P. H. M. V. , những mảnh

Chủ Nhật, 11/03/2018 00:21
Truyện ngắn. LÊ MINH HÀ

P gửi mail, kèm ảnh chụp cả nhà dịp hai cụ kỉ niệm năm mươi năm ngày cưới. Lễ cưới vàng. Mình lấy chồng mười chín năm. Liệu có được cái ngày kỉ niệm trọng đại ấy không nhỉ? H tẩn mẩn xem đi xem lại tấm ảnh mỗi lần ngồi vào máy, tự hỏi. Mà cái chính không phải là có sống nổi với nhau đến ngày ấy, cái chính là có sống được tới cái ngày ấy không?

P nhắc tới một đêm vui cũng là nhân ngày cưới của các cụ. Cách đã hơn hai mươi năm. Cái ngày tất cả còn mải chơi và tự do. M đã bắc bếp rang muối đuổi một ông khách ưa ngồi lì nào đấy. H và chàng suýt thành người yêu đã bất chợt cười phá lên dọc đường về khi hỏi nhau không biết mình đã bị cô bạn quý đuổi cổ kiểu này chưa. Mùa thu. Hà Nội phố xưa. Tiếng cười ngân xa lắm.

P luôn làm H kinh ngạc. Hình như P lập thống kê mọi sự kiện trong đời. Nhớ có buổi tối tiện miệng nhắc tới kì nằm viện lần thứ mấy đó của H nơi P làm việc, chính người bệnh là H cũng chỉ nhớ ang áng ngày tháng. Còn P thì nói chính xác ngày nào tháng nào. Cũng lạ. Liệu trong kí ức của anh bạn có những con số tháng năm nào về H không chỉ nhắc những bực bội, buồn phiền, lo ngại không?
*
*    *
Hai mươi năm. Bao nhiêu nhọc nhằn đã để lại những cào xước trên cuộc đời mỗi người. Nhưng nhìn ông bà cụ trong ảnh thì có cảm giác thời gian không dấu tích. M vừa từ một nước khác sang chơi, cười, tiếng cười không còn âm sắc lau tau đầy sức sống của cái thuở cáu lên là chui vào bếp rang muối đuổi người bám trụ chờ thời tỏ tình, lặng lẽ bình luận ơ thằng A nom y như cụ ông hồi chú ấy bằng tuổi nó. P chụp cái ảnh nom già quá nhỉ. Rồi. Dĩ nhiên. Cái phì nhiêu của tuổi làm sao có thể thay thế được nét bụ bẫm chỉ có ở một quãng đời đã làm cho mấy bé hàng xóm nhà H nín lặng trầm trồ khi xe P khuất. Buổi sáng đó đầu năm, tóc P tơi bời gió xuân, mắt như thép lỏng, P mới từ đất nước đó trở về, khát khao nhiều và tự tin, làm sao biết lòng cô bạn lúc đó đã cỗi lão biết chừng nào. Nhưng thật ra thì ai biết?

Cô đơn vì mặc cảm. Nhan sắc là một mặc cảm. Sức khoẻ là một mặc cảm. Những ý nghĩ lạ lùng mọc mầm đâm trổ trong đầu là một. Nghèo, thêm một. Nhưng tất cả vẫn là không phải. Cô đơn như người bạn thân thiết nhất, có phát điên lên vì nó nó vẫn không chịu rời mình. Và sau những buồn bã cũng chỉ có thể quay về với nó mà úp mặt. Sao? Người ta có thể nói với ai về nỗi khiếp sợ trước tương lai lừ lừ tiến tới, khi không có một nơi nào để nhờ cậy ngoài một mảnh bằng suông. Thế mà những ngày tháng đó kì diệu quá, không thể không sống đến tận cùng. Những đêm xuân mưa rất nhẹ, như sương phảng phất. Người con gái thấy mình quá hiền, quá dại, không biết phải làm sao. Trên cao kia ơ hờ một vành trăng, mưa, đêm mất điện một mình phố vắng. Những chiều mùa hè đi dưới cơn giông, bắp chân ngứa ran vì ướt. Những ban trưa không mũ nón lang thang, bất chợt quên một vòm trời căng rạn tiếng ve, chỉ còn một ao ước không tên như gió xô tuổi trinh nữ về phía trước.

