Mãi không tới núi

Chủ Nhật, 04/01/2015 15:02

Thỉnh thoảng, có một vài truyện ngắn rất quan trọng với những người viết tiểu thuyết, đặc biệt là khi nó lại của chính mình. Đại loại, nó tạo ra một sinh lực một khát khao muốn viết dài hơn rộng hơn. Với riêng tôi, truyện ngắn này là một thứ như vậy. Hình như nhờ nó, tôi mới xong được cuốn tiểu thuyết thứ hai, Khải Huyền muộn. Cho dù sâu xa, chẳng thấy có dính dáng gì.

Nhà văn Nguyễn Việt Hà

******************************************

Vọng đi vào núi. Tại sao phải đi vào núi thì Vọng mong manh biết, còn sẽ đi vào núi như thế nào thì anh không biết. Nắng của chiều ngần ngừ trên một đường mòn và đường mòn heo hút cỏ dại đến đây thì chia hai. Cậu bé tự nhận là thổ dân được Vọng thuê vác đồ nói rất nhanh bằng giọng lơ lớ địa phương giải thích. Đại loại, phía cuối đường bên trái sẽ có một cái nhà thờ, nóc nhà có cây thập tự trong đó có nhiều người mặc áo chùng đen, còn phía cuối đường bên phải sẽ có một nhà chùa trong đó có ít người hơn, mặc áo gụ thâm.

“Nghĩa là một bên là Thiền viện, còn bên kia là Tu viện?”

“Cháu không biết, ở đây chẳng có ai nói giống như chú. Thông thường khách du lịch cũng chỉ đến cái nhà mà mình vừa đi qua thôi.”

Vọng bỏ Hà Nội đi lần này hoàn toàn không là đi du lịch. Cái nhà mà Vọng và thằng bé đã đi qua có biển sứt sẹo sơn đề Ka ra ô kê. Vài ba cô gái nhếch nhác son phấn mặc quần áo nửa Kinh nửa Thượng, tóc nhuộm vàng kiểu Hàn Quốc đeo kính đen ngồi chơi bài lá. Chắc là Vọng đi đúng đường rồi. Xa xôi khuất sau nhà thổ chìm trong chịu đựng thường là có nhà thờ hoặc nhà chùa. Vọng im lặng nhìn núi hoang vu và cao. Hoá ra, suốt từ trước, những cái nhấp nhô vỗ ngực tự nhận là danh sơn mà Vọng đã được trèo đáng chỉ gọi là đồi. Núi ở đây ngút ngàn hết tầm mắt, hùng vĩ đến nao lòng. Cái cảm giác kì lạ đứng trước những núi như thế này may ra hiếm hoi có khi đứng trước biển thật rộng. Ở các đô thị lớn người ta bị nhốt trong những phòng chật có nhiều máy điều hoà, muốn chạm vào thiên nhiên thì đành phải nhìn mưa. Nghệ thuật của đám thị dân gần đây hay bị ủng vì mưa. Nắng chia nửa vạt rừng và Vọng lưỡng lự rút mô bai xem giờ. Mười sáu giờ kém bốn phút. Màn hình không có sóng cả Vinaphone lẫn Mobiphone. Thói quen hay được xung quanh nhớ đến làm Vọng bật thở dài. Vọng tung cái điện thoại di động vào đúng tâm ngã ba đường, nó rơi sấp xuống đám cỏ trụi hình như đau đớn nhưng không kêu một tiếng. Sấp là lẻ, lẻ là trái, Vọng nhớ mang máng Kinh Dịch bảo vậy.

“Chúng ta đi lối này.”

Thằng bé vác thuê lại gần chỗ rơi cái điện thoại, Vọng thờ ơ nhìn. Thằng bé có những nét quen, Vọng đã gặp ở đâu đó rồi. Thằng bé nói sinh ra ở vùng này và chưa bao giờ đi đâu xa. Thế thì Vọng nhầm. Thằng bé cúi nhặt cái mô bai nặng nhọc liếc Vọng, mười ngày trước có một cô bé cũng nhìn Vọng từa tựa như thế.

“Cháu không trách chú, cháu xác định rồi là cháu tự nguyện.”

Cái ngước nhìn nhanh không hẳn cam chịu nhưng nhiều già dặn, cô bé Thanh Hoá mười chín tuổi mới làm lễ tân ở văn phòng Vọng chưa đầy nửa năm rụt rè thông báo là mình có bầu.

“Chú xin lỗi, chú không ngờ chú khoẻ đến vậy.”

Vọng tự thấy giọng mình có cái gì đấy đểu giả nhưng không muốn chữa, cả tháng nay Vọng mệt mỏi quá. Vọng đẩy dịch cái phong bì dầy những tờ một trăm ngàn đồng ra góc bàn, anh khe khẽ cầm cả hai bàn tay cô bé gờn gợn chai áp nhẹ lên má mình. Dù có vẻ rất liều lĩnh nhưng trong sâu xa đôi tay thiếu nữ vẫn non nớt run rẩy.

“Sắp đến rồi.”

Thằng bé vác thuê nói khuyến khích khi nhìn Vọng lúng túng xắn quần lội suối. Thấp thoáng phía chênh chếch ngoài vách đá trụi cây, trên thoai thoải triền núi xa xa quả thật đã nhìn thấy lô nhô cao mấy mái nhà có chơ vơ một cây thánh giá. Vọng bỗng nhiên nghẹn ngào, anh đã lội qua một con suối rộng, cũng có thể gọi là sông và anh thanh thoát bước lên đến bờ bên kia. Vọng chọn chỗ không cỏ sát bờ suối, cúi xuống trân trọng hôn một ụ đất xam xám màu ghi đậm, đất âm ẩm ngai ngái một mùi thanh sạch hoang dã rừng già. Vọng ngây ngất hít.

