| Đầu tiên có lẽ là sự ám ảnh từ khi tôi còn là cậu bé mười một, mười hai tuổi. Cuộc chiến chống Mĩ bắt đầu lên cao trào. Một người vợ của lính đi B, tuổi “nửa chừng xuân” xa chồng lâu ngày nảy sinh tình cảm với người khác. Hội phụ nữ kiểm điểm cả chục đêm liền khiến chị suýt nữa thì nhảy sông quyên sinh. Lớn lên, nhập ngũ, năm 1973, từ quân y viện về thăm quê, tôi đi một vòng quanh làng, gặp những người vợ lính xa chồng, người nào trong mắt như cũng có lửa. Nỗi khao khát tình cảm không giấu được. Vậy rồi, sau năm 1975, những người lính trở về và không trở về. Đội quân nữ Thanh niên xung phong từ các tuyến đường chiến lược về làng, mặt bủng da chì, tóc tai xơ xác khi đã qua hết xuân thì, cơ hội lập gia đình hầu như không còn. Trong mấy chục năm hậu chiến, cả ngoài Bắc lẫn trong Nam, tỉ lệ dân số giữa nam và nữ chênh nhau đến gần 4%, xấp xỉ hai triệu phụ nữ không có cơ hội làm vợ. Nhưng khát vọng làm mẹ thì không thôi cháy bỏng trong trái tim những người phụ nữ bất hạnh. Ai đủ dũng cảm và nhân ái giúp họ có cơ hội được làm thiên chức ấy nếu không phải là những người lính từng đánh đổi mạng sống của mình cho hạnh phúc của người khác... Truyện ngắn Gót lữ đoàn muốn góp một tiếng nói cảm thông và chia sẻ. Nhà văn NGUYỄN THẾ TƯỜNG |
Sáng sớm, chị quẩy đôi thùng đi gánh nước. Từ bao năm nay vẫn thế, cứ sáng sớm là chị đi gánh một đôi nước đủ dùng cả ngày đêm cho hai o cháu. Đôi thùng của chị làm bằng gỗ. Những thanh gỗ được chẻ đều nhau ghép vòng tròn bằng hai đai sắt, khít như dán. Đôi thùng mịt mù như tâm tính chị. Vui buồn không rõ, có nước hay không cũng nặng nặng, ẩm ẩm, khua mạnh cũng không kêu, để nằm thì cứ lì lì yên lặng như hai mụ cóc trộp nơi góc nhà. Nơi chị gánh nước là cái giếng trời. Gọi “giếng trời” vì con suối chảy trên đồi xuống bỗng quẩn lại một vòng xoáy thành cái sũng nước rồi mới chảy tiếp ra ruộng. Đường đi từ nhà ra giếng phải qua một cái biền có nhiều cây duối dại, vài ngôi mộ hoang. Một thửa ruộng có đoạn bờ, ếch, nhái, chàng hương lên ngồi chầu hẫu giương mắt nhìn. Chỉ một đoạn đường mà với cái tốc độ đi của một người đàn bà quá lứa lỡ thì, hơi ngẩn ngơ như chị cũng nhớ được, quên được khối thứ. Đầu tiên chị tự hỏi, không hiểu mình gánh nước buổi sáng như thế này đã bao lâu. Lâu rồi, từ dạo còn chiến tranh. Tốt nghiệp cấp hai đúng lúc giặc Mĩ leo thang dùng không quân ném bom bắn phá dữ dội miền Bắc. Làng chị đêm nào cũng cháy. Chị ở nhà sản xuất theo hợp tác xã nông nghiệp được gần một năm rồi gia nhập lực lượng Thanh niên xung phong “Ba sẵn sàng”. Khiếp, hồi ấy sao đứa nào cũng trẻ, cũng hăng, má cứ căng, vai u ú, ngực tưng tức như có ai nhìn vào. Bây giờ, nhìn lên dãy Trường Sơn thấy mù mịt thế nào ấy, chứ ngày đó thì các chị đi xuyên vào rất sâu, san đi lấp lại những đoạn đường cho ô tô chạy vào Nam. Mấy năm liền mà không nhớ có nghỉ tay ăn cơm lúc nào không. Ngủ thì cứ phải mụ mị đi rồi mới dựa lưng vào nhau mà ngáy.
