Bản nhạc mõ trâu

Thứ Năm, 24/09/2015 07:02
. HỮU PHƯƠNG

Tiếng mõ trâu lốc cốc vọng từ ngoài rừng khiến lão Giăng Mùng tỉnh giấc ngủ trưa. Đã gần hai giờ chiều. Lão ngồi dậy, vò nắm chè tươi bỏ vào ấm. Tráng nước sôi qua một lượt, chế đầy tràn, đoạn rót một thìa mật ong vào chiếc ly cối. Mươi phút sau, khi chè xanh hãm đặc, lão rót đầy ly, dùng thìa đánh đều, và nhấp từng ngụm một. Vị chát réo đầu lưỡi, rồi ngọt đậm ở cổ họng, người tươi tỉnh và khoan khoái vô cùng. Phương thuốc trị tuổi già của lão đấy. Lão khẽ cười một mình. Giờ, lão phong lưu bậc nhất nơi thôn dã này.

Chiều nào cũng vậy, với bộ quần áo lính cũ sờn, cây sáo trúc dắt lưng, lão thong thả vào rừng với các đàn trâu thả rông. Chúng cũng quen có lão, quen nghe tiếng sáo của lão. Đôi khi, lão ngồi hàng giờ trên tảng đá, lắng nghe tiếng mõ trâu lốc cốc rừng chiều, mắt mơ màng thời quá vãng. Chín mười tuổi, lão đã theo cha đi lỉa gỗ. Con trâu mờm đương trai nhà lão kéo khúc gỗ đi phăm phăm. Gặp lúc dốc cao, nó dừng nghỉ sức ít phút. Lão chìa nắm cỏ mang theo cho nó ăn. Xong, cha lão cất lên một điệu hò. Giọng ông dội vang cả khu rừng. Những âm thanh khích lệ giục giã sức trai, coi thường dốc cao vực thẳm. Con trâu mờm như được sức, nó giật khúc gỗ lên dốc băng băng. Tiếng mõ nơi cổ hòa những âm trầm lốc cốc lộc cộc, rất ăn nhập với điệu hò lỉa gỗ, tiếng suối róc rách, tiếng chim ríu ran và gió đẫm hương rừng... thành bản nhạc rừng chiều hùng tráng, rộn rã và réo rắt diệu vợi. Nó lắng tận đáy tâm hồn tuổi thơ, ngấm sâu trong tế bào, huyết quản lão. Nó đi theo trên mỗi nẻo đường ra trận. Và chính nó, gọi lão về quê, khi được nghỉ hưu...

Ngày vào lính, không biết trời xui đất khiến thế nào, lão thành lính giữ kho. Một mình giữa rừng sâu, chỉ có cây rừng, suối khe, chim chóc và khỉ vượn bầu bạn. Tiếng người khó giãi bày cùng muông thú, lão chuyển qua dùng âm nhạc. Lúc đầu, lão lấy gốc tre phơi khô, đục mấy chiếc mõ trâu to nhỏ, treo lên gốc cây trước lán và bắt đầu miệng hò, tay kéo mõ trâu dựng không gian ngày xưa theo cha đi lỉa gỗ. Dần dà, lũ khỉ chuyền cành đến gần lắng nghe. Chim chóc kéo về đậu trên các cành cây quanh lán, hót hòa theo. Được bọn chúng cổ vũ, lão tự chế đàn bầu, đàn nhị, đàn tơ rưng, sáo trúc, từ các ống tre, ống nứa, ống bương; đàn đáy bằng những mảnh ván xẻ từ cây rừng. Dây đàn là những sợi thép tách ra từ lõi cáp của ống pháo sáng máy bay Mĩ thả...

Khán giả của lão khá đông. Chúng chuyền cành cao. Chúng đậu đầy cành thấp. Chúng trườn trong những hang hốc. Mỗi lần biểu diễn, lão thường dùng một lúc hai ba nhạc cụ. Chân điều khiển dây mõ trâu, tay khi đàn bầu, lúc đàn nhị, tơ rưng, đàn đáy, miệng hò vang điệu lỉa gỗ. Dần dà, khán giả của lão cũng tham gia vào giàn nhạc rất tích cực. Lũ bồ chao, cà cưỡng, sáo sậu ríu ran bè trung. Khỉ đệm bè trầm “Khẹc, khẹc! Khẹc, khẹc!”. Lũ chim bìm bịp trở thành những tay trống cự phách.
Rồi một lần, có vị thủ trưởng cấp cao đi qua dừng chân ở trạm chứng kiến biệt tài ấy. Vị thủ trưởng như mê đi. Vậy là một thời gian sau, lão được điều về đoàn văn công phục vụ bộ đội, thanh niên xung phong trên các chốt, các tuyến đường và nhân dân ở các làng bản. Công việc cuốn lão đi, chẳng còn thời gian cho giàn nhạc tre nứa của mình nữa. Mãi đến khi nghỉ hưu, lão như chim sổ lồng, bay thẳng về xứ Rú Cựa, Rú Ngàn...

