Làng cuối dòng kinh

Thứ Ba, 03/11/2015 13:18

Tôi từ làng quê Việt đến với những làng quê Việt và gắn bó với mảnh đất châu thổ ngót vài chục năm trời. Ngoài quê hương bản quán, tôi chọn xứ sở này làm quê hương cho trang viết của mình. Những con người hồn hậu đáng yêu luôn tự nhận mình “chữ nghĩa chưa đầy lá mít” nhưng ăm ắp lòng bao dung, đầy tràn sức sống... Chính họ là những người làm nên thứ “đặc sản văn hóa” mà ai đã có lần đặt chân đến cũng ngỡ ngàng thú vị, cũng say sưa mê đắm...

Nhà văn DƯƠNG ĐỨC KHÁNH

*******


Quán cà phê Tư kháng chiến mái lá xập xệ cặp mé kinh. Bàn ghế bằng ván còng ván me lọt chọt. Không nhạc nhéo, phim phiếc rần đùng như mấy quán ngoài chợ, nhưng cứ mờ trời là đủ mặt “dân dã bá quan” của cái làng mút con kinh Xẻo Mơn này. Từ ông trưởng ấp ưa mặc áo sĩ quan tới “đại gia Hai Lúa” ruộng mấy trăm công, mặc Pijama đội nón nỉ cao bồi. Từ anh chàng chuyên mua lúa non, kè kè bọc tiền cứng ngắc, túi giắt hai ba cây viết như cán bộ huyện cho tới thằng mót lúa, bắt hôi te tua tàu chuối. Từ mấy anh giáo làng trắng trơn bảnh toỏng tới mấy tay nuôi vịt chạy đồng mình mẩy đóng phèn vàng khè, thâm xì.
 
Mấy thầy giáo trẻ hôm rày mất ngủ nên chưa tỏ mặt người đã ới nhau đi quán. Thầy Thành, thầy Kim, thầy Bình… mấy bộ mặt mọi lúc được coi là sáng sủa nhứt cái làng kinh rạch này, vậy mà tự nhiên nay anh nào anh nấy mặt mày phờ phạc nhăn đùm, bí xị thấy mắc rầu. Trường lớp khai giảng hơn cả tuần nay rồi mà mấy thầy cứ nhấp nha nhấp nhỏm như ngồi trúng ổ kiến lửa.

Số là cách nay chừng hơn ba tháng, thời điểm sắp nghỉ hè, cũng tại cái quán này, nhóm giáo viên ngồi bàn kế hoạch kiếm thêm thu nhập. Gì chứ vụ này thì không ai qua thầy Sáu Bổn hiệu trưởng. Ông thầy tướng mạo bình dân chắc nịch, chuyên chạy chiếc 67 cà tàng đạp vài chục cái mới chịu nổ, đã từng đẩy xe bán nước mắm dạo thời bao cấp, từng cởi trần bận quần cụt bơi xuồng dọc bờ kinh quăng chài kiếm cá về ủ mắm... Thầy Sáu Bổn gục gật gõ muỗng cà phê rồi lên giọng chỉ đạo, rốp rảng: “Để tui bày cách cho mấy thầy. Nhưng trước hết là đừng bao giờ tính tới cái vụ dạy thêm học thêm ở đây. Vấn đề này thì có văn bản của sở của ngành nói nhiều rồi. Giờ tui chỉ nói gút gọn với mấy thầy một câu, một câu vỡ lòng đơn giản này thôi, ai cũng biết cũng thuộc: Cái trống trường em, mùa hè cũng nghỉ! (Thầy vỗ cái bốp). Đó, thấy chưa?! Sách dạy rồi. Cái trống nó bằng da trâu da bò còn chịu không nổi, phải nghỉ mệt xả hơi mấy tháng hè, huống hồ đám con nít mới tí tuổi đầu còn đái trong quần, hỉ mũi chưa sạch. Cho nên theo ý tui, hè nầy mỗi thầy cứ việc hốt cho tui độ năm ba trăm con gà giống tam hoàng, nuôi kiểu bán công nghiệp, cho ăn cám thực phẩm, đúng ba tháng xuất chuồng. Vừa đúng tới khai giảng. Tui tính rồi, bỏ chi phí giống má cầm chắc kiếm trên dưới mươi triệu như chơi. Chắc ăn như bắp chưa?! Về vốn liếng mấy thầy khỏi lo, cần bi nhiêu tui sẽ mần thủ tục cho mấy thầy vay ngân hàng, trả dần theo kì lương. Nhứt trí chưa?! Xong!”… Vậy là mạnh ai nấy về tiến hành rụp rụp, lo chuồng trại giống má, phân công vợ con đủ thứ chuyện. Ban đêm mấy thầy còn tranh thủ nghiên cứu sách kĩ thuật chăn nuôi rất bài bản. Vậy mà được chừng gần hai tháng, gà đang lớn xân xẩn như thổi, tự nhiên quay mòng mòng, giẫy đành đạch nằm lăn ra liệt địa, một lượt vài chục con. Thầy này chạy qua thầy kia. Cũng y chang như nhau. Vậy là trong đêm mấy thầy vác cuốc vác leng ra gò đất giữa đồng, hì hục đào hố chôn từng bao từng bao, cứ lén lén lút lút như làm việc mờ ám…

