Những tấm lòng kiều bào Đức với Trường Sa

Thứ Sáu, 07/08/2015 07:00
LTS: Tác giả Hùng Lý đã tham gia đoàn công tác số 6 của kiều bào ta thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 những ngày cuối tháng 4 năm 2015 vừa qua. Tạp chí Văn nghệ Quân đội xin giới thiệu những cảm xúc của tác giả ngay trước chuyến đi và trong những ngày ở đảo.

. HÙNG LÝ

 Khi chứng kiến hai đoàn kiều bào ở Đức trở về từ Trường Sa trong hai năm rồi, tôi đã háo hức đăng kí cho mùa đi thứ ba từ khi thời tiết nước Đức mới lập đông. Trường Sa - nơi đầu sóng, ngọn gió, nơi cương hải gian lao hoá ra không phải cứ muốn đi là được. Phải đến khi chỉ còn năm ngày trước chuyến đi, tôi mới chính thức được bổ sung vào danh sách đoàn Việt kiều từ năm châu đến với Trường Sa. Khỏi nói, tôi vui thế nào. Bạn bè, người thân khi biết tin đều chúc mừng cho tâm nguyện của tôi đã thành sự thật. Đúng lúc tôi đang chạy nước rút để đi, thì nhận được lời mời của câu lạc bộ bóng bàn Berlin - một nơi hết sức thân thiết với tôi - đến dự khai trương khu thi đấu mới. Lúc tôi đến, phía trên đã bày biện bàn ghế, phông, hoa, băng rôn chuẩn bị sự kiện ngày khai trương. Sau phần nghị sự, anh Nguyễn Hữu Thọ trịnh trọng mời tôi lên sân khấu nhận quà của câu lạc bộ gửi tặng chiến sĩ Trường Sa. Quá bất ngờ, bởi chính tôi cũng chưa biết đi như thế nào, chưa kịp nghĩ đến quà cáp cho bộ đội ra sao... vậy mà những người ở lại đã chuẩn bị chu toàn tất cả. Nhìn mấy cái vợt, mấy chục quả bóng bàn - một món quà nhỏ bé được đóng gói ngay ngắn, đính logo và lời đề tặng của câu lạc bộ, lại thêm cây vợt to có đầy đủ chữ kí của mọi thành viên kèm lời chúc sức khỏe đến các chiến sĩ trên đảo, lòng tôi cứ rưng rưng.

Lại nhớ, tháng sáu năm ngoái, giữa mùa hè nóng nực của nước Đức, khi ban tổ chức quyên góp vì biển đảo quê hương đang thực hiện cuộc quyên góp tại Trung tâm thương mại Đồng Xuân, chúng tôi cũng bất ngờ nhận được sự ủng hộ của mười lăm thành viên câu lạc bộ bóng bàn Berlin với số tiền 1500 Euro.

Vậy là các anh, các chị không chỉ là một trong số ít các tổ chức hội đoàn tại Đức thường xuyên hoạt động với khẩu hiệu: “Sức khỏe, đoàn kết, để hội nhập và phát triển”, mà trái tim của các anh, các chị còn luôn hướng về quê hương, cội nguồn nhất là nơi biển đảo.
Khi tôi chia tay với anh em câu lạc bộ để về trước, mọi người đều chúc tôi “chân cứng, đá mềm” y như thời tôi vượt Trường Sơn thuở trước. Anh Thọ, chủ tịch câu lạc bộ kéo tôi ra một góc, móc mãi trong cái ví trống tuềnh, trống toàng của anh ra tờ 20 Euro nói nhỏ:
“Hùng mua giúp anh mươi thẻ nạp điện thoại ra tặng mấy chú tân binh nhé. Các cậu lính mới ra đảo là nhớ nhà lắm đấy! Để họ gọi về cho mẹ. Mà nhớ mua của Viettel ấy. Ở ngoài đó anh em chỉ dùng được loại này”.

