Mùa hè có cơn mưa rào

Thứ Bảy, 24/01/2015 08:57

HẠNH TRẦN

1.

Chiếc xe hơi xanh nhạt dính đầy bụi đường bóp còi hồi lâu trước cái cổng uy nghi như cổng thành trong phim Trung Quốc. Hai thằng bé đang vày đống bột đá bên kia đường thấy thế chạy vọt sang, chui qua lỗ thủng của bờ tường bao cao ngất, í ới kêu “Bố, bố, ông chủ về rồi!”

Tiếng mở khoá xích rổn rảng. Hai thằng bé một bên, một bên là người đàn ông trung niên quần xắn tới đầu gối, cong người cố sức kéo hai cánh cửa sắt lâu ngày không mở bị kẹt nặng. Hai thằng bé đứng nép bên cổng, nín thở tránh hít bụi khi chiếc xe hào hứng bon vào, trong đầu vẫn một ý nghĩ quen thuộc: Nhà giàu vào cổng nhà mình phức tạp quá!

Người bước xuống xe đầu tiên là Chị Bếp, tay xách túi to túi nhỏ, lỉnh kỉnh chai lọ. Tiếp đến là người đàn ông bụng phệ và người đàn bà tuổi trạc ngũ tuần ì ạch chui ra khỏi xe. Tiếp theo là một thanh niên cao nhẳng, ngực lép, tóc cắt sát da đầu, mắt đeo kính dày và một đứa nhỏ tầm chín mười tuổi mũm mĩm, da trắng, váy trắng, lần lượt bước xuống.

Kính Cận nhìn một lượt hai thằng bé rồi doạ:

- Ê, nhóc con, cấm trèo xe nhé. Nó mà xước sơn, vỡ kính bán cả nhà cũng không đền được đâu. Nghe chưa?!

 Hai chú nhóc người như hai hạt thóc mẩy lấm bụi nhìn nhau không nói không rằng. Chúng còn mải nhìn con bé da trắng như hạt gạo xát kĩ kia, liệu nó có dám ra nắng hay không nhỉ?

2.

Không như chúng nghĩ, Hạt Gạo nhanh chóng bắt kịp với “thời đại”. Bố mẹ Hạt Gạo đã về lại thành phố nên suốt ngày nó theo sau hai chú nhóc lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm. Hết xách túi cho hai đứa vợt châu chấu, lại xách xô cho chúng xúc cua cá ngoài mương bằng cái quạng, nom như cái vợt bắt bướm. Mồm con bé cũng đen tím, đen xanh bởi nhai sim mua với chanh châu, áo dính đầy nhựa, tóc bết mồ hôi.

Kính Cận thì ăn xong chỉ biết nằm dài. Cậu nhớ chiếc iPad đời mới bị bố tịch thu. Nhớ games. Nhớ facebook. Nhớ những người bạn vẫn hàng đêm chát chít... Cậu oán bố quá. Cậu giận cả mẹ. Trước thỉnh thoảng cậu mới theo về đây nghỉ cuối tuần, đánh một bữa cơm gà ri rồi lại đi, thấy cũng hay hay. Nhưng lần này chẳng hiểu sao bố lại bắt cậu ở hết hè, ngang là đi cai nghiện. Ăn, ngủ, ngủ, ăn… cái điệp khúc ấy diễn ra cả tuần khiến Kính Cận ngáp dài ngáp ngắn. Phải kiếm cái gì đó chơi chứ?

  Kính Cận rút cái cần câu Hàn Quốc, kéo dài ra, rồi vớ lát giò trong tủ lạnh cắt nhỏ. Cậu ra ngồi dưới gốc cây vả lá to như cái quạt, buông cần. Cá nhô đầy mặt ao, hớp ngom ngóp, Kính Cận đưa mồi vào tận mồm mà chẳng con nào chịu ăn. Kính Cận cáu tiết đổ tại ba đứa trẻ đang chọc ổi ương gần đấy mất trật tự làm cá sợ. Nhóc Anh cười khanh khách:

- Tại anh không biết câu thì có!

