|
Tác giả Viễn Sơn |
Ngày đó tôi công tác ở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn, Quân khu I. Mùa hè năm 1998, sau hơn hai tháng học tập tại lớp Viết văn Quân đội khóa 1 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức, dưới sự hướng dẫn của nhà thơ Trần Đăng Khoa, chúng tôi đi thực tế tại một số đồn biên phòng thuộc tỉnh Lào Cai. Trở về, tôi “nộp quyển” bằng bài thơ Ruộng bậc thang tháng sáu. Tuy nhiên, không rõ lí do gì, hôm họp Ban tổ chức lớp về, gặp tôi, anh Nguyễn Xuân Trường - đại diện Báo Quân đội nhân dân tại Cần Thơ, khi đó làm lớp trưởng, lại bảo: “Ban tổ chức lớp nêu ý kiến về cái anh gì ở Quân khu I vẫn chưa thấy nộp bài, chú xem thế nào nhé!...”
Bần thần cả người, tôi quyết định viết truyện ngắn để nộp. Và Đêm ba canh đã ra đời.
. VIỄN SƠN
Đêm rút lên ngọn cây những bóng quái rợn chập chùng. Ánh sáng lân tinh của nấm độc, của ẩm mốc, của côn trùng phát tiết, thoắt ẩn, thoắt hiện như từng tiếng khóc âm u, gợn dựng. Tiếng sột soạt thảng hoặc của những con thú ăn đêm nhói lên như tiếng gậy vụt gió - đuổi vào tiếng bước chân thậm thạp, vấp váp của một con người.
Run lên, lặng đi và hào hển, ực nghẹn giữa đêm sơn cước mênh mông - con người ấy đang địu trên lưng một con người bé bỏng thiêm thiếp, lả đi dưới búi tóc dày.
Một tiếng súng chóa lên ở khoảng rừng kề bên - bóp ngoáo lấy tiếng bước chân! Crụp! Hai đầu gối của người đàn bà khuỵu xuống vạt cỏ. Giữa bầu im lặng vừa đặc lại - một tiếng kêu ngợp trong mũi và nước mắt run rợn loang lên:
- Cư... u... ứu... cứu tôi với!
Tiếng kêu vang lên một lần nữa, một lần nữa!
Thời khắc trôi đi, ánh đèn săn tròn như mắt thú chập chờn tiến lại cùng tiếng chân rõ dần. Càng gần, tiếng giày vải càng chắc nịch. Ánh đèn săn chụm thẳng như một cây gậy ánh sáng gạt vào màn đêm - thấp thoáng phía bên phải là hai nòng súng săn mười hai li - ánh ven đầu nòng tròn trô trố, soi ra cái nhìn đen thom thỏm.
Ánh đèn dừng lại, khẩu súng hạ xuống khỏi vùng sáng. Chiếc đèn thoáng rùng mình trước đôi mắt người bắt đèn vàng lên lè lè. Cửa đèn bật mở. Lọc trong ô vuông ánh sáng là người đàn bà đang quỳ trên đất. Sau những sợi tóc lõa xõa - cặp mắt van lơn nhòe nhoẹt khẽ sờ soạng tìm một bóng tiếng nói sau cái đèn. Đôi tay lặng im, căng thẳng chống ra phía trước kẹp lấy chiếc túi vải hoa treo trên ngực. Tiếng ức ực dò dẫm vọng qua mũi như níu bám, như đánh hơi hoàn cảnh. Cặp nòng súng lại ánh lên đi qua khoảng sáng đèn. Chiếc đèn chao đi theo cử động khoác súng, mở thêm về phía người thợ săn một khoảng sáng. Đong đưa dưới ánh đèn - một vạt lông lá đẫm máu giật may máy. Mùi máu tươi nồng nống, ập ụa. Người đàn bà ọe một tiếng, hai tay đan vào trước ngực - nức nở ực lên một tiếng: “Khô... ông” rồi đổ sập xuống. Ánh thép loáng lên trên búi tóc người đàn bà khi đứa bé trong địu theo đà xô ngoẹo lên. Người thợ săn chạy nhào tới nâng lấy đầu đứa bé. Một giọt máu tròn rịn ra trên trán nó. “Mẹ nó cài dao trên búi tóc”. Nhận biết giật mình ấy làm đôi tay người thợ săn thoăn thoắt trên hai mẹ con người đàn bà. Địu lên trước ngực mình cái đứa bé gái đang ngủ li bì như trúng độc, đầu ông nhoáng lên ngắn gọn: “Họ đang chạy trốn!” Nhận định này làm ngợp lên trong đầu người thợ săn mối nguy hiểm gần kề đâu đây!? Ông thổi phụt ngọn đèn.
Trong tiếng rền rĩ của côn trùng, có tiếng bước chân như cõng, như mang nặng đang loạt xoạt băng rừng.
Tiếng suối chảy, tiếng lội nước roát, roát là âm thanh đầu lọt vào tai trong trạng thái lắc lư hồi tỉnh và mùi vị đầu tiên người đàn bà nhận thấy là mùi mồ hôi đàn ông. Thảng thốt, rùng lên - người đàn bà toan nhảy phắt xuống, tay phải vung ngoặt về búi tóc. Phản xạ tức thời, người thợ săn trụ chân, tay siết lấy hai đùi người đàn bà, gằn lên:
- Tôi cất dao rồi, ngồi im. Ngã cả lũ bây giờ?
- Con tôi đâu?
- Đang ngủ, tay cô không thấy à?
Cho dù giọng nói khàn khàn pha chút thét lên đến lạ lùng nhưng tiếng của mình. “Trời ơi! Tiếng của mình!” Tay phải quờ ra trước ngực người thợ săn, cô gái sờ thấy mặt con mình. Nó ấm và thở. Nằm dọc cạnh nó là cách tay trái của cô được địu buộc vào với nó - để khi tỉnh dậy cô thấy ngay con mình, và sẽ không nhảy xuống được. Quên cả việc mình đang ngồi chồm chỗm trên lưng người lạ, nỗi mừng rỡ và cảm giác an toàn ào tới làm cô nghẹn ngào. Phục xuống lưng người thợ săn, cô bật khóc nức nở.
