Bảy mươi năm đầu của Cách mạng

Thứ Tư, 02/09/2015 06:56
. ANH NGỌC

Cái nhan đề bài báo này nghe hơi ngộ nghĩnh, nhưng nó có tích hẳn hoi.

Số là từ xưa, con người thường khát khao sống thọ, nhưng ông Trời lại khắt khe, nói như nhà thơ Xuân Diệu - không cho dài thời trẻ của nhân gian, nên cách nay mười lăm thế kỉ, vào thời Đường bên Trung Quốc, nhà thơ Bạch Cư Dị từng có ý thơ rằng thế gian chết trẻ nhiều lắm, ta nay đã ngoài bốn chục, soi gương có thấy tóc bạc ta cũng không còn thấy buồn... Còn thi hào Đỗ Phủ thì để lại cho hậu thế câu thơ đã thành ra thành ngữ kinh điển mà đến Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn sử dụng, ấy là cái câu Nhân sinh thất thập cổ lai hi, nghĩa là người thọ bảy mươi xưa nay hiếm!...

Than ôi, thương các cụ tiền nhân quá đi mất. Cùng với thời gian, con người đã dày công sáng tạo ra bao nhiêu thành quả khoa học vĩ đại, trong đó có những thành quả về việc giữ gìn, nâng cao sức khỏe và tuổi thọ cho con người. Ngày nay tuổi thọ trung bình ở một nước đang phát triển tầm tầm như nước ta mà đã lên đến bảy mươi mấy tuổi rồi. Còn ở những nước có tuổi thọ trung bình loại cao thì lên đến tám mươi mấy cũng không ít, như Nhật Bản, Australia... Bây giờ một anh chị nào tuổi ngoài bốn chục thì đang là đỉnh cao phong độ về mọi mặt, năm mươi chưa là cái gì nhé, còn sáu chục tuy về hưu ở cơ quan nhưng về nhà rồi, mà có ai chịu ngồi yên một chỗ đâu kia chứ... Ra đường gặp các cụ tuổi 2x, 3x của thế kỉ trước, nghĩa là ngót nghét chín mươi hay hơn nữa, tuy không nhiều bằng “quân Nguyên thời kì đầu” thì cũng không hề lác đác như lá mùa thu. Có cụ còn phóng xe đạp vèo vèo, chỉ thiếu có “đánh võng”. Vào Viện 108 khám bệnh, có dạo tám mươi tuổi trở lên mới được suất ưu tiên...

Bởi thế, gần đây tôi nghe một anh bạn nhà thơ nói rằng gọi tuổi bảy mươi là “bảy mươi năm đầu của cuộc đời thôi”. Hay! Giỏi! Dù cái từ “đầu” ở đây không phải để đếm tới “thứ hai, thứ ba”, nhưng nó mang một nội hàm tích cực vô cùng: Nó nói rằng cuộc sống ở cái phần tiếp theo sau tuổi bảy mươi vẫn tiếp tục giữ nguyên nhịp độ và cung cách... Nó từ chối sự già nua và sự rút lui... Nó mãi mãi tiếp tục mạch đời như muôn thuở...

Và bạn biết không, đó chính là một biểu hiện của cuộc cách mạng trong tâm thế con người!

Vâng, vì với mỗi con người thịt xương trần tục mà tuổi thọ còn khinh cả cái mốc bảy mươi, thì với những cuộc cách mạng của cả một dân tộc, thì tuổi thọ còn kéo tới vô biên. Trước hết vì cuộc đời của một con người dù dài đến đâu cũng không thể so với chiều dài của Cách mạng vốn là một quá trình liên tục và bất tận như bản chất của cuộc sống. Có thể ví cách mạng như một dòng sông – một dòng sông thì không bao giờ ngừng chảy, nếu ngừng chảy thì nó lập tức biến thành một cái hồ, hay một vũng nước, lớn bé gì cũng không thể là một dòng sông.

Bảy mươi năm của Cách mạng dường như trùng khít với bảy mươi năm của đời tôi, bởi vì tôi cũng thuộc thế hệ ra đời suýt soát vào ngày Thu năm ấy:
Đất nước đi qua năm 1945
Cỏ chưa xanh trên mộ người chết đói
Năm ấy tôi lên hai tuổi...


Mấy câu này trong bản trường ca Điệp khúc vô danh như thể dòng khai lí lịch của tôi trước Cách mạng. Từ niên hiệu đó, một trang mới của đứa bé là tôi đã bắt đầu, bắt đầu thậm chí cả khi nó chưa biết nói...

Và thế, tôi chợt nhớ đến bài tùy bút tôi viết cách nay mười năm và cũng để in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội của chúng ta, nhân kỉ niệm 60 năm Cách mạng và Quốc khánh. Tất cả suy nghĩ và cảm xúc của năm ấy bây giờ đọc lại vẫn còn nguyên ở đấy! Nhưng tôi không thể dừng lại với bài viết ấy, với chất liệu ấy..., bởi vì hôm nay tôi đã cách nó thêm mười năm đằng đằng... Liệu cuộc sống ở cái xứ Việt ta đã có thêm điều gì mới hơn chăng, tiến xa hơn chăng, kể từ bài viết của mười năm trước đến hôm nay?

