Có một Việt Nam trong lòng thế giới

Thứ Hai, 28/09/2015 07:16
. NGUYỄN PHAN QUẾ MAI
 
Ngày 25, tháng 2 năm 2015. Cơn bão tuyết ập đến khi tôi đặt chân xuống thành phố Atlanta, Mĩ, theo lời mời của Poetry@Tech - trung tâm thi ca thuộc trường đại học Georgia Tech. Đường phố im ắng, các trường học, văn phòng đóng cửa. Nhìn những bông hoa tuyết phủ trắng đất trời, tôi không khỏi thở dài: buổi đọc thơ của tôi ở trường đại học Georgia Tech cùng với nhà thơ, cựu binh Mĩ Bruce Weigl chắc chắn sẽ chẳng có người tham dự.

Bước ra khỏi sân bay, tôi nhận được cái bắt tay rất chặt của giáo sư, nhà thơ Thomas Lux - Giám đốc trung tâm Poetry@Tech. Ông đã băng qua bão tuyết để đến gặp tôi. “Trời ơi, cô không thể biết rằng Việt Nam quan trọng với những người Mĩ thế hệ của tôi như thế nào đâu!” - giáo sư Thomas Lux thốt lên. “Tôi đã mong ước đón một nhà thơ Việt Nam đến đây giao lưu từ lâu, rất lâu rồi, nhưng bây giờ mới có thể thực hiện được.”

Ngồi bên tách cà phê nóng hổi, bốc khói trong phòng khách ngập tràn sách và sách, giáo sư Thomas Lux xúc động kể cho tôi về những tháng ngày tuổi trẻ của ông, khi ông đã xuống đường phản đối chiến tranh của Mĩ tại Việt Nam. “Những ngày ấy, chúng tôi đã ăn đã ngủ cùng với những diễn biến của cuộc chiến. Chúng tôi đau đớn vì những gì chính phủ của chúng tôi đang gây ra trên đất nước các bạn. Và rất nhiều người trong số chúng tôi ao ước có thể làm một điều gì đó để đem lại hoà bình trên mảnh đất Việt Nam yêu dấu.”

Ngồi bên chúng tôi, giáo sư, cựu binh Mĩ Bruce Weigl trầm ngâm xoay xoay tách cà phê. Mái tóc lấm tấm bạc của ông dường như đang bạc hơn. Chắc ông đang phải nhớ về khoảng thời gian kinh hoàng của năm 1967-1968, khi ông tham chiến ở Việt Nam. Ngày ấy, là một chàng trai mười tám tuổi, Bruce Weigl đã bị ném vào những chiến trường ác liệt nhất như Đăk Tô, An Khê, để rồi ông bị “chiến tranh ăn rỗng”. Trở về Mĩ, ông đắm chìm trong sự dằn vặt và đau đớn. Nhưng rồi một ngày, ông đứng dậy, ra khỏi nhà và tham gia đoàn người biểu tình phản đối chiến tranh. Cùng với những cựu binh khác, Bruce Weigl đã kể cho mọi người về sự tàn khốc của một cuộc chiến tranh phi nghĩa, để nhiều người Mĩ khác cũng đứng về phía Việt Nam.

