp khởi khi có thêm một ngày không phải tay trắng về phòng. Ngoài lí do không còn hấp dẫn, còn một lí do khiến thị càng ngày càng ít khách. Đó là mỗi lần gặp thượng đế, chẳng cần biết họ như thế nào, thị cũng đều không cau có gắt gỏng thì cũng xoe xóe như xé vải. Thượng đế lấy làm điên tiết. Cái điên của thượng đế trút cả vào những cú thúc trời giáng, khiến thị đau nhói lên tận đỉnh đầu. Thị biết điều đó nhưng không có ý định thay đổi. Có lẽ vì vậy mà thượng đế buồn thượng đế bỏ đi. Lí do vô cùng đơn giản: hàng ngày thượng đế đã phải chịu trận bởi biết bao âm thanh chói óc. Thượng đế tìm đến thị là để giải quyết nhu cầu khác, chứ không phải để nghe thị xoe xóe như vậy.
Khác với lần trước, lần này y không còn luống cuống mà có gì đó bình tĩnh hơn. Và những thao tác cũng thành thục hơn.
Sự e dè của vị khách mới khiến thị thấy dịu lòng. Trong lúc bụng y và bụng thị đang dính chặt vào nhau, thị liền ghé vào tai y thì thào:
- Cái ấy của anh vậy mà cũng bặt nhỉ!
Nói xong, thị cười phá lên, còn y đơ ra không khác gì một vận động viên thể dục đang hít đất và bị dừng hình một cách đột ngột. Y ngớ người, chưa kịp nói gì thì tiếng thị đã lại rổn rảng:
- Bố khỉ! Hôm đầu hùng hục như trâu húc mả ấy, sao giờ lại đơ ra thế kia...
Y luống cuống trở lại vị thế của mình với những chuyển động lên xuống cùng những âm thanh đặc trưng chậm rãi vang lên. Được một lúc, giọng thị lại như một chiếc loa rè bất trị - phát tùy hứng bất kể lúc nào:
- Bố khỉ! Anh đi chơi gái bao nhiêu lần rồi?
Giống như lúc đầu, y dừng lại, ngập ngừng...
- Anh mà làm tôi mất hứng thì có bao nhiêu tiền cũng không đền được đâu…
Trong lúc y đang chưa biết phải dừng lại hay tiếp tục, bất ngờ thị vật ngửa y ra rồi chễm chệ trên người y giành thế chủ động. Y lớ ngớ đến mụ người trước trò chơi bất ngờ lần đầu trong đời.
3.
Không hiểu từ lúc nào thị bắt đầu có cảm giác chờ đợi y. Mối quan hệ giữa thị và y vẫn sòng phẳng trong bốn chữ “bóc bánh trả tiền” nhưng cái con người khổ sở, hiền lành như đất ấy tự nhiên lại khiến thị mủi lòng. Lâu rồi, chưa có gã đàn ông nào mang đến cho thị cảm giác này. Tuy nhiên, chờ đợi vì lí do gì chính bản thân thị cũng không rõ. Nhưng sự chờ đợi ấy cuối cùng đã có kết quả.
Thị như thấy tim mình đập rộn khi nghe tiếng bước chân loạt soạt quen thuộc. Cũng như mọi lần, y mở cửa rồi tìm đường tới chiếc giường nơi thị đang nằm. Cả hai ôm ghì lấy nhau như thể đã phải chờ đợi giây phút này từ lâu lắm. Thị không còn xoe xóe bên tai y mà thả mình trôi theo thứ mùi đặc trưng y mang tới. Thứ mùi ấy vừa có chút gì mằn mặn của mồ hôi lại có vị khen khét mùi nắng. Hầu hết thượng đế đến đây với thị, ai cũng ngầy ngật mồ hôi lẫn mùi cháy khét nhưng chưa có ai khiến thị phải mủi lòng như y.
Xong việc, cả y và thị cùng ngồi dậy, tựa lưng vào tường. Đến lúc này, thị mới trở lại chất giọng rổn rảng của mình:
- Này hỏi thật, sao anh biết chỗ này mà tới?