- Im đi! Thả tọt xuống suối bây giờ!
Tiếng khóc không im mà lại rộ lên như cười. Người thợ săn thở dài một tiếng rồi lần lần lên bờ.
- Xuống được rồi. Rút tay ra từ từ thôi không đau con bé!
- Vâng, ức... ức, tay em tê quá! Cho em bế nó.
- Rửa tay đi rồi bế. Khai quá! Sao nó không dậy?
- Nó uống thuốc ngủ rồi!
- Nhiều không? Ngủ lâu chưa?
- Ngủ một ngày rồi.
- Định giết nó à?
- Sợ nó khóc người ta nghe thấy.
- Ừ! Con hay bắt cóc đem đi bán?
- Con!
- Được rồi. Nhanh lên, phải đi thôi!
- Còn xa không?
- Nhanh lên!
Tay cầm cái gáo làm bằng thân cây bương, mải múc nước từ một chiếc chảo gang to đã mất một tai ra chậu gỗ. Người thợ săn hạ thấp đèn xuống soi cho cô gái rửa ráy rồi nhận xét: Da sần sùi đầy những vết muỗi đốt, mu tay xước xát, lòng bàn tay đầy nhựa cây nhưng ít chai tay, ngón thon, mặt trắng, đôi mắt khóc mà vẫn đẹp, còn trẻ, hôi hám, hốc hác và...
- Em xong rồi mà!
Người thợ săn khẽ giật mình, đổ nốt gáo nước xuống chậu.
- Đói hả?
Cô gái gật đầu.
- Sợ máu hả?
Rùng mình, mắt nhắm lại, cô gái đã trả lời.
- Ừ! Nếu là trốn từ bên kia dãy núi về là lạc đường rồi. Lạc nên bây giờ không phải lo nữa đâu. Người khoẻ, có gan, biết mở đường phải đi cả tuần, có khi còn không qua nổi. Thôi sợ máu thì lên trên nhà mà xem con bé thế nào. Nhóm bếp lên, bếp ở giữa sàn.
Câu nói dài, dài bằng một sự giải phóng. Cô gái vội vã leo lên cầu thang. Ngọn đuốc tẩm bằng nhựa cây cháy rùng rùng soi ấm lên trong nhà sàn. Sà xuống tấm phản trên góc sàn, cô nắm bóp sờ soạng khắp người con bé.
Lang thang, chui rúc, chìm trong khiếp đảm giữa rừng, cô đã không có để cho nó một giấc ngủ ngon lành. Giờ đây, trong nơi nương náu rờn rợn, quý giá, có được chỗ ngủ cho con, cô quên đi những lo sợ cho mình. Lặng ngắm nhìn con qua làn nước mắt, cánh mũi thổn thức, cô thấy mình đang nhai vội vàng chút bánh ngọt với thuốc ngủ mớm cho nó, mỗi khi bắt gặp dấu vết khác thường trong rừng. Lao xuống suối súc miệng sợ thuốc ngủ ngấm vào mình, cũng là lúc rửa ào ào cho nó. Gạo sống ăn với lá rừng. Gạo hết đã hai ngày, còn lá rừng chỉ một loại lá chua, gặp thì ăn, thì hái mang theo, không sợ bị ngộ độc. Mỗi bước chân đều có nước mắt. Nước mắt rát căng trên mặt, răng nghiến lại, bọt mép phì ra theo nhịp thở lúc bò lên sườn núi. Nỗi lo hãi của trốn chạy trước sự đòi trả giá đang vô hình đuổi theo phía sau làm nhủn cả chân tay. Địu con đằng trước để đuổi muỗi, địu phía sau để leo dốc, băng rừng, trèo cây tìm chỗ ngủ. Cái túi đựng sự sống đeo lâu đã nặng như treo đá...
Tất cả đã qua rồi - Trời ơi! Khủng khiếp quá, đầy đọa quá con gái ơi!
*
* *
Mùi thịt nướng khét bùi, thơm quằn quặn. Mỡ rụng xuống, khói bay lên xanh nhoáng nhoàng từng giọt trên than củi đỏ rực. Ngồi bó gối cạnh bếp, cô gái lặng lẽ nhìn con thú rừng được nướng mỗi lúc thêm vàng ruộm. Trên mặt cô, nước mắt lặng lẽ ánh lên như vết sên bò. Cũng lặng lẽ chừng ấy, cô lén nuốt xuống ừng ực nước bọt. Cô đói. Từng tế bào trong cô cũng đói.
Sau vùng khói mỡ và than là một khuôn mặt vuông, lởm chởm râu dưới cằm. Cái cằm bình thản, đôi mắt bình thản, đôi gò má gồ lên cũng im lặng như gỗ, chỉ có đôi tay xoay xoay đòn nướng thịt là bồn chồn. Ấm nước vần bên đống than bật reo. Đưa mắt nhìn qua trên con mồi nướng, ông thả giọng:
- Nước nóng rồi - lau người cho con bé đi! Nó mấy tuổi?
- Ba tuổi ạ!
- Ừ!
- Ô, ô... ô - Em không đứng dậy được!
- Tê chân hay chuột rút?
- Hình như cả tê chân cả chuột rút.
- Duỗi chân ra mà ngồi. Đói quá đấy mà! Tí nữa ăn xong rồi rửa cho nó!
Tiếng vẩy nước trên lá roạt, roạt - người thợ săn thậm thịch lên cầu thang. Bước tới nhìn chằm chặp vào cái mâm ghép bằng trúc vàng, ông sẵng lên:
- Đã bảo là ăn thịt thì nuốt nước, nhả bã cơ mà. Hai cái đùi cầy hương mà chỉ có một dúm bã thế này thôi à?
