Nhà văn UÔNG TRIỀU và truyện ngắn "Đôi mắt Đông Hoàng"

Thứ Hai, 27/03/2017 00:53
truyen ngan hay tac gia tu chon
 
chân dung UT
Một truyện ngắn rất nhiều kỉ niệm với tôi, được viết sau hành trình dài ngày trên biển, say sóng đến quắt người cùng rất nhiều những người bạn mới. Những người bạn ấy được tôi lấy làm tên nhân vật trong truyện của mình. Tôi đã viết nó rất nhanh với những hình ảnh lịch sử sống động như một cuốn phim. Câu chuyện về một chiến binh nước ngoài với một người tình bản xứ - quê hương tôi, mảnh đất và con người nơi tôi sinh ra thấm đẫm vào tôi từ hồi còn bé tí…
 Nhà văn UÔNG TRIỀU




Tháng 10 năm 2007, tôi là một trong hai tám thành viên Việt Nam tham dự chương trình Tàu Thanh niên Đông Nam Á. Hành trình của chúng tôi đi qua Nhật và một số nước Đông Nam Á. Trong hai tháng đi trên biển và ở trên đất liền, cô bạn người Nhật, Emi Morita kể cho tôi câu chuyện về người ông của mình từng làm phiên dịch trong thời kì chiến tranh ở Việt Nam. Câu chuyện của Emi Morita bắt đầu khi chúng tôi lên tàu ở Yokohama, khi biển rất yên bình và trong đoàn chúng tôi chưa ai bị say sóng cả.
*
*    *
Tháng 9 năm 1940 quân Nhật đổ bộ vào Đông Dương.
Trong hàng nghìn những chiến binh sẵn sàng chết vì thiên hoàng, có một người lính - phiên dịch của quân đội, đến từ Kitakiushu, thủ phủ của đảo Kyushu, phía Nam Nhật Bản. Katsu - hai mươi sáu tuổi.

Ở trên bản đồ nước Việt Nam, có một vết chấm nhỏ ghi tên một địa danh ở miền Đông Bắc, huyện Đông Hoàng - nơi Katsu sẽ phải đến đó trong một thời gian làm công việc phiên dịch.

Katsu đặt chân đến vùng Đông Bắc trong một ngày tháng mười cùng một toán binh Nhật.
Đông Hoàng là một huyện nhỏ nhưng nằm ở vị trí quan trọng, án ngữ con đường vào vùng Đông Bắc và có nhiều đường sông toả đi các nơi. Ở trung tâm huyện lị có cả đồn binh Pháp và đồn binh Nhật.

Khi đoàn binh Nhật đến trung tâm huyện lị, mặt trời đã vượt quá đỉnh đầu. Nắng không gay gắt nhưng không hề có một phút râm mát. Những tia nắng quái như lưỡi cỏ xước quất vào mặt những chiến binh Nhật gươm súng chỉnh tề. Mùa đông ở Đông Hoàng không giống với mùa đông ở Kitakiushu.

Vài đứa trẻ con đứng ở vệ đường tò mò nhìn những người lính Nhật. Những đứa bé hơn nép vào chân mẹ nhìn ngước ra. Không hề có tiếng khóc.

Katsu đã đọc tài liệu trước khi đến Việt Nam. Một đất nước nửa phong kiến, nửa thuộc địa, nghèo nàn nhưng đã từng đánh bại quân đội của đế quốc Trung Hoa hùng mạnh láng giềng. Người Pháp và người Nhật đang giành quyền kiểm soát ở đây.

Những ghi chép lịch sử báo hiệu một cuộc chiến sẽ không dễ chịu gì. Binh lính Nhật sẽ phải chiến đấu với quân Pháp, người bản xứ, khí hậu, bệnh tật. Một cuộc chiến chưa ai nhìn thấy kết thúc thế nào.

Katsu được phép ngủ một giấc dài trước khi tìm hiểu cụ thể về vùng đất Đông Bắc này. Không khí chiến tranh chưa nồng nặc thuốc súng. Người Nhật và người Pháp đang tạm thời hòa hoãn với nhau, dân bản xứ chưa có biểu hiện chống đối mạnh mẽ nào. Một vùng gió lặng trước khi bão tới? Bão tố đã giúp nước Nhật tránh được hai cuộc xâm lăng lớn của đế quốc Nguyên Mông, nhưng bão tố cũng cướp đi nhiều sinh mạng của chính nước Nhật.