Cảm giác nhọc nhằn vì bất lực hình như rất quen thuộc với tuổi trẻ nhiều thời, nhưng cũng chỉ với một típ người. Nó quấn níu, làm người ta dày dạn dần. Sau này, từng trải, quen nhiều, H cũng đã nghe đôi ba đàn ông trong cơn say lìm lịm lạ lùng nói về điều này. Nhưng chưa bao giờ có ai khi đó hỏi nhau, thú nhận với nhau cảm giác đời sống y như một cái võng khổng lồ úp chụp lấy mình, không cách nào chui ra nổi. H thì biết mình không bao giờ. Hỏi làm sao, khi không phải ai cũng chịu cảnh một mình bươn chải, tài sản gồng gánh theo tuổi con gái chỉ là những lời cầu xin đêm đêm gửi tới nấm mồ bà mẹ chết trẻ, một góc xa thành phố.

Bố mẹ P cũng trải nhiều năm tháng nhọc nhằn. Nhưng bi kịch của tuổi trẻ thì chẳng thời nào giống thời nào, nơi ấy, ngày tháng ấy. Trong tấm ảnh, ông cụ cười vẫn y như thuở trước, bằng lòng mà không có vẻ thỏa mãn, và hóm hỉnh. H bao giờ cũng nể và thích người như thế. Sợ nhất những người đi qua gian nan rồi ngạo ngược với đời, hể hả với mình, hay thành cay nghiệt. Người con gái đã nhiều lần muốn hỏi ông bố bạn nghĩ gì những năm dài oằn vai khuân vác dưới bến Phà Đen, trước lúc trở lại được với nghề nghiệp mình đã học và học rất giỏi, rất đúng kiểu con nhà. Mà không dám. Sẽ là bình thường thôi nếu một số phận như thế được định sẵn khi ông ra đời. Nhưng đây là một định mệnh tự chọn. Lúc đó, ông chắc không thể biết bằng sự chọn lựa này ông đã chọn cho con trai mình một cá tính. P hạnh phúc hay không với cá tính của mình, không bao giờ H thật sự biết.
*
*    *
Nhưng mà họ làm sao có thể nói với ai điều đó. Hình như đã có những thời gian họ quý nhau hơn tất cả. Đúng là vậy. Nhưng lại không thể nói rằng là bạn thân của nhau. Họ có những người quen chung. Họ không nói với nhau về những bạn bè đồng nghiệp khác của mình ở trường, ở cơ quan. Dường như không quan trọng. Điều họ muốn là không cần nói mà vẫn hiểu nhau. Hay là thực ra đã vậy và họ biết vậy? Hay chí ít H muốn thế?