Gia tài chỉ độc một chiếc ba lô trên vai. Đón lão là một cái hố bom sâu hút, nước xanh lè ngay giữa nền nhà cũ. Lão cắm lên bên bờ hố bom mấy nén hương cho vợ con. Xong, xắn quần lội ruộng băng rừng ba ngày. Đến ngày thứ tư, lão về viết giấy, xin đất lập trang trại ở thung lũng Rú Ngàn. Có bao nhiêu tiền khi nghỉ hưu, lão thuê mấy ca máy ủi, đắp một con đập chắn ngang khe, thành một đập tràn. Biến chỗ trũng đáy thung thành một hồ nước quanh năm không cạn rồi trằn lưng dựng nhà lập vườn trồng cây. Ngôi nhà gỗ, mái lợp ngói, tường trình khá đẹp. Bốn phía thung lũng, trồng xen kẽ thông, bạch đàn, tràm hoa vàng, và cọ, làm rừng chắn gió. Phía trong, toàn giống gỗ quý, trồng xen kẽ với xoan. Lão bứng cây non trong rừng, hoặc đào hố, nhặt hạt về dâm thẳng. Quanh hồ, lão trồng mấy chục gốc vải và nhãn. Sát cạnh nhà, lão trồng vài luống chè xanh, một vạt rau. Thả mươi con gà. Bạn với lão, còn có một con chó vàng rất khôn. Nó thành kẻ giữ nhà mỗi khi lão đi đâu đó.

Từ khi có hồ nước, bỗng nhiên những vạt rừng cằn tái sinh, cây lên thẳng tắp. Rồi rừng trồng ra hoa thành một vùng trù phú rộng lớn gọi những đàn ong từ đâu về hút mật. Nhiều đàn ong không muốn đi nữa, ở lại với lão. Chim chóc bắt đầu về xây tổ, sinh con đẻ cái, cất tiếng hót vang lừng. Lũ chồn sóc, rùa rắn ở đâu cũng kéo về nương náu, đào hang làm ổ. Sau mỗi mùa mưa, tôm, cá, lươn, lệch ngược nguồn kéo lên. Chẳng mấy chốc, hồ nước của lão thành hồ tự nhiên. Không bị thuốc trừ sâu, không bị ai nổ mìn rà điện, chúng mặc sức sinh đàn, sinh lũ. Lão đặt trúm bắt lươn, cắm câu lấy cá, đặt vó cất tôm mỗi sáng. Các bà buôn ở chợ hàng ngày đến cân tại chỗ... 
*
*    *
Cho đến một ngày, có một chiếc xe truyền hình bảy chỗ đỗ xịch trước nhà. Lão Giăng Mùng còn đang ngỡ ngàng trước người xe ồn ào, thì một cô gái trẻ đã lao đến ôm chầm lấy lão, khóc lên nức nở:
- Ba! Bao năm ao ước, giờ con gái mới về thăm ba được đây!

Lão bất chợt ngơ ngác. Vợ con bị bom mất trong chiến tranh. Suốt thời gian ở mặt trận, hết coi kho rồi sang phụ trách đoàn văn công, lão không hề dan díu một phụ nữ nào, làm sao lại có con? Nhưng tiếng gọi ba vang lên sao mà tha thiết, yêu thương đến thế... Sống mũi lão chợt cay cay. Lão tận hưởng cảm giác rân rân hạnh phúc ấy đang lan khắp cơ thể, dù biết chắc rằng cô gái nhầm lẫn. Không biết để an ủi mình, hay không muốn cô gái mắc cỡ, lão vỗ vỗ lên vai cô, nói nựng:
- Thôi, thôi! Chừ... gặp được nhau rồi, đừng khóc nữa... con gái!

Cô gái thôi khóc, ngẩng mặt nhìn lão âu yếm, đoạn nắm tay lão kéo đến trước người đàn bà ăn mặc sang trọng.
- Mẹ cũng theo con về thăm ba đây. Chừ ba mẹ nói chuyện với nhau đi. Con theo công việc với các anh ở Đài truyền hình một lát...

