Những mùa lũ

Thứ Hai, 12/02/2018 00:09
Truyện ngắn. LƯU THỊ MƯỜI

Má! Má ơi! Tỉnh dậy đi má! Lũ rút hết rồi. Con đã về đây! Rõ ràng chị nghe tiếng thằng Nghiệp. Muốn nhoẻn một nụ cười cho con yên tâm mà không thể. Mắt nặng trĩu. Tiếng còi hú của xe cấp cứu rợn người. Băng ca lạnh toát dưới lưng. Lạnh hơn cả đêm chị dầm mình trong lũ. Chị cảm nhận được hết. Nhưng chị mệt quá. Rũ người lắm rồi. Trụ gần hai ngày đêm. Không ngủ. Một gói mì tôm. Và bao lo lắng. Thần kinh chị như căng ra. Sắp vỡ tung. Không hiểu được sao có thể đương đầu trong trạng thái ấy gần hai ngày đêm. Má ngủ một chút thôi. Một chút thôi con trai à. Rồi má dậy. Ừ. Lũ đã rút. Đã rút hết rồi, má ngủ một chút thôi. Con nhé.
*
*    *
Chị thần người bên bờ sông. Dòng sông Côn ngày thường dịu dàng, êm ả, trầm mặc nay hung dữ và bạo tàn như một quái thú hung hãn muốn nuốt chửng bao sinh linh. Nước cuồn cuộn chảy. Sủi bọt ngầu đục. Thật ra nước sông dâng cao mấy bữa nay rồi. Không ai không biết. Mùa này thì năm nào nước cũng dâng cao. Mưa xối xả thì năm nhiều năm ít. Và xả lũ cũng thi thoảng chứng kiến. Nên lần này, đài báo, loa phát thanh réo gọi í ới về bão số 12. Có ai dám xao nhãng thờ ơ đâu. Heo gà, thức ăn, đồ đạc, lương thực... được dọn dẹp lên cao. Nhưng chưa năm nào như năm nay. Chưa đợt nào lũ về nhanh và khủng khiếp như đận này, tại làng này.

Mưa vẫn điên cuồng trút xuống. Chưa có tín hiệu ngừng. Chị chạy vô sân. Khi trưa, thằng cháu trai trong làng tranh thủ chạy ra giúp chị dọn dẹp một số thứ linh tinh. Kê bàn ghế, giường, tủ, ti vi, và mấy thứ nặng nề chị không một mình làm nổi. Xong việc, nó ngần ngừ, hay dì khóa cửa lại, vào trong làng ở với bọn con mai về. Đêm hôm lỡ nước lớn, đàn bà một mình, xoay chuyển thế nào? Thôi, chắc cũng như mọi năm, cùng lắm nước vào nhà, sáng mai lại rút, dì ở nhà trông chừng chứ ai bỏ nhà, bỏ cửa vậy con. Còn con ỉn sắp đẻ và đàn gà nữa... Thằng nhỏ ngần ngừ rồi cũng ba chân bốn cẳng lo về vì vợ mới sinh. Chị cũng không nghĩ lũ kinh hoàng đến mức này.

Mưa ầm ầm, ào ào. Điện đã cúp hơn một ngày nay. Khi nước tràn qua đường lúc ba giờ chiều thì chị coi như không gặp gỡ, nhờ cậy được ai. Dắt con heo vào nền phòng khách cao nhất cùng mình. Mở cổng chuồng gà để tụi nó tự bay tìm chỗ trú nếu nước ngập. Nước ồ ạt vào sân. Ban đầu chị còn dọn dẹp củi, và bịt lại cái giếng. Ba mươi phút sau thì củi trôi tung tóe khi nước ngập sân, ngập giếng, lên hè. Chị hốt hoảng chạy vội vào nhà, vơ vội mấy chỉ vàng dành dụm bao năm và hơn năm trăm ngàn phiên chợ trước bán ớt để dành tuần này thằng Nghiệp về cho nó nộp tiền học, tiền bảo hiểm.

