Những chuyện chép ở bệnh viện

Thứ Sáu, 28/08/2015 06:59
. PHAN CUNG VIỆT
1.
Cuộc đời vốn có những hạnh phúc vui buồn không sao nói được. Như tôi đang ngồi đây và đang làm cái việc dự định từ lâu nay, từ ngày còn là bệnh nhân nặng trong bệnh viện ngoại khoa cỡ lớn. Tức là viết về những chuyện chép ở bệnh viện. Đây là khu trường thuốc, trước mặt là khu hồ rau muống, mồ mả. Người ta vào ra bệnh viện bằng những cầu treo như cầu khỉ trong Nam. Nó không có vẻ gì là y viện. Một kiểu tĩnh mịch riêng. Con sông Lấp từ đâu chảy qua khu trường lặng lẽ. Nước chảy mạnh, đen quánh. Mấy khu nhà hộp đã cũ, xen giữa là thư viện và mấy giảng đường mới, như kiểu Nhà Trắng bên Mĩ. Từ đây, người ta toả đi khắp các nơi. Phần nhiều đi bằng xe đạp và xe máy. Bụi bay mù con đường nửa đất nửa sỏi phía trước. Lối vào là mấy hàng gạch cua mòn nhẵn. Người ta đi như những cái bóng. Thật thương. Đêm nóng, mấy cây đèn không ra sáng không ra đèn chụp, quầng sáng mờ xuống vệ cỏ. Mấy cậu trẻ gối nhau ngủ còng queo như một đống củi xếp tròn quanh chân đèn, sách và bánh mì bị moi hết ruột nằm chỏng chơ. Tôi nói với em: “Anh nghĩ đây là góc khuất đôn hậu còn sót lại giữa cuộc đời này. Vì vậy anh đến ở với em.”

Nơi tôi ngồi viết là dãy nhà tầng trệt đã bắt đầu có vẻ hoang phế. Lô cỏ phía trước giữa hai dãy nhà có nét ngây thơ và hoang dại đến lạ, ban đêm thường có đom đóm bay. Bể nước ở phía trong thì bắt đầu có rêu, nước chảy tong tóc, buồn buồn, có khi dềnh cả ra ngoài, như đất bị nứt. Tôi nhiều khi lẩn thẩn ra nhìn xuống, gọi mẹ: “Mẹ ơi, con đang ở đây này.” Lại sợ người ta cười, người đến ở đất này dễ bị chứng tâm thần. Bây giờ nơi đây như ngôi miếu cổ, các thứ chai lọ trăm thứ đầy bụi. Những chiếc áo bờ lu treo rạc trên tường, bên cạnh đủ thứ bà rằn, đã biến đổi qua các màu không thể tả được. Cũng không cảm thấy bẩn, chỉ thấy lạ như nguyên sơ, nguyên thủy. Đây là phòng xét nghiệm cỡ hiện đại nhất nước nhưng hình như người ta bỏ dần. Cán bộ đi làm nơi khác. Những con người dù lắm điều nhưng vất vả, chịu thương chịu khó. Đáng trọng. Chếch bên dãy nhà khác thì có vẻ tinh tươm hơn, có một ô cửa mở đóng thất thường. Một người thấp nhưng đẹp ở trong đó, thường là thức đến tận khuya. Đó là một vị tiến sĩ nghiên cứu một đề tài về vi rút có tầm cỡ quốc tế. Cứ vậy. Cuộc sống có cái bỏ, cái giữ, cái tiến, cái lùi, chẳng biết đâu mà lường được. Tiếng kháo nhau của những người đàn bà tôi nghe từ dạo năm ngoái: “Người ta bỏ phòng này, chấn chỉnh biên chế!” Những chai lọ, rổ rá vô hồn thì ở lại.

Sau bức tường vôi xanh thấm nước, giăng đầy mạng nhện là chiếc xe đạp của chị gái tôi. Chị tôi là bác sĩ lâu năm, khi biết mình bị ung thư, chị vào nằm viện chẳng kịp đưa cái xe cà khổ về nhà. Nón và làn đeo ở ghi đông, cả cái bình nhựa thô rám như quả lựu đạn dùng để mua nước mắm. Nhìn chị mà thương, tay như cứng lại, không viết được.