Công việc đầu tiên của Katsu là cùng một toán binh lính Nhật, binh lính người Việt đi thu góp lương thực cho cuộc chiến. Quân đội Nhật nhắm tới đầu tiên là những gia đình giàu có trong vùng, họ tránh chưa vơ vét toàn bộ dân chúng để làm yên lòng người.

Con đường đi vào làng lốm đốm đen những bãi phân súc vật. Mặt đất rụng đầy lá tre úa vàng. Những rặng tre rậm rạp, ken vào như một bức tường thành. Tiếng cành cây cọ vào nhau kọt kẹt như tiếng kéo của những đoàn xe ngựa đưa các lãnh chúa Nhật di chuyển luân phiên giữa các vùng để tránh lộng quyền thời trung cổ.

Những người đàn ông đầu trần, chân không mang bất cứ một loại giày dép gì, xương gò má bạnh ra, mắt lờ đờ, vác một loại nông cụ trên vai. Nhẫn nhục, cam chịu. Những người đàn bà đội những chiếc nón tụt chóp, chỉ ngẩng một nửa khuôn mặt lên để nhìn. Những chiếc nón lá không giống loại nón ở Nhật. Những người đàn ông, đàn bà ở xứ này như những người Nhật sống trước thời Minh Trị. Nghèo, u buồn.

Phía trước là một ngôi làng lớn.
Katsu cùng đám binh lính bước vào một chiếc cổng làm bằng thân tre. Tiếng chó sủa vang, ba con chó bản địa, to hơn loại chó Nhật xù lông, hung hăng, sủa rất to. Chân sau của lũ chó dạng ra thế thủ, mõm vươn về phía trước, răng nhe ra đe dọa. Vô ích. Một lưỡi kiếm tuốt trần, một tiếng tru thảm thiết, tiếng sủa vẫn tiếp tục nhưng lùi ra xa và yếu dần. Bặt hẳn.

Một người đàn ông trung niên, râu để dài, quần áo luộm thuộm chạy ra đón đoàn binh lính gươm súng lạnh lùng đến thăm nhà. Ông ta mặc chiếc quần rộng thùng thình, đũng dài gần tới đầu gối, nhưng ống quần ngắn, chưa chạm mắt cá chân. Phía sau là hai người phụ nữ đang đứng nép vào hàng cột gỗ. Một thằng bé khom lưng đứng cạnh cửa chính. Tiếng kim loại của đoàn binh va vào nhau khô khốc. Thằng bé run bần bật.

- Chúng ta đến đây để nhận sự quyên góp lương thực cho quân đội của thiên hoàng.
- Bẩm, không dám trái ý.
- Lấy ngay bây giờ.
- Bẩm, đã chuẩn bị sẵn.

Hai người đàn bà khi nãy nép theo hai hàng cột đi vội về phía sau nhà, rồi ra cùng lúc. Một trung niên, một trẻ. Hai người đàn bà mang ra một thứ nước màu vàng thẫm mời những vị khách đường đột đến nhà. Người đàn ông rót một bát nước đầy, uống trước. Không phải thuốc độc. Một thứ nước hơi chát, ấm nóng, không giống loại trà màu xanh, được làm bằng bột lá chè nghiền mịn, đặc sệt, chỉ uống từng ngụm nhỏ của người Nhật.

Hai người đàn bà là vợ người phú hộ.
Thằng bé đứng bên cửa là người ở, không phải con ông ta.
Không có biểu hiện chống đối.

Đám binh lính người Việt chuẩn bị mang những bao thóc ra ngoài.
Những con chó lùi vào các bụi tre, mắt trân trân nhìn từ xa.
Tiếng kim khí va vào nhau.

