. DƯƠNG DUY NGỮ
Tôi với anh tuy cùng làng, lại cùng nhập ngũ với nhau một ngày, cùng vào một trung đoàn pháo cao xạ, vậy mà ngót bốn mươi năm, chúng tôi mới gặp nhau. Ngay từ lúc lấy quân, chúng tôi mỗi người đã về một đại đội. Được chừng nửa tháng, chưa kịp chụp chung kiểu ảnh mặc quần áo lính mang quân hàm binh nhì như đã hẹn từ nhà để gửi về quê cho mẹ, đã lại nghe anh được chọn đi học lái xe. Mà học lái xe thời đó là oách lắm, vinh dự lắm. Vinh dự cho cá nhân mình đã đành, vinh dự cho cả gia đình, làng xóm, họ hàng nữa. Phẩm chất đạo đức con người ấy phải thế nào, bố mẹ, người thân phải thế nào mới được tổ chức chọn lựa giao cho cả một tài sản vô giá gồm một chiếc xe zin ba cầu, một cỗ pháo cao xạ năm mươi bảy milimét cùng bảy anh lính pháo với toàn bộ mấy cơ số đạn...
Chứ cái loại bố mẹ có chút tì vết như tôi, ai tin cậy. May lắm không chết bom, chết đạn qua những trận kịch chiến với máy bay Mĩ thì suốt đời cũng chỉ được giữ chân pháo thủ. Do vậy, cả làng tôi, nhập ngũ cùng đợt ấy những bảy anh em mà chỉ mỗi mình anh, xin nhắc lại, mỗi mình anh, được chọn đi học lái xe. Oai quá! Tự hào quá!
Mãn khoá, anh được bổ sung cho một tiểu đoàn vận tải. Nghe nói, đơn vị này đêm đêm luyện tay lái vượt qua gò đồi để bổ sung cho chiến trường. Lại càng tự hào. Thời ấy, ai được ra mặt trận là phấn khởi lắm. Chúng tôi, ai nấy đều háo hức mong ước có một ngày nào đó được như anh.
Thời gian qua dần đi.
Mọi người đều bị cuốn vào cơn lốc lửa mịt mù, chúng tôi chẳng còn thời gian nghĩ đến nhau, chứ đừng nói đến chuyện gặp nhau.
Sau ngày đất nước thống nhất, tôi chuyển đi làm báo, viết văn, thời gian cũng có phần co giãn hơn. Một đôi lần về làng thăm bố mẹ vợ con, tôi cũng không quên đến thăm gia đình và hỏi thăm anh. Bố mẹ anh khoe anh không còn lái xe tải mà chuyển lái xe con cho ông gì đó to lắm. Rồi anh đưa vợ con xuống Hải Phòng cho gần nơi anh công tác. Đến bữa được ăn cơm nhà. Đến giấc được nằm ôm lưng vợ. Thật mãn nguyện. Thật thoả chí trai.
Mãi tới xuân rồi, làng mở hội. Các cụ bảo, ngót sáu mươi năm, làng mới lại tổ chức nên các gia đình có con cháu, anh em ở gần ở xa đều được thông báo từ trước Tết Nguyên đán để sắp xếp về dự. Do đó, tôi mới có dịp gặp lại anh. Chúng tôi là trai làng, lẽ thường không được ngồi ăn uống giữa chốn đình chung. Ở đó, chỉ dành cho khách khứa, các bô lão và một vài đồng chí lãnh đạo chủ chốt của xã. Nhưng vì chúng tôi ở xa, lại có chút công tích xây dựng quê hương nên được làng ưu ái. Sau, tôi mới biết anh cũng góp trên ba triệu đồng để sơn son thếp vàng một cỗ kiệu. Từ xa, tôi đã nhận ra anh, dẫu rằng mái tóc đã bạc trắng, chân tay lẩy bẩy, phải có con giai dìu từng bước vì mới trải qua cơn tai biến mạch máu não. Còn tôi, do phong trào “trẻ hoá cán bộ” nên vừa mới tân trang mái tóc thành màu đen. Tôi không nói gì, cứ lẳng lặng xem anh có nhận ra tôi không. Ngồi vào mâm một lát thì người thứ ba nháy mắt về phía anh, rỉ tai tôi, ông có nhận ra ai đó không? Tôi gật đầu. Quả là anh đã quên tôi. Đến khi người ta lần lượt giới thiệu những người ngồi cùng mâm, bắt đầu từ tôi thì anh giơ bàn tay run run lên phía trước ngăn lại. Đừng, đừng nên nói rõ tên từng người. Cứ để chúng