Y cười có phần ngượng ngập. Sao cái con người này, hỏi toàn những câu như bổ búa vào mặt người khác! Tránh không được mà cũng không biết phải trả lời thế nào. Y chỉ nghĩ vậy, không dám buột miệng, sợ phải nhận thêm những nhát búa sau đó.
Nơi y đứng bán vé số, còn một người nữa cũng đang bán bánh mì. Một hôm, Bánh Mì ghé tai y thì thào: “Này, cùng đàn ông với nhau tôi bảo... Có chỗ này hay lắm...”
Thấy y còn ngần ngừ, Bánh Mì tiếp tục: “Ông nghe người ta nói rồi đấy, âm dương có hòa hợp thì mọi thứ mới hanh thông được. Ông cũng nên tìm cách mà thông đi, đừng để nó vón cục lên, không hay đâu! Mà tôi hỏi thật, chưa vợ con gì nhưng đừng nói ông vẫn còn là giai tân đó nhé!”
Bánh Mì nói xong thì ngẩng mặt lên trời mà cười ha hả, không thèm để ý đến vẻ lúng túng của y. Không muốn thông tin của mình trôi qua một cách vô ích, Bánh Mì lại ghé vào tai y thêm một lần nữa: “Làm thằng đàn ông mà không biết đến chuyện ấy coi như là vứt. Chẳng qua chỗ bạn bè với nhau, tôi mới giới thiệu mối quen cho ông đấy!”
Sau một hồi im lặng nghe Bánh Mì thao thao bất tuyệt, y mới lên tiếng: “Mối quen của ông, chứ dạo này ông còn tới đó nữa không?” Bánh Mì cười khà: “Tôi cai rồi. Nộp thuế cho vợ còn chưa đủ, lấy đâu nữa mà nộp cho ai.” Nói xong, Bánh Mì trở nên trầm ngâm: “Hồi đó tôi có vợ, rồi sau này con bé ra đời, ốm o suốt ngày nên tiền làm ra chẳng đủ thuốc thang cho nó, còn tâm trí đâu mà nghĩ đến chuyện đó. Ông thì khác, sống một mình lâu lâu tới đó mà giải quyết, không nó bức bí lắm.”
Y quay sang thị khi đã kể xong:
- Cô còn nhớ Bánh Mì chứ?
- Phải thằng cha có khuôn mặt dài như lưỡi cày không? - Thay bằng trả lời, thị hỏi lại.
- Phải.
- Bố khỉ! Thằng cha chết dẫm ấy, nó trâu bò lắm. Mỗi lần đến đây, nó lại túm lấy tôi rồi dốc ngược xuống. Bố khỉ! Mỗi lần như thế, cái cổ tôi chỉ muốn gãy lìa khỏi đầu. Chóng hết cả mặt!
Không đợi y có phản ứng, thị quay sang hỏi:
- Thằng cha đó thế nào rồi?
Nhưng y không trả lời.
4.
Thị không nhớ lần này là lần thứ bao nhiêu y đến đây. Giống như lần trước, xong việc thị và y lại tựa lưng vào tường, cùng trò chuyện với nhau trước khi mỗi người đi mỗi ngả. Thị có phần bất ngờ lẫn nôn nao, bởi chưa có ai đến đây lại muốn trò chuyện với thị cả. Hầu hết những thượng đế tới đây chỉ muốn được giải quyết nhu cầu của giống đực, họ chẳng cần biết thị nghĩ gì, vui buồn ra sao. Xong việc lại đi, thậm chí chẳng bao giờ trở lại.
|
Minh họa: Vũ Đình Tuấn |
- Mà này, hôm trước anh bảo vẫn còn là giai tân cho đến khi đến đây à?
Y trở nên bối rối sau câu hỏi của thị.
- Ôi giời ơi! Thế là tôi mang tội với anh rồi à?
Thị buột miệng “Bố khỉ” rồi cười phá lên.
