Nơi mạch ngầm sức mạnh

Thứ Bảy, 22/08/2015 07:05
 . SƯƠNG NGUYỆT MINH
Kì I

Sức mạnh... hủy diệt


Chúng tôi đến Lữ đoàn tàu ngầm 189 thì trời đã chàm chàm tối.

Xe ô tô bịt bùng bụi nóng phải chạy qua rất nhiều vọng gác quân sự và hàng rào phân cách thì cầu tàu mới hiện ra trong tầm mắt. Hai chiếc tàu ngầm lớp Kilo 636 mang tên 183 - Thành phố Hồ Chí Minh và 184 - Hải Phòng đen trùi trũi đậu hai bên cầu tàu, lù lù trên mặt nước Quân cảng Cam Ranh đang thẫm dần. Trong lòng tôi bỗng trào dâng một nỗi niềm khó tả, bao trạng thái cảm xúc dâng trào vừa nể sợ, vừa lạ lẫm, tò mò kích thích hành động muốn khám phá đến tận cùng những “con cá mập” – vũ khí bí mật của binh chủng non trẻ nhất Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tôi bỗng nhớ đến câu nói của Nhà bình luận quốc tế nổi tiếng Aleksandr Khrolenko thuộc Hãng thông tấn thế giới Rossiya Segodnya rằng: “Tàu ngầm là thứ vũ khí phức tạp và hiện đại nhất của nhân loại”.  

Tàu ngầm lớp Kilo 636 là đây. Huyền thoại “hố đen đại dương”, “sát thủ dưới mặt nước” là đây. Những chiếc tàu ngầm Kilo này của Hải quân Việt Nam “có nhiệm vụ tìm kiếm, bí mật theo dõi và tấn công tiêu diệt tàu ngầm của đối phương, đảm nhận trách nhiệm chống ngầm bảo vệ lực lượng hải quân của ta; trinh sát, bám nắm và tiêu diệt các cụm tàu nổi (hàng không mẫu hạm; tàu khu trục, hộ vệ; tàu hậu cần, bổ trợ; tàu trinh sát kĩ thuật, đo đạc âm hưởng…) của hải quân đối phương; tấn công vào các mục tiêu đầu não của địch trên mặt đất hoặc hỗ trợ lực lượng đánh chiếm, tái chiếm đảo”. Chỉ là những “con cá mập” đen trũi hoạt động chủ yếu dưới mặt nước mà tính năng, tác dụng có thể hủy diệt đối phương như thế, hỏi còn loại vũ khí nào công dụng hơn?

Đại tá, Lữ đoàn trưởng Trần Thanh Nghiêm tiếp chúng tôi trong phòng khách của Bộ Tư lệnh Lữ đoàn. Phía sau ông là bức tranh hoành tráng, choán hết bức tường, có hình con tàu ngầm đang nổi trên mặt nước màu nâu đen, cắm quốc kì đỏ chói chang trên nền vòng cung núi biếc và biển xanh quân cảng Cam Ranh. Có thể nói, đại tá Trần Thanh Nghiêm là một người Nga học, ông khá am tường văn hóa Nga và tất nhiên rất thông thạo ngôn ngữ của xứ sở bạch dương. Những câu chuyện ông kể về sức mạnh hủy diệt của tàu ngầm trong đại chiến thế giới thứ hai khiến chúng tôi kinh hoàng và nể phục. Ông Nghiêm bảo, ông rất khâm phục Thuyền trưởng tàu ngầm Alexander Marinesco và sức mạnh của tàu ngầm Liên Xô trong chiến tranh thế giới thứ hai. Marinesco – Thuyền trưởng tàu ngầm Xô viết huyền thoại S -13 đã chỉ huy “cuộc tấn công thế kỉ” bằng ngư lôi chưa từng có trên biển Baltic, bắn cháy một tàu tuần dương, tiêu diệt 3.500 sĩ quan và binh lính Đức Quốc xã. Nhưng, trước đó mười ngày, chính con tàu ấy đã tập kích ngư lôi bất ngờ nhấn chìm cơ sở huấn luyện (thực chất nó là siêu thuyền Wilhelm Gustlav) với sức chứa gần 25,5 nghìn tấn, và một tàu chở quân khác, tiêu diệt 11.500 quân Đức Quốc xã, trong đó có 3.700 thủy thủ tàu ngầm. Gần như có bao nhiêu sĩ quan, thủy thủ tàu ngầm huấn huyện xong trên đường chở đi các căn cứ thì bị tiêu diệt hết. Hải quân Đức suy sụp. Nước Đức để quốc tang một ngày, Hitler đã tuyên bố: “Thuyền trưởng tàu ngầm Alexander Marinesco là kẻ thù riêng số một”. Sức mạnh hủy diệt của tàu ngầm Xô viết góp phần kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai sớm.
 