Nước vẫn lên nhanh không tin nổi. Năm giờ chiều. Nước lém mép nhà. Chị vội vàng kê nồi lên bàn, thổi củi bắt miếng cơm vì sáng giờ chỉ ăn tạm gói mì tôm. Rang vội chảo đậu phộng. Cơm vừa chín, thì nước cũng đã ngang gối. Chị loay hoay trèo lên cái giường đã kê gạch cao một mét. Con ỉn la éc éc bên tai, không nỡ bỏ mặc. Chưa nói nó còn là hi vọng cho cái tết của mẹ con chị, và sách vở cả năm cho thằng Nghiệp. Hì hụi trèo xuống, xoay xở đẩy con ỉn lên cái bàn gỗ. Vừa lên được cái bàn thì nước đã tăng thêm hơn hòn gạch nữa. Ngập chân giường. Chị nhắc nồi cơm lên bàn, định bụng sẽ cột vào bì treo lên cửa sổ nếu cần cầm cự lâu với lũ. Sực nhớ, chị trèo xuống bàn, vớ cái chai nhựa đang trôi lềnh bềnh trong nhà. May cái phích nước kê trên nóc tủ thờ còn quá nửa. Chị chắt vội vào chai. Vừa chắt vừa run cầm cập. Quần áo ngấm nước ướt sạch. Rối quá không nghĩ đến chuyện lấy vài cái đồ dài quăng lên cao để thay. Giờ mở tủ ra thì chắc cũng ngấm ướt hết rồi. Huống chi tủ đã được cột chặt để kê đồ lên đó. Nước lại thốc vào nhà. Cái bàn cũng đã thất thủ rồi. Chị leo từ bàn nhoài người qua giường. Giường được kê cao hơn bàn vài tấc. Nếu ngập cả giường thì chị cũng chưa nghĩ cách khác. Đằng nào cũng phải ăn một chút để cầm cự. May mà trời vẫn còn sáng nhờ nhờ. Nước dâng lên nữa. Con ỉn đứng trên bàn cao mà hai chân cũng đã ngập nước. Nó bắt đầu hoảng sợ. Nhìn chị và kêu inh ỏi. Chị chẳng thể làm gì nữa rồi. Con ỉn bắt đầu rối, nhảy nhót, xoay trở để tìm lối thoát. Bốn bề là nước. Thoát làm sao? Nồi cơm chưa kịp ăn bị nó hất văng xuống nước. Coi như nhịn suốt đêm nay. Nước vẫn đang lớn nhanh. Chị lạnh run cầm cập. Cởi vội cái áo ra vứt lên giường. Lấy tấm ga mỏng có sẵn quấn quanh cho đỡ run. Còn hai tấc nữa là ngập giường. Nếu ngập luôn giường thì xác định ngâm mình trong nước đêm nay. Còn nếu sau đó nước vẫn tiếp tục lớn nhanh như chiều giờ thì... Chị không dám nghĩ tiếp. Trời bắt đầu nhá nhem. Không dám bật đèn pin để tiết kiệm. Cái giường nhỏ bề bộn đủ thứ.

Sau trận lũ này là mất hết. Mất hết. Chị tái tê nhìn nước ngập từng thứ, từng thứ một. Những vật dụng mà mẹ con chị tằn tiện, dầm mưa dãi nắng để có. Trời đã tối mù. Gió thét ù ù bên ngoài. Căn nhà vặn mình răng rắc. Nó cũng gồng mình chống chọi. Bờ đê vỡ một mảng điên cuồng gào thét. Tưởng tượng cũng không ra nước lên nhanh đến thế. Chỉ một buổi chiều nay. Vỡ đê, tháo đập, xả lũ. Trở tay không kịp... Trời lại chẳng thương tình còn mang mưa gió dữ dằn hùa vào làm tình làm tội.

Tiếng điện thoại réo vang. Chị mừng rơi nước mắt. Chụp lấy cái điện thoại trên giường. Chắc chắn là thằng Nghiệp! Chờ tin nó từ chiều giờ mà không thấy tăm hơi. Cứ lạy trời thằng nhỏ đừng gan liều vì thương má mà bơi ngang bờ tràn để về. Có qua được bờ tràn cũng không thể vượt mảng đê vỡ. Hôm nay cuối tuần, thông lệ nó sẽ về. Nước thế này mà nó liều lĩnh thì chỉ có chết. Thằng Nghiệp gào trong điện thoại. Má, có sao không? Nước tới đâu rồi? Con được cho nghỉ học chiều nay nhưng không qua được bờ tràn. Đê vỡ, má đang ở chỗ nào? Còn cầm cự được không? Má ơi! Nó gọi sao mà thắt ruột! Má không sao, nhưng đồ đạc mất hết rồi con. Mọi thứ. Má... Chưa kịp nhắn con thêm câu nào thì điện thoại tắt ngấm vì hết pin...

