Truyện ngắn Hồn quỳnh được viết trong mấy ngày Tết Nguyên đán cách đây khoảng mười năm. Viết một mạch là xong. Hầu như tôi cũng chẳng sửa chữa gì. Truyện khi in ra rất nhiều người gọi điện chúc mừng, đại ý là thích cái giọng văn của truyện. Tôi băn khoăn mãi. Truyện ngắn khó - dễ, thành - bại nằm ở đường tơ kẽ tóc mà giọng văn đôi khi cũng có tính quyết định của nó. Lại đến mươi năm tôi ít viết truyện ngắn, lùi lại, nhẩm đọc những truyện đã viết của mình, thấy nhiều cái cũng sơ sài, ọp ẹp. Được vài cái trụ được chẳng qua là có cốt truyện vững mà thôi. Mới thấy đời văn thăm thẳm, càng đi càng thấy phía trước hút hắt, vô định. Nhưng rất đẹp. Đẹp trong sự bi tráng của cuộc sống lẫm liệt luôn dẫn dụ ngòi bút. Đó cũng là thông điệp của Hồn quỳnh.
Nhà văn PHÙNG VĂN KHAI
Những năm cuối triều nhà Nguyễn, vùng đất cổ thuộc lộ Hải Đông cũ giặc giã nổi lên quấy nhiễu quan dân rất phiền phức. Quan tổng trấn vốn là một bậc túc nho có tiếng cơ trí mà luôn mấy năm mất ăn mất ngủ không sao dẹp yên được bọn cướp. Đồn rằng kẻ cầm đầu đám giặc loạn là một cô gái cực kì xinh đẹp tài trí hơn người cùng đám lâu la của y thị mưu mẹo khôn ngoan cứ ngang nhiên bỡn cợt quân của triều đình và quý quốc mà không ai làm gì nổi. Truyền rằng đảng cướp ngự trên một chiếc lâu thuyền cực lớn luôn ẩn hiện chập chờn nơi cửa sông đổ ra bể lau lách um sùm, cây cối rậm rạp mà lính triều đình mới nhìn thôi đã ớn lạnh. Thao lược hơn người mà Phạm Đa Biền, quan đầu trấn chưa nghĩ ra phương cách gì trị nổi bọn cướp. Một hôm, ngài cho mời Phùng Chấn Sơn, người bạn học từ nhỏ tới đàm đạo. Chấn Sơn là người gốc xứ Tuyên, học cực giỏi nhưng không thi cử gì, có tài văn võ sống nhàn dật nay đây mai đó thường kết giao với các anh tài trong thiên hạ. Phạm quan dặn nhỏ đứa gia nhân mấy câu. Người gia nhân xuôi thuyền về nếp đình cổ cuối cửa sông y như rằng Phùng Chấn Sơn đang đọ cờ với cụ thủ từ. Tên gia nhân tiến tới thi lễ rồi dâng thư mời, họ Phùng chỉ cầm không mở. Ván cờ đang vào hồi gay cấn. Bên quân trắng của họ Phùng dần dần núng thế trước nước cờ lạ của cụ thủ từ đang bí bách bỗng đâu tên gia nhân sốt ruột lên tiếng: “Hồi pháo chém tượng cờ hòa”. Họ Phùng à lên một tiếng nhìn tên gia nhân thích thú: “Không ngờ gia nhân của Phạm huynh lại biết cờ sâu xa là vậy”, rồi nhìn sang cụ thủ từ: “Tôi đi nước ấy cụ có cho hoà không?”. Cụ thủ từ liền cười: “Đã đi được nước cờ ấy là bậc đại kì rồi. Lão xin bái phục”, đoạn gọi với vào trong: “Quỳnh nhi, con mang trà ra mời khách”.
