. LẠI VĂN LONG
Tôi với chiếc xe đạp thồ rắn chắc chở một cặp bình gas kềnh càng sau phoócbaga, sườn trước là túi đồ nghề lỉnh kỉnh đi bán bóng bay dạo. Chiếc xe kiếm cơm của tôi đậu ở ngã tư trung tâm thị trấn ngày thường vốn rất sầm uất. Nhưng bấy giờ là sáng mồng một tết Tân Dậu (1981), Tây Nguyên nắng trong, gió hiu hiu se lạnh. Các cửa tiệm vẫn đóng im ỉm, vài nhà bày mâm cúng trước sân, tiếng pháo đón chào năm mới râm ran khắp khu phố vắng vẻ. Xác pháo tả tơi vương vãi từ các vỉa hè được gió lôi ra lê lết trôi giữa mặt đường cùng bụi bặm, mùi pháo nồng đến khó thở...
Tôi mở van bình gas, bơm bóng rồi cột lại, treo lên thành một chùm lớn đủ hình thù, màu sắc, giống như một bông hoa khổng lồ, kiêu hãnh giữa nắng xuân. Đây là thứ hấp dẫn nhất của đám con nít. Từ cửa sổ các căn lầu nhìn ra ngã tư, các thiên thần đã thấy điều kì diệu, quyến rũ ấy. Chúng la oai oái hoặc reo hò hối mở cửa, rồi nắm tay người lớn lôi chạy đến xe bóng bay. Trong sáng mồng một tết hôm ấy, tôi là ông già Noel đáng yêu nhất của lũ trẻ. Có đến mấy chục đứa vây quanh hò hét: “Con lấy quả bóng to màu trắng”, “Con muốn con thỏ màu hồng”, “Con thích con cá màu xanh”, “Trái bầu màu vàng này của con”... Tôi rút lia lịa từng cọng dây cước cột bong bóng trao cho các cô bé, cậu bé rồi nhận lại từng nắm tiền lẻ từ cha mẹ, anh chị chúng, nhét vào cái túi xách đeo trước ngực. Chỉ một loáng, bảy tám chục cái bong bóng bán hết sạch. Lũ trẻ tạm biệt tôi với nét mặt hí hửng, tay cầm “chiến lợi phẩm” reo hò chạy về nhà mình. Tôi lại hì hục pha một bình hơi mới để chờ đợi những cô bé, cậu bé chưa có phần hoặc những đứa mua rồi nhưng ham chơi nên bóng tuột dây bay mất hoặc bị nổ, bị xẹp... Tôi mở nắp một bên bình, đổ bột nhôm, xút và nước vào. Phản ứng hóa học sẽ làm bình nóng lên, chờ cỡ vài chục phút là có hơi, có thể bơm tiếp...
Đối diện chỗ tôi đứng là ngôi nhà ba lầu gắn bảng hiệu lớn “Tiệm vàng Kim Thúy”. Một người đàn ông dắt đứa bé gái chừng tám, chín tuổi đi nhanh về phía tôi. Ông chống nạnh hỏi:
- Bóng nào to nhất?
Tôi rút trong túi xách ra quả bóng đại xẹp lép bằng cỡ cuốn tập. Cô bé trắng trẻo có mái tóc xoăn hơi ngả màu vàng, mặc cái áo đầm xanh da trời có những chấm bi nhiều màu sắc rực rỡ, níu tay cầm bong bóng của tôi hỏi:
- Chú ơi, khi bơm lên nó to bằng chừng nào?
Tôi đưa hai tay thành vòng ôm trước ngực:
- Bằng hai người lớn nắm tay nhau.
Bé lè lưỡi thật dễ thương:
- Eo ôi ghê quá! Nó có kéo con bay lên luôn không?
Tôi lắc đầu cười, bé cũng cười khoe cái răng khểnh xinh xinh. Cô bé có đôi mắt nâu thật đẹp, lông mi dài chớp chớp, biết làm duyên khi nghênh mặt khoe cái nốt ruồi son dưới cằm. Ông bố hỏi con gái:
- Thư của con đâu?
Cô bé rút từ túi áo ra tờ giấy học trò xếp làm tư rồi nói với tôi:
- Chú bơm cái bóng to này rồi cột lá thư của con gửi lên trời cho bà tiên.
Tôi nhìn ông bố. Một cái gật đầu. Tôi đặt cuống bong bóng vào vòi bơm, cười hỏi cô bé:
- Gửi thư cho bà tiên để cầu xin điều gì?