- Mà sao anh không lấy vợ đi?
Y thở dài:
- Giàu hai con mắt, còn tôi thì… Ai chịu lấy…
Thị nhìn y, lòng tự dưng nhói lên một niềm thương cảm. Thị hỏi, giọng đầy quan tâm:
- Anh bán vé số có đủ sống không?
Y trả lời:
- Cũng tạm. Tôi sống một mình nên dễ thôi mà, bán được nhiều thì có dư, còn không cũng đủ qua ngày.
Thị hỏi tiếp:
- Anh có tin vào chuyện trúng số không?
Y ngước mặt về phía thị nghe ngóng rồi chậm rãi:
- Đương nhiên không phải ai cũng trúng. Nó là lộc trời. Trời cho ai người nấy hưởng. Còn tôi, tôi đi bán niềm tin cho người ta mà không tin thì ai người ta mua cho mình!
Y tiếp tục:
- Mỗi ngày tôi vẫn giữ lại một tờ cho mình. Biết đâu một ngày nào đó trời thương…
- Vậy rồi anh đã bao giờ trúng chưa?
- Chưa.
Y trả lời rồi thở dài:
- Thực ra là rồi. Nhưng lần đó tôi bị người ta lừa.
- Sao thế? - Thị nhận ra giọng mình có phần hốt hoảng.
- Tôi đâu có thấy gì, nên phải nhờ người ta dò kết quả. Người ta bảo không trúng, tôi cũng tin là không trúng. Qua ngày hôm sau, có người bảo với tôi người ta vừa được trời cho lộc. Nhưng từ hôm đó, người ta đã biến mất.
Thị gằn giọng:
- Bố khỉ! Người ta tật nguyền như vậy mà còn nỡ. Thằng chết dẫm ấy là thằng nào, anh nói đi, tôi sẽ nhờ bọn đàn em đi tìm rồi tẩn cho nó một trận.
Y xua tay:
- Thôi, số mình chưa đến số hưởng. Coi như của đi thay người.
Nói rồi, y lôi trong túi áo ra một tờ vé số đưa cho thị.
- Tặng cô một tờ lấy lộc. Tờ này tôi vẫn chưa kịp dò đâu!
Thị ngạc nhiên:
- Mắc mớ gì tặng tôi? Anh đến đây bóc bánh, tôi lấy tiền. Sòng phẳng quá còn gì!
Y bảo:
- Cô cứ cầm lấy, nếu trúng tôi với cô... làm vợ chồng.
Thị cười, kiểu cười đặc trưng:
- Anh vẫn muốn lấy vợ thế à?
Y trầm ngâm một lúc rồi mới thủng thẳng:
- Vợ mà, ai không muốn lấy! Có một người san sẻ với mình, chờ đợi mình sau những buổi đi bán vé số về vẫn hơn là thui thủi một mình chứ. Rồi sau này có con, nghe chúng nó chành chọe nhau cũng vui tai lắm! Cô nghĩ coi, như vậy ai mà không mong!
Không nghe thị nói gì, y cười giòn rụm:
- Chỉ một tờ trúng giải đặc biệt, tha hồ để bắt đầu lại cuộc đời. Cô lấy tôi nhé!
Thị chợt thấy xôn xốn ở hai khóe mắt. Thị bặm môi, cố gắng không để tiếng nức nở bật ra.
5.
Trở về nhà, vừa đặt lưng xuống giường thị liền nghe những thanh âm ríu ran từ phòng bên. Phòng bên là tổ ấm của một cặp vợ chồng, đang là công nhân cho một công ti chế biến gỗ. Họ có một cậu con trai năm tuổi. Thị chỉ biết có vậy, hầu như chưa qua lại bao giờ. Một đôi lần đụng mặt nhau, không khó để nhận ra sự e dè của họ về thị nên từ đó, thị cũng chẳng để tâm đến phòng bên, chấp nhận thân phận ăn đêm, ngày ngủ - tối đi làm.