Đang lau rửa cho con bé trong máng gỗ lớn được khoét bằng nguyên cả một khúc thân cây, cô gái hoảng lên:
- Dạ, dạ! Lấy bã thịt để làm gì ạ?
- Để làm thuốc ngủ.
- Thật ạ?
- Thật cái con khỉ. Lang thang chui rúc, ăn toàn lá cây vớ vẩn. Bây giờ nuốt cả một đống cơm lam, hai cái đùi cầy, thì ngủ thế quái nào được!
Con bé tỉnh dậy từ lúc cô rửa mặt cho nó. Nước làm nó thích nhưng nó không nghịch. Nó đói. Tiếng nói to làm nó sợ, khóc lên è è, mắt nhớn nhác nhìn người lạ đang vặn trèo trẹo nắm lá cây. Từ nắm lá - những giọt nước xanh lẹt nhỏ xuống bát. Lau khô tay trong miếng vải chàm, ông làm lại những động tác đó với những thịt nạc to bằng ngón tay - vừa tước ra từ con cầy nướng.
Xốc đứa bé bên hông, cô vừa rung nhẹ, vừa nựng âu yếm. Nó vẫn khóc. Cô ru nó. Lời ru cất lên, tiếng con bé nhỏ đi. Nó lắng nghe âm thanh trong mịn cất lên từ miệng nó. Những lời ru đã biến mất bên nó trong rừng đại ngàn giờ đây trở về mệt mỏi và ngọt ngào. Người thợ săn lặng đi. Ông thấy sàn nhà như chao đưa nhè nhẹ, đẩy ông về miền lời ru thuở nào êm đềm đã xa tít tắp. Đêm u tịch, nếp nhà ấm lửa ru hời thổn thức vời lên trong ông bóng dáng quê nhà - vùng quê bát ngát cánh đồng.
Cái cò thôi lặn lội ầu ơ. Yên lặng. Bừng tỉnh!
Vẫn cái giọng nói khàn khàn pha một chút thé lên của người thợ săn, vậy mà một thoáng ngạc nhiên cho ngôi nhà, cho bếp lửa, cho những sợi thịt vặn như dây thừng nằm trên mâm, bởi những trìu mến mềm mại no đầy trong âm điệu:
- Cho nó ăn đi! Bát nước lá cho nó uống trước! Thuốc giải độc đấy! Bát nước thịt cho uống sau, rồi nhai ba miếng cơm mớm cho nó.
Ông đỏ mặt lên khi câu nói vừa dứt. Bàng hoàng ngạc nhiên với chính mình, ông ngoắt ra cửa.
- Ân nhân ơi! Ở lại với em!
Tiếng gọi đột ngột làm con bé giật mình khóc ré lên. Người thợ săn sững lại. Bụm tay ôm lấy miệng, cô hấp tấp sụp xuống bên mâm, ghé bát thuốc xanh lẹt vào miệng con bé trong tiếng người thợ săn lấp chấp:
- Ân nhân quái gì! Đi đâu được mà phải hét toáng lên. Đấy canh ba rồi. Nhanh còn đi ngủ!
- Sao ông biết là canh ba rồi?
- Chim rừng nó bảo!
*
* *
Không chịu nổi cái đau mỗi lúc một thêm ấm ách, những tiếng ợ, ọ trong cổ chẳng ích gì cho việc nằm nghiêng hay nằm ngửa mà hết đâu, cô ngồi thuỗn lưng ra trên phản:
- Sao ông không đi ngủ?
- Không phải hỏi! Dậy tắm đi. Tắm cho ngót bụng mà ngủ.
- Sợ lắm, em không dám ra ngoài!
- Ai bắt mà ra ngoài. Máng tắm góc nhà kia. Đủ nước rồi đấy!
- Không đâu!
- “Khô... ông đâu!”, thích một lúc nữa bụng nó vỡ ra hả?
Nhìn cô gật gật đầu, ông cầm quả bầu rượu rồi dượm đứng lên với cái giọng chẳng chiều ai bao giờ:
- Tôi ra ngoài, cài cửa lại mà pha nước tắm. Xong thì mở ra.
- Ôi, ôi! Ông ơi, em sợ lắm!
- Sợ quái gì?
- Em không biết!
- Bụng có đau không?
- Có!
Ông chưa từng chiều chuộng hay uy hiếp đàn bà bao giờ. Giúp đỡ họ, đây là lần đầu. Thật khó hiểu, vì ông chưa từng thử làm đàn bà lấy một lần, nhưng ông lại biết được cái khổ sở của người bị no dồn. Gục gặc đầu, ông ngồi xuống bên bếp:
- Được rồi, thế thì ngồi đấy mà nghe! Ở một mình trong rừng sợ quái gì xấu hổ mà không kể! Bảo là tắm mà phải lắm mồm thế này. Thật cả đời có một lần.
Nghiêng quả bầu khô đựng rượu rót một bát, tay loay hoay nướng những sợi thịt vặn như dây thừng - ông lặng yên tìm lối cho câu chuyện; rồi bật hỏi và tay chỉ lên từng phía vách gỗ:
- Biết cái gì kia không?
- Dạ có, cái võng dù ạ!
- Ừ, chốc nữa tôi sẽ căng qua đây để ngủ. Thế cái gì kia?
- Ba lô con cóc.
- Ừ! Một mẩu tuổi trẻ của tôi đấy! Thế còn kia?
- Bàn thờ. Thờ ai đấy ạ?
- Thờ ân nhân của tôi! Thế bên cạnh nó là cái gì?
- Cái mũ cối.
- Ừ!
