Xông nhà

Thứ Bảy, 17/02/2018 00:53
Truyện ngắn dự thi. ĐOÀN NGỌC HÀ
 
Quái, hay là mình nhầm? Nhầm là nhầm thế nào được. Vẫn con đường ấy. Số nhà ấy. Cái cổng tam quan xây kiểu cách. Cái lâu đài đường bệ ốp đá hoa cương đỏ. Đã bước qua tòa cổng chính, Hàn quay lại nhìn để củng cố thêm băn khoăn, nghi ngại của mình. Nhưng mà…lạ! Ngày tết mà vắng hoe. Một ông chủ lừng danh. Một bà chủ nữ hoàng. Hay ông bà ấy vào Nam ăn tết? Người ta không thể nhìn nhầm đến lần thứ hai, vì trước tết, người ta vẫn thấy họ xúng xính ra công viên nước, vào chợ hoa, đồ đệ luýnh quýnh mua bể đựng cá chép sắm sửa để cụ Công về trời. Với lại hai sáu tháng chạp thì “ bà đầm An Nam” vẫn còn bọc đùi trong trang phục thể thao đi ten nít thành phố. Lúc về, bà ấy đi qua hàng thịt, còn đứng lại nhìn đám lợn chín mọng, đỏ hồng được quảng cáo là ăn cám nhà quê, ai mua thịt tại chỗ, gói giò cho luôn. Chợt thấy bà, gã chủ râu thỏ khôn ngoan bế một con dâng lên bảo xin trình công nương! Bà mỉm cười bảo, gì mà trịnh trọng thế hả chú! Ấy chết, gã kia xoen xoét, bán hàng cho chị, em chỉ lấy cái mùi hương tay của chị sờ vào hàng là khoái rồi! Nói xong, gã ngã ra cười. Không cười, bà rút tiền bo khi con lợn tít ra tia phân không lấy gì làm thơm tho vào cái áo jacket màu tàn thuốc của gã một tia vàng óng nhầy nhẫy. “Chị thưởng cho chú chút đỉnh để hoan nghênh chú nghĩ ra cái mẹo kinh doanh tết xem chừng Tây lắm!”. Xong đâu đấy, bà đi thẳng sau khi dệt vào không khí một mùi hương sang trọng. Tính bà vẫn vậy. Hễ cảm tình với bất cứ ai, bà cũng bo kiểu ấy. Thích thì bo, thì thưởng, thế thôi mà.

Sau khi đã dọn sạch mọi ý nghĩ hồ đồ về việc ông bà chủ đi vắng, Hàn ráo hoảnh vào sân cảnh, lướt qua bồn cúc đại đóa Đà Lạt, đặt chân lên sảnh xây đúng theo kiểu tòa nghi lễ của các hoàng gia Châu Âu tiếp thượng khách. Hàn cố ý côm cốp giày để khẳng định ta đây là khách quen thuộc. Anh kia đứng lại, một gã bảo vệ đóng ghệt nâu, nai nịt khá đồ sộ, thò cái mũi chóp nhọn như người Ả Rập ra khỏi cổ áo măng tô đầy sụ cùng với ánh nhìn như chém. Thưa, tôi đi mừng tuổi, xông nhà ông bà chủ! Cái mũi Ả Rập nói trống không, thế thì đi ra, ngụ vào chỗ hải cẩu kia chờ chút nhé! Hàn rùng mình vì thằng đểu dám lưu mình ở chỗ đám chó Tây trong hộp sắt sơn vàng đang ông ổng khoe răng, cào vuốt.

Một lát nghe có tiếng ùm ùm, âm oang gì đó thoát ra từ lâu đài. Một thứ âm thanh hết sức kì lạ. Như có, như không. Chỉ dội lên một chút rồi tắt ngấm vào các ô cửa, vòm mái thăm thẳm. Chưa hết ngạc nhiên, Hàn lại thấy bật ra một cánh tay từ một ô cửa của gã Ả Rập vẫy rối rít. Hình như gã nhe răng cười. Cũng theo tay gã, Hàn đi vào tòa khách chờ. Hai ả lễ tân áo dài, lườn tua thướt tha đến đặt trà. Thưa, ông bà chủ có chút việc riêng, xin ông vui lòng thưởng trà, xem hoa chút xíu!