Được cái khu này thoáng mát, gió gào trên những ngọn cây. Đêm đêm hình như bao giờ cũng có nửa vành trăng lưỡi liềm, như cánh diều của lũ trẻ sắp rơi xuống. Ngày có cái lạ của ngày, đêm có cái lạ của đêm. Có chị đã lớn tuổi trong ngành y mà trưa nào ngủ lại phòng làm việc thì thấy ma đủ loại. Có thể đúng, vì đây trước là nghĩa địa hoang, trước cả thời người Tàu tràn sang. Phần âm, sợ là phải. Đừng cho là người ta bị tâm thần. Có đêm nóng quá, tôi mắc cái màn lớn ra ngay lối cửa, nửa đêm bỗng đau nhói ở chân và như có ai đó dẫm lên. Bật ngay dậy, thì chẳng hiểu sao cả. Có chú mèo lớn quẫy tung góc màn như cá mắc lưới. Quẫy mãi mới ra được. Không dám nhìn. Có thể là con chuột cống khổng lồ, to như chú lợn choai. Chuột ở bệnh viện thì không phải nói, có viết đến cả trăm trang sách cũng không thể nói hết. Dưới các viện lớn lâu năm là tầng hầm, xác người phải đậy lồng bàn bằng sắt dày, nếu không sáng ra sẽ bị chuột xơi một phần cơ thể. Bệnh viện lại gần một con sông Lấp nho nhỏ, nước chảy lờ đờ, rất có thể đêm đêm chuột qua lại như đàn trâu lội qua sông.
 
2.
Nơi tôi nằm trước đây là một bệnh viện ngoại khoa, cỡ quốc tế. Giám đốc bệnh viện là một bác sĩ giáo sư cũng cỡ quốc tế, họ nhà vua. Từ đây, các thầy thuốc ngoại khoa hàng ngày đến đó làm việc. Tôi nghe nói đến “khoa ngoại” là cứ rởn gai ốc lên. Nơi ấy, cả một quãng đời trai trẻ của tôi gửi lại, may mà không từ đó ra đi. Tôi bị nhiễm trùng máu, phải mổ đi mổ lại. Mẹ tôi gào to trước cửa bệnh viện. Chị tôi là bác sĩ, nhưng chị bình tĩnh một cách khó chịu. Tôi nằm trên cáng, đưa tôi đi là một bác y tá có bộ râu đen, im lặng và tốt bụng như người lao công ở nghĩa trang. Phòng mổ ở tầng trên, tôi được đưa đi bằng thang máy như đi máy bay. Bác sĩ mổ cho tôi là một giáo sư. Tôi nhìn ông ta như nhìn bố đẻ. Ông đầu muối tiêu, dáng nhỏ, giọng nói chân thành, đúng là giọng người. Thú thực, từ bé đến giờ, chỉ nghe ông ta nói, tôi mới hiểu đó là con người đang nói: “Cháu chịu khó nhé, sửa lại một chút thôi.” Ông ta thì thầm bên tai tôi, trước khi gây mê. Tôi nói: “Không bác ạ, cho cháu chờ mẹ và chị cháu.” Ông ta nói: “Phải mổ gấp, cháu ạ.” Rồi tôi lịm đi trong bóng người và tử thần. Mẹ tôi gào trước cửa viện. Chị tôi hẳn đang bình tâm làm một việc gì đó của người đời. Tôi sống. Đứng dậy trong sự tàn phế.

Nơi ấy, bây giờ người ta xây lên cái hầm có cột ống khói bằng gạch đỏ. Hàng ngày nhìn lên có thứ khói lạ từ đó bay lên xứ trời. Dưới đất có một lối lên nhiều bậc như leo núi để dẫn vào phòng mổ xác. Tôi có ông anh rể hụt, trước yêu chị gái tôi, giờ là giáo sư, tay thớt tay dao ở đó. May mà anh không phải mổ xác tôi ra. Thỉnh thoảng ghé qua cái nơi kinh khủng ấy, tôi thấy anh choàng áo mũ blu trắng, nghiêng xuống xác người chết.