“Tham gia phong trào phản chiến, tôi đã có lần bị cảnh sát bắt giam.” Bruce Weigl nói khẽ, ánh mắt ông nhìn qua cửa sổ, nơi một rặng tre mà giáo sư Thomas Lux đã trồng - một minh chứng cho tình yêu của ông dành cho Việt Nam - đang xào xạc trong gió. Một nụ cười chợt nở bừng trên gương mặt của Bruce Weigl. “Bị bắt giam nhưng tôi không hề sợ hãi... Cô biết không, ngày ấy những cảnh sát như cũng đứng về phía Việt Nam, họ đối xử với chúng tôi rất nhã nhặn và lịch sự.” Tôi gật đầu và thầm biết ơn ông. Dành cho dải đất hình chữ S một tình yêu kì lạ, Bruce Weigl đã tình nguyện dành rất nhiều thời gian dịch, xuất bản và quảng bá văn học Việt ngay trên đất Mĩ. Và tôi may mắn là một trong số tác giả mà Bruce Weigl chọn dịch. Ông dịch nhằm xây những cây cầu của tình hữu nghị và cảm thông giữa Việt Nam và thế giới. Vào những năm 80, Bruce Weigl đã lần tìm được những tài liệu mà quân đội Mĩ còn lưu giữ - tài liệu của những người lính cộng sản mang trên người khi họ bị bắt - và phát hiện rằng trên những tờ giấy ố vàng ấy có những bài thơ. Tập thơ Thơ từ các tài liệu bị bắt giữ (Poems from Captured Documents) do ông và dịch giả Thanh Nguyen chuyển ngữ, ra đời vào năm 1994, thực sự đã đem lại một chấn động trong lòng nước Mĩ. “Ngày xưa, tôi và đồng đội được “giáo huấn” rằng những người lính cộng sản là những cỗ máy giết người, không có trái tim. Tập sách Thơ từ những tài liệu bị bắt giữ là một minh chứng hùng hồn rằng các chiến sĩ cộng sản là những người biết yêu thương. Họ yêu cuộc sống hơn tất cả nhưng sẵn sàng xả thân để bảo vệ hoà bình”, Bruce Weigl đã có lần chia sẻ với tôi.

Trong suốt buổi chiều ngày hôm đó ở Atlanta, giáo sư Thomas Lux đã hỏi tôi rất nhiều về Việt Nam, một dải đất ông luôn đau đáu hướng về, nhưng chưa từng một lần được đặt chân đến. Ông thở dài khi nghe tôi kể về những hiểm hoạ ở biển Đông mà Việt Nam đang phải đương đầu. Rồi ông lại bắt tay tôi, “Bằng các tác phẩm văn học của bạn, và của các nhà văn Việt Nam, các bạn sẽ lại có được sự ủng hộ của cả thế giới.”

Tôi gật đầu biết ơn ông, nhưng nhìn ra bầu trời vần vũ bão tuyết, tôi tự hỏi ai sẽ đến để nghe những điều tôi muốn nói vào chương trình thơ ngày mai ở Atlanta? Và ai sẽ đến để nghe tôi đọc thơ trong hành trình giao lưu thơ của tôi, xuyên qua các thành phố khác như New Mexico, Rochester và New York. Và trong số ít ỏi những người đến dự, liệu sẽ có ai phản ứng cực đoan với những bài thơ tôi sẽ đọc về chủ quyền lãnh thổ, về nỗi đau vẫn còn nóng hổi của chất độc da cam, về những gia đình liệt sĩ Việt Nam vẫn đang phải từng ngày, từng giờ lần tìm hài cốt người thân. Sự hồi hộp lớn dần trong tôi suốt ngày hôm sau, khi tôi co ro dạo bước quanh thành phố Atlanta yên bình, trắng xoá. Nhìn những người Mĩ xa lạ đang hối hả lại qua, tôi tự hỏi liệu Việt Nam có còn trong bản đồ của trí nhớ họ, khi chiến tranh đã lùi xa hơn bốn chục năm rồi, và nơi đây, dường như tất cả đang bỏ qua quá khứ để vươn mình về phía trước.

Tối ngày 26/2/2015, gần đến giờ khai mạc chương trình giao lưu thơ, GS. Thomas Lux lái xe đưa tôi và GS. Bruce Weigl vào bãi đỗ xe của trường. Chỉ vào những chiếc xe phủ đầy tuyết đang đậu thành những dãy dài, ông cười: “Khách của chúng ta đã đến”. Bước vào khán phòng Kress Auditorium rộng rãi và ấm áp, tôi không khỏi sửng sốt: các dãy ghế đã chật kín người. Khán giả nghe thơ không chỉ là những sinh viên mà hơn một nửa là những người lớn tuổi, tóc trên đầu đã bạc. Đến giờ khai mạc, hết ghế, người ta ngồi bệt ở các lối đi và xung quanh sân khấu. GS. Thomas Lux rỉ tai tôi: “Hôm nay có thơ Việt nên khác hẳn, số người tham dự đạt mức kỉ lục từ trước đến nay: 270 người.”