Tầm hoạt động... không giới hạn

Thời gian trôi đi đã 70 năm. Tàu ngầm S -13 của Thuyền trưởng huyền thoại Alexander Marinesco dù có sức mạnh hủy diệt, hay cụm tàu ngầm của Hạm đội Biển Bắc hành trình dằng dặc như thế, cũng đã trở thành đồ cũ (secondhand). Tàu ngầm lớp Kilo 636 diesel, mà Lữ đoàn 189 đang sở hữu và sử dụng hiện đại hơn rất nhiều. Theo thiết kế, tầm hoạt động khi lặn ngầm và ở chế độ tiết kiệm là... khoảng 400 hải lí (7.400km). Nhưng, khi bước vào chế độ chiến đấu, có nghĩa là phải sử dụng sức mạnh tổng hợp của các phương tiện dự trữ năng lượng cả nạp điện cho bình ắc quy thì nó đạt tới hơn 15.000 hải lí (27.630km). Để dễ hình dung, ta có thể so sánh nơi rộng nhất của Thái Bình Dương theo hướng Đông Tây là vĩ độ 5oB, (từ Indonesia đến bờ biển Colombia) cũng chỉ khoảng 19.800km. Cho nên việc một chiếc tàu ngầm ở cảng Cam Ranh làm cuộc hành trình trong lòng biển vượt Thái Bình Dương đến San Francisco - bờ Tây nước Mĩ thì vẫn trong “tầm tay” của các tàu ngầm lớp Kilo 636 mang tên Hà Nội, Hải Phòng...

 
tau ngam hq
 
Tàu ngầm HQ 182 - Hà Nội

Tàu ngầm Kilo 636 “có thể diệt được cả một đội tàu chiến của đối phương ở vùng chiến sự và cả các mục tiêu trên đất liền mà không cần phải nổi lên mặt biển để tác chiến”. Tàu ngầm thực hiện nhiều nhiệm vụ phức tạp trong lòng biển mà tàu mặt nước không kham nổi. Các tàu nổi dễ lộ, dễ quan sát của vệ tinh, của máy bay và là mục tiêu dễ bị tấn công. Nhưng tàu ngầm chỉ cần lặn ở độ sâu 50m thì các máy móc quang học hầu như... bất lực. Các tàu ngầm của Lữ đoàn 189 được sản xuất từ nước Nga là loại vũ khí hiện đại, chạy động cơ diesel – điện lớp Varshavyanka, khối NATO phân loại gọi là lớp Kilo 636, các thủy thủ của ta khi huấn huyện đã lặn sâu tới 285m; thuộc loại chạy êm nhất thế giới. Tên lửa Club-S đặt trong tầu ngầm lớp Kilo có quỹ đạo bay rất phức tạp, tiêu diệt chính xác mục tiêu ở khoảng cách 300km. Nhưng, khi bán tàu ngầm Kilo, không phải quốc gia nào mua, cũng được người Nga lắp đặt hệ thống tên lửa Club-S. Cho đến hiện nay, ngoài Hải quân Nga thì chỉ có 3 quốc gia là Ấn Độ, Algeria và Việt Nam được trang bị tổ hợp tên lửa hiện đại này trong tàu ngầm. Nhà máy đóng tàu ngầm Admiralty Verfi ở thành phố St Petersburg đã công bố các thông số kĩ thuật không chỉ nhằm PR, mà còn như một niềm tự hào của người Nga trong lịch sử đóng tàu ngầm.

Những vòng tuyển chọn... nghiệt ngã

Hầu hết các sĩ quan, thủy thủ của Lữ đoàn 189 tàu ngầm đều được tuyển chọn từ các đơn vị của Hải quân nhân dân Việt Nam. Có nghĩa là họ đã có thâm niên công tác biển đảo, được rèn luyện thử thách nơi đầu sóng ngọn gió từ các đơn vị tàu mặt nước, học viện hải quân, lính thủy đánh bộ, thông tin hải quân..., và cả từ trung đoàn tàu ngầm mini 196 bổ sung sang. Họ đã bị sóng to gió cả, tiếng ồn, sóng từ, sóng âm... “tra tấn” thần kinh, và thử thách tiền đình từ lâu rồi.

Dù vậy, bất kì người sĩ quan thủy thủ nào bước qua cánh cửa tàu ngầm vào bên trong làm nhiệm vụ một thành viên thực thụ cũng phải “qua cầu” khám thể lực rất nghiệt ngã, ngặt nghèo. Cân nặng, chiều cao... theo tiêu chuẩn chỉ là sơ tuyển ban đầu - chuyện nhỏ. Những người sâu răng, viêm xoang mãn hoặc cấp cũng... bị loại. Hai bệnh này tối kị khi xuống sâu dưới nước. Áp lực nước ép không chịu được, sẽ tóe máu miệng, máu mũi, rách màng nhĩ, chảy máu tai...