Thỉnh thoảng tôi gặp người thầy thuốc thực lòng nhân từ đã cứu tôi dạo ấy. Nhà ông gần khu chợ, nơi có cái chuông cổ xưa từ thời Pháp treo trước cửa. Cửa cũ lắm rồi, nó cũng hoang phế, nhưng con người ông thì không bao giờ thay đổi. Nhỏ nhắn, linh lợi, đầm ấm. Trước chiều Ba mươi Tết, thế nào tôi cũng đến thăm ông. “Cháu khỏe không?” - “Thưa bác, cháu tạm khỏe.” - “Cháu ráng giữ gìn, vì căn bệnh của cháu, vì cuộc sống bây giờ.” Ông tiễn tôi ra phía cửa, có treo cái chuông cổ. Ở con người ông, không ra vui buồn, không tích cực hoặc có màu sắc tiêu cực, chỉ có sống để làm việc cho đời. Bây giờ, từ khu trường thuốc, tôi lại thấy ông, trong cương vị một giáo sư đầu ngành, xách chiếc cặp đen vừa phải, không to phồng quá, đầu trần, bước ra từ chiếc xe con. Tôi những muốn chạy ra ôm lấy ông nhưng không dám. Tâm lí người bệnh suýt qua tay tử thần, thường nhớ đinh ninh người cứu mình, nhưng nhiều khi đóng vai bội bạc, cứ cố quên người ấy đi, thậm chí gặp cũng không cúi đầu chào. Tôi cũng vậy. Lần nào, dù bận mấy, tôi cũng dừng lại ngắm ông, như một tín đồ tôn giáo. Thứ tôn giáo có khoa học, tức là y học. Có khi tôi đứng nép dưới bóng cây hoặc qua ô cửa, ngắm bóng ông đi khuất. Ông là giáo sư bác sĩ. Nhưng nhiều khi tôi cảm thấy ông như một bậc cao tăng, như một nhà truyền giáo xa lạ nhưng đầy nhân ái. Nói bậc cao niên đạo Hồi thì đúng hơn, vì ông thường xuất hiện đây đó trong chiếc blu trắng. Thầm lặng, cật lực, vội vã, nhân từ. Thậm chí cô đơn, tội tội thế nào ấy.

Sáng nay tôi đánh liều sang đó để gọi cô gái làm giáo vụ, cùng làm và như cô em kết nghĩa của chị tôi. Cô đeo kính trắng, giọng nói như một con chim thiết tha. Thú thực, hồi ấy tôi có thiện cảm với cô gái nhưng lại mặc cảm bệnh tật và càng về sau, bệnh tật càng khó trở thành tác nhân của tình yêu. “Xin chào.” “Anh, anh sang có việc gì? “Chị anh có chuyện.” “Vậy thì em biết rồi.” Trước cửa phòng y vụ, tốp nữ áo trắng nghiêm bên nhau thì thầm những chuyện hệ trọng. Áo trắng mà thầm thì đến trời cũng không tả được. “Ung thư hả. Tội nghiệp.” - “Làng chài ăn cá chết. Thầy thuốc bị ung thư.” Đứng lại, tôi thêm lạnh cả người. Tôi đảo mắt, muốn đi cùng cô gái trên chặng đường dưới bóng cây to trong viện. Trời nắng. Tán cây đổ xuống trên sân viện có nét rất riêng. Nó lạnh âm u như quãng cuối cùng của tình yêu. “Anh sang trước đi, rồi em sẽ sang sau.” Tôi ngẩn người ra, mắt dại hẳn đi, dù ít ngơ ngác trước phụ nữ. Em là cô gái đeo kính mà tôi luôn cảm thấy gần gũi trong cuộc đời này. Em mặc áo blu mới giặt, vừa vặn sát người, thoang thoảng mùi xà phòng còn sót lại một cách dễ chịu.
 
3.
Bây giờ đến lượt tôi như mẹ dạo nào, muốn gào lên trước viện ung thư. Tự tôi thôi, chẳng ai làm gì tôi cả. Hai tiếng “ung thư”, dù sao nó cũng vò xé, có khi còn quen hơn cả thuật ngữ HIV. Người chị và ung thư đối với tôi là hai khái niệm dễ dẫn đến stress, dù có vô cảm đến đâu.