- Con muốn làm... công chúa!
Van được mở, hơi chạy vào bong bóng kêu ro ro, trái bóng to dần lên, cô bé đứng cạnh bịt hai tai, nhăn mặt vì sợ bóng nổ. Khi bóng đầy hơi, tôi cột vào cuống bóng ba cọng cước, lá thư được cột vào cuối sợi dây, dài như cái đuôi cá ve vẩy. Tôi bày cho cô bé cách nắm dây cước để bóng khỏi bay. Ông bố trả tiền mua quả bóng xong, bảo:
- Nào con hãy cầu nguyện điều ước rồi thả bóng.
Cô bé nhắm mắt, mấp máy môi rồi buông tay. Quả bóng to lớn, đỏ rực kéo theo cái đuôi có lá thư vọt thẳng lên trời. Cô bé và cả những đứa trẻ gần đó nhìn theo phấn khích la hét. Trái bóng cứ bay lên, nhỏ dần, nhỏ dần rồi thành một chấm đỏ dưới trời xanh, một lát thì mất hút. Cô bé sung sướng nắm tay ba mình, hỏi:
- Chừng nào bà tiên nhận được thư hở ba?
Ông bố tóc xoăn trán hói, mặc áo khoác da, chân đi đôi sampo dày cộp chắp tay sau lưng nhìn lên bầu trời xa xăm:
- Đường lên trời xa lắm...
Hai cái tết tiếp theo, sáng mồng một năm nào cô bé đó cũng mua của tôi một quả bóng to nhất để thả ước mơ lên trời. Đến tết thứ ba, thứ tư, cô bé lớn phổng lên, gặp tôi mỉm cười giơ tay chào mà không mua bong bóng nữa. Bây giờ đến lượt tôi mơ về chuyện cổ tích...
*
* *
Tốt nghiệp đại học, đi làm vài năm, một chiều giáp Tết Nhâm Thân (1992), tôi đón xe khách từ Bảo Lộc lên Đà Lạt. Chiếc karosa to lớn hơn năm chục ghế ngồi với bốn phía toàn kính sang trọng phóng từ hướng Sài Gòn lên còn dư đúng một chỗ. Tôi khoan khoái ngồi vào cái ghế êm ái, định bụng sẽ ngủ một giấc vì còn hơn hai tiếng nữa mới tới nơi. Vừa chợp mắt thiu thiu thì xe dừng lại, mở mắt ra đã thấy gần chục người rồng rắn kéo nhau lên xe. Một bà cụ chít khăn mỏ quạ, cắp cái bị cói, do thấp bé không với được tay nắm trên trần nên khi xe vọt lên, bà ngã chúi vào cô gái phía trước. Màu bã trầu đỏ lòm cùng với nước miếng của bà lão đọng thành một bụm nhễu nhão trên vai áo trắng muốt của cô gái. Cô vừa xô bà lão ra vừa hét lên kinh hoàng:
- Cái bà già này làm dơ áo của tôi rồi, hôi quá! Thế này thì làm sao đi đám cưới?
Bà lão té chỏng xuống sàn, bao nhiêu cặp mắt nhìn cô gái bất bình, phẫn nộ. Cô vẫn trơ trơ, hống hách, thách thức. Tôi ngồi sát lối đi, vội đỡ bà cụ lên ngồi vào ghế của mình. Giờ tôi đứng đối diện với cô gái, cách nhau không quá một gang tay. Lúc nãy cô vừa lên xe tôi đã giật mình, giờ nhìn lại lần nữa càng tin mình không sai. Nước da trắng mượt mà, mái tóc xoăn hơi ngả màu vàng, nốt ruồi son dưới cái cằm đầy đặn và đặc biệt nhất là cái răng khểnh. Khi cô gào lên mắng bà cụ khốn khổ, chiếc răng vốn rất duyên đó bỗng dài ra, nhọn hoắt như răng nanh. Mặt cô ả và nốt ruồi son quý phái cũng ửng lên, bao nhiêu dữ dằn tràn hết ra, khuôn mặt xinh đẹp bỗng đanh đá đáng sợ.
Anh lơ xe tới thu tiền nhóm khách mới lên. Bà cụ ngồi trong ghế của tôi bốc trong bị cói ra một nắm bạc lẻ nhàu nhĩ, anh lơ xe vuốt từng tờ bạc đếm một hồi rồi trả lại:
- Mới được một phần ba tiền vé thôi, đưa thêm đi cụ!