Cứ muốn tin, đâu đó vẫn còn có họ. Những người mà ở họ một phần đời ngơ ngác vẫn còn nguyên vẹn đó. Và họ muốn thế, muốn giữ như trữ vacxin để chống chọi lại với mọi khả năng bị xã hội hóa dễ lây nhiễm ở đời. Nhưng không để mình lây cái khả năng đó thì làm sao chống chọi nổi với đời, khi tất cả còn trẻ thế, ngây ngô thế, và ngày đang sống thì thế.
*
*    *
Cả lũ ra trường. H đến nhà P buổi trưa đổi mấy cuốn sách. Cửa sổ mé trái căn phòng mở ra phố khép nửa chừng. Không phải để chặn bớt tiếng loa từ khu triển lãm bên kia phố đang tràn ngập. Nhìn nhau qua cái bàn thấp bằng gỗ tạp. Nhìn nhau khi đứng trên cái ghế đẩu lục lọi giá sách. Văn học Nga Xô Viết. Văn học Pháp, Anh... Đọc rồi. Đọc nhuận. Họ đã chiến đấu vì Tổ quốc. Sông Đông êm đềm. Bác sĩ Zivago. Buồn ơi chào mi. Một chút mặt trời trong nước lạnh. Chuyến bay đêm. Giã từ vũ khí. Tự do đầu tiên và cuối cùng. Thơ dâng. Đêm ở Lisbone. Bản du ca cuối cùng của loài người không còn đất sống… Thơ. Và thơ… Tiểu thuyết. Và tiểu thuyết, những tấn trò đời ở khắp nơi trên thế gian này. Và ngoài ra là sách sử. Sau này H nhiều lần tự hỏi sao hồi ấy mình ít đọc sách của các tác giả cùng tiếng nói. Và hiểu đúng lúc ấy, lúc còn rất trẻ ấy, mình đã không kham nổi những kiêu hãnh những hào hùng thời đại đang ăm ắp bầu khí thở, khi nghĩ tới một ngày mai, phải sống, mà sợ quá. Chỉ muốn dúi dầu vào những nỗi đau đớn không phải của mình, để thấy những đau đớn của mình quá bé nhỏ và phải đi qua, nhất định phải đi qua. Không còn bao cấp, phân công công tác tới tận đâu đâu, nơi biết chắc mình sẽ không cầm giấy phân công của tổ chức đi trình diện.

H cười rất tươi trong đêm sinh nhật P khi bạn bè hỏi. Vì sao ấy à? Vì không dắt được ông bác sĩ theo, tớ chết ở đó do không cấp cứu kịp thì bạn ấy cả đời áy náy. Thế định như thế nào? Nhà chạy đâu rồi?. Những đồng thanh câu hỏi. Nhà chạy đâu? Bà mẹ kế đang an tọa ở góc giường mẹ H vẫn đêm đêm ngồi kiểm tem phiếu hồi còn sống chắc mong cô con riêng của chồng biến đi, tới một nơi nào xa nhất, hay nhất là biến làm sao coi như mất. Làm sao? Kiểu gặp một tình yêu nơi đất lạ chăng? Nhưng H biết mình không thể, không thể đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần như cả lũ vẫn phải thỉnh thoảng đồng ca lúc còn đi học. Định như thế nào ư? H ngông nghênh hất đầu, nuốt một cục nóng rực đang toài từ dạ dày lên cổ. Thì đi lấy chồng. Bọn con trai chằm chằm nhìn người vừa tuyên bố, bọn con gái cười rú lên. Nó còn chưa yêu! H. vẫn cười rất tươi. Thế cứ lấy nhau là nhất quyết phải yêu nhau trước à, làm sao bây giờ?.

 
lav 885
Minh họa: Lê Anh Vân

Trong trí óc là cái rùng mình khi đứng trên ghế đẩu ôm chồng sách trước ngực góc đằng kia căn phòng cả lũ đang ngồi, là hơi gió mùa sắt se khô lạnh mới đổ về thành phố tối hôm trước, là tiếng loa vang vang bạt cả phố áp đảo mọi suy tư. Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay non nước mây trời lòng ta mê say. Là đôi mắt bạn và hai cánh tay lưỡng lự giang ra. Lúc đó, H cười rất tươi, thản nhiên đặt vào khoảng giữa hai cánh tay người con trai đang nhìn, đang chờ đợi… Chồng sách vừa rút khỏi giá rơi xuống sàn, tung tóe, nghe như tiếng nổ và tiếng người láo nháo ngoài vỉa hè dừng bặt. Nơi đó, phía ngoài khung cửa sổ rất rộng và cao vừa có một mái giấy dầu vẩy ra chặn cánh cửa chớp không cho mở rộng hết cỡ, nơi đó vừa thành một quán chè chén, nơi đó có những người đàn ông bận bịu ngồi chọc nõ điếu, gọi đĩa lạc rang và chén rượu mà H không bao giờ tường mặt, chỉ thấy cách ăn nói ai cũng như ai. Giá không có những giọng khề khà khê nồng đánh nhịp bằng đ... mẹ, ông, mày, thằng, ấy thì H biết rất rõ, mình sẽ buông vào vòng tay P, sẽ nhắm mắt lại trước đôi mắt P, và cả hai sẽ đi hết buổi chiều gió mùa dài rộng ấy. Như thế…
*
*    *
Như thế thì họ không phải gặp nhau năm từng năm như thế này. Cái còn lại cuối cùng chỉ còn là những nỗi đau từ những trang sách tràn ra làm cho phần thịt da nhạy cảm nhất là trí não thêm bao nhiêu là cào xước, tấy lên, dịu đi, nhưng không bao giờ lành.
H muốn không bao giờ lành.