Một hợp rượu lăn tròn xuống cần cổ - ông nhìn lửa bếp, tư lự:
- Ân nhân của tôi đã để lại cho tôi cái nghề và ngôi nhà giữa rừng này. Ông làm gác rừng. Ngày còn trẻ, trong một lần đi tuần rừng, ân nhân của tôi gặp trận mưa lớn dai dẳng. Lũ to nhốt ông mấy ngày trong một khe đá. Gác rừng nhưng ông lại là người dưới xuôi mới lên nên chưa thuộc hết được lá rừng. Biết mình ăn nhầm lá cây và bị ngộ độc - ông vội phát cành đánh dấu rồi dồn sức leo lên một chạc cây cao. Ba ngày sau đội kiểm lâm tìm thấy ông. Mất hai ngày để xuống tới bản - ông chỉ còn thoi thóp. Các già làng lắc đầu nhìn rồi nói nhỏ với nhau: “Cứu được người thì héo mất “cái con trai”. Có chữa không à?” “Có chứ!” Kể từ đó người ta gọi ông bằng cái tên “ông Héo”.
Trở thành người chẳng nguyên là đàn ông, cũng chẳng phải đàn bà, ông Héo đau đớn trở lại nơi đã gặp nạn rồi nhờ người dựng ngôi nhà này. Ông muốn sẽ không còn ai phải đi tuần xa như ông rồi nhỡ lại gặp nạn như ông. Mỗi tuần trăng, dưới bản lại cho người mang gạo, muối lên cho ông. Còn ông đau ốm hay cần gì thì đốt lên một đống lửa lớn, khói sẽ gọi người tới.
Rồi một hôm ông Héo gặp một anh lính, lính sao xanh đang nằm bất tỉnh bên suối. Đũng quần anh rách toạc, bê bết máu. Đau đớn làm anh ta mất phương hướng. Đói, mất máu, khát - anh ta đi tìm nước.
Trần truồng tỉnh dậy trong ngôi nhà này, chàng trai hai mươi tuổi khóc như trời sập. Thế là hết!
Không hỏi một câu nào vì nhìn vết thương xé đôi cái túi đựng hương đời đàn ông - giờ đây đang hoác ra, lép kẹp là ông biết anh lính này người miền xuôi. Người đồng rừng - không ai đứng dạng chân ra chặt một cái cây đứng thẳng bằng một nhát dao cả; nhất là những cây có dây leo bám um tùm trên ngọn.
Một tháng sau, ông Héo đưa anh lính về nơi đồn trú. Một tháng sau nữa, cùng chiếc ba lô - anh ta trở lại với ông.
Nhiều năm qua đi quá rồi; và mỗi năm, đúng ngày ấy, một con cầy hương bị giết; xạ hương tươi trong tinh hoàn của nó hòa thuốc sẽ giữ cho giọng nói của kẻ phế giới không bị ré lên như hoẵng kêu!
*
* *
Lặng yên, lặng yên như chưa có khiếp hãi gì xảy ra; như chưa từng có xấu hổ nào vừa biến mất. Lửa bếp lật phật lắc lư, ấm nước phụt hơi ra vòi theo kiểu chỉ còn một nửa nước trong bụng.
Hớp rượu đầy như đè lên, rửa đi dòng kí ức; người gác rừng rót bồi thêm vào cái hớp vừa vơi đi trong bát - bát rượu đầy như cũ.
- Lại canh bốn rồi, tắm đi! Ngày tắm suối, tối tắm máng gỗ, không có nhà tắm đâu. Mà xấu hổ quái gì!
- Vâ...âng...! Xấu hổ quái gì! Ôi, ôi em đau, tức quá!
*
* *
“Cái đói thật khốn nạn, nó làm cho mình ngu đi đến mức quên cả câu người ta vẫn nói là: Ăn cho vừa đủ để rồi cứ nuốt. Nuốt! Ừ mà ông ấy cho ăn hết cả con cầy thì có lẽ mình vẫn nuốt được. Khiếp quá đi mất! No thì ấm; no quá thì nóng bừng bừng, nóng không ngủ nổi. Nhưng dù sao cũng vẫn hơn là bị đói, bị rét. Đói cộng với rét còn khốn nạn hơn là địa ngục”.
Ngâm người trong máng tắm, cô chìm vào những suy nghĩ mông lung. Cảm giác như có ai nhìn trộm làm cô ngoắt đầu lại. Chẳng có ai! Chiếc võng dù im phắc, ông ấy ngủ rồi còn gì. Thả người trở lại - cảm giác kia bỗng lặp lại! Rùng mình, cô nhảy ra khỏi máng, lao vào góc tường giật cây đuốc xuống thắp bùng lên. Chẳng có ai cả! Nhà sàn chỉ rộng khoảng hơn hai chục mét vuông, mấy cái cột tròn kia chưa to đến mức che đi được người nấp đằng sau. Tiếng kẹt sàn dưới chân cô làm người gác rừng nhỏm dậy:
- Cái gì thế?
- Hình như có ai nhìn trộm em tắm!
- Cầm đuốc đứng trần truồng thế kia là để người ta nhìn, chứ còn nhìn trộm quái gì!
Một tay bịt lấy “cái chỗ” trên người, cô cài đuốc lên tường rồi nhón chân bước vào máng tắm. Đứng dậy lau người, cảm giác bị ai nhìn bỗng lặp lại làm cô bủn rủn chân tay; bởi cái nhìn trộm không rõ hình hài kia quen quen, rờn rợn. Trong đầu cô bỗng run lên câu hỏi: “Hay là nó chết rồi? Bây giờ hồn vía nó đang đi tìm mình đòi nợ?” - Ú ơi! Gai ốc trên người nổi không sót một chân lông nào, tóc gáy dựng ngược lên, cô lao vào ôm lấy cái võng hốt hoảng:
- Ông ơi dậy, em sợ quá!
- U! Sợ quái gì?
- Ôi em sợ!
Nước mắt cô đã trực trào ra:
- Hừ, hừ - con dao của em đâu rồi?
- Trong chạn bát - cạnh quả dưa bở ấy!