Nhóc Em giảng giải:

- Những con í toàn là trắm cỏ, chúng nó chỉ thích ăn cỏ thôi, còn giò thì chúng em mới thích!

Thấy Kính Cận nghệt mặt ra, Nhóc Anh bảo anh có muốn câu thì em dạy cho.

Theo phân công, Hạt Gạo chạy về lấy cái cần câu cất sau cánh cửa. Nhóc Anh đi đào giun. Nhóc Em đi lấy cám lợn hất xuống góc ao.

Kính Cận loay hoay cầm cái que cắt con giun đất thành từng mẩu, tuy lợm giọng, tim đập thình thịch, nhưng không muốn mất mặt, nên lấy hết sức, nín thở túm mẩu giun ướt nhớt, dính đầy đất đang ưỡn ẹo để mắc vào lưỡi câu nhỏ xíu. Cuối cùng mồi cũng đã được thả xuống.

- Khoan hẵng giật! - Nhóc Anh chỉ huy.

Cái phao lông gà nhay nháy rồi lỉm một đầu xuống nước kéo lê đi một đoạn.

- Giật đi!

 Kính Cận giật đánh phạch. Một con cá to bằng chiếc iPhone 6 xoè vây vút lên không. Con cá không xuống nữa vì bị treo tòn ten trên cành sung xoà gần đấy như trêu ngươi. Hạt Gạo sướng quá, hò hét nhảy tưng tưng. Nhóc Anh lấy que khều cành, gỡ dây câu, bụng thóp lại, quần trễ ngang hông. Kính Cận ngửa mặt nhìn con cá giãy tũng toẵng, vẩy đầy nước vào mặt tanh lòm.

- Lần sau anh chỉ nhấc lên thôi, không được giật mạnh! - Nhóc Em nhắc.

Kính Cận ngoan ngoãn gật đầu, tuân theo những câu chỉ đạo, hết “thả xuống” lại “nhấc lên” nhịp nhàng. Một cuộc câu tưng bừng diễn ra với Nhóc Anh mắc mồi, Nhóc Em gỡ cá, Hạt Gạo xách xô…

- Đây là cá chim – Nhóc Anh gỡ con cá bằng bàn tay người lớn ném xuống - Bố em không cho câu đâu. Mà anh không được lội xuống ao, cá chim cắn mất chim đấy, răng nó sắc như cá Pi-gia-na, cá ăn thịt người ấy mà.

Cả ba đứa bé cất tiếng cười vang. Kính Cận bỗng thấy thích hai thằng bé đến lạ, chúng khôn ranh hơn cậu tưởng.

Gần trưa, thấy đã được nhiều cá, hai thằng nhóc nhìn Kính Cận tuyên bố một cách rất khẳng khái:

- Cho anh tất. Ao nhà anh mà.   

Sau một tiếng đồng hồ đánh vảy, tẩm ướp và rán với cả nửa chai Neptune, cuối cùng Chị Bếp cũng đưa lên bàn ăn một đĩa cá rô phi thơm phức, vàng ruộm. Hạt Gạo chấm mắm chanh ớt, ăn tít luôn. Kính Cận thì cứ nghĩ đến mẩu giun còn nằm đâu đó trong mồm con cá, nên khe khẽ ăn từ đuôi lên. Nhưng chỉ hết con thứ nhất thì Kính Cận không còn ý tứ gì nữa. Từ bé đến giờ, lần đầu tiên cậu kiếm được cái ăn cho vào mồm, nên cá rán giòn vốn đã ngon nay càng ngon tợn. Nhìn hai đứa trẻ ăn háo hức, Chị Bếp cứ ngỡ hẳn tay nghề mình không kém bất cứ ai trên cõi đời này. Nếu chị được đào tạo đàng hoàng, không chừng giờ chị cũng đang làm bếp trưởng trong khách sạn cỡ mấy sao, mũ cấp bậc cao cả gang rưỡi chứ không kém.