Nhưng chẳng hiểu sao hôm nay, những tiếng nói cười từ phòng bên cứ len lỏi vào tâm trí thị, khiến thị ngây người ra. “Hôm nay cu Bon muốn được nằm đâu?”, người bố hỏi. “Con muốn được nằm giữa”, tiếng thằng con vang lên ngay sau đó. “Nhưng chỗ đó là của bố rồi mà”, tiếng người bố. “Không. Con muốn nằm giữa cơ!” Thị tưởng tượng sau câu nói đó là một khuôn mặt phụng phịu rất dễ thương. “Thôi được, con cứ nằm giữa. Nhưng sáng mai, chỗ đó là của bố!” Người bố nói xong thì cười ha ha. “Thôi khuya rồi, hai bố con khẩn trương lên giường ngủ đi”, người mẹ bấy giờ mới lên tiếng…
Thị cứ nằm lặng trên giường, để mặc những âm thanh từ phòng bên dẫn dắt mình. Bất giác, thị nghĩ đến y, mường tượng lại nụ cười khi y nói với thị: “Cô lấy tôi nhé!” Rồi thị tủm tỉm cười. Tiếng chắt lưỡi của mấy con thạch sùng đang đeo bám trên tường không còn khiến thị cảm thấy não nề, mà trái lại thị cảm giác như đang có một dàn đồng ca cùng chia vui với mình.
Nếu mình đồng ý lấy y…, thị chợt nghĩ. Khi đó, thị và y cũng sẽ có một tổ ấm nhỏ xinh như vậy. Rồi những đứa con ra đời. Ban ngày, y sẽ đi bán vé số, còn thị, có thể thị sẽ bán cơm hay cà phê rồi đêm về cả nhà cùng xúm xa xúm xít, chành chọe nhau. Những tiếng cười tiếng nói bung vang khắp nhà, xua tan đi bao mệt mỏi của một ngày làm việc nhọc nhằn.
Mới chỉ nghĩ đến đó, lòng thị bỗng nhiên chộn rộn. Giờ thì thị đã hiểu điều mà y mong ước bấy lâu nay. Nhưng rồi thị sực tỉnh. Phải rồi, đời thị còn gì nữa đâu để mà chờ đợi. Đời thị đã nhơ nhuốc quá rồi, không còn xứng đáng với y nữa.
Giống như một con chim vừa sẩy chân khỏi thiên đường, thị nằm run rẩy, ôm về mình nỗi ê chề, cay đắng.
6.
Buổi sáng muộn của ngày hôm sau, như sực nhớ ra, thị lần hồi trong chiếc ví vứt chỏng chơ ở cuối giường, lấy ra tờ vé số cùng chiếc điện thoại đã bong tróc lớp sơn mạ ngoài. Thị thực hiện thao tác nhắn tin theo hướng dẫn ghi trên tờ vé số, rồi bấm phím gửi đi. Thị chưa bao giờ chơi vé số, cũng chưa bao giờ mang khát vọng đổi đời nhờ mấy tờ giấy đã được đánh số. Nhưng lần này, thị cảm thấy như mình vừa làm một việc phi thường - tự nhấc bổng mình vào một cuộc phiêu lưu đầy nghẹt thở, hoàn toàn không biết kết quả như thế nào.
Tin nhắn đã được gửi đi. Kể từ giây phút ấy, cảm giác hồi hộp choán ngập trong thị. Thị thấy mình không còn ở trên giường nữa mà đang lửng lơ ở đâu đó, giữa đất xám và trời xanh. Đến bây giờ thì thị đã hiểu, không phải ai mua vé số cũng trúng tỉ rưỡi nhưng chỉ những người mua vé số mới có được cảm giác giống như thị đang trải qua. Phấp phỏng. Căng thẳng. Chờ đợi. Hi vọng.
