Bên dòng Lam giang

Thứ Bảy, 31/03/2018 00:15
Bút kí . LÊ MẠNH THƯỜNG

Tôi sinh ra và lớn lên ở bên bờ sông Lam, phía trung lưu. Với tôi, Lam là dòng sông thiêng. Cùng với mẹ cha, thầy cô, khoai sắn, nước dòng Lam đã nuôi tôi lớn khôn. Lam gắn bó với tổ tiên, ông bà, cha mẹ tôi, gắn bó với hai tiếng “xứ Nghệ” thân thương. Dòng Lam cạnh nhà ngày đêm hiền hòa xuôi chảy, tưới mát đôi bờ, dâng hạt phù sa màu mỡ bồi đắp lên bãi mía, nương dâu xanh ngát. Dòng Lam vẫn lặng thầm chở nặng trầm tích. Lam là linh hồn, là biểu tượng văn hóa. Lam đã chứng kiến biết bao thăng trầm của mảnh đất và con người quê tôi.

Trải bao năm tháng tất bật với vòng quay học hành, ra trường công tác rồi lại nhận lệnh điều động đến những mảnh đất ngái xa, ngoảnh đi ngoảnh lại cũng đã hơn hai mươi năm có lẻ. Những dịp tôi trở về với quê, với sông cũng vì thế mà thưa dần. Tôi biết, quê biết và sông cũng biết điều đó nhưng âu đó cũng là điều dễ hiểu bởi cuộc sống, công việc như chiếc đèn kéo quân cứ bám đuổi nhau hoài…

Với đặc thù công việc của mình, vừa rồi tôi đã có chuyến công tác về vùng hạ lưu sông Lam, thuộc huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Khó có thể nói hết cảm xúc trong chuyến đi này dẫu biết trước rằng những điều mới lạ đang chờ đón tôi, để tôi cảm nhận về một vùng đất địa linh nhân kiệt. Và nơi tôi đến đầu tiên là một đơn vị có những con tàu trắng phau mang dòng chữ Cảnh sát biển Việt Nam đang nằm nép mình bên dòng Lam êm đềm - Hải đội 102 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1.

Xe qua cầu Bến Thủy là đến đất Nghi Xuân. Từ ngã ba Gia Lách của thị trấn Xuân An chúng tôi rẽ trái xuôi về Xuân Phổ. Chiếc xe chạy chầm chậm trên mảnh đất Nghi Xuân trong làn mưa rây rắc và cái rét ngọt của những ngày cuối năm. Cả vùng quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du vẫn mang dáng vẻ trầm mặc, in đậm những nét xưa. Chợt vẳng đâu đây làn điệu ca trù Cổ Đạm vang lên như là lời gọi mời, như là lời chào đón làm tôi không khỏi xao xuyến bởi giai điệu mượt mà, quyến rũ của nó. Nếu như ở Bắc Ninh nổi tiếng với quan họ thì vùng đất Nghi Xuân của Uy Viễn tướng quân Nguyễn Công Trứ lại là cái nôi của ca trù. Ca trù Cổ Đạm đã làm say đắm bao tao nhân mặc khách giữa miền đất gió Lào cát trắng này.

Hải đội nằm trong dân, ba phía là dân, một phía là sông. Phía bên kia sông là xã Hưng Hòa của thành Vinh. Những bức tường rào của đơn vị nằm sát với đường làng rợp bóng tre, bóng mít. Ngọn khói rơm của bếp nhà ai trong xóm bay lên lạc vào khoảng sân trong doanh trại thơm thơm mùi đồng ruộng lại nhắc nhớ tôi về bữa cơm ít gạo nhiều khoai thuở nào.
Khác hẳn với nhịp sống chầm chậm, yên bình của vùng đất cửa biển này, bước vào cổng của Hải đội 102, cảm nhận của tôi là một không khí hoàn toàn khác hẳn ngoài kia. Những dãy nhà tầng chỉ huy, nhà làm việc của các bộ phận, nhà khách, nhà nghỉ được xây dựng khang trang. Những bồn hoa, cây cảnh được cắt tỉa gọn gàng, đẹp mắt. Con đường bê tông dẫn xuống cảng, nơi những con tàu đang cập bến được trang trí các loại pa nô, khẩu hiệu xen lẫn cây xanh. Trung tá Phan Thanh Hải, Chính trị viên Hải đội giải thích rằng, cả đơn vị đang tập trung chỉnh trang các công trình cảnh quan doanh trại cũng như đẩy mạnh các hoạt động phong trào, tạo khí thế thi đua sôi nổi cho anh em cán bộ, chiến sĩ chuẩn bị đón tết.