3.

Chủ nhật, ông bà chủ lại về. Cả nhà ăn sáng ở gian bếp mát sạch. Khung cửa sổ mở ra khu vườn thênh thang, có những cây bưởi Diễn mới chiết cao ngang ngực, đung đưa những trái non đầu tiên trong nắng ban mai. Giữa những hàng bưởi thẳng đều tăm tắp là những thẻo đất nâu sạch cỏ, tơi xốp. Chị Vườn đang cầm cuốc đánh rãnh, theo sau là hai thằng nhóc. Nhóc Anh cầm bơ thả hạt, Nhóc Em lấp đất. Con chó theo sau cùng ngửi hít hết chỗ nọ chỗ kia, chốc chốc lại lấy hai chân bới tung một hố đất, mõm sục xuống hăm hở, làm hạt vừa gieo lộn tung lên mà chả bị mắng.

 Thấy bố say sưa nhìn qua cửa sổ, Kính Cận bất giác nghĩ chắc bố đang nhòm Chị Vườn quần xắn ngang đùi, tóc búi cao, buộc vuông khăn nhỏ, khom chiếc lưng ong, rạch luống, để lộ một nửa cái thứ tròn như hai trái bưởi Diễn, thập thò trong chiếc áo đuôi tôm của Anh Vườn, khoác ngoài chống nắng. Giống như nó có lần cậu nhìn thấy cái Yến cùng lớp, khi đi picnic ở Khoang Xanh, cậu đã toan quay đi nhưng lúc sau mắt lại đậu đúng chỗ cũ, nơi cái áo bơi cổ khoét sâu ôm sát thân người.

 Nhưng chẳng phải như Kính Cận suy diễn. Nhìn qua cửa sổ, ông đại gia như thấy hình ảnh của mình mà bao năm qua ông đã quên, đã cố tình quên, cố tình xoá đi cái gốc gác của mình để làm một người phố cho ra phố. Ngày chưa xa ấy, ông cũng là một chàng trai thôn quê nghèo theo việc đồng áng, mò cua bắt ốc, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, bói từng đồng tiền để theo học ngoài thành thị. Rồi vận may cứ lần lượt đến với cuộc đời ông. Run rủi thế nào trời xe duyên gặp được con gái thủ trưởng cơ quan, tức bà chủ bây giờ.

 Hạt Gạo thì chả nghĩ ngợi gì, ăn quáng quàng cho xong rồi rời bàn. Bà chủ thấy hai bố con nhìn ra cửa sổ bèn chép miệng, đặt bát hơi mạnh xuống bàn, trong lòng bực bõ. Chưa kịp nghĩ gì thêm thì tiếng thét của Hạt Gạo làm rụng rời bát đĩa. Cả nhà cuống cuồng đổ xô ra, thấy con bé đứng chôn chân tại chỗ, mặt trắng bợt. Cách đó mấy bước chân, nằm ngay giữa thềm cửa ra vào là một con rắn, cổ đỏ ánh, lưỡi thia lía thò ra thụt vào. Kính Cận hoảng hồn nhảy tót lên ghế salon đứng. Ông đại gia vớ cây phất trần dứ dứ đuổi mà con rắn như không thèm đếm xỉa, nằm dài như một vệt nắng sớm bên thềm. Chị Bếp thì chỉ dám đứng trong cửa sổ chỉ trỏ, hò hét ầm ĩ.

 Một lát sau mới thấy Anh Vườn cùng với Nhóc Anh thong thả đi lên, tay cầm chạc ổi bẻ từ đống cành khô ngoài vườn. Loáng một cái, con rắn bị cầm cái đuôi treo ngược, đầu nó cố ngóc lên lia lia chống cự một cách bất lực.