Ngồi bên bếp, tay lăm lăm con dao gọt hoa quả, chốc chốc cô lại trông về chỗ con ngủ: “Ôi con ơi - oan nghiệt đến đòi nợ mẹ con mình rồi!”. Chạy lại sờ soạng, xem nó ngủ thế nào, xong lại lao về bên bếp lửa:
- Ông ơi! Trời sắp sáng chưa?
- Còn lâu! Hỏi quái gì nhiều thế? Không buồn ngủ hả?
- Bây giờ thì không đâu. Em đang sợ!
- Lắm chuyện! Chắc tại giết người, cướp của rồi hồn nó ám cho chứ gì?
- Hú ôi!
Cô vùng dậy, cuống quýt trèo một chân lên võng, miệng lắp bắp:
- Ông nằm dịch vào em nằm với!
- Nằm thế quái nào được, dây võng cũ lắm rồi đấy!
Ruỳnh! Võng đứt. Cô nằm đè lên người gác rừng, đầu ông nghẹo sang một bên, mắt nhắm nghiền, không thở nữa! Ôm lấy đầu ông, cô vừa lắc vừa gọi. Vẫn lặng im! Càng lắc càng gọi, lại càng im lặng. Cô cuống lên mở tung khuy áo của ông rồi áp tai xuống ngực ông tê tái:
- Ân nhân ơi! Ông đừng chết... đừng bỏ mẹ con em, i... hi hi hi!
- Hì! Khóc quái gì, tóc cọ vào buồn cứng cả người!
*
* *
Bên bếp lửa, gập cái võng để gối đầu, người gác rừng lại ngủ. Nằm cạnh ông, trằn trọc trong khiếp hãi mới rồi - cô gặp lại mình trong trận đói rét khủng khiếp ngày xưa.
Đói, rét - lại một đêm khốn nạn tới với cô. Không một đồng tiền trong người, không tìm được việc gì làm đã bốn hôm rồi, cô đói và rét. Đêm trong cái chợ mà cô không biết tên tối om, vắng quạnh. Gió bấc thổi phù phù. Gió bấc thổi qua một thị trấn không biết tên; thị trấn ấy nằm giữa một vùng toàn là núi, không biết tên là núi gì.
Rúc phứa vào đám chân cẳng thì ra từ những ống quần đàn bà trong đống bao gai lớn nhỏ đủ cỡ. Cô chìm vào giấc ngủ để quên đi đói rét. Trong giấc ngủ rũ liệt, cô thấy mình bồng bềnh trôi đi xa xa.
Choàng tỉnh dậy vì lạnh, ai đó vừa dội nước vào mặt cô! Tóc bết trên mặt, cô xiêu vẹo đứng dậy từ trong bao giữa tiếng cười hô hố của bốn thằng đàn ông. Râu tóc, quần áo và hô hố của chúng nó mỗi đứa một kiểu - dị bợm! Lẽ ra phải nhào chạy thì cô lại ngồi phệt xuống. Đói, rét làm đầu óc cô chuệch choạc, mắt lử khử nhìn chúng nó.
Bốn cái hốc râu ria hô hố kia chợt tịt ngóp trước tiếng guốc cao gót đang quạch, quạch đi tới.
- Báo cáo chị - năm ngày dày công ngăn chặn mọi nẻo đường để giúp “con bồ câu bé nhỏ” này “thoát khỏi” kiếp làm thuê trâu ngựa. Hôm nay “con bồ câu” đã mềm như “chi chi”. Và bây giờ “con chi chi” thuộc về chị! È - hèm - xin chị một “tê” ạ!
- Chúng mày điên vừa thôi! Bọn ngủ bao đựng đất đãi vàng mà mày “gáy véo von” thế à? Hỏi nó là con nào, từ đâu tới?
- Ấy ấy, bà chị! Muốn nghe ca nhạc thì phải nhét băng nhạc vào chứ! Con này nhịn cực giỏi. Cả mấy ngày lang thang trong bãi vàng, ngó nghiêng tìm kiếm, tối đến chui về chợ ngủ, em chưa thấy nó ăn gì. Ôi thương quá! Chân dài, lưng thon, da óng, em ngủ bao tải phí lắm!
- Nước!
- Ôi, ôi, nghe thấy chưa - “nước!”. Nó khát nước, lấy nước nhanh lên! E… he he! Bắt đầu từ nước. Đất cho xuống nước, đãi thật dẻo tay là vàng bắt đầu lòi ra. E... he he...!
- Mày bảo con nhỏ dưới nhà đi bê cho nó bát phở!
- Bà chị vẽ chuyện, cái bánh mì là “hát” tốt rồi!
- Tùy chúng mày!... Này em - em ở đâu tới?
Cô thều thào trả lời:
- Xa lắm!
- Em lên đây làm gì, có người quen ở đây không?
- Tìm người yêu đi làm vàng!
- Gặp chưa?
- Chưa!
- O... ho ho ho! Đấy bà chị xem - “con chi chi” thật đấy nhớ! Một “tê” đi cho bọn em “phắn”!
- Tám trăm thôi!
- Cũng đẹp!
Rồi ăn ngon, rồi mặc đẹp. Cô không mặc được cái áo hở vai mà chị béo sắm cho vì vết sẹo đang bong vẩy to bằng đít chén ở chóp vai bên phải làm chị béo cứ xuýt xoa mãi.
Buồng tắm bật mở! Chị béo lù lù trước cửa làm cô giật mình:
- Cứ tắm đi, đừng sợ! Chị ngắm em tắm để nhớ lại thời thiếu nữ của mình ấy mà! Đứng dạng chân thêm một tí xem nào, xem có hết ý như chị ngày xưa không nào? Ừ, ừ, được rồi!
Chị béo ngồi xổm xuống từ từ. Bất giác cô cũng từ từ ngồi khép xuống, ánh mắt chị lóe lên rất nhanh, rồi chị bật cười:
- Đẹp, đẹp hết ý! Thôi tắm đi hòn vàng của chị!