Đặt quân cờ xuống Chấn Sơn mới ngó sang thư mời của quan tổng trấn xem qua rồi bảo: “Ngươi về bẩm với Phạm huynh phải cuối tuần trăng này ta mới đến ngài được vì còn đang dở một việc”. Viên gia nhân cúi đầu lĩnh ý vừa lúc một cô gái bê khay trà ra. Khi ngẩng lên, viên gia nhân sững sờ trước vẻ đẹp thanh khiết và mộc mạc của cô gái. Cô gái thẹn thùng nhìn xuống đặt khay trà nói nhỏ, giọng trong ấm lạ lùng: “Thưa ông, con đã pha trà quỳnh. Con vào làm cơm ông à”. “Ừ, cụ thủ từ lại cười. Tiên sinh đây ưa thích trà quỳnh, con làm cả cơm gia nhân quan tổng trấn, có khi cho trước ra đây bình rượu cúc”. Cô gái quay gót vào trong mà hai người khách còn ngơ ngẩn, vân vi và từ đâu một mùi hương quỳnh khẽ lan, khẽ lan rồi dậy lên quấn quýt. Không biết hương sinh ra từ bình trà hay từ người con gái trang nhã cháu cụ thủ từ hay là cả hai đã khiến tiên sinh họ Phùng và gã gia nhân cùng lúc thốt lên: “Cụ ban cho chung trà ngon quá!”. Cụ thủ từ nhỏ nhẹ: “Thì vẫn trà tiên sinh gửi biếu hồi đầu năm đấy thôi, chỉ thêm chút hương quỳnh. Có lẽ do các ngài phấn chấn mà cảm ra ngon cũng nên”. Tên gia nhân trẻ tuổi đỡ lời: “Con hầu trà cụ tổng cũng nhiều nay mới được biết đến trà ngon nhường này”. “Ừ, chiều anh về để ta bảo Tiểu Quỳnh gói trà biếu lên quan tổng”. “Ấy chết, ai lại...”. “Có gì đâu, ta với cụ thân sinh ra ngài còn là chỗ đồng liêu”. “Hả, ra là cụ...”. Tên gia nhân định thưa thốt gì thêm bỗng lúng túng khi cô gái đã mang bình rượu cúc và lại một mùi ngan ngát hương quỳnh phập phồng đôi vai thiếu nữ. Thiếu nữ nói giọng ấm vững như khánh ngân: “Ông à, con đem bình tiểu cúc, như là mai gió bấc về”. “Ừ, tiện thể con gói biếu ngài quan tổng ít trà quỳnh, nếu còn hắc quỳnh thì tốt”. “Hắc quỳnh còn có một ấm nhỏ thôi ông”. “Cứ biếu ngài đi. Sang năm nhuận có khi ta lại có hắc quỳnh. Rồi con lên làm cơm cho sớm ngài đây còn về”. Cô gái khẽ vâng rồi nhanh nhẹn đi ra phía sau nhà. Cô đi một lát thì mùi hương như nhạt đi. Cụ thủ từ châm rượu ra chén gỗ bảo hai người khách: “Mời các vị dùng chén rượu cho ấm bụng. Mai gió bấc về đấy. Cũng đã sang đông được nửa tuần trăng còn gì”. Hai người khách nâng chén lên ngang mày hướng mặt về phía cụ từ. Mùi hương cúc nồng nồng cay cay ấm sực phủ một sắc hồng lên hai khuôn mặt khôi ngô.
Hoàng hôn dần buông nơi cửa sông. Sau mấy tuần rượu, tên gia nhân xin bái biệt cụ thủ từ và Phùng Chấn Sơn. Cụ thủ từ nét mặt như đã chuyển hẳn sang cõi thiền vi vô khẽ gật đầu đến khi tên gia nhân lẫn hút nơi triền sông mới châm thêm một chén rượu cúc miệng lẩm nhẩm: “Nước cờ lạ, thuần hậu, giản phác, uyển vị, nước nhà cần lắm những con người thế này”. Hai người đàn ông chìm trong hơi sương chiều. Phía triền sông, tiếng cuốc kêu khắc khoải.
*
* *
Tên gia nhân nhẹ nhàng rút chiếc ván ghếch chèo nhằm hướng dinh quan tổng trấn trực chỉ. Chiều chạng vạng, dòng sông mở rộng ra hun hút. Hẳn tên gia nhân võ nghệ cũng khá và thạo việc sông nước nên chiếc thuyền nan rẽ sóng rất nhanh. Vừa ruổi chèo vượt qua một lùm cây sát mép nước vừa hồi nhớ mùi hương và giọng nói như khánh ngân của cô gái cháu cụ thủ từ tên gia nhân bất giác thấy thuyền hơi tròng trành vội ngoái người ra phía sau đã thấy lành lạnh nơi cổ. Một người nhỏ nhắn quần áo nâu bịt mặt gí kiếm vào cổ tên gia nhân giọng lành lạnh: “Ngừng chèo lại. Ta có chuyện hỏi mi?”. Tên gia nhân giả bộ lúng túng rồi nhanh như chớp ngửa người ra phía sau tránh mũi kiếm đồng thời quét ngược một ngọn cước vào chân trụ của kẻ áo nâu vừa quát thị uy: “Phường đạo tặc to gan dám khống chế ta ư? Có giỏi hãy đàng hoàng giao đấu”. Kẻ kia không phải tay vừa, y vừa đảo chân tránh ngọn cước hiểm vừa sấn kiếm truy bức tên gia nhân còn mắng: “Bản lĩnh như ngươi mà đòi giao đấu với ta ư? Đồ chó chết bám gót lang sa hại dân hại nước các ngươi nghe đây. Về bảo với chủ ngươi. Còn manh tâm truy sát người yêu nước mà các ngươi mưu mô đổ là giặc cướp và động đến bà chúa của chúng ta thì hãy liệu thần hồn”. Lời chưa dứt ánh kiếm đã lóa lên xoẹt xoẹt khiến tên gia nhân kinh hoàng ngã rạp xuống lòng thuyền bóng áo nâu đã tung người nhảy lên bờ lau lách ùm sùm biến mất như một ảo ảnh. Định thần nhìn lên ngực áo đã bị khoét một mảng lớn phía trái, tên gia nhân rúng động tâm can. Nhát kiếm thị uy đi cực khéo không động đến da thịt nhưng cắt vừa khít một hình cầu tròn vành vạnh khiến tên gia nhân càng ngắm càng hãi sợ bản lĩnh kiếm pháp của người bịt mặt. Rồi gã dần tĩnh trí trở lại mải miết bơi thuyền ra giữa sông không dám lảng vảng sát bờ như trước nữa. Con thuyền như một chấm đen nhấp nhô lẫn hút trong sương lạnh chiều chạng vạng nơi cửa sông.
