Một cuộc tình

Thứ Bảy, 26/09/2015 07:11
. LÊ THU THÙY

Tòa biệt thự Hà Liên tọa lạc bên bờ sông Sài Gòn, chênh chếch hướng Đông Nam phía hạ lưu sông. Thêm một buổi sáng bình thường như mọi buổi sáng, những thợ học việc phân chia các công việc có trật tự và mỗi người tất bật với vai trò của mình. Cuộc sống trở nên buồn tẻ, thế nhưng tôi vẫn chưa tìm được một chốn nương thân tốt hơn. Như thường lệ, San vào bếp đốt một điếu thuốc và mỉm cười. Y nhìn đám thợ như nhìn những con rối. Tôi đọc lại bức thư vừa nhặt được dưới bậc thềm: một bức hận tình thư! Lời lẽ xót xa, bất lực của một người có học. Nét chữ con gái mảnh và nghiêng. Cứ theo thuật đoán người qua chữ thì cô gái có vẻ yếu đuối và lệ thuộc kẻ khác, ấy là chưa nói nàng có phần nhẹ dạ và dễ bị lợi dụng. Điều này thể hiện rõ qua nội dung ngắn ngủi của bức thư không ghi tên người nhận lẫn kí tên tác giả. Người viết chỉ gọi anh, xưng em.

Tôi đã đọc đâu đó một đoạn văn đại ý rằng: không điều gì cụ thể hơn nỗi đau mà một người ta hằng yêu thương lại gây ra cho ta, có người phải mất nhiều năm mới nguôi ngoai những niềm đau và mất cả đời người mới quên kẻ đem đến khổ đau cho họ. Nỗi đau của cô gái không biết sẽ còn kéo dài bao lâu, riêng bản thân tôi một khi biết đến vô tình đã ít nhiều lụy cảm. Tôi không biết người con gái ấy thế nào, tôi cố hình dung ra nàng nhưng rồi thất bại. Khi tôi chìa bức thư cho mấy cô bé học việc chưa mảnh tình vắt vai xem, và cùng các cô đoán non, đoán già ai là tác giả, cuối cùng cũng như tôi, các cô kết luận: người yêu của San. 

Tôi bắt đầu tò mò về San, lâu nay tôi sống trong nhà San nhưng chưa bao giờ chúng tôi trao đổi với nhau dù chỉ một tiếng chào. Từ lúc biết San là em nghệ nhân Ái Liên, tôi luôn tránh mặt người đàn ông đó. Tôi vốn không quen tọc mạch vào các mối quan hệ xã hội của người khác, nhất là với gia đình bà Liên. Hơn nữa, tôi không ưa nổi ai trong số những người em của bà Liên, hễ có việc gì là họ luôn nói với chúng tôi bằng một giọng hách dịch, mệnh lệnh, cay nghiệt như nói với những con ở dù San không giống mấy những người khác trong nhà này. San có vẻ giản dị, dễ gần và chẳng bao giờ ra vẻ chủ nhân của tòa biệt thự như đa số người trong gia đình họ. Mà sự thực thì đây là nhà của anh rể y, một đại gia trong giới địa ốc, còn San chỉ giống dân lao động phổ thông, chắc chắn y không có tên trong số những người được hưởng thừa kế của anh rể. Không hiểu sao tôi vẫn cho rằng San là một con người thiển cận, chắc điều này phát sinh từ mối định kiến với Ngọ, chị gái của San, một phụ nữ cay độc, nanh nọc, thô thiển lại hợm hĩnh. Có một thời tôi tưởng mình không bao giờ dây vào những kẻ như họ hoặc chỉ giao du với những người khác họ về mọi phương diện.