Minh họa: Lê Anh

“Trời đất, lúc rày mà nuôi gà kiểu mấy thầy thua là cái chắc. Tui nói không phải khoe chớ bây giờ nuôi vịt đẻ là hốt bạc. Nói thiệt, xin lỗi mấy thầy chớ, đi ăn cướp cũng không bằng!” Vừa nói, Tư hột vịt bàn bên cầm li cà phê giơ lên xòe cái ngón đang đeo hai khâu vàng y mới chát, bự chảng ước chừng cả lượng. Sáu Mót trại vịt xen vô: “Thôi đừng xúi dại cha nội! Mấy thầy nghỉ hè, tăng gia cho vui thôi! Tính kiểu ông chắc sắp nhỏ xứ mình mơi mốt đi lùa vịt giống tui với ông hết trọi!” Cả quán cười rần.

Sáu Nhàn lúa non nãy giờ vừa nhâm nhi phì phèo vừa nghe ngóng. Lát sau gã bước qua kéo ghế ngồi, cầm gói Hero hai tay: “Mời, mời mấy thầy!” Gã đang có hai đứa con học ở trường, nên bắt chuyện: “Chà, đầu năm học, không biết hôm nào trường mình tổ chức họp phụ huynh các thầy ha?...” (Bởi năm nào gã cũng đứng đầu sổ vàng của hội phụ huynh về mặt đóng góp). Rồi gã hạ giọng: “Nãy giờ nghe chuyện mấy thầy thấy cũng rầu!... Chỗ tình nghĩa… phụ huynh với thầy giáo, tui nói thiệt tình cho mau dzầy: Tui sẵn sàng cứu bồ, giúp mấy thầy trước mắt người vài chai, dứt khoát không tính lời lãi chi cả! Lúc nào thoải mái mấy thầy gửi lại tui, không thời hạn. Thề danh dự!” Y vừa nói vừa vỗ vào túi tiền cứng ngắc. Mấy thầy xua tay cám ơn, lắc đầu nguầy nguậy.

