Chồi mới

Chủ Nhật, 16/08/2015 07:00
. DƯƠNG ĐỨC KHÁNH

Bên ngoại tôi thuộc dòng dõi đế hệ kinh kì. Ngày bé tôi tự hào về họ ngoại tôi lắm. Nhất là tôi có cậu Triêm, em kế mạ tôi, người đã tốt nghiệp Trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt. Năm bảy hai, với ba bông mai sáng chói trên vai, đại úy Tôn Thất Triêm được điều động về quận nhà giữ chức Chỉ huy phó chi khu Đồng Trà. Trường trung học của tôi cách chi khu một trảng cỏ xanh mượt, ngồi trong lớp trông ra cửa sổ nhiều lần tôi thấy cậu Triêm oai vệ bên ngài thiếu tá Chỉ huy trưởng chi khu cùng đoàn tùy tùng lên xuống trực thăng.

Đầu năm bảy ba, sau khi Hiệp định Ba Lê được kí, máy bay của Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Giám sát ngừng bắn bay trắng trời. Cả cố đô hân hoan, tưng bừng đón hòa bình sắp đến nơi. Học trò trường tôi nô nức như bầy bồ chao bể tổ nhao ra bờ quốc lộ. Từng đoàn xe GMC chở đầy tù binh ra bờ sông Bến Hải để trao trả miền Bắc. Người dưới reo hò, người trên xe giơ tay chào. Có người cởi cả áo tung lên trong niềm vui tột cùng với nụ cười trào nước mắt. Rồi từng chuyến xe chở đầy ắp sinh viên học sinh, công chức, nhân sĩ trí thức từ trong thành phố chạy ra hướng Bắc. Từng tốp sinh viên trên xe ôm đàn hát vang Rừng núi dang tay... Huế Sài Gòn Hà Nội... Những cánh tay hai bên đường vẫy cao. Đã có nhiều chiếc xe, kể cả xe quân sự dừng lại, những lời mời hồ hởi: “Ai đi Thạch Hãn đón hòa bình đê!” Một số thầy cô trường tôi với nhiều anh chị lớp 11, 12 liền nhảy lên.

Bỗng lúc ấy, một chiếc trực thăng chao mình phần phật đáp xuống bãi cỏ cạnh chi khu. Tôi nhảy cẫng lên ôm tập vở kéo tay thằng Hiền cắm đầu lao tới. Cả đám bạn lớp bảy của tôi lao theo áp sát cửa máy bay. Chú phi công giơ tay tươi cười chào chúng tôi. (Hình như ngay lúc này, ai nấy đều trong tâm trạng mừng vui tràn ngập.) Tôi nắm tay thằng Hiền giục đại: “Lên, lên đi! Máy bay chở cậu tau đó, sợ chi hè!” Tôi với nó phóc lên trước, rồi cả bọn bu theo. Mấy thằng chạy tới sau đành leo lên đứng ngoài cánh cửa như kiểu đu xe lam đi học. Lúc đó từ cổng chính chi khu, cậu Triêm tôi cùng với hai người Mĩ và mấy người lính bước ra đứng cười lắc đầu. Cả bầy vung tay réo lên: “Bay đi chú! Bay lên, bay ra Bến Hải mau đi chú!” Một chú cười cười nói: “Lũ chúng bay đông quá, chắc phải gọi máy bay Úc Đại Lợi tới chở mới hết! Thôi xuống, kẻo rớt gãy cổ chết bây chừ!”

Mấy chú lính phải mất một lúc dỗ ngon dỗ ngọt mới xua được bọn quỷ nhỏ ra khỏi trực thăng. Tôi chen tới nắm tay cậu Triêm lắc lắc nài nỉ: “Cậu cho con đi với, cậu!?” Cậu xoa đầu tôi cười cười rồi quay qua trao đổi gì đó bằng tiếng Anh với hai người Mĩ cao nghều. Rồi cậu nói to với bọn tôi: “Mấy ông Mĩ không đồng ý. Thôi các con vô lớp lo học đi!”