Người yêu San lại khác, bức thư mà tôi tình cờ nhặt được và đọc đến thuộc lòng (sau này tôi biết đúng là của người yêu San) đã nói lên rất nhiều về nàng. Một phụ nữ như thế lại yêu tha thiết San vậy sao? Thật buồn cười nhưng tôi lại bị ám ảnh về mối tình đó. Họ yêu nhau năm năm chứ có ít ỏi gì đâu? Và một ngày San phỉ thui “Để cho tôi yên!”. Cô gái tội nghiệp chỉ hỏi thêm một câu tuyệt vọng: “Bấy nhiêu đó đủ rồi phải không anh...?”.

San phản ứng thế nào khi nhận được thư nàng? Trí tưởng tượng của tôi lại làm việc. Tôi thấy rõ San chạy đến chỗ nàng. Có lẽ bức thư của nàng cho San thấy nàng là một con người sâu sắc và không dễ tìm trong thời buổi này. Nhưng quá muộn rồi. Nàng không đón San với nụ cười hạnh phúc như ngày trước. Nàng bước ra, không buồn nhìn San và khép mạnh cánh cửa sắt. Tiếng rít ghê rợn như báo hiệu cuộc tình đã cáo chung. San đứng thật lâu, không thể nào tin nổi một người con gái yêu mình đến nô lệ lại dám hành xử như vậy. San không bao giờ hiểu được nàng đau đớn thế nào khi phải làm một việc trái với con tim. San thì bất lực quay về, mọi thứ chẳng còn gì để nói thêm ngoại trừ bản thân San. Từ đêm ấy về sau, mặt y lúc nào cũng đanh rắn, trừ những lúc y nhớ đến nàng, trong mắt y hun hút một niềm tuyệt vọng…

Tôi không phủ nhận là mình thêu dệt những tình tiết này, dù sao nó cũng hợp lí. Tôi không bao giờ yêu được ai, với tôi tình yêu là một quà tặng vô giá mà hóa công ban cho loài người, nhưng không phải ai cũng có được ân sủng thọ nhận. Tôi nghèo nàn, trắng tay giữa cuộc đời. Chính vì thế, mỗi khi nghe ai đó nói chuyện tình yêu, tôi kết luận: với mình nó thật xa xỉ. Tôi không có tình yêu để ban phát và cũng không ai mang đến cho tôi tình yêu. Tôi là một kẻ cô đơn không nhu cầu và chưa bao giờ nhọc sức cho những điều không giống ai của mình. Tôi chú ý đến San ban đầu cũng chỉ vì vẻ khắc khổ không thích hợp với một kẻ con nhà như y (nhưng lại rất hợp với hậu quả tình yêu mà y là người có lỗi). Cô gái kia có lẽ đang phân vân có nên nhận lời cầu hôn của một người đàn ông đã nhiều năm đeo đuổi nàng. Không bao giờ nàng tha thứ cho San nhưng nàng vẫn còn yêu San nhiều lắm, yêu hơn những ngày họ còn là của nhau bởi mối tình của nàng giờ đây phải tồn tại dưới một dạng thái khác, đau thương hơn.

Tôi bắt cầu nhập cuộc chơi. Tôi phác họa hình ảnh cô gái: Nàng đấu tranh với chính mình đến rời rã trí năng mới không gọi điện thoại cho San. Tôi thì không cần một chút cố gắng của nàng, có điều phải mất tiền cho những cú điện thoại trời ơi đất hỡi, nhưng đây là một trò vô hại. Đầu tiên tôi nói bằng một giọng thiếu nữ Hà Nội với San rằng có người yêu San nhiều lắm, San biết không? San đã ngờ vực, nhưng tôi mặc xác y, nàng trong tôi phải là con gái Hà Nội. Còn như nàng quê Nha Trang hay gốc Sài Gòn thì đó là việc tôi không tính đến. Khi San hỏi ai gọi điện, tôi mới thấy là mình nhầm. Tất nhiên nàng gọi thật thì San nhận ra giọng nàng ngay, còn tôi chẳng dại gì để San biết là tôi gọi điện thoại, có điều San cúp máy một cách tàn nhẫn làm tôi bẽ bàng. Lần đầu tiên tôi có cái kinh nghiệm (dù là đóng kịch) của một phụ nữ gọi cho người mình hết lòng yêu nhưng lại không được tiếp chuyện. Tôi ghét San hơn bao giờ hết, và vạch một kế hoạch bài bản hơn. Tiếc là tôi đã không thực hiện được kế hoạch kia.

