. NGUYỄN THỊ KIM HÒA
1.
Thế Tổ Miếu. Minh Mạng năm thứ Năm.
Mưa. Mưa tỉ tê. Mưa dai dẳng. Mưa là tấm màn xám nhạt ướt nhòe rủ xuống từ nền trời khô lạnh.
Trời trong. Thứ trong vắt đến quái đản giữa đêm tháng Chạp rả rích mưa. Thứ trong vắt chỉ làm bật lên màu đỏ rợn người của một vật duy nhất: mảnh trăng thượng tuần. Mỏng dính. Sắc lạnh. Như có cả một lưỡi dao cong vấy máu đang treo lơ lửng bên trên những êm êm, rỉ rả tiếng mưa.
Người đang quỳ mọp trên nền sân Thế Miếu không nhìn thấy mảnh trăng. Mái đầu cúi chỉ để lọt vào tầm mắt ông những vuông gạch lót ướt nhòe, dậy mùi đất.
Cũng cúi đầu như thế, hơn chục lính gác đứng thẳng người lặng phắc trên những bậc cấp, trước những cánh cửa sơn son dẫn vào các gian thờ. Trong mưa dầm, trong lạnh cóng của những đợt bấc tháng Chạp chốc chốc lại xộc đến, họ không để bật ra cả những tiếng xuýt xoa. Chỉ những cái bóng mỏng lét, dài thượt là run run, xiêu vẹo theo sáng rực ánh đuốc đổ xuống.
Không một lay động nào ngoại trừ những cái bóng. Không một âm thanh nào trừ tiếng mưa rỉ trên sân gạch, trên mái ngói lưu li.
Trong bụi cây mé tả Thế Miếu, một thân hình gầy guộc cũng đang ngắc ngứ cố ém một tiếng ho. Đó là một tiểu thái giám. Trốn khỏi chỗ ngủ của các thái giám quét dọn, cậu đã chui trong bụi cây ướt nhoẹt này cũng cả canh giờ rồi.
Tất cả là vì cậu đã nhìn thấy ông. Người đang quỳ trên sân Thế Miếu kia. Đức Thượng Công. Ngưỡng vọng lớn nhất cuộc đời cậu.
Mà đâu phải chỉ mình cậu. Bao nhiêu thái giám trong Hoàng Thành, trong Tử Cấm Thành đều đã nhắc đến ông. Bao thân phận yêm nhân vốn rẻ rúng ở chốn cung cấm này đều đã mơ một giấc mơ được vẫy vùng, oanh liệt như ông.
Ông đang ở kia. Gần cậu thôi. Con người vẻ vang, hiển hách. Con người quyền uy tưởng chừng chỉ xoay bàn tay là nghiêng cả gầm trời. Con người đến cái dáng quỳ mọp lạ lùng kia cũng cứ như bóng một con cọp lớn phục đầu.
Nếu tiểu thái giám nọ không quá mê mải ngắm nhìn bóng cọp; nếu có người lính gác nào thoát được khỏi mùi trầm hương u tịch, khỏi ánh sáng mụ mị thoát ra từ những gian thờ; ngước mắt lên, họ sẽ thấy ngay trên đầu bậc khai quốc công thần của Tiên đế Gia Long, Tả quân Lê Văn Duyệt, kẻ nửa đêm đột ngột đến quỳ bái tế trong sân Thế Miếu một cái cười lạnh lẽo của vầng trăng. Cái cười mang hình lưỡi dao máu đỏ lừ.
2.
Mười sáu trăng mờ
Ba mươi trăng rạng
Đất trời lộn loạn
Mẹ thiếp, con chàng...
Trăng. Trăng vừa nhú lên đó phải không trên khoảng trời vuông vức trước mặt ta?
Ngồi hẳn dậy, ta ghé mắt vào khoảng vuông lùa lành lạnh hơi gió.
Đúng là trăng. Vầng trăng thoạt nhìn còn ngỡ là một viền mây hăng hắt sáng. Rồi những mỏng mảnh, bảng lảng quanh viền mây tản đi dần. Như thể có một bàn tay cung nga khéo léo nào đó vừa vẽ lên một nét mày vút cong lấp lánh giữa tầng trời.
Bao lâu rồi... Bao tinh mơ rồi ta không được ngồi bên gương soi quấn tóc, kẻ một nét mày cong? Và bao nhiêu năm, bao nhiêu tháng đã qua từ đêm trăng cuối cùng mái tóc ta được âu yếm vuốt bởi một bàn tay?
Đằng đẵng, mịt mờ quá.
Vầng trăng giờ như một con thuyền bụng đầy, văn vắt sáng ngoài kia. Mi... mi có thể chở giùm ta ngược dòng những hun hút ấy được không? Để bốn bức tường giam lạnh lẽo quây quanh là bốn bức vách sáng trưng của Nguyên soái phủ ngày giăng đèn kết hoa đón kiệu cô dâu ta. Để “lít chít, lít chít” những âm thanh đáng sợ nơi góc tường tối kia là những réo rắt đàn ca, nhã nhạc dìu gót chân ta vào tận loan phòng.