Hải đội 102 được thành lập ngày 27/10/2004 với chức năng, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, làm nòng cốt trong quản lí, duy trì thực thi pháp luật trên biển, tìm kiếm cứu nạn, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn vùng biển, đảo khu vực Nam Vịnh Bắc bộ. Là đơn vị hoạt động độc lập, điều kiện còn gặp nhiều khó khăn, xa sự chỉ đạo trực tiếp của cấp trên nhưng với tính chất nhiệm vụ của một đơn vị đóng quân giữa miền Trung nắng gió, từ thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm được giao đến tất cả mọi công tác đối nội, đối ngoại, xây dựng niềm tin, tình cảm gắn bó quân dân và thế trận lòng dân vững chắc đều được tập thể Ban Chỉ huy Hải đội bàn bạc, thống nhất và quyết tâm thực hiện bằng sự hồ hởi và niềm tin phía trước. Do vậy, có thể nói, Hải đội được coi như một Bộ Tư lệnh Vùng thu nhỏ với đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và mối quan hệ mật thiết với cấp ủy, chính quyền tỉnh, huyện và xã Xuân Phổ.

Trung tá Phan Thanh Hải có lẽ là người bám trụ tại Hải đội lâu nhất. Quê Can Lộc, nhà cách đơn vị 50 ki lô mét, vợ con gia đình đều ở quê. Tốt nghiệp sĩ quan, trải qua một vài đơn vị trong Quân chủng Hải quân rồi chuyển sang gắn bó với Cảnh sát biển, với Hải đội 102 mười hai năm nay. Chừng ấy thời gian đủ để anh hiểu đến chân tơ kẽ tóc từng con người trong đơn vị, hiểu và bao quát hết mọi công việc cũng như nắm chắc địa bàn, địa phương nơi đơn vị đứng chân. Anh Hải đã kể cho tôi nghe về quá trình biến một nơi trống trải, một cơ ngơi hầu như không có gì ngoài cầu cảng phục vụ dịch vụ hậu cần nghề cá của nhân dân bỏ hoang để trở thành doanh trại khang trang bề thế như ngày hôm nay…

Chúng tôi cùng bước trên con đường xuống cảng để thăm những con tàu của Hải đội. Trung tá Hải tiếp tục tâm sự với tôi bằng niềm say mê khi nói về nơi mình đang gắn bó. Anh em cán bộ, nhân viên của Hải đội phần lớn là con em của hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Số còn lại quê ở các tỉnh có khoảng cách không quá xa như Thanh Hóa, Quảng Bình, Ninh Bình, Nam Định…

 
nuihongsonglam
Núi Hồng sông Lam - Ảnh: Internet

Sông Lam mùa này thật phẳng lặng, yên tĩnh. Có tiếng cu gù phía bên Hưng Hòa vọng sang hòa vào tiếng sóng nước đập vào mạn tàu nghe thao thiết, lâng lâng. Tôi đang ngồi trò chuyện cùng anh em trên con tàu CSB 2006. Đây là con tàu mà tôi đã được đi công tác cùng trên biển trước đây. Boong mũi được căng bạt tiện cho việc sinh hoạt học tập hàng ngày của anh em khi tàu trực tại bến. Thuyền trưởng Nguyễn Doãn Hoàn, Chính trị viên Lưu Văn Nhiệm có vẻ hơi bất ngờ khi thấy sự hiện diện của tôi lúc này. Những cơn gió lạnh từ mặt sông hắt vào không làm cho câu chuyện của chúng tôi bớt rôm rả quanh ấm chè xanh xứ Nghệ. Tôi đã gặp lại những gương mặt quen thuộc và cả những anh em mới về tàu. Có lẽ, trên tàu CSB 2006, người để lại ấn tượng nhất cho tôi là Đại úy Nguyễn Doãn Hoàn, chàng trai quê Cẩm Xuyên có dáng người trắng trẻo, thư sinh, ăn nói nhỏ nhẹ. Còn nhớ, cách đây mấy năm, Hoàn cũng là nhân vật trong một bài viết của tôi. Khi đó anh còn là thuyền phó của con tàu này. Chuyến công tác đó, tôi có may mắn được đi cùng tàu CSB 2006 thực hiện nhiệm vụ đi trực tết tại khu vực đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị. Tôi nhớ đã viết thế này: “… Có lẽ chuyến biển này là chuyến công tác đặc biệt nhất từ trước đến nay mà tôi trải qua. Đặc biệt là ở chỗ, trong khoảng ngần ấy thời gian trên biển, những đức lang quân trên con tàu CSB 2006 đã liên tiếp nhận được bốn cái tin từ quê nhà báo ra: bốn bà vợ, bốn nàng dâu của tàu đã “khai hoa nở nhụy”, hạ sinh được năm cô công chúa xinh xắn, đáng yêu. Quả là đại hỉ! Cả con tàu òa lên niềm vui như chính người thân của mình vừa qua cơn vượt cạn. Người xuất sắc lập được “cú đúp” là vợ của thuyền phó Hoàn. Nhận được tin vợ sinh đôi an toàn, Hoàn nhảy cẫng lên sung sướng. Anh nói lạc cả giọng. Chân líu ríu bước từ trên buồng lái xuống hành lang rồi liêu xa liêu xiêu đi ra boong tàu như... say sóng. Cả tàu xúm lại chia vui và “mừng mồm” cho Hoàn, chúc mừng “mẹ đã tròn, con đã vuông”. Sướng nhé, bỗng chốc đã có ngay một đàn bươm bướm...”