 
Mấy cán bộ có mặt ở quán nãy giờ ngồi im nghe ngóng. Ban ấp ở cái làng bờ kinh này lâu nay có thói quen thành lệ, đi quán nhưng lúc nào cũng sổ sách kè kè. Một công đôi ba chuyện, vừa cà phê cà pháo nhưng có thông báo, chủ trương gì mới của nhà nước sẵn phổ biến với bà con luôn. Tiện lợi đôi đàng. Bà con mình cần kí cái giấy cái tờ hay nộp thuế má linh tinh khỏi tới văn phòng ấp, khỏi mất công đi tìm kiếm lu bu. Nhờ vậy mà lâu nay “nhiều vụ việc bức xúc” trong làng trong ấp được giải quyết gọn lẹ cấp kì. Và hôm nay, chuyện của mấy thầy giáo cũng được giải quyết tại chỗ. Trưởng ấp Năm Xệ sửa bộ đứng lên hắng giọng ra vẻ quan trọng như trong cuộc họp. Nói chuyện với các trí thức phải văn hoa chữ nghĩa một chút, không thể à uôm như với dân lúa má bùn sình được. Vừa rồi đi hội nghị trên xã, nghe đồng chí ở ban tuyên giáo huyện nói nhiều chữ hay đáo để, nhưng trưởng ấp mình chỉ nhớ và khoái nhứt cái chữ góc độ! Nên nay áp dụng, triển khai liền: “Ở góc độ địa phương, tui ghi nhận trường hợp của các thầy giáo, sẽ tranh thủ báo cáo về trên… Góc độ nhà nước sẽ có biện pháp xử lí rập rịch kịp thời. Tui sẽ... kiến nghị với các cấp ngành có khoản hỗ trợ đối với các thầy ở… góc độ khó khăn trước mắt!… Ở góc độ cá nhân tui khuyên các thầy cứ yên tâm công tác trên… góc độ giáo dục con em của ấp mình cho tốt!” Cả quán vỗ tay lốp bốp.

Năm Xệ mần trưởng ấp phải nói là… trường kì! Hồi Năm mới nhận chức, chủ quán Tư kháng chiến là người đầu tiên phát hiện ra chữ kí của trưởng ấp mình hết sức đặc biệt, hết sức độc đáo! Năm Xệ tay cầm viết cứng đơ, chậm chậm ngoáy chữ x cứ y như kiểu người ta vẽ ngôi sao vậy. Tư vỗ đùi cái bốp “Đúng là sao rồi! Quá tuyệt! Quá ngon lành! Chữ kí dzầy đúng là cách mạng thứ thiệt, cách mạng nòi à nghe! Mơi mốt dám còn lên cao nữa nghe, không chừng mần tới chủ tịch tỉnh chớ đừng tưởng chơi! Lúc đó nhớ mần cho ấp mình mấy cây cầu bê tông thiệt ngon lành đi nhậu khỏi té cầu khỉ nghe cha nội!” Nghe Tư kháng chiến nói vậy, Năm Xệ sướng tỉ tê nhắm lim dim con mắt. Coi chữ kí của trưởng ấp riết, mọi người dần đổi lối đề nghị, và Năm Xệ cũng vui vẻ chấp nhận. Mỗi khi ai đó “Anh Năm mần ơn cho em xin cái ngôi sao” là anh lật đật rút viết “vẽ” liền. Thế nên tên Năm Xệ giờ được dân gọi bằng biệt danh Năm sao.