Đấy, lại dội lên cái tiếng gì u u oang oang ấy nhỉ? Với một lâu đài rộng, vòm mái đóng hộp, không khí chia cắt trong từng khoang kín, cái âm thanh ấy nghe huyền bí và đặc biệt sang trọng. Thư thả, Hàn duỗi chân, vặn vai. Thông tin Hàn đến, chắc ông bà chủ đã tiếp nhận, mới có chuyện lưu lại ngắm hoa, dùng trà. Chỉ ít phút nữa khi hộp gác mở, ông bà chủ sẽ hiện ra, rước Hàn lên lầu…

Hàn là “thợ xông nhà”. Nói thợ là nói một công việc cụ thể kèm việc nhặt tiền từ tay chủ. Thợ bằng mồ hôi cộng tiền. Với Hàn, lẽ đương nhiên chỉ phải đi một quãng đường ngắn, có khi rất ngắn, chủ vui vẻ như có thượng đế đến nhà, được chủ trịnh trọng mời vào rồi tíu tít cả nhà dọn cỗ, cất mũ, chỉ nơi đặt giày cẩn thận, xoa xuýt bằng hai tay khẩn khoản mời uống rượu, sau hết cái quan trọng là chủ nhân rón rén đặt tiền vào đĩa, nói thế này: “Năm mới gia đình tôi có cơi trầu mừng tuổi cậu!”. Đến lượt Hàn, ra vẻ ngần ngại gãi tai: “Vâng, xin cảm ơn! Lẽ ra chẳng nên như thế này, nhưng thịnh tình của gia đình, khó từ chối”. Xong đâu đấy, Hàn nhắp chút rượu lấy may, khà một cái ra vẻ hài lòng lắm, ăn lấy xóc bánh gọi là rồi đặt đũa chào chủ trong sự cảm tạ huyên náo. Riu riu, Hàn ra ngõ, xọc tay vào túi quần thấy lạo sạo những tiền là tiền.

Ấy, từ năm lên năm, lên sáu tuổi, Hàn đã có cái may mắn như thế. Hàn đi khắp các nhà trong họ rồi đi cả làng. Không mất một xu vốn mà xong Tết, năm nào mẹ Hàn cũng đổ tiền ra phản đếm rồi bảo bố Hàn: “Thằng cò nhà mình thế mà bợm, rõ bằng một vụ lúa cơ đấy!”. Hàn không hề nghĩ đến chuyện tiền nong làm gì, điều mà Hàn rất buồn cười cho người lớn hễ thấy tiền thì khú lên. Đi xông nhà với Hàn là thích được đi chơi, thích người lớn hằng ngày hặm họe trẻ con thế mà khi Hàn đến thì khúm núm, cung kính, lại còn vui vẻ, trìu mến Hàn. Cố nhiên là con trai mới được xông nhà. Riêng với Hàn, họ cưng nựng như vồ được của vì Hàn đến nhà nào thì nhà ấy phát tài phải biết. Dần dần, họ coi Hàn như một thứ ấu thần, khiếp chưa. Có khi bế bổng Hàn lên, các bà, các chị còn cái kiểu nhàu nhàu vào cái ấy của Hàn, hổn hển lên mà kêu giời về cái lộc trời quý hơn châu báu, năm mới vạn mớ lạy trời Phật cho con được hưởng một tí tẹo… Hàn không hiểu “lộc trời” là cái gì, chỉ biết “cái của Hàn” có thể khều vào túi các bà, các chị, tiền giúi vào chỗ ấy và giúi luôn vào cái “túi ba gang” của Hàn!