Tôi định từ chối, nhưng không nỡ. Mươi cái thẻ nạp đem ra, rồi người có, người không, cũng bất tiện. Vả lại, anh cũng đâu có dư dả gì, lại tuổi cao, sức yếu. Nhưng thôi, ít nhiều ở tấm lòng. Đó mới chính là cái mà những người lính nơi đầu sóng, ngọn gió cần hơn cả.
Khi viết đến những dòng này, bất giác tôi nhìn ra chiếc vợt bóng bàn chứa đầy chữ kí của các thành viên câu lạc bộ. Những nét chữ bằng mực mỏng manh trên gỗ sẽ chẳng tồn tại được lâu với sóng gió mặn mòi Trường Sa. Ngay cả con xuồng CHỦ QUYỀN bằng sắt với dòng chữ được khắc hai bên mạn “Quà tặng của kiều bào tại CHLB Đức” sẽ được bàn giao cho quân, dân đảo Song Tử Tây cũng không phải là vĩnh cửu. Cái vĩnh cửu chính là trái tim hàng vạn bà con người Việt ở Đức, trong đó có những thành viên câu lạc bộ bóng bàn, luôn ngày đêm đau đáu hướng về những người trấn hải tiền đồn quê hương.
 
Những người giữ đảo

Chẳng cần nhắm mắt, tôi cũng nhận ra cô ấy trong kí ức mịt mù vì tuổi tác của mình.
Một cô bé mới ngoài đôi mươi, nước da nâu mặn mòi như con gái miền biển. Nụ cười tươi, dáng mảnh mai, gọn gàng trong quân phục văn công quân đội. Trẻ trung, bé bỏng, thế nhưng cô bé ấy lại là cô giáo của chúng tôi, những cán bộ nghiên cứu của viện ngôn ngữ học khi tập văn nghệ tham gia hội diễn toàn Ủy ban Khoa học xã hội năm ấy. Nhiệt tình và nghiêm túc, cô ra dáng giáo viên trước những học trò hơn hẳn mình cả về tuổi tác, lẫn trình độ học vấn.

Khi bước chân vào quán cà phê đã hẹn, tôi vẫn nhận ra cô, dù ba mươi năm chưa một lần gặp lại. Một phụ nữ đã quá ngũ tuần không thể so với sự trẻ trung của cô bé vừa qua tuổi đôi mươi, nhưng nét tươi tắn, tự tin năm nào của cô thì không thể lẫn. Đó là Quỳnh Hợp - diễn viên của Đoàn văn công Phòng không ngày ấy, và nhạc sĩ tên tuổi Quỳnh Hợp bây giờ. Ngồi với nhau, chưa kịp hỏi han chuyện gia đình, nghe nói tôi chuẩn bị đi Trường Sa, câu chuyện lập tức chuyển sang đề tài biển đảo. Mười một album về biển đảo trong đó có những ca khúc nhận được giải thưởng lớn, nhận được sự yêu mến của người nghe, quả là một gia tài không nhỏ. Nhưng điều tôi khâm phục hơn, đấy là cách nhìn của cô với những vấn đề của biển đảo. “Anh đừng nghĩ chỉ những người lính mới là những người giữ đảo. Ngay các anh, những kiều bào hôm nay mang tình cảm đến với Trường Sa, rồi những người không có mặt trong chuyến đi nhưng chắt chiu từng đồng bạc thẫm đẫm mồ hôi, nước mắt gửi ra, cả những đứa con hàng ngày tự mình cắp sách tới trường, và những người vợ chung thủy của những người lính đảo - tất cả chúng ta - mỗi người đều là người giữ đảo. Nếu mỗi trái tim chúng ta không dành cho biển đảo, nếu không có một hậu phương vững mạnh từ đất liền, sẽ không người lính nào giữ được biển đảo quê hương”…

Chỉ còn vài tiếng nữa là tàu nhổ neo. Từ tầng mười hai của khách sạn giữa trung tâm thành phố mang tên Bác, tôi nhìn ra phía trời xa đang rạng những vầng hồng, cứ ngỡ mình đang đứng trên con tàu vỗ sóng vượt trùng khơi, mà tôi, hay trái tim tôi - như người lính - đang hừng hực niềm tin, sức sống tuổi đôi mươi...
 
Nào lên đường!

