.VĂN THÀNH LÊ
1.
Mặt trời lặn sau núi Khan. Nhanh như thể bị sẩy chân thụt xuống hố. Nhưng vẫn kịp phả lại nền trời khoảng loang lổ màu đỏ ối.
Lạc ngồi đấy. Dưới chân cầu. Cây cầu dài nhất khu vực miền Đông. Mắt hết trân trân nhìn lên cầu lại hướng ra sông. Ánh nhìn lúc như dung nạp tất cả, lúc lại như chẳng thấy gì, bất lực. Hôm nay dòng người đổ về đảo Lơn Song nhiều không kể xiết. Nườm nượp. Ô tô. Xe máy. Xe đạp. Xe lớn. Xe nhỏ. Xe vừa vừa. Xe công. Xe tư. Biển số xanh. Biển số trắng. Cả xe mới mua đang chờ biển số hoặc cũ rích biển số rơi đâu không rõ. Hết thảy vàng thau lẫn lộn, lắc lư, khi nối đuôi nhau, khi chen lên tụt xuống, qua cầu.
Sáng mai sẽ chính thức vào lễ hội vía(1) Ông.
Năm nào cũng vậy, hàng chục nghìn người từ khắp các tỉnh miền Đông miền Tây về với Lơn Song, về với Nhà Dài, để kỉnh(2) Ông, cầu an cầu lộc. Trước đây, khi chưa có cầu, mỗi lần vào dịp này, Lạc chạy ghe chở khách đến phát mệt. Ngày thường mỗi Lạc với cửa sông, hun hút gió từ tờ mờ sáng đến mịt mù tối. Vào đợt lễ, cả đảo có bao nhiêu ghe đánh bắt hải sản gần bờ đều được huy động về làm dịch vụ đón du khách. Ghe lớn ghe bé nổ bành bành tè tè náo nhiệt khu cửa sông. Vang vọng ngày trước qua ngày sau. Như thương cảng sầm uất.
Từ năm nay thì hết rồi. Hết cảnh trên bến dưới ghe. Cầu vừa kịp khánh thành chưa lâu, nối một mạch từ quốc lộ ra đảo. Người qua lại ào cái như gió. Lạc thôi nghề chạy ghe chở khách. Nhưng cả ngày Lạc vẫn ngồi ở đấy, bến ghe cũ, dưới chân cầu, hết nhìn lên lại nhìn ngang sang bờ bên kia. Tay không thôi mân mê dây chuyền bạc có hình đầu sư tử được khắc tinh xảo, kiểu cách đặc biệt, như thể đặt làm riêng, không thể lẫn với bất kì dây bạc nào khác. Tháo ra rồi đeo vào. Đeo vào lại tháo ra. Không biết bao nhiêu lần. Hi vọng rồi thất vọng. Thất vọng lại hi vọng. Cảm giác ấy cứ chập chờn, lóe lên và vụt tắt trong Lạc, hòa theo dòng người về với Lơn Song.
Đúng lúc Lạc chuẩn bị đứng lên về thì có tiếng hô cứu người nhảy cầu tự tử. Vài xe máy dừng lại trên thành cầu. Mỗi lúc một nhiều. Nhưng trong số ấy không ai là hậu duệ của Yết Kiêu, chỉ đứng lại vì tò mò. Lạc nhanh chân, chạy qua giật vội ghe trong tay một chủ vựa nuôi cá lồng bè gần đấy, sầm sập lao ra.
2.
Nhìn trên bản đồ, Lơn Song như bàn chân già nua của người mẹ Giao Chỉ đang bước từ biển vào đất liền. Nơi ngón chân cái tõe ra chính là bến ghe, giờ nằm dưới chân cầu. Không hiểu ông Tạo nghịch đất ở đâu mà quẳng ra biển tảng đất to tổ chảng với hình thù như vậy. Một nửa Lơn Song hướng ra biển. Nửa còn lại tựa vào cửa sông. Bốn bề mênh mông nước. Bên mặn bên lợ. Nên gọi là đảo, chứ chẳng phải đảo kiểu xa xôi giữa biển khơi trời xanh nước xanh không thấy đâu là bờ như định nghĩa trong sách vở.