tôi tự giới thiệu, tự nhận ra nhau. Trai làng cả í mà. Nhưng anh vẫn thú nhận không còn nhớ tôi. Rằng trông tôi trẻ quá, phong độ quá. Thế cái vết sẹo ở trên trán là do ông bị thương ở trận nào? Lại còn mấy cái răng cửa bị mẻ nữa... Tôi không dám nghĩ là ông, còn ông, có nhớ tôi là thằng nào không? Tôi cười bảo, ông còn nhớ lần hai thằng ta đi ăn trộm vải của các cụ ở chân núi Chùa không? Ông bảo tôi đứng dưới trông bò để ông leo. Không may ông bị sẩy chân ngã đánh uỵch một cái, nằm thẳng cẳng trên mặt đất, hai mắt cứ trợn ngược lên. Tôi sợ quá lắp bắp: Chết! Chết thật rồi. Khi tôi vừa mới kêu to lên, ới làng nước ơi, có người chết thì ông ngồi nhỏm dậy bảo, tao chưa chết, tao chỉ đau điếng người không thể nói được thôi.
Nghe tôi kể lại chuyện cũ, cả mâm cười ầm. Anh cũng cười, nụ cười méo mó và dị dạng, rồi vừa huơ huơ bàn tay run rẩy ra phía trước vừa khó nhọc cất từng lời: Giỏi, trí nhớ của ông siêu thật! Thế mà tôi cứ ngỡ ông đã quên tôi.
Sau khi cơm no rượu say ngoài đám làng, chúng tôi về nhà người em ruột của anh. Anh hớp một ngụm nước trà chế loãng, ngồi thừ người ra một lát, đôi mắt không còn vẻ tinh anh của một người đã vượt qua bệnh tật, nhìn ra xa xăm mà lại như chả nhìn gì cả. Anh bảo, những năm ở Trường Sơn, đã có lần nào ông vượt ngầm Suối Trắng chưa? Anh thủng thẳng méo mó buông từng lời, dẫu chưa hẳn đã là sự nhắn nhủ cuối cùng của bè bạn thì cũng là lần đầu tiên Bính bật nút dốc bầu tâm sự với tôi. Anh hi vọng tôi sẽ có một cái gì đó để viết về cung đường, theo anh là đẹp nhất mà anh đã trải qua.
Dạo đó tuyến đường ấy vừa mới được mở đến cây số mười ba, mười bốn. Bính có nhiệm vụ lái chiếc xe zin ba cầu, chạy thử. Trên thùng xe chở gạo, rau, mắm muối để tiếp tế cho đơn vị bộ đội mở đường. Mà cũng chỉ chở năm mươi phần trăm trọng tải. Đã bước vào mùa mưa, những trận mưa rừng có khi đột ngột ào ào một vài giờ rồi dứt hạt, có lúc lắc rắc, lai rai, suốt cả ngày qua đêm đến nẫu ruột, cung đường ngoài vết bánh xe máy ủi và xe lu chưa hề có vết bánh xe tải lăn qua. Nó được chặn lá nguỵ trang rất cẩn thận. Cậu Hợi phụ xe đi trước, vừa dẫn đường vừa nhổ những cành nguỵ trang đặt ngang xuống hai bên làn đường cho xe bò đi đỡ bị lầy lội. Vậy mà mặt đường vẫn nhão nhoẹt như thửa ruộng mới bừa xong. Trước khi lên đường, đồng chí chỉ huy động viên Bính, khó khăn vất vả đấy, cậu cố gắng đi đến nơi về đến chốn, cố gắng chạy lấy một chuyến kẻo mùa mưa bộ đội thiếu ăn, phải gùi, thồ. Cuối tháng, màn đêm đen đặc mông lung. Bính bật đèn gầm cho xe vừa đi vừa dò dẫm y hệt một chú sên. Một chú sên khổng lồ cõng trên lưng mình những bao tải gạo. Nhiều đoạn Bính đã tưởng không sao qua nổi, phải hai ba lần cài số một, rồ ga. Chiếc zin gầm rít, bánh xe quay tít, nhưng vẫn đứng ỳ một chỗ. Cậu Hợi vứt biết bao nhiêu bó lá nguỵ trang vào bánh sau nó mới chồm lên nổi. Xe đi. Xe bị rệ. Xe bị sa lầy. Đó là chuyện bình thường. Rất bình thường. Cuộc đời anh lái xe nào chả qua. Chiếc xe của Bính đến ngầm Suối Trắng thì không tài nào đi nổi nữa. Thời ấy ngầm đã làm gì có tên. Cái tên Suối Trắng là do Bính và Hợi đặt cho rồi theo miệng cánh lái xe, thanh niên xung phong, lính công binh truyền cho nhau mà thành.