*
* *
Quan tổng trấn nghe thuật lại toàn bộ sự việc trên sông, xem xét kĩ lưỡng đường kiếm hiểm cứa trên ngực tên gia nhân, ngài trầm ngâm lắm. Đi theo ngài từ nhỏ, quan tổng trấn quá rõ tâm đức và tài nghệ của người gia nhân trẻ đồng thời cũng là vệ sĩ trung thành của ông. Ông nhắc khẽ: “Nào, ta hãy thưởng trà hắc quỳnh xua cái ánh kiếm kia đi. Nhưng sao con khẳng định đó là con gái?”. “Con căn cứ vào bộ pháp và đôi mắt. Bẩm quan ông. Y thị chắc chắn phải là một cao thủ, là bộ tướng của con cọp cái kia rồi”. Tên gia nhân vừa thong thả ủ trà vừa đĩnh đạc thưa với vị tổng trấn. Vị tổng trấn vuốt vuốt chòm râu chữ đinh chậm rãi đón chén trà nóng quấn quýt hương quỳnh từ tay thuộc hạ khẽ mỉm cười trước sự ca ngợi tên cướp thái quá của thủ túc đoạn bảo: “Cha ta một đời bái phục tài phiêu du sành nhã uyên thâm của cụ thủ từ. Không hiểu sao, người tài trong thiên hạ phần lớn chỉ ưa thích tiêu sái gió trăng. Hay ta cũng nên từ quan gác kiếm quy ẩn chăng?”. “Bẩm quan ông - Tên gia nhân mạnh dạn - Con trộm nghĩ người như quan ông mà từ nhiệm hẳn thiên hạ còn nhiễu loạn hơn, bọn ô bẩn tham lam mà ngồi vào vị trí của quan ông thì càng loạn lạc điêu linh. Vả chăng, hoàng thượng đâu chịu để quan ông ra đi như thế. Quan ông có còn nhớ...”. Viên tổng trấn càng đăm chiêu quan hoài vê chòm râu muối tiêu trầm giọng: “Triều đình có cái khó của triều đình. Có loạn lạc mới rõ tôi trung - Ngài xá tay cung kính - Hoàng thượng đã yêu ta ta đâu dám lơ là trọng trách. Hiềm nỗi, dân ngày càng điêu háo, lũ ô trọc thì vơ vét, thớ lợ, ranh ma lừa dưới dối trên. Đã mấy năm nay, lòng ta lúc nào cũng như có lửa, càng dập càng cháy...”.
Người gia nhân trẻ thấy chủ tướng trắc ẩn bất giác y tự giận mình tài nghệ còn thấp để xảy ra chuyện khống chế dọa nạt của lũ giặc cướp cúi đầu nhìn sâu mãi vào lòng chén trà. Hương quỳnh như càng da diết cứa thêm vào lòng hai người những u uẩn của thời thế riêng chung.