Ngồi trước mặt tôi giờ đây là một Nguyễn Doãn Hoàn tuy rắn rỏi hơn nhưng vẫn không thể giấu đi được nét thư sinh của mình. Giọng nói vẫn nhỏ nhẹ, nụ cười vẫn bẽn lẽn như ngày nào. Nhìn vẻ bề ngoài của Hoàn khó ai có thể nghĩ rằng, những năm qua, con tàu CSB 2006 do Hoàn chỉ huy đã lập được nhiều thành tích trong công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển. Chính trong lằn ranh sinh tử, những thời khắc tưởng chừng như vô vọng giữa sự sống và cái chết, nhờ sự có mặt kịp thời của những chiến sĩ Cảnh sát biển, những ngư dân, những thuyền viên tàu bị nạn đã được trở về với gia đình, quê hương và có thêm nghị lực để lại tiếp tục vươn khơi.

Có lẽ trong những năm tháng đi biển của mình, đến bây giờ 11 thuyền viên trên tàu hàng mang số hiệu Thuận Phát 08 mới phải trải qua những phút giây khủng khiếp đến thế. Cách đây hơn một năm mạng sống của họ còn treo lơ lửng trên đầu mũi sóng. Họ đã nghĩ đến những điều xấu nhất có thể sẽ đến với mình. Trước khi vào Hà Tĩnh công tác, tôi đã gọi điện thoại cho anh Lê Trọng Lực, thuyền trưởng tàu Thuận Phát 08 để nghe anh kể lại câu chuyện xảy ra với con tàu của mình. Bằng chất giọng nằng nặng xứ Thanh, giọng nói của Lực vẫn chưa hết vẻ bàng hoàng bởi sự việc như chỉ mới xảy ra hôm qua thôi.

Hôm đó, 26/11/2016, tàu Thuận Phát 08 đang trong hành trình chở hơn 3.000 tấn gạo từ Đồng Tháp ra Hải Phòng. “Trên đường đi, tàu nhận được thông tin thời tiết diễn biến phức tạp, gió lớn, biển động nên tôi quyết định cho tàu vào đảo Hòn Mê tránh gió!” - Lực nhớ lại. Khi đi đến khu vực cách Đông Bắc đảo Hòn La (Quảng Bình) 46 hải lí thì bỗng nhiên máy lái gặp sự cố. Mặc dù anh em thủy thủ đã cố gắng nhưng vẫn không thể khắc phục được. Hỏng máy lái đồng nghĩa với việc tàu không thể điều khiển được. Lúc này tàu đang chở đầy tải, phải thả trôi trong điều kiện sóng gió lớn. Con tàu bị sóng nhồi liên tục. Lường trước được hiểm nguy bất trắc sẽ ập đến với con tàu của mình, thuyền trưởng Lực buộc phải phát tín hiệu khẩn nguy xin được ứng cứu rồi cùng toàn bộ 11 thuyền viên khẩn trương rời tàu. Khi chiếc phao bè chở anh em thuyền viên rời ra được một lúc thì con tàu Thuận Phát 08 đã chìm vào lòng biển đen thẫm.

