Chờ xuân trên đất trung du

Thứ Bảy, 03/03/2018 00:43
Bút kí. UÔNG TRIỀU

Chúng tôi lên vùng ATK vào một ngày cuối đông, trời đất một màu bàng bạc se lạnh. Vùng Thái Nguyên có những núi non hùng vĩ ở vùng Võ Nhai, Đổng Hỷ, lại có những khoảng đồng bằng yên ả êm đềm ở mạn Phổ Yên, Sông Công. Con sông Cầu mùa đông cũng chảy lặng lẽ, chỉ có những dãy núi cao tạo được ấn tượng mạnh bởi những quầng mây mù diệu vợi, ở dưới thung đôi khi gặp những mảng sương dài như chiếc khăn bông mềm mại. Nhưng mặc thế, những màu xanh của ruộng đồng vẫn cứ trải dài, thỉnh thoảng đan xen bởi những vạt ngô nếp lá vàng heo hắt. May mắn, khi chúng tôi đến Lữ đoàn Phòng không 210 thì trời vừa hửng lên và tiết đông hanh khô dường như làm cho cuộc tập luyện nơi thao trường bớt gay gắt đi được một chút.

Lữ đoàn Phòng không 210 còn có tên khác là Đoàn Phòng không Thái Nguyên đã có lịch sử gần sáu mươi năm, mỗi trang sử hào hùng của người lính phòng không năm xưa mỗi ngày lại được viết tiếp bởi những người lính hôm nay. Vì đặc điểm riêng của bộ đội phòng không là đơn vị bảo vệ bầu trời, nên doanh trại của họ đóng quân trên một triền đồi trung du. Đường lên trận địa qua những quả đồi thấp với đám ràng ràng úa màu hanh khô, nhưng gần đấy vẫn thấy những giàn mướp hoa vàng rực bắc trên những bờ ao rộng lớn và có cả một cái giếng cổ, tròn vành vạnh, quanh năm không cạn nước…

Một cái búa nện vào một vỏ quả bom kêu đến chói tai. Kẻng báo động: Địch đổ bộ bằng đường hàng không xuống vùng Thái Nguyên. Các chiến sĩ ùa nhanh lên các ụ pháo. Ai vào vị trí nấy. Hướng 34, một máy bay bay thẳng vào! Cao độ... tiếng người chỉ huy át cả tiếng động ầm ầm của máy bay địch giả định, tiếng kim khí va vào nhau lanh canh, các pháo thủ khẩn trương thao tác. Pháo được quay theo hiệu lệnh điều khiển. Cả khẩu đội pháo bảy người ai cũng nhễ nhại mồ hôi, vì khẩn trương, vì dồn dập, vì các thao tác phải thật nhanh gọn, chính xác. Máy bay địch đã gần lắm, vừa căng tai nghe hiệu lệnh, vừa căng mắt, tập trung, sẵn sàng bùng lên lưới lửa tiêu diệt quân thù, bảo vệ cho thành phố bình yên.

Tan buổi tập, chúng tôi trò chuyện với các chiến sĩ Lữ đoàn 210 ngay cạnh các ụ pháo. Những khuôn mặt dễ mến, hồn hậu. Trần Quang Vinh chiến sĩ Đại đội một, Tiểu đoàn một, ở vị trí pháo thủ số ba, nhà ở Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên. Vinh mới vào quân ngũ đầu năm 2017 nhưng đã có vẻ rắn rỏi, thuần thục và một phong thái sởi lởi đáng mến. Tôi không ngờ một chàng trai khuôn mặt hơi sạm vì nắng gió thao trường nhưng lại có một vẻ lãng mạn, hồn nhiên yêu đời đến thế. Lính phòng không phải mang vác nặng, cần rất nhiều sức khỏe và đòi hỏi sự chính xác, cẩn trọng đến cao độ. Chỉ một chút sơ sẩy là có thương vong. Với vũ khí quân dụng là chuyện không thể đùa được và với các khẩu pháo nặng hàng tấn lại càng phải thận trọng, chú ý hơn.