Cô gái cùng bộ phận truyền hình chuyển dụng cụ cần thiết vào nhà. Họ nhanh chóng lắp đặt máy móc, bố trí ánh sáng cho buổi làm chương trình, ý tứ để lão và người đàn bà ngoài ngõ.
Người đàn bà ngồi thụp xuống chân lão, nghẹn ngào:
- Anh!... Anh không nhận ra... em răng?
- Cô đây là...? Lão Giăng Mùng ngơ ngác. Quả thật, ông không nhận ra người đàn bà đài các này.
- Đót đây! Bác quên em rồi răng? Em làm khổ bác đến nước nớ tê mà!...
- Đót hả? Bông Lau đây á? Lão Giăng Mùng trố mắt _ Cô chừ khác quá!

Sống mũi lão lại cay cay, nước mắt cứ chực ứa ra. Tuổi già mau nước mắt là thế! Ngày ấy, khi Đót vào đoàn, cô mới mười bảy tuổi. Khuôn mặt trái xoan luôn bừng sáng, hai bím tóc đen dày ngúng nguẩy hai bên, bộ quân phục may bó sát, Đót cứ phô phang những nét đẹp hiếm có của thì con gái. Đót hát Nhạc rừng, Cô gái vót chông, Tiếng đàn Ta Lư, ai nghe cũng lịm sườn. Núi rừng im phắc. Bom đạn cũng lặng câm. Chất giọng trong veo, lả lướt, ngọt lừ, tựa nước suối ban mai, làm thỏa cơn khát người nghe nơi chiến trận. Mẹ cháu mần nghề bện chủi đót, nên đặt luôn tên cháu là Đót, bác nạ. Mà đót cũng là một loài hoa, bác hỉ? Phải, phải, đót cũng là một loài hoa, cùng họ lau lách đấy. Phải rồi, hay bác đặt tên cháu là Bông Lau? Ca sĩ Bông Lau, nhá? Ôi, tên quá đẹp, bác hỉ? Nhưng bác biết không, tên đẹp hay gặp rủi ro lắm. Đôi khi bất hạnh nữa! Nên ở nhà quê, người ta tránh đặt tên đẹp, là rứa đó! Bác biết, bác biết! Nhưng ca sĩ cần cái nghệ danh đáng yêu...

Giữa mặt trận, mọi sinh hoạt của đoàn đều diễn ra ban đêm. Một bữa trăng mờ, đang hành quân qua một triền đồi trống thì đoàn gặp máy bay địch. Ông ra lệnh mọi người ngồi xuống, không động đậy. Ông hoảng hồn khi phát hiện cách mươi bước chân, một chiếc áo trắng của ai đó cứ anh ánh trăng. Cái gì thế này? Định ám hiệu cho máy bay địch chắc! Cởi áo ra! Ai đó cởi áo trắng ra! Muốn giết cả đoàn hả! Nó phóng rốc két xuống đầu bây giờ! Cởi ngay! Người ngồi trước lấp tấp làm theo lệnh. Nhưng lại cái gì thế kia? Một thứ còn trắng hơn áo, lồ lộ nõn nường. Nó cứ trắng ngời lên. Cứ lấp lóa, lấp lóa... Ông hét đến líu lưỡi, đến lạc giọng, nấp vào đâu đó đi! Nấp vào người khác cũng được! Chết cả nút bây giờ! Không ngờ cái bóng trắng ấy hoảng hốt quýnh quáng chạy về phía ông. Là Đót!

