Tết đến ngoài sân

Thứ Năm, 15/02/2018 20:47
Tản văn của AN UYÊN
 
Trong gia đình tôi, mỗi thế hệ có một hình dung riêng về cái Tết truyền thống của riêng mình. Với các cụ thì ngày Tết là ngày của phiên chợ, của lúc tranh thủ trông nồi bánh chưng miết áo diệt chấy rận. Cụ đi chợ bao giờ cũng mang thêm cái bánh rán, bánh đa, bánh nếp cho bọn trẻ con trong nhà. Ngày Tết không có gì cũng phải cố gắng gói bánh chưng, mua cân thịt.

Với ông bà tôi, ngày Tết của ông bà là những ngày xếp hàng để mua đồ gói bánh chưng, mua gói mứt Tết, là những ngày cả nhà đạp xe từ Hà Nội về Hà Đông chúc Tết. Quê bà gần làng Bình Đà có làm pháo Tết nên những ngày cận Tết, bao giờ ông bà cũng tranh thủ mua cho lũ lít nhít trong nhà ít pháo tép.

Với thế hệ của bố mẹ tôi, họ nhớ về Tết cũng với những lần xếp hàng mua đồ tem phiếu, là cái áo bay bán vội lấy tiền tiêu Tết, là lọ hoa thược dược cắm cùng violet và hộp mứt tết đỏ bọc bóng kính đủ vị trên ban thờ. Đó là thời mà miêu tả lại, bố tôi chỉ nhớ có ngày tôi đòi ăn bánh rán, cả nhà hết tiền, bố mẹ phải đi xe đạp lách cách từ Bưởi đến Hàng Bột để nhờ ông bà mua cho tôi.

 
FullSizeRender 2
Minh hoạ của PHẠM HÀ HẢI
 
Đến thời của tôi, Tết vẫn được xem gói bánh chưng, vẫn thấy lọ hoa tím đỏ vàng hồng, vẫn nghe tiếng pháo đêm giao thừa, nhưng dường như mọi thứ vẫn chỉ là hoài niệm. Bởi mọi thứ chỉ có trong những năm chuyển giao từ 1980 sang 1990. Những năm sau đó, đứa trẻ lớn lên ở thành phố như tôi đã đón Tết kiểu cách tân. Phú quí sinh lễ nghĩa nhưng tôi lại thấy giảm lễ nghĩa. Như em tôi thì hẳn là không biết đến đêm luộc bánh chưng lũ trẻ con chầu trực để bố vớt cái bánh bé xíu không đỗ buộc dây đánh dấu của mình. Hay là lọ hoa thược dược của mẹ chỉ trưng được trong mấy ngày Tết, thay vào đó là lọ hoa ly, hoa lan bền hoa hơn. Hoặc là trò chơi mạo hiểm – đốt pháo tép hẳn là đã biến mất từ Tết năm 1995.

Tôi nhát nên không bao giờ dám cầm quả pháo, châm hương rồi ném đi. Tôi chỉ dám cắm quả pháo béo xíu vào khe tường, châm hương, chạy rồi lại tiếp tục chạy ra cắm – châm hương – chạy. Tôi bị ám ảnh bởi hình ảnh những đứa trẻ bị thương khi đi mót pháo đùng, pháo dây mỗi đêm giao thừa hay vào ngày Tết. Quả thật với một đứa trẻ thì những hình ảnh đó quả là quá ấn tượng để có thể chơi trò chơi nguy hiểm mà hấp dẫn. Đến Tết năm con ỉn 1995 – năm cuối cùng được đốt pháo, thằng em mới sinh của tôi được bế từ đầu nhà đến cuối nhà để tránh tiếng pháo mà sao tránh nổi… nó vẫn ngủ khì mặc kệ tiếng pháo được phép cuối cùng vang lên khắp chốn ngõ Hà Nội.

Mọi thứ được tối giản và thay thế bằng những thứ dễ mua bán, đặt hàng. Để không ai phải quá lo lắng chuẩn bị. Nhưng có lẽ, chỉ có tâm lí tất bật là không thay đổi từ thế hệ này sang thế hệ khác: dọn nhà tống tiễn xui xẻo, bẩn thỉu ở mọi ngõ ngách đi để trang hoàng đón năm mới. Với bố tôi, Tết nhất định phải có cây quất với đủ quả xanh, quả chín, hoa, lộc. Bao giờ hai sáu, hai bảy Tết bố cũng rủ tôi đi vào tận vườn Nhật Tân để chọn. Nhà tôi bé xíu nhưng cây quất của bố bao giờ cũng phải được chọn mua cầu kì và phù hợp nhất. Lúc về bao giờ tôi cũng ngồi trước, cây quất buộc sau. Chỉ khi quá lớn không đủ chỗ ngồi trước xe bố, tôi mới chuyển sang ở nhà dọn dẹp để nhường suất lại cho thằng em.

Phải đến 20 năm, cái Tết truyền thống của mỗi thế hệ dần bị quên lãng, cho đến những năm 2010 trở lại đây, thế hệ 8X chúng tôi bắt đầu làm cha làm mẹ và bắt đầu mong muốn tìm và phục dựng lại cái Tết trong trí nhớ của mỗi người. Thế nên, con của chúng tôi đến Tết được làm bánh chưng, đi xem chợ hoa, mặc áo dài đón Tết. Những đứa trẻ háo hức hát các bài hát ngày Tết và được tự tay gói bánh, còn người lớn cũng vì sự háo hức đó mà chuẩn bị Tết cầu kì thêm một chút. Cây hoa, đèn lồng có từ ngoài sân đến đến phòng khách. Cành đào phai treo đèn lấp lánh. Đồ ăn dù năm nào cũng nói không mua gì nhưng đến hai bảy Tết đã chật kín trong tủ. Và Tết về trong không khí, trong lòng người chuẩn bị.

Cứ đến Tết về thì những tranh luận về Tết xưa – nay, về giữ hay bỏ, về gộp với Tết dương lịch… lại bừng lên. Nhưng gì thì gì, năm nay… Tết đã đang ở ngoài sân rồi.
 
A.U
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)