Hai người đàn bà bước giật lùi ra sau. Tất cả đám binh lính Nhật đều nhìn xéo qua họ. Người đàn bà trẻ mắt một mí, gầy, ngực nhỏ, da trắng. Cô ta hao hao một cô gái Nhật sống ở một đô thị trung bình. Mắt Katsu dừng ở trên ngực. Một quầng nhỏ nhô cao trên áo sẫm màu.
Người đàn bà trung niên đi qua. Không ai nhớ mặt bà ta thế nào.

 
doi mat dong hoang
Minh họa: Đỗ Dũng

Katsu phiên dịch mệnh lệnh của trung uý Hideki. Yêu cầu chủ hộ tiếp tục quyên góp lương thực cho quân đội của thiên hoàng. Mọi sự chống đối đều vô ích.
Trước khi ra về, trung uý Hideki yêu cầu tất cả các thành viên trong nhà ra trình diện.
Tất cả tám người đứng thẳng hàng trước sân, mắt không nhìn lên.

Người phú hộ giọng như bị thiến, giới thiệu tên hai bà vợ. Năm người khác trong nhà ông ta bao gồm một thằng hầu, một chị bếp, một bà già và hai người làm công.
Tên người đàn bà trẻ nghe không rõ. Một âm gì đó giống như: Nhiên.
Người đàn bà trẻ không cười.
Mắt ướt.

Katsu dừng ở đôi mắt ướt. Đôi mắt không giống đôi mắt của người đàn bà thôn quê.
- Tất cả không ai được chống đối. Mọi sự chống đối đều vô ích - Trung uý Hideki nhắc lại.
Âm thanh ngoại quốc phát ra từ miệng trung uý Hideki. Katsu dịch lại. Tám người vẫn đứng thẳng hàng, đầu hơi cúi thấp.
Giống kiểu phục tùng ở nước Nhật.
Nhưng đây không phải là nước Nhật.

Người Nhật - binh lính Nhật và gươm súng đã dạy người nước khác phục tùng theo kiểu Nhật. Còn dạy được gì nữa, Katsu nhếch mép, người đàn bà trẻ đáp một tia nhìn kín đáo về phía anh ta.
Cô ta phản kháng.

Nhiệm vụ của binh lính Nhật là kiểm soát các hoạt động trong vùng, kiểm soát đường quốc lộ, thu gom lương thực và giữ một mối quan hệ vừa phải với binh lính Pháp. Hai con hổ đang chờ thời. Không biết con nào sẽ nuốt chửng con nào. Tất nhiên là mình không nghi ngờ sức mạnh của quân đội thiên hoàng.
Binh lính người Việt làm việc dưới sự sai khiến của các sĩ quan người Nhật. Phục tùng.

Katsu cười thầm: không ai hiểu người Việt bằng chính họ. Chiến tranh làm những điều nực cười. Quân đội Nhật đang nắm thực quyền, họ kiểm soát toàn bộ tình hình. Mấy tên mũi lõ chẳng còn bao ngày nữa. Đám binh lính người Việt cũng đang đóng một màn kịch bất đắc dĩ. Màn kịch chưa biết khi nào mới hạ màn. Nhưng người Nhật vẫn sẽ là người chỉ huy duy nhất.

Khi đó muốn điều gì chẳng được.
Cả người đàn bà mắt ướt, thị dân.
Cô ta giễu cợt mình. Không ai nhận ra điều này, kể cả trung uý Hideki. 
 
Mùa đông vùng Đông Bắc Việt Nam không quá rét, không có tuyết rơi như trên đảo Hokkaido miền Bắc Nhật Bản nhưng khung trời màu xám, sương mờ đục. Không có những rừng cây lá đỏ đầu mùa đông. Nông thôn tĩch mịch, u buồn. Những thân cây vươn lên trời xám. Oai phong của đoàn quân đang chiếm thế thượng phong cũng chẳng làm nguôi nỗi nhớ những cảnh quê mùa đang mất dần đi ở Kyushu.
Đông Hoàng.

Những người đàn ông, đàn bà gầy gò, môi thâm tái.
Bọn trẻ con mặc áo bông xám cũ, mũi đỏ như mèo.
Ngoài chợ Cột bán những mẹt thịt trâu chết rét. Thịt thâm sì.
Lũ quạ đen không được chào đón như ở Nhật.