Cho đến một ngày. Sau trận sốt rét ác tính, chị thoát chết nhưng thấy tóc trên đầu rơi xuống. Những sợi tóc như có ma, trong suốt, vô hồn cứ tả tơi như rơm vàng trước cơn giông. Rồi cái bụng có gì khang khác. Nhiều tháng trời không thấy rộn rạo, tưng tức, sốt hâm hấp chi cả. Lạ thiệt! Chị ra suối ngồi. Eo ơi! Hay mình có mang? Khổ! Có ai “nằm” với đâu? Cánh lái xe cứ qua vùn vụt. Đơn vị thì rặt con gái đàn bà. Chị bỗng mỉm cười: Cũng có khi phỡn, chúng nằm úp lên người chị mà nhún nhún, rồi cười re ré, rồi khóc rinh ríc. Ôi! Có khi, nghe nói, thuở xưa có người đàn bà đi việc riêng bị con ếch nhảy lên “chỗ ấy” mà cũng có mang. Lại có người đàn bà ra đồng, “gặp lốt chân to hơn lốt chân người. Thấy hay hay, bà đặt chân vào ướm thử. Không ngờ về nhà bà thụ thai”, sau đẻ ra ông Thánh Gióng nhổ tre Ngà đuổi giặc Ân. Hôm ấy, cái hôm ở suối, chị, lần đầu tiên trong đời con gái bị một phen hoảng hồn. Nước suối rất trong, chị vô tình chồm người ra nhìn xuống chợt bàng hoàng. Một người đàn bà hói đầu lạ hoắc từ dưới suối đang nhìn lên... cười.
Sáu tháng sau, qua vài ba quân y viện, chị được giải ngũ với cái căn bệnh nghe rất dài: “Sốt rét ác tính biến chứng rối loạn sinh lí mãn tính”.
Mười mấy năm trời, chị không buồn nhớ mình là đàn ông hay đàn bà. Lắm lúc ra ngồi bên cái giếng trời, chị kéo quần nhìn xuống, thở dài, nhớ lại cái tuổi mười bốn mười lăm, lần đầu thấy rộn rạo ở bụng dưới. Chị mách mẹ. Mẹ cười, cốc vào đầu chị: “Ngu, lấy chồng được rồi đấy”.
*
* *
Đôi thùng gỗ hôm nay sao có vẻ nhè nhẹ. Ờ, phải rồi, hôm qua gió heo may về. Nửa đêm, nghe bà o trở mình. Ngoài cửa sổ có cái gì ào qua. Tán lá cây sanh bỗng rì rào, rì rào như trăm ngàn con chim sẻ đập cánh. Một hai con dơi cuống quýt bay trong đêm...
Ba năm đầu không ai để ý. Cái khăn trùm đầu tùm hụp làm lũ trai làng ngán ngẩm. Mãi, có một ông góa vợ đến “đặt vấn đề” bị mẹ chị mắng cho. Một anh cán bộ thú y thọt chân hay đến chơi, chị tránh. Mẹ chị cởi khăn cốc vào cái đầu hói của chị mà mắng: “Ngu! Mà răng mạ không thấy mi có ngày có tháng chi cả?”.
Một năm sau nữa, mẹ mất. Thấy anh cả chị dâu lạnh lạnh, chị bèn ra ở căn nhà rìa xóm với bà o già không chồng. Tới hồi bảy lăm, lũ bạn cùng ra đi hồi ấy lục tục trở về, quân phục bạc màu, cười, môi xanh tái. Cười xong thì khóc...
Cứ lâu lâu chị lại đảo qua văn phòng hợp tác xã nhìn trân trân vào cái lốc lịch. |
Minh họa: Lê Trí Dũng |
Đêm, đang ngủ chị chồm dậy:
- O ơi o!
- Chi rứa? Mớ ngủ à?
- Không, không, không chi cả.
- Rứa thì ngủ đi.
Chị không ngủ, se sẽ vén tấm màn đi dần ra cửa, vừa đi vừa sợ mất cái cảm giác rộn rạo tưng tức nơi bụng dưới. Chị véo vào má, giật giật mớ tóc thưa, ngồi xuống thềm nhìn lên ông trăng đang tưới xuống ánh sáng huyền diệu. Một dòng nước âm ấm vừa thoát ra ào xuống khoảng đùi non. Ngoài kia, có một tàu lá chuối đẫm sương đang chao qua chao lại. Cái lá chuối con con dài hơn cái quạt mo mọc lên để che cho cái hoa chuối sắp trổ nay mai...
Từ hôm đó chị hay tìm cớ vào xóm. Gặp ai chị cũng nhìn nhưng chẳng ai nhìn lại. Một lần, gặp tốp thanh niên trồng cây dọc xóm, chị lân la hỏi:
- Các bạn trồng chi rứa?
- Dạ, bọn cháu trồng bạch đàn bác ạ.