 - May đấy. Nó mới lột xác nằm phơi nắng đấy mà. Nó không nhìn thấy gì đâu.

Vừa nói Anh Vườn vừa bỏ con vật vào túi tải cám cò, đoạn lấy cái gậy khều khều cái vỏ xác rắn như cái thắt lưng vắt vẻo trong các khóm hoa bên thềm.

- Loài này nó có đôi, chắc còn một chú nữa, mai cháu tìm đuổi nốt đi cho chú. Tìm ít sả mà trồng, rắn là loài chúa ghét mùi sả - Đại gia tỏ ra rất am hiểu vì từ bé ông vẫn nghe các cụ kể vậy.

 Bà chủ nhìn theo Anh Vườn thong thả múc nước giếng rửa mặt mũi chân tay như chưa hề chinh phục một con vật khủng khiếp vừa rồi, lại nhìn sang ông chồng tóc hói, bụng phệ mà nguýt. Đại gia danh thế lừng lẫy, đi nam về bắc, làm ra tiền tấn tiền tạ, ăn mật uống tiết, nhắm chả xơi hầm khắp các loại mãng xà to nhỏ ở Lệ Mật, mà giờ đây trước một con rắn nằm ngủ, mắt mờ lại trở thành kẻ vô dụng. Cái Anh Vườn thon chắc rõ là ăn đứt ông chồng với các ông đối tác bụng bia, tay mũm mĩm đeo nhẫn vàng. Nhưng xét lại, ở đời có cái này thôi cái kia. Giả thử lấy Anh Vườn làm chồng thì thật thà, vụng mánh khoé, làm ăn sao được. Có mà suốt đời ở cái nhà như chuồng chim thế kia. Làm vợ Anh Vườn thì mái tóc không dưỡng, làn da không đắp, móng tay móng chân sẽ khô cứng, mất điểm biết bao. Mà với đàn bà, sắc đẹp là thế mạnh, là tất cả.

Mặt trời chưa lặn, lũ trẻ đã hối thúc Chị Bếp sắp cơm ăn sớm để đi xem văn nghệ trong sân uỷ ban. Bà chủ ngạc nhiên thấy Kính Cận và Hạt Gạo vốn không thèm nghe cả ca sĩ trung ương hát, giờ chỉ là sân khấu tạp kĩ nghiệp dư mà sao chúng háo hức thế. Mới có hơn tuần về đây mà chúng có vẻ lạ lắm. Lúc nào cũng chuyện gà lợn trâu bò…

VNQD mua he co con mua rao
Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Dưới nhà ngang, vợ chồng Anh Vườn và hai nhóc đã ăn xong. Chị Vườn mặc cái áo ngủ cũ mà vợ đại gia cho dạo nọ, xoã mái tóc thơm hương nhu, nghiêng đầu chải, trông thật đáng yêu. Anh Vườn mặc quần soóc, hút thuốc lào kêu tành tạch, nhả khói hình vòng tròn lên khoảng không nóng nực. Hai nhóc chừng sốt ruột, rút mấy nghìn lẻ vừa được cho, đếm đi đếm lại, mắt không quên hóng lên biệt thự nghe ngóng.

Chập tối, người xóm trên xóm dưới đã í ới gọi nhau, bước chân rầm rập ngoài tường bao. Hai đứa con đại gia cùng gia đình Anh Vườn cũng hoà vào dòng người hối hả trôi về nơi có tiếng nhạc huỳnh huỵch như nện chày. Đến nơi người đã chật kín, phải lách mãi mới vào được gần cánh gà. Kính Cận bị gái làng chen ngang, bật ra bật vào mấy lần, rõ mồn một là mông là ngực, vừa bực, vừa thích. Hạt Gạo cùng hai cu nhóc la cà bên mấy cái mẹt có chiếc đèn dầu, mua hướng dương, kẹo mút, rồi đuổi nhau chen chỗ nọ chỗ kia, chẳng xem xét gì. Đám đông la hét cổ vũ rần rật sau mỗi tiết mục. Anh nhạc sĩ chơi “siêu” đủ các loại đàn. Ca sĩ thì chèo, quan họ, dân ca địa phương, rồi nhạc trẻ, híp hóp, Tôn Ngộ Không… hát tất. Thật khí thế, thật rộn rã biết bao. Đúng là nhạc tươi, người thật.