Trong suốt hơn một tiếng đồng hồ, tôi và nhà thơ, GS. Bruce Weigl đã lần lượt đọc những bài thơ bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Chúng tôi đã cùng nhau kể những câu chuyện về một Việt Nam yêu hoà bình, giàu bản sắc, đang vượt qua mọi gian khó để vươn lên. Thật xúc động khi buổi đọc thơ kết thúc, tất cả mọi người đồng loạt đứng dậy, những tràng vỗ tay kéo dài, dài mãi.

Sau buổi đọc thơ, tôi đã nhận được những cái ôm đầy trìu mến của người tham dự. Hoá ra rất nhiều trong số những người lớn tuổi có thân nhân tham chiến ở Việt Nam. Họ đã kể cho tôi nghe những câu chuyện đầy ám ảnh về nỗi đau và mất mát của gia đình họ. Nắm chặt tay họ, tôi không khỏi bùi ngùi. Nhớ lần đầu tiên tôi tới Mĩ, vào năm 2007, chồng tôi đã đưa tôi tới đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam ở Washington. Tôi đã nhất quyết không vào. Tôi nghĩ mình không thể tưởng niệm cho những kẻ đã đến Việt Nam xâm lược và đã gây ra biết bao đớn đau trên dải đất Việt. Nhưng chồng tôi vừa kéo tay tôi, vừa nói, “Nếu không vào, em sẽ hối tiếc, vì nơi này là một phần lịch sử.” Rồi trước mặt tôi một đài tưởng niệm hiện ra: một bức tường bằng đá hoa cương đen dài 75m, cao 3m, hình chữ V, có khắc tên hơn 58.000 binh sĩ Mĩ đã thiệt mạng hoặc mất tích khi tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam. Tôi định ngoảnh mặt bước đi, nhưng một điều gì đó níu tôi lại. Ở chân bức tường đen phủ đầy những bông hoa hồng đỏ như màu máu, và những lá thư của một người còn sống viết cho người đã chết. Và mắt tôi đã nhoà đi khi đọc những lá thư đang run rẩy trong gió. Một trong những lá thư ấy viết: “Cha ơi, hôm nay là sinh nhật con gái con. Ước gì cha ở đây để cùng cháu thổi nến mừng tuổi mới. Không ngày nào con không nghĩ đến cha. Tại sao cha ơi? Tại sao cha phải đến Việt Nam, tại sao cha phải chết?”
Chỉ đến khi đọc lá thư đó, tôi mới thực sự chạm vào nỗi đau ở bên kia cuộc chiến, và hiểu một cách cụ thể rằng, ở phía bên kia, gia đình những cựu binh Mĩ cũng phải gánh chịu những nỗi đau tàn khốc của chiến tranh. Tối hôm ấy ở Atlanta, cầm tay thân nhân của những cựu binh, tôi cảm thấy một sợi dây vô hình thít chặt lấy chúng tôi.
mail google com
Lớp học sáng tác dành cho những nhà thơ trẻ xuất sắc được tổ chức bởi Trung tâm Thi ca Mĩ tại New York do Nguyễn Phan Quế MAi và Bruce Weigl làm giảng viên (Ảnh tác giả cung cấp)

Thật xúc động khi sau buổi giao lưu thơ hôm đó, tôi đã được những người lớn tuổi ôm chầm vào lòng. Họ đã đi những quãng đường rất dài để đến nghe thơ. Là những người đã từng xuống đường phản đối chiến tranh của Mĩ tại Việt Nam, họ khao khát muốn nghe những câu chuyện về một Việt Nam thời hậu chiến. Và trong khán phòng hôm ấy còn có rất nhiều các bạn sinh viên, những người bày tỏ sự thích thú khi lần đầu tiên được nghe những bài thơ ngân lên bằng tiếng Việt và mong ước một ngày được đến Việt Nam. Tất cả đều nói với tôi rằng, họ luôn dõi theo và ủng hộ Việt Nam.
“Thế giới cần phải nghe những câu chuyện của Việt Nam. Tôi sẽ dành 60 trang trong số sắp tới của tạp chí để in các bài thơ Việt, cô giúp tôi chứ?” - nhà thơ Dan Veach, Tổng biên tập của tạp chí văn học danh tiếng Atlanta Review siết chặt tay tôi. Lời đề nghị của ông thật ưu ái: hàng năm tạp chí Atlanta Review nhận được khoảng 15.000 bài thơ từ khắp nơi trên thế giới gửi về, và họ chỉ chọn in vẻn vẹn khoảng... 120 bài. “In thơ Việt Nam thôi chưa đủ”, cô Katherine, người đang phụ trách một chương trình phát thanh ở Atlanta nói với tôi. “Tôi muốn cùng cô thực hiện một chương trình radio thơ Việt Nam, với giọng đọc của các nhà thơ Việt Nam bằng tiếng Việt, cô đồng ý chứ?”   

