Những người cùng làng

Thứ Tư, 30/09/2015 09:05
. PHẠM HỮU HOÀNG

Họ là nhóm bằng hữu ba người ở làng Nam Hạ: Nguyễn Nhân, Lê Trung và Tần Thanh. Nguyễn Nhân là người điềm đạm, cởi mở, sống hào phóng, trọng nghĩa khinh tài, thích giao du kết bạn. Lê Trung khẳng khái, thẳng thắn, bộc trực, song thân đã qua đời, chàng được thừa hưởng gia sản đủ sống ung dung một đời. Tần Thanh con nhà hào phú, kín đáo, kiệm lời. Họ chơi với nhau từ lúc tóc còn để chỏm cho đến tuổi trưởng thành, lúc rảnh rỗi thường ngồi lại trao đổi chuyện văn chương thi phú hoặc bàn luận về nhân tình thế sự, có khi thâu đêm suốt sáng. Nguyên tiêu năm ấy, Nguyễn Nhân bày tiệc rượu mời nhóm bằng hữu đến dự. Bữa tiệc có cả Huệ Như, vợ của Lê Trung. Huệ Như quê ở làng Nam Thượng, nhan sắc nức tiếng cả vùng.

Qua mấy tuần rượu, men dường như đã nồng, Nguyễn Nhân nói:
- Vận nước nghiêng ngả, giặc Tây ngang ngược cướp nước, xâm chiếm hết Nam kì rồi lại Bắc kì. Triều đình nhu nhược, lòng dân bức xúc nhưng anh em ta biết làm gì để rửa mối hờn căm?
Lê Trung mặt đỏ gay gắt:
- Nghĩ mà nhục! Cứ đánh cho chúng biết tay người Việt. Thì đấy, trong Nam, ông Trương Định, Nguyễn Trung Trực đã đánh cho chúng thất điên bát đảo. Ngoài Bắc, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu quyết giữ thành Hà Nội gây cho chúng bao nhiêu tổn thất. Thành mất, các vị ấy tuẫn tiết theo thành, chết cũng lưu danh muôn thuở. Còn hơn sống mà kéo lê kiếp tôi đòi hèn đớn.

Huệ Như nhíu mày, kéo tay áo chồng:
- Kìa, chàng nói khẽ thôi. Tai vách mạch rừng, người ta nghe được thì phiền lụy lắm.
Lê Trung nhìn vợ:
- Nàng quá lo rồi. Ở đây toàn tri kỉ, ta sợ gì mà không dám dốc ruột gan mình.
Tần Thanh liếc nhìn Huệ Như:
- Chúng tôi tình như thủ túc, hiểu nhau thấu đến tâm can, không việc gì phải e sợ.
Mọi người lại nói chuyện vui vẻ, chủ nhà nâng ly rượu rồi cất tiếng:
- Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu/ Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi? Trượng phu ra sa trường vì nước mấy người còn quay về. Hôm nay ở bên nhau, ta say một bữa. Sau này, mỗi người một ngả, hãy nhớ về nhau.