Giời phú lộc cho từng người. Càng lớn, Hàn càng được ăn lộc tợn. Hàn cao lộng và trắng trẻo. Riêng cái cổ khi đi khám nghĩa vụ, ông bác sĩ cười bảo, mã này ra trận chỉ tiện cho thằng giặc “sật” một cái, lính tráng cái khỉ gì, thôi về! Giữa đám đông, chưa thấy người đã thấy cổ, cái cổ trắng ngún ngó, ngơ ngác như một con ngỗng. Ấy thế mà Hàn có tài đàn. Hàn còn có cái duyên bắt hồn vía đàn bà phải biết. Cứ nghe Hàn “tính tính” là họ xúm lại. Hàn được tuyển vào chân kéo phông màn của phòng văn hóa du lịch huyện. Hiền lành như bột, thích nói bông phèng, tết đến thì đi xông nhà chơi. Xông nhà hiện đại mới là những chuyện kì bí không thể tưởng tượng nổi.
Ở nhà hàng Thủy Tiên, cứ gọi là nhà hàng bê thui không được à, mùi bê thui bay khắp các tỉnh đồng bằng hôm ấy bỗng rộn lên. “Bà đầm An Nam” kia kìa! Thấy chưa? Hàn quay ra. Một góc nhà hàng sáng lên với váy vung các kiểu, rầng rậc như sao cả một lượt, lướt tới y như một đám rước, y như một đám mây thơm phức, chuyển dần, uốn lượn đến đâu thì bọn đàn ông ngơ ngác đến đấy. Giời ạ, môi son đùi trắng rờn rờn, lời nói chim oanh trong vắt, mùi mắm tôm trộn tiếng Anh và tiếng ta, bê thui rơm rạ khói um lên. Nằm ở ngoại biên thành phố, một vùng đồng bằng, mênh mông là đồng bằng kéo đến tận dãy núi đá vôi lổng chổng như những cái nồi đồng phơi nắng, một vùng phùn phụt những đám khói màu cứt ngựa của những cột ống nhà máy xi măng, cơ khí, chế biến thép gỗ, chế biến thức ăn gia súc, hoa quả, đồ hộp… Chưa nói đến các công ti vừa và nhỏ, sớm chiều đùn đùn người xe, bầu vú đồng bằng hôi hổi, bầu vú đồng bằng căng nhức, nảy ra những ông chủ, bà chủ, bà gấu bông, cô ả bò sữa, ông chủ râu xồm cán thép, ông đầu mốc dê núi, gã đỏ mũi bê đồng bằng, bà đầm An Nam chủ siêu thị Nữ Quyền, kiêm nhà hàng thiết kế thời trang Âu Mĩ. Lại có cả một bà đầm An Nam nữa kia!

Đám phông màn văn hóa rúm ro lại vài ba anh. Cất cổ, Hàn ghé tai anh bạn, chim công đậu chỗ nào? Anh bạn, bà đầm An Nam ấy phỏng? Kia chứ đâu, váy ba tầng xanh nõn chuối, tầng nào cũng thêu trứng nhện, rõ mồn một, eo ơi, hết sảy luôn, không nói nữa! Hàn nhìn, rõ đến năm ả thêu trứng nhện, có giời mà biết ả nào vào ả nào. Đánh võng cổ, chép miệng Hàn bảo, ra cái mỡ tép gì, cũng chỉ là thứ các cụ bảo, vừa bằng cái thúng mà thủng hai đầu, bên Ta thì có bên Tàu thì không! Cả bọn vội vã lấy giấy lau bóp miệng không cho cười. Sau trận cười cố nén, họ gí mũi vào nhau: “Thị có gã chồng cực giỏi, tiến sĩ công nghệ cơ đấy!”. Một anh đệm: “Thông minh đã đành, gã còn uống no các mẹo luật marketing, có thể sánh vai với dân New York!”. “Sao bảo hắn điếc vợ?”. Một anh đấm xuống đùi kêu lên: “Vợ thế kia mà điếc thì phí quá!”. “Mẹ, tình nhỉ, khát đàn ông phải biết!”. “ Nàng khoa văn đại học tổng hợp kia đấy! Chàng câu được, biến nàng thành một con ong marketing!”.

Bỗng một mùi thơm rất lạ quấn lấy cổ Hàn, cái mùi thơm đu đưa nhấc mũi Hàn lên, đổ ập Hàn xuống đến là mê man. Một bàn tay đặt nhẹ lên vai, Hàn nhìn lên, có phải chú là Lê Công Hàn? Biết tiếng chú về việc mang sự may mắn, phúc lộc đến các gia đình trong ngày tết, chú giúp tôi được không? Hàn chỉ gật đầu rồi ngọng lưỡi không thể nói được câu nào cho lịch sự với “bà đầm An Nam” đang mỉm cười với anh. Chị ta đẹp mê hồn!. Vào dịp này, dịp áp tết, các đại gia đang “bổ vây” Hàn. Hàn phải “chạy sô” trong buổi sáng mồng một tết, thời khắc thiêng liêng nhất của một năm. Hàn từ chối nhiều chỗ nhưng với người đẹp này, anh bị lú luôn, nhận liều.
Một cuộc xông nhà bàng hoàng.