Những cái biệt danh ở vùng này đều có nguồn từ thực tế. Cũng như chủ quán, tên cúng cơm là Tư Nơm, hồi cha sanh mẹ đẻ tới giờ chẳng “thoát li thoát chai” ngày nào, thế mà được gọi là Tư kháng chiến. Số là năm đó lúa trúng mùa được giá, Tư Nơm rủ năm sáu anh em trong xóm kéo nhau xuống tắc ráng qua thị xã. Tư Nơm dẫn đoàn xôm xôm vô cửa hàng xe máy, chống nạnh nghênh mặt: “Rim tem lửa nay bi nhiêu một chục?” Cô bán hàng hơi ngẩn: “Dạ, giá hôm nay là ba mươi hai triệu một chiếc, bác!” “Không, tui hỏi chục. Dân vườn ruộng tụi tui mua bán gì ưa tính chục cho lẹ, khỏi lu bu! Cô đếm cho nửa chục mười hai! Nghĩa là đúng sáu chiếc!”… “Mấy bác dzui dzẻ quá he!” Xong thủ tục giấy tờ tới quá trưa, Tư mình nổi hứng phất tay: “Bây giờ tụi mình đi mần một trận karaoke cho biết mùi đời, mơi mốt lỡ chết xó ruộng khỏi ân hận các cha ơi!” Vậy là nguyên một dàn đờ-rim mới đập hộp hùng dũng tiến vào quán hát, mấy em tiếp viên niềm nở: “Mấy anh chắc làm việc ở dưới huyện?” Tư gật gật: “Ờ, ờ… ủy ban, ủy ban!” Tới hồi mạnh ai nấy ka, nghe giọng Tư Nơm nhè nhè giành mi cờ rô: “Bài Nhớ chiếc xuồng con... bài này để anh… bản này là bản ruột, kỉ niệm hồi… đi kháng chiến!” Vậy là lúc về, Tư Nơm bị cả mấy anh em cười nhạo: “Ê, hồi đó ông lãnh đạo bầy vịt đẻ đi kháng chiến hả cha nội!” Vậy là chết danh Tư kháng chiến từ hồi còn mần ruộng, giờ cái biệt danh ấy lại gắn luôn vào tên quán.

MInhoa 09 2015a
                                                       Minh họa: Lê Anh Vân
Quán Tư kháng chiến giờ nào khách nấy. Lúc bộ sậu ban ấp rút khỏi quán, từ đó tới chiều là buổi “làm việc” của mấy chị em ghi lô bàn đề. Giờ này sôi nổi nhứt. Lúc đầu là coi hôm rày có ai trong làng trong ấp mới chết, nhiêu tuổi, chết có “linh” không, có ai nằm chiêm bao chiêm bị gì không… Hết người chết tới chuyện người sống,  bao nhiêu chuyện trời ơi đất hỡi từ đầu vàm cuối ngọn đều được lôi ra bàn đề tuốt. Kiểu như: “Lúc rày tui thấy đờn bà con gái xứ mình mặc quần lửng thửng trên đầu gối quá trời!” “A, trên đầu gối là trên năm mươi, dzậy là cứ uýnh hàng năm trở lên, chiều nay lấy ăn!” Hoặc: “Nghe nói chiều qua có thằng cha đạp xe hớt tóc dạo xứ nào tới lạ hoắc. Vợ thằng Út Đực ẵm con trên tay cho chả hớt, tới lúc thằng nhỏ khóc la vùng vẫy. Thằng chả được nước xàng xê lợi dụng xấn tới sát rạt, như muốn ôm cả mẹ cả con người ta. Con nhỏ bực quá chịu hết nổi, xô thằng chả một cái chúi nhủi, mắng cho một lèo kịch liệt rồi ẵm thằng con đầu cổ như chó táp ra ngoài chợ hớt tiếp. Thằng chả thì cuốn gói đồ nghề dong không kịp. Cái thứ mần ăn không lo mần ăn đàng hoàng, đồ quỷ sứ dê xồm, mắc gió mắc dịch!” Một người reo lên: “A, dzậy là khỏi bàn, đúng con dê 35!” Người khác cự: “Không, phải quất con 19, vì vợ thằng Út Đực năm nay mười chín.” 