Trực thăng nổ máy, từ từ cất lên. Gió cánh quạt mạnh như bão cấp 8 thổi cả bọn ngã nhào lông lốc. Nhiều đứa hét “mạ ơi” rồi cố bấu tay xuống cỏ, mặc sách vở bay tứ tung. Một lúc cả bọn lồm cồm bò dậy, quần áo mặt mũi lấm lem, cười một trận nôn ruột nhớ đời!
*
*    *
Sáng ba mươi tết năm đó, cậu Triêm về thăm nhà trên xe jeep có hai lính gạcđờco ngồi sau súng ống lăm lăm. Vừa bước xuống sân chưa kịp chào ông ngoại, cậu bước tới săm soi cây mai đang nở rực rồi vỗ tay mừng rỡ hét lên: “Mai nở bảy cánh! Đúng bảy cánh!” Điềm báo vận may sắp tới. Qua năm mới cậu lên lon thiếu tá là cái chắc! Một “bông mai” bạc sẽ nở trên ve áo cậu nay mai!

Bắt chước người xưa, cậu Triêm lùi một bước, đưa tay phải lên trán hướng về cành mai, không phải cúi lạy mà dập chân chào cái rụp theo kiểu nhà binh. Rồi cậu ra lệnh cho hai gạcđờco lập tức cắt cành mai đưa về chi khu. Cậu rút súng vẩy vẩy vào mặt hai anh lính thị uy: “Làm cẩn thận, có bề gì coi chừng mạng tụi bây đó!”

 
choi moi
Minh họa: Đỗ Dũng

Cành mai được đưa về trưng trong phòng làm việc của cậu Triêm, được nâng niu bài trí như thể “cành vàng lá ngọc” trong điện thờ ở lăng một vị vua. Nhưng tới khi tiếng pháo giao thừa bắt đầu nổ thì oái oăm thay, một bông mai bất giác lìa cành, rơi xuống mặt bàn. Cậu Triêm đập bàn thét lên. Trong tiếng pháo đón xuân đì đùng, cậu rút súng điên tiết nã hàng loạt chỉ thiên.

Mùng ba tết, ông ngoại đang thắp hương lễ thì nghe tin dữ. Đại úy Tôn Thất Triêm bị quân cảnh tới lột lon, còng tay giải đi.

Vẻ mặt ông ngoại đổi sắc, nhưng rất nhanh đã rắn lại như tượng đồng trước bàn thờ tổ tiên. Ông đã biết trước sự việc và hiểu điều gì đến đã đến.

Đó là chuyện của dì Tôn Nữ Diệu Khuê, cháu gọi ông ngoại bằng bác ruột. Cha mẹ dì mất sớm nên được ông ngoại nuôi cho ăn học. Tốt nghiệp trường ngoại ngữ, dì đi làm ở Trung tâm truyền tin. Rồi bỗng rộ lên cái tin động trời: Dì Khuê cặp bồ với một thằng Mĩ và sắp theo nó về nước... Nếu nó thật sự xảy ra thì đây là một vết nhơ bôi vào thanh danh dòng họ. Ông sẽ phải ghi thế nào vào gia phả dòng dõi đế hệ bao đời. Ông bàn với cậu Triêm phải bằng mọi cách dàn xếp trước khi chuyện tới tai người ngoài. Ông nghĩ cậu Triêm sẽ dùng lời khuyên giải điều hơn lẽ thiệt với dì Khuê. Nhưng không ngờ cậu đã chấp nhận đánh đổi cả công danh sự nghiệp để giải quyết sự việc một cách quyết liệt đến vậy...
*
*    *
Hơn năm sau, một buổi sáng, có bóng người đàn ông lù lù ngoài ngõ nhà tôi. Nhìn bộ dạng rách rưới bẩn thỉu như ăn mày, con mực trong nhà phóng ra sủa um lên. Mạ tôi bước ra đứng nhìn người lạ từ đầu đến chân rồi bỗng ôm chầm lấy khóc òa lên: “Cậu!... Cậu ơi!!” Tôi bàng hoàng ngơ ngác một hồi mới nhận ra. Cậu Triêm tôi! Đúng là cậu! Ông đại úy oai phong đường bệ ngày nào giờ gầy gò hốc hác, tóc râu rậm rịt như gã culi bến tàu.

Cậu nói với ông ngoại đang ngồi thần người: “Việt cộng đang ồ ạt tràn vô nội trong nay mai. Đêm qua lợi dụng cảnh lộn xộn, anh em trong tù tổ chức phá khám. Giờ con phải đi gấp!”

