Nguyễn Hiển – Chào em bé!

Thứ Ba, 20/03/2018 14:01
Đây là điều mà tôi nói với Hiển, khi nhìn một số bức mà Hiển sẽ treo ở triển lãm cá nhân đầu tiên, sắp diễn ra tại Hà Nội vào chiều ngày 25 tháng 3 tới: Cậu có nghĩ rằng triển lãm tiếp theo của mình sẽ mang chủ đề ấy không? “Nguyễn Hiển – Chào em bé!”? Hiển cười rất hiền lành, từ tốn, với một chút bối rối: Tôi hay mơ mộng lung tung. Tôi có một tuổi thơ rất đẹp, và tôi luôn nghĩ về nó. Tôi muốn giữ nó trong cảm xúc của tôi.

Tôi thấy Hiển đang chạm tới không chỉ cảm xúc của chính Hiển, mà là chạm tới cảm xúc của tất cả những người đã từng có một tuổi thơ êm đềm.

Triển lãm lần này của Hiển mang tên “Tĩnh & mơ”. Hiển nói, tôi muốn hướng tới sự tĩnh lặng. Tĩnh lặng sẽ trao tặng chúng ta bình yên và hạnh phúc. Hẳn rồi. Trong cái không gian chật hẹp, tù túng, xô bồ, ồn ào đến bức bối mà hàng chục triệu người chúng ta đang quẫy đạp ở cái thành phố này, ai chả mong có được một chữ “tĩnh”. Chưa bao giờ cái khát vọng được sống chậm, tĩnh lặng, được tận hưởng sự sống mà một vì sao nào đó ở rất xa trong vũ trụ vô biên trao tặng, lại trở nên tha thiết và mãnh liệt như giờ.

 
28908436 1939250043056883 995249655 n
29134264 1939249986390222 413366812 n
29019424 1939250039723550 492167704 n
Tranh của NGUYỄN HIỂN

Miên man trong tranh của Hiển là một màu xanh. Nhức biếc. Màu xanh đang chiếm lĩnh cảm xúc của Hiển, phủ lên những kí ức đẹp đẽ của Hiển, phủ lên những mộng mơ của một người nghệ sĩ đang nỗ lực tìm kiếm chính mình trên con đường dài dằng dặc không có điểm dừng. Hiển vẽ nhiều “thứ”, với một tinh thần “tĩnh” thống nhất. Nhưng tôi thích nhất những bức Hiển vẽ các em bé. Nó dấy lên niềm yêu thương tha thiết về một quá vãng xa xôi tít tắp – có lẽ thế chăng? Các em bé với đôi mắt tròn, trong như hai giọt nước và chưa một chút hồ nghi về cuộc đời trước mặt. Và thường thấy bên cạnh một con vật nào đó. Chó, cá, hoặc trâu. Đặc biệt là chó. Hầu hết trẻ em trên thế gian này đều yêu chó. Tôi tin chắc điều ấy.

Trong kí ức của tôi, trong mọi câu chuyện mà tôi còn nhớ được, luôn có hình bóng một con chó nào đấy. Những con chó có đôi mắt buồn bã khi tôi bị mẹ mắng và ôm gối ngồi khóc dưới gốc cây mận; Những con chó lóc cóc gõ móng chân trên sân xua đàn gà đang nhớn nhác định vào mổ cái mẹt phơi những bắp ngô vàng óng; Những con chó rúc vào bụi cây rậm, thật rậm, để tìm một con gì đó dưới mặt đất, và khi chui ra lông nó dính đầy những quả ké…  