Tôi hoang tưởng, cảm thấy ở bệnh viện ung thư, da ai cũng đen. Từ anh thường trực, hàm răng anh trắng quá, trong khi môi thâm xịt. Bên trong bệnh viện thì ngổn ngang vôi vữa, xây dựng. Tia xạ đâu chưa biết, chỉ thấy toàn nguyên vật liệu cuộc sống. Một dãy nhà có biển đề: Chạy tia cô ban, chữ đỏ rất to phía trước. Chị tôi chuẩn bị xuống hầm sâu. Tôi hỏi người y tá già một câu gì đó. Chẳng hiểu nhân duyên xui khiến thế nào mà ông ta bộc bạch chân thành: “Anh xem, viện ung thư ở các nước văn minh, người ta sợ như là sợ nhà máy nguyên tử Chernobyn ấy chứ. Ta thì khác. Trẻ con người già cứ nằm chờ la liệt ngay cạnh phòng chạy tia xạ.” Người y tá già dáng người cao, da ngăm đen, có nét mơ màng đối nghịch. Hóa ra cuộc sống lúc nào cũng có sự đồng cảm đợi sẵn. Ông hỏi: “Vợ anh à?” - “Không, chị tôi.” - “Khổ, em chăm chị.” - “Hỏi thật, vợ chưa?” Tôi ấp úng không muốn trả lời. “Hỏi thật, con chưa?” Càng không muốn trả lời. Như đọc được ý tôi, ông ta giọng chân thành: “Nói thật nhé, nếu chưa thì cao chạy xa bay đi. Hại lắm. Tia này nó vào tinh hoàn và buồng trứng. Diệt con. Thương chị kiểu ấy là điên, là dại.”

 
nhung chuyen ghi chep
Minh họa: Lê Anh Vân
Nhìn xuống, sâu hút và rộng rãi. Như hầm dã chiến của sư trưởng trong Trường Sơn. Chỉ khác là có từng bậc đá trắng. Hơi lạnh toát ra, trầm hơn máy lạnh một chút, như từ lòng đất. Thì tôi là dại, điên cũng có khi. Khái niệm con cái tôi có cách làm và quan niệm hơi khác. Xuống đây là y học, không phải là âm phủ. Bình tâm. Bên ngoài, một bàn đặt kim xạ như bàn đẻ, còn bàn dịch vụ gội đầu có hai giá đỡ chân ghếch lên. Hình như để nâng đỡ con người ở cực điểm này, tôi thấy khác với buồng đẻ, chỗ ghếch chân có hai miếng nhung mềm như hai chú bướm đỏ. Bác sĩ đặt kim. Đó là một bác sĩ đen nhẻm, mặt vuông, ít nói, cả quyết. Có nét nhân từ lạ lùng lặn vào trong. Có sự hi sinh mà nhìn kĩ mới thấy. Không phải chức vụ, không phải đồng lương, không hẳn quà biếu hoặc một thị hiếu tầm thường. Tôi cảm động như kiểu trong chiến tranh, ôm lấy anh, bỏ vào túi áo blu gói thuốc. Thú thực, lúc này tôi sợ lây nhiễm xạ. Anh bảo, giọng trầm rất lạ: “Chạy 36 tiếng, rút xuống 30 tiếng. Cho nó khô đi. Bốn lần như thế. Rồi mổ.” Bác y tá già cao cao hồi nãy làm chân bế bệnh nhân. Tôi nhìn ông, nhờ cậy. Đã bế nhiều đồng đội bị thương, bế bố đi viện, bế mẹ đặt vào vải liệm, nhưng chưa bao giờ tôi bế người đặt kim xạ. Sợ là phải. Chỗ này thì không điên. Bác y tá thì cao gầy, vậy mà làm nghề nào quen nghề ấy. Ông đặt tay vào lưng và mông chị tôi trong chiếc váy hoa rộng thùng thình. Bông chèn kín, hai chân ghếch.