Lúc cậu chuẩn bị thay quần áo, tôi lại nắm tay, nằng nặc một hai đòi theo. Mạ tôi với cậu lưỡng lự tính toán. Bom rơi đạn nổ khắp nơi trong thành phố thế này... Mạ lại phải chăm ông ngoại già yếu... Để tôi lại là không an tâm. Vậy là mạ gật đầu.

Cậu Triêm chở tôi bằng chiếc Honda đam màu đỏ sắm từ hồi cậu mới lên trung úy. Trên quốc lộ, từng đoàn người lũ lượt dắt díu, gồng gánh chạy từ phía Quảng Trị vào. Lính tráng lớp trên xe lớp đi bộ thất thểu. Đường sá nhiều chỗ bị tắc nghẽn bởi những chiếc xe tăng đậu chình ình. Luồn lách tới xế chiều hai cậu cháu mới tới cửa Thuận. Không chen được đường chính để ra biển, cậu lái xe chạy tắt bãi cát. Nhưng được một đoạn ngắn bánh xe ì lại. Cậu nói đại với một lão dân chài đang hong lưới trước sân: “Bác cho... gởi xe!” Lão xua tay lắc đầu nguầy nguậy: “Không! Không được!” Cậu nói: “Thôi bác lấy, tui... cho bác luôn!” Ông lão trợn mắt lên hét: “Giặc giã chết chóc bên lưng, mạng người lo chưa xong... Chú có điên không rứa hả?!” Cậu cười cười: “Của cho không lấy thì thôi, chi dữ rứa ôông!” Cuối cùng cậu xô cái xe chổng kềnh giữa cát, nắm tay tôi chạy về hướng cầu tàu...

 Giữa hỗn mang người, cậu bỗng chạm mặt ba bốn tên lính không súng đạn, hình như là thuộc cấp cũ. Nhận ra người chỉ huy mình ngày trước giờ là tội phạm đang trốn chạy, một tên chống nạnh vênh mặt cười khẩy: “Ai như đại úy Triêm cà? Em chào đại úy! Đại úy dám cả gan ‘diệt Mĩ cứu nước’, răng không chờ Việt cộng vô ban thưởng cho, chạy chi cho mệt xác?!...” Cậu giận run tím mặt, vung tay tát cái bốp vô mặt tên lính, quên mất rằng mình không còn uy quyền của vị chỉ huy hét ra lửa ngày nào. Cả mấy tên lính nhảy vô: “Đù má đại úy! Muốn chết ông cho chết!” Cả bọn xúm nhau đấm đá cậu túi bụi. Cậu lách đám đông bỏ chạy. Tôi vừa khóc vừa ôm gói quần áo chạy theo.

Tới cầu tàu thấy cậu đứng trước một chiếc xà lan vẫy vẫy. Xà lan neo cách cầu tàu một khoảng khá xa để nhảy đối với thằng nhóc mười lăm tuổi như tôi. Nhưng không còn cách nào khác, tôi quyết định liều mạng. Tôi bước lùi lấy trớn và phóng rơi đùng giữa sàn sắt xà lan. Mấy người lớn đang đứng ngồi la í ới. Cả quai dép cao su trong chân tôi bật sứt ra. (Thời điểm đó, phong trào mang dép lốp Bình Trị Thiên nổi lên như mốt của thanh thiếu niên cả xứ tôi.) Từ xà lan, từng lớp người hốt hoảng đu theo những sợi dây thừng sang chiếc tàu đậu ngoài xa như một đàn kiến khổng lồ chạy bão. Tôi cũng vớ được sợi thừng thắt nút, trầy trật leo lên được boong tàu cùng cậu. 

Màn đêm bắt đầu trùm xuống cửa biển. Con tàu hải quân rùng mình nhổ neo. Đứng trên boong, tôi thích thú ngây ngất trước biển trời lồng lộng. Cậu Triêm cũng đứng phì phà hút thuốc ngắm trời nước mênh mông. Một lúc sau cảm thấy chóng mặt, bụng dạ cồn lên, tôi ôm bụng nôn thốc tháo. “Say sóng rồi!” Cậu dắt tôi chen chúc qua từng lớp người như nêm, tìm lối xuống khoang. Tôi ngã vật xuống cái bao tải gì đó rồi thiếp đi mê man. Giật mình thức giấc cảm thấy khát nước và bụng đói kinh khủng. Cậu lần trong túi xách ra gói cơm sấy lượm dọc đường. Không xin được nước để cho vào, tôi đành nhai nắm cơm khô rồi nằm vật xuống tiếp. Mờ trời, con tàu hụ một hồi còi và cập cảng Sao Mai của thành phố N. Con tàu há mồm nhả ra một rừng người tả tơi, đói khát...