|
Minh họa: Ngô Xuân Khôi |
Cậu Hợi hốt hoảng kêu toáng lên, anh Bính ơi xe sắp bị lật rồi. Một bánh sau không bám đường.
Bính tắt máy, mở cửa xe, nhảy xuống. Mưa réo ầm ầm như đổ cây nước. Bính cầm chiếc đèn pin trong tay cậu Hợi, chạy ngược lại phía sau, chúc đèn bấm công tắc lia một lượt. Sống lưng Bính lạnh toát. Hai bánh phía sau cùng, bên phải, chênh vênh trên thành vực, chiếc xe như nghiêng hẳn về một phía, nước mưa đang sôi réo xả từng tảng đất, chẳng mấy chốc chiếc xe của Bính sẽ lăn xuống vực. Bính chạy vội lên đầu xe, giật cửa buồng lái, lấy khẩu AK báng gấp sau đệm ghế ra, bắn ba phát liên tục. Đó là tín hiệu cấp cứu khẩn cấp. Tiếng nổ vừa dứt, Bính đã nghe râm ran ở đâu đó tiếng nói, tiếng cười rúc rích, tiếng bước chân tậm toạt vì đường dốc và trơn. Toàn tiếng con gái. Chẳng rõ các nàng trú mưa, trú gió ở đâu mà thính tai thế, mà bảo nhau ra nhanh đến thế.
Chợt vang lên tiếng của một nàng nào đó, khản đặc, hẳn nàng là chỉ huy, phải hò hét hơi nhiều. Lại sụt sùi, mưa gió thế này dễ bị viêm họng lắm. Từ xa, còn khuất trong những tán lá rừng, nàng đã ra lệnh cho lái xe không được bật đèn gầm và đèn pin mà lộ bí mật.
Bính nhảy lên buồng lái tắt công tắc đèn gầm. Trời khép lại tối đen, đông đặc tựa như miếng thạch, tưởng có thể cắt ra từng lát.
- Xe của anh làm sao? - Vẫn cái cô nói tiếng khản đặc hỏi.
- Có nguy cơ bị lật.
- Anh cho xe nổ máy đi. Cả anh lái phụ nữa. Lên xe đi.
Cậu Hợi nhảy lên xe, sập cửa lại, bảo:
- Mấy đứa này lạ thật. Tại sao nó phải dồn cả em lên xe?
- Sao cậu không túm lấy cái cô giọng khản đặc ấy mà hỏi?
- Thế còn nói với anh làm gì? Em cứ ngờ ngợ các cô này có chuyện gì bí mật.
- Bí mật cái con khỉ, cậu là chúa đa nghi. Người ta cảnh giác, người ta lo an toàn cho mình thì lại... nghĩ vớ nghĩ vẩn.
Cậu Hợi chưa thật thoải mái về kết luận của Bính. Nhưng rõ ràng chẳng muốn cãi vã, cậu ậm ờ trong cuống họng, rồi chú tâm theo dõi...
Chỉ một loáng đã nghe các cô buộc xong dây cáp vào bađờxốc. Trong tiếng mưa rơi, tiếng gió đập cây rừng xào xạc, tiếng máy nổ xình xịch, Bính vẫn nghe râm ran tiếng các cô phân công nhau đứng vào vị trí, đóng thêm cọc, vứt những bó củi dự trữ, bó lá xuống chỗ lở. Rồi tiếng khản đặc của cô gái nọ vang lên như một mệnh lệnh:
- Cài số đi! Hai ba nào! Hai... ba... nào!