Cách nay hơn trăm năm, Lơn Song còn là vùng đất hoang vu, nửa dấu chân người cũng chưa có. Hoàn toàn âm âm u u với rừng đước chằng chịt phía cửa sông và cây cối nguyên sinh, muông thú quần tụ kéo dài từ chân đảo sình lầy nhiễm mặn lên điểm cao nhất là đỉnh núi Khan sỏi đá khô cằn. Thời ấy, dân cư thưa thớt, đất liền trù phú mênh mông, người Pháp không buồn để ý đến hòn đảo nhỏ nhô lên nơi cửa sông. Ông tham gia khởi nghĩa kháng Pháp ở tận xứ miền Tây. Lúc mới manh nha, chỉ có lòng thù hận là chủ yếu, nên súng Tây nhanh chóng đè bẹp những vũ khí thô sơ của nghĩa quân. Tướng, quân tan tác. Xẻ nghé tan đàn. Mỗi người tự tìm đường dạt đi một hướng lánh nạn. Ông và vài anh em cùng bầu đàn thê tử đóng ghe vượt biển lên vùng này. Ban đầu xin tá túc trong đất liền. Hành nghề bốc thuốc, làm muối, đánh bắt hải sản. Thấy Ông làm ăn được, có uy tín với cộng đồng xung quanh, nhà cầm quyền Pháp bắt đầu để ý. Để an toàn, Ông xin ra đảo khai khẩn. Người Pháp nghĩ ở đảo hoang có sống được cũng vàng mắt, nên đồng ý.
Ban ngày Ông hướng dẫn mọi người làm muối, đánh bắt hải sản, trồng lúa. Đêm đêm Ông kể chuyện, khuyên răn con cháu làm điều tốt bằng những tuồng cũ tích xưa. Chẳng sách vở. Không kinh kệ. Chẳng kiêng kị. Không ăn chay. Chỉ có lời dạy của Ông được truyền miệng lại trong bá tánh. Dần dần Ông cho xây Nhà Dài, xây nơi thờ tự, xây chợ, xây trường học, xây nhà hội họp, xây nhà cho bá tánh ở. Cả một quần thể tòa ngang dãy dọc đan xen, kết nối, có kiến trúc tinh tế nhưng vẫn thể hiện được tinh thần gần gũi với thiên nhiên, với cộng đồng. Nghe nơi đâu mất mùa, bão lũ, Ông lại ra tay cứu trợ. Ai sa cơ lỡ vận xin qua đảo Ông cũng gật đầu, dựng nhà cho ở, cấp đất cho làm ăn. Bởi vậy Lơn Song ngày càng nhiều người về sinh sống. Khi Ông mất, con cháu theo lời Ông, hằng năm kỉnh Ông đơn giản kiểu nhà ăn gì thì kỉnh Ông như vậy, quan trọng là lòng thành.
Ông không xưng danh xưng đạo. Nhưng bao điều Ông răn dạy con cháu và bá tánh trên đảo vẫn lưu truyền, theo nếp đến nay. Con cháu gọi đấy là đạo Ông. Đạo và đời pha trộn, hòa quyện vào nhau, hồn nhiên, đậm tính nhập thế. Con cháu sống yêu thương đùm bọc. Theo thời gian, Lơn Song trù phú hơn, nhưng luôn giữ được vẻ thanh bình, nhẹ nhàng nơi cửa sông đầu con sóng đầu ngọn gió.
Ông nào biết, nơi đây, mảnh đất Ông chọn để lập nghiệp sinh cơ, sau này lại là nơi chứng kiến bao nhiêu chuyện nóng lạnh của lòng người và thời cuộc.
3.
Thơ nói, nhiều lúc anh như người trên trời. Vậy sao mà sống được. Lạc nghe vậy. Khẽ cười. Chỉ cười thôi. Chẳng biết nói sao nữa. Thời nào rồi mà anh còn ru rú ôm lấy cửa sông. Người ta làm ăn ầm ầm, thiếu điều đi du lịch ra ngoài vũ trụ hết rồi mà anh vẫn qua lại hai bờ sông. Anh không thấy nhàm chán và tẻ nhạt à?