Rồi nữa. Manh chiếu thủng toàn một mùi ẩm mục, mùi rận rệp sẽ trở thành đệm chăn êm lút, đọng lốm đốm những giọt trăng xiên qua gác mái lầu. Những giọt sáng bỗng dậy lên mùi hương gì đấy, mộc mạc thôi, như hương bưởi hương cau mà thả giấc ngủ ta trôi không chật vật, không đau đáu.
Thiêm thiếp. Say sưa. Ta muốn lại là cô dâu ngủ quên trong đêm hợp cẩn đầu tiên ấy. Ngủ rồi giật mình choàng mắt. Hốt hoảng, thẹn thùng khi ngồi nhìn xuống ta là một gương mặt nửa đàn ông nửa trẻ con say đắm, ngẩn ngơ.
“Nàng... Nàng... thật giống Đức Mẹ!”
Bao lâu rồi… Anh Duệ Hoàng thái tử. Không. Hãy cho em được gọi chàng là Cảnh. Cái tên chỉ mình em, chỉ riêng em được thì thầm gọi những lúc ở bên chàng.
Cảnh chàng ơi! Bao nhiêu lâu đã qua rồi. Chất chồng bao lớp bụi thời gian rồi. Chàng thấy không. Em vẫn nhớ đấy. Lời đầu tiên chàng nói cùng em.
Trăng. Từ trên cao ấy, mi hãy rực rỡ lên, sáng bừng lên. Để luồn vào ô cửa chỉ bằng đúng một bàn tay này là những dòng trăng ấm sực như vòng tay chàng ôm siết lấy thân ta. Là những dòng trăng ướt rượt ngây ngất như mắt, như môi chàng đổ mềm từng khoảng thịt da ta. Tràn trụa, ve vuốt. Ta muốn hét lên, muốn lịm đi giữa những dòng trăng.
23 năm. Phải. 23 năm rồi, Cảnh chàng ơi. Luật điều, lễ giáo, tôn nghiêm. Da thịt, tim óc em ngâm dưới bao tầng nước ấy buốt cóng, khô héo hết cả rồi. Nên một lần này thôi. Cảnh. Để em được tưới lên những cỗi cằn, khô khốc 23 năm một dòng trăng. Để em được đốt mình trong ngọn lửa 23 năm chưa một lần nhen lại. Ngọn lửa có khuôn mặt chàng. Có hơi thở. Có những đắm say dịu dàng, mãnh liệt từ chàng.
“Dâm phụ!”
“Dâm phụ Tống Thị Quyên!”
Phải. Cứ kêu vang đi. Những tiếng ngọc, tiếng vàng nơi hoàng thành kia. Những ngọn bút rào rào trong sách sử, rào rào những rủa nguyền theo hơi gió từ điện Thái Hòa kia.
Ta bất chấp.
Người đàn bà đã như một mảnh lá quéo đầu, vàng úa như ta. Người đàn bà 23 năm chỉ còn là cái bóng của lễ giáo, đạo đức như ta. Nhờ các ngươi. Giờ nhớ ra. Ta còn là một con người. Nhờ các ngươi. Ta rũ hết, quăng ném hết. Lễ tiết ư? Phẩm hạnh ư? Chỉ là những mảnh vụn ta giẫm thôi cũng thấy bẩn bàn chân.
Vậy thì về đây cùng em thôi, Cảnh. Hai chúng ta. Dù chỉ dúm thịt xương đã tan dưới nấm mộ lạnh nơi Dương Xuân gò. Dù chỉ cái xác khô rệu rã, mục rời của kẻ 23 năm làm góa phụ. Thì hãy một lần nữa quyện vào nhau, tan cùng nhau dưới lung linh ngập ngụa ánh trăng này. Những ánh trăng cười.
3.
Mưa. Mưa còn rỉ rả, rỉ rả như thế này đến bao giờ? Sao không xối xả, không tuôn ào đi? Sảng khoái lai láng một trận như những dòng mưa xứ Gia Định của ta, rồi tạnh ráo? Sao cứ kéo lê những ướt át, rả rích vọng vào tai ta lúc nào cũng như một lời than vãn, một tiếng thở dài?
Ta chưa bao giờ ưa được mưa nơi đất kinh kì. Mưa không lạnh được mái đầu ta từng đội bao cơn lũ rừng, bão biển. Mưa không run được bàn tay ta từng phạt thẳng những đường gươm. Không nhòe được ánh mắt ta chỉ cần quắc lên là bao đám người xanh mặt lạy dài.
|
Minh họa: Nguyễn Đăng Phú |
Nhưng ỉ on dai dẳng, mưa lại ngấm ướt từng chút từng chút một, se thắt một thứ gì đó trong ta. Thứ gì đó làm ngực trái ta nhói lên, quặn buốt.
Ta đã ôm cơn đau trong lồng ngực ấy đợi hàng giờ trước điện Càn Thành. Im lìm lạnh lùng của cánh cửa sơn son thếp vàng dội thêm vào cơn đau. Ta không còn hơi sức để tức giận, để oán trách nữa. Lết lê, ta chỉ còn biết mang cơn đau theo từng bước chân qua cửa Từ Thọ Cung.