Từng ngày trôi đi, những quyết tâm nồng nàn trong lòng dắt cô đi tìm người cô yêu dấu đang mòn đi như phấn viết. Cô sợ đói rét lắm rồi! Thảnh thơi trong ân huệ và những lời nói ngọt ngào, ràng buộc - bông hoa mười tám mùa xuân đang căng nở trong cơ thể bỗng được cô say mê như một phát hiện. Cô thấy chị béo nói đúng, còn đúng để làm gì thì không biết.
Là người ở xa tới nên đi bước nào cô cũng được chị béo cho người theo hướng dẫn. Qua dãy mua bán vàng vẩy của những người trong bãi mang về - cô vẫn ngóng tìm mong gặp người yêu cô có trong đám ấy. Rối sợi tơ lòng cuối cùng cũng bị vặt đi nốt - khi cô chứng kiến cảnh trừng phạt một người trong đám các cô dám từ chối sự yêu quý của chị béo, sau chuỗi ngày ăn trắng mặc trơn. Cô ta bị bắt về sau hơn một ngày bỏ trốn. Ở một phòng cuối dãy nhà trong, lần lượt bốn gã đàn ông hôm nọ ra vào - từ sáng đến chiều. Lúc đầu còn có tiếng van xin, rồi kêu gào, rồi im lặng. Đến nửa đêm thì vào bao tải, cô ta bồng bềnh ngược trôi ra chợ.
Trong phòng riêng mà chị béo đã dành cho, cô ngồi run rẩy đến cả từng suy nghĩ. Cô là “hòn vàng” của chị béo - cái tên ướm ví ấy đã làm cho cô lờ mờ nghe thấy tiếng tai họa đang lăn từ trên một nẻo nào đó xa xa, gần gần. Nhưng cô lại thấy mình đã lo hão khi chị béo gọi cô sang đấm bóp cho chị. Rồi chị kể cho cô nghe về từng ước mơ ngày xưa đã tan vỡ; những quãng đỉnh cao và vực thẳm đời người mà chị có mặt. Đỉnh cao đã ném chị xuống, nhưng vực thẳm lại đẩy chị lên. Hình như chị đang sống giữa hai khoảng đó - dưới chân của đỉnh cao và trên ngọn của vực thẳm. Để giữ lấy chỗ đó, độc chiếm khoảng đó, chị phải đẩy những kẻ từ vực thẳm trở về vực thẳm. Để bảo vệ chỗ đó, chị phải hi sinh những kẻ phản trắc trong vòng tay của chị. Phải xử tệ với cô gái bỏ trốn kia, chị đau lòng lắm. Bởi cô ta đâu có khác chị, cũng phận đàn bà. Nước mắt chị đầm đìa cùng những tiếng rịt, roạt như húp nước làm cô thông cảm và thương chị đến ứa nước mắt.
- Em còn trẻ, lại xinh đẹp, biết quý chị, cứ ở đây giúp chị trông nom cái bọn hư đốn kia, rồi chị sẽ tìm mối nào đáng mặt gả cho em!
- Chị ơi, nhưng em nhớ anh ấy lắm. Không biết bây giờ anh ấy ra sao! Em khổ lắm!
- Ôi dào, có khó gì. Nếu thế thì đi tìm rồi đón nó về đây, làm việc cho chị.
- Ôi, thật nhớ! Thật chị nhớ!
Từ mờ sáng, vẫn bốn đứa hô hố ấy đưa đường. Chúng nâng niu “hòn vàng” của chị béo trên mỗi đoạn dốc đèo, chúng tán chuyện tục tĩu của chúng rồi lại hô hố. Cô hăm hở lắm khi chị béo phái chúng đưa cô đi tìm người yêu ở bãi vàng bên cạnh. Cô đã thật xúc động khi chúng nó thay nhau cõng cô chạy băng băng qua quãng rừng lạ; từng đứa vượt lên - ra hiệu, đứa tiếp theo chạy tới, ẩn vào - đứa thứ ba cõng cô chạy đến - đứa thứ nhất lại chạy tiếp. Vừa căng thẳng một cách bí hiểm, vừa hay hay, bởi dù có vấp loạng choạng - đứa cõng cô cũng chẳng nỡ buông cô xuống.
Hai đứa ở lại, hai đứa đưa cô đi tiếp. Cảnh rừng khác lạ và chặng đường cứ nhè vào chỗ um tùm, len lỏi tránh làng mạc bắt đầu làm cô lo sợ. Nhưng sự xuất hiện của cô sẽ làm cho anh ấy phải nghẹn lời, phải yêu cô hơn nữa và nghe cô về làm việc cho chị béo. “Anh ấy đang ở đằng trước kia!” Tiếng gọi trong lòng lại tiếp thêm can đảm cho cô.
*
* *
Trên nền trời sẩm tối hiện lên hàng cột điện giăng ngang như những cọc tiêu. Dưới chân hàng cọc tiêu, con đường phẳng phiu đột ngột hiện ra giữa um tùm lau chít. Con đường trườn lên núi. Và cũng đột ngột như vậy, nó dừng lại trước một con sườn núi thấp thoáng ánh đèn. Hai thằng hô hố đã thở dốc và lại tục tĩu. Chúng bảo cô: “Trước mặt là chỗ nghỉ chân, sáng mai sẽ tới nơi cô muốn!”.
Nơi nghỉ chân là một ngôi nhà to, cổ kính nhô lên xa xa sau bức tường đá cao ngất ngưởng. Tiếng chó sủa, rồi cổng bên mở ra. Người đàn bà thon gầy và ăn mặc rất lạ ra đón ba người. Bữa cơm thịnh soạn và kiểu cách làm cô thích thú, loại chữ lạ lùng mà cô không đọc được trên cột nhà lại làm cô hoảng sợ. Nhưng giọng nói cưng cứng của người đàn bà lại có sức trấn an đến dễ yên lòng. Ánh mắt của bà nhìn cô trong bữa ăn sao cô thấy giống như một lời kêu than, sẻ chia đến như vậy. Có lẽ bà thương cô thân gái lặn lội vất vả với tình, và cô bỗng thấy bà gần gũi quá.
