. Y PHƯƠNG
Tôi về quê dự cưới. Cô cháu gái út tôi đi lấy chồng xa, tận Bắc Ninh, đi hơn nửa ngày đường xe hơi. Cháu gọi tôi bằng bác họ đằng ngoại. Bởi bà nội cháu là cô ruột của tôi. Nói theo người Tày, chúng tôi là anh em tò tạp. Nghĩa là anh em đạp nhau. Nhưng không phải dùng chân đạp thật lực. Nó giống như gạo, đậu, đỗ, ngô... đựng trong bao ruột tượng. Cứ lần lượt từ trong bụng dạ bà mẹ tòi ra từng đứa một. Con nọ nối con kia mở mắt ra chào ánh sáng. Dù rằng thực tế chả có đứa nào đạp đứa nào. Nhưng vẫn nói anh em đạp nhau, nói thế cho dễ hình dung. Người Kinh nói anh em ruột rà. Anh em máu mủ. Anh em cùng cha cùng mẹ... Có chung một ý nghĩa, nhưng mỗi dân tộc có cách diễn đạt khác nhau chút xíu.
Đây là một đám cưới có thể nói khá to. Khắp nơi khắp chốn từ đầu làng Đà Hoặc đã chật ních tiếng hò hét ủm củ tỏi, tiếng lày cỏ, tiếng cười to nói lớn toang toang như chum vỡ. Âm thanh loang ra như gió đảo rừng chiều. Niềm vui như từ chảo lửa bốc lên phừng phừng toàn hơi men lá chảy tràn lè phè ra cửa sổ, ra cửa chính và cửa bếp nữa.
Ngần ấy năm trời rời nhà ra đi, bây giờ mới gặp lại những người thân quen. Xa quê lâu thế nhưng con người, nhà cửa và ruộng vườn chưa bao giờ cũ. Người vẫn mới như ngày nào. Xương thịt râu tóc có thể hao hụt mòn mỏi, có thể bốc mùi dưa khú. Nhưng hơi thở người vẫn vậy. Ánh mắt vẫn vậy. Chỉ quên tên thôi. Nhìn mặt nhau vẫn còn nhớ những nét xưa. Cặp mắt vẫn tòng tích chói sáng. Cái nhìn vẫn thẳng tưng như đường kẻ. Sống mũi vẫn nhô cao huôn huốt. Lông mày vẫn đen và rậm nhút. Ngón tay vẫn thô ráp và lóng ngóng. Áo quần có nhàu chút xíu, vì quanh năm không bao giờ là. Bạn tên là Mưu. Nông Văn Mưu. Bạn kém tôi hai tuổi. Mưu cùng nhập ngũ với tôi một ngày. Bạn quê ở bản Rèng, là em trai người bạn cùng học một lớp. Mưu gọi tôi bằng anh, xưng em. Tôi đã từng ăn cơm và ngủ ở nhà Mưu nhiều lần. Một ngôi nhà sàn cao ráo, nằm dưới tán cây muỗm cổ thụ. Nhà Mưu thưng vách bằng vầu. Những cây vầu dập nát đan ken vào nhau như chiếu. Nhìn xa, ngôi nhà như mặc áo kẻ. Những đường kẻ nhàn nhạt mờ mờ.
Vách nhà người Tày xưa, chỉ giả vờ che mưa nắng, không chắn nổi gió giông, càng không chống được trộm cướp. Gọi là vách, thực ra đó chỉ là màng lọc ánh sáng. Ánh sáng mạnh, khi đi xuyên qua vách vầu, thành ánh sáng yếu. Ánh sáng nhạt, đi ngang qua, thành ánh sáng chan hòa. Nhưng, đặc biệt nhất là ánh trăng trong đêm rằm mùa thu. Ánh trăng khi đi nghiêng qua vách, thành muôn vàn giọt sáng. Những giọt sáng li ti chi chít. Những giọt sáng đậu sai lặc lè trên ván sàn nhà. Người đi lại trong muôn vàn giọt sáng. Người ngồi chung với ánh sáng. Người ăn ngủ cùng ánh sáng. Ánh sáng luôn tĩnh lặng. Còn con người đi lại nói cười. Người và ánh sáng cần nhau như tình yêu. Giọt sáng im im nhìn những ngón tay lẩn mẩn trên da thịt. Người yêu nhau hổn hển thở. Giọt sáng hình như cũng chui vào theo hơi thở.
|
Lễ ra cửa của nàng dâu người Tày - Ảnh: TL |
Gọi là vách, thực ra đó là màng lọc âm thanh. Khi lời nói lọt qua phên vách, âm thanh bỗng ngọt ngào trong vắt. Những tạp âm của bầy ruồi muỗi, kiến đen bị vách vầu ngăn lại. Khi người ta nhớ nhau, kìm không được, bèn cất tiếng hát lên. Tiếng hát như sương bay ròa ròa qua vách. Chỉ còn lời nỉ non nhớ thương đi qua. Nỗi buồn rơi rơi như mưa xuống đất. Vách nhà người Tày chỉ che con mắt người ngay. Nếu nhìn từ trong nhà ra, sẽ thấy người ngoài đường và hoa trong vườn mồn một.
Tôi hỏi bạn, ngôi nhà mình còn không? Mưu nhìn trời một lúc lâu mới nói. Còn, anh ạ. Vẫn chín thanh dọc, năm thanh ngang trên bậu cửa chính? Vẫn thế. Buộc bằng dây khau tải (một loại dây rừng bền chắc). Thế chùm sợi xúng xao (mạng nhện) thì sao? Em không để ý.