Nhưng, béo gầy thì phải chú ý; thủy thủ tàu ngầm kị nhất là... béo. Béo trục béo tròn quá mức, lại mặc thêm bộ đồ lặn cao áp nữa thì không thể chui qua ống phóng lôi để thoát ra ngoài khi có trục trặc kĩ thuật xảy ra. Tất nhiên, cái tàu ngầm bị trục trặc ấy chỉ ở độ sâu nhất định, chui ra mới an toàn, chứ ở dưới độ sâu quá thì cầm chắc cái chết. 

Thử thách cao hơn khi tuyển chọn là khám thần kinh, tiền đình. Máy điện tim, điện não hiện đại gắn vào ngực, vào đầu ghi các thông số, đánh giá kết quả tốt vẫn phải qua thực hành đánh đu xoay giống như... khám phi công. Đầu lộn xuống đất, chân chổng lên trời, xoay bốn phương Nam Bắc Đông Tây và tám hướng. Dừng lại, đi thẳng, đầu không húc vào tường, lại còn ngồi xuống bàn viết được chữ trên giấy thẳng hàng, không nguệch ngoạc thì coi như qua vòng khám tiền đình. Theo trung tá Nguyễn Văn Bách, Thuyền trưởng Tàu HQ-183 TP Hồ Chí Minh: ... Bài kiểm tra ớn nhất là ngồi thưởng thức ghế xoay 30 vòng, vừa quay xuôi vừa quay đảo chiều, sau đó đứng dậy đi thẳng một quãng, rồi ngồi làm bài test nhanh về các kiến thức. Với bài kiểm tra khắc nghiệt này nếu đứng dậy mà đi lảo đảo, đo não đồ không ổn định sau khi thưởng thức ghế xoay thì nguy cơ bị loại rất cao. Kết quả làm bài test nhanh không đạt yêu cầu cũng nằm trong vòng nguy hiểm.

Thử thách thể lực cao nhất, khó khăn nhất và là “cầu cuối cùng” của thủy thủ, dù là người Nga, người Mĩ, người Triều Tiên, hay thủy thủ người Việt là thử... tăng áp. Thủy thủ được cho vào buồng tăng áp. Có người chịu được nén áp suất cao tương đương với độ sâu 70m, thậm chí 100m vẫn không việc gì. Nhưng, có người mới nén áp tương đương với độ sâu 10m nước mắt nước mũi đã giàn giụa, ù tai, cơ thể tự phản ứng chống áp, phải bóp mũi, nuốt nước bọt cho thông lỗ nhĩ. Tăng áp thêm nữa là... chảy máu tai, tràn máu mũi, rỉ đẫm máu chân răng, phải dừng... khám tuyển.

Tôi hỏi đại tá, Lữ đoàn trưởng Trần Thanh Nghiêm:
“Mỗi lần khám tuyển thủy thủ trong buồng tăng áp có đến 30 phút không anh?”

Anh Nghiêm bảo:
“Một thủy thủ tàu ngầm, nếu vượt qua vòng khám này phải chịu thử thách trong buồng tăng áp hai giờ đồng hồ.”

“Hai giờ cho một người? Có ai chịu nổi “tra tấn” trong suốt thời gian như thế?” - Tôi ngạc nhiên hỏi lại.

 “Vâng. Vậy mà qua đấy. Đó là những người được thiên phú, được cha mẹ ban, chứ không rèn luyện được.”

Đúng là sức khỏe huyền thoại chỉ những thủy thủ tàu ngầm mới có quyền sở hữu. Sau hai giờ chịu thử thách ở môi trường cao áp, thủy thủ sẽ được đưa vào buồng giảm áp riêng, có áp suất tương đương với độ sâu vừa thử, rồi giảm áp... từ từ. Nếu không, người vừa trúng khám tuyển sẽ bị bệnh bọt khí trong máu. Tuyển chọn thành công cốc. Từ Lữ đoàn trưởng Trần Thanh Nghiêm đến các thuyền trưởng và các thủy thủ, muốn bước qua ngưỡng cửa tàu ngầm đều phải vượt qua vòng tuyển chọn khắc nghiệt này.