Rời trường đại học Georgia Tech, tôi đem theo bao kế hoạch về việc quảng bá nhiều hơn nữa vẻ đẹp của thi ca Việt Nam đến Atlanta. Và tôi cũng đem theo cái ôm rất chặt của cô sinh viên tên Uyên, người đã được sinh ra trên đất Mĩ và chỉ trở về Việt Nam một lần khi còn rất nhỏ. “Em đã khóc rất nhiều buổi tối hôm nay. Em sẽ sớm phải trở về quê hương, chị ạ.” - Uyên thầm thì cùng tôi, khi ngoài kia, mùa đông vẫn đang vần vũ.

Ngày 27 tháng 2 năm 2015. Tôi và GS. Bruce Weigl lên máy bay rời Atlanta, tiếp tục cuộc hành trình giao lưu thơ khi nước Mĩ đang trải qua một trong những mùa đông lạnh chưa từng có trong lịch sử. Xuống sân bay, xe ôtô của Quỹ văn hoá Lannan đã đợi sẵn, đưa chúng tôi xuyên qua thành phố Albuquerque sầm uất, trước khi lướt qua những sa mạc hùng vĩ của tiểu bang New Mexico. Tuyết rơi dày đặc khi chúng tôi đến thành phố Santa Fe, nhưng khi bước vào văn phòng của Quỹ văn hoá Lannan, tôi chợt thấy lòng ấm áp: trên tường là một bài ca dao Việt Nam, được in trang trọng bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Bài ca dao ấy là một trong các tác phẩm văn học Việt Nam đã được Quỹ văn hoá Lannan tài trợ xuất bản vào năm 1996 dưới dạng khổ lớn và được dán trên các chuyến xe bus, nhằm giới thiệu với người Mĩ về một Việt Nam giàu bản sắc văn hoá.

Và cũng với ước muốn giới thiệu nhiều hơn nữa bản sắc Việt Nam, Quỹ văn hoá Lannan (ra đời năm 1960 và được điều hành bởi gia đình tỉ phú Lannan, nhằm thúc đẩy sự tự do, đa dạng và sáng tạo văn hoá, thông qua các dự án hỗ trợ những nghệ sĩ và nhà văn đương đại xuất sắc) đã mời tôi đến đây để trình bày các tác phẩm trong tập thơ The Secret of Hoa Sen - Bí mật của hoa sen, một trong hai tập thơ song ngữ mà Quỹ vừa tài trợ xuất bản trong năm 2014.

Tại bữa tối tiếp đón trọng thể do Lannan tổ chức, thật ngạc nhiên khi tôi đã được gặp một Việt Nam trong lòng nước Mĩ. Đó là rất nhiều trí thức như ông Frank Lawler, David Ungerleider và Penn Szittya, những người đã rất tích cực tham gia phong trào phản chiến, và bây giờ luôn dành cho Việt Nam những tình cảm vô cùng đặc biệt. Đó là nhiếp ảnh gia danh tiếng Don Usner, người trong suốt nhiều năm qua đã luôn sử dụng những bức ảnh về Việt Nam trong các lớp học của mình. “Tôi nói với học trò rằng mục đích của nhiếp ảnh là đem lại sự thay đổi, và chính những bức ảnh về chiến tranh Việt Nam đã thay đổi cuộc đời tôi. Những bức ảnh đó đã khiến tôi và nhiều người Mĩ tỉnh ngộ, để cùng xuống đường phản đối chiến tranh.”