“Ý Thánh Thượng đã quyết. Mụ già như ta thì có thể làm được gì? Âu cũng do con đàn bà không phẩm hạnh...”
Lời ban ra làm tắt lụi ánh ngày cuối cùng trên mấy hàng cau trồng trước cửa. Những bóng lá đổ nhọn hoắt như lưỡi kiếm dưới ánh đèn lần lượt thắp lên cười cợt ta rằng: ngu ngốc lắm khi tin vào mềm yếu thương cảm của đàn bà. Đàn bà vương giả. Từ bao giờ họ đã luyện tim mình thành một khối đá rắn đanh, không cách nào lay chuyển.
Quyền lực thật đáng sợ.
Con người đáng thương kia. Con người tội nghiệp đếm từng ngày được sống giữa bốn bức tường giam kia. Nếu được ngồi trên chiếc ghế đệm vàng giữa Từ Thọ Cung. Nếu được bao tấm lưng, bao mái đầu cúi rạp “Lạy mừng Thái hậu”. Liệu ta có thấy được nữa không, có tin được nữa không những giọt nước mắt từ bà?
Những giọt nước mắt đã làm ta tê dại, ta thẫn thờ một ngày Tân Dậu năm đó. Ngày mới chớm tháng Hai mà đất trời Gia Định chìm trong trắng xóa màn mưa. Mưa dữ dội. Mưa thối đất thối cát. Mưa là tiếng gào thét, nức nở khôn nguôi thương tiếc một kẻ bạc phần.
Ta gặp bà. Dưới xối xả những dòng mưa bên mộ phần Anh Duệ Hoàng Thái Tử chiều hôm ấy. Áo tang trắng bết đen vệt đất, thân hình mỏng manh liêu xiêu ngã dưới bàn tay cố giữ, cố xốc của hai kẻ hầu.
Ta đã gần như lao đến để đỡ lấy bà. Cánh tay ta đã bị níu chặt, bị bấu đến đau điếng bởi những ngón tay thuôn mềm lạnh cóng. Manh áo còn chồng chất mùi bụi đường, mùi thuốc súng, mùi lửa thiêu nơi chiến trường Thị Nại của ta hứng những giọt nước ròng ròng tuôn từ đôi mắt sưng phồng.
Giá mà ta có thể đưa tay lau đi những giọt đầm đìa nỗi đau ấy. Giá mà ta có thể mang lấy hết những nhăn nhúm thống khổ trên gương mặt ấy. Ta đã quen nhìn rồi trên gương mặt, bình an thanh khiết một nụ cười.
Nụ cười trong vắt mà bừng sáng hơn cả màu áo cô dâu, màu đỏ kiệu hoa ngày nọ ngừng trước Nguyên soái phủ. Nụ cười trong một khoảnh khắc bỗng rơi vào lòng ta, loang như một giọt sương mai.
Một kẻ sinh ra đã không thể là một người đàn ông toàn vẹn như ta. Một kẻ luôn giằng nén, luôn buộc mình vô cảm trước những luyến nhớ, ái dục như ta. Tại sao... tại sao giờ khắc ấy lại không thể kiềm mình để lạc lòng đi vì một nụ cười?
“Nàng cười đẹp như Đức Mẹ. Tướng quân có thấy thế không?”
Ta đã bao lần nhắc kẻ trẻ tuổi si tình ấy cẩn trọng lời nói. Vị chủ nhân tôn kính của ta, cha Ngài, ta nhận ra chứ, không bao giờ muốn trong dòng tộc mình lưu chút gì dấu vết của Tây Dương.
Bá Đa Lộc, Nguyễn Văn Chấn, Nguyễn Văn Trương. Những kẻ mũi lõ, mắt xanh đó. Họ làm sao nắm được hết tâm can một vị vua?
Chính ta, kẻ từ ngày 17 tuổi đã cận kề khuya sớm bên Người, kẻ mấy chục năm hòa chung mồ hôi, máu, nước mắt, chung cả một cái bóng cùng Người. Chính Duyệt ta, đến tận lúc quỳ bên long sàng đưa tiễn một giấc ngủ trăm năm, cũng phải tự hỏi mình: Liệu ta có hiểu hết Người?
Tiên đế. Thần có thể biết không, có bao nhiêu con người tồn tại trong một vị vua?
Ta đã thấy Người, giữa mặt bể Thị Nại xé vạt áo bào quấn trên chuôi gươm nấc nghẹn: “Cảnh con ơi! Ta không về kịp đưa con rồi!”
Ta đã thấy Người, mắt đầm đìa nước ôm vào lòng hai mái đầu non trắng xác màu trắng khăn tang. “Hai đứa cháu đáng thương. Ta sẽ cho các cháu những gì ta chưa kịp cho con trai ta!”
Nhưng ta cũng thấy Người, buổi nghị ngôi Thái tử, giữa hùng hổ tâu trình của Nguyễn Văn Thành, khẽ nhíu mày.
Trịnh Hoài Đức, tên văn nhân ấy, đâu phải chỉ một mình hắn nhận ra cái nhíu mày.