Các cô vừa đẩy, vừa kéo, vừa hò cho chiếc zin của Bính nhích dần lên. Có cô nào đó vừa trượt chân ngã văng xuống mặt đường đánh oạch. Tiếng xuýt xoa. Đau quá, đau quá. Em bị sai khớp chân rồi. Mặc! Ai ngã cứ ngã, cứ tự nguyện ra khỏi đội hình. Còn ai kéo cứ kéo... vẫn những tiếng xuýt xoa xen lẫn tiếng cười rúc rích. Cô khản giọng nhắc:
- Cười vừa thôi. Chú ý vào. Hai... ba... này...
Bính đã về số, đạp hết chân ga. Chiếc zin gào rú rồi chồm lên hung dữ như con hổ sập bẫy, vùng vẫy cố hết sức thoát ra. Các cô mất đà ngã oành oạch. Hợi giục:
- Bật đèn gầm lên anh. Họ đổ hết cả rồi.
Xe đã thoát nạn. Bính cảm thấy thương các cô quá chừng. Lồng ngực anh đập rộn rã. Bính nghĩ, mưa gió thế này, làm quái gì có máy bay máy bò mà sợ lộ bí mật. Nếu mình không chấp hành mệnh lệnh của cô gái khản giọng bật đèn gầm ngay từ đầu có phải các cô ấy đỡ vất vả không? Lúc ấy, Bính bảo, anh chỉ nghĩ được có thế, mà không biết rằng...
Một quầng sáng vàng nhoè từ gầm xe vừa hắt ra xiên xiên qua những hạt mưa lấp lánh... lập tức những tiếng kêu thất thanh cũng vang lên: Tắt đèn đi! Tắt đèn đi!
Tay Bính run rẩy cầm chén nước trà loãng để nguội ngắt lên chiêu một ngụm, chép chép miệng. Nhìn Bính hôm nay, chả ai nghĩ bốn mươi năm trước anh đã lái xe tung hoành qua bao bom đạn...
- Ông có biết tại sao các cô ấy kêu thất thanh như thế không?
Tôi lắc đầu.
Khi khoảng sáng nhoá lên, trước mặt Bính là một dòng suối óng ánh trong như bạch ngọc. Dòng bạch ngọc vỡ tan, bắn tung toé sang hai bên vệ đường. Bính bàng hoàng. Trống ngực loạn nhịp. Bính không còn tin ở mắt mình. Đèn gầm tắt phụt. Phải một lúc lâu Bính mới lấy lại được bình tĩnh.
Tất cả bọn họ đều trần truồng.
Đêm ấy, chiếc xe ba cầu của Bính đã tai qua nạn khỏi. Toàn bộ gạo và thực phẩm được đưa tới đơn vị mở đường ở tuyến trong. Mấy ngày sau, Bính mới biết vừa vào đầu mùa mưa mà trời đã đổ cây nước dai dẳng, dữ dội quá. Các cô đêm ngày vẫn phải bám mặt đường. Quần áo đều sũng nước. Đêm đêm, các cô thường vắt kiệt để hơ lửa, hi vọng sớm sau sẽ có một bộ quần áo se se mặc để lên tuyến. Hôm ấy, giữa lúc đang hơ quần áo thì nghe thấy ba phát đạn cấp cứu chát chúa của Bính...
Cung đường Suối Trắng ra đời từ đấy. Mặc dù ở đó chẳng hề có con suối, cái ngầm nào cả. Chính các cô thanh niên xung phong đã tạo thành tên cho dòng suối.
Bính dừng lời. Hai mắt đỏ hoe. Tôi đã chứng kiến biết bao sự hi sinh của đồng đội, của anh chị em thanh niên xung phong, nhưng quả thực, chưa từng nghe, từng biết về sự tích Suối Trắng, một dòng suối không hề có suối...
Mấy đứa con Bính giục bố lên đường. Bính lừ mắt bảo, mấy chục năm nay tao mới gặp bạn. Tối nay tao sẽ ngủ ở nhà. Chúng mày cứ đi trước cả đi.