Bà rủ cô đi tắm. Bà tắm trần truồng một cách tự nhiên. Cô không thể ngờ được dưới khuôn mặt thanh nhẹ, sinh động đến cả từng nếp nhăn nho nhỏ kia là một cơ thể tàn tạ, dúm dó da thịt. Buồng tắm rộng, chỉ có hai người nhưng cô không muốn cởi quần áo lót. Từng câu bông đùa của bà về da thịt của mình khiến cô mủi lòng cho bà, rồi thấy tự nhiên hơn. Cùng những câu đùa, thỉnh thoảng bà cù vào chỗ nào đó trên người cô rồi cùng phá lên cười. Dầu vậy cũng có lúc cô mơ hồ nhận thấy bà như đang tìm kiếm một cái gì đó.
Trong phòng lớn, hai thằng hô hố vẻ bồn chồn. Cô hỏi về chặng đi ngày mai - chúng nó trả lời chẳng nhiệt tình chút nào. Có lẽ vì cõng cô nhiều mà chúng nó mệt. Người đàn bà xuất hiện với một cục tiền vuông như gạch trên tay - bà gật gật đầu rồi nhờ chúng chuyển số tiền theo chặng đi ngày mai. Chia đôi cục tiền - mỗi đứa nhét phần đó vào trong người rồi xin phép xuống nhà dưới ngủ.
Nhà dưới nào?! Lao ra khỏi bậu cửa cô sững lại, trong bờ tường đá vây bọc là vườn cây lay động, mờ tỏ trong sương sớm. Một chiếc ô tô nhỏ tưới đầm sương đỗ giữa sân. Cô gục vào hiên khóc nức nở.
*
* *
Thế là hết! Sáng mai là đây, là người đàn ông trung niên lạ hoắc đang trần truồng nằm ngủ bên cô, ngủ bên những vệt máu tơi tả - khô rồi mà vẫn không thể bầm đi được này đây! Trời ơi! Nơi cô muốn đến là đây sao? Cô gào lên, hai con chó nhốt trong cũi cũng gào lên “gâu, gâu!” như lời hỏi đầy chống cãi của bản năng: “Đâu, đâu?” Cô đạp, cô cào cấu, hai cái cổng lớn đã khoá chặt cũng chỉ rung lên lục khục như tiếng cười bổn phận của nó. Uất hận điên cuồng ôm cô bay lên với lấy đỉnh bờ tường đá. Đôi tay cô vung lên trong mù sương giống như nhát đập cánh sau cùng của một con bồ câu trúng tên vẫy từ biệt bầu trời. Bờ tường đá hất cô trở lại chỗ cô đã bứt mình lên khỏi mặt đất. Chỗ ấy- “con chi chi” hôm nào đã về đây, thoi thóp.
Những giọt nước mắt lạnh như thuỷ tinh rơi trên mặt làm cô tỉnh lại. Khuôn mặt thanh nhẹ, sinh động của người đàn bà đang cúi xuống cô tỏ dần. Lẽ ra cô gào lên: “Con mụ phù thuỷ kia - hãy cút đi với cái bát nước “Uống vào sẽ ngủ rất ngon” của mày đi!” Nhưng chạm vào ánh mắt của bà, cô lại với tay lên nghẹn ngào. Cô đã hiểu ánh mắt bà nhìn cô trong bữa cơm tối qua. Tiếng khóc của bà chồng lên tiếng khóc của cô nghe như chỉ có một người đang khóc.
Thỉnh thoảng bà lại lén không cho cô uống thứ thuốc lá cây mà ông chủ đã dặn. Bà không cho cô biết là thuốc đó uống đều trong ba tháng thì cô sẽ bị triệt sản. Vậy tin cô có chửa đã nâng cánh tay ông chủ lên rồi hạ xuống mặt bà một cú trời giáng. Bà lao đi qua cửa xuống sân, rồi ngã phệt ở đó với vẻ bình thản. Ba tháng sau, ông chủ không còn về vào những ngày cuối tuần. Còn hai người với nhau, cả cô và bà đều tránh nghĩ đến chuyện bỏ trốn. Cô mà trốn thì bà sẽ chịu hậu quả, hơn nữa bụng cô mỗi ngày một lớn. Mà trốn về đâu bây giờ?
Hàng tháng, vào đúng một ngày khi tiếng xe ở cổng đã đi xa, cô và bà lại mở cổng. Khuân vào những thứ mà chiếc xe mang tới - để sống. Cô và bà lủi thủi như hai con gián đất dưới viên gạch - viên gạch ấy là ngôi nhà cổ kính, đã truyền qua nhiều đời, bây giờ là ông chủ.
Con gái cô đã nói sõi, ông chủ vẫn không về. Ông không cần nó. Thay vào đó là một phần của ông chủ. Vài tháng một lần cậu chủ từ thành phố về đi săn. Mẹ cậu ấy đã chết từ lâu - cô biết vậy và lo sợ cậu sẽ thù con gái mình. Rồi cậu chủ lại càng hay về, không đi săn thì ngồi đọc sách dưới vườn cây - và qua trên trang sách - cậu xem cô quét sân, tỉa cành. Nhiều lần bắt gặp cái nhìn hoang dại như một bàn tay gần đang vờn lên của cậu chủ - cô dúm lại: “Dù sao mình cũng đang ở một vị trí nào đó bên ông chủ - mà mình hơn cậu ta hai tuổi cơ mà!”. Ý nghĩ đó làm cô an tâm và khiến cô dửng dưng khi biết cậu chủ cao lớn, đẹp trai thường rình xem cô tắm.