Thêm mấy tuần rượu, Huệ Như xin phép về trước. Nàng ngài ngại khi lần nữa bắt gặp ánh mắt của Tần Thanh nhìn theo mình.
Lê Trung nâng ly rượu:
- Thù nước ắt phải trả, nhưng nợ bút nghiên tất cũng phải lo. Nay vua sắp mở khoa thi, chúng ta phải cố công đèn sách chờ ngày ứng thí, mong được đỗ đạt, trước làm rạng rỡ tông đường, sau dốc tài sức ra giúp nước để khỏi thẹn mặt nam nhi.
Đêm đã khuya, ai nấy đều chuếnh choáng. Ngoài trời trăng sáng nhấp nhóa một vùng...
*
*     *
Khoa thi Hương năm Ất Dậu (1885) diễn ra tại trường thi Bình Định. Sĩ tử vừa thi xong trường ba (thi thơ phú) chuẩn bị thi trường tư (thi văn sách) thì tin dữ truyền tới, kinh thành Huế rơi vào tay giặc, vua Hàm Nghi xuất bôn. Các sĩ tử chán nản không còn chuyên tâm vào chuyện thi cử. Nguyễn Nhân gọi Lê Trung và Tần Thanh ra một góc bàn bạc:
- Kinh thành đã mất. Nhà vua phải bỏ tôn miếu mà đi. Nỗi nhục vong quốc biết lấy gì mà rửa. Việc thi cử chẳng còn ý nghĩa nữa. Chi bằng chúng ta sớm trở về mà lo báo đền nợ nước.
 Nguyễn Nhân và Lê Trung bỏ trường thi. Tần Thanh trước còn ngần ngừ, sau nhắn lại với hai bạn đồng môn rằng: “Các bạn có chí của các bạn, tôi có chí của tôi, đường ai nấy đi không cản trở gì nhau”.  
*
*     *
Vua Hàm Nghi xuống dụ Cần Vương kêu gọi sĩ phu cả nước đứng lên đánh Tây. Hưởng ứng chiếu Cần Vương, nguyên tổng đốc Bình Định là Đào Doãn Địch cùng các văn thân truyền hịch kêu gọi dân chúng ứng nghĩa. Nguyễn Nhân và Lê Trung cũng tập hợp được một số trai tráng trong làng tham gia nghĩa quân. Đúng ngày hẹn, các nghĩa sĩ đến đông đủ. Huệ Như đã chuẩn bị xong hành trang cho chồng, Lê Trung nai nịt gọn gàng, kiếm giắt bên hông, nhìn người vợ trẻ tựa cửa, chàng bảo:
- Kẻ sĩ sinh ra thời loạn lấy việc nước làm trọng. Nay nghĩa nước tình nhà không thể vẹn đôi đường. Giặc hiểm ác, lòng dạ xấu xa. Ta đi chuyến này quyết sống chết với chúng, báo thù cho nước, nàng ở nhà cứ vững dạ chờ ta.
Huệ Như nhìn chồng:
- Chàng đi thực hiện bổn phận của kẻ làm trai, em nào dám nói gì. Song ở nơi lằn tên mũi đạn, chàng hãy bảo trọng. Trăng khuyết rồi lại tròn, em mong chàng được bình yên trở về, để phu thê có ngày đoàn tụ.
Huệ Như cứ nhìn trông theo bóng chồng đến khi người khuất hẳn.
 
*
*     *
Tần Thanh ở lại trường thi, đỗ cử nhân. Vị tân khoa áo mão xênh xang cờ lọng, võng giá vinh quy bái tổ, ít hôm sau lại mở tiệc linh đình, mời xóm làng, quyến thuộc gần xa tới dự. Các bậc thức giả cao niên thấy thế bảo nhau:
- Nước mất, nhà vua bôn tẩu. Người người ứng nghĩa Cần Vương đánh giặc cứu nước, chết chẳng tiếc thân. Vậy mà ở đây say sưa yến tiệc, chúc tụng tưng bừng. Thật xấu hổ cho kẻ đọc sách thánh hiền mà không nhớ câu: “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”.
Lời ấy tới tai Tần Thanh. Vị tân khoa cười khẩy nói với bọn người thân tín:
- Mấy lão hủ nho một đời không ra khỏi lũy tre, như cội cây đã tàn, biết gì thế cuộc mà luận bàn xằng bậy. Người Tây sức mạnh khôn lường. Chiến thuyền, đại pháo hàng hàng lớp lớp, khí thế ngất trời, lấy gì địch nổi? Mấy lão ấy mà nhìn tận mắt thì khiếp vía, kinh hồn, hết dám khua môi múa mép. Chim khôn phải biết chọn cây mà đậu, người khôn phải biết chọn chúa để thờ. Ta đã có chủ đích của mình. Hơi đâu mà chấp những lời nhảm nhí vu vơ đó.
*
*     *
Năm 1886, triều vua Đồng Khánh, Tần Thanh tham chính, được triều đình ban hàm chánh thất phẩm, bổ nhiệm chức huyện thừa giúp việc cho tri huyện Tuy Viễn. Hoạn lộ rộng mở nhưng mỗi khi nói đến chuyện gia thất, gương mặt Tần Thanh lại đăm chiêu. Về chuyện tình duyên, Tần Thanh có nỗi khổ riêng vì đã thầm đắm đuối Huệ Như, nhưng người ấy lại là vợ của thân hữu, bao điều khó nói. Làm không khéo dễ mang tiếng bất nghĩa, bất nhân nhưng sóng mắt khuynh thành, nụ cười e ấp, dáng vẻ thướt tha yêu kiều của người con gái trong bữa tiệc năm xưa vẫn làm Tần Thanh ngày đêm tơ tưởng...