Thơ ơi là Thơ. Thơ biết tại sao rồi mà. Sao Thơ cứ phải xoáy Lạc như vậy? Lạc cũng muốn tung tẩy vẫy vùng lắm chứ. Con trai mà. Nhìn đám trai đảo theo thuyền lớn đi biển dài ngày, hay mang ba lô đi về phía phố, lòng Lạc vẫn thường cuộn lên đấy Thơ ạ. Nhưng Lạc không đi được. Hơn một lần Lạc nói với Thơ còn gì. Thơ chả sụt sùi thổn thức sẻ chia an ủi động viên Lạc đấy thôi. Sao Thơ quên nhanh thế. Sao Thơ cứ nhìn người ta rồi lại quên hết mọi chuyện, rồi lại cuống cuồng lên thế?
Lạc muốn ở đây. Bên cửa sông hun hút gió này. Lạc đinh ninh có ngày mọi người sẽ trở về. Gần lắm. Đằng đẵng bao năm rồi. Lạc sẽ còn chạy ghe chở khách qua sông. Ít nhất là cho đến ngày đón mọi người tìm về. Sợi dây máu mủ ruột rà bị cắt lìa bao nhiêu năm níu Lạc ở lại bên cửa sông. Phải có ai đó về chứ. Dây bạc Lạc vẫn giữ khư khư trong mình đây mà. Hình đầu sư tử ở dây bạc lạ lắm, như đang gầm, như nhắc nhớ.
Thơ biết. Thơ hiểu. Chỉ tại thấy Lạc bi lụy quá, tâm tính treo nơi cửa sông hay đâu đó, nhiều lúc chẳng đoái hoài gì đến Thơ nên lâu lâu Thơ lại phát cáu lên, như muốn khẳng định còn có mình ở bên Lạc. Sao anh cứ phải thế. Còn duyên còn nợ thì còn gặp. Anh có ở đâu cũng không thoát được. Phải. Không thoát được. Nhưng Lạc không muốn lạc thêm lần nữa. Ở cửa sông, chạy ghe là cách nhanh nhất để có thể hội ngộ, nếu như có ngày ấy.
Từ khi biết và ý thức được thân phận của mình, Lạc luôn đau đáu những nghĩ suy về gia đình. Theo những lời kể của bố mẹ nuôi, của người dân xã đảo. Rằng bố Lạc thế này. Rằng mẹ Lạc thế kia. Rằng anh chị Lạc thế kìa. Chập chờn ma mị hình ảnh bố mẹ anh chị trong những giấc mơ hoang hoải hằng đêm dọc dài suốt quãng tuổi thơ Lạc cho đến giờ.
Thi thoảng đảo Lơn Song lại rộ lên tin Việt kiều về tìm con. Con Phao trên xóm Lưới. Thằng Chì xóm Chài. Chị Mực ở bến Cá. Anh Đường ở bến Muối… Những anh chị nhiều hơn Lạc một hai tuổi, hoặc những đứa bằng vai phải lứa đều từng có thời còn cởi truồng câu cá hay ăn hôi mỗi lần nhà nào đó tháo đùng(3), đánh nhau chí chóe, khóc rầm trời mếu máo nói, mày nhớ mặt nhé, khi nào bố mẹ tao về có gì cũng không chia phần cho mày. Đứa nào cũng nuôi một niềm tin mãnh liệt, rằng kiểu gì rồi bố mẹ hoặc người thân sẽ về, rồi đời chúng sẽ khác, sung sướng hơn nhiều nhiều. Lạc cũng nuôi, cũng ấp ủ. Mãi chẳng thấy đâu. Trong khi con Phao, thằng Chì, chị Mực, anh Đường… đã có người thân về tìm.
Việt kiều nhiều tiền lắm. Chẳng biết bên ấy sung sướng hay cũng đổ mồ hôi sôi nước mắt thế nào, chứ về Lơn Song đô la quy ra tiền Việt có thể vung tay thả cửa. Việt kiều cảm ơn và hậu tạ gia đình đã nuôi con cháu mình. Cho tiền làm nhà, cho tiền mua ghe mua đùng để làm ăn. Từ công dân xã đảo vùng sâu vùng xa, bỗng chốc có đứa được đưa qua Mĩ qua Úc qua Pháp. Ở trên trời ngắm mây bay vài chục tiếng đồng hồ, xuống đất thành công dân xứ người, văn minh hết biết. Nếu còn vương vấn hay mắc mớ gì đó chưa đi thì con nhận mẹ, bố nhận con, tháng tháng có đô la gửi về.