*
* *
Phùng Chấn Sơn y hẹn xuất hiện tại tư dinh quan tổng trấn vào cuối tuần trăng. Hôm ấy gió bấc kéo về cũng đã nhạt và đến gần giữa đêm thì lòng giời đã mở ra một chút trăng suông. Chấn Sơn vóc người tầm thước, mi thanh, mục tú đĩnh đạc hơn người vốn là chỗ bạn học của quan tổng trấn nên bọn gia nhân rất thuộc nết ăn ở của ông. Lệnh cho gia nhân dẫn người bạn hiền đi chỉnh sửa áo quần, mặt mũi xong đã thấy quan tổng trấn ăn mặc chỉnh tề ngồi bộ tràng kỉ nơi thư phòng. Từ nhà dưới bước qua cái sân gạch rộng, qua hàng hiên gỗ, họ Phùng đã thấy thấp thoáng quan ngài ở phía trong liền lên tiếng: “Xin kính chào hiền huynh, tiểu đệ lâu ngày không tới được hiền huynh, thật là đắc tội”. Quan tổng trấn vội đứng dậy tiến đến ôm người khách bảo: “Sơn đệ, Sơn đệ lại thế rồi. Ta có việc mới mạo muội tìm đệ về. Mong đệ hiểu cho ta”. Hai người ngồi đối diện. Ngọn bạch lạp được lũ gia nhân khơi lên cháy bình thản. Tự tay nâng bình rượu cúc chế ra chén gỗ quan tổng trấn tươi cười: “Chén rượu tẩy trần này, xin chúc Sơn đệ bằng an, một đời gió núi mây hồ, sớm gặp mĩ nhân nâng khăn sửa túi”. Người khách xúc động nâng cao chén rượu trân trọng: “Đệ cũng xin được chúc hiền huynh bằng an, mạnh giỏi, cơ trí như thần, vỗ về dân chúng, không phụ ơn vua tin dùng”. Hai chén rượu gỗ cứ thế nâng lên hạ xuống độ dăm tuần người khách như có chút men nói năng phóng khoáng, quan tổng trấn luôn cười ha hả lộ vẻ cực vui. Bình rượu cúc càng uống càng nồng nét hương. Ngoài trời sương đã buông mờ mờ quấn cả vào thư phòng. Ngọn bạch lạp dường như cũng phấn khích bập bùng tỏa rạng. Cả hai cùng say chuyện đến nỗi tên gia nhân bưng lên một con gà chọi hấp muối đặt lên bàn cùng bát muối tiêu định thoái lui người khách mới ý nhị nhìn quan tổng trấn buột miệng: “Cậu này, cậu này được đó quan anh, cầm kì thi họa cũng có nghề có ngọn lắm”. “Ừ, ừ - Quan tổng trấn trỏ vào gã gia nhân trầm giọng - Nó cũng là người có chí khí, ngặt nỗi sinh bất phùng thời. Mà này. Lấy ra thêm một bình hắc cúc rồi ở lại cùng ta hầu rượu tiên sinh. Tiên sinh trà, tửu đều cao tay lắm đấy”. “Bẩm quan ông. Con xin vâng ạ”, đoạn lanh lẹn bưng ra một bình gốm đen tuyền châm ra mấy chén gỗ cung kính. “Bẩm quan ông, thưa tiên sinh, xin mời thưởng hắc cúc. Chắc là có chuyện lớn quan ông mới cho dùng loại này”. Quan tổng trấn ha hả cười lớn nhìn gã gia nhân: “Thế là khá, đã dần hiểu được bụng ta”.
*
* *
Nhận lời với quan tổng trấn điều tra hoạt động của toán cướp Hải Đông, đám cướp dám lấy cả tên một vùng đất đặt cho nhóm băng đảng của mình hẳn chí khí của bọn cướp không phải loại xoàng. Lại nghe đồn tên cầm đầu là một thiếu nữ cực kì xinh đẹp thì họ Phùng bất giác mỉm cười, khen thay miệng lưỡi thế gian thêu dệt hư thực ra sao chưa biết nhưng hẳn nhiên đã là nữ tặc thì cả quan cả dân ngoài trọng trách nghĩa vụ trong lòng còn tò mò muốn làm rõ thực hư. Xem xét kĩ lưỡng đường kiếm hiểm lưu trên ngực áo gã gia nhân, Chấn Sơn buột miệng khen thầm: “Kiếm pháp người này quả là ảo diệu khôn lường. Đây hẳn là chiêu quái kiếm dòng kiếm cổ tưởng đã thất truyền. Này Phạm An, họ Phùng thân mật gọi tên tục của gã gia nhân, ngươi thấy bộ pháp người đó uyển chuyển lắm phải không?”. Gã gia nhân nhìn thẳng vào đôi mắt tinh anh của người khách chậm rãi: “Dạ, bẩm tiên sinh, bộ pháp vi diệu lắm, phi thân xuống thuyền nhẹ như lá rụng, kiếm kề cổ mà thuyền không động đậy. Quả là phi phàm”. “Ngươi, ngươi cũng khá về võ nghệ cơ mà. Sao không thử vài chiêu xem sao?”. “Dạ bẩm tiên sinh, ngay từ đầu con đã bị động. Lại không thấy đôi mắt người kia có ý ác nên không dám manh động, sợ quan tổng trấn ngài giận”. “Ừ, ừ, thế cũng hay, quan ngài cho ngươi đi cùng ta chuyến này là cũng có ý tứ riêng, ngươi cẩn trọng, nhu mì, nhẫn nhịn thế là tốt. Làm việc lớn, có khi phải nhịn nhục cả lũ đàn bà”.