 
01 2018
Minh họa: Lê Anh Vân

Hàn có xe đón rung rinh như một vị thủ tướng. Hàn ngồi cạnh người đàn bà đẹp, da thịt mọng như trứng. Hàn không thể tưởng tượng nổi khi anh cưỡi con Range đen nhánh ba tỉ đến đặt gót xuống sân lầu bà hoàng An Nam. Anh chồng ra đón. Hàn giật mình. Người đàn ông như trời trồng, khuôn mặt tròn như một quả cầu đỏ lựng, đầy ắp hai ụ má, má tràn ngập có nguy cơ lấp mất cái mũi tẹt, má trèo lên trán toan vùi phăng cả hai con mắt ti hí, xong đâu đấy, nó rùng rùng bên cái mép còn lại đang nhếch nhếch như muốn nói một câu gì. Chị vợ nắm tay Hàn nói líu ríu. Quả thật, anh chồng là một con khủng long không đuôi, còn vợ thì như một thứ chim công yểu điệu. Tạo hóa thế mới ác! Người ta đồn đại chị là một “bà đầm An Nam” có lẽ ở các mốt váy thời thượng, ở phong thái cởi mở, bạo bén và đặc biệt ở khuôn mặt phụ nữ rất Việt, hoàn toàn trái xoan, căng như một giọt mật lóng lánh, cặp môi trinh bạch, lúc nào cũng như phảng phất một nụ cười vừa dịu dàng vừa đài các. Chưa bao giờ Hàn gặp một người đàn bà có sức hấp dẫn dường này. Chị nói rất tình, chú đến xông nhà thôi ư, cùng với điều đó là một hạnh phúc ngày đầu năm mới, chị được tiếp kiến một đàn ông! Hàn lặng nhìn. Người đàn ông ngồi đối diện Hàn vẫn ngửa mặt lẩm nhẩm một điều gì. Chị cười, chú ạ, anh ấy nhà tôi đang tính lãi suất, đang hạch toán! Khôn ngoan, Hàn đu đưa, cái đó vô hại, chị ạ, anh quả là một nhà kinh doanh có hạng. Người vợ cúi mặt rót nước. Một nhà kinh doanh chứ không phải là một đàn ông hả chú? Thông điệp đầy ắp trong một câu nói dịu dàng, nhuốm chút giễu cợt. Nói xong câu ấy, chị kín đáo bẹo vào sườn anh chồng. Có khách lại là khách xông nhà, chúc cho nhà ta năm nay thịnh vượng, xí nghiệp của anh tăng trưởng! Bấy giờ, anh chồng mới gật gật nhìn khách. Lại một cái bẹo khẽ khàng y như một động tác bấm nút, anh cảm ơn chú ấy đi chứ! Cái đầu gật gật ngừng lại nhường cho ánh mắt tươi tắn thay thế. Chị vợ lấy rượu đặt vào tay chồng và tay khách. Nào, năm mới chúc hạnh phúc, chú Hàn ơi,“rừng núi dang tay… anh em ta về… gặp nhau mừng như bão cát, quay cuồng… bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam!...” .Chị đứng lên chạm chén, lắc mông, hát rõ hay rồi bảo Hàn, chú đưa bàn tay tôi nắm, xong lại bẹo chồng, bắt tay cảm ơn khách đi anh! Anh chồng khẽ nhúc nhích khối thịt rồi vất ra một bàn tay khổng lồ cho Hàn nắm.