Thoắt một cái, biến vào buồng trong, nơi sâu và kín nhất của hầm xạ. Mỗi người một buồng thông nhau. Chiếc máy điều hòa chạy. Nó gào lên những âm thanh lạ, khó nghe. Bệnh nhân nằm thẳng. Phần đặt kim có một tấm chì khổng lồ hình chữ U, trùm lên phần dưới, cốt để ngăn tia xạ. Tôi hỏi bác y tá cao cao: “Ngăn được không?” Ông im lặng. Tôi nhìn thấy da ông bỗng đen sạm đi, mồ hôi rơi xuống áo, ướt đầm. Hầm xạ giờ đây không giống một nơi nào trên trái đất. Không giống cả nhiều hầm dã chiến mà tôi đã từng thấy trong chiến tranh. Con người ở đây cũng khác. Đen nhẻm, mắt trắng, lầm lì. Bệnh nhân giương những cặp mắt lạ lùng từ dưới đất nhìn lên. Thương và sợ. Tôi dại, mua dưa hấu. Chị tôi nằm bất động, làm sao nhả hạt ăn được. Giường bên cạnh có anh chồng, cách nói giống như phó giám đốc xí nghiệp hoặc cơ quan hành chính, làm việc thạo nhưng trễ nải và hơi điệu. Chị vợ có cặp mắt rất xinh. Anh ta khôn hơn tôi, mua quả đu đủ chín đỏ. Gọt xong, cũng ngại xuống hầm xạ. Tôi cúi đầu và suýt động vào các xà sắt của vòm trần thấp, cầm tất cả khăn mặt của bệnh nhân đi nhúng nước. Tôi đắp lên trán cho từng người. Khi anh chồng cầm đu đủ đi xuống thì tôi hơi mắc cỡ. Thú thực, tôi thương chị vợ anh ta ba phần thì mê đôi mắt một phần. Cũng là có lỗi. Anh chồng tỏ ra bực và ngượng. Tôi lên khỏi mặt đất, gặp đủ người thân trong gia đình.

4.
Sự nằm viện, có nhiều trạng thái đối nghịch. Phần nhiều là đối nghịch hoàn toàn. Trẻ con khác, người lớn khác. Đàn ông khác, đàn bà khác. Có thể mỗi thời mỗi khác. Tôi chỉ nghĩ về chị và mẹ. Ngày tôi mổ, mẹ tôi gào trước cửa viện. Đêm, mẹ tôi muốn cả nhà quây quanh tôi. Chị tôi nói: “Không cần thiết. Về mà ngủ. Đã có y tá, hộ lý.” Mẹ khuất gần một năm. Đến lượt chị tôi bệnh nặng. Hình như mỗi buổi đều nghe chị nói: “Chồng, con chị đâu? Những người thân của chị đâu? Cả em nữa. Ngồi gần lại đây. Đừng xa chị.” Hiểu thêm một điều tận cùng và đối nghịch của con người.
 
5.
Trường thuốc bầu hiệu trưởng. Đêm tôi trở về đi cạnh những dãy nhà cũ, mới, những hộp đèn mờ tỏ, trăng lưỡi liềm và những cánh diều khuya của trẻ con làng Khương. Việc bầu cử người cầm đầu của một trường đại học như ta làm lâu nay, có thể là không đúng. Bầu gì, chứ ai lại bầu một sứ mệnh như vậy. Thực ra đây không thể là một việc làm dân chủ. Thầy thuốc bàn tán. Bệnh nhân ngơ ngác nhìn nhau. Họ nhận ra điều này bằng linh cảm. Người đứng đầu trường thuốc sẽ quyết đoán và tài ba đào luyện ra các thầy thuốc. Họ sẽ ra đi vì tuổi tác. Nhưng con cháu họ sẽ vào viện thay họ, như trai gái thay nhau ngồi trên ghế vườn hoa. Cần có những người thầy thuốc giỏi, như cần dưỡng khí. Cần có những thầy thuốc có tâm và lực đích thực, chứ không sáo rỗng, lừa mị. Bởi vậy, trên giường bệnh cũng kháo nhau đủ chuyện. “Ông ấy mà làm hiệu trưởng trường thuốc thì khốn. Chữa bệnh, có phải chữa bằng các nghị quyết thao thao bất tuyệt đâu.” Tin này được chú ý hơn, ngay cả với bệnh nhân đang tuyệt vọng: “Ta có ông giáo sư mổ tim cỡ quốc tế. Họ vua chúa, phương phi, tính nóng, đẹp lão. Ông ta là anh hùng. Bây giờ, nghe nói con trai ông ta nối nghiệp bố, sẽ là hiệu trưởng của trường thuốc. Thật là mừng”. Tôi lắng nghe tiếng nói từ những gương mặt xanh xao, đau khổ. Chắc họ nói đúng. Lâm vào hoàn cảnh như họ, may ra mới có ý nghĩ đúng. Một thời, chúng ta có các học thuyết Menden Moocgan, học thuyết Mitsurin... Tự bản thân khoa học chẳng có lỗi. Cái chính là do sự không hiểu biết và cách sử dụng nó. Không nên ủng hộ sự di truyền vô học. Nhưng sự di truyền của khoa học, bản thân nó như một bông hoa nở, như một bài thơ, nhiều bệnh nhân đã nói đúng.