Thuyền xuôi ra phía ngã ba sông. Tiết trời tháng Chạp rét ngọt càng cứa vào tâm sự hai người. Hai bên bờ sông không bóng thuyền chài, dân tình mấy năm nay đói kém cùng cực. Đám cướp xuất hiện vào đúng năm giặc Tây nổ súng tấn công cửa Hàn, hôm súng ngoại bang nổ vào máu thịt đồng bào, quan tổng trấn cho tìm Chấn Sơn. Hai người đêm ấy uống cạn mười bình rượu cúc. Rồi Chấn Sơn rũ tay áo ra đi. Hai người không ai nói gì nhưng từ lâu đã quá hiểu nhau. Ngầm ý của quan tổng trấn muốn nhắc Chấn Sơn đừng manh động vào Đà Nẵng lúc này vì ý của triều đình còn chưa rõ. Phe chủ chiến vẫn mạnh thế lắm và mấy vị đại thần bè bạn của ông hẳn nếu còn sống dưới gầm trời này sẽ chẳng bao giờ để quân cướp nước yên thân. Chuyện còn chưa rõ ngô khoai thì liền đó chính quan ông cũng đang khốn khó với bọn cướp nơi trấn nhậm. Càng nghĩ, Chấn Sơn càng thấy khó cho cái thế lưỡng nan hai đầu thọ địch của quan tổng trấn. Nếu ở thời thế khác, hẳn nhiên đây là một bậc quan hiền để dân chúng cậy trông. Càng nghĩ, họ Phùng càng giận bọn cướp quấy quả mấy năm nay. Đã không biết an phận lại còn đứng làm tà đạo giữa lúc việc nước việc dân rối như canh hẹ thử hỏi thiên lương của chúng ở đâu. Chao ôi! Ta chỉ những muốn giáp mặt viên đầu lĩnh mà biện bác cho ra lẽ thì hay biết mấy. Nghĩ đến đấy, họ Phùng luôn miệng thở dài nhìn ra dòng sông đang trôi vô định tận chân trời.
|
Minh họa: Đào Quốc Huy |
Con thuyền mỏng cứ bập bềnh trôi giữa vùng trời nước mênh mông đã mấy đêm ngày nơi cửa sông mọi người vẫn đồn thỉnh thoảng thuyền của toán cướp Hải Đông xuất hiện. Cả hai bên mui thuyền họ Phùng đều tự tay viết hai dòng chữ Nôm bằng sơn ta rắn rỏi: “Phùng Chấn Sơn xin gặp đầu lĩnh lộ Hải Đông”, họ Phùng đã nhún mình không đề thêm chữ cướp vào cho nó có hòa khí mà đã dăm đêm ngày lênh đênh không một bóng người. Đã thế hôm qua quan tổng trấn còn cho chim thư đưa đến báo việc toán cướp Hải Đông vừa táo gan cướp sạch toàn bộ quân lương của triều đình đưa đến rồi bọn giải lương của triều đình còn lu loa lếu láo khai khống gấp ba bốn lần lại còn đổ cho ngài không tròn phận sự trấn nhậm đến nỗi giặc cướp giỡn mặt cả triều đình làm ngài đang phải ứng phó mấy hôm nay. Ngài còn than với người bạn học hiện phe chủ chiến ở triều đình cũng năm đường bảy mối và cái họa ngoại xâm là không tránh khỏi vì chính nạn nội xâm cực kì hung hiểm đang lộng hành trong khi máu đồng bào quân sĩ trung trinh vẫn đêm ngày đổ xuống mới là cái ngài lo sợ nhất còn như toán cướp chẳng qua túng vụng làm càn xin được giao cho hiền đệ tùy cơ khuyên giải. Chao ôi! Đọc đến đây Chấn Sơn càng ngao ngán bời bời càng thở dài sườn sượt nhìn sang tên gia nhân vẫn cúi đầu đợi lệnh lòng ông bỗng dấy lên muôn sự quan hoài bèn bảo: “Ngươi cho chim về đi. Thư từ làm gì cho quan ngài thêm rối trí. Quanh quẩn đêm nay thế nào cũng gặp bọn chúng. Ta đã bấm quẻ ứng điềm ấy rồi”. Người trẻ tuổi không nói gì vỗ vỗ vào lưng chú chim câu. Con chim chớp chớp mắt nhìn hai người rồi tung cánh sải vào lòng trời xám càng gieo thêm một mối ngẫm ngợi vào hai người sơ mảnh cùng con thuyền giữa ngã ba sông.