Đã từ lâu, thị sống mà không chờ đợi bất cứ điều gì. Có lẽ vì thế mà giây phút chờ kết quả từ tổng đài, thị thấy nó dài dằng dặc, tưởng chừng như vô tận. Lúc ruột gan thị bắt đầu nóng ran thì có tin nhắn trả về. Thị vội vàng cầm chặt chiếc điện thoại lên xem. Hết nhìn màn hình điện thoại, thị lại quay sang nhìn tờ vé số. Phải mất ba lần quay qua quay lại như vậy, thị mới dám chắc hai dãy số trùng khít nhau. Nhưng thị vẫn chưa dám tin tờ vé số trên tay mình đã trúng giải đặc biệt. Thị tưởng mình đang mơ giấc mơ dang dở của đêm qua, thị tự cấu vào tay mình để xác thực. Không! Thị đang tỉnh. Và giải đặc biệt là một giấc mơ có thật. Thị bỗng cảm thấy lạnh. Cái lạnh râm ran khắp người, nó làm thị êm ái, man mác. Tiếp theo đó là cảm giác vui mừng trào dâng trong lòng thị. Rồi thị nghĩ đến y. Y có vui mừng như vậy khi biết tin này? Đúng rồi, phải báo tin ngay cho y mới được! Dẫu gì đây cũng là tờ vé số mà y đã để dành; dù y bảo tặng lại cho thị nhưng thị biết mình chẳng có công cán gì cả, y mới là người xứng đáng được hưởng món tiền này.
Thị đón xe ôm ra ngã tư, nơi y bán vé số bao lâu nay. Thị chưa vội chạy tới mà đứng quan sát y từ xa. Dưới nắng trời vàng rỡ, y đang ngồi lặng lẽ, trên tay cầm xấp vé số chờ đợi dòng người qua lại trên đường, chờ đợi trong số đó sẽ có người ghé lại mua vé số cho mình. Trời chuyển dần sang trưa, nắng mỗi lúc một chói chang hơn. Gần mười phút trôi qua, dòng người cứ mải miết trôi đi, xấp vé số trên tay y vẫn còn nguyên. Thị khẽ thở dài.
Rất nhanh chóng, thị bừng tỉnh. Tờ vé số đang nằm gọn trong tay thị. Thị nhón chân, định chạy về phía y nhưng rồi lại khựng người. Một con người nào đó trong thị trỗi dậy, riết róng đòi cất lên tiếng nói. Một tỉ rưỡi! Thị run run khi nghĩ đến số tiền lớn như vậy. Thực sự đó là một số tiền lớn khủng khiếp. Đời thị cũng sẽ sang một trang mới khi có số tiền này. Thị thầm nghĩ, đời thị đã chó má lắm rồi, không lẽ thị cứ phải sống đến suốt đời như vậy. Rồi còn y nữa. Biết bao nhiêu người lành lặn còn chưa ăn thua, tại sao thị lại phải đèo bòng thêm một anh mù? Thị không nói, y làm sao biết được!
“Mình không nói, y làm sao biết được!” Ý nghĩ này lại lóe lên trong đầu thị. Thị định quay lui nhưng lúc nhìn lại y lần cuối cùng, cảm giác mủi lòng lại ùa đến. Trước mắt thị, y vẫn đang ngồi bất động, trên đầu đội chiếc mũ đã có vài chiếc lá sổ ra khỏi vành tre. Nắng hắt vào mặt y cùng những giọt mồ hôi nhễ nhại. Chốc chốc, một vài chiếc xe ngang qua, nhả khói lẫn bụi mịt mù. Người ta sáng mắt còn biết đường tránh, còn y ngồi đó lãnh cả. Nhìn thấy cảnh đó, thị không đành lòng quay bước.
Thị chậm rãi tiến về phía y. Khi chỉ còn cách vài bước chân, thị gọi:
- Anh Vinh! Anh Vinh ơi!
Nhận ra giọng thị, y quay sang tìm kiếm. Thị chạy tới, cầm chặt hai tay y, giọng vui như trẻ nhỏ:
- Trúng rồi. Giải đặc biệt anh ạ!