Vinh kể cho chúng tôi sự tập luyện ở thao trường. Những buổi diễn tập rất thường xuyên, ai cũng phải cố gắng, tập trung nhưng pháo thủ số 5 mới là người vất vả nhất, còn vị trí số 3 như anh thì cũng bình thường thôi. Anh cười rất tươi bảo, nhưng cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng ăn khớp thì khẩu pháo mới hoạt động tốt được.

Và giữa một chiều trung du, trong tiết trời bàng bạc, chàng trai thế hệ 9x đã cao hứng hát cho chúng tôi nghe bài Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây. Giọng của anh trầm ấm, mạnh mẽ lan cả xuống ven đồi, làm một cánh chim ngập ngừng bay lên. Có lẽ sự lãng mạn, yêu đời này anh được thừa hưởng từ phẩm chất nghệ sĩ của mẹ. Vinh kể, mẹ anh là nhà thơ Nguyễn Thị Sáu sinh hoạt ở Hội Văn nghệ Thái Nguyên. Mẹ anh là một người rất đảm đang, khéo tay. Bố mẹ anh có một hiệu làm bánh dầy có tiếng trong vùng và khi ở nhà em thường xuyên giúp cha mẹ làm ra những chiếc bánh dầy vừa mềm, vừa thơm ngon phục vụ người dân quanh vùng.

Cùng là chiến sĩ tiểu đoàn với Trần Quang Vinh nhưng Phan Văn Hanh giống như một người anh trưởng thành hơn. Ai cũng biết quân ngũ là vất vả, là xa nhà nhưng cũng có những câu chuyện đầy cảm động và dù là thời bình thì sự hi sinh, thiệt thòi của họ cũng là điều đáng kể.

 Hai vợ chồng Phan Văn Hanh cùng học Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên, khoa Tiểu học. Khi người vợ trẻ vừa mang bầu được bảy tháng thì anh nhận lệnh tòng quân. Người vợ trẻ dù rất nhớ thương cũng phải lưu luyến tiễn người chồng yêu dấu lên đường. Ai cũng cần một sự hi sinh nào đó, vì nghĩa vụ với Tổ quốc và trách nhiệm công dân nhưng những ngày ở đơn vị là khoảng thời gian lo lắng khôn nguôi. Vợ mình sẽ thế nào khi sắp đến ngày sinh nở mà không có chồng bên cạnh? Người đàn bà vào những tháng cuối sắp sinh, nặng nề, mệt mỏi, đến tư thế nằm ngủ cũng khó khăn và đứa con của mình sẽ ra sao khi vắng sự chở che, đùm bọc của người cha…

Và niềm vui đã vỡ oà cùng những giọt nước mắt nhớ thương, đúng ngày vợ lâm bồn, Hanh được đơn vị cho phép tranh thủ về thăm gia đình. Đón đứa con trai trong bệnh viện, lòng anh trào dâng một nỗi niềm khó tả. Tranh thủ quãng thời gian ít ỏi, anh đi mua cho vợ bát cháo ngon và nâng niu, cưng nựng đứa con được một chốc rồi buổi tối lại phải vào đơn vị.

 
Các chiến sỹ Lữ đoàn phòng không 210 giải lao giữa buổi tập luyện ở thao trường
Các chiến sĩ Lữ đoàn Phòng không 210 giải lao giữa buổi luyện tập ở thao trường
Ảnh: PV

Kỉ luật nghiêm minh thì cũng có tình người và sự sẻ chia. Hanh được gửi điện thoại ở chỗ chỉ huy đơn vị và những khi tan buổi thao trường anh được phép gọi điện về nhà thăm hỏi vợ con. Đơn vị cũng ưu tiên cho anh về tranh thủ nhiều hơn. Đó là tình đồng đội đáng quý mà những ai vào lúc khó khăn, trắc trở mới thấu hiểu được sự sẻ chia, đồng cảm của đồng đội.

Và vợ Hanh, vì bận chăm con một mình nên vẫn chưa tìm được việc làm, và cả chính Hanh nữa, anh cũng lo lắng cho tương lai của mình. Anh được đào tạo để trở thành một thầy giáo, nhưng khi xuất ngũ, liệu có cơ hội cho anh được đứng trên bục giảng, được làm cái nghề mình yêu quý, đi dạy chữ, dạy người cho những em thơ? Nghe câu chuyện của Hanh tôi cứ suy nghĩ mãi, liệu cái ước mong giản dị của người lính có thực hiện được không, là nghĩa vụ, tình cảm hậu phương quân đội, rất cần sự quan tâm.
 