Ta đã có thể khôn ngoan như hắn, thức thời nương theo cái nhíu mày như hắn. Nếu trỗi lên trong ta lúc ấy không là một nụ cười thoảng nhẹ như sương như khói, một dáng người mong manh lả đi bên ngôi mộ lớn dưới màn mưa. Và trỗi lên, không là một bàn tay bỗng nắm thật chặt vai ta bên bàn rượu Nguyên soái phủ.
“Tướng quân đi Thị Nại lần này, ta chắc rằng mã đáo thành công. Hậu vận nhà ta sau này nhờ một tay ngài...”
Anh Duệ Hoàng Thái Tử. Ngày đó, Ngài đã nhìn ra được điều gì? Hay chỉ là khả năng tiên tri của một kẻ sắp ra đi?
Ta nhớ Ngài. Đứa trẻ 4 tuổi vừa khóc ngất vừa quẫy mình khỏi tay giữ của viên giáo sĩ Tây Dương. Bàn tay bé xíu cố rướn, cố vẫy vẫy như một lá cờ nhỏ chấp chới vô vọng trước mái đầu quay đi dứt khoát của Nguyên phi. Người trẻ tuổi mang ánh mắt lạnh lùng giữa cơn say lại làm dấu thánh hát những bài hát trẻ con bằng thứ ngôn ngữ càng cố khuyên nhỏ tiếng càng hét to lên.
Tiên đế. Trong biết bao nhiêu con người tồn tại trong Người, có con người nào là người cha có thể nhìn thấu những ám ảnh giằng xé của một đứa con trai không?
Tiên đế. Có những câu hỏi luôn thôi thúc trong tim óc đến tận lúc cuối cùng thần vẫn không dám hỏi Người.
Người. Vị chủ nhân tôn kính. Mưa đang thay Người trút cơn thịnh nộ lên ta đó phải không?
Ù ù bên tai ta là tiếng nước xối, tiếng sấm chuyển, dẫu ngước lên thu vào mắt ta, chạm vào mặt ta vẫn chỉ những sợi mưa như tơ mịn loang loáng dưới ánh đuốc hắt xuống.
Nhưng kìa! Trăng... Vầng trăng máu. Ngươi đã đến rồi sao? Ngươi đã ở đó, treo trên ta tự lúc nào?
4.
Mười sáu trăng mờ
Ba mươi trăng rạng
Đất trời lộn loạn
Mẹ thiếp con chàng...
Câm đi! Tiếng hát. Tiếng trẻ hỗn hào nào lại vừa cất lên tiếng hát. Tiếng hát ta đã mượn vầng trăng để lãng quên đi.
Minh Mạng. Giam ta trên gò cao này, bên khu phố chợ này là Ngài muốn ta nghe tiếng hát, phải không?
Ngài thật độc ác. Độc ác như thằng bé ngày nào đã đánh bẹp đầu con rắn nước bọn nội giám bắt lên từ dưới hồ sen.
“Con rắn không có độc!” Ta nhớ đã hét lên với Ngài như vậy. Nhưng những nhát đập từ tảng đá sắc trong tay Ngài không ngừng lại. Con vật đáng thương bị bọn hầu giữ chặt phút chốc mang cái đầu là một nhúm máu thịt nhoe nhoét.
“Chị không biết rồi. Không độc nhưng nó có thể cắn. Ta phải giết đi đề phòng nó cắn ta!”
Một thằng bé mười tuổi đã biết thản nhiên buông rõ từng lời như thế, trách gì giờ thân phận mẹ con ta nào khác đâu con rắn nước nằm chờ những nhát đá đập đầu.
Con rắn nước khi chết mình còn thơm phảng phất hương sen vì lội dưới hồ. Còn mẹ con ta. Oán hờn gì mà Ngài dội thêm lên những nhát đá đen đặc bùn nhơ.
Ngài có tất cả. Tình yêu của Tiên đế. Quyền lực. Ngai vàng. Ngài có đến hai người mẹ.
Còn chồng ta, Cảnh của ta, chàng có gì? Ngoài những giấc mơ quờ tay thảng thốt “Mẹ! Mẹ ơi!” trong bóng tối. Ngoài dáng nằm lúc nào cũng co ro như lạnh lẽo, như một đứa trẻ bị bỏ rơi khiến nước mắt cảm thương ta bao lần trào ra mỗi nửa đêm thức giấc vòng tay ôm lấy thân người.
Đán, Thùy, con trai ta. Chúng có gì? Một vành khăn tang ngang mái đầu non dại chưa kịp nhớ mặt cha. Một lời hứa như cơn gió thoảng qua của người ông trên ngôi cao chín bệ. Gió thông thốc không làm ấm được mái nhà sớm trống lạnh. Gió còn để lại dấu cho cơn bão lớn ập vào xô đổ luôn của mẹ con ta chỗ trú ngụ cuối cùng.
Minh Mạng. Ngai vàng là của Ngài. Muôn triệu mái đầu, muôn triệu tấc đất trên nước Nam này đã thuộc về Ngài. Ngài vẫn cứ cần một cơn bão. Ngài vẫn không thể nào cho mẹ con ta một dúm đất trú chân sao?