Ngay sau khi nhận được thông tin có tàu bị nạn, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 đã nhanh chóng điều động tàu CSB 2006 đang trực tại khu vực đảo Hòn La nhanh chóng cơ động ra khu vực tàu bị nạn tiến hành tìm kiếm và làm công tác cứu hộ. Màn đêm vây bủa khắp nơi, gây khó khăn không nhỏ cho công tác tìm kiếm cứu nạn. Mặc dù vậy, tàu CSB 2006 phối hợp cùng tàu SAR 411 của Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực I vẫn mở rộng phạm vi, tăng cường theo dõi mặt quạt để tìm kiếm các nạn nhân. Thời gian cứ chầm chậm trôi qua đồng nghĩa với hi vọng sống đang dần nhỏ nhoi của các thuyền viên. Cho đến 16h30 phút ngày hôm sau, tàu CSB 2006 đã phát hiện chiếc phao bè cứu sinh đang trôi dạt ở vị trí Đông Bắc đảo Hòn La 22 hải lí. Nhanh chóng tiếp cận được phao cứu sinh, cán bộ, chiến sĩ của tàu đã đưa 11 người bị nạn lên tàu an toàn. Các thuyền viên bị nạn được chăm sóc y tế, cấp quần áo, thuốc men, nhu yếu phẩm và động viên tinh thần. Thuyền trưởng Lực kể: “Suốt thời gian ở trên phao bè, chúng tôi đã rất hoang mang và lo sợ. Thật may mắn khi được tàu của lực lượng Cảnh sát biển cứu giúp chúng tôi…!”. Ngay sau đó, tàu của Cảnh sát biển đã chở các thuyền viên bị nạn về cập cảng Hòn La và bàn giao cho Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình.

Tôi biết, không chỉ có CSB 2006, những con tàu khác trong đội hình tàu của Hải đội 102 như CSB 1012, CSB 1014, CSB 3005; CSB 2008… khi có lệnh đều sẵn sàng lên đường và đã thực hiện thành công nhiều vụ cứu nạn khi bà con mình không may gặp phải giữa mịt mùng khơi xa. Mấy năm qua, đơn vị đã tổ chức cứu được 12 phương tiện tàu thuyền gặp nạn và 172 người dân đưa vào bờ bảo đảm an toàn. Con số đó đã minh chứng cho “mệnh lệnh của trái tim” mà cán bộ, chiến sĩ của đơn vị luôn ghi nhớ. Bằng sức trẻ căng tràn và tình yêu biển đảo sâu nặng, coi bà con nhân dân như những người thân ruột thịt của mình, những người lính bên bờ sông Lam luôn nỗ lực đem hết tình cảm, trách nhiệm để đương đầu với sóng gió, kịp thời có mặt để cứu giúp mỗi khi bà con gặp nạn trên biển. Họ chính là điểm tựa để cho bà con an tâm ra khơi bám biển mưu sinh.
*
*    *
Cũng trong chuyến công tác này, tôi may mắn được theo chân anh em cán bộ, chiến sĩ của Hải đội hành quân về giúp bà con nhân dân xã Xuân Lam xây dựng nông thôn mới. Trời mờ sáng, chiếc xe ca rời khỏi cổng doanh trại Hải đội trong cơn mưa rả rích. Trời rét, làn mưa rơi nặng hạt làm cho mảnh đất Nghi Xuân càng thêm vẻ tĩnh lặng.

Xuân Lam là xã thuộc vùng bán sơn địa của huyện Nghi Xuân. Một phía tựa lưng vào núi Hồng, dưới chân là cánh đồng mênh mông, có quốc lộ 1A chạy qua, trước mặt là dòng sông Lam xanh ngát. Ở đây có nhiều danh thắng như đền Thánh Mẫu, đền thờ Tiến sĩ Thái Danh Nho, đền Cơn Cầy, khe Vực…

Chiếc xe ca lăn bánh vào trụ sở UBND, lãnh đạo xã và các ban ngành chức năng của huyện Nghi Xuân chào đón anh em bằng những cái bắt tay thật chặt và thân tình. Qua trao đổi, hội ý nhanh với lãnh đạo địa phương, Hải đội bắt đầu triển khai đội hình thành từng tổ nhỏ tỏa về các thôn xóm để thực hiện các nội dung theo kế hoạch. Vì điều kiện kinh tế khó khăn của địa phương nên lực lượng thanh niên của xã đã rời quê đi làm ăn xa, những người dân tôi gặp ở đây đều là các cụ già, phụ nữ trung niên và những người đàn ông đứng tuổi. Do vậy, hình như thiếu đi sức lao động của tuổi trẻ nên quang cảnh của xã tương đối vắng vẻ, đường làng ngõ xóm bừa bộn, cây cối rũ cành xòa xuống đường, mương thoát nước ở ngoài ruộng không được nạo vét nên ứ đầy bùn đất, cỏ và bao rác, những ngôi nhà tróc lở theo thời gian... Mỗi mùa lũ về, nước sông Lam dâng cao, bà con phải sơ tán lên núi Hồng làm lán để ở, cuộc sống cứ trôi qua như vậy, khó khăn vô cùng…

