BẢO NINH
Chiến quả đầu tiên của lính ta trong buổi chiều tối ngày 30 tháng 4 là giấc ngủ. Khắp nơi trong nhà ga sân bay Tân Sơn Nhất la liệt những cánh võng. Nhưng tôi với Quang và Nghi không được cái sướng ấy. Nhận lệnh trực tiếp từ Chính ủy Hòe, chúng tôi phải đưa hai đứa bé bị lạc ở cửa Phi Long về với gia đình. Bố mẹ của hai đứa chở chúng tới cửa phi trường, để chúng lại trong xe, họ nhào vào nhà ga, rồi không thấy quay ra. Chúng bị bỏ rơi tại đấy giữa cảnh pháo dập đạn lia suốt từ sáng ngày 29 tới tận trưa ngày 30! Chúng tôi kiếm trong bãi xe vô chủ một chiếc Jeep lùn và nhặt trong đám dù vừa đầu hàng một tay tài xế, rồi cùng hai đứa nhỏ rời sân bay. Thành phố lớn lao, chằng chéo muôn ngả. Tay lính dù lại là dân quê chẳng rành gì đường xá Sài Gòn, cứ lái phập phù. Mà tiếng súng, không rõ ràng là chỉ thiên hay bắn thẳng thì càng lúc càng rộ. Ngồi trên xe, ba chúng tôi AK vẫn lăm lăm dò dẫm qua từng ngã tư, ngã năm, ngã bảy, chỗ đông nghịt người xe ùn tắc, chỗ vắng tanh. Mãi 9 giờ tối mới thấy biển đề tên đường Đồng Khánh. Tìm đúng số nhà, chúng tôi vào, bấm chuông, cẩn thận “bàn giao” hai đứa bé cho người thân xong là quay ra luôn. Chiếc Jeep đã cạn xăng, chúng tôi trả tự do cho tay tài xế rồi đi bộ về sân bay. Một quãng đường ngoắt nghoéo và rất xa từ dưới tít phía nam lên thấu mạn bắc thành phố.
Ngủ vùi đến giữa buổi sáng mùng 1 tháng 5 thì tôi phải cuốn võng, tức tốc ra xe lên trình diện Sư bộ cũng đóng trong sân bay. Nhận một bộ tô châu mới tinh, một mũ cối cũng mới cứng, giày vải đế cao su thay cho dép đúc, băng đỏ đeo vào tay, tôi thành lính “quân cảnh” của Quân đoàn. Sở dĩ thế là do trong suốt 3 tháng trước trận Buôn Ma Thuột tôi đã được điều tạm thời vào Đoàn 93. Nhiệm vụ của Đoàn 93 dạo đó là tuần tra kiểm soát miền rừng trên đôi bờ Đắc Đam để ngăn ngừa mọi biểu hiện vi phạm kỉ luật bảo mật chiến dịch có thể nảy sinh trong vùng ém quân. Nay, không chỉ Buôn Ma Thuột mà cả Sài Gòn quân ta cũng đã dứt điểm xong, chúng tôi lại về với nhiệm vụ gần giống dạo đó.
Thành thử, chăm sóc trẻ con, đấy là nhiệm vụ cuối cùng của tôi trong ngày cuối cùng của cuộc chiến, còn nhiệm vụ đầu tiên trong ngày hòa bình là làm kiểm soát quân nhân, cũng khá giống với sự chăm sóc: ấy là kiểm tra đôn đốc việc gìn giữ quân phong quân kỉ.
Ngay sau buổi trưa ngày 30, bộ đội Quân đoàn 3 đã lập tức triển khai công tác ổn định đời sống nhân dân tại phụ cận những nơi đóng quân: phi trường Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu… tức là cả một vùng rộng lớn tây bắc Sài Gòn. Lính ta dốc sức khẩn trương thu dọn bãi chiến trường trải dài trên con đường hành tiến tốc chiến dọc suốt hai ngày 29 và 30, sửa chữa hệ thống điện nước bị trúng bom và pháo, trực tiếp chỉ huy giao thông, trấn giữ và tuần tra các phường phố để bảo đảm an ninh trật tự cho đời sống dân sự thường nhật. Riêng chúng tôi, kiểm soát quân nhân, cũng đi tuần tra, nhưng “đối tượng” kiểm tra là lính mình.