Đêm 21 tháng 4, đêm đầu tiên trên tàu ngồi với mấy bạn trẻ của đoàn Dầu khí, Văn công Quân đội, hò hát giao lưu tới hai giờ sáng, tôi ngủ ngon đến mức chẳng kịp nằm lắng nghe sóng biển qua cửa sổ tàu như dự định. Năm giờ rưỡi, loa tàu báo thức: “Hết giờ nghỉ, toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu”. Nghe vui và lạ đối với những người từ lâu không sống trong quân ngũ. Sáu giờ lên boong ăn sáng, biển lặng, gió yên, sóng lăn tăn như mặt hồ. Bát phở dù không vàng óng, trong vắt như phở Hà Nội nhưng cũng đủ hành, mùi, chanh, ớt. Gặp mọi người, ai cũng gọi tôi là “ca  sĩ”. Tối trước, trong phần giao lưu văn nghệ toàn đoàn, tôi đã hát bài Về đây nghe em - một bài hát rất hợp tâm trạng người xa nước về thăm quê. Nhịp hát đu đưa cùng nhịp sóng, và trên kia, bầu trời cao rộng giữa biển khơi của Tổ quốc thân yêu... phía dưới ánh nhìn thân thiện của bao bà con đến từ mọi quốc gia, chợt thấy người gai gai vì xúc động. Đang hát mà ứa nước mắt. Bài này, tôi từng hát trên sân khấu cộng đồng người Việt ở Berlin đôi lần, nhưng chưa khi nào cảm nhận được từng câu, từng chữ, lời bài hát thấm thía, tha thiết như lần này. Cũng chưa bao giờ, tôi hát mà lại được mọi người chăm chú nghe, chia sẻ thật lòng đến thế... Chưa khi nào, kết thúc mà được vỗ tay tán thưởng đồng loạt và nhiệt tâm, dù không có bất cứ bông hoa nào đến thế...
hung ly
                                     Chiến sĩ Trường Sa                         Ảnh: Hùng Lý

Đêm 23 tháng 4, chín giờ tối, tàu nhổ neo chạy theo hướng đảo Nam Yết. Ngày mai năm giờ sáng tàu sẽ tới đảo... Lẽ ra phải đi ngủ sớm để lấy sức, nhưng lòng bồn chồn không yên, tôi trèo lên boong, tìm một góc khuất để ngồi. Phía mạn trái, giữa biển đêm đen kịt, một hai điểm sáng le lói của đảo hay của giàn khoan tận tít phía chân trời. Chẳng còn lấp lánh ánh đèn thuyền câu như ở phía gần bờ. Bên mạn phải, biển sáng hơn nhờ mảnh trăng non đã tụt xuống gần mép biển. Mảnh trăng lưỡi liềm mỏng dính nhưng cũng đủ in trên biển một vệt trắng bạc, khiến sóng cũng sáng hẳn lên, nhấp nhô như đuổi nhau. Nhìn trời đêm, một thủy thủ tàu bảo, mai lại sẽ là một ngày nắng gắt. Nghĩ đến nắng lại sợ. Một ngày trần mình trong nắng để đi thăm đảo Song Tử Tây và đảo chìm Đá Nam hôm nay đã khiến mặt và hai cánh tay tôi đỏ rực như bị bỏng. Một ngày thật nóng nực, mệt mỏi và gian nan. Nhưng hễ hỏi, chẳng ai kêu mệt. Ai cũng bảo rất vui. Họ không thật lòng ư, cả những người phụ nữ yếu ớt chưa từng chịu gian khổ? Không phải. Họ cũng như tôi, mệt và gian nan nhưng chẳng ai nỡ nói ra. Một hành trình chỉ tám ngày, thấm tháp gì với những người lính đảo, nhất là những người lính trên các đảo chìm đang bám biển, giữ đảo, họ đâu chỉ một ngày, một tuần mà một năm, hai năm... thậm chí thời gian không xác định. Không phải chỉ chịu đựng sóng gió, họ còn phải chịu đựng cô đơn xa người thân, xa những khát khao bình thường nhất của con người. Bên họ, còn có cả những hiểm họa luôn rình rập. Nói theo cách của họ, một cách hết sức nhẹ nhàng từ chính miệng người chỉ huy trưởng đảo chìm Đá Nam, một thượng uý trẻ măng dáng như thư sinh: Chúng tôi chấp nhận  hi sinh vô điều kiện để bảo vệ đảo...

Đối diện và sống bên cạnh những người như thế, ai nỡ kêu ca.
 