Ta mong gì nữa đâu mũ Ngũ Phượng, cung Từ Thọ. Đán con ta mơ gì nữa đâu điện Thái Hòa, hoàng bào, đai ngọc, xiêm vàng.
“Con ta vắn số thì ngôi Thái tử còn ai khác nữa ngoài cháu ta, nó sẽ ngồi...”
Thừa Thiên mẫu hậu. Lẽ ra mẹ đừng gieo chi cho chúng con giấc mơ ấy. Giấc mơ quyền lực có thể giết chết không chỉ một người.
Ngày mẹ mất, chủ lễ áo sô trắng, chống gậy, nét đau khổ hằn trên gương mặt đi qua, mà sao đập vào mắt con chỉ là khóe miệng nhênh nhếch thứ gì như một cái cười. Đán về đến phủ ba ngày vẫn còn tức tưởi trong tiếng khóc. Mẹ gieo chi giấc mơ để chính con cũng không biết tiếng khóc nào con trai con khóc bà, tiếng khóc nào là khóc ngai vàng tuột qua tay.
“Ta chỉ mong mình là một gã nông phu, một anh chài lưới. Ta sẽ về một miền dã sơn nào đó dựng một ngôi nhà. Khi đó, nàng và các con liệu có muốn theo ta?”
Cảnh chàng ơi, chàng biết không. Lúc dịu dàng gật đầu sau câu hỏi ấy, trong em vẫn chỉ chấp chới những lộng lẫy, nguy nga của phủ đệ một ông hoàng.
Em không được như Đức Mẹ, pho tượng người đàn bà Tây Dương ôm đứa trẻ trong biệt phòng mỗi tối vắng người chàng lại đến quỳ xuống, cúi đầu.
Một lần lén theo gót chàng, em ráng tìm những nét giống mình trên mặt tượng. Khoan hòa bình thản, người đàn bà nhìn lại em qua khe cửa. Ánh mắt như thấu suốt những tò mò hờn ghen vụn vặt đàn bà làm em hổ thẹn. Em làm sao để lòng mình phẳng lặng, an nhiên như ánh mắt đó. Em chỉ là một người đàn bà bình thường biết yêu thương, biết hận oán, biết lạc lòng vì những lung linh của quyền lực, son vàng.
Cảnh, giờ em hiểu rồi, giấc mơ không điện ngọc, không đài cao, không rập lạy tung hô. Thoát khỏi chốn hoàng gia vương giả này rồi, chuyển kiếp của chàng là ai đó ngoài kia? Một vị sư, một hành giả, một tiều phu thảnh thơi miền sơn cước. Hay giọng hát nào trong những giọng trẻ con hò vè vọng vào từ nơi phố chợ kia...
Trời dưới đất trên
Rồng lặn cá lên
Sự thế đảo điên
Con trai lấy mẹ…
Khen cho Ngài, Minh Mạng. Cơn bão Ngài tạo nên đâu chỉ xô đổ một mái nhà. Vết dơ này, đâu phải chỉ lem luốc mẹ con ta.
Cứ chặt ngọn, cứ bẻ cành đi. Nhưng Ngài thay đổi được sao? Sự thật chúng ta vẫn là hai nhánh cây đâm ra từ một cái gốc. Sự thật Ngài chỉ là cái nhánh phụ, càng vươn cao càng đau đáu về cội nguồn không đích thống tạo ra mình. Người ở Từ Thọ cung cả đời chắc cũng canh cánh một nỗi niềm như thế. Đám tang Thừa Thiên Cao Hoàng hậu mẹ ta chắc không phải chỉ một mình kẻ chủ lễ nhếch môi cười.
Tiên đế. Cùng một hạt mầm, cùng một gốc sinh ra sao cả Người, cả ông trời cũng không dành cho chúng con trọn giọt mưa móc nào để nảy lộc, đâm chồi?
Là đọa kiếp. Đọa kiếp năm đó giam hình hài anh tuấn của chồng ta dưới bộ da một con ác quỷ. Con ác quỷ mình đỏ, mắt đỏ. Chi chít những mụn nước như những dề đậu gớm guốc dày cộp từ đầu đến chân cũng đỏ. Đôi mắt ráng rướn lên dưới những lớp đặc dày mụn nước, Cảnh, là chàng đã nhìn về phía em cái nhìn cuối cùng ấy, phải không? Chàng đã nhìn em. Không phải nhìn những giọt nước rơi ra từ bàn tay vẫy của kẻ áo thụng đen kề sát bên giường.
“Ta rửa Ngài nhân danh cha và con và thánh thần...”
Rì rầm, rì rầm như một bài hát của những kẻ áo thụng đen ta cho phép vào vút cao lên rồi vụt bay qua những song cửa sơn son. Bay theo lời hát, ta thấy rõ lắm, là linh hồn đẹp đẽ, sạch trong như được thanh tẩy của chồng ta.
Sẽ là thanh tẩy hoàn toàn nếu máu của những kẻ hầu mang áo giáo sĩ kia không đổ trong hố chôn chung ngay cạnh mộ chàng.