Hàn trở thành khách xông nhà hàng năm của chị Kim Thành, bà đầm An Nam ấy. Cả anh và chị đều coi Hàn như một sứ thần. Có hôm gặp giữa đường, anh xuống xe, cúi bắt tay Hàn rồi vái lấy mấy vái, xong mới lên xe. Năm xông nhà đầu tiên, không cần hạch toán, Hàn cũng đem lại cho gia đình người đàn bà ấy hàng chục tỉ đồng bởi anh Hoàng Hân, chồng chị đã trở thành ông giám đốc Hoàng của một nhà máy xi măng lừng lẫy, một nhà máy sản xuất theo dây chuyền hiện đại, lãi suất tót vời làm kinh động cả giới kinh doanh. Cũng năm ấy, cậu con trai duy nhất của anh chị đậu Đại học Nhân văn.

Khỏi phải nói anh chị mừng biết chừng nào. Chị thưởng cho Hàn một cái máy ảnh loại sang và hứa sẽ xây nhà cho Hàn. Hàn xua tay không nhận thêm bất cứ một thứ gì. Đã bảo việc Hàn đi xông nhà chỉ là một cuộc chơi. Hàn thích du ngoạn, thích đi vào cái thăm thẳm của cõi người. Hàn không tin lắm vào cái thiên bẩm sứ thần thiêng liêng của mình, Hàn chỉ thấy cái đó đã đem lại cho Hàn biết bao ngẫm ngợi về cái thế cục “của nuốt người” bây giờ đang chềnh ềnh ra khắp thiên hạ.

Một lần, chị Kim Thành điện cho Hàn, giọng lạc đi run rẩy. Chú đến ngay nhé, chị buồn lắm. Ở nhà khách, Hàn chưa kịp ngồi, chị đã thê thiết. Chú Hàn ơi, chị chết mất, chị điên đầu lên đây này, bây giờ chú tính sao cho chị với. Hàn sửng sốt, không sao đâu chị ạ, hệ internet vừa truyền đi cuộc tiếp kiến của anh, một doanh nhân thành đạt Việt Nam với các đối tác ở năm vương quốc! Chị ngậm ngùi, vẫn biết nhưng chính cái đó, cái vinh quang hào nhoáng ấy nó nuốt mất chồng chị. Anh ấy rồi sẽ trở thành một thứ rôbốt! Bây giờ, con người anh ấy đã khác lắm, không còn như mấy năm trước đâu. Hầu như không có lúc nào anh ấy được thư thới, nghỉ ngơi, cảm giác gia đình, cảm giác vợ con, bạn bè tê liệt hết. Chị khuyên giải thế nào anh cũng không nghe. Động một tí là anh ấy sừng sộ y chang một người điên. Cô có còn để tôi làm ăn hay thôi! Không! Vấn đề làm ăn và vấn đề hạnh phúc là một chứ chú. Anh ấy còn ca Mĩ, cái gì cũng Mĩ, ừ anh ấy theo phong cách Mĩ quốc chứ gì? Mĩ quốc, cái xứ sở tít mù, họ giàu có, nọ kia không biết, nhưng chính họ cũng đang cảm thấy tiếc vì mất đi nhiều quá. Họ lao động như điên để trở thành một ông vua dầu lửa, ông vua xe hơi. Họ ăn nhanh, tính toán nhanh, ăn đồ khô, hàng triệu người Mĩ nhai đồ khô, đồ hộp, đồ lạnh, thiêu đốt mọi cảm giác sống trời phú, ruồng bỏ mọi vẻ đẹp tươi tắn của đời sống. Hỏi để làm gì? Tôi chẳng học văn chương được mấy nhưng tôi nghĩ cái để cứu nhân loại lúc này là văn chương chú ạ! Ngày mới lấy nhau, vợ chồng tôi có cái thú đọc tiểu thuyết. Tiểu thuyết là một thế giới tuyệt trần. Bây giờ anh ấy bảo không cần quan tâm đến cái thứ vô vị và buồn cười ấy! Chú Hàn này, có lúc tôi nghĩ có lẽ tôi phải chia tay với ông ấy! Tôi kệ xác ông ấy thôi, nhưng còn thằng con tôi, ông ấy đang định rút nó ra khỏi Đại học Nhân văn ném nó vào cái lò ghiền tim người thì tôi không chịu được…