A, thì ra cái khẩu khí của lính xế ở Bính vẫn thật ngang. Ốm tới mức đi một bước còn phải có con dìu mà vẫn bất cần, đòi ở lại nhà một đêm để chuyện với tôi.
*
* *
Mùa khô năm ấy, 1968 - Bính kể tiếp. Trả hàng xong, trên đường trở ra, chiếc xe của tôi bị tắc ống dẫn xăng. Loay hoay mãi mới tìm ra bệnh. Đến gần đoạn Suối Trắng, trời đã sáng rõ. Linh tính như báo chuyện chẳng lành, giật mình, ngước nhìn vòm trời trước mặt. Giữa những đám mây xám rách tơi tả, một chiếc F4H nhô ra. Trong chốc lát, lồng ngực tôi bị nén lại đến tức thở. Đã bao phen vào sống ra chết, nhưng chưa lần nào tôi bị bất ngờ như thế. Đánh mắt sang bên rìa đường, thấy một cái khe cạn, lòng vừa đủ rộng cho xe lăn bánh và ở phía trên, lá rừng lợp kín như vòm cống, tôi liền đánh xe vào.
- Dừng lại!
Một cô gái xuất hiện đột ngột như từ trên trời rơi xuống đứng sừng sững trước mũi xe của tôi, hai tay bắt chéo giơ lên đỉnh đầu. Cùng lúc ấy, lũ F4H cũng sùng sục gầm réo. Thật hú vía! Tôi coi như không nghe, không biết cô có mặt ở trên đời này, ở trước mũi xe của mình, cứ dận ga cho xe lao tới.
- Dừng lại! Dừng lại!
Cô gái hét to nhưng khuôn mặt, dáng đứng tuyệt nhiên không biến đổi. Phải nói, cô ta cũng vào loại đáo để, gan lì và chắc là đã va chạm với cánh lính xế chúng tôi nhiều rồi. Chiếc xe khựng lại ngay sát người cô. Tôi thò đầu ra cửa buồng lái, hỏi bằng cái giọng thật nhún nhường. Một khi cánh lái xe chúng tôi đã phải chịu hạ mình, ắt là chuyện không vừa.
- Có việc gì thế đồng chí?
- Tôi đã lệnh dừng xe sao đồng chí còn đi?
- Máy bay nó gầm gào, tôi không nghe rõ.
- Thế bây giờ nghe cho rõ này: Lùi ra!
Cô gái khoát tay, dõng dạc. Tôi giật thót người. Mồ hôi vã ra như tắm. Tôi không tin ở tai mình. Nhưng đó là sự thực. Một sự thực tàn nhẫn. Lùi xe ra đường lúc này khác gì đặt cá lên thớt. Tôi quay lại:
- Đồng chí thí tôi à?
- Nếu cần.
Cô ta nói, giọng lạnh lùng khô khốc, cặp mắt như bắn ra những tia lửa.
Chao ơi, có lẽ trên đời này không gì dữ dội bằng khi đàn bà nổi giận. Lúc ấy, có lẽ tay quay maniven cũng phải chảy ra thành nước vì cái nhìn nóng bỏng ấy. Nhưng tôi vẫn không thể cho xe lùi được. Tôi sợ xa nó. Xa vĩnh viễn. Ít ra, tôi cũng đã đánh bạn với nó từ khi nó vừa ở kho ra, màu sơn còn bóng loáng. Bây giờ kính đã rụng hết, vòng tay lái đã rạn chân chim, chắn bùn cũng không còn. Nó đã cùng tôi chạy suốt từ Bắc vào Nam, từ Đông sang Tây qua vòng lửa đạn. Tôi nhờ nó. Nó dựa tôi. Tôi nói vậy, có thể có bạn không tin, nhưng quả thực nỗi lòng tôi lúc ấy là như vậy. Bây giờ kể lại dài dòng, chứ lúc đó, mọi việc diễn ra nhanh lắm.
- Khẩn trương!
- Không lùi!
- Mệnh lệnh!
- Không có cái thứ mệnh lệnh đốt xe của người ta.
- Thế có thứ chiến sĩ vô kỉ luật không?