Ở nhà, Chị Bếp bồn chồn chưa thấy bọn trẻ về mà đóng cửa. Bà chủ phàn nàn lúc ban chiều không phải là không có lí. Đúng là chúng mê người quê cảnh quê thật rồi.

4.

Lại một cuối tuần. Theo lời mời của đại gia, hai chiếc xe hơi chở cánh văn nghệ sĩ bon bon về làng. Hết quốc lộ là thấy ngay núi non trùng điệp. Cánh đồng trong thung lũng trải dài trong nắng sớm, cánh cò trắng lấp loáng như trong tranh. Xe gặp ngay đàn trâu đi ngược chiều, người ngồi trong xe thấp ngang bụng trâu, ngửi thấy qua điều hoà một mùi rất đặc trưng trộn vào mùi nước hoa đậm đặc. Mặc kệ còi pim pim, đàn trâu hồn nhiên cọ lưng vào thân xe, ngoắc sừng phất đuôi, tung đầy bùn khắp cửa kính. Với chúng, xe con chẳng khác gì những mô đá cọ lưng, gãi ngứa nhấp nhô trong lùm cây ven đường làng.

Bữa nay đông khách, hai vợ chồng Anh Vườn cùng hai đứa nhóc lĩnh trách nhiệm làm tiệc, tất bật với những món gà ri, xôi nương, lợn cỏ. Hai đứa con đại gia với Chị Bếp đứng chực chờ bên cạnh chờ sai bảo. Kính Cận và Hạt Gạo mặc dù chẳng hiểu mô tê gì về bếp núc nhưng chúng thấy thật vui. Cỗ được nấu ngay dưới giàn mướp đắng đầu nhà Anh Vườn. Hạt Gạo trông chó, đuổi gà; Kính Cận trông chõ xôi và nồi luộc gà. Anh Vườn và Chị Vườn làm lòng, nướng thịt. Chị Bếp nhặt rau í ới, rôm rả làm sao.

 - Em biết sinh nhật của hai anh rồi nhé. Anh tháng này, còn anh… ba tháng sau đúng không? - Hạt Gạo nháy mắt lém lỉnh nói với hai nhóc.

- Không đúng! - Nhóc Anh nói.

 - Em thấy ghi trên cánh cửa kia mà – Hạt Gạo tự tin.

- A, đấy là ngày lấy giống lợn và ngày lợn đẻ đấy, ghi để theo dõi - Nhóc Em giải thích.

Kính Cận đang múc gàu nước cười phá lên khiến tay bủn nhủn, cái gàu rơi xuống đánh tõm. Cả gian bếp đầy ắp tiếng cười râm ran trong tiếng băm chặt rộn ràng. Mấy vị khách ngồi bàn đá ngoài sân dưới bóng mát hoa lá bàn luận phong cảnh, vung tay chém gió một hồi, mắt lại đưa xuống nơi mà mùi vị, âm thanh, hình ảnh lôi cuốn lòng người. Chị Vườn má đỏ hây hây, cánh tay trần, cúi sát người quạt lửa nướng thịt. Gió đồng rười rượi vượt qua tường bao vào sân, dìu dịu thơm mùi lúa non làm lay động tâm hồn nghệ sĩ. Làng quê thanh bình quá. Con người ở đây sao mà hồn nhiên vui vẻ quá. Dường như cả cái gia đình làm công kia không hề mảy may có sự mặc cảm phận làm thuê.