Một hôm, nhận công văn trát về, quan tri huyện gọi Tần Thanh vào phòng bảo:
 - Ta vẫn tin ông là tôi trung của triều đình nhưng có chuyện này muốn hỏi, ông hãy tỏ bày thành thực.
Tần Thanh giật mình:
 - Bẩm, tôi không dám giấu nửa lời.
Quan tri huyện lạnh lùng:
 - Trước kia, ông là tri kỉ của hai tên Nguyễn Nhân và Lê Trung phải không?
Vừa nghe nhắc đến tên hai người ấy, Tần Thanh toát mồ hôi:
 - Bẩm, vâng! Nhưng từ lâu, tôi với hai người ấy không còn quan hệ gì nữa.

Quan tri huyện hạ giọng:
 -  Ta cũng biết như thế nhưng nói cho ông hay, từ khi Đào Doãn Địch chết, Mai Xuân Thưởng được loạn đảng tôn làm nguyên soái. Dưới trướng hắn có hai tên Nguyễn Nhân và Lê Trung phò tá rất đắc lực, đã gây nhiều tổn thất cho quan binh triều đình, lại lôi kéo đám tráng đinh gia nhập đồng đảng. Quan binh nhiều lần truy bắt nhưng không được. Huyện ta cũng nằm trong vùng quấy nhiễu của chúng. Điều này khiến ta ăn không ngon, ngủ không yên. Ông từng có giao tình sâu đậm với bọn ấy, nay nên tìm cách dụ chúng về hàng, hoặc trừ khử đi, công sẽ không nhỏ đâu.  

Trời còn sáng mà mắt Tần Thanh tối sầm, lòng đầy lo lắng. Làm thế nào khu xử với hai kẻ vốn là bằng hữu trước đây, ra tay bạo tàn thì mang tiếng bất nhân, bất nghĩa mà để chúng yên thì quan trên không tha cho. Ra khỏi nha môn, Tần Thanh chợt thấy viên đề lại chờ sẵn bên đường. Thấy nét mặt rầu rầu của quan huyện thừa, viên đề lại mời bề trên ghé tửu điếm uống rượu. Sẵn có tâm trạng, Tần Thanh uống liền mấy chung, khi men đã bốc lên, viên đề lại hỏi:
- Khi nãy thấy mặt ngài tư lự, phải chăng ngài có nỗi niềm gì?
Tần Thanh nhìn quanh thấy không có ai liền thổ lộ:
- Quả thật, tôi đang có chuyện khó xử. Ông là chỗ thân tín tôi không dám giấu...
Hai người nhỏ to bàn bạc một hồi. Tần Thanh tự xiết chặt tay mình lẩm bẩm: “Quả là nhất cử lưỡng tiện.”
*
*     *
Huệ Như ngồi thêu bên khung cửa. Tiết lập đông, khí trời lạnh lẽo, mưa bay bay. Nàng nhìn qua cửa, bầu trời ảm đạm, những đám mây xám xịt giăng giăng đến tận đỉnh núi mờ xa. Giờ này không biết chàng ở đâu? Làm sao san sẻ cho chàng những vất vả, gian lao nơi mịt mờ sương khói? Làm sao gửi áo ấm cho chàng mặc qua đêm lạnh giá nơi góc núi đầu non? Chàng có biết em mong đợi chàng từng ngày không? Mỗi khi nàng chợp mắt, hình ảnh người chồng lại hiện ra. Giọng nói ấm áp, tiếng cười rộn rã của chàng. Những ái ân vợ chồng đầy ắp yêu thương... Gần đây, lại nghe tin nghĩa quân bại trận càng làm nàng thấp thỏm không yên, không biết phận số chàng ra sao, lòng nàng rối như tơ vò...