Hồi ấy Lạc thấy cảnh chị Mực, anh Đường, con Phao, thằng Chì… mà không khỏi thèm thuồng. Một tấc lên đến trời. Giờ Lạc không còn nghĩ đến giấc mơ đổi đời ấy nữa. Chỉ cần gặp người thân thôi. Sướng khổ bần hàn gì cũng được. Như Ông đấy. Một đời thanh bần. Hai phần ba dân đảo theo đạo Ông, ai ai cũng quần áo bà ba đen, đi chân đất, tóc búi củ hành, sống đời nhẹ nhàng với cỏ cây sông nước biển cả, xa lạ với việc xô bồ bon chen lợi lộc, mà vẫn tốt đấy thôi.
4.
Trước đây, vùng cửa sông quanh đảo Lơn Song là nơi quy tụ những con người mang giấc mơ tìm đường sang miền đất hứa phía bên kia bán cầu. Dân khắp các tỉnh miền Đông đổ về. Rì rầm trong vòng bí mật. Những ghe lớn ghe nhỏ được che chắn, ngụy trang, nằm sâu trong các kênh rạch bạt ngàn màu xanh của đước. Tối tối bấp bênh chập chờn rẽ màn đêm đen kịt lao ra biển.
Chỉ cần đến phao số 0 là có tàu lớn của ủy ban cứu vớt người tị nạn đón. Sẽ được đưa vào các trại tị nạn ở Xiêm La, Phi Luật Tân, Mã Lai, Hương Cảng... Sau đấy thì qua định cư ở Mĩ Lợi Kiên hợp chủng quốc, Pháp Lan Tây, Đức Ý Chí, Bỉ Lợi Thời, Tân Tây Lan, Úc Đại Lợi… Thích ở đâu thì ở. Ở đâu cũng chỉ việc sung sướng thôi. Không phải lo nghĩ gì nữa. Những tên mối lái móc ngoặc đưa người đi bảo thế. Người ta tin thế. Cầu Chúa mãi rồi, chẳng thấy thiên đường đâu. Trong khi, theo tin truyền miệng nói, cứ ra hết biển Đông là gặp thiên đường trên mặt đất, thì ai chẳng háo hức.
Bao nhiêu của chìm của nổi đều được bán thốc bán tháo rồi quy ra đô la, quy ra vàng dắt quanh người tìm đường về cửa sông đảo Lơn Song để kiếm người đưa đi. Lâu lâu cư dân trên đảo và quanh vùng lại xôn xao có đợt càn quét, bắt bớ của chính quyền đối với những người muốn bỏ đất mẹ. Lâu lâu lại ồn ào khi thấy có xác người chết, mảnh vỡ của ghe trôi dạt vào đảo. Lâu lâu lại thấy người của chính quyền dẫn đoàn người lếch thếch vừa mãn hạn tù sang đảo, cho khai hoang lập ấp ở phía bên kia núi Khan.
Chính trong những đợt nhiều người sục sôi tìm đường đi thuở ấy, Lạc có thêm người cha thứ hai, một cư dân theo đạo Ông. Đứa trẻ nào ra đi cũng được ông bà hoặc người lớn còn ở lại nhổ nước bọt xoa lên đầu để làm dấu, lớn lên biết đường nhớ về nguồn cội, bản quán quê hương. Lạc ở lại vẫn được bố mẹ xoa nước bọt khắp đầu. Bảy tháng tuổi, trên người độc manh vải thô, với sợi dây bạc đeo ở cổ. Lạc chỉ biết ngằn ngặt khóc, vì xa hơi bố hơi mẹ. Lạc thành người của xứ đạo Ông trên đảo.
Bố mẹ đặt tên là An Lạc. Thế mà lớn lên Lạc lại cứ nghĩ “lạc” theo cái nghĩa thất lạc, lạc đời, lạc thời, lầm lạc…
5.
Ngày vía Ông, kỉnh Ông xong, con cháu và bá tánh quây quần thụ lộc Ông trong Nhà Dài. Không phân biệt mâm trên mâm dưới. Người sang kẻ hèn. Người giàu kẻ khó. Tất cả đều như nhau. Sau đó đoàn người dẫn nhau lên núi Khan, theo tập tục từ thời Ông để lại, cầu mưa thuận gió hòa.