Bàng vuông ở Trường Sa

Trước khi tôi, với tư cách biên tập viên báo mạng nguoiviet.de và Phạm Mạnh Cường, nhà quay phim, đi Trường Sa, anh Thế Sáng, nhà thơ cộng đồng người Việt ở Đức, cứ dặn đi dặn lại: “Ra đấy mấy anh em cố tìm và chụp hoa bàng vuông về cho bà con xem nhé. Tiếc quá, lần tôi đi không có thời gian để tìm”. Nghe lời anh, cũng là nguyện vọng của bất cứ người nào ra đảo, nên vừa đặt chân lên đảo đầu tiên là Song Tử Tây, tôi đã thăm dò mấy chàng lính trẻ. Cậu nào cũng bảo ở đây hiếm bàng vuông lắm. Ra đến đảo Nam Yết, cây cối xanh bời bời như đất liền, hỏi đến bàng vuông, cũng vẫn lắc đầu. Ở đây cũng có, nhưng đến được đó khá xa. Thế là đành chịu. Hành quân theo đoàn, chương trình có sẵn như kế hoạch tác chiến. Đâu phải đi du lịch mà thả sức lùng sục bàng tròn với bàng vuông.

Đến đảo Trường Sa Lớn, thủ phủ của huyện đảo, chương trình dày rịt hơn chạy sô. Chẳng còn hồn vía nào mà đi tìm bàng. Lúc ngồi nghỉ uống nước thư thả bỗng ngửa mặt lên nhìn trời. Không thể tin vào mắt mình. Đúng là lá bàng nhưng dải dài thuôn và cũng mọc thành chùm như lá hồng xiêm. Thấp thoáng trong đó, những chùm nụ và hoa nhang nhác như hoa bưởi. Có một bông đã nở, bốn cánh trắng ngự trên đài hoa màu xanh. Đặc biệt, từ trong lòng hoa tua tủa những sợi mảnh như những dải kim tuyến màu hồng trùm lấy nhụy.

Biết tin bàng vuông có hoa, lập tức kiều bào ngồi nghỉ quanh đấy xúm đến chụp ảnh. Đang bàn tán sôi nổi, có chú lính vệ binh trẻ măng đi qua chỉ sang phía đối diện bảo: “Qua đường băng sân bay, ở đấy cháu thấy một cây có quả bàng đã to bằng nắm tay, hoa cũng nhiều hơn”.

Tôi và Cường vội chạy sang. Ngay cạnh mấy dãy nhà lính xây khang trang bằng gạch là một cây bàng to như bàng cổ thụ ở Hà Nội, sum suê bóng mát. Nhìn lên cơ man là những chùm trắng múp. Cường ra sức săm soi và quả nhiên phát hiện một quả non ngay trong tầm với. Một quả bàng vuông với đúng nghĩa của từ vuông. Tức là có thể nhìn thấy bốn mặt phẳng trên thân quả. Tôi vít một cành bàng có một bông hoa đă nở để chụp ảnh, bông hoa lập tức lả tả rã cánh, rơi nhụy. Một sĩ quan hải quân đứng bên cạnh bảo: “Kiếp hoa bàng vuông không khác gì kiếp hoa quỳnh. Cũng tối nở, sớm tàn. Các anh muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp lúc mới nở của hoa bàng vuông phải chờ đến chập tối. Lúc 6 - 7 giờ”.

Tối đó tôi mải vào chùa xin chữ sư trụ trì viết lên hòn đá hình trái tim mà tôi tìm được trên bãi biển trắng bờ sóng vỗ của Trường Sa nên không có dịp ngắm hoa bàng vuông nở. Lòng ngậm ngùi tiếc nuối.

Lúc đoàn kiều bào từ đảo về đất liền, tập kết ở khách sạn Kingston giữa Thành phố Hồ Chí Minh, tôi chợt nhìn thấy ba cây bàng vuông được chiết, những chiếc rễ trắng đã chọc ra khỏi bọc đất, của ai đó mang từ Trường Sa về ở tiền sảnh. Đúng rồi, chỉ có cách đó, cách nhân giống bàng vuông trên cả nước để cây bàng vuông Trường Sa cũng như cả quần đảo Trường Sa nơi mênh mông biển sóng cách mấy trăm hải lý mãi không xa nơi đất liền, không xa trong tình cảm của những kiều bào ngàn dặm cách biệt.
 