Bà cụ móm mém lắc đầu:
- Sáng giờ bà xin mới được chừng đó.
Cô gái mặt nhăn nhó, dùng khăn mùi xoa lau bã trầu trên áo rồi chỉ vào bà cụ nói với lơ xe:
- Anh bảo bà đứng lên, em trả gấp đôi tiền vé!
Anh lơ nắm tay bà cụ đỡ lên, tôi đưa tay chặn lại:
- Cứ để bà ngồi đó, tôi trả tiền cho bà!
Cô gái quay sang tôi với ánh mắt khác thường rồi cất giọng mỉa mai:
- Muốn làm anh hùng à? Ở đây không phải sân khấu!
Tôi nhìn lại cô, vừa đau vừa tiếc. Khi nhận ra cô, tôi đã rất mừng. Lúc bà già đi sau lưng cô giữa hai hàng ghế chật hẹp, lố nhố đầu người, tôi đã định bụng sẽ nhường chỗ ngồi cho cô rồi đứng cạnh rủ rỉ kể câu chuyện cô bé thả bóng bay để xin bà tiên được làm công chúa hơn mười năm trước. Và khi xe đến Đà Lạt, tôi sẽ mời cô đi ăn tối, tâm sự với cô tình cảm tôi ấp ủ từ khi cô còn bé... Nhưng rồi cô đã làm tôi hụt hẫng, thất vọng! Cái gì đã biến một cô bé ngây thơ đáng yêu thành một cô gái phách lối, hỗn xược?
*
* *
Sau lần tái ngộ đáng quên đó, tôi vẫn không quên được nàng, dù đôi lúc nhớ lại những cử chỉ của nàng khiến tôi bực mình nhưng cái hình ảnh hồn nhiên của nàng khi thả lá thư lên trời cho bà tiên vẫn làm tôi thấy nhoi nhói khi nhìn những đứa trẻ chơi bóng bay trên hè phố. Hình như tôi đã yêu nàng với một tình cảm rất mơ hồ nào đó và vẫn có ý dò tìm tung tích của nàng. Tám năm sau cuộc gặp gỡ đó, tôi làm phóng viên cho một tờ báo và có chuyến công tác ra Quảng Ngãi. Hai vợ chồng mang ma túy từ Lào về Quảng Ngãi bán thì bị bắt giữ cùng tang vật là mấy trăm viên thuốc lắc. Đó là thông tin về một vụ án mà công an Quảng Ngãi vừa phá được. Tôi sẽ phải đưa vụ này lên báo để tuyên truyền công tác phòng chống tội phạm ma túy. Chiều hôm đó, tôi xin vào trại giam để tiếp xúc và chụp ảnh cặp vợ chồng gieo rắc tội lỗi này. Gã chồng được đưa ra với dáng cao, gầy, xanh xao, mái tóc bù xù, râu ria lởm chởm. Tôi yêu cầu cởi áo để chụp thân hình xăm vằn vện của hắn. Viên quản giáo đứng bên cạnh chép miệng:
- Thằng này là giang hồ thứ thiệt, tiền án tiền sự đầy mình. Mỗi lần vào tù hắn lại xăm ngày kỉ niệm, để tôi đếm xem bao nhiêu ngày nào... một, hai, bốn lần vào tù rồi phải không?
Tên tội phạm giương đôi mắt đờ đẫn gật đầu. Một lát hắn buột miệng:
- Thưa cán bộ, lần này em chưa được xăm...
- À! Vậy là đã năm lần... Nhưng ở đây đừng mơ chuyện xăm!
Chụp hình hắn xong tôi theo quản giáo xuống trại nữ. Cánh cửa sắt dày của phòng giam hé mở. Tim tôi đập thình thịch khi cái dáng cao cao, mái tóc xoăn dài trong đồng phục tù hiện ra trong nắng chiều loang lổ dưới tàng cổ thụ. Mặt nàng bạc phếch, cái nốt ruồi son dưới cằm lung linh như viên hồng ngọc trời phú. Chín mươi chín phần trăm đây là “cố nhân”, cái tôi cần tìm là chiếc răng khểnh. Tôi hít một hơi thật sâu trấn tĩnh.
- Tên gì? Quê quán ở đâu?