*
* *
Trăng hạ huyền mảnh lạnh đẫm khói sương kéo một vệt chếch tận đỉnh giời leo lét rót xuống vài tia mờ mờ. Khoang thuyền ắng lặng nghe rõ cả tiếng nến sôi rí rách họa cùng tiếng sóng lóc bóc phía mạn ngoài tạo ra một âm sắc thê lương. Thi thoảng, tiếng quạ kêu sương rởn óc vẳng lên rồi chìm mất hút trong màn nước sông sậm sịt. Đã khoảng canh ba. Người trẻ tuổi đã ba lần khơi nến lặng nhìn tiên sinh họ Phùng ngồi bất động phía góc thuyền. Vừa lúc khơi thêm ngọn nến thứ tư tiên sinh khẽ thốt lên: “Họ đến đấy!” cùng lúc thuyền khẽ động đậy, ngọn nến chao nghiêng rồi lại ấn vững như thường. Tiên sinh họ Phùng đĩnh đạc bảo gã gia nhân: “Ngươi ra mời khách vào đi!”. Gã gia nhân định thần vừa phục tài thính lực của tiên sinh chưa kịp bước ra thì đã một tiếng người vọng vào, đúng tiếng người hôm trước đã mắng mỏ khống chế y trên chiếc thuyền hôm đi mời Chấn Sơn. “Chủ tướng cho mời tiên sinh sang lâu thuyền đàm đạo. Xin kính mời tiên sinh!”. Họ Phùng mỉm cười sửa áo quần đứng lên vừa bảo: “Cho cả anh bạn trẻ này đi cùng, cũng là hào kiệt cả đấy”. Không thấy tiếng đáp, chỉ một tấm ván lót vải điều ở đâu đậu xuống cửa chiếc thuyền nan không một tiếng động. Họ Phùng bảo gã gia nhân: “Họ đồng ý rồi đấy, ngươi cứ đi theo ta”. Hai người dắt nhau đi hun hút trên tấm ván nhỏ như khói sương giữa lòng sông. Trước mặt dần dần hiện lên chiếc lâu thuyền hư ảo ngự giữa sông bốn bề sương khói, không một tiếng động, không lộ chút ánh sáng đèn nến nào cả. Chàng trai trẻ đi sau bất giác rùng mình làm tấm ván khẽ chao động, tiên sinh họ Phùng nhắc: “Ngươi cẩn thận, tâm trí cho an tĩnh mà đón nhận lời mời, đừng sợ”. Cánh cửa lâu thuyền mở ra đón hai người khách rồi khép lại ngay. Trong thuyền đèn nến sáng trưng, nội thất bài trí cực kì tao nhã. Bình tĩnh nhìn khắp một lượt thấy hai thiếu nữ tươi như hoa đứng cạnh một chiếc ghế trúc xinh xắn. Người ngồi trong ghế là một phụ nữ trẻ dáng điệu đoan trang khẽ đứng dậy cúi đầu chào khách vừa nói: “Xin cảm ơn tiên sinh và cậu đã nhận lời mời. Thật lòng xin cảm ơn tiên sinh”. Hai chiếc ghế trúc như từ đáy thuyền hiện lên theo bàn tay ra hiệu của bà chúa thuyền. Một người nho nhã như họ Phùng đã sớm nhận ra chiếc ghế của mình nhô cao hơn và gần với bà chúa thuyền hơn. Một con người phép tắc lễ nghi dường này mà đi làm cướp ư? Lòng còn đang thắc mắc thì bất giác cả hai thầy trò khẽ nhìn nhau ngầm bảo ơ hay sao lại có mùi hương quỳnh ở đây được nhỉ. Mùi hương quấn quýt, xoắn bện ngầm lan tỏa rồi như vây lấy hai người. Như hiểu được thắc mắc của khách, miệng hoa khẽ mở, tiếng ngân nga như tiếng khánh: “Tôi vốn ưa thích trà quỳnh, xin mời các vị dùng chung trà quê”. Cả hai người khách như cùng lúc trút được mối nghi ngờ. Hai tách trà do hai tiểu nữ như mọc ra ngay bên cạnh. Thong thả nhấp một ngụm, tiên sinh họ Phùng lên tiếng: “Xin cảm ơn...”. Nói đến đây Chấn Sơn hơi lúng túng không biết xưng hô thế nào cho phải phép đã thấy người đẹp đỡ lời: “Xin tiên sinh cứ gọi ta là Tiểu Quỳnh”. Chấn Sơn đã tự nhiên hơn, phấn chấn: “Xin cảm ơn Quỳnh muội. Trà ngon quá. Hẳn Quỳnh muội rất sành trà đạo”. “Trà quê ấy mà tiên sinh. Loạn lạc mấy năm nay ta cũng không dám để tâm lắm vào chuyện thưởng trà. Có gì xin tiên sinh cứ dạy”. Chấn Sơn nhìn kĩ người đẹp phía trước chịu không đoán nổi tuổi vì nàng đã hóa trang cực kì kĩ lưỡng. Vóc người tuy trẻ song khuôn mặt tươi mát mà vẫn thâm trầm ẩn chứa sự từng trải và cách nói cực thông minh biện bác của nàng. Đúng! Đã thời loạn lạc lại để tâm vào mấy thứ trà, rượu còn ra làm sao. Ông hiểu ngay đó là câu khai chuyện cũng là chiếu tướng mình bèn tươi cười nói: “Xin Quỳnh muội xá cho ta đã lạm bàn chuyện không đâu. Xin thưa thẳng với muội ta tìm gặp muội gửi lời ngài tổng trấn thăm hỏi cùng một số ý của quan ngài nếu muội thích ta sẽ cùng đàm đạo. Ý muội thế nào?”. Người đẹp lắng nghe mặt không lộ vẻ gì suy nghĩ, mắt vẫn nhìn thẳng người đối diện rồi bất giác khẽ thở dài nhỏ nhẹ: “Tiên sinh dạy quá rồi. Cũng phải biết trà biết rượu chứ. Nhưng ta là phận nữ nhi ham muốn sao tiện. Vả chăng, vả chăng đời còn bao nhiêu đại sự. Mời tiên sinh dùng đôi chén rượu tẩy trần”. Hai chén rượu gỗ hương hắc cúc thoảng đến gây nên biết mấy tâm tư của hai vị khách. Thế này nghĩa là không có cái gì Tiểu Quỳnh không biết. Còn biết cả sở thích, sở trường, sở đoản của quan tổng trấn, của ngài đến thế thì thương thuyết khuyên răn cái nỗi gì. Như đoán được tâm tư của Chấn Sơn, người đẹp lại mở lời: “Thưa tiên sinh. Hay ta bày ra đây một cuộc cờ để đôi trẻ tỉ thí còn ta từ đó mà biện luận vào công việc chăng? Có khi thế là ta tự đi đường vòng mà lại hóa thẳng cũng nên. Gia tướng của ta cũng biết cờ đấy”. Chấn Sơn đắc ý: “Xin chiều Quỳnh muội. Muội quả là thấu hiểu ý ta. Chắc ta không phải là địch thủ của muội trên bàn cờ rồi. Muội cũng biết là Phạn An đây sành cờ ư. Xin bái phục. Xin bái phục”.