Sau lần đó, mỗi lần gặp Đót, dù ngại ngại nhưng sâu thẳm lão vẫn có chút gì đó âm thầm dậy lên rộn ràng. Đót như bông hoa vừa bừng rỡ, đẹp tinh khiết. Còn ông, đáng tuổi cha chú và đã có vợ con, lại là lãnh đạo của đoàn. Những cái đó đã dập đi ngọn lửa đàn ông khát khao cứ chực bùng lên trong sâu thẳm tâm hồn ông. Cũng may, trong đoàn có Hoàng Hương, một át chủ bài, vừa là nhạc sĩ sáng tác, vừa là ca sĩ biểu diễn chủ lực. Những trận đánh, tên đất, tên người còn nóng bỏng lửa đạn, nhanh chóng vào các ca khúc, tươi ngời sức sống của anh. Nó vang lên những giai điệu hào hùng, giục giã con người xông ra trận tuyến. Ngón đàn của anh ta cũng rất điêu luyện, ngọt ngào và quyến rũ chết người. Cả một vùng rộng lớn phía tây mặt trận, không xóm làng nào không biết tên anh. Không đàn bà con gái nào không mê giọng hát và ngón đàn của anh. Và không biết bao cô gái trẻ đã phải lòng anh ta. Cánh đàn ông đùa vui, gọi anh ta là Đông Gioăng mặt trận. Cứ mỗi nơi đoàn đến, thế nào anh cũng ngủ được với một vài cô gái đẹp xứ ấy. Buổi chiều, khi mọi người hì hụi dựng sân khấu, anh ta lấy lí do chuẩn bị tiết mục buổi tối, rồi mất dạng. Anh rảo chân ngõ xóm, tìm bọn trẻ con, cho mấy cái kẹo bột, hỏi, xóm ta có o chi đẹp đẹp tre trẻ, cháu hỉ? Bọn trẻ nhao nhao, o Loan! O Cúc! O Đào! O Mận... Nhà ở chỗ mô. Thế là, vô tình, bọn trẻ dẫn sói đến nhà thỏ...

 
ban nhac mo trau
Minh họa: Lê Trí Dũng

Từ khi Bông Lau về đoàn, Hoàng Hương và Bông Lau thành cặp bài trùng của đoàn văn công mặt trận. Không buổi diễn nào không có tiết mục song ca của họ. Khi thì Trước ngày hội bắn, lúc Tình ca Tây Bắc... Tuồng như họ sinh ra để diễn cùng nhau. Với chất giọng trời phú và sự tung hứng tình tứ trên sân khấu, tiết mục song ca của họ cứ được yêu cầu hát đi hát lại mãi. Và tất nhiên, họ cũng trở thành “cặp đôi hoàn hảo” ngoài đời. Nhưng Hoàng Hương đoản mệnh. Chưa được sáu tháng, kể từ khi hai người cặp kè với nhau, Hoàng Hương đã hi sinh trong một trận bom khi máy bay địch đuổi theo xe chở đoàn đi biểu diễn. Đó là một chiều khá đẹp trời. Đã gần năm giờ - quãng thời gian máy bay địch ít hoạt động, một đơn vị bộ đội đóng quân ở xa đưa xe đến mời đoàn tới biểu diễn. Khi xe đi qua một con đèo hiểm, có hai chiếc máy bay địch hoạt động từ xa về, phát hiện. Chiếc máy bay thứ nhất, nhằm chiếc xe lao xuống cắt bom. Những âm thanh rợn gáy. Chớp bom nhoáng nhoàng. Mảnh bom viu víu. Khói bom trùm đen đặc. Mọi người nhắm mắt, mặc cho số phận. Ai cũng nghĩ, chuyến này cầm chắc cái chết. Nhưng Hoàng Hương không muốn chết. Anh bật người nhảy ra khỏi xe mà không biết chiếc máy bay thứ hai rải bom bi. May mắn gần đó có một hẻm khuất, chiếc ô tô chở đoàn chạy trong khói bụi rẽ ngoặt vào đấy. Khi tốp máy bay địch vòng lại, thì chẳng thấy chiếc xe ở đâu nữa. Hoàng hôn buông tím chân đèo. Mọi người tìm được Hoàng Hương, người đẫm máu. Anh đã tắt thở...

Vài tháng sau, Bông Lau gặp riêng ông, mặt cúi gằm, khóc thút thít, bác cứu cháu với, cháu chết mất, bác ơi! Đang trẻ trung khỏe mạnh, răng lại nói chuyện chết? Ông mắng át đi. Bác cứu cháu với, cháu cắn rơm cắn cỏ xin bác. Bông Lau tuyệt vọng, ngồi sụp xuống, ôm lấy chân ông. Có chuyện chi, nói đầu đuôi nghe coi! Hu hu... Dạ, cháu có thai với... chú Hoàng Hương rồi... Hu hu...