“Những ai tiếp xúc với Đông Cung đều nhiễm bệnh. Cần phải diệt hết mầm bệnh đậu mùa!”
Giọng viên Ngự y trong cung mẹ có trở đi trở lại hàng trăm lần vẫn không át được những tiếng khóc than xen giữa chuỗi hát rì rầm dậy lên từ lòng đất mộ Bình Dương mỗi lần ta ra viếng.
Mẹ sợ lây lan mầm bệnh hay lây lan lời truyền con trai mẹ tận lúc chết vẫn không dứt được đạo Tây Dương đến tai người đang ở chiến trường?
Đọa kiếp không chấm dứt phải chăng vì ta? Vì ta mà rốt cuộc thanh thản của chồng ta lại rửa bằng những giọt máu người.
Đọa kiếp 23 năm lại giáng xuống thân ta.
“Tống thị thất đức tư thông con ruột, nhuốc nhơ hoàng phả, tội đáng dìm nước, thả trôi sông...”
Chỉ truyền từ giọng eo éo của tên thái giám ấy chưa phải là đọa kiếp. Những láo lếu nắm giật, lôi kéo từ bọn cấm quân. Những khóc than dậy lên khắp Ứng Hòa Công phủ chưa phải là đọa kiếp.
Đọa kiếp là kia. Nơi góc nhà. Ánh mắt Đán con ta đờ dại, không thần sắc. Ánh mắt của một kẻ điên khi phút chốc đổ dồn lên đầu bao đớn đau, tủi nhục, bàng hoàng.
Minh Mạng. Thà là Ngài giết nó. Thà là Ngài đem nó trấn nước cùng ta hay tùng xẻo, chặt đầu. Ngài mượn chi chút thương cảm máu mủ ruột rà, mượn chi tiếc nhớ hương hồn Anh Duệ chồng ta mà để cho nó sống. Buộc tội một đứa con loạn luân với mẹ, Ngài nghĩ nó có thể sống được sao, sống như một con người?
Ta hiểu rồi. Là Ngài muốn con ta chết không phải chỉ một lần. Ngài muốn giết con ta bằng đúng những tháng ngày đau đớn tủi nhục Ngài cho nó sống.
Ngài hận oán lắm sao? Đứa cháu dám kênh vai ngang hàng với Ngài trên bàn cân ngôi Thái tử. Bà chị dâu ngày nào dám giáng thẳng cái tát vào gương mặt lún phún râu lè nhè lời chọc trêu đầy hơi rượu.
Ngài nuôi nỗi hận ấy đã bao giờ? Con rắn đầy nọc độc ấy đã cắn vào tim Ngài tự bao giờ? Ta thương cho Ngài, đứa trẻ chỉ vì giết một con rắn nước vô hại dưới chân mà dâng tim mình cho một con rắn khác. Nghi kị, nhỏ nhen, độc ác. Cảnh chàng ơi. Phải chăng mọi đế vương trên đời này đều nuôi trong lòng con rắn ấy? Phải chăng để thoát ra khỏi nó, chàng đã mong được sinh ra là một kẻ bần dân.
Trăng lạnh. Trăng không ôm em rạo rực, ấm áp như vòng tay chàng 23 năm trước nữa rồi. Em có khóc đâu. Chỉ là vầng trăng đơn độc lạnh cóng trên kia bỗng đỏ độc lên, giàn giụa nước.
Thiên Thọ lăng xa xôi quá. Vòng tường hoàng thành bọc Thế Miếu thăm thẳm, hun hút quá. Có ai nữa, Cảnh ơi... Có ai nữa ngoài chàng, ngoài em nghe tiếng khóc của mảnh trăng không?
5.
Ta nghe chứ trăng. Tiếng khóc. Tiếng thê lương uất nghẹn. Tiếng rỉ xuống như mưa từ mảnh sáng đỏ lừ màu máu. Ngấm buốt. Xoáy cắt. Sao lại khóc rồi, hỡi mảnh trăng?
Tiếng khóc đã từng dội vào tai ta trong đêm rằm tháng Giêng luênh loang nước trời Thị Nại. Để nhòe nhợt đi. Những gầm vang chiến thắng không ngừng của đại bác, những đen đặc cao ngút khói trùm lên vọng gác, lên những mảnh chiến hạm tơi tả của giặc Tây Sơn.
Để trước mắt ta là thân mình mang cái đầu nát bét của Võ Duy Nghi. Là khoảng cát tắm trăng nổi rõ những chân, tay đứt lìa co quắp. Là mặt bể khét lẹt tanh tưởi mùi xác người, mùi máu chan át dạt cả lồng lộng mùi nước, mùi gió.
Trăng chiếu ánh rằm xuống bể, màu máu dội lên từ mặt nước làm đục ngầu, đỏ dại cả ánh trăng.
Loạng choạng, ta phải chống kiếm để đứng thẳng nhận lời ban khen của Tiên đế. Mắt như mù, tai như điếc đặc. Kẻ chiến thắng cần chi nghe những than van, kêu khóc. Ngươi biết không trăng?