Đã từng ngần ngại khi quyết định đọc những bài thơ khá nhạy cảm về chiến tranh Việt - Mĩ, nhưng tại khán phòng của Lannan trong chương trình “Thi ca Chủ nhật” diễn ra vào ngày 1/3/2015, tôi đã cảm thấy vô cùng vững tâm. Và những dòng lệ chảy tràn trên gương mặt những người tham dự nói với tôi rằng, trái tim những người Mĩ chân chính luôn có một phần đặc biệt dành cho đất nước, con người, và văn học Việt Nam.

Sau buổi đọc thơ, cô Jamie Figueroa - con của một cựu binh Mĩ đã từng tham chiến tại  Việt Nam - chia sẻ cùng tôi: “Cha tôi luôn hằn học và luôn luôn giận dữ. Ông chưa hề nói với tôi một điều gì về cuộc chiến. Từ lâu rồi tôi không nói chuyện với cha. Nhưng hôm nay, tôi đã hiểu về nỗi đau dai dẳng của chiến tranh. Tôi nghĩ mình sẽ ngồi lại để nói chuyện cùng cha. Tôi nghĩ tôi có thể tha thứ cho cha...”

“Tôi rất giận dữ khi đại đa số người Mĩ không muốn nhắc về những gì đáng xấu hổ trong lịch sử của chúng tôi, và cuộc chiến với Việt Nam là một phần trong quá khứ đáng xấu hổ đó.” Chủ tịch Quỹ văn hoá Lannan - ông Patrick Lannan - cho tôi biết. “Nhưng chúng ta cần phải nhắc lại. Nhắc lại để hàn gắn sự chia rẽ vẫn còn sâu hoắm giữa lòng nước Mĩ về cuộc chiến tranh đó. Nhắc lại để xoa dịu biết bao nỗi đau vẫn còn dai dẳng của những cựu binh Mĩ và gia đình của họ. Và nhắc lại để cùng nhau làm nhiều hơn cho Việt Nam và những nạn nhân của cuộc chiến.”

Làm nhiều hơn nữa cho Việt Nam là điều mà Quỹ văn hoá Lannan vẫn luôn trăn trở. Vào năm 1991, họ đã tài trợ cho một dự án khiến nước Mĩ xôn xao: tác phẩm nghệ thuật mang tên The Other Vietnam Memorial để tưởng niệm gần ba triệu người Việt Nam đã chết trong cuộc chiến Việt - Mĩ. “Chính phủ chúng tôi đã cho dựng lên đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam ở thủ đô Washington, nhưng đài tưởng niệm đó chỉ ghi tên khoảng 58.000 lính Mĩ đã chết hoặc mất tích. Còn gần ba triệu người Việt Nam thì sao? Tôi thấy cần thiết phải dựng lên một đài tưởng niệm cho họ” - ông Pattrick Lannan nói với tôi.

“Có một đài tưởng niệm cho người Việt ư?” - tôi kêu lên sửng sốt. Ông Patrick Lannan gật đầu và cho tôi biết thêm: đó là tác phẩm của nghệ sĩ Mĩ Chris Burden, cao 4m, gồm những tấm đồng xoay trên một trục chung. Khắc trên những tấm đồng đó là gần ba triệu cái tên Việt Nam do máy tính tạo ra, để tưởng niệm cho những người Việt đã ngã xuống trong chiến tranh Việt - Mĩ. Ra đời năm 1991, tác phẩm nghệ thuật độc đáo này đã được triển lãm ở nhiều nơi trên nước Mĩ và hiện đang được đặt tại bảo tàng Chicago.

“Những người Việt của tôi cần nhìn thấy đài tưởng niệm đặc biệt này” - tôi thốt lên. Ông Patrick Lannan siết chặt tay tôi. “Tôi hi vọng điều này có thể thực hiện được. Quỹ Lannan sẽ chi trả mọi chi phí để đưa đài tưởng niệm này đến Việt Nam. Cá nhân tôi sẽ làm tất cả để người Việt có thể nhìn thấy tấm lòng của người Mĩ đối với Việt Nam qua tác phẩm nghệ thuật này. Và tôi hi vọng tác phẩm có thể giúp xoa dịu một phần nào nỗi đau vẫn còn sâu thẳm của những gia đình người Việt có người thân mất trong chiến tranh.”