Đảo chìm hiên ngang nơi đầu sóng

Về đến Hà Nội, tôi kể cho nhà mình nghe về những gì tôi nghe thấy, nhìn thấy ở Trường Sa. Về tiêu chuẩn nước ngặt nghèo chỉ có 4 lít một ngày cho một người lính trên đảo chìm và nhà giàn DK1, về những cây rau cải, rau dền xác xơ vì thiếu nước trong những căn nhà gỗ trên đảo. Cho mọi người xem những tấm ảnh tôi đã chụp, bỗng cậu em rể, nhà điêu khắc Trần Hiếu Lễ chỉ vào một bức ảnh reo lên: Ô, bác Hùng chụp ảnh với thằng Tùng nhà mình này. Tôi hỏi lại: Tùng nào? Thì chính là cậu bộ đội chụp với anh ở đảo chìm Len Đao đấy. Ở nhà gọi nó là Tùng. Là con thằng Thân, em ruột em. Tên đầy đủ là Trần Đức Trung, là lính điều khiển ra đa. Thì ra, đó là người lính hai mươi tuổi quê Ninh Bình mà tôi đã gặp và phỏng vấn trên đảo chìm Len Đao. Tiếc là cuộc gặp mặt đó không được biết trước. Nhưng cũng lại vui vì cuộc gặp mặt ngẫu nhiên diễn ra thật hiếm hoi. Ở đất liền đã hiếm, ở đảo chìm càng hiếm hơn.

Đảo chìm Len Đao chính là hòn đảo gần nhất, đối mặt với đảo Gạc Ma, nơi đã bị phía Trung Quốc chiếm giữ bằng vũ lực trong sự kiện ngày 14 tháng 3 năm 1988. Bằng mắt thường cũng nhìn thấy đảo. Bằng ống nhòm càng thấy nó lừng lững như một quả núi với những cây cần cẩu vươn dài, những tàu hộ vệ tên lửa gầm gừ đe dọa. Trong khi đó, Len Đao chỉ là hòn đảo chìm bé bỏng như con tàu đang hiên ngang rẽ sóng. Trên đó là những chàng lính trẻ, tuổi mới đôi mươi như Trần Đức Trung mà tôi đã gặp. Một chàng trai chưa có người yêu và có cái nickname trên FB rất nhắng: Trần Như Nhộng.

Nhà giàn DK1 - đành hẹn lại lần sau

Ngày 27 tháng 4, ngày thứ 7 của hải trình, ngay từ đêm biển đã động dữ dội. Sóng đánh trào lên cả các ô cửa sổ nơi giường nằm. Ghé mắt nhìn, sóng như đánh thẳng vào mặt. Tàu lắc mạnh. Nằm trên giường tầng, cảm giác như người bị lăn qua lăn lại. Năm giờ ba mươi sáng, đến giờ ăn trời lại mưa lớn. Bát mì tôm nấu với giò cho mỗi thành viên của đoàn cũng phải bê về từng phòng. Bảy giờ sáng, lễ tưởng niệm các liệt sĩ hi sinh trên thềm lục địa biển phía Nam vẫn được tiến hành. Tàu chao mạnh, mọi người chạng chân bám chắc sàn tàu, ứa nước mắt nghe Chuẩn đô đốc Đỗ Minh Thái nghẹn ngào đọc lời tưởng niệm. Sau lễ dâng hương và thả hoa cho các liệt sĩ hi sinh ở thềm lục địa phía Nam, từ biển mọc lên một cầu vồng rực rỡ, gần tới mức như nhìn thấy nó mọc lên từ ngay khoảng biển trước mặt. Mấy phút sau khi cầu vồng thứ nhất vừa nhạt màu thì cầu vồng thứ hai còn rực rỡ hơn xuất hiện ngay bên cạnh. Mọi người bảo đấy là điềm báo các liệt sĩ hiển linh.

Tàu tiếp tục đi. Đến giờ tiếp cận với nhà giàn mà biển vẫn động mạnh. Những con sóng cao đến ba, bốn mét đập vật vã vào chân nhà giàn. Chỉ huy đoàn hội ý rồi quyết định chỉ chọn hơn chục người đại diện chuẩn bị áo phao, nai nịt gọn gàng để lên nhà giàn, trong đó có trưởng đoàn công tác, phóng viên và kiều bào. Biết đi sẽ là nguy hiểm, nhưng không ai trong số những người được cử tỏ ra nao núng. Thậm chí vẫn có người vật nài trưởng đoàn để được đi. Để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đoàn công tác, đích thân thuyền trưởng tàu kiểm ngư theo đoàn đã quyết định đi tiền trạm. Mọi người hồi hộp dõi theo. Nhiều phút trôi qua, con xuồng nhảy chồm chồm trên sóng lớn mãi mới tới chân nhà giàn rồi chồm chồm mãi mới trở lại tàu. Quyết định cuối cùng được đưa ra là không thể lên được nhà giàn vì sóng quá lớn. Tuy thế, đội văn nghệ của đoàn vẫn lên phòng chỉ huy biểu diễn và giao lưu với các chiến sĩ trên DK1 qua bộ đàm. Quà tặng của đoàn công tác số 6 sẽ nhờ tàu kiểm ngư chuyển lại sau.