Vậy ngươi mang làm gì ánh đỏ bi thương từ đêm rằm Tân Dậu đó? Ánh đỏ nhập cùng màu đá Thạch Bích Sơn đổ đọng như những vệt máu ướt nhòe ngả đường mòn ấy, để ta xuống lệnh thu quân dù xa xa thấp thoáng nóc nhà sàn của một sắc Man. Ánh đỏ chảy ròng ròng khắp giấc mơ ta ngày Nguyễn Văn Thành tự quyết. Giấc mơ dù toàn đỏ là đỏ đẫm trên một gương mặt rúm lại vì độc dược vẫn không khép được khóe môi mỉa thành một cái cười khinh khỉnh, cong cong. Bao nhiêu năm đi nữa, sống hay chết đi nữa, Nguyễn Văn Thành, trong mắt ngươi, ta vẫn chỉ là một kẻ không làm được đàn ông sao?
“Điểu tận cung tàng, Lê Văn Duyệt. Hôm nay là ta. Ngày nào đó sẽ là ngươi... ”
Tiên đế. Những tràng cười, những u u ma quỷ dội giữa giấc mơ máu đó, liệu có thật không?
Thần… Rồi cũng sẽ như bọn hắn, những kẻ ngạo mạn ưa khua mép, múa chữ ấy... Rồi cũng sẽ chịu phận một cây cung bị bẻ gãy, một loài chó săn bị bắn chết khi tàn cuộc săn sao?
Thần không tin.
Trường Lũy thần đắp còn sừng sững chạy dài ngăn bao đợt quân Man cướp phá Quảng Nghĩa, Bình Định đó. Đất Gia Định bao con dân trăm họ ấm no không ngớt lời ngợi ơn kia. Vạn Tượng, Xiêm La, Chân Lạp. Cả một cõi được giữ yên, kính nhường thần. Lê Quốc Huy, Huỳnh Công Lý, bao sâu dân mọt nước đền tội dưới kiếm sắc thần.
Nhưng than ôi, Duyệt. Ta dọc ngang bốn cõi làm gì? Ta cầm trên tay lưỡi kiếm “tiền trảm hậu tấu” làm bao kẻ kinh hồn tán đởm làm gì? Khi cuối cùng, vẫn không cứu được chút mạng sống nhỏ bé của một người đàn bà. Người đàn bà ấy, một ngày nhìn lại, trước mắt ta chỉ là một thân cây khô bước đi giữa lùng thùng xiêm áo, chỉ là một nụ cười đến cái bóng cũng không còn dấu vết gì của chính nó sau 23 năm.
Ta già mất rồi. Chỉ kẻ già mới lẩm cẩm trách cứ, nhớ tiếc. Bão tố chốn cung đình, lạ gì đâu, cũng chỉ một trò chơi đến tận cùng của kẻ chiến thắng biết bỏ qua những than khóc kêu van.
Đức Kim Thượng, ngài rất giống cha ngài, biết bỏ ngoài tai những gì không nên nghe, nên nhớ. Tiên đế đã đúng. Vận mệnh của ngài là vận mệnh ngai vàng. Và phụng sự người trên chiếc ngai lộng lẫy ấy, là vận mệnh của lão thần. Vận mệnh của hòn đá bị buộc vào vòng quay không ngừng nghỉ của một bánh xe, thấy chính mình nghiến nát đè vụn lên bao xác đá khác mà vẫn phải tiến, vẫn phải quay.
Trăng. Thôi đừng khóc nữa. Để ta làm tròn vai trò một hòn đá. Ta đội lại thôi chiếc mũ hổ đầu oai vệ. Ta đứng dậy và bước thôi, những bước đi uy vũ của một Tả quân.
Bọn lính gác như trôi vào giấc ngủ trên những bậc thềm. Đứa thái giám nhỏ lén nhìn ta cũng đã gục đầu, chân thò cả ra khỏi bụi cây. Tất cả đều đã chìm vào giấc ngủ. Thế Miếu, cung Từ Thọ, điện Càn Thành. Nên khóc làm gì, trăng. Tiếng khóc khi thức đã mấy ai nghe.
Anh Duệ Hoàng Thái Tử, cứ xem như thần đã quên cái nắm chặt vai ngày nào bên bàn rượu.
Tống Thái phi, thần không làm gì được cho bà. Nhưng phút cuối cùng này... thần sẽ đến tiễn bà.
6.
Loẻng xoẻng... loẻng xoẻng...
Tiếng tháo xích sắt, tiếng mở khóa khua vọng vào tai ta như từ cõi xa xăm nào. Một bóng người cũng như từ cõi xa xăm nào lách qua khung cửa. Lần khần, câm lặng trước ngọn nến đang chảy đến những giọt sáp cuối cùng trên bàn. Rồi quỳ xuống.
“Thần. Lê Văn Duyệt. Xin đến tiễn Thái phi...”
Tả quân. Ông lại như xưa, lại quen nếp binh gia to tiếng nữa rồi. Thấy không... Ánh nến còn ráng loe lét chờn vờn vì giọng ông phụt tắt mất. Hay là chính phòng giam lạnh lẽo này, đến cả nó cũng tắt ngóm mọi ánh sáng để đuổi xua ta?