Mấy ngày sau, thành phố N. lại rùng rùng chuyển động bởi từng loạt pháo kích từ dãy núi hướng tây. Gởi tôi tá túc nhà dì Vân, người kêu ông ngoại bằng bác ruột, cậu đi đâu đó suốt mấy ngày. Chiều đó cậu quay về chễm chệ trước vô lăng một chiếc xe jeep trắng mới tinh. Lúc đầu cứ tưởng vào đây cậu được phục chức chuyển ngành chi đó, bởi loại xe này chỉ dành cho quan cấp tỉnh hàng tá trở lên. Cậu cười cười tỉnh bơ: “Xe lượm!... Mi thích đi máy bay mai cậu lượm cho một chiếc!”

Tưởng cậu giỡn chơi, ai dè sáng sau, cậu chở tôi và dượng Vân lượn một vòng thành phố rồi vào thẳng phi trường. Của cải bị bỏ lại ngổn ngang. Từ xe Huê Kì đủ các hiệu cho tới các loại xe gắn máy Honda, Suzuki, Harley, Vespa Sprint... Và máy bay. Đủ các loại máy bay to nhỏ hàng ngày vẫn thấy trên trời, đang đậu có hàng lối như trong quầy bán đồ chơi. Cậu nói: “Đó, mi ưng chiếc mô tha hồ mà lựa!” Mắt tôi hoa lên, sướng ngây ngất như đang trong giấc mơ. Tưởng tượng ngay mình là anh phi công đang leo lên buồng lái nổ máy và cất cánh bay lên. Nơi tôi sẽ đáp xuống trước tiên là cái sân cỏ thênh thang sau lưng trường trung học Đồng Trà. Tụi bạn từ trong lớp túa ra loi choi lóe chóe. Chúng bây trật tự đàng hoàng, không được leo trèo phá phách máy bay của tau nghe chưa?! Lúc tau chuẩn bị cất cánh không đứa mô được đánh đu phía ngoài. Thằng mô lộn xộn cà trớn tau đuổi cổ xuống hết. Chúng bay thích đi mô?... Chừ hòa bình thống nhất rồi, tau sẽ bay luôn qua sông Bến Hải, chở tụi bay ra Hà Nội chơi một chuyến luôn, chịu chưa?!... Ui dào! Hồ Hoàn Kiếm này! Năm Cửa Ô này! Ba mươi sáu phố phường y như trong sách tả này!... Sướng tới mây xanh chưa, hả lũ quỷ sứ?!... Tau nhắc lại, máy bay ra Hà Nội theo đường chim bay, có nghĩa là bay qua biển, tụi bay mà đánh đu phía ngoài lỡ lọt xuống là làm mồi cá mập! Chớ không phải như đu ngọn cây sung rồi làm bộ thả tay cho rớt ùm xuống sông cười chơi! Hiểu chưa cái lũ khỉ?!

Đang sung sướng mơ màng lung tung, tôi bỗng giật nảy mình bởi một loạt đạn AR15 nổ xé tai cùng những tiếng la hét của đám người phía trước. Một anh lính đang dí nòng súng kéo từng loạt đạn tóe lửa vào cái ổ khóa to đùng của một nhà kho. Cửa được mở, một kho hàng quân tiếp vụ đầy ắp gạo, đồ hộp và nhiều thứ lương thực khác. Một cảnh tượng hỗn loạn chưa từng thấy, người ta xô nhau tràn vô, trèo lên xô đổ đống bao cao như núi. Tốp khiêng tốp vác. Rồi cả xe lam, đasu, ba gác tha hồ chở... Ngồi trên xe nhìn thiên hạ một lúc, dượng Vân với cậu cũng nhảy xuống khuân mấy bao gạo, mấy thùng đồ hộp, đường, sữa cho lên xe. Tất cả các nhà kho đều bị phá cửa, nhưng lúc này người ta lấy những thứ ăn được trước tiên. Tôi rảo vô một nhà kho quân trang quân dụng. Mọi người đang khuân các thứ mền mùng, pôngsô... Tôi thấy người ta lấy nhiều nhất là giường bố xếp của lính, loại sườn nhôm, còn nguyên kiện mới tinh. Tôi cũng vô vác hai cái, định bụng sẽ cho ông ngoại một cái, còn một cái tôi sẽ đặt dưới gốc ổi, buổi trưa nằm học bài, đọc sách thì không gì bằng... Cuối cùng tôi vớ được một thứ vô cùng thích thú, đó là ruột xe, chắc là dành cho xe jeep, GMC gì đó. Thứ này bơm lên mà làm phao bơi thì cả làng tôi chưa ai có.