Lần này, Hàn đến xông nhà cho anh chị như một việc nghĩa, không cần thỉnh cầu, không cần báo trước. Lâu quá, dễ đến một tiếng, Hàn ngần ngại xem đồng hồ. Nếu không phải kiêng cữ ngày đầu năm xuất hành thì Hàn đã quay gót. Anh mũi Ả Rập vẫn kì cạch gì đó dưới nhà xe. Hàn quyết định nhấn nút điện lên tầng năm. Phòng khách mở. Giời đất! Thoáng nhìn, Hàn đã co cẳng chạy. Anh Hoàng Hân! Không thể là con người khác. Nhưng hôm nay sao trông anh như một viên tướng trận? Cả khổ người ềnh oàng của anh dềnh lên những tảng thịt trương căng, nghiêng ngả, đôi tay trần tua ra từ vạt gilê nổ bùng như hai trái bưởi ngúc ngắc. Tảng đầu ngật ngật, lay lổ cùng với tiếng gầm rung chuyển căn lầu. Phía bên trong, tiếng chị Kim Thành xen tiếng nấc. Bây giờ thì Hàn đã hiểu ra cái âm oang, huyền bí của căn lầu lúc nãy. Anh hiểu cuộc đụng độ tất yếu của một anh chồng bị tiền quyền gặm mất tim với một cô vợ, con suối của thượng đế. Tiếng đổ vỡ càng khủng khiếp. Anh chồng đã vọt ra cửa. Chỉ trong giây lát, cánh gia nhân ùa cả lên ban công tầng năm. Đám người dạt ra rồi bâu lại. Tiếng kêu thất thanh. Ông ấy nhảy lầu! Cứu! Cứu! Con khủng long bị tóm cẳng. Nó đạp giãy. Nó muốn xổng lầu. Nó đã ra đến lan can. Nó đã thò cái đầu to tướng vào không trung. Cứu! Cứu! Sức mạnh của đám gia nhân đã quật sấp con khủng long và đè lên nó. Nó ằng ặc giãy. Phải năm người ngồi mới đè kín cái mông của nó, cái mông hiện đại.

Thì Hàn xuất hiện. Ối chú Hàn! Chú Hàn! Chị Kim Thành kêu lên. Như một phép thần, mọi người giãn ra. Tất cả trở lại yên tĩnh. Đình chiến. Chỉ lát sau đám gia nhân đã dìu anh vào phòng khách và bay biến hết. Như một pho tượng đắp nổi, anh Hoàng Hân ngồi. Anh ngồi để hồn vía dần dần thu lại. Anh ngơ ngác. Anh gặn gọc cái đầu. Anh mở to con mắt rồi anh nhắm lại, gụi đầu vào vai. Anh như người vừa đi đâu về. Anh lạc đi đâu? Anh đang ở đâu? Vợ anh kia. Thế gian… Bây giờ thì con mắt Hoàng Hân đã lâm râm, mấp máy. Hình như anh muốn nói một điều gì. Anh đưa tay cho Hàn bắt và gục đầu yên lặng trên cánh tay Hàn rất lâu. Đột nhiên, Hàn thấy thương anh. Chị Kim Thành tiễn khách xuống lầu. Chị đi bên Hàn. Khi qua một hành lang khuất, chị kín đáo đi sát Hàn, sát đến nỗi Hàn không thể bước được, bàn tay chị mênh mông và ấm áp. Hàn ngộp thở… Hàn nhớ lại cái cảm giác ngày nhỏ thường được các bà, các chị bế bổng hôn hít và “nhàu nhàu”.

Tầng trệt, đám gia nhân chúc tụng năm mới. Rất rôm rả. Họ ra cửa, cúi bắt tay Hàn. Ai nấy suýt xoa nể phục. Anh mũi Ả Rập nghiêng ngả giữa cánh lái xe. Hàn nghe được một câu của anh: “Cha bố thiên hạ cứ khinh thường các cụ ngày trước. Các cụ nghĩ ra cái mẹo xông nhà hót thật! Xông nhà chính là giữ nhà, giữ nếp nhà đấy chứ. A hà hà…”.

Hàn bước ra sân trong thứ ánh sáng mềm như lụa của một ngày đầu xuân mới. Lại một đám gia nhân côm cốp đi ra. Hú vía! Anh phải bước nhanh vì hương người đẹp vẫn còn quấn lấy cổ.
 
Đ.N.H

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)