San thỉnh thoảng ném về phía tôi ánh mắt nửa bạn bè, nửa chủ tớ mỗi khi đi ngang chỗ tôi ngồi. Tôi thường phớt lờ cái nhìn ấy, chỉ một lần phải che mặt vì San nhìn hơi lâu. San ngạc nhiên và chợt cười. “Đồ trẻ con!” Tôi thầm cáu. Y bao nhiêu tuổi nhỉ? Chắc chắn San nhiều tuổi hơn tôi, nhưng vì không thích gọi San là anh, tôi gọi y bằng cậu. Cũng nói thêm, mấy cô bé học việc vẫn kêu y bằng cậu để thể hiện sự tôn kính bởi chúng coi nghệ nhân Ái Liên như mẹ mà San là em của bà. Rõ ràng, San không thích tôi gọi y theo kiểu đó, có lẽ y thấy mình quá già khi bị tôi kêu như vậy. Tôi khác, chỉ gọi đàn ông bằng cậu khi cho rằng họ trẻ dại hơn mình.

Tôi vẫn thường thức đến mười hai giờ đêm để làm tranh, cũng vì thế mà tôi là người mở cổng cho San mỗi khi y về muộn. Một bữa tôi bảo y, lần sau nhớ nhắc người yêu để cho anh được về sớm hơn và y sa sầm nét mặt. Tôi thoáng chạnh lòng và hay tự hỏi: Y làm gì mà đêm nào cũng về muộn, thậm chí có đêm mãi đến ba giờ khuya mới về?
*
*      *
Mọi thứ dưới tòa biệt thự Hà Liên không yên ổn như tôi nghĩ, ngược lại là đằng khác. Thái độ hơn thua, những lời quát tháo, chửi mắng phủ mặt kẻ ăn người làm của chị em bà Liên khiến nhiều người bất bình. Chính vì thế, mấy cô bé đến làm tranh lần lượt bỏ đi. Và bản thân tôi, cũng không ngờ một ngày vội thu dọn, cuốn gói đúng bài bản tránh voi chẳng xấu mặt nào. Nhưng đó là chuyện của những tháng sau này, còn vào thuở ban đầu, mọi việc có vẻ dễ chịu.

Tôi không rõ thói quen đợi chờ San đến với mình vào lúc nào. Có lẽ xuất phát từ ý nghĩ hãy nhìn thẳng vào mặt y tỏ ra mình chẳng thấy gì hết, y chẳng là cái gì hết sau một vài lần y nhắc tôi điều này, điều nọ nhưng tôi cố tình không nghe. Vậy nhưng tôi đã vô lí rất nhiều trong những định kiến về San, bởi thường tôi thấy y hết sức dễ thương trong mọi ứng xử và có lẽ là người được cưng nhất nhà. Một lần tôi ngồi trên ghế đá cạnh hồ bơi, nơi San thường dựng xe và thấm thía cảm giác chờ đợi đơn phương mà mình chưa trải nghiệm trong đời, tự hỏi về những người phụ nữ mà San đã yêu. San chia tay mối tình đầu từ bao giờ? Những người con gái đã gieo vào lòng San tình cảm yêu thương giờ đã thuộc về thì quá khứ. Tôi không cùng họ trên dòng sông quá khứ ấy, tôi thuộc một dòng chảy khác và cập bến khác, liên đới với những số phận khác và không in bóng vào kỉ niệm của họ. 