Chị không vô xóm nữa mà hay ra ngồi nơi cái giếng trời. Cứ tới “ngày ấy” là chị gánh nước về giặt giũ xung xăng phơi vải màn trắng lốp trước lều. Bà o bảo: “Có tuổi rồi răng ngu! Đem ra sau vườn mà phơi”. Chị không nghe, cứ phơi đằng trước. Cũng chẳng được gì. Cái lối từ nhà chị đi vào xóm cỏ mọc lan ra. *
* *
Sáng nay sao đôi thùng có vẻ nhè nhẹ. Ờ, hôm qua gió heo may về. Lối ra giếng trời phải đi qua cái biền có nhiều cây duối dại. Đi qua mấy cái mả hoang, chị ngước lên bỗng sững sờ: “Eo ơi! Cái gì thế kia?”. Trên quả đồi thoai thoải bên kia khoảng ruộng đầy những đống lù lù, to tướng, trùm bạt vàng khè, thò ra những ống thép dài ngoẵng. Chị dụi mắt mấy lần tưởng mình mơ lại những ngày ở Trường Sơn. Những chiếc xe tăng đang thiêm thiếp. Trời ơi! Thế mà đêm qua ngủ quên không nghe thấy. Chắc là gió heo may thổi bạt tiếng động cơ.
Những người lính mặc binh phục màu xám có túi rộng tich - kê nơi đầu gối, đội mũ da tùm hụp đang xếp hàng. Cứ năm người một hàng trước xe. Chị khua đôi thùng nhưng chẳng có âm thanh nào phát ra. Cả hàng quân đang nhìn vào người chỉ huy. Ông ta quát lên một tiếng gì không rõ rồi thấy hàng quân chuyển động. Họ leo lên xe, dỡ bạt chui vào và từ đó như những con tò vò chui ra chui vào. Có người ôm một đống giẻ tới giếng trời. Chị thét lên một tiếng giật giọng rồi bỗng im bặt như chợt hoảng sợ vì tiếng kêu của mình.
- Cái gì thế? - Người lính hỏi - Chị vừa hét lên phải không?
- Ừ, sao anh lại dám ném cái của ấy xuống giếng trời?
- Tôi giặt để bảo dưỡng xe...
- Cậu mang xuống dưới mà giặt, làm bẩn hết cả rồi trưa nay đơn vị ăn cái gì!
Chị ngước lên bắt gặp khuôn mặt của một người lính đứng tuổi nên vội cúi xuống. Anh ta cũng quẩy một đôi thùng.
- Nhà chị gần đây à?
- Dạ.
- Ồ, may quá. Chị biết nhà ai có chè xanh không?
- Có... có... nhà tôi.
Chị vục đôi thùng, chúi cả mặt xuống nước.
- Cảm ơn chị, tí nữa tôi vào mua, nhà chị ở đâu?
- Ngay kia, cuối xóm.
Chị quẩy ngay đôi thùng về nhà rồi ba chân bốn cẳng chạy đến nhà bà Huê đầu xóm. Chết! Không biết phải mua bao nhiêu cho vừa? Họ có mấy người, mấy xe nhỉ? Nghe nói mười một xe là một đại đội. Ôi!
Ba ngày đầu, chị nhất định không lấy tiền. Nhưng, đến ngày thứ tư thì người lính đứng tuổi không chịu, và chị phải nhận một ít. Cũng chẳng đáng là bao, chè xanh rẻ như bổi làm phân xanh, bứt không, bà Huê cũng còn mừng. Mỗi sáng, chị thức dậy cùng động cơ diesel gầm thét trên đồi. Những khối thép rùng rùng chuyển động. Tiêng rít xiên xiết chói tai xa dần. Rồi, đâu đó từ phía núi vọng lại tiếng ùng oàng nghe như từ sâu trong kí ức truyền về. Đêm, chị thường ra hiên ngồi chờ nghe gió heo may thì thào trên ngọn cây sanh, tiếng con chim gì nói mơ ngoài cây duối dại và có cả tiếng khò khè rin rít như người bị suyễn của những cỗ thép trên đồi. Người chị rộn rạo khác thường. Có cái gì rần rật nơi ngực. Chị đưa tay sờ bầu vú của mình rồi đỏ mặt nhớ lại khi cúi xuống múc nước ngoài giếng, tia mắt người lính như con thạch sùng bò lách qua cổ chị.
*
* *
Sự dềnh dàng của người đàn bà đã có kết quả. Chỉ thay có chục cái tranh thò lên thụt xuống, khi xong thì trời đã sẩm tối. Sáng nay, khi gặp ở giếng, chị nói:
- Nhà không có đàn ông, nhờ các anh dọi lại cho cái mái.
- Ừa, để tranh thủ giờ nghỉ trưa chúng tôi vào.
- Hay để sau giờ ăn cơm chiều cũng được.
- Nhờ mấy người? - Người lính đứng tuổi hỏi.
- Mấy người gì! Tôi phụ đưa tranh còn “ai đó” trèo lên mái lợp giùm.
- Ừa, để chiều.
... Và buổi chiều, sau giờ cơm, “họ” bắt tay vào việc. Trời mùa thu mau tối, vậy mà ông mặt trời cứ nấn ná mãi trên dãy Trường Sơn.