Như thế thì buổi tối đó họ sẽ lại gặp nhau. Còn có M và V nữa. M thật thích ai trong hai chàng trai của nhóm, H không biết. Chỉ thấy đêm nào tự dưng có người nữa tới ngồi cùng, mà đó lại là con trai và hình như ít nhiều để ý tới hai đứa con gái là H và M thì M thường đùa rất mặn, sau đó cáu, sau đó lỉnh đi. P, V, H ai cũng cười thầm. Lại thế rồi. Cô bạn lại chui vào bếp rang muối cho nóng đít anh chàng khách không mời nào để họ phải đứng lên ra về rồi. H có lần bảo V rằng M chả cần làm người ta bốc hỏa bằng cách nổi lửa, chỉ cần ngồi đó, gia thêm một câu đùa mặn là xong. V nghi ngại lắc đầu, M nó làm thế thì khéo chính mình đứng dậy, mà dạo này nó sao ấy nhỉ! Đó là đêm hai đứa đạp xe sóng đôi ngửa cổ cười phá lên sung sướng. Rồi bất chợt V nắm lấy cổ tay H siết nhẹ, hai cái xe ríu vào nhau, giang ra, rồi ắp lại. Gió. Mùa thu đã muộn lắm rồi. Cảm giác lần đầu tiên da thịt con trai chạm vào thịt da mình kì diệu và khiếp hãi.

Buổi tối đó M và V và P nói chuyện gì và như thế nào với nhau, H không biết. Những buổi tối gặp nhau lần sau không còn như cũ nữa, ngay cả khi đủ mặt tứ tử trình làng. Giờ là lúc ai bất chợt đến là thành người giải thoát cho cả lũ, ít nhất là với H và P và V. Mà họ vẫn rất thân nhau, vẫn cuống lên vì việc của nhau, vì nhà nhau, vì tất cả. Bạn bè gọi họ là bè lũ bốn tên và cười, bỏ qua ý định thâm nhập để bành trướng hội hay chia để trị từng đứa bằng cách dụ dỗ yêu đương.

Nhưng ai là người trong bộ tứ tách được mình ra trước nhỉ? Hình như là M, M thôi không còn nửa vui vẻ nửa bực bội trước cái cảnh hai cậu bạn thân cứ thấy cô bạn kia là đứng vụt dậy đóng bộ quần dài, áo cài khuy vào ngay cả hôm gió Lào. M đi yêu. Những người đàn ông theo M đến nhà P, nhập hội rồi lần lượt biến mất. Rút cục ngoài ba mươi M mới lấy chồng. Thông minh và điềm tĩnh lại, khác hẳn các cô gái lỡ thì lấy chồng cho xong, M chọn được một người đàn ông làm hai chàng bạn thân phục lăn long lóc. Đẹp trai. Nói kín cười kín. Vừa có vẻ quyền uy vừa có vẻ thân thiện, với M là dịu dàng, đôi khi hơi quá dịu dàng, với H và cả với hai anh chàng trẻ tuổi. Bây giờ thì M đã là phu nhân, là bà đại sứ, rất đúng dáng. Lúc M ngồi trước máy tính nhà H xem và bình luận tấm ảnh chụp bố mẹ P trong kỉ niệm năm mươi năm ngày cưới của các cụ, giọng M điềm đạm khác thường.