Vài hôm sau thành phố N. được giải phóng hoàn toàn. Dì Vân nghe tin người ngoài quê tản cư vô, đang che lều trại tá túc dưới làng biển đông lắm. Dì ngồi chia các thứ gạo, đồ hộp... ra từng phần nhỏ, rồi giục cậu đưa dì đi phân phát cho bà con có cái sống qua ngày. Những ngày sau đó, nhà dì như cái trung tâm cứu trợ nạn nhân chiến tranh. Cậu Triêm và dượng Vân có bổn phận đi chở hàng “miễn phí” từ các kho về chất đầy một nhà.
Mấy ngày đó, lực lượng quân quản mang băng đỏ có mặt trên các đường phố làm nhiệm vụ trật tự, kiểm tra giấy tờ và tịch thu các loại “xe lượm”. Cậu nói: “Khi mô họ hỏi thì mình giao nộp thôi, có chi! Công tác cứu trợ lúc này vô cùng cấp thiết, bà con mình đang khổ sở, thiếu đói từng bữa, tranh thủ được ngày nào tốt ngày nấy!” Cậu kêu dì Vân dán lên các thùng hàng dòng chữ “Thực phẩm cứu trợ”. Rồi cậu kiếm đâu được đôi dép râu với cái mũ tai bèo. Mặc đồ vào, cắm lá cờ giải phóng trước mũi xe, cậu cười cười: “Giống xe cán bộ cách mạng thứ thiệt không?!” Lúc mấy anh băng đỏ giơ gậy thổi roét roét, cậu giảm ga giơ tay chào, chỉ chỉ vào mấy thùng hàng: “Các đồng chí thông cảm, xe đi cứu trợ khẩn cấp!”

Hôm đó vừa phân phát hết hàng trên xe, có hai nữ tu đến bên cậu chắp tay nói gì đó thật nhỏ. Tôi thấy cả hai ni cô kéo áo lau nước mắt. Cậu gật gù rồi lùi xe quay về nhà với tốc độ khá nhanh. Cho ba bao gạo, thùng thịt hộp với hai thùng sữa lên xe, cậu nổ máy lao đi. Lần này một tổ quân quản khác giơ gậy từ xa và thổi roét roét dồn dập. Cậu giảm tốc độ... và bất ngờ đánh vô lăng nhấn ga lách cái vèo! “Dừng lại! Yêu cầu đứng lại!” Đoàng! Đoàng! Tôi với dì Vân ngồi sau kinh hoảng thét lên ôm đầu rúc xuống sàn xe sát mấy bao gạo. Dì nắm áo giật, cậu vẫn lách luồn cho xe lao ào ào giữa đường phố như một pha rượt đuổi ngoạn mục trên màn ảnh xinê. Tới cuối con đường có hàng phi lao dẫn ra bãi biển, cậu quẹo gấp vào một cánh cổng có dòng chữ: Cô nhi viện Khải Ân. Xe vừa ngừng, bốn năm ni cô với một đám trẻ ùa ra khóc như mưa. Bao gạo được tháo miệng ngay trên xe. Cậu và dì cùng với mấy ni cô hối hả đun bếp nấu cháo, pha sữa..., tới tối mịt mới lên xe về nhà.