Các cụ trong ban Kỳ Lão Nhà Dài đi trước. Cụ nào râu tóc cũng bạc trắng, chòm râu bay bay theo gió từ biển thổi vào, nhưng chân hãy còn mạnh, bước những bước đều, chắc nịch, thoăn thoắt. Theo sau là gái trai lớn bé, trong đạo ngoài đảo, nô đùa chạy nhảy xôm tụ. Tiếng vang khắp đảo, văng vẳng ra phía biển xa xa… Đi sau cùng, thường là cặp vợ chồng nào đó, vợ mang bầu, chồng dìu vợ đi. Người vợ cố gắng đi đến một phần tư núi thì sau chín tháng mười ngày sinh con rất dễ, mẹ tròn con vuông mà chẳng cần dao kéo gì. Ai cũng tin như vậy. Cư dân nào theo đạo Ông khi mang bầu đều mặc định nhớ.
|
Minh họa: Lê Trí Dũng |
Có lần, khi xuống núi, Thơ bị trật khớp chân do trượt ngã. Lạc cõng Thơ chạy một mạch từ lưng chừng núi về Nhà Dài để cụ trưởng ban Kỳ Lão kéo lại khớp và xoa thuốc. Sau đấy, Lạc nói muốn được “cõng” Thơ đi hết quãng đời còn lại. Thơ mười bảy tuổi, tuổi có thể bẻ gãy sừng trâu, nhưng hai tay Thơ chẳng biết làm gì, chỉ vặn vẹo vào nhau, để mặc hai má đỏ ửng vì e thẹn.
Vậy là Lạc đã bước một chân vào Nhà Dài. Theo gia phả, Thơ là cháu đời thứ năm của Ông.
6.
Nói Lạc bặt vô âm tín với bố mẹ anh chị, thật ra cũng không hẳn đúng. Ít nhất thì Lạc sẵn sàng bác lại điều ấy. Chập chờn trong giấc ngủ, đêm cũng như trưa, thi thoảng Lạc vẫn thấy hình bóng bố mẹ anh chị mình.
Có lần Lạc thấy ghe loay hoay rồi lọt thỏm vào cơn bão lớn giữa biển đêm tối om om. Bố mẹ thét lên ôm cứng lấy anh chị của Lạc. Những cái xiết tay dần dần bị kéo căng, nới ra, tuột mất. Cả con tàu mất hút như đi vào cổ họng của khủng long bạo chúa.
Có lần Lạc thấy ghe gặp bọn hải tặc. Toàn bộ đàn ông bị quăng xuống biển. Sau khi cướp hết những gì có thể cướp, hải tặc dở trò hãm hiếp phụ nữ, xong thì xả súng không thương tiếc. Chỉ còn lại những đứa trẻ hoảng loạn với ánh mắt thất thần cùng loang lổ vết máu trên ghe giữa ngăn ngắt biển xanh. Giấc mơ tanh nồng mùi máu.
Có lần Lạc thấy bố mẹ anh chị chen chúc trong trại tị nạn. Quần áo được xé bớt ra, buộc vào nhau để đêm ngủ không bị kéo đi, không bị đưa ngược ra tàu trục xuất về nước. Mẹ và chị gái bôi đen khắp mặt, khắp người. Vậy mà đêm đêm cảnh sát nước người vẫn vào cắt dây buộc, dắt đi. Bố ra sức kéo mẹ lại, liền bị cảnh sát dùng báng súng táng vào đầu.
Ám ảnh nhất là lần Lạc mơ thấy ghe bị chết máy, không chạy được nữa, lênh đênh ngày này qua ngày khác trên biển. Đồ ăn thức uống cạn kiệt. Người lả đi. Và chết. Người còn thoi thóp sống róc những phần thịt ít ỏi trên thân thể người đã chết để ăn cầm hơi. Bố còn chút sức tàn cũng lao vào tranh giành với người khác. Giấc mơ lợm miệng. Phải hai ngày sau Lạc mới ăn cơm lại được.
Nhưng nhiều lần Lạc thấy bố mẹ mặc đồ sáng choang bước từ máy bay xuống, đi thẳng về đảo Lơn Song. Lạc chạy ghe qua đón, chở bố mẹ đi một vòng quanh đảo rồi mới tấp vào bến.