Nước vẫn đang lên nhanh. Chị quét đèn pin. Con ỉn sợ hãi rống lên từng hồi nghe xé ruột... Vì đói và vì nước đã ngập ngang bụng nó. Chị lên tiếng cho nó đỡ sợ. Và chị cũng đỡ sợ. Nhưng ỉn hình như không còn chịu nổi. Mưa vẫn đang thét gào. Bục... Chị nghe tiếng cánh cửa bị mở toang vì nước thốc vào. Nước đã lên hai phần ba cửa chính. Chị rọi xuống chân mình. Nước lấp liếm. Vài phân nữa là ngập tràn lên giường. Con ỉn la hét rồi loay hoay thế nào bị ngã khỏi bàn. Chị nghe tiếng nó cố bơi về phía cửa. Bơi đi đâu khi bên ngoài mênh mông nước.

Mưa vẫn không ngớt. Chỉ còn chỗ duy nhất là đu lên cửa sổ. Chị soi đèn pin xuống dưới chân giường định kéo theo cái áo ướt lúc nãy để tròng vào. Hai con rắn lục xanh rì đang thao láo cuộn tròn trên đó. Chị hét lên. Cái đèn pin rơi tỏm. Một mình với bóng đêm. Lũ. Nỗi sợ hãi. Và gió gầm gào ngoài kia.

Nước chắc đã cao đến cổ. Giờ này thì chẳng mong ai có thể tới đây. Những căn nhà ven đê như chị thì có mười mấy hộ nhưng họ cũng đang dở sống dở chết. Cùng lắm nhà có đàn ông thì giúp nhau trèo lên mái. Chị bậm chặt môi, dò dẫm từng song cửa, đu người lên cửa sổ. Nước ngấp nghé bên dưới. Tay chị mỏi nhừ. Mưa vẫn gào. Gió vẫn rú. Không biết cách nào để leo lên được mái nhà, chỗ cao nhất có thể tạm trú lúc này...

Có tiếng khua nước bên ngoài? Chị không nhìn thấy gì hết. Nhưng rõ ràng là thế! Hay cây gỗ mục nào đó đập vào làm lóe lên hi vọng cho chị. Tiếng rẽ nước rõ ràng hơn, tiến về phía cửa nhà chị... Và ánh sáng đèn pin lia lia trên đầu… Ai? Tui. Cô đang ở chỗ nào? Thấy rồi. Ở im đấy. Là tiếng anh ta. Chị lúc ấy mới trào nước mắt. Giàn giụa giữa bóng đêm. Và khóc. Tức tưởi. Vỡ òa. Bám chặt cửa sổ chờ tui. Anh ta trèo lên chỗ chị. Quét đèn pin khắp nhà tìm cách. Rồi tháo đèn pin ra kẹp vào một tay của chị. Cố giữ chặt cửa sổ, rọi đèn cho tui. Anh ta bơi ngang phòng. Kéo cái bàn lại sát tủ thờ. Kéo thêm cái ghế đẩu chồng lên giữa hai tủ. Sau đó bơi ngược lại phía chị. Đưa đèn pin đây. Ngồi lên vai tui. Thả một tay bấu chặt vô mép tủ thờ. Tui leo lên bàn thì nhoài người nắm chặt thanh đà trên mái nhà. Nhớ chưa? Nhoài người, té, ngã, mấy bận thì chị cũng đu được lên cây đà cao chót vót. Anh ta cũng co người đu lên cột thêm sợi dây thừng vào thật chắc rồi tụt xuống cửa sổ. Nước còn lên. Đừng ngủ quên. Lỡ mệt quá nhắm không thức nổi thì cột dây dừa chặt vô người. Nước cao nhanh nữa thì đập mấy miếng ngói trên đầu chui lên ngồi trên nóc. Nhưng chắc không cao tới vậy đâu. Tui về đây! Trong bịch có gói mì, cái đèn pin nhỏ, chai nước và cái búa. Tui cột trên đầu í. Nhớ cẩn thận! Bơi ra đến cửa, anh ta ngập ngừng, khi nãy thằng Nghiệp gọi tui. Mà con nó không gọi, tui cũng tính thu xếp xong cho mấy mẹ con bên đó trèo lên mái sẽ bơi sang đây. Tui về. Chị vẫn nghẹn lời, chưa nói được câu nào. Nước mắt cứ chảy. Lòng chị đang cuồn cuộn như dòng lũ kia. Kịp thì thào khi anh ta sắp bơi. Lỡ tui có bề nào... thằng Nghiệp, thằng Nghiệp, nó... là con anh đấy.  Tiếng rẽ nước khựng lại một chút. Tiếng “Ừ” lọt thỏm trong đêm mưa gió...