Thì đi! Ra khỏi bốn bề ngột ngạt tù túng này thôi. Ra với trăng thôi.
Trăng rờ rỡ chải mái tóc ta thành những vạt mềm đổ dài như suối. Trăng nhuộm màu áo tội nhân ta thành màu đỏ rực của áo cô dâu. Chòng chành chiếc cũi gỗ. Không phải. Là chòng chành êm ái của kiệu hoa. Những bóng lính cấm vệ lầm lụi bước. Không phải. Là những bóng gia nhân kẻ thổi kèn gõ trống, kẻo ồn ào dẹp đường cho kiệu hoa đi.
Còn bà mai? Sát lại kiệu ta nào, Tả quân. Trong đám cưới ta đêm nay, ông sẽ là bà mai. Bà mai thì không cần nhìn ta bằng ánh mắt day dứt đau đớn đó. Bà mai thì không cần phải quay mặt đi khi kiệu hoa ta vừa chạm lên mặt nước sâu. Hai tảng đá buộc dưới cũi gỗ là đôi ngựa kéo. Ngựa ra roi rồi. Kiệu ta về với nước thôi.
Nước luồn qua những song gỗ liếm mềm gót chân ta. Nước ve vuốt đôi bàn chân, tham lam phủ trùm lên thắt lưng ta. Cảnh chàng ơi, từ Dương Xuân gò chàng có nhìn thấy không? Nước chồm lên gò ngực em rồi. Thêm một chớp mắt, giờ nước hôn lên môi em nụ hôn sũng ướt có cả vị dịu ngọt của mưa.
Cảnh, chàng đừng hờn ghen với nước. Qua cơn hoan lạc này, nước sẽ đưa em trắng trong, thanh khiết đến bên chàng. Chàng sẽ không tìm thấy đâu, vệt bùn nhơ người ta đã cố đắp lên em, nhăn nhúm cỗi cằn 23 năm góa phụ đã đắp lên em.
Tả quân, ông muốn nói gì phải không? Gương mặt thảng thốt vừa ngoảnh phắt lại của ông, bàn tay nửa như đưa nửa như rụt, chỏng chơ chới với hướng về phía lòng sông của ông.
Tả quân, tốt nhất là đừng nói. Bàn tay vội vàng đỡ lấy ta trong cơn mưa Gia Định tầm tã, ánh mắt 23 năm giờ vẫn chưa dám nhìn thẳng một lần. Khổ cho ông. Kẻ chật vật với quá nhiều thứ cần giấu che dưới vẻ mặt lúc nào cũng lặng phắt oai nghiêm.
Nước... Nước hòa trăng tan vào mắt ta thành từng dòng loang đỏ.
Kìa! Sao không phải dáng chồng ta, không phải gò Dương Xuân thấp thoáng giữa dập dềnh, quẩn quện nước trăng? Sao nháng lên như một tia chớp sa giữa màu đỏ nhòe nhoẹt quanh ta lại là cái bóng đổ đen thẫm mặt nước của ông vậy, Tả quân? Cái bóng cong vòng, gãy cúp. Bóng của một cánh cung bị bẻ gập, chặt đôi.
Tả quân, làm sao để ta nói cùng ông đây, hình như ta vừa thấy đấy, vận mệnh của ông.
Thôi đành. Tả quân... Vinh nhục, sang hèn. Có gì đáng sợ đâu. Một chớp mắt, một cái lật bàn tay. Địa vị, quyền lực. Có gì thiết tha đâu. Một giấc mộng hoang đường.
Tả quân, ta rời cơn mộng ảo này đây. Khi nào thoát ra khỏi nó, ông hãy đến tìm ta.
Trên một dốc núi, một vạt rừng, một con thuyền xuôi dọc dòng sông hay một mảnh ruộng thơm mùi bùn, kiếp sau biết đâu... biết đâu ta sẽ ở đó, đợi ông.
*
* *
Những người chài lưới trên một khúc sông ngoài kinh thành nói rằng mỗi tháng Chạp mưa lâm thâm lại thấy một người đàn ông mặt trắng không râu khoác áo tơi đứng lặng bên bờ, đăm đăm nhìn xuống dòng nước chảy.
Một người vốn từng là lính gác Ngọ Môn mắc tội, quả quyết rằng đó là quan tổng trấn Gia Định thành. Đúng sai không ai biết vì lâu rồi dân kinh kì đâu nghe tin Tổng trấn có về chầu. Cũng mấy người nhớ mặt ông đâu. Chốn kinh kì lắm vương, lắm tướng. Mặt vương nọ lẫn nét quan kia. Áo người này lẫn sang người khác. Dân đen chài lưới để tâm nhớ mặt một vị quan chi bằng nhớ mùa nước, mùa cá, mùa nào đói, mùa nào no.
Họa may chỉ một tiểu thái giám gầy guộc mỗi chiều tháng Chạp gom lá đổ trong sân Thế Miếu, nhìn theo từng vạt bụi tốc bay theo bấc về Nam là thắc thỏm một câu lâu rồi chưa kịp hỏi:
“Đức Thượng Công. Phải làm sao con mới được như ông?”
Phan Rang, 17/6/2015
N.T.K.H