Cái vụ bàn lô đề này là li kì hấp dẫn nhứt. Vì có phải chuyện nào cũng dễ đoán đâu. Như vụ ông Tám thượng đài đấy. Nghe nói hồi trẻ, ông Tám từng lang bạt tứ xứ, võ nghệ cùng mình. Ngang dọc Miên, Lào, Sài Gòn, Nam Vang… từng oánh đài mười trận thắng mười. Nay hơn bảy chục rồi, hồi về quê tới giờ ổng ăn chay niệm phật, mặc bà ba đen tóc bới củ tỏi, sống một mình hiền khô. Bỗng mấy đêm rồi có đoàn võ thuật về làng, tự nhiên ổng nổi máu nhà nghề nhảy ra đòi thách đấu với tay võ sĩ hạng nặng nhứt, mặc dầu thường từ lúc mở màn, tay trưởng đoàn đã khiêm tốn cúc cung “Anh em chúng tôi tài nghệ còn hạ đẳng, mục đích là biểu diễn phục vụ bà con. Nếu trong địa phương nhà, có các bậc tiền bối là võ sư, võ sĩ, hay các bạn là võ sinh các môn phái, xin vui lòng bỏ quá cho!”  Đêm đó cả làng già trẻ lớn bé náo nức hồi hộp. Tới lúc tiếng loa vang lên “Xin kính mời bác Tám, võ sĩ của ấp nhà thượng đài”, cả làng vỗ rát tay. Đến hai ba lần loa kêu mới thấy ông Tám lù lù bước lên. Nhưng thấy tướng ổng bước lum khum, tay ôm bụng tay cầm mi cờ rô run run, nhăn nhó: “Xin lỗi quý vị… bà con! Tui xin phép… bỏ cuộc đấu… vì hiện chừ tui đang bệnh… đau bao tử nó hành!” Cả làng ồ ô rộ lên như bể chợ. Vậy mà về không ai chịu bàn, hôm sau đề ra ngay chóc số 08, con thỏ!

Thôi, chuyện ông Tám xưa rồi. Bàn chuyện mới này mấy mẹ. Có ai gan cùng mình như con Bé Tư con Năm Rô ngoài vàm chưa?! Con nhỏ mặt mày coi ngộ gái hết sức, da dẻ trắng nõn, tướng tá cao ráo không chê đâu được. Dzậy mà lần nào có người về mần mối mần mai lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan cũng bị rớt lại. Bởi nó có tí tật là bàn tay phải có thêm cái nhánh, sáu ngón, nhưng hồi giờ cũng ít ai để ý mà biết. Dzậy là nó êm ru kiếm tiền, êm ru mình ên lên thành phố để cắt bỏ. Lên trển lớ ngớ gặp tụi cò dẫn tới chỗ giải phẫu chui, nó kêu cắt vậy không được, phải tháo khớp luôn ngón cái. Vậy là thà thiếu không để dư. Dứt luôn! Chỉ còn chín ngón, lại bị chê tiếp. Người ta cưới về bển cũng phải mần thấy ông bà ông vải mới có ăn. Ai đi bỏ bạc đống rước người… sứt mẻ khuyết tật! Con bé giờ đi mần công nhân cũng khó, cầm cái lưỡi hái cắt lúa cũng không xong. Khổ chưa!

Chuyện về Bé Tư khiến không khí trong quán chùng xuống. Chả ai muốn bàn đánh con gì. Hồi lâu một bà bỗng nói, tui kể cho mấy người nghe chuyện này. Cả hơn cây số bờ kinh có mình thằng Tèo Anh làm nghề vá ép, sửa xe đạp. Vậy mà hôm rày nó đòi bỏ nghề, đóng cái thùng gắn cái lồng cầu quay số chạy bán kẹo kéo. Nó đang làm ăn ngon lành tự nhiên mắc vạ vợ chồng thằng Út ghe soi. Cặp này hơi ba lơn, mới cưới nhau có mấy tháng mà cứ lục đục, gây lộn miết. Ngặt là cứ dè ngay giấc nhóm chợ lúc gần sáng, hai vợ chồng vừa vớt cá dưới ghe lên vừa chửi nhau om sòm, chuyện “hồi hôm trong mùng” cũng lôi ra tuốt luột.... Lần đó, vợ nó rút dao phay cái rẻng nghe ớn lạnh: “Mầy ở với tao đã đời rồi tính thôi đi lấy con khác há mầy! Muốn dzậy mầy phải thền y cũ lại cho tao, không tao chặt của mày như chặt đầu cá lóc, tao liệng!” Thằng Út tỉnh bơ: “Ơ! Mày lủng thì mơi tao dắt mày lại thằng Tèo Anh cho nó vá ép lại cái một là xong ngay!” Cả chợ cười rùm. Đó, bàn đi mấy cha mấy mẹ!