 
ndp
Minh họa: Nguyễn Đăng Phú

Nước vẫn chưa có dấu hiệu rút. Đã thôi tiếng gió hú nhưng mưa vẫn rào rào từng cơn. Xé gói mì tôm nhai sống. Vừa nhai vừa khóc. Cả cuộc đời chị chưa từng biết đến hạnh phúc. Cái gì cũng vay mượn từ kẻ khác. Từ nhỏ chị đã không có cha. Chưa bao giờ mẹ kể chị nghe về cha. Chỉ biết lũ trẻ trong xóm khi thấy chị mon men đến chơi là xúm lại trêu: “đồ con hoang”. Chị khóc. Khóc, rồi ngày sau cũng tiếp tục mon men, thèm thuồng mong được chơi cùng. Khi chị lên mười tuổi. Mẹ dắt một người đàn ông về ở cùng và bảo chị gọi là cha. Chị vẫn vui. Có vay mượn thì cũng là cha của chị. Có nát đòn những bận ông ta say thì chị vẫn có cha. Tới trường không ai gọi chị con hoang nữa. Chị đã từng ngây thơ và ngỡ chỉ cần yêu cha thì cha cũng sẽ yêu lại chị như thế. Khi chị mười hai. Mẹ chị bắt đầu những chuyến buôn xa. Nhà khấm khá hơn. Chị không đói ăn, không đói mặc, không thèm khát nhìn bọn trong lớp có những thứ mà chị chưa bao giờ dám mơ ước. Ăn ngon, mặc đẹp, không còn đòn roi. Mẹ chị cung phụng và chu cấp rất đầy đủ cho cha con chị. Không còn đòn roi. Ừ. Quả thật đã không còn đòn roi. Chị ngây thơ đến nỗi ngỡ những chiều chuộng, chăm sóc khác thường cha dành cho vì chị ngoan, học giỏi và vì mẹ chị yêu ông ta đến thế. Ngây thơ uống ngon lành cả ly sữa cha pha sẵn cho chị sau khi chở mẹ chị ra ga cho chuyến buôn ba ngày. Đến lúc tỉnh dậy thấy ông ta ngủ say sưa, mê mệt, thỏa mãn thì chị vẫn chưa kịp hiểu chuyện gì đã xảy ra. Chị cũng ngây thơ đến độ tin rằng nếu chị lặng im thì mẹ chị sẽ đỡ đau khổ hơn. Vì chị nhìn thấy cái cách mà mẹ cần ông ta. Năm ấy chị mới mười hai. Và lần nữa. Lần nữa lại tiếp diễn. Mẹ không thấy được sự ủ ê, lặng lẽ của chị. Vẫn những chuyến buôn xa. Vẫn những ám ảnh làm chị sợ hãi. Mãi đến cái chết của mẹ hai năm sau đó vì tai nạn mới giải thoát chị khỏi ông ta. Năm ấy chị mười lăm. Bắt đầu cuộc sống lang thang, tự lập và hai mươi tuổi được cứu sống, vớt lên giữa một buổi chiều mưa gió tả tơi. Đận ấy, cũng bắt đầu mùa lũ. Và chị trú ngụ lại đây. Như một định mệnh.

Nước vẫn tiếp tục dâng cao. Còn khoảng nửa mét nữa là chạm cây đà chị đang ngồi.
Từng cơn bão, từng cơn lũ, cứ lũ lượt kéo về. Như mới hôm qua.