images Bỗng có tiếng ồn ào ngoài cửa, một tốp lính lệ ập vào nhà. Huệ Như đứng dậy, run run hỏi:
 - Các ông định làm gì?
Viên đề lại đủng đỉnh bước vào, chỉ mặt nàng:
 -  Chúng tao đến bắt mày về trị tội.
 - Tôi có tội gì?
 - Chồng làm giặc, vợ không thể không liên can. Trói lại! Giải đi ngay!
*
*     *
Huệ Như bị giam vào nhà ngục huyện đường. Nàng chưa bị xét hỏi nhưng phải sống giữa bốn bức tường chật chội, ngủ trên nền nhà lạnh cóng. Ban ngày, các tội nhân bị đánh đập khảo tra. Ban đêm u ám, chỉ có chút ánh sáng leo lét từ ngọn đèn chỗ bọn gác ngục. Đến tối ngày thứ tư, một tên cai ngục đến mở cửa, một người bước vào. Dưới ánh sáng nhập nhoạng, nàng nhận ra người bạn cũ của chồng. “Tần Thanh!” nàng buột miệng kêu.

Tần Thanh cầm lấy tay nàng tự nhiên như đã thân quen từ lâu:
 - Về Nam Hạ, nghe tin nàng bị bắt, ta tức tốc tới đây. Tội nghiệp cho nàng. Thân gái mảnh mai mà phải chịu khổ sở.
Huệ Như rút ngay tay lại.
- Liệu ân nhân có thể giúp tôi điều gì?
Quan huyện thừa nhìn nàng:
- Nàng đã quên ta là ai rồi sao, Tần Thanh này không cứu được nàng thì sao xứng là bằng hữu của chồng nàng nữa. Giờ nàng hãy theo ta.

Huệ Như băn khoăn:
- Nhưng đi đâu bây giờ thưa ân nhân?
Tần Thanh bình thản:
- Ra khỏi nhà ngục này. Ta đã bảo lãnh cho nàng rồi, chuyện khác sẽ nói sau.
Tần Thanh đưa Huệ Như về tư dinh của mình gần huyện đường và giam lỏng nàng trong một phòng riêng ở nhà sau. Trước cửa luôn có lính đứng gác, bữa ăn có kẻ tâm phúc đem tới, không ai được tiếp xúc với nàng. Tần Thanh bàn với viên đề lại:
- Ta đã nói với cô ta rồi, Huệ Như vẫn một mực tin lời ta. Ta đã gửi thư cho Lê Trung. Hắn muốn cứu Huệ Như tất phải đến gặp ta. Ta biết tính hắn nóng nảy, sẽ bất chấp tính mạng về cứu. Chờ chúng xuất đầu lộ diện, ta sẽ đưa chúng vào bẫy. Đúng là một mũi tên trúng hai đích.
*
*     *
Quan huyện thừa bước phăm phăm vào phòng Huệ Như. Vừa thấy nàng, Tần Thanh nói ngay:
- Quan tri huyện đang tra xét đến những kẻ tiếp tay với giặc. Nàng là vợ Lê Trung, trợ tá cho thủ lĩnh của đám phản loạn nên có liên can. Ta đã mất nhiều tiền bạc bảo lãnh nhưng chúng vẫn không chịu buông. Chúng bắt nàng phải chịu tội, bây giờ biết làm sao đây?