 Giăng Mùng ngỡ như trời sập, đất lún dưới chân. Ông đã lo ngại chuyện này từ lâu. Đã quản chặt Bông Lau từng bước. Đêm, bắt cô nàng nằm giữa, chị em nữ nằm vây quanh. Vậy mà... Giờ Hoàng Hương đã chết, biết làm răng đây? Mà ngay Hoàng Hương còn sống, cũng làm chi được, khi anh ta đã vợ con đề huề ở quê? Lại nữa, đã mất Hoàng Hương, giờ lại mất thêm Bông Lau, đoàn văn công mặt trận tổn thất quá nặng nề. Lòng ông tan nát. Ông gỡ đôi tay Đót đang ôm chặt chân mình, nói, kỉ luật mặt trận sắt đá lắm. Thôi, cháu chuẩn bị mà rời khỏi đoàn. Hu hu... Bác ơi, bác cứu cháu với! Bác cứu cháu với...! Đót càng ôm chặt chân ông hơn. Cháu phạm một lúc hai lỗi lớn, ông nói, vi phạm kỉ luật quân đội và vi phạm luật hôn nhân gia đình. Bác có ba đầu sáu tay, cũng chịu thôi! Hu hu... Bác ơi, cháu về quê với cái bụng chửa hoang như ri, bị người ta ném cứt trâu vào mặt, cháu chết mất! Bác thương cháu với, cứu cháu với! Hu hu... Bác thương cháu, ông hạ giọng nói, nhưng đã đến nước ni, cứu cháu cách chi được đây? Bất ngờ, Đót nói trong nước mắt. Hu hu... Bác cứ nhận đứa con trong bụng cháu, là con của bác... Bác thì vợ con mất cả rồi... Được không bác? Ấy, không được mô! Không được mô! Bác là thủ trưởng đơn vị, một đời trong sạch...

Hình như Đót đến chỗ ông, khi đã tính toán kĩ mọi bề. Cô vẫn ôm chặt chân ông. Chuyện cháu có thai chưa ai biết mô. Chừ coi như bác cứ công khai yêu cháu. Bác báo cáo tổ chức, và chúng ta đi đăng kí kết hôn. Được như rứa, là vẹn cả đôi đường. Cháu có nơi bấu víu, để hợp pháp hóa cái thai trong bụng, mà bác cũng không ảnh hưởng chi. Cháu nghĩ nát óc rồi, ngoài bác, không còn ai cứu cháu được nữa. Cháu lạy bác, bác giúp cháu với. Hỉ? Nhưng bác già rồi, ông nói, gần năm mươi rồi. Cháu mới hai mươi tuổi. Làm vậy, cả đoàn người ta khinh thường, bác làm răng mà lãnh đạo được họ? Không mô bác ạ, Đót năn nỉ, cả đoàn ai cũng yêu quý bác, cũng muốn có một người nâng khăn sửa gối cho bác. Chừ coi như cháu tự nguyện...

Mất hai đêm suy nghĩ, ông mới gặp lại Đót. Cháu à, ông nói, bác không muốn lợi dụng chuyện ni, để làm hỏng tuổi thanh xuân của cháu. Chừ bác giúp cháu để hợp lí hóa cái thai trong bụng. Rồi sau đó, cháu tự do với tương lai của mình, không hề bị ràng buộc chi với bác cả, hỉ? Ôi, cám ơn bác, bác đã sinh ra cháu lần hai. Bác là ân nhân của cháu. Đót đã ôm chầm lấy ông, cười trong nước mắt giàn giụa...

Ông đã bất đắc dĩ làm cái phao cứu sinh chốc lát cho Đót. Cả đoàn ái ngại vỗ tay mừng hai người. Một đám cưới nhẹ nhàng trà thuốc diễn ra trong nội bộ đoàn. Đót vui như trẻ con được quà. Xưng hô với ông cứ “anh, em” ngọt lừ. Còn ông, giữa chốn đông người, đều gọi Đót là ca sĩ Bông Lau. Còn chỗ riêng tư, ông ý tứ xưng hô với Đót là bác, cháu. Đót dọn về ở với ông trong căn hầm dành cho trưởng đoàn. Nhưng đêm đêm, hai người ý tứ còng queo ngủ hai phía, ở giữa là hai cái ba lô cá nhân. Đôi khi, cái nõn nường da thịt Đót bữa tránh máy bay đêm trăng hôm nào lại chợt nóng rãy trên da thịt ông. Nhưng tất cả cũng chỉ dừng ở đấy bởi ông là lãnh đạo, tuổi lại cách nhau quá xa. Đót vẫn lên sân khấu cho đến ngày nghỉ sinh...