Cái rét đầu đông và những hạt mưa rơi trên xóm núi không làm mất đi không khí sôi nổi, hăng say, nhiệt tình của cán bộ, chiến sĩ với những công việc cụ thể. Nơi đây anh em chặt cành cây, thu dọn rác bẩn, ở đằng kia, một tốp đang đào hố trồng cây bóng mát trên con đường chạy ra cánh đồng, một tổ khác thì đang cùng các bà, các bác dọn dẹp, vệ sinh khu vực nhà văn hóa thôn. Những củ khoai lang, những bát nước chè xanh đặc quánh mà các bà, các mẹ đem đến làm cho không khí lao động càng thêm ấm áp và thắm tình quân dân. Đứng chống gậy ở cổng theo dõi những việc làm của cán bộ, chiến sĩ Hải đội 102 tại thôn 1, cụ Nguyễn Thị Thuận, 85 tuổi, mẹ liệt sĩ xúc động nói: “Hôm nay thấy các chú Cảnh sát biển về giúp bà con trong xóm dọn dẹp cây cối, đường làng ngõ xóm sạch đẹp tôi rất vui. Các chú xứng đáng là “Bộ đội Cụ Hồ”, Bộ đội của nhân dân!”.

Đi cùng đồng chí Trần Quỳnh Thao - Huyện ủy viên, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Nghi Xuân đến từng khu vực lao động trên địa bàn xã, nhìn tận mắt những việc làm của anh em đối với địa phương, anh phấn khởi cho tôi biết: “Xuân Lam là một trong những địa bàn khó khăn của huyện Nghi Xuân. Mặc dù người dân Xuân Lam đã vào cuộc xây dựng nông thôn mới một cách hết sức quyết liệt nhưng với một địa bàn hẹp, nằm ở vùng bán sơn địa, cuộc sống của người dân cơ bản khó khăn, lực lượng thanh niên của địa phương đều đi làm ở xa nên so với các địa phương khác có yếu hơn do vậy các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn đã có những đóng góp hết sức ý nghĩa cho phong trào cùng với bà con xây dựng nông thôn mới.” Lúc trên xe, Thiếu tá Lê Anh Sơn, Chính trị viên phó Hải đội có nói với tôi, không những giúp bà con nhân dân Xuân Lam, cán bộ, chiến sĩ Hải đội cũng đã hăng hái vào cuộc giúp nhân dân các xã khó khăn của huyện Nghi Xuân như Xuân Phổ, Xuân Đan, Xuân Hải và xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình). Những việc làm của Hải đội đã góp phần giúp bà con địa phương nơi đơn vị đóng quân xây dựng nông thôn mới một cách hiệu quả, thiết thực và thắt chặt thêm mối đoàn kết, gắn bó quân dân.
*
*    *
Trong bữa cơm chiều được tổ chức tại nhà ăn Hải đội, ngoài anh em của đơn vị còn có sự xuất hiện của các đồng chí lãnh đạo xã Xuân Phổ. Giữa Ban Chỉ huy Hải đội và Lãnh đạo xã Xuân Phổ đã trở nên mật thiết, thân tình. Giữa anh em cán bộ, chiến sĩ với bà con các thôn xóm, với giáo viên và học sinh các trường học của xã đã coi nhau như ruột thịt, hiểu nhau trong từng câu nói, chung tay trong mỗi việc làm. Hàng năm, cứ vào dịp tết, đích thân Bí thư Đảng ủy xã Trần Xuân Trực lại vào đón giao thừa và vui cùng anh em. “Các chú Hải đội” là cái tên gọi tắt mà bà con hay nhắc mỗi khi nói về anh em. Biết dựa vào dân, được nhân dân yêu thương, đùm bọc, sẻ chia và sẵn sàng giúp đỡ nhân dân, đó chính là gốc rễ, là căn cốt để cán bộ, chiến sĩ Hải đội xây dựng, vun đắp thế trận lòng dân ngày một vững bền.

Ngoài kia, màn đêm đã buông. Gió từ sông Lam thổi vào lạnh buốt. Ánh sáng điện trên quân cảng chiếu xuống mặt nước mênh mang. Ánh điện soi rõ những con tàu đang yên bình cập bến. Và có thể ngày mai, khi có giông bão nổi lên, những con tàu mang trong mình những trái tim dũng cảm sẽ lập tức lên đường để bảo vệ sự bình yên trên vùng biển đảo quê hương.

Và những con tàu đó sẽ lại trở về bên dòng Lam yêu thương… 
 
01/12/2017
 L.M.T
 
 
 
 
 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)