Không phải là các cụ dường như vẫn thế trong hạnh phúc chật vật một thời của mình, không phải là P hay thằng em già đi, mà chính là M, vẻ khô khô lạnh lạnh của M, giọng nói tiếng cười mất hẳn cái âm sắc đáo để của tuổi trẻ ở M đã làm H hiểu rõ thời gian khinh người như thế nào.

M xoay nửa mình khỏi cái màn hình computer, nhìn về phía chồng H nhưng ra lời lại thành hỏi bạn. Bọn mình làm cốc gì nong nóng nhé. Anh T dùng gì?. H khoát một vòng tay. Anh ấy chỉ bia thôi. Ra bếp. Có chè hoa quả, chè cộng mình, cả bánh ngọt. Hay còn củ sắn bọn mình nấu bát chè sắn nhỉ?

Những bận rộn như là phóng đại ngoài bếp không thể kéo dài để mà im lời. Nồi chè ấm ức sôi trên bếp trong khi hai người đàn bà lặng thinh ngồi với nhau nơi góc bàn. Mấy năm rồi H và M chưa gặp lại nhau. Đầu mối đính lỏng lẻo mà dai dẳng, bộ tứ ngày nào chỉ còn một người vẫn đang sống, đang đủ đầy thành đạt, đang già đi cùng nhịp ở Hà Nội với những bạn chân trời, P.

M nhìn H ngập ngừng.
Năm nay về không H? Mình sắp rồi.
Bà mới ở nhà qua mà? Làm bà đại sứ đi dễ. Tôi giờ thành ô sin không lương hầu bố con chúng nó thế này có rứt ra mà đi dễ dàng như bà hay V đâu. Nếu nhà không có sự gì thường mỗi năm bọn tôi cũng chỉ có thể chia các kì nghỉ ra mà đi. Mình thì chỉ nghĩ tới chuyện về Việt Nam nhưng bố con chúng nó thì... Vừa rồi bà về…
P nhắn H về đấy! V về ở hẳn Việt Nam rồi, có nhắn gì H không?

Không thấy mail. V về hẳn ở nhà làm gì? Bỏ vợ à? Chuyển vốn về đầu tư ở nhà à? Ở Nga chứ có phải Ucraina đâu mà…
P nhắn H về. Về đi H! V chẳng còn bao nhiêu ngày nữa đâu. Để vợ con lại với của nả, về Việt Nam chữa thuốc nam, là nói thế thôi, P hôm rồi chat với mình bảo V nói muốn nhẹ nhõm đoạn cuối. Với … Thành phố… Thành phố có còn gì không đổi nữa đâu ngoài tình bạn của chúng mình… Mình nghĩ H với V từng…

Giọng M trở lại cái nhiệt thành của ngày xưa, nhưng trong đó có gì như sợ hãi. H nhắm mắt, nghe cơn gió rộng dài thổi dọc phố đêm thu muộn thốc lên trong lòng mình cùng tiếng cười tưởng chừng như rất vô tư của cả hai, của V. Nhớ. Cảm giác nóng bỏng cổ tay dưới những ngón tay có đốt đầu ngón cong cong của V trở lại, cảm giác lần đầu tiên biết da thịt con trai động, như thể thời gian chưa từng xóa đi. Như thể nước và không khí, và những lần người khác chạm vào đều vô nghĩa. Nhớ. Ý nghĩ mình lúc đó. Và ý nghĩ bao lần đi chơi riêng với nhau sau đó. Nhớ. Ban trưa gió mùa. Đôi cánh tay giang ra lưỡng lự và mắt nhìn như hỏi của P.