Bạn tôi hút thuốc lá cuốn sợi vàng. Kiểu hút như cách đây nửa thế kỉ. Bạn tôi bảo thời nay hút thuốc đầu lọc như gà thiến sót. Điếu nào cũng giống nhau tăm tắp. Thuốc như gà chả biết gáy thì nhạt thếch. Ừ nhỉ. Cái giống gà thiến sót có bao giờ gáy đâu. Điếu thuốc không biết gáy thì hút làm gì. Phí. Tự tay mình vân vê cuốn lấy, điếu thuốc sẽ ngon hơn. Bởi điếu thuốc có hơi thở của ta, có nước miếng lướt nhẹ trên nó. Điếu thuốc sẽ ấm áp như môi hôn. Phải không nào. Bạn bảo anh cuốn lấy một điếu đi. Tôi bảo bỏ được mấy chục năm rồi. Bạn bảo bỏ thuốc ư? Tự mình tước mất một niềm vui nho nhỏ. Thôi, cũng được. Hút thuốc có hại cho sức khỏe. Nhưng sức khỏe để làm gì, nếu không còn niềm vui. Tôi bỗng giật mình. A há! Không còn niềm vui hay không còn nỗi buồn cũng giống nhau cả thôi. Sống không vui buồn, sống đời thực vật. Anh tồn tại như dạng cây cỏ. Cây cỏ sinh ra, lớn lên, già khú rồi chết ngóm. Người như cây cỏ!
Có một đôi đang say. Say ới là say. Tay anh nọ quàng qua vai anh kia. Cả hai người mềm mại như bún rối. Bước đi còn chả được, nhưng họ vẫn cố kìm chân xù xòa đứng lại. Tay anh nọ quàng qua vai anh kia tỏ tình thân thiết. Môi trên thì run run. Môi dưới thì máy máy. Họ bắt đầu lấy đà cất giọng hát hà lều. Tiếng hát bay ra toàn mùi men đặc. Đặc như chắt ra từ ba đêm bốn ngày ủ kĩ. Ấy vậy mà điệu hát vẫn chuẩn, vẫn rõ lời. Thế mới tài. Họ hát có bè cao bè thấp hẳn hoi. Giọng hai người hòa vào nhau như trộn vừng ngà hóc với đường mật mía. Ngon ới là ngon. Mượt ới là mượt. Họ hát rằng:
pi pâyr khoăns nhằng zu thangs sàn
bâưr mạy tốc za zans nọong nớ.
A rối nó! Khắp người tôi nổi hết da gà dựng đứng lông nhím vì câu hát ấy. Hát rằng: Anh đi hồn còn ở chuôi sàn. Nghe lá cây rụng chớ giật mình em nhé. Hơ hớ họ yêu nhau đến thế. Day dứt nháp nhắng đến thế. Chia lìa nhau sao được nữa hả trời.
Còn một đôi say nữa. Kia kìa, họ đang bò từ cửa bếp đi ra ngoài ngõ. Đôi say này không thể tự đi được. Người nọ phải bám theo chân người kia mà bò như thẻo bột. Cả người họ từ từ trôi lách qua mấy cẳng chân chị em. Làm chị em hét hút tới tấp, chân nhảy như con choi choi. Mấy chú gà vịt ngơ ngác nhìn quên cả mổ thóc. May quá là may. Trời không một giọt mưa. Nếu trời xuống mưa đường trơn như đổ dầu luyn. Người say trôi lềnh phềnh như quả pinh pông. Mới có trận mưa nhỏ rượu ngô với rượu gạo. Rượu nhà đám có mà tắm cũng không hết. Anh em bà con ruột thịt thân thiết mỗi người góp một hai can. Mỗi can năm, mười lít. Rượu chứa kín cả một buồng. Chả còn chỗ nào đặt vừa bàn chân.
Đã tới giờ tốc hỉ, họ nhà trai lúi húi cỏm cỏ xin gia chủ cho làm thủ tục rước dâu ra cửa. Đèn nến được người nhà lần lượt thắp lên sáng trưng. Dâu rể xì xụp bái biệt tổ đường. Hình như cô cháu gái khóc. Mắt nó đỏ hoe. Mắt mình cũng đỏ hoe. Mấy gã say cùng dựa cột nhà ngoan ngoãn đứng nhìn. Mắt các gã cũng im lìm tỏ ra tiếc nuối. Thế là từ nay nhà ta mỏng đi một người. Làng ta vắng đi một người. Ừ nhỉ. Từ đời xưa rồi, phận gái phải theo chồng. Bỏ lại sau lưng mẹ già cha yếu. Bỏ lại ruộng vườn mặc cho cỏ mọc giun bò. Bỏ lại con dao cái cuốc hoen rỉ. Bỏ lại niềm vui mỗi sớm mai gọi nhau ra đồng. Buồn bã với trăng khuya. Vui cùng củi đuốc cối gạo xập xòa. À không. Vui buồn này làm của hồi môn. Lâu lâu lôi móc của hồi môn ngồi thừ ngẫm nghĩ. Ngẫm nghĩ rồi ướt nhèn nhèn ở đuôi hai con mắt. Biết làm sao được. Đời là thế mà. Đi xa rồi lại về gần. Say xỉn rồi lại tỉnh queo như lửa. Yêu nhau da diết, đừng vì lẽ nào lại ghét bỏ như chó. Đời cha nhớ đừng ăn mặn rồi đời con lại phải ăn nhạt... Đời cha truyền con nối như dây. Dây người sống như dòng sông nước chảy. Càng chảy càng đầy. Nước chảy còn có số. Trời cho mưa được mưa. Trời bắt hạn, ta đành chịu hạn. Sướng khổ đời người có số. Say tỉnh cũng có có số. Người không có số say, đố ai làm cho say. Thật đấy. Không đùa đâu.
Y.P