 
Uống hết chao đèn nước biển... mới được là thủy thủ


Không biết từ đâu, chẳng biết tự bao giờ, ở nước Nga xa xôi, các thủy thủ tàu ngầm sau khi thực hành chuyến đầu tiên lặn sâu vào lòng biển trở về phải uống hết một chao đèn nước biển (khoảng 1,5 lít) mới được cấp giấy công nhận là... thủy thủ tàu ngầm. Số nước biển này được lấy qua van giảm áp ở chỗ tàu ngầm lặn sâu nhất trong chuyến đi đầu tiên.
Theo đại úy Hoàng Văn Đồng, Thuyền phó tàu ngầm 183 - Thành phố Hồ Chí Minh thì: Người Nga coi đó như là một “nghi thức” đánh dấu chính thức là sĩ quan tàu ngầm và cũng là lời thề dâng hiến khi trở thành sĩ quan tàu ngầm...  Có thể hiểu theo nghĩa khác mang dấu ấn văn hóa tâm linh với khát vọng sống mãnh liệt, chỉ khi tàu rủi ro trục trặc bị đắm, hay bị tấn công, gặp tình thế nguy hiểm thì mới phải uống nước biển. Vì thế, uống một chao đèn đựng nước biển như là mong muốn uống nước biển duy nhất trong đời thủy thủ, và cũng nhắc nhở họ luôn cẩn tắc, chú ý khi điều khiển tàu ngầm.

Sau khi chuyến tàu ngầm đầu tiên thực hành lặn sâu vào lòng biển Baltic trở về, trung tá Đậu Văn Hoàng - Thuyền trưởng, cũng là người uống đầu tiên. Phải gương mẫu cho anh em trong đơn vị có động lực vượt qua. Nước biển mặn chát, khó uống lắm, Hoàng vẫn cố tu ừng ực hết veo. Lẽ ra, phải chạy vào phòng vệ sinh ngay để tháo nó ra, nhưng Đậu Văn Hoàng vẫn cố chịu đựng, anh bảo một thủy thủ Nga: “Mày không phải uống, mày xếp hàng giúp tao”. Anh tò mò, cố nấn ná đứng lại xem sĩ quan, thủy thủ dưới quyền mình bưng chao đèn, uống nước biển ra sao, và cũng để động viên họ vững tin. Khé rát họng, bụng đau quằn quại, anh vẫn cố chịu đến khi thủy thủ cuối cùng hoàn thành cuộc sát hạch, thì anh mới ôm bụng chạy đến phía thủy thủ người Nga đang giữ chỗ cho mình. Chậm một chút nữa thì... hú vía! Rất may, cả ba đoàn thủy thủ thuộc ba tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam đều vượt qua thử thách kì lạ và kinh hoàng này, mà quần áo vẫn khô ráo, thơm tho. Ngay sau đó, họ mới được người Nga trao “Giấy chứng nhận thủy thủ tàu ngầm”, coi như giấy thông hành bước qua cánh cửa.
 
Đường xích đạo... huyền hoặc

Công việc hàng ngày của thủy thủ Việt Nam đi cùng tàu vận tải Rolldock là bảo quản tàu ngầm của mình, làm mát boong, thông gió cho tàu, bảo quản các trang thiết bị trong tàu. Bởi vì, tàu ngầm tầm tã trên biển một tháng rưỡi, trang thiết bị và vũ khí ở trong dễ bị nhiễm hơi nước biển mặn. Tuy người Nga chưa bàn giao cho mình, nhưng trước sau cũng là của mình, như người vợ sắp cưới ấy, phải trông nom, gìn giữ cho đến tận khi về nhà. Rất may mắn, họ đi áp tải tàu ngầm có hành trình... qua đường xích đạo.

Đường xích đạo được phát hiện và lập bản đồ vào năm 1736. Thực ra, nó là một đường tưởng tượng dài khoảng 40.000km chạy vòng quanh trái đất, đi ngang qua lãnh thổ, lãnh hải của 14 quốc gia. Vĩ độ của đường xích đạo là... 0 độ, nơi tia nắng mặt trời luôn luôn chiếu vuông góc với bề mặt trái đất.

Các thủy thủ tàu ngầm kể cho tôi nghe nhiều những chuyện lạ đi biển và các điều kì diệu ở đường xích đạo: Khi tàu mặt nước chở hàng, chở tàu ngầm đi qua đây đều gặp hiện tượng kì lạ. Chẳng hạn, đặt một quả trứng gà sống lên đầu một cái đinh, nó như đóng chặt vào đó, không chịu rơi. Hoặc, tàu còn đang ở phía trên đường xích đạo, nếu xả nước ở bồn tắm thì nước rút xoay tròn theo chiều kim đồng hồ; nhưng, khi sang phía dưới đường xích đạo thì nước rút theo chiều ngược lại, còn tàu đang chạy ở ngay chính đường xích đạo thì nước rút theo chiều thẳng đứng. Nếu một người đứng ở chính đường xích đạo, dù nắm chặt tay bao nhiêu, thì người ở bên ngoài đường xích đạo thò tay đến mở nắm tay kia một cách dễ dàng... Làm thủy thủ cả đời người, chẳng phải ai cũng được một lần đi qua đường xích đạo với những câu chuyện huyền hoặc ấy. 
                                                                                                                (Còn nữa)
S.N.M
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)