Giọng đàn ông khào khào nồng nồng, mùi rượu và thuốc lào ở quán chè chén ngoài cửa sổ dập tắt tất cả. Đêm tránh mặt một người bằng cách đi với một người. Phút để nguyên tay mình trong tay V. Hơi nóng bừng bừng lan từ cổ tay dọc cánh tay, những đụng chạm đầu tiên, ngón tay, đôi môi, vòng ôm, những run rẩy, niềm kinh ngạc hơn là sung sướng. Nhưng cuối cùng tình bạn còn nguyên đó. Rồi V đi, phiên dịch xuất khẩu. Rồi M đi, lấy chồng. Rồi H để lại một thành phố càng yêu càng chán, ở đó còn có một người đi rất nhiều nhưng không bao giờ đi hẳn, như thể là cái trụ cho V, H, M neo vào, treo móc vào tất cả những gì là tuổi trẻ.
*
*    *
M nhìn ra cửa sổ chẳng có gì ngoài đêm, giọng đều đều không còn âm sắc gì. Hôm nay H phải biết, H! H phải về! Mình phải về. Thằng bé nhà mình là con V. Hồi bố nó làm tham tán bên ấy. H nuốt vội hớp nước. Sặc. Trái tim hẫng một nhịp. Đập. Bình thường. Lại hẫng.
Tại sao?

Ông ấy nhà M có hứng thú khác. Không, không phải là công việc. Ông ấy không yêu đàn bà. Mình có biết không ấy à? Biết chứ. Từ hồi ấy. M lấy ông ấy là vì thế. H biết rồi… M với V… Cả với P… Cái hồi bọn mình họp nhóm đêm đêm ấy H phải biết… Kinh khủng. M đã từng rất ghét H, rất thương thân. Nhưng mà lạ thế. Chỉ đến khi lấy chồng rồi thì M mới hiểu tại sao mình chiều V với P thế, chiều đến mức cả hai dường như coi mình là một thằng con trai không phải giữ gìn gì trước nhau. Mà H đâu có gì là hơn…

Bao nhiêu cố gắng để vượt lên mình, đẩy sự thiếu tự tin vào một xó lòng. Mọi lí do đến một tuổi không còn là nỗi buồn thua thiệt nữa. Đồng tiền san bằng tất cả. Và cả những đắng cay không một ai có thể lẩn tránh được suốt đời cũng dạy người ta biết chấp nhận nhiều điều. Cả M và H, cả những người con trai của thời thiếu nữ họ đã đi qua. V đang chấp nhận điều khó chấp nhận nhất. Chết. Giản đơn và vĩ đại như sự sinh nở. Cái chết là lần thanh toán trọn vẹn, là sự giải phóng cuối cùng của đời người.
*
*    *
M. sẽ về.
H. sẽ về.
P. nhắn rồi.
Thành phố ấy có hai người đàn ông đang chờ họ. Bộ tứ sẽ lại gặp nhau.

Bây giờ là đầu đông. Hà Nội vẫn mưa rào. Cái bất thường với người xa đã thành cái bình thường với người gần. V trở về. Thành phố mang lại êm đềm thanh thản gì cho V những ngày cuối?

Tôi nữa? Tôi không hiểu mình trở về thì mang lại được gì cho V, cả P nữa. Bởi vì tôi biết, rằng tôi đã yêu họ như thế nào, tôi đã yêu thành phố này như thế nào và có một ngày tôi đã không kham nổi cuộc đời mình giữa lòng nó như thế nào. Điều ấy, không còn cái thanh tĩnh tuyệt vọng của thành phố ngày ấy, lúc tự đập cho tan tành để trở mình, không thể nào nói được nữa, nói gì cũng là quá muộn rồi.

Tôi không thể nói, ngay cả với M, người hình như thành thật nhất với tôi, cho tôi biết đã hơn tôi, đã là người tình của V, có dấu chứng dù chỉ một người biết - ông đại sứ - người cha mà thằng bé con mười bảy tuổi hết sức tôn sùng. Bây giờ M có nói sự thực đó cho V biết không? Rồi sao nữa?

Tôi cũng không nói, không thể, rời khỏi thành phố là tôi thất lạc mình.
Tôi không phải là M. Tôi đi vì tôi. Chọn lựa ấy buốt như là hạnh phúc
 
Berlin 2003 - 2015
L.M.H
 
 
 
 
 
 
 

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)