Huệ Như cúi đầu im lặng, sau nàng nói khẽ:
- Tất cả trông chờ vào ân nhân thôi, tôi thân gái một mình biết xoay xở thế nào.
Tần Thanh mím môi, đăm chiêu:
- Ta nghĩ kĩ rồi. Chỉ còn một cách duy nhất may ra mới cứu được nàng.
Huệ Như mừng vội:
- Có cách nào, ân nhân cứ nói đi.
Tần Thanh lưỡng lự:
- Nói ra thì dễ mang tiếng bội nhân, bội nghĩa mà ta thì không muốn thế.

Huệ Như hồi hộp:
- Ân nhân cứ nói xem sao.
Tần Thanh lại mím môi:
- Nàng phải giả làm vợ ta thì mới xong, có thế chúng mới nể ta mà buông tha cho nàng.
Huệ Như nói ngay:
- Nhưng tôi là gái đã có chồng.

Tần Thanh trầm ngâm:
- Ta cũng biết việc này khiến nàng đau lòng, Lê Trung là bằng hữu của ta nhưng giờ hắn theo loạn đảng, không làm thế thì không cứu được nàng. Mà việc này chỉ là giả thôi, không phải thật, sau này Lê Trung về, nàng vẫn là vợ của hắn.
Huệ Như vẫn cương quyết:
- Nhưng như thế thì làm sao danh chính ngôn thuận, khi Lê Trung về tôi biết ăn nói với chàng ra sao. Thôi cứ để người ta xét xử tôi thế nào cũng được.
Tần Thanh quyết liệt:
- Không được. Lê Trung là bạn ta, nếu không bảo vệ được nàng thì ta biết ăn nói thế nào với hắn. Chuyện chính danh ta sẽ tự lo, nàng không phải băn khoăn, ta sẽ có cách để mọi việc êm thuận...
*
*     *
Nhận được thư của Tần Thanh, Lê Trung phừng phừng lửa hận:
- Tần Thanh! Mày đã tàn tệ, bội nghĩa đến thế sao. Tao thề phải tìm mày trả mối hận này mới được.
Lê Trung định đưa vài thủ hạ đi cứu vợ nhưng Nguyễn Nhân can lại:
- Đấy là kế của hắn, lẽ nào ta lại tin ngay. Trong dinh của hắn bố phòng cẩn mật, lính gác ngày đêm, đi lúc này để sa vào bẫy của hắn ư? Ta phải tương kế, tựu kế, chờ thời cơ thuận lợi. Chúng ta lấy đại nghĩa làm trọng, trước mắt còn nhiều việc phải làm, không thể vị tình riêng mà làm hỏng việc lớn, giờ lên viết thư trả lời hắn thế này...
 
*
*     *
Tần Thanh tổ chức đại tiệc, mừng được triều đình xét công lao thăng hàm tòng lục phẩm, bổ nhiệm chức tri huyện, sắp tới sẽ lãnh chỉ đi trấn nhậm. Niềm vui nhân đôi bởi tân tri huyện sắp có được Huệ Như. Theo mưu kế giả thật, thật giả, đến nước cùng, Huệ Như sẽ phải chịu thành thân.
Buổi tiệc diễn ra từ chiều. Thực khách đông đảo, ăn uống, cười nói huyên náo. Huệ Như trang điểm lộng lẫy, rót rượu mời Tần Thanh hết ly này đến ly khác mừng tân quan và cũng đến ngày nàng phải thành thân như lời hứa.