Câu chuyện thền trinh làm các bà cười ré lên, cười rũ rượi, cười chảy nước mắt. Cười xong mọi người quên phứt chuyện bàn đề, quay sang chuyện “thời sự” nóng hổi.
Thằng Ba Lùn con Chín Hẻo lâu nay than nghèo không tiền cưới vợ. Nó chạy ghe mướn cho người ta, vậy mà hên, mới vớt được một đứa con gái. Mà gái đẹp hết hồn luôn mới lạ. Hôm rày thấy con nhỏ còn mắc cỡ, núp núp ló ló chưa ra khỏi ngõ... Tội nghiệp, nó có mỗi bộ đồ dính da, dép giày không có, giò cẳng trắng nõn mà thấy đi chân đất với mang đôi dép tổ ong cũ mèm vàng khè muốn đứt ruột!

Chuyện là dzầy. Cặp bờ kinh Cổ Cò mút dưới tí tè có cái khu kêu bằng trại phục hồi nhân phẩm nhân phiếc chi chi đó. Gái lỡ lầm “hư hỏng” đâu đâu đều được đưa về đó đặng “phục hồi”. Người thì đông, vậy mà cái máy bơm nước của trại bị hư nặng phải chờ thợ sửa. Liên tục mấy ngày trời nóng nực mà cả gần trăm trại viên không giọt nước tắm, chị em bức bối nổi lên la ó om sòm. Trại phải giải quyết bằng cách cho mấy em xuống kinh tắm, nhưng mỗi đợt chỉ được mười người dưới sự dẫn dắt của một anh áo xanh băng đỏ. Anh quản giáo đứng canh  trên bờ chỉ có cái tu huýt với cây dùi cui ngắn ngủn. Bỗng giọng mấy em đồng thanh “Cán bộ ơi, thông cảm cho tụi em… cởi áo nghe cán bộ! Tắm dzầy không mát không mẻ gì cả!”... Anh quản giáo thổi “roét roét” giơ thẳng dùi cui, hét: “Không được không được, yêu cầu nghiêm chỉnh! Ai cố tình vi phạm, kỉ luật nặng! “Roét roét”! Rõ chưa!” “Gì dzữ dzậy cán bộ, thì cán bộ cứ quay mặt chỗ khác chút thôi, có gì đâu!... Ơ!… Một hai b… a!” Nhưng, không phải cởi áo mà… hụp xuống, lặn! Mất tiêu bốn em. Con kinh hẹp té mà mấy em toàn dân sông nước từ nhỏ, chỉ cần một hơi nổi lên là tới bờ bên kia. Nghe tiếng la, thêm hai ba anh từ trong trại nhào ra hỗ trợ. Lớp nắm mấy em còn lại lôi vô trại, lớp phóng dọc bờ rượt theo… Ghe của thằng Ba Lùn trời xui đất khiến sao đó mà lại ở đúng khúc kinh có con nhỏ đang lặn. Khi hết hơi, con nhỏ nổi lên sát bên lườn ghe vừa trờ tới. Thằng Ba Lùn nắm tay kéo lên rồi kéo ga cho ghe vọt thiệt lẹ, không ai thấy cả. Sau ghe Ba Lùn là tiếng còi “Roét roét! Roét roét!...” rồi có cả tiếng súng đuổi theo mấy em vừa leo lên bờ ướt như chuột lột, đang chạy cời cời giữa ruộng dưa hấu…