tu vi thu tu ngay 3 thang 12 cua 12 cung hoang dao

Dòng sông thời gian vô thủy vô chung bao chứa tất cả đời sống của San trong đó có những cuộc tình. Chắc không ít cô yêu San vì nghĩ San là một ông nhà giàu, chưa vợ. Không phải ngẫu nhiên mà các cô bé học nghề vẫn thường mơ thấy mình xúng xính trong chiếc áo cưới dành cho cô dâu mà chú rể là San. Hiếm có cô gái trẻ nào biết y là em nghệ nhân  Ái Liên mà không mơ tưởng. Tòa biệt thự nguy nga hẳn có sức hấp dẫn, nhưng để trở thành chủ nhân của nó, theo thiển ý của tôi, ngay những người em ruột của bà Liên còn không dám mơ. Tuy vậy, họ vẫn chứng tỏ với những kẻ đến làm việc như tôi họ là gia chủ. Tôi thì đã thấm thía thế thái nhân tình, đặc biệt về quyền sở hữu, chiếm đoạt tài sản, của ai ra người nấy, sòng phẳng, lạnh lùng. Buồn cười là đôi khi San có những cử chỉ để tôi hiểu, cần gì cũng mất tiền, chẳng lẽ San không có tiền để sợ tiêu phí? Tôi thì chẳng biết tiền là gì, vậy nên tôi luôn thất bại âu cũng sự thường.

Dù sao tôi vẫn mong San về sớm sau một ngày y nai lưng làm việc ở đâu đó. San có thể đinh ninh tôi mến yêu San, cho rằng mình có một sức thu hút và dễ làm nảy sinh trong tôi những tình cảm sâu xa, và vốn nông nỗi như mọi phụ nữ, tôi không đủ sức vượt lên tình cảm chính mình. Cũng đôi lúc San cho tôi ấn tượng San đang nghĩ là tôi ghét San, nhưng tôi chẳng có lí do gì ghét San được. Tôi thấy buồn cười nhưng nghĩ lại thân phận học việc nên không thể đi xa hơn. Đúng là tôi đến nhà San học việc. Tôi chỉ là một đứa mê làm thơ đúng nghĩa, mà như thiên hạ thường than thở: “Cơm áo không đùa với khách thơ”. Tôi đã làm khá nhiều thơ và ngộ ra rằng càng làm thơ thì càng đói. Tôi lại luôn chán những việc khác và để món nợ bút nghiên dây dưa mãi đến giờ.

Trong nhà San ai cũng coi những người học việc như tôi tớ. Ngay cả nghệ nhân Ái Liên vẫn làm tôi rờn rợn bởi quyền biến và đa nghi. Có lần bà hỏi tôi sợ bà không, tôi chưa biết sợ bà, nhưng chẳng lẽ trả lời còn nhiều thứ làm tôi sợ hơn nên mới cầu cạnh bà như vậy. Ở đây tôi không nói đến thứ nghề tranh khắc đá, tranh cát, tranh gỗ mộc đem đến niềm tự hào cho bà, hoặc khía cạnh khác vừa phù phiếm vừa dễ chơi nhưng khó nuốt. Thậm chí nhiều người khác chứ không riêng gì bà Liên, cứ khoác lên mình những giá trị giả và hãnh diện về sự giàu có để tôn vinh thêm những thứ không thật kia.

Với một bộ hồ sơ, giấy tạm trú, đơn xin việc thì San vẫn không biết gì về tôi ngoài một cái tên, và chẳng ai kể cả tôi cần y biết nhiều hơn thế. Vậy nhưng đôi khi chạm ánh mắt nửa như thăm hỏi, nửa ưu ái, tôi chợt nghe trào dâng một niềm xúc động mãnh liệt tận đáy lòng.
*
*     *
Người đầu tiên đọc ra những chuyển biến trong nội tâm tôi là Huy. Chúng tôi chơi thân với nhau nhiều năm nay, và vô hình trung trong tâm lí hình thành ý thức sở hữu nhau. Tôi không bao giờ muốn Huy yêu một phụ nữ khác và ngược lại, Huy cũng thế. Mặc dù hiện tại, chúng tôi chỉ là anh em, bạn bè.