Trong khi giao lưu, phía đoàn kiều bào vài chị đã khóc. Tiếc vì bà con từ bao quốc gia lặn lội ra thăm mà không thể gặp. Càng xót xa hơn khi nghe thấy tiếng của nhau, nhìn thấy hình hài nhau tưởng trong tấc gang mà biển trời, bão tố khiến mọi người cách mặt. Trưởng đoàn công tác số 6 ông Trần Đức Mậu cũng không kìm nén được cảm xúc đã bật khóc thành tiếng. Ông bộc bạch: Với tư cách trưởng đoàn, tôi thấy mình có lỗi vì đã không thực hiện được tâm nguyện của kiều bào. Họ đã vượt hàng chục ngàn cây số để về nước, lại lênh đênh trên biển mấy ngày chịu sóng gió, trong đó có cả những phụ nữ chân yếu tay mềm, cả những tiến sĩ, giáo sư tuổi đã “thất thập cổ lai hi”. Họ chịu đựng tất cả cũng để mong gặp gỡ, chia sẻ cùng anh em chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió, vậy mà... Thuyền trưởng tàu 561, quyết định chạy một vòng quanh nhà giàn DK1/7 để bà con kiều bào kéo dài thêm giây phút chia tay với cán bộ, chiến sĩ nhà giàn. Tất cả bà con đứng hết mạn tàu bên phải giơ tay vẫy và đồng thanh hô đi, hô lại: Tạm biệt các anh, chúng tôi yêu các anh, hẹn gặp lại. Mắt ai cũng rưng lệ. Các anh cũng chạy quanh nhà giàn, hướng theo con tàu, vẫy tay, hò hét. Nhưng tiếng sóng biển ầm ào khiến không ai trên tàu nghe các anh nói gì. Chỉ thấy màu áo trắng hải quân, những cánh tay cứ vẫy mãi, vẫy mãi cho đến khi chiếc nhà giàn chông chênh bé teo chìm khuất trong mịt mù sóng biển.
 
Điều có thật ở Trường Sa

Tôi hẹn với em ấy từ trước cho một chuyến đi rất khó gặp trong cuộc đời. Một mình đã khó, để đi cả hai cùng lúc càng khó hơn. Như hái sao trên trời. Chuyến đi Trường Sa mùa biển lặng, tháng 3 bà già đi biển. Tôi vốn dân viết, em ấy vốn dân quay phim. Trước khi có tên trong danh sách đoàn, hai anh em đã bàn bao việc. Anh viết gì, em quay gì. Như nhìn thấy biển cả xanh ngắt nơi mũi tàu, hải âu cánh trắng bay theo ngang trời và ánh mắt nhìn yêu thương của những người lính đảo, da sạm nắng, bàn tay nắm chắc súng.
Sau những trục trặc về thủ tục, tưởng em đi đường em, anh đi đường anh, cuối cùng, chúng tôi cũng thỏa ước mong. Cùng có mặt ở cảng Cát Lái nhổ neo cho một hải trình tám ngày của đoàn công tác số 6 – đoàn kiều bào từ mười chín quốc gia về thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 trong những ngày cuối tháng 4 năm 2015.

Những ngày lênh đênh trên tàu, hay những lúc bận rộn, vất vả khi thăm đảo, tôi đều thảnh thơi với một túi da nhỏ bên sườn, nhẹ nhàng với Iphone 6 plus chụp hình, tạo dáng. Ngược lại, em hùng hục như thằng xe thồ. Bên máy quay, bên máy ảnh cồng kềnh đèn đóm, dây dợ. Đằng sau còn khoác cả một ba lô phụ kiện. Rồi chạy trước, chạy sau. Lúc trèo cao chụp xuống, lúc tụt tận dưới thấp chụp lên. Người ta ăn uống, hát hò phô diễn, em lặng lẽ quay quay, chụp chụp. Người ta ngủ ngon lành, em cần mẫn nạp thu, chỉnh sửa từng bức ảnh, từng khuôn hình.