Trong khi y còn ngơ ngác vì chưa hiểu chuyện gì, thị liền giúi tờ vé số vào tay y:
- Đây này, tờ vé hôm qua ấy… Trúng giải đặc biệt rồi!
Y cầm lấy tờ vé số từ tay thị, khuôn mặt chuyển từ ngạc nhiên sang rạng ngời. Mân mê tờ vé số, nói như reo:
- Thật vậy sao… Đúng là ông trời có mắt!
Y trở nên phấn chấn hơn bao giờ hết:
- Có tờ vé số này, coi như chúng ta được đổi đời. Dẹp hết đi, giờ mình ra đại lí đổi tiền nhé?
Không có tiếng trả lời. Y lắng tai nghe, mãi cũng không thấy thị lên tiếng. Y bắt đầu hoảng hốt:
- Hạnh... Hạnh đâu rồi?
Lúc đó, thị đã lặng lẽ rời khỏi chỗ y và đang núp sau một gốc cây. Từ gốc cây, thị nhìn về phía y; càng nhìn thị càng thấy thương y hơn. Nhưng vì thương y nên thị phải đi. Bởi vì thị biết, y tuy mù nhưng là người tử tế. Còn như thị…
Thị chăm chú quan sát từng cử chỉ nhỏ của y. Y vẫn không ngừng réo gọi: “Hạnh. Đừng bỏ tôi!” Nhưng đáp lại lời y là tiếng còi xe inh ỏi bên tai. Y xoay mòng mòng bốn phía. Không có tín hiệu gì đáp trả. Y lại dò dẫm từng bước xuống đường.
Dưới trời nắng gắt, y lẫm chẫm từng bước không khác gì một đứa trẻ tập đi. Quay ngang. Quay dọc. Quay phải. Quay trái. Không ngó ngàng gì đến xung quanh. Kể cả từ đằng xa, một chiếc xe tải đang lao sầm sập về phía y.
“Quay lại đi!”, tiếng thị nghẹn lại.
Người tài xế không có vẻ gì là nhận ra y, vẫn để mặc chiếc xe lao đi một cách điên cuồng. Khoảng cách từ chiếc xe tới chỗ y đã được rút ngắn lại theo từng giây.
“Quay lại đi! Làm ơn mà…”, thị khẩn thiết.
Nhưng y đã không quay lại mà càng lúc càng tiến ra giữa đường. Một vài chiếc xe máy chạy qua vội vàng bẻ lái để không đâm sầm vào y.
Đầu xe tải đen ngòm với hai chiếc đèn màu trắng hai bên, trông như một đôi mắt đầy hung hãn. Thị rùng mình. Không nghĩ ngợi gì thêm, thị lao ra, xẹt ngang như một tia chớp rồi cả thị và y cùng lăn tới lề đường. Đúng lúc đó, chiếc xe tải cũng vừa sượt qua. Y ngơ ngác sau khoảnh khắc thoát hiểm, còn khuôn mặt thị thì trắng bệch, không còn một giọt máu.
Phải một lúc sau, thị mới đỡ y dậy, giọng trách móc: “Anh có biết là suýt chút nữa thì mất mạng rồi không? Sao mà anh dại dột thế!”. Y không nói gì, một tay nằm trong bàn tay thị, tay kia chống vào gối rồi từ từ đứng dậy.
Lúc nhìn thấy hai bàn tay y trống không, thị giật mình: “Tờ vé số đâu rồi?”.
Khuôn mặt thị dại ra. Thị cầm hai tay y rồi bắt đầu ngó nghiêng tứ phía nhưng tờ vé số biến mất như một bóng ma. Trái với vẻ hốt hoảng của thị, y lại điềm tĩnh đến kì lạ: “Có lẽ lúc bị ngã, tờ vé số đã bay rồi”. Nói xong, y chép miệng: “Thôi kệ, của đi thay người!”.
Thị ôm ghì lấy y rồi òa khóc nức nở. Thị dùng hai tay đấm vào lưng y: “Anh dại lắm!”
H.H.S