Những ngôi nhà đắp bằng đất trộn rơm thấp lè tè. Ngôi nhà có ít cửa sổ, ô cửa sổ nhỏ, bên ngoài che bằng một tấm liếp đan bằng lá mía khô, một cành cây có chạc chống lên. Mái nhà bằng rạ, những thảm rạ dày, ngấm nước mưa đen sẫm, sắp mục nát. Những ngôi nhà không giống những ngôi nhà ở Kyushu, nước Nhật đang thoát khỏi sự nghèo đói nguyên thủy.

Katsu nhớ người ông làm ruộng trên đảo Kyushu. Ông cũng chẳng khác những ông già ở đây. Gầy gò, môi tím tái, giọng nói lập cập, không rõ âm. Đế quốc Nhật đang trở nên hùng cường ở châu Á nhưng cũng không có nhiều ảnh hưởng đến một ông già sống ở một nơi tận cùng của nước Nhật cũ kĩ. Một ông già nông dân thực sự. Cứng đầu.
Đông Hoàng và toàn thể lãnh thổ Việt Nam sẽ nằm dưới sự quản lí của người Nhật. Không trừ một góc nhỏ nào.

Katsu cùng đoàn binh Nhật và binh lính người Việt thực hiện nhiệm vụ của thượng cấp: thu thóc tạ, nhổ lúa trồng đay và thầu dầu, những thứ cần thiết cho đội quân của Nhật hoàng.
Những điều đó cũng không che giấu được sự thật phơi bày.

Ở châu Âu, nước Đức quốc xã sắp bước vào những ngày cuối cùng, chẳng mấy chốc quân đồng minh sẽ tiến vào Berlin, thủ đô của đế chế thứ ba.
Người Nhật, đội quân của thiên hoàng đang đứng trước nguy cơ mất hết đồng minh và bị tấn công tứ phía.
Không biết có ngày mình có thể quay về nước Nhật hay không?
Hay sẽ chết ở đây vì danh dự của thiên hoàng.
Một vùng nông thôn yên bình, u buồn sẽ là nơi ngã xuống của người con của nước Nhật.
Không thể...

Người Nhật đã làm những việc có thể làm bằng mọi giá. Lương thực được trưng thu nhiều hơn. Máu đã chảy. Chiến tranh. Không có cách nào khác. Katsu cố gắng không rút kiếm ra khỏi bao. Thanh kiếm Nhật dùng để chém quân thù. Quân thù? Người Pháp, người Mĩ, người Việt hay chính người Nhật. Sẽ có ngày thanh kiếm phải dùng đến.
Người lính thiên hoàng phải thực hiện bổn phận của mình.
Nghĩa vụ với tổ quốc.
Nước Nhật đang là đàn anh châu Á.
Không có gì phải do dự...?

Người đàn bà mắt ướt bán rượu cho binh lính ngay dưới chân đồn Cao. Người đàn bà tính tiền bằng ngón tay. Những ngón tay thon nhỏ mềm mại. Bàn tay không phải bàn tay của người đàn bà nông thôn.
Nhiên mắt ướt nhưng lạnh.
Một nỗi buồn vô hình.
Lẳng lơ.
Thị dân.
Cô ta phản kháng?

Binh lính người Việt xô ra. Lời tục tĩu. Ánh nhìn dâm đãng. Tay vuốt má. Người đàn bà gạt tay không quá mạnh.
Mắt Katsu dừng ở chân.
Chân trần.
Vợ một phú hộ. Không cần phải thế?
Một con ranh gián điệp?

Một sĩ quan Nhật bước đến giật mạnh tấm cói che miệng thúng.
Không có lựu đạn.
Một ít rơm khô.
Nửa tờ lá chuối xanh lót ở dưới đáy thúng.

Một tia nhìn, nửa lẳng lơ, nửa bất cần đáp về phía người lính Nhật duy nhất hiểu được tiếng Việt.
Sẽ cho cô ta lên giường.
Loại đàn bà dâm đãng.
Ánh mắt như thiêu đốt.
Ngươi không đánh lừa được ta đâu.

Cô ta giống một người đàn bà mình đã gặp ở vùng nông thôn trên đảo Kyushu.
Buồn.
Đẹp.
Bất cần.

Người sĩ quan phiên dịch trong đội quân của thiên hoàng chặn một bàn tay đưa lên ngực người đàn bà.
- Cô ta là vợ tay phú hộ. Chúng ta còn cần đến ông ta.
- Con ranh gián điệp.
- Một nhát kiếm là xong. Không phải vội.