Lần đầu tiên cậu chủ mua quà về ngôi nhà này. Cậu đùa với con bé rồi gọt quả cho nó ăn. Đặt con dao xuống đĩa, cậu thò tay vuốt ngược lên má cô lúc cô đón con bé. Bị xúc phạm, cô điên tiết mà không dám làm gì đành lẳng lặng bế con đi. Đưa con cho bà già - quay lại, cô bắt gặp ánh mắt cậu chủ đang thản nhiên xục xạo trên người mình - cô uất đến nghẹt thở.
*
* *
Chưa bao giờ cô tắm như vậy. Chưa bao giờ cô nghĩ được mình còn khả năng tiềm ẩn kiểu ấy. Say sưa với phát hiện - phát hiện đã được mở lối từ “điên tiết”, từ “uất nghẹn” - cô muốn trả thù, muốn hành hạ cậu chủ:
Ghếch chân lên, ngửa cổ về sau, nhắm mắt lại - cô bắt đầu vuốt ve từ cổ lên vành tai, qua lông mày, xuống mũi, xuống môi - rồi làm lại, lần nữa, lần nữa. Cô nghe thấy có tiếng bước chân lờ mờ dừng lại bên ngoài.
Đặt hai lòng bàn tay lên hai bầu vú đang chắc lại, chợt mũi cô ngân lên tiếng “ư, ư”… Tiếng “ư, ư” rơi vào nơi nào đó xa xôi, dội đi, dội lại, vang vọng lớn dần theo thời gian. Cảm giác có người đang ngắm nghía vụng trộm bỗng kích thích cô mạnh mẽ. Tim đập chuếch choáng, người nóng bừng theo những động tác bứt rứt, cuốn hút. Rồi tất cả cơ bắp chuyển động bởi sức lan toả của thèm muốn. Cảm giác tập trung tràn trề, vây bọc lấy cô, làm chủ cô, cuốn cô tới một rùng mình hé mở; rùng mình đóng dần lại cánh cửa của những tri giác khác. Nhưng tiếng “hư, hư” đôi một đã gấp gáp - và cô không nghe đến nó! Uốn về phía trước, người lượn dẻo lên không cưỡng nổi, như sóng, như lớp lớp sóng. Cô đâu biết những âm thanh, động tác, với bừng bừng chếch choáng kia rùng rùng quyện lại có tên gọi là hứng tình. Hứng tình không đúng chỗ thì tên của nó lại gọi là dâm đãng; mà dâm đãng thì dễ bị hiểu lầm; dễ lây, như bệnh truyền nhiễm.
Cách cửa buồng tắm bung ra, cạnh của nó bập vào xé toạc vết sẹo trên chóp vai cô, máu tràn ra khi cửa đổ rầm xuống. Cậu chủ trần truồng xuất hiện với cơn khát dục mãnh liệt hồng rực trên cơ thể. Máu trên vai cô loang xuống ngực. Máu đã thức tỉnh cô trở lại. Tràn ngập trong người cô là tiếng thét của phẩm giá, của danh dự đòi cô tự vệ, tự vệ để bảo vệ lấy chúng trước sự ham muốn đang đòi chung chạ, đòi hủy diệt chúng.
Cái lắc đầu quyết liệt! Những ngọn tóc của cô nhằm mặt hắn phóng tới. Cô lao ra khỏi buồng tắm kêu gọi bà già. Bà già và con gái cô bị hắn nhốt trong phòng ngủ cũng gào vọng ra. Còn hắn đang vờn cô, say sưa dồn cô vào góc nhà - mắt chăm chăm tìm thứ hắn cần. Cô vụt qua, nhảy lên bàn, hắn túm chân cô kéo lại. Thân cô đổ rầm xuống mặt bàn, tối tăm xây xẩm cả đầu óc. Đĩa hoa quả trên bàn nẩy bật lên - trong cái nẩy bật kia có ánh kim loại. Cô chộp lấy cái ánh loé lên ấy rồi vung tay đâm ngang về phía sau hai nhát!
Hắn rú lên, gục xuống, máu bên hông tràn ra. Từ hai vết thủng, hai đoạn ruột từ từ nhô ra như hai ngón tay đỏ lòm cong gập lại. Hai “ngón tay” ấy như đang muốn duỗi ra để chỉ vào mặt kẻ đã kéo chúng ra - mà không sao chỉ nổi.
Kết thúc kinh hoàng đóng chặt chân cô xuống, chẹn lại trong cổ cô tiếng thét đòi chối từ kết cục này! Những tiếng nấc dội ngược vào lòng kéo cô quỳ xuống. Hai tay cô giơ lên như một tiếng kêu dài. Rồi đôi tay nức nở dang xuống để nâng lấy hắn, để ôm lấy hắn đau thương - mà không sao chạm tới hắn được! Mắt cô mở to như sắp bục ra, thôi miên vào hai “ngón tay” đỏ lòm đang động cựa theo nhịp thở của hắn. Máu! Máu trên người hắn, trên đất, trên vai cô, trong mắt cô, và một màn máu trùm qua đầu óc cô - cô không thấy mình đâu nữa.
*
* *
Đêm vây bọc. Đêm nấn ná. Đêm thở dài bỏ đi xào xạc trên lá. Tiếng chim sơn ca vút lên mảnh mai, tinh khiết. Tiếng chim như mũi tên của ban mai tràn tới, bắn đuổi vào bóng đêm vương vòm lá. Mũi tên ấy bay qua miền tri giác đẩy bật đi bóng đêm kí ức đang ôm cứng lấy cô. Cô rùng mình nhưng nhận thấy mình không lạnh. Chống tay nhỏm dậy giữa một bên là bếp lửa, một bên là người gác rừng - cô nhìn lên và thấy con mình vẫn ngủ. Cô muốn tới với nó nhưng khói bếp cay nồng đang cuộn bay lại đậu xuống nặng trĩu trên mi mắt. Thả hồn xuống. Thả mình xuống, cô chìm vào ban mai.
V.S