Chị Tư Sa vỗ đùi cái đét: “Ái chà, cái trại này là tui biết rồi mấy mẹ ơi! Hồi gần tết năm ngoái, tui với ông nhà tui chạy ghe đi mua bông bán tết. Tấp vô cái bãi bồi trồng cúc với với vạn thọ vàng rực, thấy đâu hơn chục cô lớp trùm khăn lớp đội mũ đang lúp xúp bên mấy đám bông. Kế đó cũng hai anh áo xanh đội nón kết xanh cầm dùi cui đi lui đi tới. Mới biết, té ra là trại viên của trại phục hồi đi lao động tăng gia. Tui liếc dòm tướng tá mặt mũi một lượt rồi kề tai nhà tui nói nhỏ: Con cái nhà ai toàn đẹp gái hết biết dzậy trời! Chồng tui bảo: Ủa, em nói nghe lạ, có con gái nào xấu hoắc mà đi làm cái nghề này, đặng chết đói rã họng à! Chồng tui hỏi mua đám bông, kì kèo qua lại với anh áo xanh rồi có giọng mấy cô cười nói xen vô: Trả thêm kha khá chút, giúp tụi em có tí bánh mứt ăn tết anh chị ơi!... Tụi em đang khổ quá trời! Xong giá, mấy cổ xúm phụ tui nhổ bông. Một cô sà tới vừa nhổ vừa xổ bầu tâm sự: Ước chi mơi mốt này tụi em được như chị dzầy!... Kiếm được anh chồng, xấu xí, nghèo khổ tệ cũng được!... Vợ chồng chèo chống hủ hỉ tối ngày với nhau, chắc dzui lắm chị há?!... Em vô đây lần thứ hai nè chị. Quê em tuốt dưới Cái Răng lận. Mùa nước rồi em trốn trại một lần, tởn thấy ông bà ông vải! Chiều bữa đó ăn cơm xong giấc gần chạng vạng, tự nhiên bụng em đau nhào nhào như ai nắm ruột mà kéo. Đau thiệt tình chớ không giả bộ nghe. Chị em xúm lại xoa dầu cạo gió một hồi không thấy bớt mới chạy báo quản trại. Hai anh xóc lên hon-đa đưa trạm xá. Vô chai nước biển với chích mấy mũi thuốc thấy êm êm. Hai ảnh đi lui đi tới canh trước cửa phòng. Em xin đi vệ sinh, cô y tá chỉ tuốt đằng sau. Nhà vệ sinh với đám đất trống gần đường lộ cách cái hàng rào thấp tè. Em nảy ngay ý định, dzậy là phóng!... Em chạy lúp xúp chừng mười lăm phút ngoái lại không nghe động tĩnh gì. Thoát rồi! Em cứ vừa đi vừa chạy, chẳng biết đường sá phương hướng gì. Chạy đứt hơi ngồi nghỉ chút. Rồi lại chạy… Trời tối mù tối mịt. Chạy mãi, chạy mãi… Rồi em thấy từ đằng xa có ánh đèn, em mừng run. Chạy từ tối giờ mệt đừ, khát khô cổ họng, định bụng gặp ai đó ghé xin nước uống. Tới gần thấy trước có tấm bảng Ban nhân dân ấp, bên trong thấy bóng bốn năm anh dân quân làng lính chi đó ở trần đang ngồi nhậu... Một ánh đèn pin lia ra: Ai đó? Đứng lại! Đi đâu giờ này?! Em giựt bắn mình và… tỉnh, thấy mình ở trần ở truồng nằm trên tấm nilon trải giữa cỏ với nước xâm xấp, bộ quần áo đắp hờ trên người. Mình mẩy đau ê ẩm như bị ai giần, mềm như cọng bún. Em cố ngóc đầu dậy, hoảng hồn thấy mình đang nằm trên cái gò nổi, xung quanh nước linh binh là nước…”

Vợ Sáu Mót trại vịt xen vô: “Thì cha Tư hột vịt cái bận lùa vịt chạy đồng xuống miệt đó nửa đêm cũng vớ được một em giống dzậy. Nghe chả guần con người ta cả đêm, có tiền bạc khỉ gì! Sáng dậy chả đếm năm chục hột vịt bỏ trong giỏ đệm nói qua tặng em luộc ăn chơi, bồi dưỡng! Rồi chả lùa con người ta đi không kịp. Hơ hơ, năm chục hột vịt có bốn lăm ngàn, rẻ thúi như cá linh tháng mười. Giờ mới chết danh Tư hột vịt luôn đó!... Nè, con nhỏ thằng Ba Lùn vớt được dzậy là phước ba đời rồi nghe!”...