Sương mờ trên những cánh đồng không.
Hoa ngô tím phơi trên bờ ruộng.
Mạ héo vàng.
Đay, thầu dầu.
Đay, thầu dầu. Nếu ai đó làm thế với nước Nhật?
Phản bội, dù bằng suy nghĩ cũng đáng bị xử tử.
Chờ đợi.

Ngày 9 tháng 3 năm 1945 quân Nhật nổ súng lật đổ Pháp trên toàn lãnh thổ Đông Dương. Một tiểu đoàn lính bảo an của quân đội Nhật chiếm huyện lị Đông Hoàng, kiểm soát mọi tình hình. Quân Pháp rệu rã, đầu hàng chóng vánh.
Người Nhật đã trở thành người chỉ huy duy nhất.
Đồng nghĩa với những đàn quạ rỉa xác người chết đói trên cánh đồng.
Mình không muốn nhìn thấy những cảnh này.
Nước Nhật trong nội chiến.
Nước Nhật trong đói nghèo.
Cũng đã từng thế này.

Mình không phải là một ronin, hiệp sĩ vô chủ, tìm kiếm những cuộc phiên lưu nghĩa hiệp. Người chủ tối cao là tổ quốc nhưng cầm kiếm giết người không phải việc có thể quen tay.
Suy nghĩ yếu mềm cũng là phản bội.
Không thể...
Những người đàn bà mặc áo thâm sì trên những cánh đồng. Đầu quấn khăn cũng thâm sì.
Chỉ nhìn thấy một nửa mặt.
Những người đàn ông gầy gò vác trên vai một loại nông cụ. Mắt mờ đục như hồn ma đói khát.
Đường làng rụng lá tre, nhìn kĩ mới thấy một bãi phân súc vật.

Người lính phiên dịch trong quân đội thiên hoàng có bổn phận hoàn thành trách nhiệm của mình cùng đoàn binh Nhật. Những kho thóc ngày càng đầy hơn. Đám binh lính, tay sai người Việt vẫn răm rắp phục tùng. Đám tàn quân Trung Hoa ẩn nấp trong rừng thỉnh thoảng xông ra cướp phá đang dần bị tiêu diệt. Dân bản xứ chưa có biểu hiện chống đối rõ rệt.
Quân Nhật như đang sống trong vùng mắt bão, gió lặng một lát rồi sau đó, gió sẽ quật nát tất cả. Sống cùng với bão, người Nhật đã hiểu được điều này. Không ai nói ra nhưng tất cả đang chờ một ngày phán quyết khủng khiếp. Hàng quân vẫn thẳng hàng, oai phong. Kiếm sáng loáng. Tiếng thở dài và ánh mắt lo âu dồn nén lại. Những tin tức bất lợi dội đến từ chiến trường châu Âu và Trung Hoa, từ nước Nhật từ Thái Bình Dương.

Người Nhật thất bại trong trận chiến Midway trên Thái Bình Dương tháng 6 năm 1942.
Cục diện chiến tranh thay đổi.
Quân Mĩ đã đổ bộ lên Iwojima. Nước Nhật mất 39.000 binh sĩ trong trận chiến ở Okinawa.
Người đàn bà mắt ướt vẫn bán rượu cho binh lính. Một con gián điệp kiên nhẫn? Quá lộ liễu? Nhưng cái vẻ của cô ta cũng bất cần. Một nỗi buồn u tối. Sự dồn nén đến bất mãn.
Thị dân.
Đẹp, u sầu.
Đôi mắt.

Binh lính mua hai thứ rượu, một là rượu cồn của Pháp. Hai là loại rượu nấu lén lút của dân bản xứ, trắng đục, làm bằng gạo giống như rượu Sake nhưng mùi vị khác hơn một chút. Rượu uống đến say, không có độc. Rượu độc có lẽ sẽ bán vào lần cuối cùng. Xung quanh đội quân nước ngoài đang bao phủ một sự đe dọa vô hình. Sẽ có ngày cô ta sẽ cứa gươm vào cổ mình. Lá thư gửi từ Kyushu, những người thân đang mong mình về nhưng không ai khuyên đào ngũ. Không bao giờ.