Nhiều lắm những giấc mơ, mờ mờ ảo ảo, thun thút đồng hành cùng Lạc qua ngày qua tháng. Không biết đâu là thật là giả. Không biết đâu là đúng là sai. Lạc chỉ biết, chỉ tin, dây chuyền bạc vẫn còn ở cổ, thì rồi có ngày bố mẹ hay ai đó sẽ tìm về.
7.
Đùng cái, Thơ nói qua phố thôi. Sao cách có con sông mà phố khác đảo nhiều thế. Đêm đêm đèn điện sáng trưng. Ai qua phố vài năm về lại cũng sáng ra, lấp lóa. Cứ ôm đảo mãi biết ngày nào khôn.
Lạc can ngăn, nói Lơn Song giờ đâu thiếu gì, biển thừa cá tôm đấy, hào đấy, cá lồng bè đấy. Chỉ sợ không đủ sức mà làm mà ăn.
Thơ nói có thành đại gia ở đảo cũng không bằng hào quang nơi phố. Lạc nghe mà vã mồ hôi hột. Hay anh đi cùng em? Không. Thơ ở lại đi. Ở trên đã có dự án quy hoạch phát triển đảo. Không mấy chốc mà đảo thành như phố. Sân bay. Siêu thị. Khu nghiên cứu công nghệ cao. Trung tâm hội nghị - triển lãm. Khu vui chơi giải trí. Trung tâm nghiên cứu tài nguyên biển… Ở trên giấy thì có. Chờ đến lúc dự án thành hiện thực thì anh với em già rồi. Nhưng ai chạy ghe đưa khách qua sông. Anh đi khắc có người khác lo chuyện ấy. Bố mẹ về thì sao?
Lạc thở dài.
Thơ thở dài hơn.
Lạc cho ghe chạy bọc khúc cửa sông bao quanh đảo. Ghe xuyên vào khu rừng ngập mặn với những bụi đước ken dày. Thơ ngã người sang vai Lạc. Ghe tắt máy. Hai người quấn vào nhau. Trùng triềng. Trùng triềng. Áo bà ba đen trên người Thơ được nới ra, dần dần, từng nấc một. Ánh trăng non xiên qua những kẽ lá đước, hắt lên thân hình hai người đã như một, những chấm vàng li ti, lấp lóa. Dưới nước, từng đôi cá lùa nhau, vật nhau bum bũm, lao cả vào thành ghe và rễ đước. Púp… púp… púp... Cá cái phóng ra những luồng trứng gợi tình mê hoặc phía trước. Cá đực lao theo rải nửa còn lại vào nước mong kết hợp với trứng hứa hẹn mùa sinh sôi. Khối núi lửa trong Lạc như được kích nổ, dòng nham thạch xối xả tuôn trào. Trùng triềng. Trùng triềng. Lạc như thấy mình đã bước cả hai chân vào Nhà Dài.
Vậy mà hôm sau Thơ sang phố thật. Năm lần bảy lượt dùng dằng ở bến ghe. Lạc đành cắn răng đưa Thơ qua sông. Trên ghe, hai người chẳng nói thêm gì nữa. Gió từ biển thổi vào. Lại hun hút hun hút. Như thể muốn nói thay lời của Lạc. Đêm trước về đến nhà Lạc vẫn còn râm ran. Râm ran vào giấc ngủ. Tin rằng Thơ chỉ cởi áo bà bà đen trước Lạc thôi. Nào ngờ sáng ra Thơ không còn mặc bộ đồ bà ba đen nữa. Thơ bỏ bộ đồ truyền thống của đạo Ông của Nhà Dài đơn giản vậy sao?
Phố có gì mà khiến Thơ mê mẩn?
Rồi đây, những chuyến ghe hằng ngày của Lạc sẽ nặng hơn, bởi ngóng trông và đợi chờ lại chồng chất lên gấp hai lần.
8.
Những câu chuyện rời rạc. Những câu chuyện chắp vá. Càng lớn Lạc càng nghe được nhiều hơn từ bố mẹ nuôi và những người dân trên đảo ở phía bên kia núi Khan. Những mảnh ghép đủ để gọi tên, để hình dung được góc cạnh của phận người.