Trong buồng giam với ngoài trời có khác biệt khi ra ngoài, mắt nàng nheo nheo trước ánh sáng và tai có phần nghễnh ngãng. Cô đại úy quản giáo trại nữ nhắc nhở:
- Phạm nhân trả lời cán bộ!
Hình như nàng quen và sợ giọng nói này nên giật mình, đứng thẳng người dõng dạc nói to:
- Tôi là Lê Kim Thúy, sinh năm 1972, quê quán Lâm Đồng, bị bắt về tội buôn ma túy...
Mặt đất nghiêng khi nàng mở miệng, tôi ù hai tai khi sực nhớ đến tấm bảng hiệu to, sơn chữ vàng rực trên nền xanh da trời: “Tiệm vàng Kim Thúy”... Thì ra cha mẹ đã lấy tên nàng để đặt cho thương hiệu kinh doanh của mình. Họ phải yêu quý, tự hào về đứa con gái này lắm mới làm như vậy.
Tôi thấy xây xẩm như vừa trúng một cơn gió độc, mắt hoa nhòe nhoẹt, cố gắng lắm tôi mới đưa được cái máy ảnh kĩ thuật số bé tẹo như bao thuốc lá lên bấm vài phát...
Tôi lảo đảo đến ngồi lên cái trụ thấp của hàng rào vườn rau, thấy lưng nàng với mái tóc xoăn phủ xuống khuất sau cánh cửa sắt và tiếng lách cách khi nữ quản giáo khóa buồng giam. Tôi không đủ sức để làm tiếp công việc, phải nhờ xe ôm đưa về khách sạn. Khi chỉ còn một mình với căn phòng, tôi úp mặt vào gối đau đớn. Hình như tôi đã yêu nàng từ rất lâu, yêu nhiều đến mức không thể chịu nổi khi biết nàng đã có chồng và ra nông nỗi này. Người tôi đau quặn như ngàn mũi kim đang chích khắp thân thể.
Sực nhớ lời anh điều tra viên cung cấp tin vụ án trước khi tôi xuống trại giam:
“Cô ấy là hoa khôi một trường trung học, con của một chủ tiệm vàng giàu có. Còn thằng này là tội phạm chuyên nghiệp mới đi tù về, trộm cướp ở đâu đó được ba lượng vàng. Cứ hai ngày nó mang vài chỉ đến tiệm bán và khoe là bác sĩ đang đi chữa bệnh từ thiện cho trẻ em nghèo, bán vàng để mua thêm thuốc, quần áo, sách vở cho các em bất hạnh. Cô ấy tưởng thật nên mê mệt, bỏ nhà theo hắn đi làm từ thiện. Đến lúc hiểu ra thì đã muộn, bị dụ dỗ rồi cũng nghiện ma túy nên phụ thuộc vào hắn...”
*
* *
Tôi làm báo được một thời gian thì giải nghệ và chuyển sang kinh doanh bất động sản suốt mười mấy năm. Đầu năm 2014, tôi lên Đà Lạt để đàm phán mua lại một dự án. Công việc kéo dài suốt hai ngày căng thẳng, cuối cùng cũng kết thúc bằng một bữa tiệc mừng thắng lợi của cả hai bên. Tiệc tàn đã hai mươi mốt giờ, tài xế lái chiếc mercedes maybach trị giá đến mười mấy tỉ đồng đến đón tôi và kế toán trưởng, trợ lí về khách sạn. Khi xe đi ngang qua khu Hòa Bình, sực nhớ một người bạn cũ làm trong ngành công an đã nhắn tôi ghé thăm một quán bánh tráng nướng rất ngon và tôi cũng muốn đi dạo một mình nên bảo mọi người:
- Thả anh xuống đây, các chú về nghỉ trước đi, lát anh tự đón taxi về!
Việc làm ăn xong xuôi tốt đẹp, tôi thấy mình xứng đáng được hưởng một đêm thanh thản, hưởng thú vui đêm Đà Lạt. Đốt một điếu thuốc, tôi phả khói vào sương đêm như mưa bụi li ti dưới ánh đèn vàng vọt, vừa đi được một quãng, chợt nghe có tiếng gọi mời:
- Chú mua giúp chị vài cái bánh đi!