Cái đêm lăn vào người anh ta, nửa nằm nửa ngồi, hổn hển, thèm khát, cũng vào một đêm mưa bão thế này. Là thèm khát, thèm khát chứ không hẳn đã yêu. Chị chưa từng được yêu. Thằng Nghiệp là kết quả của một sự vay mượn tình cảm từ một người đàn ông không hề yêu chị. Ăn xin từ sự vắng mặt của người đàn bà xóm trên và sự cả thèm vì những ngày vợ sinh đẻ của anh ta. Nghe tiếng kêu cứu từ nhà chị, anh ta chạy sang. Mấy cánh cửa thốc tung được anh ta cột chặt lại. Chị nhìn bàn tay rắn chắc cột phên cửa, nhìn một thân hình vững chãi mạnh mẽ, chị lại chưa từng được dựa dẫm và khát khao. Chị cũng không hiểu sao mình còn có thể khát khao, sau khi tưởng chừng vô cảm với đàn ông. Hay bởi cái gầm bàn chật chội quá. Mà ngoài kia thì bão cứ thét gào, đe dọa. Xô chị dán chặt vào anh ta. Người đàn ông đó gần quá. Gần đến độ nghe được những hổn hển trong từng hơi thở, từng làn da, thớ thịt, cả trong sự run rẩy của chị. Quyện vào nhau giữa những tả tơi. Bão tan thì anh ta cũng về. Chị chấp nhận một mình mang nặng đẻ đau thằng Nghiệp. Chị không dám kể với ai. Chuyện đêm đó lẽ ra chỉ hai người biết. Cùng lắm thì trời biết, đất biết và cơn bão gầm rú bên ngoài có thể nghe thấy. Nhưng thằng Nghiệp càng lớn càng giống anh ta như tạc. Cả làng đều xầm xì. Để rồi liên tục mười mấy năm là những tiếng chửi đổng từ người đàn bà là vợ anh ta mỗi khi bên ấy cơm không lành canh không ngọt. Chị nghe hết. Và thường là nhẫn nhục. Vì lỗi ở mình. Nhưng cứ chửi động đến thằng Nghiệp là chị không chịu nổi. Nó thì có tội tình gì. Sao cứ kéo nó vào dằng dặc tổn thương do người lớn gây ra. Đến cái bận năm ngoái, khi chị ta ngang nhiên chạy qua nhà ném cả bịch ni lông những thứ bẩn thỉu tung tóe khắp phòng khách thì thằng Nghiệp điên tiết cầm dao chạy sang dọa sẽ chém ngay lập tức nếu còn tiếp tục chửi. Và nó lớn tiếng, tui chẳng phải con cái gì với người đàn ông là chồng bà cả. Động đến má con tui, tui chém cả nhà. Chị điếng người không kịp ngăn con. Sợ nó làm liều. Người đàn bà đó cũng xanh mặt chạy vội vào nhà đay nghiến chồng. Nhưng những cuộc khẩu chiến thì dứt hẳn. Má con chị không bao giờ đi ngang qua nhà ấy. Mỗi lần ra bờ sông, đi vào làng, hay đi lên thị trấn học, thằng Nghiệp và chị đều đi vòng đường sau đê dù xa hơn cả cây số.
*
*    *
Chị mỏi nhừ cả người, ôm chặt cây kèo vặn nghiêng. Buông thỏng chân một chút. Chân chạm vào nước. Còn khoảng ba tấc nữa là san phẳng cây đà chị ngồi. Giờ thì hình như chị không còn sợ. Nỗi lo lắng duy nhất là thằng Nghiệp. Mấy chục năm nay chị luôn ngây thơ và tính toán sai lầm, dù đa số sai lầm vì những người thân yêu. Như cái đận chị quyết tìm ba cho thằng Nghiệp. Không hẳn cho chị. Vì không yêu, không tình cảm. Vậy mà chị cũng có chồng, chỉ vì nghĩ đến gia đình có ba mẹ và con cái. Giai đoạn ấy ngắn thôi. May mà ngắn! Cũng liều cột mình vào một bến nước để yên ổn giống bao người đàn bà khác. Cả cuộc đời chị chỉ mưu cầu một điều đơn giản nhất, là có một tấm chân tình để được bình an dựa dẫm, bình an trong chính căn nhà của mình. Sao lần nào cũng chỉ toàn đắng cay.

Những trận đòn roi. Những đêm hắn say về giày xéo trên cơ thể chị thô lỗ, tục tằn. Cả những xấu hổ đến tê tái khi để thằng Nghiệp nhìn thấy những điều lẽ ra không nên cho nó thấy. Rồi đến lúc, hắn trút cả những đòn roi lên thằng bé thì chị gần như đã muốn giải thoát. Tiếng thủ thỉ của con làm chị dứt khoát hơn. Bỏ ông ta đi má! Con với má cũng đủ sống bình yên mà. Đận ấy chính lũ đã giúp chị giải thoát. Trận lũ năm đó, hắn vĩnh viễn trôi theo dòng nước vì nhậu về bước thấp bước cao ngã nghiêng trên triền đê. Ba ngày sau thì tìm được xác giữa lùm gai tre khi nước rút. Từ đó chị không dám nghĩ đến một người đàn ông nào nữa bên cạnh.