Đêm đó hoàn hồn ngồi nói chuyện, dì Vân trách cậu liều lĩnh quá. Cậu nói: “Tui biết chắc họ chỉ bắn chỉ thiên dọa thôi. Với lại, nghe lũ trẻ mồ côi sắp chết đói, tui...” Dì hạ giọng chầm chậm: “Không khéo... anh phạm tội tiếp... Hôm chừ anh vô đây, anh em mình chưa có dịp ngồi tâm sự nhưng chuyện của anh xảy ra ngoài quê em biết hết. Chị Khuê làm khổ bác, khổ anh... Anh vì danh dự gia đình mà làm chuyện thiệt thân mình...” Dì kéo ngăn tủ đưa ra tờ báo có ảnh tay trung úy Mĩ và cái tít đập ngay vào mắt cậu: Vụ mưu sát một sĩ quan Mĩ của một đại úy Việt Nam cộng hòa.
Đến lúc ấy tôi mới hiểu nguyên nhân cậu Triêm bị bắt.

Đại úy Tôn Thất T. có người em gái họ, một nhan sắc đài các là Tôn Nữ Diệu Kh. Trong thời gian làm việc cho một trung tâm truyền tin, nữ nhân viên xinh đẹp này bỗng chốc phải lòng và có quan hệ với một trung úy Mĩ đang đóng quân ở phi trường P... Đến thời điểm sắp mãn hạn phục vụ tại Việt Nam, viên trung úy này định đưa cô Diệu Kh. về nước mà không có một lễ thức cưới hỏi nào. Vậy là mâu thuẫn bắt đầu xảy ra.

Vì danh dự của dòng họ, tiếng thơm của gia đình, đại úy T. đã tìm mọi cách ngăn cản nhưng cảm thấy không hiệu quả, dẫn đến việc phải dùng biện pháp rắn. Ông tổ chức theo dõi. Cứ tầm bốn giờ chiều viên Trung úy Mĩ một mình lái chiếc DOGE bán tải từ căn cứ về nơi làm việc của cô Diệu Kh. Đại úy thuê bốn tên du đãng lực lưỡng đón lõng ở quãng vắng. Đích thân Đại úy T. mặc sơvin đóng giả người đi honda bị chết máy, gây cản trở cho chiếc DOGE chậm lại. Bốn tên du đãng nhanh như chớp phóng lên buồng lái vặn cổ viên Trung úy Mĩ trói lại rồi giành tay lái... Hơn mười phút sau, chiếc DOGE được cho lao xuống vực cùng viên trung úy Mĩ vắn số!...

Hiện đại úy T. đã bị tước quân hàm, chức vụ và đang bị tạm giam chờ ngày ra tòa án binh.... Vụ án trên là một hồi chuông cảnh tỉnh đối với một số phụ nữ hiện thời, sùng bái vật chất, xem nhẹ thuần phong mĩ tục, dư luận xã hội để nhắm mắt đưa chân theo người ngoại bang...

Đọc xong bài báo, cậu Triêm ngồi thừ, môi mím lại. Rồi cậu lại tiếp tục công việc cứu trợ.
Một hôm đang lái xe trên đường, cậu gặp hai ba anh mặc quần áo bộ đội đang ì ạch đẩy một chiếc đasu cũ kĩ. Trên xe hình như đang chở máy móc dụng cụ gì đó. Cậu dừng lại hỏi han và được biết đó là đội chiếu bóng lưu động của quận. Cậu mạnh dạn bắt tay một anh: “Xin lỗi, tôi có thể giúp... các đồng chí?” Vậy là cậu cùng mấy anh chuyển máy móc qua xe và đưa các anh kịp đến một bãi chiếu.

Rồi mấy hôm sau, không biết cậu trao đổi, “quan hệ hợp tác” với các anh thế nào, trước xe cậu được gắn luôn dòng chữ “Đội chiếu bóng lưu động quận 3”. Và cậu trở thành tài xế thường xuyên, rất “nhiệt tình công tác”. Vài ba đêm cậu lại đưa mấy anh bộ đội trẻ măng từ bãi chiếu về nhà cơm nước. Đồ hộp quân tiếp vụ sẵn đầy nhà, mở nắp là có thức nhắm. Những chén rượu tràn trề được nâng lên. Anh Công, anh Bảo..., những giọng Bắc trong trẻo nghe ngọt lịm: “Xin chúc sức khỏe đồng chí lái xe của chúng ta! Cạn nào!...” Rồi những bộc bạch của một sĩ quan ngụy mang án giết Mĩ cũng theo rượu tràn ra, không ngờ lại nhận được sự đồng cảm của mấy anh Việt cộng: “Rất tán thành hành động của... đồng chí Triêm!”
*
*    *
Gần tháng sau, mạ tôi nhắn tin vô. Ông ngoại đau nặng. Cậu cháu tôi lật đật thu xếp cho một chuyến hồi hương. Cậu tới làm thủ tục giao lại chiếc xe jeep cho đội chiếu bóng và chia tay anh em. Tôi soạn hai cái giường bố xếp với cái ruột xe. Cậu thì chỉ gọn một túi quần áo như hôm ra đi (à quên, còn thiếu chiếc xe Honda đam đỏ quăng dưới bãi biển nữa!)