Vào những chiều chủ nhật, chúng tôi thường hẹn nhau đi ngồi quán. Huy tỏ vẻ xót thương khi buộc tôi phải đối diện với một thực tế phũ phàng là chúng tôi quá đơn độc trong thế giới chữ nghĩa và nghèo. Đó là những thứ chẳng cần thiết với bất kì ai trong thời buổi này. Lại nữa, San là mẫu người thuộc số đông, thích lớn giọng, ồn ào, hơn thua. Huy bảo, liệu tôi có thể chịu nổi thái độ cau có, cáu kỉnh của San ở mọi nơi, mọi lúc không, vì lẽ, những người như San chẳng dễ mà dịu giọng với những kẻ thấp cổ, bé họng, rồi châm chọc: “Em đẹp nhất trần gian, bớt hài hước, ngông nghênh, may ra làm xiêu lòng người đó!”.

Tôi nói với Huy, anh cho tôi một tòa biệt thự thì sẽ làm tôi xiêu lòng. Chúng tôi quá rõ về nhau nên chẳng chất chứa nổi bóng hình của nhau trong con tim vốn chỉ biết đau một cách tù mù về sự vô thường, tráo trở của cuộc sống. Rồi Huy báo tin anh chuẩn bị cưới vợ. Anh sẽ lấy lại toàn bộ số “tiền hứa” mà anh bảo cho tôi để mở một phòng tranh. Anh dùng đủ lí lẽ để phân bua rằng vợ anh cần nó hơn tôi. Cảm thấy ngán ngẩm bởi những lời thanh minh của Huy, bởi chính tôi cũng không biết vợ Huy sẽ nhận được tiền của Huy hay chỉ nhận được những lời hứa. Chơi thân với nhau nhiều năm nhưng chưa bao giờ tôi thấy Huy có tiền, anh ta chỉ thích cãi nhau trên tất cả các diễn đàn hơn là tìm một công việc gì đó để làm kiếm tiền. Những khi trong túi sạch nhẵn, anh thường hỏi bạn bè vay, nếu có người bạn nào từ chối, Huy nghỉ chơi với họ liền. Dù sao đó cũng là một người tốt. Đôi ba lần Huy giúp đỡ tôi, nhưng điều làm tôi ưa thích tính cách Huy là chưa bao giờ anh ta làm người khác buồn. Thậm chí, anh có lấy lại toàn bộ những thứ anh hứa cho thì cũng không ai giận anh được vì điều anh nói để gây cười hơn là lật lọng.

Cái ngày mà Huy nói quá bận rộn chuyện cưới vợ, tôi dự định sẽ bỏ việc. Tôi không có ai để làm cuộc chia tay đúng nghĩa. Tôi mời San đi uống cà phê để nói vài lời từ biệt. San từ chối. Tôi thấy lòng trống rỗng. San đâu phải Huy để bất kì lúc nào cũng chiều theo những ý muốn ngẫu hứng của tôi. Thế nhưng tôi đã ăn ở trong nhà San một thời gian đủ lâu để khi sắp ra đi, mới thấy y và mọi người trở thành thân thiết.