Tôi giận sôi ruột. Ông tưởng tượng xem một thằng xế như tôi đường đường là đấng mày râu lại bị một cô gái có cái mặt còn non choẹt dồn vào thế bí, chịu làm sao nổi. Thế mới biết lòng tự ái của con người ta ghê thật.
- Có lùi không?
- Không lùi!
- Xuống.
Chỉ mong có thế, tôi tắt máy mở tung cửa buồng lái nhảy xuống, bụng mỉm cười. Trong khi đó, không tìm thấy mồi, lũ F4H gầm réo sôi sục. Chúng xăm pháo khói tới tấp xuống khu rừng. Một quả rơi trúng tuyến đường rẽ vào con suối cạn này. Cô gái đáo để nọ leo ngoắt lên buồng lái. Cô ta mở máy, lùi xe. Thế có hại tôi không? Đến nông nỗi này, tôi chỉ còn có nước chui xuống đất. Ngày mai, ngày kia, tiếng tăm cái anh chàng lái xe cứ tưởng là bướng bỉnh mà hoá ra hèn nhát này sẽ bay đi khắp các tuyến đường. Con người ta có thể chịu khổ, chứ không thể chịu hèn, chịu nhục. Tôi có sống cũng như chết, sự thực tôi đã chết ngay từ lúc này rồi. Sau phút giây bất ngờ, choáng váng ấy, tôi kịp nhận ra rằng chỉ có hành động, phải hành động mới mong cứu được danh dự của mình. Tôi lao tới, giật cửa buồng lái.
- Để tôi!
Tôi vừa nói vừa kéo cô ta xuống. Uất muốn trào nước mắt. Vừa lùi tới rìa đường, một quả pháo khói nổ ngay trước mũi xe. Bọn F4H rút xoèn xoẹt. Và bom, và người tôi chao nghiêng đi, tôi không còn biết gì nữa...
... Tôi tỉnh lại ở một đội phẫu thuật của binh trạm. Hai mắt bị hơi bom và bụi đất sưng mọng không sao mở được.
- Anh đã tỉnh? Suốt từ hôm qua cái Cúc nó cứ ra ra vào vào hỏi anh đã tỉnh chưa? - Tiếng cô hộ lí hỏi.
- Cúc nào?
- Em tưởng anh biết nó?
Cô hộ lí trả lời rồi bỏ đi. Đầu óc tôi vẫn nặng trĩu. Đau nhói từ hai hốc mắt chói ra sau gáy, tôi lịm dần. Không biết chừng bao lâu, cảm giác mặt nóng như chạm vào ngọn lửa, tôi cố nhướng đôi mắt sưng húp nhìn ra phía trước. Một cô gái ngồi ở cạnh giường tôi từ lúc nào.
- Anh thấy trong người thế nào?
- Tôi hơi mệt.
- Anh ăn chôm chôm nhé. Chúng em để phần anh.
Miệng khô bỏng, đắng ngắt, tôi đón từ tay cô từng quả chôm chôm đã bóc hết vỏ. Vị chua chua ngòn ngọt thấm dần vào gan ruột. Giống như đứa trẻ sau khi ngủ đẫy giấc được bú no nê, tôi cảm thấy khoan khoái tỉnh táo hẳn. Cô là ai? Cô Cúc? Hay...
- Anh giận em lắm phải không?
- Không - Tôi buột miệng trả lời - Tôi chỉ buồn vì cô hiểu lầm tôi. Tôi chỉ tiếc chiếc xe chứ không phải tôi sợ.
- Em biết. Nhưng không còn cách nào khác vì phải giữ bí mật, an toàn cho kho.
Tôi giật mình:
- Kho à? Sao cô không nói với tôi ngay từ đầu.
Bây giờ, đến lượt tôi bối rối. Trong óc tôi thoáng hiện lên cái lòng khe, dưới lớp lá khô rải vội còn ẩn hiện những vết hằn in hình đường răng của lốp xe mà lúc rẽ vào tôi đã nghi hoặc. Nhưng đầu óc tôi thật là lú lẫn. Có thế mà tôi... Nếu cô gái không cương quyết, không, nếu cô không biết lái xe thì sự thể sẽ ra sao? Lúc ấy tôi có hối cũng muộn rồi.
Tôi bảo:
- Cảm ơn em nhiều.