Các phóng viên, báo chí truyền hình chuyên nghiệp trong nước đi theo đoàn tác nghiệp, đều có nhóm dăm, ba người. Người quay phim, kẻ chụp ảnh, người cầm máy, kẻ bê chân. Mỗi em đơn thương độc mã, chạy ngược, chạy xuôi dưới nắng, dưới gió, vừa quay phim, vừa chụp ảnh, mũ chẳng dám đội, mồ hôi chảy thành dòng. Đôi khi ái ngại, tôi thử xách hộ cái ba lô. Không ngờ nó nặng đến thế. Ít nhất tới hai lăm cân. Bê được vài chục mét là thở dốc. Em nhìn tôi còn ái ngại hơn: “Em đeo quen rồi, thôi để em”. Mà tôi không mang được thật. Nhất là lúc sóng to lên xuống xuồng để vào đảo. Hai chiến sĩ hải quân kéo tay mà ống đồng còn va vào thành xuồng thâm tím, bước vào lòng xuồng rồi sóng còn đánh cho ngã dúi dụi, nói gì mang vác nặng.

Cứ như thế qua tám ngày của một hải trình. Lúc nào em cũng hùng hục, xông xáo, xốc vác. Lúc nào tôi cũng nhẹ nhàng, thảnh thơi. Còn hát hò, giao lưu lời hay ý đẹp trên sân khấu. Hôm tổng kết đợt công tác, tôi được tuyên dương xuất sắc toàn đoàn. Lại được lãnh đạo đoàn gắn huy hiệu Chiến sĩ Trường Sa trước sự chứng kiến của cả tàu. Trong lấp lánh của vinh quang, của ánh đèn, tôi nhìn xuống. Em vẫn lặng thầm thu vào ống kính những khoảnh khắc cho đời, cho người mà không hề suy bì cho mình.

Trước, trong và sau chuyến đi, tôi không tin mình sẽ viết được gì ra tấm, ra món dù lòng tôi đầy cảm xúc, nhưng tôi tin em sẽ có những khuôn hình, những thước phim truyền lại cho người xem, nhất là những người chưa từng đặt chân tới, thấy những gì đang có ở Trường Sa, thấy sự gian nan và ý chí quyết tâm giữ gìn biển đảo của quân, dân nơi đầu sóng ngọn gió như chúng tôi đã chứng kiến trong những ngày ở đảo.

Hôm nay nhìn 568 bức hình của em trong một album dù chỉ qua mạng cũng làm tôi nôn nao nhớ biển, bâng khuâng nhớ người. Album như một phóng sự tương đối đầy đủ và sinh động về Trường Sa, về đoàn công tác số 6 thăm Trường Sa. Từ gương mặt trẻ trung hồn nhiên của người lính đảo khi đứng gác đến giọt nước mắt trên má của một nữ Việt kiều bên nghĩa trang, từ sóng biển hai màu ôm đảo chìm, bông hoa bàng vuông thẩm được cả hương sắc đến đôi chim câu ấm áp đậu trên mạn thuyền như khát vọng hòa bình của người dân biên đảo... Đó là tất cả tình cảm, mồ hôi, cảm xúc của em ấy đối với biển đảo quê hương.

Một người làm rất nhiều, luôn đòi hỏi sự hoàn thiện một cách khắt khe, băm băm, bổ bổ với những sai trái, bất công nhưng lại kiệm lời khi nói về mình. Em rất ngại nếu ai đó gọi mình là nhiếp ảnh gia hay nhà quay phim, dù em đã học hành bài bản cả ở Việt Nam, cả ở Đức, đã làm nghề điện ảnh tới ba chục năm và là con nhà nòi, nhà quay phim nổi tiếng - NSƯT Phạm Ngọc Lan.

Người em đó là Phạm Mạnh Cường. Một Việt kiều ở Đức. Một người ra đảo và hành xử giống như một người lính. Người xứng đáng được đeo huy hiệu Chiến sĩ Trường Sa mà không cần ai gắn hộ.
H.L
 
 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)