 “Thôi nghe bà con, ngưng nghe, chuyện này không bàn nữa! Tội nghiệp con người ta…” Tư kháng chiến bất ngờ nạt ngang. Xong anh ngồi thần, hồi lâu mới cất giọng bùi ngùi: “Cũng tại cái thời buổi nó sinh ra cả... Như tui đây nè, lỡ dzui dzẻ có một lần mà giờ mang tiếng cả đời. Nhưng tui chấp nhận, vì mình từ cái lành đi kiếm cái hư. Còn nó là từ chỗ lỡ lầm tới nơi tử tế. Con nhỏ trước sau rồi cũng thành dâu làng mình. Giờ tui tính dzầy, chiều nay tui vô gặp Chín Hẻo coi sao. Tội nghiệp chả, vợ góa con côi, được mình thằng Ba Lùn đó, nội ngoại chẳng còn mấy ai. Tối nay tui kéo chả ra uống cà phê, rồi hỏi thăm coi quê quán gốc gác con nhỏ ở đâu… Ông bà mình bày rồi, nghèo khó thì miếng trầu chén rượu, với cặp vịt cũng xong.”
 
*
*    *
Sáng đó anh Tư kháng chiến báo cho cha con Chín Hẻo và đầy đủ những gương mặt thân thích tới quán của mình. Anh đưa ra bàn chuyện cưới vợ cho thằng Ba Lùn rồi hứa chắc như đinh đóng cột trước mọi người: “Tui cho mượn một đôi bông một chỉ vàng 18k với ba triệu tiền bỏ quả, chừng nào tụi nó mần ăn khá hãy trả, không thời hạn!” Sáu Nhàn lúa non cao hứng: “Tui ủng hộ một triệu với bốn mâm quả, trà rượu bánh trái!” Trưởng ấp Năm Xệ giơ tay: “Tui bao trọn chi phí thuê tắc ráng đi về!... Cũng nhân tiện đây, với... góc độ tình nghĩa trong địa phương, tui kính mời các thầy giáo nhín chút thì giờ quý báu, tham dự đi họ nhà trai cho có phần... long trọng!” Tới Tư hột vịt: “Tui ủng hộ năm cặp vịt mần đám!” Sáu Mót vỗ bàn: “Tui năm cặp với một trăm hột vịt!”.... Vợ Tư hột vịt đứng dậy vung tay: “Tui cho cô dâu năm xấp vải may đồ bộ!” Vợ Sáu Mót không chịu thua: “Tui tặng một bộ mùng mền chiếu gối cưới!” Mấy thầy giáo lên tiếng sau cùng: “Chúng tôi ủng hộ toàn bộ phần trang trí phông màn rạp cưới và chương trình văn nghệ!”
Tiếng vỗ tay ran dậy...

Vậy là chỉ vài ngày sau, chiếc tắc ráng vỏ lãi sơn vàng xanh đỏ có cắm lá cờ trước mũi, xé nước sông Hậu lướt băng băng hướng Cần Thơ. Tới đầu vàm Ô Môn, tắc ráng bên nhà gái đã chủ động ra đón từ trước. Trưởng ấp Năm Xệ kiêm đại diện nhà trai mặc sơ mi trắng khoác áo sĩ quan đứng trước mũi, niềm nở với qua bắt tay đại diện họ nhà gái. Tư kháng chiến cũng hớn hở ôm vai siết tay người nhà cô dâu, hỏi han chuyện trò rôm rả… Nghe đâu bên gia đình sui gái toàn dân kháng chiến, cách mạng nằm vùng thứ thiệt...  
 
Tháng 8/2015
D.Đ.K
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)