Rời New Mexico để tiếp tục hành trình giới thiệu thi ca Việt ở Rochester và New York, tôi trăn trở nghĩ về đài tưởng niệm chiến tranh mà những người Mĩ đã làm và dâng tặng những người Việt đã ngã xuống. Sẽ có ý nghĩa xiết bao khi một ngày tôi có thể góp phần đưa đài tưởng niệm ấy đến Việt Nam.

Ngày 5 tháng 3 năm 2015. Máy bay đưa tôi băng qua những vần vũ tuyết để hạ cánh xuống thành phố Rochester, một thành phố được mệnh danh là “trung tâm của buốt giá”. Tuyết ở đây dày đến nỗi đã làm sập một số mái nhà trong thành phố. Nhưng cái lạnh giá biến mất khi tôi được tham dự buổi tiệc tiếp đón ấm áp do nhà thơ Peter Corners, Giám đốc Nhà xuất bản BOA Editions chủ trì. Mỗi năm, BOA Editions chỉ xuất bản trên dưới mười hai quyển sách. Họ chăm chút đầu tư cho từng quyển một, như thể đó thực sự là những đứa con tinh thần của riêng họ. Được chọn lọc và đầu tư rất kĩ, các tác phẩm của BOA Editions đã nhận được các giải thưởng văn học danh giá nhất bao gồm giải thưởng văn học Pulitzer. Thật kì lạ khi Peter Corners, một người Mĩ to lớn và thân thiện, lại có một tâm hồn nhạy cảm với thơ ca đến thế. Ông đã nằng nặc rằng tập thơ của tôi phải được in song ngữ Việt - Anh ngay trên đất Mĩ.

Rồi ông cũng nằng nặc rằng trang đầu tiên của quyển sách phải là một bài thơ được viết tay, bằng tiếng Việt của tôi. “Việt Nam có một vị trí rất đặc biệt trong lòng người Mĩ, và ấn phẩm này cũng phải rất đặc biệt” - Peter nói khi tôi mở từng trang của quyển sách, chỉ cho ông mỗi chữ tiếng Việt được dàn và in đẹp như thế nào. Thật kì lạ khi người dàn trang cho quyển sách - một người đàn ông Mĩ - không hề biết tiếng Việt. Nhưng ông đã tỉ mẩn sửa từng dấu chấm, dấu phẩy theo hướng dẫn từ xa của tôi, không một lời phàn nàn. Để rồi các bài thơ bằng tiếng Việt xuất hiện thật trang trọng, không một lỗi nào.

Buổi đọc thơ của tôi và Bruce Weigl tại Rochester diễn ra thật ấm áp và ngập tràn cảm xúc. Tôi cũng nhận được nhiều cái ôm và biết bao cái bắt tay, nhưng tâm trí tôi hướng về những người đàn ông Mĩ đầu tóc bạc phơ. Họ đã đến, lặng lẽ nghe thơ, rồi lặng lẽ ra về. Tối khuya hôm đó, tôi hỏi nhà thơ Peter Conners về những người đàn ông ấy. Peter cho tôi biết họ là những cựu binh Mĩ. Tôi ước gì mình đã có thể đến bên họ và cầm lấy đôi tay của họ. Tôi muốn mời họ trở lại Việt Nam. Tôi nhớ vào năm 2011 ở Hà Nội, khi tôi giúp dịch cho một cuộc giao lưu thơ giữa các cựu binh Mĩ thuộc tổ chức Trái tim người lính (Soldiers’ Heart) và những nhà văn, nhà thơ Việt Nam, có một cựu binh Mĩ trầm ngâm nói với tôi rằng, đã hơn bốn mươi năm qua, không một đêm nào ông ngủ tròn giấc. Những cơn ác mộng về Việt Nam vẫn nhấn chìm ông hàng đêm. Ông muốn quay trở lại Việt Nam nhưng sợ rằng những người Việt sẽ cầm dao chạy theo ông trên phố. Rồi nước mắt chảy thành dòng trên khuôn mặt của người đàn ông hơn bảy mươi tuổi ấy. “Tôi không thể nào tin rằng tôi được chào đón ở đất nước này. Thậm chí ở Mỹ Lai, một cô gái đã cười với tôi và nói “Chào đón ông trở lại”. Tại sao người Việt của cô có thể tha thứ cho chúng tôi, tại sao các bạn lại tốt đến thế?” Ông khóc nức nở như một đứa trẻ. “Khi tôi rời Việt Nam, tất cả là một bãi chiến trường. Tôi không tin vào mắt mình khi nhìn thấy những đổi thay đang diễn ra ở đây. Thật kì diệu!” Một nụ cười hiếm hoi nở trên môi ông.