Xin đáp ngay: Dĩ nhiên là có, và còn có không ít, vì như đã nói, cách mạng là một dòng sông không ngừng chảy. Và thêm mười năm qua, dòng sông cách mạng của chúng ta đã chở thêm bao nhiêu nước xuôi về biển cả, trong dòng nước ấy cũng dĩ nhiên có cả phù sa màu mỡ lẫn rong rêu...

Đúng như lối viết một bài tùy hứng bút, tôi sẽ xin lướt qua một vài chi tiết mà bộ não lơ mơ của một nhà thơ còn giữ được, từ những khu nhà cao chót vót mới xây, những ngả đường rộng bát ngát mới mở, những cây cầu hài hun hút và đẹp như tranh mới bắc qua sông..., khó lòng mà đếm cho xuể những đổi thay trong bảy mươi năm, hay gần hơn là trong mười năm vừa qua trên xứ sở này.

 
Toan canh cau Nhat Tan Cung cap IHI Infrastructure System Co Ltd
Công trình cầu Nhật Tân-Đường Võ Nguyên Giáp, con đường đối ngoại quốc gia nối sân bay Nội Bài với trung tâm Thủ đô Hà Nội

Nhưng hôm nay tôi chỉ muốn dừng lại ở một sự kiện ấy là:
Chuyến thăm Mĩ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng theo lời mời chính thức của Tổng thống Hoa Kì Barack Obama. Trong các lời trao đổi nghiêm túc theo quy phạm giữa Tổng thống Hoa Kì và Tổng Bí thư, có một câu nghe có vẻ bột phát vì rất giàu cảm xúc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Hai mươi năm trước chắc không ai có thể ngờ lại có ngày một Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam ngồi trò chuyện với ông Tổng thống Hoa Kì ngay tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng”. Đúng vậy! Thú thực là chắc không có chỉ mình tôi đã vỗ tay cho câu nói thú vị và chính xác này!

Đúng là khó hình dung thật. Với những ai quen nhìn cuộc sống như một thứ mô hình khô cứng, nhất thành bất biến, thì sẽ có thể ngạc nhiên mắt chữ o, mồm chữ a, hoặc lên tiếng phản đối, hoặc chí ít là lắc đầu nhún vai như Tây. Nhưng với rất nhiều người trong chúng ta, thì tôi tin là nếu có thốt lên tí tiếng Tây, thì đó là tiếng “Ok”, và nói chính xác hơn là: Vui!

Vui chứ! Vì rốt cuộc, tất cả mọi lí thuyết cao siêu, triết học cao cấp nào đi nữa thì cũng đều phải ngả mũ trước cuộc sống. Cuộc sống – nói đúng hơn là “quy luật vận động của cuộc sống” – là chân lí tối thượng, và chân lí tối thượng ấy cũng chỉ có một mục đích tối thượng, thuật ngữ gọi là “cứu cánh”, ấy là: “Con người ta sinh ra phải được sống đúng mình, hết mình, sống trọn vẹn và tối ưu cái phần đời mà nó được tạo hóa ban cho trên cõi đời trần tục này”. 

Tôi còn nhớ, nhà thơ Nga Epghênhi Eptusencô từng viết một câu: “Người ta sinh ra để sống, chứ không phải để chuẩn bị sống.”
Thật không thể có gì đúng hơn!

Với cái lõi chân lí bất biến ấy, chúng ta đã dần dà nhận ra rằng, dù quá khứ có là gì đi nữa, buồn hay vui, sướng hay khổ, tủi nhục hay tự hào... thì quá khứ vẫn là quá khứ, và con người cần phải sống với hiện tại, dĩ nhiên, một hiện tại tốt đẹp phải hướng tới một tương lai tốt đẹp...

Trở lại với câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chính xác hơn tôi cũng có thể tin rằng: “mười năm trước chắc không ai có thể ngờ”, vâng, mười năm trước thôi, chứ không cần xa đến hai mươi năm đâu, cái ngày tôi cũng ngồi gõ những dòng văn của một bài tùy bút như đã kể ở trên, trong đầu tôi thật khó hình dung ra một sự kiện như câu chuyện của hôm nay giữa Việt Nam và Mĩ.

Ở trên đời không có nhận thức nào chính xác hơn giữa con người với con người, khi ta ngồi lại với nhau, khi ta nhìn bằng mắt và nghe bằng  tai ta về cái con người bằng xương bằng thịt trước mắt mình, về cái cuộc sống hồn nhiên đang diễn ra quanh ta, mọi nhầm lẫn và ngộ nhận, mọi định kiến và thành kiến rồi ra sẽ bị chính gương mặt tươi cười và tâm hồn rộng mở của cuộc sống xua tan dễ hơn ta hằng tưởng tượng.