Anh Hồ Giáo thời hiện đại
Hồi bé, mỗi khi đọc những truyện kể về anh hùng Hồ Giáo của nhà văn Hồ Phương bọn trẻ con chúng tôi đứa nào cũng thích thú. Sao lại có người yêu loài vật, trâu bò đến thế. Bọn trẻ con, nếu sinh ở nông thôn thì hầu như đứa nào cũng có một tình yêu với những con vật nuôi trong nhà. Tôi đã từng đặt tên cho những con vịt, con ngan bố mẹ giao cho chăm sóc: nào là con Cộc, con Còi, con Béo… và lúc nào cũng lo lắng, chăm bẵm cho chúng ham ăn, chóng lớn.Và nghĩ rằng tình yêu với loài vật từ lâu đã mờ nhạt trong những người trẻ hôm nay, vì người ta quá bận rộn, có quá nhiều thứ để quan tâm và còn thì giờ đâu mà yêu thương các loài vật được nữa.

Vậy mà khi đến Trung đoàn 246, Sư đoàn 346, Quân khu I, nghe loáng thoáng các anh kể về một người rất mực yêu quý đàn bò của mình, tôi đã nghĩ đó là một người đứng tuổi, một công nhân quốc phòng đã có gia đình, vì mức giao khoán của đơn vị mà cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình. Nhưng không phải, những phán đoán của tôi đều sai và tôi đã ngỡ ngàng khi gặp một chiến sĩ rất trẻ, khuôn mặt sáng láng hồn nhiên và có một niềm say mê rất chân thành với đàn bò của mình.

Người tôi muốn kể ở đây là Nguyễn Tuấn Huy, chiến sĩ thuộc Đại đội 18 thông tin, trực thuộc Trung đoàn. Tôi không ngờ, Huy chính là người đã từng xin tạm hoãn ngày nghỉ tranh thủ của mình để chăm sóc cho con bò trong đàn đến ngày trở dạ. Huy kể, con bò sắp sinh ấy là con Đen. Con Đen là một cô bò cái nhưng to khoẻ, nhiều khi lại bướng bỉnh, ngoan cố nhất đàn. Là con đầu đàn nhưng nhiều khi Đen tự tách đoàn đi chơi một mình. Tuy có phần trái tính, trái nết như vậy nhưng khi Đen trở dạ thì Huy lo lắng không yên. Vì con Đen tuy ương bướng thế nhưng khi sắp sinh nó cũng nặng nề, mệt mỏi lắm. Lo nhất là nếu Huy về tranh thủ đúng ngày con Đen trở dạ thì sao? Anh biết con Đen lắm, vì bản tính thích lang bạt, nó có thể sẽ tìm một bụi cây nào đó làm ổ, biết đâu có rắn rết hoặc nó tự ăn rau của mình thì nguy to. Và thế là Huy xin hoãn nghỉ thanh thủ để ở lại làm bà đỡ, lo lắng cho con Đen mẹ tròn con vuông mới yên tâm đi tranh thủ.

Và khi con Đen đã sinh nở an toàn, con bê khoẻ mạnh rồi thì Huy mới mừng rỡ chạy lên báo với lãnh đạo tin vui. Đó là thành quả của anh, là con bê đầu tiên của đàn bò mà Huy xung phong nhận nhiệm vụ trông nom. Phải là sự tận tình, trân quý thế nào thì mới hiểu hết cảm giác vui mừng khi ấy. Có thêm một con bê nghĩa là đàn bò phát triển tốt, Huy có thêm một người bạn và việc tăng gia của đơn vị thêm tiến bộ.