5.

- Mẹ ơi bao giờ hết hè? - Con bé vừa ngáp vừa hỏi mẹ, hai tay mân mê chiếc súng cao su đẽo bằng chạc ổi.

- Ừ. Sắp được về nhà rồi, chỉ đợi thợ sửa xong cửa kính thì về.

- Không! Con muốn ở lại cơ. Bọn con còn phải đuổi chim, đuổi gà cho vườn đậu. Súng cao su này bắn rất cừ.

- Phải về mà học múa, học đàn, nhảy Aerobics nữa chứ, ở đây lang thang nhí nhố mãi mà chưa chán à?!                                                                       

- Không mẹ ơi, con muốn ở mãi. Anh cả cũng muốn ở. Anh còn đòi theo đi đào cua núi về luộc cơ. Tối nọ bọn con đi theo xách giỏ cho chú soi tôm cá, thích lắm. Mà mẹ không biết đâu, con tôm là nó có càng đấy chứ, không trụi như con tôm mẹ mua, đã thế nó còn biết cài số lùi nữa. Mà mẹ ơi…

- Gì nữa con? - Đến lượt người mẹ ngáp.

- Mẹ ơi, ở đây một nghìn được những hai chiếc kem cơ, ăn thoải mái. Hôm nọ anh cả nhà mình biết tắm nước lã rồi đấy, không phải đun đâu, nước giếng ấy mà.

Bà chủ ậm ừ nhắm mắt. Rõ chuyện vớ vẩn. Đến cha bọn bay còn phải bỏ nơi đây mà đi... Quê, về nghỉ cuối tuần thì được, chứ ở cả đời thì… không thể tưởng tượng nổi. À, giả thử ông ấy không lên thành phố thì sao nhỉ? Chắc sẽ lấy một bà làm ruộng tóc chua mùi nắng. Chưa biết chừng hai vợ chồng lại đang trông nhà thuê như vợ chồng nhà Anh Vườn kia kìa… Hất mái tóc ra sau gối, bà nghĩ mấy hôm nữa về đi spa nào để dưỡng tóc cho đẹp, nên nhuộm màu gì cho trẻ và hợp mốt. Thế nên bà cứ trằn trọc. Thế mà lạ chưa, cha con nhà nó. Đúng là… chả thể hiểu nổi!

Bà không hiểu nổi tại sao ở thành phố máy điều hòa chạy êm ru, phòng ốc thơm tho sạch sẽ mà chồng bà đêm nào cũng xoay đi trở lại cả đêm. Vậy mà về đây thì vừa ngả người dang tay dang chân trên phản đã ngáy rền vang. Hai đứa nhỏ cũng thế. Thằng anh cũng dáng nằm y bố, ngủ không vẫy tai. Còn con em thì ngoẹo đầu, nhãi chảy ra gối ngủ im thin thít. Cả cái nhà Chị Bếp về đây cũng giở chứng vô tâm, vừa dọn dẹp xong là đã mắt ríu lại, vào buồng ngủ ngay.

Cũng lúc ấy ở căn nhà tạm cuối vườn, vợ chồng người nông dân và hai đứa nhóc cũng đã chìm vào giấc mơ êm đềm. Mây trắng như bông bay trên trời xanh ngắt… Tiếng vỗ cánh xập xè của cào cào châu chấu giữa lòng thung bát ngát lúa vàng… Rặng núi… Con sông… Bờ ao… Hoa cỏ… Tôm cá búng mình… Mùi sim mùi ổi thơm lừng, ngọt lịm…

Ngoài trời, mùa hè bắt đầu thả cơn mưa rào. Những làn gió lách vào cửa sổ, tưới mát rượi những giấc mơ của mọi người, chẳng phân biệt sang hèn

                                               Lương Sơn - Hòa Bình, tháng 10/2014

                                                                                        H.T

  

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)