Người đàn bà mắt ướt sẽ cản nước đi cuối cùng. Đôi mắt cô ta, cô ta sẽ giết mình.
Phải ngủ với con gián điệp, phải giết chết nó trước khi nó làm nổ tung đồn.
Katsu rút gươm ra khỏi vỏ. Người phiên dịch cũng là một chiến binh. Phải làm trước khi quá muộn. Một cú đá làm bay cái thúng con. Bầu rượu vỡ tan, mùi rượu bốc lên sực nức. Những sợi rơm khô đã vò nhàu, vàng nhạt; nửa tàu lá chuối non lót ở đáy thúng xoay ngang. Lật đáy thúng xuống. Không có gì cả. Ánh mắt người đàn bà lạnh, u buồn.
Katsu dừng ở mắt.
Bất cần.

Ngươi hãy giết ta đi.
Viên sĩ quan phiên dịch túm lấy cổ áo người đàn bà. Hai đôi mắt Á đông nhìn nhau trừng trừng. Hai thái cực. Dọa dẫm như lửa đốt. Coi thường đến bất cần.
Ta sẽ giết ngươi khi cần. Đồ lẳng lơ. 

Ngày 8 tháng 6 năm 1945. Đông Hoàng. Sáng sớm. Một tiếng huýt còi đanh gọn. Những người đàn ông gầy gò, má hóp lại, tay cầm súng trường, giáo mác xông vào đồn huyện lị.
Những đôi mắt đã không còn lờ đờ. Căm giận. Thật khủng khiếp. Cuộc hoán đổi quá nhanh chóng.

Những thân hình gầy gò khô khốc lao lên phía trước. Những tay súng, tay dao sẵn sàng bổ xuống. Khiếp sợ, có nội gián. Một tên lính Việt chạy ra mở cửa sắt cho quân du kích ùa vào. Một viên đạn xuyên qua gáy.
Phản kháng chậm chạp. Đám binh lính Việt co rúm lại hoặc hô gọi người thân không bắn súng. Viên sĩ quan Nhật đã đưa súng lên thái dương bóp cò.

Katsu rút kiếm ra khỏi bao. Sáng loáng. Đã đến lúc phải dùng kiếm cho mình. Mình đã được học thuật seppuku, mổ bụng tự sát.
Bóng một người đàn bà chặn ngay trước cửa. Đôi mắt u buồn giận dữ. Người đàn bà mắt ướt, chân trần. Katsu dừng một giây, mắt dừng ở tay: khẩu súng chĩa thẳng vào ngực.

- Hạ kiếm xuống, không được tự sát. Ngươi biết tiếng Việt!
Katsu vung kiếm lên. Tiếng đạn rít lên, viên đạn xuyên qua bàn tay phải.
Người phiên dịch chồm lên. Tay trái vồ lấy kiếm. Viên đạn thứ hai xuyên qua bàn tay trái.
- Ngươi không được chết...
*
*    *
 
Người ông của Emi Morita mang hai vết thương trên hai bàn tay. Ông quay về đảo Kyushu và chết sau đó nhiều năm. Bố mẹ Emi chuyển đến sống ở Tokyo. Khi đi họ mang theo cả một bức hình vẽ một người đàn bà châu Á, chân trần, đang gánh trên vai hai đôi thúng nhỏ. Đôi mắt ướt, u sầu.

Khi tàu Nippon Maru cập cảng Sài Gòn, tôi đã đưa Emi Morita đến thăm Bảo tàng chứng tích chiến tranh. Chúng tôi ngồi uống cà phê ở một quán vỉa hè. Emi bảo tôi:
- Chiến tranh giống như một bức tranh u buồn. Ông nội tôi đã cấm tôi đến những chỗ đó. Nhà anh ở đâu?
- Nhà tôi ở miền Bắc Việt Nam, một vùng nông thôn yên bình. Nhưng ở thời buổi này, không tìm đâu ra một người đàn bà chân trần. Mắt ướt, u sầu.

 Đoàn tàu chúng tôi kết thúc cuộc hành trình vào cuối tháng mười hai năm đó tại thủ đô nước Nhật. Khi đó, Tokyo lạnh như miền Bắc Việt Nam vào những ngày rét buốt nhất
U.T
 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)