 - Rất lâu sau, Đót nói, nghe các anh chị trong đoàn nói lại, là anh có làm bản tường trình gửi cấp trên. Răng anh làm vậy? Vì về sau, em thấy thương anh thật lòng. Anh đã thành chỗ dựa tinh thần của mẹ con em. Nhưng tờ kiểm điểm của anh, làm em chới với. Em hiểu là anh cự tuyệt tình cảm của em...
- Về sau, mẹ con Đót sống ra răng?
- Dạ, em sinh con xong, giải phóng, người ta chuyển em về đoàn văn công tỉnh. Em một mình nuôi con ăn học. Giờ hết tuổi lên sân khấu, em xin nghỉ hưu.
- Cháu tên gì? Nó học ngành chi ra, nạ?
- Ủa! Anh quên rồi răng? Nó tên là Thảo Mây, do anh đặt dạo còn trong bụng mẹ mà?
- À, à... Nhớ rồi! Nhớ rồi!... Lão Giăng Mùng khẽ gật gật đầu.

- Phải! Hôm đó, em nhờ anh đặt tên con, là muốn anh gắn bó với nó về sau. Cái hầm của chúng ta nằm trong một hoang cỏ. Ba phía là những bờ cây mây rừng chắn gió. Anh nhìn quanh một lúc, nói, Thảo Mây, được không? Em reo lên, hay lắm! Anh là chúa đặt tên mà... Thảo Mây học nhạc viện quốc gia một mạch từ đầu cấp hai cho đến hết đại học đấy, anh ạ. Nó có giọng hát trời phú...
- Hoàng Hương và em phú cho nó, chứ trời mô! Âm nhạc là có gene đó!
- Nhưng nó không biết gì về Hoàng Hương, chỉ biết anh. Mọi hồ sơ đều mang tên cha là Giăng Mùng...
- Răng... chừng ấy năm, Đót không tìm ai, đi bước nữa?
- Khi còn trẻ, thì thương con. Khi con lớn, không hiểu răng, kí ức những năm tháng ở chiến trường cứ bám riết lấy mình. Hình ảnh anh cứ bám riết lấy em. Em lấy hình bóng anh ra dạy con. Và ơn nghĩa của anh, đã biến thành cái tình sâu đậm choán ngập trái tim em từ mô, không có chỗ cho ai nữa. Thảo Mây cũng rứa. Nó mấy lần đòi về làng Rú Cựa, nhưng em sợ đường đột quá, lại chưa biết ý anh ra răng. Nay nhân có bản nhạc Mõ trâu của anh...
- Hả? Bản nhạc Mõ trâu làm sao? Có chuyện chi răng?

Lão Giăng Mùng nghe nói đến bản nhạc Mõ trâu, thì giật nảy mình, hỏi vồ vập. Đó là bản nhạc một đời ông ấp ủ. Nó thấm đẫm tuổi thơ chăn con trâu mờm có cái mõ lốc cốc dưới cổ. Rồi những ngày theo cha đưa trâu vào rừng kéo gỗ. Điệu hò lỉa gỗ chắc và khỏe, dội vang vang đại ngàn. Là hò lên... ên... ên... hên... ơ... hơ hơ... Tóc ngang lưng vừa chừng em hỡi. Để ý ai mà bối rối ô hô hô... lòng anh. Đến nơi đây nam nữ đã thành, chắc mình đây với ơ bạn... ô hô hô... hỏi bạn có thương mình... không là hay không?... Hấy! Hứt!... Sau tiếng Hấy! Hứt! như một động lệnh ở cuối câu hò, con trâu mờm có cái cổ vuông to ông ôm không hết, cúi đầu bấm hai chân trước, vai giật kéo khúc gỗ lên dốc phăm phăm. Tiếng mõ dưới cổ nó, đệm những âm thanh trầm bổng. Tơ rốc lốc cốc!... Tờ rộc lộc cộc!... Khúc gỗ trượt trên mặt đường rừng, để lại những vệt mòn song song của các cạnh gỗ và hai cóng lỉa, tựa những dòng kẽ của khuôn nhạc tím màu nhựa cây...

 Như ngựa có anh nài, như voi có quản tượng, trâu lỉa cũng gắn bó với người đi lỉa gỗ như một cặp thân tình. Nó thân thuộc từ mùi mồ hôi đến giọng hò tươi ngời giục giã. Có lần, làng tổ chức hội thi chọi trâu. Sau vòng loại, chỉ còn hai con vào chung kết. Đó là con trâu mờm nhà ông và con trâu cui nhà ông chủ nhiệm. Cuộc chiến cân sức cân tài. Hàng tiếng đồng hồ vẫn bất phân thắng bại. Cha ông không muốn kéo dài, làm mất sức con trâu lỉa nhà mình. Từ xa, ông cất lên một câu hò lỉa gỗ quen thuộc. Vừa mới Là hò hô lên... ên... lập tức, con trâu mờm nhà ông đẩy đối phương đi lùi líu cả bốn chân. Và đến chỗ Hấy! Hứt!, thì con trâu cui sùi bọt mép, đổ kềnh, chỏng bốn vó lên trời. Nó tắt thở. Bụng trướng như bị bơm hơi. Có lẽ nó bị đứt ruột, chết ngay trên bãi...