Con Đen sinh con đầu lòng, đó là thành quả lao động nhưng cũng có bao nước mắt và mồ hôi của Huy đi kèm với nó. Một lần, khi lùa đàn bò về chuồng, Huy thấy thiếu một con. Con Đen đã tự tách đàn đi chơi. Lòng Huy nóng như lửa đốt, Huy bỏ cả bữa cơm và giữa trời nắng chang chang quyết đi tìm kì được. Tìm mãi thì cũng thấy, con Đen đi ăn ở một bãi khá xa, lúc nhìn thấy Huy, nó cúi gằm xuống, có vẻ hối lỗi nhưng Huy cũng không đánh chửi người bạn bướng bỉnh của mình, chỉ trách móc nó nhè nhẹ, vỗ về, khuyên bảo rồi kéo cô nàng về chuồng.

 Không chỉ riêng con Đen, mỗi con bò trong đàn Huy đều hiểu tính cách và sở thích riêng. Rất may, trong đàn bò, chỉ có con Đen, con Vàng là bướng nhất, còn các con khác, cơ bản là hiền lành, dễ bảo. Nhưng cũng có lần Huy đã phải khóc hết nước mắt vì đàn bò của mình. Hôm đó, một con trong đàn ốm nặng. Huy dỗ dành mang cỏ non, nước sạch cho nó nhưng con bò vẫn không chịu ăn uống. Huy phải nhờ rất nhiều người trong đơn vị có kinh nghiệm để hỏi han, nhờ cả các anh quân y khám, cho thuốc uống và tiêm. Bò ốm nặng, Huy thức suốt đêm để canh và mỗi khi con bò cử động được một chút Huy đều mừng húm vì hi vọng nó sẽ qua khỏi. Thức trắng cả đêm cũng không cứu được con bò. Sáng sớm hôm sau, Huy lên đơn vị báo con bò đã chết, khoé mắt Huy đỏ hoe. Người bạn tội nghiệp ấy đã không qua cơn bạo bệnh và Huy coi đó là thất bại của mình.

Ngoài việc coi sóc đàn bò, các nhiệm vụ được đơn vị giao Huy đều hoàn thành tốt. Cứ sáng sáng, sau khi làm xong các nhiệm vụ của mình, Huy lùa đàn bò lên đồi. Những tưởng người yêu động vật như thế thì nhà ở vùng nông thôn nhưng ai ngờ Huy có hộ khẩu thành phố. Nhà Huy ở phường Hương Sơn, thành phố Thái Nguyên. Huy cũng là người viết đơn tình nguyện xung phong nhập ngũ, cả ông nội, chú, bố anh đều từng là bộ đội. Ngày Huy nhập ngũ, cả nhà liên hoan vui vẻ tiễn Huy lên đường. Làm bộ đội vất vả chút nhưng vui lắm, Huy nhoẻn miệng cười. Nhưng Huy vẫn còn một nỗi lo, đó là sang năm mới, khi mình xuất ngũ, con Vàng sẽ đến ngày sinh, liệu người thay thế anh có lo lắng, chăm sóc cho nó chu đáo không. Huy đang tìm một đồng đội có kinh nghiệm và biết yêu thương loài vật để tiến cử vào vị trí thay mình, nếu không anh khó lòng mà yên tâm được.

Mỗi người lính, khi được giao bất cứ nhiệm vụ gì họ cũng sẽ hoàn thành, việc trông nom loài vật cũng vậy, chắc Huy không phải quá lo lắng đâu. Tôi nói với Huy thế và cũng gợi ý rằng khi ra quân, anh có thể đầu tư chăn nuôi một đàn gia súc, để vừa có một công việc yêu thích, lại mang một nguồn thu nhập cho gia đình. Có một sự tận tụy và say mê thì việc gì cũng làm được và nghề nghiệp nào cũng cao quý, miễn là nó trong sạch và mang lại lợi ích cho mọi người. Có lẽ vì có những người như Huy mà trong đơn vị, cứ đi một quãng chúng tôi lại thấy những giàn su su xanh non, những vườn chè tươi tốt, những đàn lợn béo tròn…
 
Cây sáng kiến Lữ đoàn
 
Cũng trong Lữ đoàn 210, trong một buổi chiều nắng gió hanh hao chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng Đại úy chuyên nghiệp Nguyễn Duy Long, nhân viên quân khí, một “cây sáng kiến” tiêu biểu của Lữ 210.
Long người Định Hoá, Thái Nguyên, là anh cả trong một gia đình năm anh em. Vì hoàn cảnh gia đình, lại đông anh em, nên ngay khi từ còn ở nhà, Long đã tự mày mò, sửa chữa những vật dụng trong gia đình giúp bố mẹ. Nhập ngũ tháng 3 năm 1993, sau khi học một lớp quân khí ngắn hạn, anh được biên chế làm nhân viên quân khí của Tiểu đoàn I. Với bản tính cần mẫn, khéo tay hay làm, anh đã có nhiều sáng kiến trong việc bảo dưỡng, sử dụng quân khí, mang đến nhiều tiện lợi trong công tác huấn luyện và đảm bảo cho khí tài quân sự được sử dụng lâu bền.