Bố Lạc từng là cai thầu lớn, thường xuyên làm ăn với chính quyền chế độ cũ. Hào hoa và lịch duyệt. Đến nỗi cô nữ sinh biết rải truyền đơn cách mạng cũng xiêu lòng. Gia đình nữ sinh kịch liệt can ngăn. Nhưng con tim có lí lẽ riêng mà không phải súng đạn nào cũng đủ sức mã hóa. Hai người thành đôi. Về ở với nhau chưa lâu thì quân giải phóng tràn về.
Bố Lạc đi cải tạo. Hết cải tạo thì anh chị Lạc nối nhau ra đời. Rồi bố Lạc là người đầu tiên trong vùng đứng ra tổ chức những chuyến vượt biển. Sau vài chuyến trót lọt, tích cóp được khoản kha khá, ông quyết định đưa cả nhà ra khơi. Tàu gặp bão. Hồn xiêu phách lạc. Gia đình Lạc và số ít người dạt vào Côn Đảo. Có trời mới biết tại sao lại không chết.
Không chết nhưng phải vào tù.
Gia đình Lạc cùng những người vượt biên mãn hạn tù được về đất liền, nhận ít gạo muối và dao và cuốc rồi chính quyền đưa qua đảo Lơn Song, khai khẩn lập ấp, đối diện với những cư dân theo đạo Ông qua núi Khan. Không lâu sau bố mẹ Lạc lại vượt biển. Lạc bảy tháng tuổi, quá nhỏ so với sự khắc nghiệt phải đương đầu của chuyến phiêu lưu. Bố mẹ gạt nước mắt gửi Lạc ở lại. Không quên quàng vào cổ Lạc dây chuyền bạc có đầu hình sư tử độc nhất làm dấu.
Ngày ấy, nhiều đứa trẻ phải lìa gia đình một cách bất khả kháng như vậy. Có trẻ được cho người khác nuôi. Có trẻ được gửi lại người thân, gửi vào chùa, gửi cô nhi viện…
9.
Vật vã mãi mới đưa được cô gái muốn tự tử lên ghe, thì trời ơi, Lạc không tin vào mắt mình nữa, đấy là Thơ. Sao Thơ lại ra nông nỗi này? Sao lại phải vậy? Sao Thơ về mà không báo với Lạc nửa lời? Có chuyện gì mà Thơ phải gieo mình xuống sông? Cửa sông là nơi dung dưỡng bao người chứ có phải để quyên sinh!
“Sống đồng tịch, chết đồng quan”. Lạc và Thơ từng nguyện với nhau như vậy. Người theo đạo Ông quan niệm, sống thì chung nơi, chết thì chung quan tài, bình đẳng, nên cả cộng đồng chỉ có một áo quan. Khi có người mất, thỉnh áo quan về và quàn trong một ngày, sau đó mang đi chôn. Chỉ chôn thi hài đã được liệm trong vải đỏ và chiếu trắng bao ở ngoài. Còn áo quan lại đưa về để phục vụ đám tang sau...
Lạc muốn hỏi Thơ nhiều lắm, căn vặn nhiều lắm, nhưng khi Thơ thả lỏng người trên vai Lạc, rấm rứt khóc, Lạc chẳng thể mở lời được nữa. Đôi tay rắn rỏi của Lạc kéo Thơ sát vào lòng. Đâu rồi vòng eo thon của Thơ hôm nào? Ôm chắc lấy Thơ, Lạc hiểu tại sao Thơ muốn tự tử. Mình về. Mai vía Ông rồi, anh sẽ dẫn Thơ lên núi Khan. Lạc thủ thỉ vào tai Thơ. Chẳng biết Lạc có thấy những giọt nước mắt hạnh phúc của Thơ sáng hơn lên trong đêm không?
Bàn tay Thơ chạm vào sợi dây chuyền bạc lấp lóa trên cổ Lạc. Lạc có cảm giác vững tin hơn. Thêm Thơ nữa, đợi chờ như được rút ngắn lại. Mặc cho cửa sông vẫn hun hút gió tràn về.
Bà Rịa, 20/8/2014
V.T.L
-------
1. Vía: ngày giỗ.
2. Kỉnh: cúng.
3. Đùng: đầm nuôi tôm, cá nước lợ.