Khi ông vào bộ đội, con trâu mờm được chuyển cho đội sơn tràng của hợp tác xã. Không có giọng hò của cha ông, người ta thay bằng roi vọt và dây thừng kéo mũi. Con trâu bị kéo căng bởi phía sau là khúc gỗ lớn và phía trước là tốp người kéo mũi. Được vài năm, con trâu mờm bị sứt mũi. Hẳn nhiên, kết cục đau thương của nó, là một bữa chia thịt trâu cho xã viên. Ông viết bản nhạc Mõ trâu trong niềm ân nghĩa sâu sắc với người cha và con trâu mờm thuở vàng son. Viết xong, gửi theo đường bưu điện, cho chương trình Bài ca Việt dạo đó. Cuối bản nhạc, ông kí Rú Ngàn, tên vùng đất ông đang sống cuối đời.

- Bản nhạc Mõ trâu, đoạt giải Bài ca của năm, anh ạ!
Lão Giăng Mùng nghe thế, thì giật thột, lại như thể mình nghe nhầm. Ở đây điện đóm chưa có nên chẳng biết tin tức gì. Còn nhân viên bưu điện, có thể họ không tìm ra cái làng heo hút này.
- Đót nói răng? Bản nhạc Mõ trâu...?
- Dạ phải! Nó đã đoạt giải thưởng lớn! Mà anh biết ai hát bản nhạc Mõ trâu của anh không? Con gái anh, ca sĩ Thảo Mây đó!

Lão Giăng Mùng há hốc miệng. Nghẹn ngào không nói nên lời. Nước mắt ứa ra, chảy xuống hai má khô gầy. Hạnh phúc đến quá bất ngờ, quá lớn, khiến trái tim già của ông không chịu đựng nổi. Đót rút mùi xoa chấm nước mắt cho ông. Nước mắt của nàng cũng lưng tròng từ khi nào...
 Biết là cuộc nói chuyện riêng tư của hai người đã đến hồi tạm dừng, Bùi Dưỡng liền phóng ra, cúi đầu cầm lấy hai tay của lão Giăng Mùng.

- Thưa nhạc sĩ Rú Ngàn, chúng con ở đài truyền hình tỉnh. Nhân bản nhạc Mõ trâu của nhạc sĩ đoạt giải thưởng lớn, giám đốc giao cho chúng con đi làm một phóng sự. Giờ xin phép nhạc sĩ...?
Lão Giăng Mùng run rẩy cả chân tay. Ông khẽ gật đầu, dẫn mọi người vào căn phòng ngổn ngang dàn nhạc tre nứa bao năm của mình. Ở đó, cánh phóng viên đài truyền hình đã bố trí xong. Ông ngồi vào chỗ của mình, ngón chân giẫm lên chiếc cần tre buộc dây nối chiếc mõ trâu, tay gõ cần đàn tờ rưng. Bông Lau đệm đàn clông pút. Thảo Mây đệm đàn oóc gan. Cả ông, Bông Lau và Thảo Mây gần như đã nhập vào linh hồn của bản nhạc từ lâu khiến cho việc trình diễn bản nhạc Mõ trâu trở nên hòa quyện và ăn ý ngay từ lần hòa tấu thứ nhất của họ. Khi ông cất lên giọng nam cao khỏe khoắn: Là hò lên... lên... ên... ơ hơ hơ... thì Thảo Mây tiếp lời: Ra đi nửa bước nửa dừng... Nửa mà thương ơ thầy mẹ... ô hô hô... nửa lại mừng duyên là nhân duyên... Hú! Huýt! Tức thì, tiếng mõ trâu tờ rốc lốc cốc, tờ rộc lộc cộc, tiếng nước khe róc rách, tiếng cây rừng xào xạc, tiếng gió ngàn lao xao, tiếng chim chuyền ríu rít, quyện theo lời ca mượt mà, mê lịm..
.
Bùi Dưỡng ứa nước mắt, đến ôm chầm lấy lão Giăng Mùng, nói trong niềm vui nghẹn ngào.
- Bản nhạc hay lắm, bác ạ. Nó rạo rực và ấm áp như ngọn lửa bập bùng rừng sâu, lại day dứt với yêu, với nhớ, với thương những cánh rừng đại ngàn xưa bị tàn phá, gọi giục con người, ra tay trồng lại những cánh rừng đã mất...
Lão Giăng Mùng nghẹn giọng, không nói nên lời. Nước mắt trào ra hai má. Bất giác, Đót và con gái cùng bước nhanh đến, ôm lấy hai bên người ông, đầu nghiêng vào hai bờ vai ông. Họ quàng tay ôm lấy nhau trong sự đoàn tụ. Lát sau, lão lí nhí nói, cám ơn hai người, cám ơn hai người! Đây là lần đầu tiên tôi được nghe trọn vẹn hòa tấu bản nhạc của mình...