Tôi nhìn lại, một khuôn mặt bừng sáng dưới ánh lửa hồng của cái bếp nướng bánh tráng. Đây là món ăn mới được sáng tác của Đà Lạt. Thịt bằm và các loại gia vị trộn lẫn vào nhau trét lên cái bánh tráng. Trứng được đánh loãng chan lên lớp thịt rồi cuộn lại nướng trên bếp than hồng. Lúc đầu học trò thích, dần hồi cả du khách đến Đà Lạt cũng mê. Mùi bánh tráng thơm ngào ngạt làm ấm cả tiết trời lạnh lẽo. Người đàn bà bán bánh tráng mặc áo măng tô lụng thụng dài quá gối, trên đầu trùm cái khăn và đội thêm cái nón vải rộng vành. Đôi bàn tay thò ra hai ống tay áo với những ngón khẳng khiu, móng tay cụt lủn, xấu xí. Người phụ nữ nhìn tôi bằng ánh mắt đầy hi vọng rồi nhoẻn miệng cười. Tôi giật mình với chiếc răng khểnh lộ ra nơi khóe miệng. Hạt nốt ruồi hồng héo hắt và như đang teo lại vẫn còn dưới cằm. Cái tin nhắn của anh bạn công an không phải vô tình...
Tôi đã mừng rỡ vô cùng khi nhận ra người cũ dù nàng đã già đi nhanh quá. Không choáng váng hồi hộp hay đau đớn như khi vào trại giam gặp nàng lần trước. Lần này tôi nhận ra nàng với niềm vui khó tả cứ như gặp vận may lớn. Dù đang mặc bộ complet đặt may ở Paris và dưới chân là đôi giày bóng lộn kỉ niệm chuyến đi Ý, đồng hồ Thụy Sĩ hơn trăm ngàn đô la, tôi vẫn “vô tư giữa chợ” ngồi xuống chiếc ghế thấp tẹt mà dân gian thường gọi là “cái đòn”, đối diện với nàng qua bếp lò cháy đỏ ấm cúng. Nàng ngượng khi thấy ông khách sang trọng nhìn chằm chằm, càng bất ngờ hơn khi tôi hỏi:
- Hồi nhỏ Thúy gọi anh bằng chú sao bây giờ xưng chị với anh?
Nàng tròn mắt nhìn tôi, lắp bắp:
- Ông... là... ai?
Có hai đứa bé lem luốc, rách rưới đến xin ăn, Thúy ân cần gói cho mỗi đứa một cái bánh nóng hổi. Cô còn tháo khăn trùm đầu lau mặt cho chúng. Hai đứa đi rồi, Thúy dưới mắt tôi lúc này thật dịu dàng, quyến rũ. Trên chuyến xe đò hơn hai mươi năm trước, nếu Thúy nhân hậu, tử tế thế này có lẽ cuộc đời của tôi với nàng đã khác. Nghĩ đến đó tôi thở dài, hỏi Thúy:
- Thúy ra tù lâu chưa? Chồng con ra sao?
Thúy bụm mặt khóc sụt sùi:
- Con không có, chồng chết đã mấy năm, cha mẹ cũng chẳng còn để lo cho mình... May là lúc ở tù Thúy đã cai nghiện được.
Đưa tay áo quệt nước mắt, Thúy hỏi:
- Anh là công an hồi đó bắt Thúy phải không?
Tôi nhìn Thúy, thấy thương xót đến lạ. Trong đầu một ý nghĩ đến rất nhanh, tôi vui hẳn lên nhìn Thúy cười cười:
- Anh không phải là công an. Anh là người của bà tiên cử xuống gặp Thúy!
- Bà tiên nào?
- Hơn ba mươi năm trước, Thúy viết thư cột vào cái bóng bay to gửi lên trời cho bà tiên, nhớ không? Đường lên trời xa lắm nên nay thư mới tới được tay bà tiên...
Thúy cười ngượng ngùng:
- Sao anh biết chuyện hồi nhỏ của Thúy?
- Vì anh đã rất mừng khi bán được quả bóng bay to nhất đó! Anh còn làm Thúy giận khi bênh bà cụ già làm bã trầu ướt áo trên xe khách, còn vào trại giam chụp hình nữa!
- Anh theo em cả đời? Để làm gì vậy?
- Để... thực hiện điều mà em đã xin bà tiên.
Thúy nhìn tôi sững sờ:
- Em đã khổ thế này rồi anh còn đem em ra đùa à?
Tôi đỡ Thúy đứng lên:
- Đường lên trời còn xa lắm, nhưng bay mãi cũng tới thôi em à... Về Sài Gòn với anh, nhé!...
14/1/2015
L.V.L