Bàn cờ gỗ mun đen tuyền được đưa ra. Những quân cờ ngà xinh gọn trang nghiêm trên lòng gỗ thẳng thớm đẩy ra một không khí thâm trầm kì lạ. Từ đầu, Phạm An chưa nói một tiếng nào và giờ đây đối diện với tên gia nhân chính là cô gái rất xinh đã cầm kiếm kề vào cổ mình bữa nọ, bất giác trong lòng họ Phạm nảy nở mối thiện cảm vô bờ trước tài sắc của địch thủ. Kiếm pháp đã hơn đứt ta nay cuộc cờ mà thắng ta nữa thì còn mặt mũi nào đây. Mới thấy ở đời bể học vô cùng tận, việc luyện rèn càng không nên phút nào sao nhãng còn chưa đến đâu và cái đức tự học của quan tổng quả là đáng làm gương biết mấy. Đang mải nghĩ thì cô gái tươi như hoa phía trước đã cất lời: “Xin mời Phạm huynh đi trước”. Tiếng nói như tiếng chim khuyên làm họ Phạm sực tỉnh bảo: “Cảm ơn cô. Tiên chủ hậu khách. Xin mời cô đi trước cho”. Cô gái liếc nhìn về phía chủ nhân thấy khẽ gật đầu luôn tay nhấc quân ngà lên đi một nước rất nhún nhường thế mà chỉ mấy nước sau trận tuyến đã dàn ra cực kì nghiêm cẩn. Có lẽ hiếm khi nào lại xảy ra một cái việc như ở lòng thuyền đêm nay. Ngoài trời sương thì cứ buông và ở đâu đó súng vẫn đang nổ, máu đang chảy, bao nhiêu toan tính của triều đình và những hi sinh của người yêu nước, kể cả quan tổng trấn cũng khó mường tượng ra các môn khách của ngài đang làm một việc khác thường là mượn vào cuộc cờ mà luận bình thiên hạ. Đôi trẻ càng say đánh giở hết sở học tỉ thí thì Chấn Sơn và Tiểu Quỳnh cũng thao tài biện bác, ngôn ngữ càng lúc càng hàm súc, tình ý càng ngày càng thâm viễn uyển chuyển như thế trận trên bàn cờ trong mùi hương trà quỳnh, rượu cúc càng nồng đậm lãi lên. Đến khi canh năm sắp tàn, mấy bình rượu cúc đã dốc ra những giọt cuối cùng trên chén gỗ cuộc cờ đang ở thế giằng co bất phân thắng bại thì vị chúa thuyền chợt khoát tay bảo: “Xin phép tiên sinh cho tạm dừng cuộc ở đây, mong ngày khác ta lại có duyên tri ngộ”. Chấn Sơn lúc đó mới như choàng tỉnh bái tạ bảo: “Quỳnh muội quả thật tâm thế khác người, tài kiêm văn võ, học trò của muội cờ lực phóng khoáng, phách lược dị thường, ta xin bái phục”. “Tiên sinh lại dạy quá rồi. Chẳng qua bọn chúng dựa vào ý ngài mà di quân khiển tướng đó thôi. Cảm phiền tiên sinh tri ân”. Lời nói đã dứt mà âm giọng còn vang ngân, đôi trẻ ngẩn ngơ buông quân cờ xuống mặt bàn gỗ mun nhìn nhau không nói một lời. Khoảnh khắc sau khi nằm trong khoang thuyền nan mỏng mảnh dập dềnh Chấn Sơn cứ thở dài thườn thượt lẩm bẩm: “Tài ấy, đức ấy... Trời ơi...”, rồi ngài thiếp đi lúc nào không biết trong hơi men rượu cúc.