Cánh phóng viên đài truyền hình bất ngờ ghi được những khuôn hình tuyệt đẹp. Họ nhờ lão dẫn đi ghi hình khu rừng trồng rộng lớn. Sau mười lăm năm, tán rừng đã khép kín. Mặt đất dày lớp lá rụng như trải thảm dưới chân. Những thân cây đã bắt đầu cho gỗ. Không gian rì rào tiếng ong bay, ríu ran tiếng chim hót và vi vu tiếng gió đàn. Ai nấy ngây người trước một vùng rừng mới ngút ngàn trên đồi hoang xưa. Lão Giăng Mùng đi đâu, cũng có hai mẹ con Thảo Mây theo sát bên cạnh. Họ bước lên con đập cuối hồ. Sau mùa mưa, nước không còn chảy tràn qua đập nữa. Mặt đập giờ thành mặt con đường khô ráo. Nước hồ trong veo soi bóng ba phía rừng. Cảnh chiều buồn vui mây nước tĩnh lặng...

Cánh đài truyền hình mãn nguyện, khi ghi được những thước phim như ý. Họ bịn rịn chia tay lão Giăng Mùng để lên xe. Thảo Mây lại bám vào cổ ông, nói, rồi con sẽ trở lại thăm ba. Ông khẽ gật đầu. Lão tiễn họ ra tận cổng mới quay lại. Cuối chiều, trang trại trở về yên ắng thường ngày. Bước chân vào nhà, lão Giăng Mùng hốt hoảng khi thấy chiếc va li to đùng bị bỏ quên giữa phòng. Lão lao ra giữa sân, hét to về phía chiếc xe đang chạy. Nhưng từ buồng trong, tiếng phụ nữ khẽ vọng ra.

- Va li của em đó!
- Răng... Đót còn ở đây? Xe chạy mất rồi! Lão Giăng Mùng quay người trố mắt, không sao hiểu nổi.
- Em ở lại... không được răng? Chúng mình còn nguyên vẹn giấy kết hôn từ dạo nớ...
- Nhưng, đó là cuộc kết hôn giả, che mắt mọi người. Cốt giúp mẹ con Đót không bị người đời dị nghị, khinh bạc... Chúng ta đã thống nhất rồi mà?
- Từ lâu, em đã coi nó là thật rồi. Và chừ đây, em muốn thực hiện...
- Nhưng tôi đã già...
- Không, anh còn trai tráng lắm! Vả, anh già, em mới ở lại chăm sóc anh. Thảo Mây đã nhất quyết với em như thế, trước khi đến đây. Con bé nó thương anh lắm. Em mà bỏ về, nó không để yên mô...

Đót cười, vào buồng thay đồ mặc ở nhà. Nàng nhanh tay đi lo bữa tối. Lão Giăng Mùng tột cùng bối rối. Không biết nói gì làm gì, chân bước sang phòng nhạc cụ tre nứa, ngồi vào chỗ ông thường ngồi chơi nhạc. Ông cất lên bản nhạc Mõ trâu, che giấu cảm xúc rối bời trào dâng trong lòng. Là hò lên... lên... ên... ơ hơ hơ!... Con chim nhàn hắn kêu khắc khoải. Con vượn mà lìa cành cắn trái ô hô hô... khóc than. Đêm nằm lụy nhỏ chứa chan... mà nhớ thương em đáo để ô hô... anh quyết băng ngàn... đây là đến đây... Hú! Huýt!
Ngoài trời, hoàng hôn buông tím chân đồi...
 
Đồng Hới, 2/2015
H.P
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)