Tổ tuần tra hỗn hợp gồm tôi lính E24, Huy lính pháo E40 và Bính xe tăng 273, với một tổ ba người khác nữa, phụ trách khu vực quanh Lăng Cha Cả. Bính là tổ trưởng, K54 và xà cột đeo bên hông, tôi với Huy khoác AK Tiệp đi cận vệ anh. Kiểm soát quân nhân được lệnh thay AK Nga bằng AK báng nhựa của Tiệp chắc là để cho dáng vẻ nom dịu nhẹ hơn khi đi tuần dọc phố xá đông người. Súng không được lên đạn, khóa nòng cũng phải cẩn thận đóng lại. Và không mang lựu đạn. Lệnh thế. Vì hòa bình rồi.
Hòa bình rồi. Như trẩy hội. Bùng binh Lăng Cha Cả, đường Trương Minh Ký, đường Võ Tánh, ngã tư Bảy Hiền, dân chúng dạt khỏi vùng chiến sự nay trở về, nườm nượp. Bộ đội cũng rất đông. Bởi vì quân ta dứt điểm Sài Gòn bằng chủ yếu lực lượng của Thê đội 1, nên tới chiều 30, các đơn vị Thê đội 2 mới vào. Nhất là trong ngày 1 tháng 5, tăng, pháo, bộ binh rầm rập. Tại khu vực Lăng Cha Cả do hậu quả của trận chiến khốc liệt ngày 30 chưa dọn quang nên giao thông còn nhiều lúc bị tắc, xe pháo phải từ từ nhích. Dù vậy hôm ấy tổ chúng tôi đã không phải chặn hỏi kiểm tra bất kì anh chàng nào lính mình. Quân ta toàn thắng, ào ạt tiến vào thành phố, hân hoan với hạnh phúc hòa bình, nhưng nghiêm túc, giữ vững kỉ luật. Hôm ấy kể cả bộ binh cũng hầu hết hành quân bằng cơ giới. Di chuyển chậm, thường xuyên phải dừng, nhưng không có nhiệm vụ không xuống xe. Chúng tôi không bắt gặp dọc phố một ai bận quân phục mà đi lẻ. Các đơn vị hành quân bộ cũng ít nhất là theo đội hình trung đội, và tuy vui vẻ tay bắt mặt mừng tiếp xúc với người dân nhưng vẫn hàng dọc tiến bước chứ không dừng tụ lại. Tất nhiên càng không có chuyện tụt tạt vào hàng vào quán và vào các nhà dân.
Thế nhưng, chính chúng tôi, tổ kiểm soát quân nhân lại đã buộc phải bước chân vào nhà người ta.
Khi đấy đã cuối chiều ngày 1 tháng 5. Nắng đã dịu nhưng trời vẫn nóng, đường Võ Tánh đặc sệt bụi và khói xăng. Một cậu chừng 13, 14, chạy tới kéo tay anh Bính, nói quả quyết là có ông lính còn giữ súng đang tử thủ trên lầu trong hẻm. Lúc đó gần đấy không thấy có tổ tuần tra nào khác. Bên đường, một dọc mấy chiếc PT76 đang dừng nổ máy tại chỗ nhưng lại chẳng có bộ binh bám trên thành xe. Ba chúng tôi đành tự thân. Cậu bé đưa đường chúng tôi đi đến cuối ngõ, chỉ vào một ngôi nhà hai tầng. Chúng tôi áp sát. Ngõ rộng, nhưng vắng lặng, biệt khỏi tiếng ồn ngoài lộ. Thú thực là tôi thấy chợn. Địch một tên thôi, theo lời cậu bé, nhưng mà hắn chốt trong nhà, liều chết. Chúng tôi tuy ba nhưng chỉ hai tiểu liên. Lại không lựu đạn. Với lại đã hòa bình rồi còn gì! Anh Bính thì cương quyết tổ mình phải dứt điểm ngay cái “thằng rồ này”, song cũng nhất trí là đã hòa bình rồi, nên anh bảo để chiêu hàng cái đã. Nhưng anh chưa “chiêu”, trong nhà đã “hàng”. Mà không phải thằng. Giọng đàn bà, từ sau cánh cửa đóng kín, vọng tiếng ra “xin nộp súng”. Anh Bính cho phép. Từ từ, cửa mở. Trong nhà đẩy sệt qua ngưỡng cửa ra thềm một khẩu súng ngắn. Còn không? - Dạ, hết rồi - Ra! Theo lệnh, người đàn bà bước thật chậm ra hiên, hai tay đưa cao trên đầu. Trông rất buồn cười, nhưng tất nhiên là chẳng ai cười. Anh Bính bước tới thu lấy khẩu ổ xoay và bảo