*
* *
Đến quá ngọ hôm sau Chấn Sơn mới tỉnh lại hồi nhớ việc đêm qua không biết là thực hay mơ còn đang tự cười mình vẫn tự cho là cao thủ tửu đồ mà mới cạn mấy bình hắc cúc đã chìm vào giấc Nam Kha. Tiên sinh nhìn quanh không thấy gã gia nhân họ Phạm đâu còn chưa hiểu đầu cua tai nheo thế nào bỗng đâu phía liếp thuyền có một phong thư gài sẵn chữ thảo tuyệt đẹp như sau: “Tiểu muội mạn phép tiên sinh đã dong buồm ra bể thuận lòng người theo phò đánh giặc nơi hòn tên mũi đạn chắc là khó gặp. Một đêm coi như tri kỉ, thưởng trà thưởng rượu còn nhớ đến tri âm. Nay Phạm An nhất quyết vượt sông đi theo xin tiên sinh về thưa giúp mấy lời với quan tổng trấn. Tiểu Quỳnh thủ bút”. Chấn Sơn cơ hồ chấn động tâm can sực tỉnh nhìn ra mây trời sông nước dường như cũng đã rạng lên lại thấy ngay sau phía trái liếp thuyền một phong thư nữa, thư của Phạm An. “Xin được tạ lỗi với thầy. Được gần thầy chẳng mấy, con hằng hiểu tấm lòng trung trinh của thầy với đời, với nước. Đêm qua nghe thầy đàm đạo trong cuộc cờ cùng với chủ lâu thuyền con đã ngộ ra đường đi của mình. Thầy hãy xin lỗi ngài tổng trấn giúp con. Con mãi mãi là học trò của ngài tổng trấn, của thầy và của nước non này. Kính thư bái lạy. Phạm An”.
Phùng Chấn Sơn đọc xong hai phong thư bất giác rơi mấy giọt lệ xuống lòng chén rượu gỗ đã cạn. Ở đâu mùi hương quỳnh thao thiết ùa về bám riết ông như đêm trước, như bao đêm ở đền cùng cụ thủ từ hay khi đàm đạo với quan tổng trấn. Còn đang chìm vào những suy nghĩ riêng chung thì chim câu ở đâu sà xuống mang đến một phong thư. Thư của quan tổng trấn. Chắc có điều gì trọng đại xảy ra rồi mà thư nét mực còn tươi mới: “Gửi Sơn đệ. Ta đã tự tiện từ quan do bọn xiểm nịnh lường gạt định khép ta vào tội làm thất tán quân dụng. Quân dụng nào đâu, chẳng qua là mưu mô của lũ gian thần thấy ta có ý chủ chiến với bọn giặc Tây nên cố tình xúc xiểm hãm hại. Từ giờ trở đi, hiền đệ tùy tiện hành tẩu giang hồ, cũng đừng tìm ta vô ích. Hẹn bao giờ non sông vùng lên rửa hận, ta lại cùng hiền đệ thưởng rượu cúc, trà quỳnh. Bái biệt”.
Chấn Sơn đọc xong lá thư tâm thế mang mang nhìn chú chim câu lòng dạ không khỏi xốn xang bất giác chạnh lòng thương loài chim tận trung và thông minh kì diệu càng thương hơn những tri kỉ tri âm tài đức vẹn toàn mà sinh trong cảnh lạc thời lạc thế chạnh nhìn xa xa chỉ một màu mây đục. Phùng tiên sinh tấp chiếc thuyền nan vào bờ đoạn ruổi chân về phía nếp đình cổ cuối sông. Mặt giời vừa hé ra được một chút buổi trưa đã không còn thấy tăm tích đâu cả nhường cho những vạt sương chiều khói sóng bốc hơi mờ mịt mặt sông. Nếp đình cổ thân thuộc nép mình bên mấy cây đa cây si hôm nay như có điều gì đã xảy ra chăng mà có vẻ nghiêm ngắn lạ thường. Đình vắng lặng. Bàn cờ vẫn còn nguyên quân nơi đầu hiên nhưng không thấy cụ thủ từ ngồi trầm ngâm và làn khói thân thuộc của Quỳnh nhi cũng tịnh không có lấy một giọt mỏng. Bước vào trong tấm phản nơi góc đình mọi vật vẫn y nguyên. Bình rượu cúc và cặp chén gỗ còn vương hơi men nồng đậm. Tĩnh trí khai ẩm chén rượu cúc một lát mùi trà quỳnh ở đâu đó chen vào và quấn quýt, lan tỏa xung quanh người đàn ông độc ẩm.
Từ ấy, nếp đình cổ cuối sông có cụ thủ từ mới nổi tiếng với món trà quỳnh khắp lộ Hải Đông cho đến khi cuộc khởi nghĩa của cụ Tán Thuật nổ ra ở Bãi Sậy thì không ai thấy cụ nữa nhưng món trà quỳnh nếp đình cổ thì còn cho đến tận bây giờ
P.V.K