Ở đây ta bỗng nghe vang lên không biết bao lần những lời mở đầu trong Bản Tuyên ngôn độc lập lừng danh mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đọc tại cuộc mít tinh hùng vĩ ở Quảng trường Ba Đình lịch sử sáng ngày 2/9/1945, trước quốc dân nước Việt mà cũng là trước nhân dân toàn thế giới. Những lời mở đầu thiêng liêng nhất mang hồn vía của cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 của chính chúng ta ai ngờ lại được người đứng đầu nước Việt Nam mới trích nguyên vẹn từ những bản tuyên ngôn tinh hoa nhất của nước Mĩ và nước Pháp – mà than ôi, lúc ấy đang sắp sửa trở thành hai đối thủ bên kia mũi súng của hai cuộc kháng chiến trường kì của chúng ta!

Cha ông ta xưa dám gọi cả Ông Trời là “Hóa nhi”, tức là “Đứa trẻ Tạo hóa”, thật không oan tí nào! Vì những “trò đùa” tang thương mà đứa trẻ tạo hóa ấy đã gây ra cho loài người chúng ta. Kịp đến lúc Ông Trời tỉnh giấc đùa dai, tức là loài người chúng ta đã bị đẩy đến đoạn “cùng tắc biến, biến tắc thông”, thì lịch sử liền hiện ra với một gương mặt khác hẳn, tươi cười và độ lượng quá chừng.

Chính tôi đây đã ngộ ra điều này khi vào những ngày tháng 4/1975, theo đoàn quân thần tốc đi suốt các chiến trường từ cực Nam Trung Bộ vào Sài Gòn và ra Côn Đảo... Dù cuộc chia li đã kéo quá dài không thể một sớm một chiều hàn gắn cho xong, nhưng cuộc đoàn tụ ngày 30/4/1975 chắc chắn ngoài việc nhờ tài, sức của chúng ta, tôi tin có một thứ tạm gọi là “lương tri cộng đồng” của người Việt chúng ta đã thức tỉnh và hỗ trợ cho bước chân đoàn tụ của cả dân tộc mới đi nhanh, đi êm, đi trọn vẹn đến đích cuối cùng như vậy.

Trở lại với những lời trong bản Tuyên ngôn độc lập của Bác Hồ, ta bỗng thấy dường như đó là lời tiên tri mà hồn thiêng dân tộc đã dành sẵn cho con cháu hôm nay, bởi vậy, khi vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam nhắc lại những lời mà Bác Hồ từng gửi đến nước Mĩ(1) và nhân dân Mĩ cách nay bảy mươi năm với vị Tổng thống Hoa Kì hôm nay, thì nó tự nhiên nhi nhiên và hợp nơi, hợp lúc đến như không thể nào khác được!

Đó là một phút giây có tính lịch sử.
Và đó cũng lại chính là hồn vía của Cách mạng.

Vâng, hồn vía của cuộc Cách mạng mùa thu 1945 mà chúng ta đang kỉ niệm hôm nay, sau một chặng đường đầu dài suốt bảy mươi năm, giờ đã hiện lên trọn vẹn không ở đâu khác, mà chính là trong tinh thần bản Tuyên ngôn độc lập mà Hồ Chủ tịch đã đọc ngày 2/9/1945, như một đúc kết từ tinh hoa lịch sử dân tộc và cả nhân loại. Bởi vậy, trong bản trường ca Điệp khúc vô danh tôi viết từ năm 1983, khi tôi gọi câu nói bất chợt của Bác Hồ “Tôi nói, đồng bào nghe rõ không” chính là một “Bản Tuyên ngôn nằm ngoài Tuyên ngôn”, và tôi nghĩ rằng, sau một phút bàng hoàng, ngạc nhiên, khi cả biển người trên Quảng trường Ba Đình cùng ào lên trả lời Bác Hồ là “Có”, thì tiếng trả lời đó đã bao hàm tất cả: Bằng cả kinh nghiệm sống sâu thẳm của mỗi cuộc đời, mà nhãn tiền là bằng cái chết oan ức của hơn hai triệu người đói khát năm ấy, nhân dân Việt Nam đã cất tiếng trả lời vị lãnh tụ của mình rằng: Chúng tôi đã nghe rõ và hiểu rõ tinh - thần - cao - quý - tột - cùng của bản Tuyên ngôn của Dân Tộc và Con Người... Tôi đã cho phép mình thốt lên những câu sảng khoái nhất trong đời:

Đó là bản Tuyên ngôn nằm ngoài Tuyên ngôn
Người đã nói bằng dịu dàng gương mặt
Bằng vầng trán nhân từ
Bằng chòm râu phơ phất
Bằng nụ cười
Bằng ánh mắt cảm thông
Và nhân dân đã thốt tự đáy lòng
Như bao năm chỉ đợi chờ phút đó:
- Có, thưa Bác, chúng tôi nghe rất rõ!

 
22/7/2015
A.N
---------

1. Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Mĩ H.Truman năm 1946 có đoạn: “An ninh và tự do chỉ có thể được đảm bảo bằng sự độc lập của chúng ta đối với bất kì một cường quốc thực dân nào và bằng sự hợp tác tự nguyện của chúng ta với tất cả các cường quốc khác”...
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)