Chiều chiều con quạ lợp nhà
Con cu chẻ lạt con gà đưa tranh
Có một lúc chị hát nhè nhẹ câu ru thuở sinh thời của mẹ. Người lính nói:
- Chị hát hay nhỉ!
- Không, tôi ru...
Chị múc nước cho anh rửa tay, hâm lại ấm chè xanh thật nóng rồi rót ra bát. Bà o vừa lòa vừa điếc nói:
- Các chú bộ đội tốt.
- Bộ đội mà lị. - Chị lại hỏi - Các anh ở đây có lâu không?
- Chóng thôi, chỉ để bắn bài “Mục tiêu di động”.
- Ôi, thế mà... Mà anh tên chi?
- Tôi là anh Nuôi.
- Ôi, Nuôi à? Nhưng là gì Nuôi, Nguyễn Văn Nuôi hay Trần...
- Ấy, tôi là... đại khái như... Lê Anh Nuôi.
- Thảo hèn, em cứ tưởng anh họ Trần, hóa ra họ Lê. Chắc anh là đại đội phó.
Giọng chị mỗi lúc một chậm lại, pha tiếng thở hào hển. Những ngón tay bấu vào mảnh vải bàn, lôi cái tay anh lại gần. Một ngọn gió đập khẽ vào liếp cửa. Ngọn đèn chập chờn.
- Hồi ở Trường Sơn em cũng yêu một anh đại đội phó. Chưa kịp làm gì thì...
- Thì làm sao?
- Anh ấy hi sinh... Nếu không, em đã có một đứa con, bây giờ chắc nó cũng đã đi bộ đội. Em ước có đứa con quá. Bọn bạn em bảo, cho con ếch nhảy lên “chỗ ấy” cũng có mang.
- Thế ư?
- Cái bọn mất dạy. Khuya rồi, anh ở lại đây nhé. Đừng sợ o. O điếc ấy mà.
Thời gian cứ lặng lẽ trôi. Tiếng đối thoại rời rạc, vô nghĩa. Tiếng thở cố nén trong lồng ngực. Tiếng côn trùng kêu, thạch sùng tắc lưỡi. Chị vươn cổ thổi tắt ngọn đèn rồi ngả luôn vào người anh. Người lính bàng hoàng. Anh xoa nhè nhẹ lên bờ vai chị. Thoảng đâu đây mùi lá chanh. Tiếng ngáy của người già. Một cánh tay quàng riết lấy lưng anh. Một lực kéo nhẹ nhưng quyết liệt lôi cả hai người tịnh tiến đến cái giường tre. Một bước nữa cả hai thân hình sẽ đổ xuống...
Keng keng keng...!
Một tràng âm thanh vang lên chói tai rạch ngang khoảng không gian đen mọng như màu bồ quân, xộc thẳng vào từng ngõ nhà.
- Chết rồi, điểm danh buổi tối. Tôi phải về.
Người lính vùng đứng lên và đôi tay chị trượt vụng về tuyệt vọng từ lồng ngực anh xuống bụng dưới, vin níu lại một chút rồi rời ra.
Đêm ấy, chị ngồi nhìn rất lâu vào bóng tối...
*
* *
Ba ngày sau, chị lại quẩy đôi thùng ra giếng trời, nhìn lên đồi thì lạ thay, tất cả những khối thép trùm bạt nóng phừng phừng hôm trước, nay bỗng biến mất. Chị quẳng đôi thùng, chạy lên đồi. Những mẩu dây thép gai tháo vội nham nhở. Đêm qua có một trận mưa nhỏ làm trôi hết lớp mùn phía trên, để lộ ra những vết hằn băng xích như những con rết xám khổng lồ bị dán xuống mặt đất. Chị đứng ngẩn ngơ một lúc, lại ngồi xuống rờ rẫm lên vết hằn. Rồi chị đứng bật dậy nhìn bốn xung quanh. Khi biết chắc trên đồi không có ai, chị đặt một bàn chân vào giữa vết băng xích, ấn mạnh xuống. Chị đứng im, hai tay nắm cặt gấu áo, nghe trong gió thoảng tới tiếng chi như tiếng trẻ đọc bài: ...Một hôm bà lên đồi... về nhà bà thụ thai.
Bỗng, chị giật mình đặt tay lên bụng. Tiếng đọc bài sao nghe như tiếng chị đâu từ xa lắc xa lơ vọng về, từ hồi chưa có chiến tranh, chưa đi Trường Sơn, chưa có gót chân của những người lính lữ đoàn xe tăng đi, để lại cái lốt to và dài như con rết khổng lồ kéo hết quả đồi, đi miết về tận đẩu tận đâu phía chân trời.
N.T.T
______
1. Phỏng thơ Đinh Hùng