 Khi khách về hết, tư dinh đóng lại. Trăng hạ tuần chênh chếch phía trời tây. Tần Thanh ngất ngưởng bước vào phòng của Huệ Như nhưng dường như vì rượu ngon quá chén mà không thực hiện được ý định ban đầu. Bên ngoài, một toán người nai nịt gọn gàng mang theo khí giới lặng lẽ áp sát dinh quan tri huyện, có người bên trong nhón chân ra mở cửa... Ám hiệu phát ra, quân bên ngoài nhất loạt xông vào. Đám gia nhân sau một ngày phục dịch mệt mỏi ngủ như chết, bọn lính canh cũng say mèm. Toán nghĩa binh khống chế, trói gô hết lại. Nguyễn Nhân và Lê Trung dẫn theo mấy cao thủ thân tín đi tìm quan tri huyện.

Tần Thanh bị trói vào cột, vẫn còn say bí tỉ, miệng lèm bèm:
- Đứa nào dám trói quan huyện, chúng bay không muốn sống à?
Một ngọn đuốc lớn soi vào mặt.
- Tần Thanh, không nhận ra bạn cũ sao, không ngờ chúng ta lại có ngày hội ngộ ở đây.
Tần Thanh giật mình mở mắt, người cao lớn đang đứng trước mặt là Lê Trung, người con gái bên cạnh là Huệ Như. Sao lại như thế được?
Tiếng Huệ Như đanh thép:
- Ngươi là bạn mà bất nhân, bất nghĩa, lại muốn chiếm đoạt vợ của bạn, trên đời có ai như thế không? May mà ta không mắc mưu của ngươi.

Tần Thanh trợn mắt nhìn, vẫn là nàng, cứ tưởng nàng đã yên lòng quy thuận chờ đến ngày thành thân, không ngờ chỉ là kế hoãn binh. Làm đến chức tri huyện mà còn bị con đàn bà nó lừa, nhục quá!
 Nguyễn Nhân từ sau bước tới, trỏ kiếm vào người bạn cũ, thấy hắn toát mồ hôi, mặt tái mét, giọng chàng bình thản:
- Tần Thanh! Ngươi đã nhận ra sự việc rồi và cũng biết chúng ta là ai. Chỉ tiếc ngươi đã quên cái nghĩa vườn đào lâu rồi. Một kẻ hèn nhát như ngươi, giết cũng bẩn tay, ta tha cái mạng hèn cho ngươi coi như trả xong cái nghĩa năm xưa, cũng để cho triều đình biết rằng nghĩa quân không phải đảng ác. Kẻ thù của bọn ta là bọn Phú lang sa kia.
Ám hiệu lại phát ra, các nghĩa binh rút êm. Sáng sớm, bọn gia nhân tự cởi được dây trói, kéo vào phòng cứu quan tri huyện. Tần Thanh miệng méo xệch, gò má giật giật, miệng rít lên những âm thanh sắc lạnh như tiếng loài thú dữ nhưng vừa ra đến cửa đã ôm ngực, khuỵu chân, đổ ập người xuống... 
*
*    *
Nguyễn Nhân, Lê Trung, Huệ Như và toán nghĩa binh cắm cúi đi miết về phía đại ngàn. Đi cạnh người vợ yêu, Lê Trung bảo:
- May là nàng khôn ngoan đã đánh lừa được hắn chứ không thì biết mọi việc sẽ thế nào.
Huệ Như âu yếm nhìn chồng:
- Chàng nói sao lạ vậy, thấy nhục mà không phản kháng thì đâu là người nữa. Chàng đã quên mình vì nước, em dám đâu yếu hèn mà quên tiết nghĩa.
Lê Trung âu yếm lau mấy giọt mồ hôi lấm tấm trên vầng trán vợ. Nàng quay đầu nhìn lại. Chân trời đằng đông dần ửng hồng. Một ngày mới đang bắt đầu...
P.H.H
 
 
 
 
 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)