Chúng tôi bắt xe đò trở về trong một tâm trạng rất lạ. Vừa háo hức, vừa lo âu. Bước xuống xe, cậu Triêm kéo tôi ghé vô ủy ban xã. Chú Bơi xã đội trưởng mang khẩu K54 xệ bên hông nhìn cậu chằm chằm: “Anh từng là đại úy Phó Chi khu Đồng Trà! Răng tới chừ mới ra trình diện?... Bộ... đi chỉ huy tàn quân chống lại cách mạng hử?!” Cậu vừa trình bày vừa móc túi ra hai tờ giấy. Đó là tờ báo nêu rành rọt tội trạng “chống Mĩ” cùng mảnh giấy có đóng dấu đỏ chót xác nhận: Đồng chí Tôn Thất Triêm đã có quá trình phục vụ lái xe cho Đội chiếu bóng lưu động quận 3, thành phố N. Trong giai đoạn khó khăn, đồng chí đã tích cực công tác và đã giao nộp một xe jeep của chính quyền cũ cho cơ quan để tiếp tục phục vụ tuyên truyền chính trị, văn hóa cách mạng... Nay đồng chí xin nghỉ việc về quê đoàn tụ với gia đình. Đề nghị quý địa phương quan tâm giúp đỡ! Chú Bơi gật gù rồi vỗ vai cậu: “Thôi, anh cứ yên tâm về nhà cho bác mừng. Chúng tôi sẽ giải quyết trường hợp của anh sau!”

Tới đầu xóm, hai cậu cháu khoan khoái xuống bến vục nước rửa mặt. Giữa trưa hè, tụi bạn đang lặn ngụp như bầy rái cá dưới sông. Tôi vỗ bịch bịch khoe cái ruột xe đang ôm trên người. Tụi nó xúm nhau giật chạy: “Mô sướng rứa mi! Để tụi tau đi bơm, mi vô nhà chút rồi xuống tắm nghe!”

Hai cậu cháu rảo bước về nhà và bỗng giật mình đứng nép vô hàng dậu. Từ trong ngõ, một chiếc jeep Liên Xô đang chạy ra. Tôi ngóng vô xe thấy ba bốn chú với một o bộ đội. Nét mặt cậu Triêm biến sắc. Không lẽ quân giải phóng biết tin cậu Triêm về nên đưa xe vô bắt?  

Đợi chiếc xe đi qua, cậu Triêm kéo tôi chạy vội vô nhà. Mạ tôi mừng ôm hai cậu cháu khóc từ ngoài ngõ. Mạ nói nhỏ với cậu: “Dì Khuê mới về thăm... Dì chừ mần chi to lắm!”
Chúng tôi bước nhẹ lên nhà, thấy ông ngoại ngồi trên bộ tràng kỉ, chẳng có vẻ gì đau ốm cả. Trên bàn có gói kẹo gói trà chi đó. Ông đang chăm chú đọc một cuốn sách. Nét mặt ông vẫn nghiêm nghị. Lúc cậu chào, ông chỉ giương mục kỉnh rồi trao cuốn sách đang đọc cho cậu và mỉm cười bí ẩn.

Cuốn sách còn thơm phức mùi giấy có tựa đề Những bông hồng trong lòng địch. Cậu lật mấy trang và sững người trước chân dung một phụ nữ xinh đẹp trong trang phục sĩ quan. Ngỡ ngàng một lúc cậu cháu tôi mới nhận ra: dì Diệu Khuê!

Cậu Triêm gấp cuốn sách và bước ra sân đứng thẫn thờ. Trước mặt cậu là cây mai. Vết cưa của cành mai nở cái bông bảy cánh nay đã liền da và mọc ra những chồi mới xanh rờn...

Tháng 4/2015
 D.Đ.K
  
                    
  
 
                                               
                      
 
                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                        
 
 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)