Cô gái cúi xuống cười, nụ cười xí xoá và tinh nghịch như hiểu thấu nỗi lòng tôi. Khi xa em, tôi luôn bị nụ cười ấy ám ảnh như một thứ bùa mê. Thế mới lạ. Tôi mong ước được gặp lại em, muốn được nhìn mãi nụ cười ấy.
Sự đời cứ thích éo le. Sau ngày xe bị cháy, tôi tạm thời phụ đạo cho một tay lái mới, đồng thời chỉ huy quán xuyến cả tiểu đội. Tôi chẳng có lí do gì để dừng ở Suối Trắng. Cái khát vọng gặp Cúc đành phải nén chặt xuống đáy lòng. Giống anh chàng nghiện thuốc lào đã chôn điếu xuống... Mỗi ngày, vào lúc ráng chiều cháy đỏ cánh rừng, lúc đoàn xe của tôi vượt ngầm qua chỗ chiếc xe bị cháy, bao giờ tôi cũng ngóng ra cửa buồng lái, hi vọng sẽ nhìn thấy Cúc. Nhưng chẳng lần nào thấy bóng dáng em. Có một lần tôi nhìn thấy ẩn hiện trong lớp sương mù mờ ảo là hai cô gái lạ đang ngồi đánh chắt trên vạt cỏ xanh. Tôi chợt nhớ đến quả núi Thày quê tôi. Trên đỉnh có một phiến đá phẳng và rộng bằng chiếc chiếu. Các cụ bảo đấy là bàn cờ tiên. Khi nào cõi trần gian có biến thì tiên xuống cứu nhân độ thế. Những lúc chưa cần ra tay, các vị thường ngồi trên đỉnh núi đánh cờ. Phải chăng hai cô gái đánh chắt này chính là hai tiên nữ đang cứu nạn ở trần gian, trước hết, cứu những ai bị bất trắc trên cung đường này? Thì kia, các cô đang ngự trên một áng mây xanh đó thôi. Lại nhớ vào những buổi mai, tôi thường gặp bên bờ suối, giữa làn hơi sương bốc ngùn ngụt, các cô thanh niên xung phong đứng gỡ tóc, soi mình xuống mặt nước. Duy có một lần, tôi mải vui chuyện với cậu lái nên quên không để ý là đã về đến dòng suối quen thuộc. Và chính vào lúc bánh xe trước chớm đến bờ ngầm, tôi chợt thấy ánh lên từ mặt nước xao động một nụ cười xí xoá và tinh nghịch, mà tôi hằng mong mỏi. Tôi vội ngó ra cửa buồng lái, sóng nước đã khoả tan đi tất cả. Giữa đám sương bốc nghi ngút kia chỉ thấy thấp thoáng hai cô gái đứng chải đầu.
Rồi dịp may cũng đã đến.
Trước khi về Hà Nội nhận xe mới và báo cáo thành tích Chiến sĩ Quyết thắng, tôi được nghỉ hai ngày. Việc đầu tiên, tôi tìm đến đại đội thanh niên xung phong của Cúc. Ông đã bao giờ nhìn thấy trong hơi sương bảng lảng của một buổi sớm tinh mơ, cả một đại đội con gái chải đầu bằng mười đầu ngón tay đứng chật lòng suối chưa? Bởi trong những căn nhà hầm nằm rải rác dọc bờ suối, ở khá xa đường tuyến, cả đại đội chỉ còn vài mảnh gương bé bằng ngón tay cái cùng vài chiếc lược vừa gãy đôi vừa gãy răng. Nếu như tôi biết làm thơ, viết văn như các ông nhỉ. Nhưng thôi, hãy trở lại chuyện tôi đi tìm Cúc. Tôi hỏi tên Cúc. Các cô ấy cứ ngớ ra.
- Anh hỏi Cúc nào mới được cơ chứ?
Một cô bước ở suối lên, gương mặt bừng sáng, mấy sợi tóc mai còn ướt bên thái dương. Tôi cảm giác, vào mỗi buổi mai, sắc đẹp của người con gái thường bừng lên rực rỡ, sau khi đã rửa mặt, chải đầu ông ạ. Cô ta bảo:
- Đại đội chúng em có những bốn Cúc kia.
- Cúc biết lái xe.