Cả ba người đàn ông làm chuyện chồng vợ cùng chị đều là những ám ảnh trong đời. Ghê tởm bởi những năm tháng tuổi thơ nhơ nhớp không gột rửa sạch được từ cha dượng. Day dứt, tội lỗi khi đi ăn giật, vay mượn chút yếu lòng của chồng người đàn bà xóm giềng. Và ám ảnh bởi cái gọi là hạnh phúc từ một ngây thơ suy nghĩ quá giản đơn. Chưa ai từng yêu chị. Chị cũng chưa từng yêu ai. Chỉ là dằng dặc những tổn thương chịu đựng...

Những giọt nước mắt vẫn tuôn rơi. Như thể cả cuộc đời này chị đã nhịn khóc từ lâu lắm. Giờ mới một lần ngẫm hết lại, giữa mưa gió bên ngoài và lũ lừng lững dưới chân.
Giữa những kiệt sức, tả tơi, cô độc, căng thẳng, hãi hùng. Cùng đêm tối đồng hành. Và lũ.
Nước chạm cây đà chị ngồi. Có lẽ đã hai, ba giờ sáng...

Chị ôm cây kèo ngồi ngâm mình trong nước. Lạnh run cầm cập. Khi nước còn dưới cây đà, chị chỉ biết nghĩ tới con, còn sống hay chết tưởng không thể làm chị sợ được nữa. Nhưng giờ như một bản năng sống còn. Biết mình sắp bị vùi dưới lừng lững nước này đây. Từng phút từng phút một. Sẽ ngập tới gối, tới hông, tới cổ, tới miệng... Chị hãi hùng. Và vẫy vùng. Muốn thoát. “Nước cao nhanh nữa thì đập mấy miếng ngói trên đầu chui lên ngồi trên nóc. Cái búa trong bì...”. Cái búa. Chị loay hoay, quờ quạng mò mẫm tay trong nước tìm cái bì cột vào cây đà có cái búa trong đó. Tay vẫn giữ chặt cây kèo và gượng đứng lên. Bất chấp cơn lạnh run cầm cập, chân như muốn khụy xuống. Nước đã tới cổ. Và vung tay... Bên ngoài trời bắt đầu sáng.          

Mọi thứ lướt qua chị nhẹ tênh. Nhẹ tênh được sao, sau ngần ấy sợ hãi, ngần ấy đau thương. Nhưng rõ ràng là cảm giác ấy. Hay lũ đã giúp chị cuốn phăng tất cả. Chị không biết, không biết. Cho chị nói lời xin lỗi. Lời xin lỗi mà mười mấy năm nay chị luôn canh cánh trong lòng.

Người đàn bà ấy cũng đang khóc. Vừa giữ chặt cái sõng ghì sát vào mái ngói vừa khóc hối chồng. Trèo lên mái nhanh lên đi, nhanh lên để kéo tay chị ấy. Nước sắp san phẳng cả mái rồi. Chị cố bấu chặt vào mái ngói. Đầu đã thò được lên mái qua chỗ trống chị đập nãy giờ. Còn kịp nhìn thấy anh ta bò ngang người trên ngói để đến kéo chị. Phía sau là người đàn bà, vợ anh ấy đang ngồi trên sõng vẻ mặt lo lắng, một tay trì vào sợi dây thừng được cột vào ngọn cây dừa, tay bấu vào mái ngói giữ thăng bằng để anh đỡ chị trèo vô sõng.

Chị muốn nói mà. Chị muốn nói lời xin lỗi. Tay người đàn bà cầm tay chị xoa xoa. Và chị đã rất cố gắng để mở mắt. Chị mấp máy môi. Chị muốn mỉm cười với họ. Chị muốn nói rõ chị không hề nặng lòng với anh ấy. Anh ta chỉ là ba thằng Nghiệp. Chỉ vậy thôi.
Má! Má ơi! Tỉnh dậy má ơi!         

Thằng Nghiệp khóc hết nước mắt chạy theo băng ca đẩy vào phòng cấp cứu. Chị nghe tiếng nó gọi má. Tiếng gọi đã theo chị mười mấy năm nay. Tiếng gọi níu kéo chị chưa ngủ sâu được. Má chỉ nhắm mắt, chỉ nhắm mắt một chút thôi, Nghiệp à!
 
Phù Mỹ, đêm nghỉ bão số 12, 2017
 L.T.M
 

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)