Ngày 8 tháng 3 năm 2015. Rời New Mexico để đến thành phố New York, nơi Bí mật của hoa sen được ra mắt tại Poets House (trung tâm thi ca của nước Mĩ), một lần nữa, tôi lại chạm đến biết bao tình cảm thương mến của người dân nơi đây. Tình cảm ấy đến từ những người như ông Robert Hirschfield, một nhà báo, nhà phê bình văn học. Tôi không thể tưởng tượng được rằng, đến tận bây giờ, ông Hirschfield vẫn còn nhớ tên những địa điểm ở Việt Nam đã bị dội bom và tên những nạn nhân vô tội đã chết trong những trận bom ấy. Ông còn nhớ, vì những cái tên ấy đã bao lần nóng hổi trên môi ông, khi ông hô vang chúng trong những cuộc biểu tình phản đối chiến tranh. Ngồi đó với hai hàng nước mắt tuôn rơi, ông Hirschfield đã kể cho tôi rằng, thay vì những khẩu hiệu, ông và bạn bè đã chọn những tên người, tên phố, tên những ngôi làng đang bị chiến tranh phá huỷ. Khi hô vang những cái tên ấy, ông đã cảm thấy như Việt Nam là một phần máu thịt của mình. Việt Nam đã quan trọng đến nỗi, ông và rất nhiều bạn bè thường xuyên nghỉ việc để xuống đường biểu tình. Chắt chiu tiết kiệm từng đồng, họ đã đón những chuyến xe bus đường dài, từ New York đến Washington. Hoà vào những dòng người biểu tình dài dằng dặc, có khi lên đến hàng trăm ngàn người, họ đã hô vang tên của những nạn nhân vô tội bị giết. “Những cuộc biểu tình của chúng tôi, từ phản đối chiến tranh đã hoá thành những cuộc tuần hành ủng hộ Việt Nam”, ông Hirschfield chia sẻ.

“Chính những người như Robert Hirschfield đã tạo sức ép buộc chính phủ phải rút quân khỏi Việt Nam.” Nhà thơ, giáo sư và cựu binh Mĩ Bruce Weigl nói với tôi.
Tình cảm dành cho Việt Nam của người Mĩ nhiều như vậy, nhưng thật ngạc nhiên, tại các buổi đọc thơ và trong các lớp học về kĩ năng sáng tác do tôi và Bruce Weigl thực hiện trong chuyến đi này, tôi thấy hầu hết những người tham dự chưa hề tiếp xúc với văn học Việt Nam. Một trong những người ấy, ông John Mahnke đã nói với tôi: “Tôi đang rất tò mò hiểu về một Việt Nam hoà bình và hướng về phía trước. Hiện tại, hầu như tôi chỉ biết về một Việt Nam trong chiến tranh thôi.”

“Chúng ta cần làm nhiều hơn để thay đổi điều đó”, ông Sean Nevin, giám đốc chương trình thạc sĩ thi ca, đại học Drew đã nói với tôi như vậy. Ông đã chính thức mời tôi quay lại New York vào năm sau để nói chuyện với sinh viên của ông về văn học Việt. Lời mời của ông, đến cùng đề nghị từ rất nhiều nơi khác, như trường đại học New York và Nhà xuất bản BOA Editions, cho tôi thấy rằng dường như cơ hội cho văn học Việt Nam ở Mĩ vẫn còn để ngỏ.

Tôi đã có nhiều cuộc giao lưu văn học đầy xúc động như thế ở Philippines, Anh quốc, Colombia, Hồng Kông... Và tôi nhận thấy rằng, có một Việt Nam trong lòng thế giới. Và giao lưu văn học chính là những cây cầu cần thiết để đưa thế giới đến Việt Nam, để thế giới luôn song hành và ủng hộ Việt Nam trong việc gìn giữ hoà bình và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ.

N.P.Q.M
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)