Một trong những sáng kiến của anh có thể kể đến là “Đòn bẩy nâng hạ bánh xe pháo.” Theo chế độ bảo quản hàng tuần, sau khi bảo quản pháo xong, phải quay bánh xe pháo từ 5-6 lần và dịch chuyển sang vị trí khác, một việc mất rất nhiều thời gian và sức lực, nhất là trong những ngày hè nóng nực và phải cần 2-3 người để kích quay bánh pháo. Nghĩ đến sự vất vả của anh em và tốn công sức đồng đội, anh đã chế tác ra “Đòn bẩy nâng hạ bánh xe pháo.” Với thứ đòn bẩy tiện dụng này, bây giờ chỉ cần một người cũng có thể quay được bánh xe pháo dễ dàng, dụng cụ lại nhỏ gọn, rất dễ mang vác.

Long còn mày mò chế tác “Bạc bảo vệ nòng pháo”. Xuất phát từ thực tế, mỗi lần bảo quản pháo sau khi bắn, khớp nối của thông nòng bằng thép hay va chạm với miệng nòng pháo dễ gây trầy xước. Khi sáng kiến của Long được áp dụng, đã khắc phục được tình trạng nòng pháo bị trầy xước, dụng cụ lại dễ sử dụng, gọn nhẹ, giá thành rẻ.

Nhưng sáng kiến về “Hệ thống đèn chiểu sáng tủ súng bộ binh” mới là thứ anh mất nhiều thời gian và công sức nhất. Đó là khi anh cùng đồng đội thực hiện những cuộc hành quân diễn tập hoặc báo động ban đêm, tủ súng bộ binh không có đèn chiếu sáng, anh em phải dùng đèn pin hoặc dùng đèn điện thoại di động vừa không đủ ánh sáng, vừa có nguy cơ mất an toàn. Anh đã mày mò chế tác ra Hệ thống đèn chiếu sáng, tưởng là dễ nhưng cũng phải làm mấy lần mới thành công. Lúc thì chưa nhỏ gọn, khi thì độ nhạy chưa cao. Hệ thống chiếu sáng dùng đèn led cảm ứng thông minh, không dây dẫn, đèn chạy 4 pin AA, được gắn trực tiếp lên trần của tủ súng, xoay được 360 độ nên có thể chiếu sáng đến bất kì nơi nào của tủ súng. Đèn sẽ tự động sáng khi có người mở tủ và tự tắt sau 30 giây không hoạt động.

Với rất nhiều sáng kiến của mình suốt những năm làm nhân viên quân khí, Long đã có 14 lần được tôn vinh là Chiến sĩ thi đua, được thăng quân hàm trước niên hạn và nâng bậc lương.
Chiều trung du một màu xám bạc, những ngọn núi vẫn xanh thẫm trong tiết đông muộn nhưng dường như trong không khí đã cảm nhận được hơi thở của mùa xuân đang về. Những người lính, ở mùa đông rét mướt hay mùa hè nóng nực thì cũng luôn hoàn thành nhiệm vụ của mình. Là người quản lí quân khí hay bình dị hơn, chăm sóc những đàn bò, giữ một vị trí trong kíp pháo, hoặc bất cứ nhiệm vụ gì thì những người lính hôm nay vẫn rèn luyện, làm việc với tất cả sự nhiệt thành và trách nhiệm của mình. Như cây đời lúc nào cũng xanh tốt, bất chấp thời tiết hay mưa gió cuộc đời. Đông đã sắp qua và xuân sắp về trên khắp nẻo miền trung du thao thiết này.
 
U.T

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)