Lại nói về một anh họa sĩ ở tầng dưới. Anh là một nhân vật có tài, số phận hội họa lại rơi vào mảnh đất y học. Anh về đây, trước hết, để vẽ ra cái cơ thể người, với cấu tạo bên trong của nó, gọi danh từ là giải phẫu. Anh vẽ cặm cụi suốt ngày, nghe nhạc với một âm lượng lớn. Có dạo anh bị stress nặng, người ta bảo là tâm thần. Tôi nghĩ điều đó vừa phải, vừa không phải. Tài năng nào không có tâm thần, không tâm thần không tài năng. Nhất là anh đang ở trên mảnh đất gò mả, vẽ ra những khung xương, hốc mắt của con người. Hỏi, anh vừa xung đột với một họa sĩ? Vâng, mùa nóng, thiếu nước. Các thầy thuốc sau giờ làm việc về chỗ ở của mình, dùng dây từ tầng cao để bơm nước. Dây qua nhà danh họa. Máy kêu khó chịu. Vậy là xung đột. Dùng đến cả dao và bình xịt. Tôi nghe, thương cảm. Nếu như lưỡi dao từ tay người thầy thuốc chém đứt tay họa sĩ, và chiếc bình xịt của họa sĩ làm mù mắt người thầy thuốc thì sao?
 
6.
Tôi đến sống với em, có cả nghĩa âm và dương. Từ đây sang bệnh viện nội cỡ lớn nhất nước chỉ mấy bước chân. Con sông Lấp đầy bùn, chảy mải miết, mùa hạ cũng không khô được. Đêm, tưởng như ánh sáng và tiếng rên từ phòng bệnh lan cả sang đây. Mẹ tôi trút hơi thở cuối cùng ở đó. Những ngày cuối, thật lạ, người ta cho mẹ tôi thở oxy, mở nội khí quản. Trước khi mất, mẹ tôi thều thào: “Cho mẹ ngồi dậy.” Tôi chiều mẹ, biết là lần cuối cùng, liền quay thanh sắt đầu giường bệnh, để phía đầu giường cao dần lên. Đầu mẹ được nâng lên, rồi mẹ gục ngay xuống, như chiếc lá héo. Mẹ thều thào: “Con đi làm đi để có lương mà ăn.” Nhưng tay mẹ, cánh tay đã hóa xương, níu chặt lấy túi áo của tôi và cứ thế mà dằng cho đến đứt, cho đến lúc tắt thở. Ôi, lí trí của mẹ, sự tỉnh táo của mẹ, và cái níu cuối cùng của mẹ. Mẹ đi vào ban đêm, người ta bảo: Ở các nước văn minh, nếu đặt camera quay liên tục thì thấy 49 ngày quanh thi thể người chết như sáng lên những vòng kinh lạc kì lạ, bao quanh, sau 49 ngày thì chuyển sang hình dáng khác. Vẫn là một đốm sáng, quay vòng quanh như vì sao. Khoa học cõi tận cùng là vậy. Tôi hỏi em: “Em có hiểu vì sao anh đến đây với em, ngay cạnh bệnh viện này không?” “Vì tình yêu.” - “Có phần đúng.” “Vì nhân duyên cuộc sống?” - “Có phần đúng.” Nhưng còn gì nữa không? Chắc em chưa hiểu. Hằng ngày anh đạp xe đi qua nơi mẹ anh đã mất. Anh đã đi lâu nay nhưng em và nhiều người chưa biết. Anh muốn là ngôi sao quay bên mẹ.
 