- Cúc nào cũng biết lái xe!
- Cúc... Cúc...
- Chính chị ấy là Cúc đấy! - Các cô ở dưới suối léo nhéo.
- Này, đừng có đùa! - Cô tiếp chuyện tôi quát các bạn.
- Cúc... Cúc...
- Anh thử nói xem người nó thế nào?
Tôi đứng ngơ ra giữa những tiếng cười phá lên của các cô. Hai tai tôi nóng rực. Vẻ mặt tôi lúc ấy chắc là ngây ngô lắm. Tôi xấu hổ, ngậm ngùi tìm cách tháo lui. Nhưng khi biết tôi sẽ ra Hà Nội thì các cô ùa đến quanh tôi. Họ nhờ tôi mua các thứ vặt vãnh. Một cô đứng ra ghi tên, những ai mua gì và thu tiền. Tôi liếc qua bản danh sách. Đại đội này có những bốn Cúc thật: Cúc Đào, Cúc Nguyễn, Cúc cao, Cúc trắng.
Hơn một tháng sau. Trở lại đại đội của Cúc, trên vai tôi gánh toòng teng năm mươi tám chiếc túi xách giả da, bên trong đựng lỉnh kỉnh những kim, chỉ thêu, đèn pin, gương lược, khăn tay, xà phòng đánh răng, mà tôi đã mua cóp từ lúc đặt chân đến Hà Nội. Thứ nào cửa hàng bách hoá không có bán tự do thì vật nài, nói khó với những người có tem phiếu. Bảo mua cho chị em ở chiến trường. Rằng tôi có danh sách kèm theo đây.
Các cô tíu tít ùa ra đón tôi như đón mẹ về chợ. Họ nhận các thứ của mình, cảm ơn rồi túa vào rừng, ra bờ suối soi gương, chải tóc, xem túi xách... của nhau. Rồi khen. Rồi cười. Rồi đấm nhau thùm thụp... Chỉ còn mình tôi đứng trơ ra với một chiếc túi xách. Một lúc lâu chả thấy ai đến nhận, tôi hỏi rõ to:
- Các bạn ơi, cái túi này của ai?
Nghe tôi hỏi, các cô đang vui, cười ríu rít, chợt đứng chết lặng và tiếng nức nở bật lên, bật lên không dứt.
Hoá ra cái túi xách còn lại ấy là của Cúc Đào. Cô hi sinh vào một buổi chiều dắt xe vượt cửa khẩu qua bãi bom nổ chậm. Đồng đội đã đem thi hài cô an táng trên đỉnh quả đồi mọc toàn cây săng lẻ ở cây số 64, sát biên giới Việt - Lào.
Những đêm đẹp trời, ngước trông lên đồi cây cao và thoáng ấy, ta thường bắt gặp sao trời về đậu chi chít trên lá cành. Và gió, từ những cánh rừng phẳng đại ngàn bên kia biên giới ùa về lồng lộng. Đã thành một thói quen, trước khi vượt khẩu, các lính xế chúng tôi đều tắt máy, xuống xe đứng nghiêng mình tưởng niệm Cúc và đồng đội đang yên nghỉ tại đây.
Chúng tôi nghiệm thấy rằng lần nào ra trận cũng đều gặp may mắn. Duy tâm ư? Không! Một trăm lần không. Đó là lời hứa của chúng tôi với người đã khuất. Do vậy chúng tôi càng quyết tâm vượt mọi khó khăn, ác liệt, cướp lấy thời gian, cướp lấy thời cơ, tránh được mọi hiểm nguy. Còn hôm nào vì một lí do gì đấy mà lãng quên, một lúc nào đó chợt nhớ, thì cái ý nghĩ quên bạn kia, cứ lẩn quẩn day dứt mãi...
Trên chặng đường của chúng ta ra mặt trận thời ấy, đã có biết bao nhiêu chiến sĩ thầm lặng ngã xuống nhỉ? Ông là nhà báo, ông đã thấy ai tổng kết chưa?
Bính dừng lời ở câu hỏi ấy. Và bây giờ thì tôi đã hiểu về cái kỉ vật thiêng liêng của anh - cái túi xách giả da mà anh vẫn giữ đến bây giờ
D.D.N