chị ta hạ tay xuống. Chị ta thưa súng này của chồng, ảnh đang đau, bệt trên lầu, không thể xuống để tự mình nộp súng đầu hàng quý ông. Chị ta mếu máo, cam đoan trong nhà chỉ có hai vợ chồng với sắp nhỏ bốn đứa chớ không ai khác nữa. Gạt nhẹ chị ta sang bên, chúng tôi xô rộng cửa, ập vào thật nhanh, chiếm giữ tầng dưới. Tầng trệt (trong Nam gọi vậy), gồm một phòng khách, một căn bếp, một buồng tắm, đều tối và nóng. Điện bị ngắt, cửa rả kín mít, nên cầu thang và tầng gác cũng vậy, tối om, bí rì. Chúng tôi thận trọng hườm súng, lục soát. Tầng gác có ba phòng. Ở hai phòng đầu, giường chiếu bề bộn nhưng không người. Buồng tắm cũng không có ai. Gia chủ “tử thủ” trong căn phòng còn lại. Một căn phòng nóng ngột thở, sáng lên đùng đục dưới ánh nến. Im ắng. Người đàn bà chạy lên gác sau chúng tôi, đã thôi khóc, đứng nép vào ngưỡng cửa. Tay chồng ở trần, đầu với một bên vai quấn băng, nửa nằm nửa ngồi dựa lưng vào thành giường, và như thể bắt chước hành động khi nãy của vợ, anh ta lẩy bẩy đưa cánh tay còn cựa được lên cao trên đầu, ra ý xin hàng; bốn đứa con, im thít, đứng quây bên giường như là để che chắn cho bố.
Đó, lần đầu, thời khắc đầu tiên chúng tôi đặt chân vào một ngôi nhà, một căn phòng ở Sài Gòn, cảnh tượng là như vậy.
Huy kéo rèm, đẩy cửa chớp ra. Ngay lúc ấy cũng vừa khi công binh nối lại được dòng điện. Chiếc quạt trần phập phập quay, tỏa một luồng gió mạnh làm tắt nến, trước cả khi khí trời bên ngoài kịp ùa vào. Tôi nhoài tay bật công tắc. Đèn neon kêu lạch tạch rồi bừng sáng. Mấy đứa nhỏ không kìm được òa lên reo.
Mặc dù tới rạng sáng ngày 30 đường điện mới bị đứt, nhưng gia đình này thì đã phải náu trong bóng tối từ khuya ngày 28. Tay chủ nhà là nhân viên của cảnh sát thuộc quận 5, (cảnh sát công lộ thôi - anh ta phều phào khai thế), nửa đêm, vẫn vận cảnh phục với súng dắt hông, bỏ nhiệm sở chạy xe máy về với vợ con, anh ta liều mạng lao vượt qua barie của Biệt cách dù chặn chỗ ngã tư Bảy Hiền, bị đạn bắn rượt theo rách má toác vai, vỡ lốp, phải vứt xe chạy bộ, may mà gần nhà nên ôm đầu máu nhào về được. Tắt hết đèn, bưng kín cửa, cả nhà câm nín bất động vậy là đã gần bốn ngày đêm. Cả khi quân dù cố thủ khắp trong khu vực đã tháo chạy và tiếng súng tấn công của Quân Giải phóng đã ngưng, trong bóng tối chết ngốt, vợ chồng con cái vẫn không dám hó hé đụng cựa. Cho tới khi, qua khe cửa, chị vợ nhìn thấy chúng tôi trước nhà. Cho tới khi đấy, chỉ cầm cự với một ít thuốc trụ sinh, anh chồng đã sốt rất cao và bắt đầu những cơn sảng. Do quá trời sợ hãi, hoang mang mù mịt, mà chậm chút nữa anh ta chết chắc, cho dù đã hòa bình được một ngày đêm rồi.
Tôi ra đầu ngõ chặn một cái xe lam, điều nó tới trước cửa nhà của viên cảnh sát. Anh ta được dìu xuống, rồi cùng vợ lên xe cấp tốc chạy đến nhà thương Vì Dân không xa đấy. Lũ trẻ với đứa lớn nhất chừng 12 tuổi ở lại giữ nhà. Chúng đóng chặt cửa ra vào, nhưng mở toang các cửa sổ. Và ở trên ban công tầng hai, một lá cờ Giải phóng giấu sẵn trong nhà từ bao giờ, bọn trẻ đã đưa ra cắm, lật phật bay trong gió cùng cả loạt những lá cờ xanh đỏ sao vàng khác lúc ấy đã rợp khắp trong ngõ ngoài phố.
B.N