7.
Người đàn ông khi nằm viện có thể khác với phụ nữ và trẻ con. Tôi tin như vậy. Dạo tôi mổ thập tử nhất sinh ở bệnh viện, một buổi bố tôi thay mẹ đưa cơm vào cho tôi. Tôi mê man, không gượng dậy được nhưng ông vẫn muốn tôi tự xúc ăn. “Tự xúc lấy, sẽ cảm thấy ngon hơn.” Chắc mọi người nghĩ thế. Tôi chắc đàn ông nằm viện thường nghĩ kiểu như vậy.
Mới đây, ngày giỗ mẹ, tôi đưa bố đi thăm mộ mẹ, rồi thăm nghĩa trang. Bên trong nghĩa trang, lối dẫn vào mộ mẹ, giờ mọc lên những cây đào. Một khu riêng, nền chữ đỏ tươi. Hai bên là hai mươi bốn hộp nhà nhỏ, chia làm hai, theo hình cánh sen, rất đẹp. Chúng tôi mạnh bạo bước vào đó. Tôi hỏi một người: “Dãy chính giữa?” Trả lời. “Thiêu.” - “Hai dãy nhà hai bên?” - “Đựng hài cốt.” Nước chảy láng ra từ cổng, có mùi tanh. Tôi dẫn bố qua từng cầu thang. Tôi nói vui: “Đây là nơi bố con ta sẽ được tập kết đầu tiên.” Bố cười. Tôi lại nói: “Đây là nơi chúng ta sẽ được hóa thân hoàn vũ.” Bố tôi lại cười. Nửa thật, nửa ngượng. Nhưng không có nét lo sợ. Đó là điều đáng mừng. Người giới thiệu: “Phấn đấu để không mùi, không khói, gio trắng. Nguyên gio cốt chừng hai kilôgam.”

Trên đường phố đã thấy xuất hiện chiếc xe tang nhỏ, màu đen, với chữ nổi: Đài hóa thân Hoàn Vũ. Theo sau, chỉ một chiếc xe ca rất ít vòng hoa và các thứ lỉnh kỉnh mang theo. Hình như gọn ghẽ hơn trước.
 
8.
Bên buồng giải phẫu lớn, hiện đại, tôi được gặp một giáo sư đầu ngành. Hình như giáo sư vừa giải quyết xong một ca bệnh đặc biệt. Lâu lắm, tôi mới có thói quen đưa cả hai tay để thực lòng bắt tay một người mà mình kính trọng. Giáo sư tỉnh táo, chúc mừng mấy bài viết của tôi trong mục tiếng nói nhà văn trên mấy số báo Văn nghệ vừa rồi. Nhất là bài nhân cách nhà văn và bài thiền. Tôi ngượng ngùng, liều hỏi giáo sư một câu không đâu vào đâu cả.

“Thưa giáo sư, đàn ông chúng ta khi sống đầy những mâu thuẫn. Nhưng hình như khi chết thì lại giản dị, ít mâu thuẫn hơn đàn bà. Có phải vậy không ạ?”
Giáo sư cười. Không trả lời. Tôi để ý thấy miệng giáo sư bị móm như một người đàn bà cổ đại khi nhai trầu.
 
9.
Chị tôi là bác sĩ lâu năm, chị được nằm ở một bệnh viện lớn có cái tên lạ. Không phải ngoại, không phải nội, không phải nhi, không phải tâm thần. Mà gọi bằng cái tên rất khác với từ y học: Hữu Nghị.