Trẻ em trong tranh của Hiển đôi khi phảng phất cái gì đó như là một nỗi ưu tư sầu muộn nhưng yên bình. Em gần như nằm xoài ra đấy, nép dưới một tán lá sen dày, to và nặng, và ấm áp. Em rồi sẽ thiếp đi trong tiếng côn trùng tí xíu râm ran, trong những cơn gió rất khẽ chỉ đủ lay phay cái vạt áo mỏng. Em đã làm rơi đâu đó lời dặn của mẹ. Em cần phải thiếp đi giữa cái thiên nhiên khoáng đạt thơm mùi đồng nội. Tự dưng tôi cảm thấy trên má em, một giọt nước mắt đã khô. Nước mắt của các em bé, giống như hơi thở của chúng, luôn có một mùi thơm tinh khiết kì lạ…

Đôi khi tôi ngồi lặng đi và tự hỏi: Khi còn là trẻ con, mình có cô đơn hay không? Có đấy. Tôi thường xuyên cô đơn trong cái thung lũng đầy cây, nước, gió, tiếng chim… của mình. Cô đơn vì mơ mộng. Càng mơ mộng càng cô đơn. Nhưng nếu như, chúng ta sống ở trên đời này, ngày ngày tháng tháng năm năm đối diện với hàng triệu gánh nặng chất chồng của một con người, mà không mơ mộng nữa, thì chúng ta còn gì? Tôi không bao giờ có thể nói với mẹ về ý nghĩ ngồi trên những đám mây và vươn ngón trỏ bé xíu của mình, chạm tới một vì sao nhấp nháy tít trên đỉnh trời. Tôi yêu mẹ, vô cùng yêu mẹ, nhưng tôi không thể nói ra. Tôi cảm thấy, tôi hình dung thấy, ánh mắt kinh ngạc của mẹ khi nghe tôi thốt ra những điều ấy. Tất nhiên, có thể tôi đã nghĩ oan cho mẹ. Có thể mẹ hoàn toàn chia sẻ với tôi về mơ ước ngồi lên đám mây và chạm tay vào vì sao nào đấy. Nhưng vì tôi là trẻ con. Tôi luôn tin rằng người lớn sẽ không thể nào hiểu nổi mình. Tôi cô đơn ghê gớm. Và tôi thấy sự cô đơn trong những em bé của Hiển. Với sen, với súng, với hoa dại, với mấy tàu lá chuối, với đống rơm êm ái… em dường như đã im lặng cất giấu thật kĩ những mộng mơ nào đấy.

Hiển nói rất chân thành, tôi đã từng bị ảnh hưởng của ai đấy. Tôi vẽ, và tôi thấy họ đang ở trong tranh của tôi. Điều này không có gì lạ. Văn chương, âm nhạc, hội họa… ở lĩnh vực nào những người trẻ tuổi cũng có thể bị ảnh hưởng từ một thần tượng nào đó, một niềm yêu tha thiết nào đó. Điều đáng nói sau cùng, là chúng ta quyết liệt vượt thoát như thế nào.

Ngắm tranh Hiển, ngắm những em bé, tôi thấy một Nguyễn Hiển thật hiền lành, lặng lẽ lao động, nỗ lực vượt thoát với một xác tín vào bản thân. Giờ, Hiển sắp có triển lãm đầu tiên trong đời họa sĩ. Tôi nói với Hiển hình dung của tôi, rằng họa sĩ làm triển lãm phải chịu áp lực lớn hơn rất nhiều so với nhà văn khi ra mắt một cuốn tiểu thuyết mới. Tất nhiên, so sánh nào cũng khập khiễng. Nhưng có một điều chắc chắn là ai rồi cũng sẽ được ghi nhận, ở một mức độ nào đó, khía cạnh nào đó, cái công sức lao động thật sự, cái năng lực sáng tạo thực sự mà mình đã dồn vào tác phẩm.

Để tới đích, chẳng có con đường nào dễ đi. Nhưng tôi tin rằng, người nghệ sĩ tìm thấy hạnh phúc không nhất thiết phải đợi đi đến đích, mà chính là trên cái hành trình được đi một mình, cô đơn, hưng phấn ấy.

ĐỖ BÍCH THÚY
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)