Nghệ nhân Ái Liên ngờ vực. Tôi biết bà đinh ninh tôi muốn đến làm ở một phòng tranh khác, mang theo những bí quyết nhà nghề và bí mật kinh doanh bán cho người ta. Đấy là chuyện thường xảy ra ở nhà bà. Các cô bé học việc thích đến làm ở một phòng tranh khác hơn là làm thuê cho bà dù trên thực tế bà là thầy của tụi nó. Thường trước mỗi trường hợp như thế, bà Liên bảo các cô bé là đồ phản thầy, và không cần biết đến chúng nữa. Cũng có những học viên đến học nghề để mở công ti, và khi cái cách học nửa vời, ăn xổi ở thì không làm nên tài năng cho họ, lúc ấy họ tung tiền ra chiêu dụ những người thợ đang bất mãn với bà Liên bởi nhiều lí do, nhất là chuyện tiền lương bèo bọt. Cũng có người không muốn làm cho nghệ nhân Ái Liên bởi miệng lưỡi cay độc của bà. Nhất là cái cách ép thợ làm cho người ta thấy tổn thương, đau đớn và bị xúc phạm. Tôi cũng là một trong số ấy, nhưng tôi không định làm cho những phòng tranh khác như đa số thợ ở đây.

Tôi buồn. Nhất là khi hiểu ra ngày nào không gặp San, ngày đó tôi thấy nhớ nhung San đến nao lòng. Chỉ gặp cái nhìn thoáng qua của San, trong tôi tràn ngập niềm vui. Thực tế thì những chuyện quen biết rồi xa cách để nhung nhớ vẩn vơ, mơ hồ tôi đã trải qua nhưng chẳng bóng hình nào đọng lâu trong tâm khảm. Cũng đã từ rất lâu, tôi sợ được yêu hơn sợ bị ruồng bỏ. Sợ cả những tai họa mà kẻ mình từng yêu gây ra cho mình.

Huy thường giễu cợt cái kiểu tôi thích yêu trong mơ hơn là trải nghiệm thực tế dù tôi đã ngoài ba mươi tuổi. Ước mơ bao giờ cũng đẹp. San có mặt nhiều hơn trong những giấc mơ của tôi. Người yêu của San không còn là mối bận tâm của tôi nữa. Riêng San, khi biết tôi bỏ việc, vẫn giữ một thái độ để tôi hiểu mình với San không là gì với nhau hết, San không ghét không thương gì tôi hết. Tôi tìm cách tiếp cận San nhưng ngay từ đầu tôi thấy Huy có lí. Người như San, có tiền thì làm chủ, không tiền đi làm thuê, những phụ nữ như tôi không hề tồn tại trong tình cảm của họ.
 
 *
*    *
Một đêm, trở về phòng trọ chật hẹp, khi leo lên cầu thang do sơ ý  tôi bị sẩy chân ngã nhào. Trước đó, tôi đã bị một cơn đau đầu khủng khiếp và chóng mặt đến không làm chủ nổi mình. Có ai đó dìu tôi lên xe cấp cứu, tôi loáng thoáng thấy hình ảnh của những người thân đã quá cố đang đến bên mình. Họ cúi nhìn, có người vẫy gọi tôi. Bằng cách nào đó, tôi đã nhớ đến và gọi điên thoại cho San mà sau này chính tôi cũng không hiểu nổi. Không phải tôi cầu cứu, càng không phải tìm mối cảm thông. Đơn giản là tôi muốn vĩnh biệt người tôi thương yêu vào giây phút này. Vừa nghe tôi xưng tên trong điện thoại, San gay gắt: “Mệt quá! Đừng gọi điện nữa. Tôi cũng sắp chết đây.” Và cúp máy.

Mất một tuần nằm trên giường cấp cứu, cơn tai biến mới qua đi. Khi trở lại với công việc bình thường tôi có quá nhiều chuyện để lo nên chẳng còn rảnh rỗi để bận tâm về San như trước. Tình cờ một buổi sáng tôi gặp lại San trong một lễ hội. Anh ta đang có chuyến du lịch ngang qua vùng tôi sống. Chúng tôi không nói gì với nhau. Tôi đã kịp nhận ra một thực tế rằng, sau cơn đau, không phải tôi mà chính mối tình đơn phương, phù du của tôi đã về bên kia thế giới. 
L.T.T
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)