Một buổi, một người đàn bà lạ đến thăm chị tôi. Đàn bà bây giờ hầu như ai cũng lạ, nhưng chị này vào loại lạ nhất. Có gì như giáo sư, có gì như nhà thần học, lại có vẻ như phù thủy. Đeo kính, che ô, thần sắc trầm, sắc. Chị này nói bỗ bã: “Tao vào thăm mày.” Tôi nhớ ra “chị Hy”. Nhiều năm trước, tôi đã gặp chị, cùng ăn cơm với chị, ở kí túc xá sinh viên. Chị học trường y cùng chị tôi. Cùng nằm giường tầng. Da ngăm đen, có duyên. Chị mơ mộng yêu một anh học văn học bên trường Văn. Anh ta yêu chị nhiều hơn. Trên khoảng tường của mình, chị treo những bức tranh lạ. Học xong, chị nhận công tác ở đâu đó. Hình như đi học bên Tây, có bằng cấp y học. Tóm lại, chị là người có kiến thức y học và hiểu trái tim người. Chị nói với chị tôi, trên chiếc ghế sa lông bọc da đỏ: “Bây giờ tao làm việc ở nhà. Bận.” - “Làm gì?” - “Làm những việc còn trên cả y học”. Nghe mày lâm bệnh, tao phải đến ngay. Người khác tao không đến đâu.” Tôi nhìn chị, có dáng giáo sư y học pha nét giáo sư thần học.

Chị bảo với chị tôi mấy điều. Thứ nhất: “Dưới móng nhà mày đang ở bây giờ, có bộ hài cốt. Phải chuyển ngay.” Thứ hai: “Mày lâm bệnh nặng, nhưng nếu khéo sắp xếp dương và âm, sẽ tai qua nạn khỏi.” Thứ ba: “Mày sẽ sống khỏe mạnh đến bảy hai tuổi.” Hết. Chị Hy ráo hoảnh. Chị đưa số điện thoại, bảo chị tôi cử chồng hoặc cậu em đến ngay nhà chị để hướng dẫn cách sửa lễ.

Em làm bên bệnh viện. Việc của em phần nhiều là làm măng tu, đo hô hấp. Mấy hôm nóng nực quá, em khó ở. Tôi cũng khó ở. Có hôm bực quá, dọa bỏ nhau. Nhưng em ạ. Bỏ được anh chẳng dễ đâu. Như mẹ anh đấy. Người sinh hạ mấy đứa con, chị gái anh là bác sĩ lâu năm, anh trai là bí thư một quận ủy cỡ lớn trong Sài Gòn, cậu em là giáo sư toán, dạy ở Pháp về, giàu có. Nhưng ai cụ cũng có thể bỏ được. Bỏ hẳn. Chỉ có anh là cụ không rời ra được. Khi anh phải rời xa, là cụ mất.

Bây giờ tôi ngồi đây, giữa cảnh vật có phần hoang phế. Bình lọ mốc meo, dây dợ chằng chịt. Ngọn đèn đỏ quạch, không nhìn rõ chữ, trong khi ngoài cửa sổ kia, những ngôi sao xanh vẫn sáng đến nao lòng. Tôi viết lên trang giấy, mặt sau của một tờ xét nghiệm máu.
Bài thơ:
Lần thứ nhất, con bỏ nhà ra đi
Vì giận mẹ
Lần thứ hai, con bỏ nhà ra đi - lặng lẽ
Vì mẹ không còn ở lại với con
Lần thứ nhất, anh bỏ nhà ra đi
Vì giận em
Lần thứ hai, ta bỏ nhau vĩnh viễn...


Viết vậy thôi. Thực ra tôi và em không đến nỗi nào. Những gì xảy ra trong bệnh viện kể như tình yêu và cái chết, mất hẳn hoặc tồn tại, tức là tình nghĩa.

Sau bức tường xanh ẩm nước là chiếc xe đạp nữ cà tàng, chiếc nón quai hồng nhạt, cái làn nhựa đeo ở ghi đông. Chiếc xe của chị tôi trước khi vào viện, không kịp đưa về nhà. Tấm áo blu trắng cũ như một dải mây trắng vắt ngang. Hãy quý trọng những người thầy thuốc một cách thực sự, vì có thể khi ra đi, họ là người cuối cùng không kịp mang theo gì cả cho mình.
 
Lều Văn, viết thêm và sửa chữa, 4/2015

 P.C.V
 

 
 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)