“Chú đừng làm bẩn thế, bãi cứt trâu đấy.”

Chiều của rừng không phải xuống quá nhanh như văn học mà người miền xuôi hay tả, khi Vọng đến trước cửa gỗ tu viện trời vẫn nhờ nhờ sáng. Thằng bé vác thuê hổn hển thở, tháo hai cái ba lô ngót nghét chừng năm chục cân, lấy cả hai tay đấm mạnh cửa. Im lìm không có tiếng đáp, Vọng bồi hồi, đường đến thiên đàng thăm thẳm đương nhiên là vất vả không phải đơn giản như Kinh Thánh nói “cứ gõ là cửa mở”. Có tiếng lạch xạch của then gỗ, hai cánh cửa ken két he hé, một người trung niên khắc khổ mặc áo sơ mi màu nhạt không hỏi, gầy gò nhìn. Vọng vô thức lùi lại một bước, suýt nữa anh quỳ sụp xuống mà xưng rằng: Lạy cha, con là kẻ có tội. Vọng không phải là Ki tô hữu, mặc dù anh đọc rất nhiều sách về Ki tô giáo. Thằng bé vác thuê lại gần, nói thì thầm vào tai người trung niên trông giống như một ông thầy Bốn, ông này nhìn nó vẫn không nói gì, ken két khép cửa gỗ lại. Vọng nghi hoặc nhìn thằng bé vác thuê, sáng nay nó có kể là nó chưa bao giờ tới những chỗ như thế này. Cửa lại hé mở, chỉ thấy một bàn tay trắng xanh vẫy nhẹ, thằng bé vác thuê lanh lẹn lách vào. Vọng tự nhiên thấy khó chịu, nhất là khi nhìn lại, hai cái ba lô no nê căng phồng. Vợ Vọng ngu xuẩn chiều chồng nhưng là giống đàn bà tham vặt lúc nào cũng sợ thiếu. Chắc chắn cô ta tưởng Vọng mệt mỏi chuyện cơ quan, bỏ đi du lịch để thư giãn khuây khoả. Rất nhiều lần Vọng sâu sắc thấy mình vừa hi sinh vừa cao thượng khi lưỡng lự không kí vào đơn li dị vợ. Thằng bé vác thuê đi ra cùng một linh mục mặc áo lễ tóc bạc trắng đeo kính trắng, trong tay vị linh mục già cầm một tờ giấy khổ A4 có những nét chữ rất quen.

“Theo như thư giới thiệu thì cha bề trên đồng ý để anh có thời gian tĩnh tâm. Đêm nay anh cứ nghỉ tạm ở phòng khách nhà dòng, cơm nước các thầy sẽ lo chu đáo cả.”

Ông cha tóc bạc quay người vẻ như muốn dẫn lối, Vọng ngạc nhiên đến mức quên cả mình định thanh minh là anh tới đây không do một sự giới thiệu nào hết. Anh đã đau khổ, đang sám hối và tự mình đi tìm Đạo, mong một sự thanh tẩy, tuyệt không có việc chuẩn bị sắp xếp. Năm ngày trước anh đã buông bỏ tất, vinh hoa phú quí danh vọng.

“Tôi không thể hiểu cậu, tôi phải rất cố gắng và may mắn lắm mới có một hội đồng chấm bảo vệ như vậy.”

Giáo sư hướng dẫn luận án của Vọng gần như phát khóc. Mà ông đã khóc thật, vài giọt long lanh nặng đọng quanh chỗ đuôi mắt nhăn nheo. Cũng có thể ông tiếc cái công cả đời làm khoa học trung thực, lần đầu tiên tâm huyết đi viết hộ luận án. Ông chịu ơn Vọng, với gia đình ông hơn một lần Vọng đã là ân nhân lớn. Vọng nhấc tấm cạc mi ca đề chức danh của mình ra khỏi tập công văn anh đang kí dở, dưới sâu đám lộn xộn đó là một phong bì phồng căng. Anh mệt mỏi cầm đưa giáo sư hướng dẫn, tiền đã trực tiếp từ tay Vọng hiếm khi là tiền nội.

“Khổ quá, vấn đề không phải là cái này, vấn đề là cơ hội. Nếu có hai lão kia ngồi phản biện thì cậu trượt ngay.”

“Em biết.”

Ở vị thế của Vọng thì phải biết rất nhiều. Đức bạc nhi vị tôn trí tiểu nhi nhiệm trọng tiển bất cập hĩ. Phần Hệ từ của Dịch chép đại loại là vậy. Đức mỏng ở ngôi cao, tài ít trách nhiệm lớn không những nguy mình mà còn hại cả người thân. Hoạn lộ là chuyện sinh tử, đâu có chỗ cho kẻ ngu ngơ. Thế nhưng cái vừa ập đến với Vọng nó dữ dội và tàn nhẫn quá. Nó cằn nhằn làm Vọng khó ngủ. Những đêm mở mắt nhìn quanh, Vọng thấy lờ mờ vô nghĩa, hình như cuộc sống này không chỉ đơn thuần có người. Thế thì là có Giời. Vọng cười nhàn nhạt. Thói quen trí thức thuần tuý ở Vọng làm anh thích việc đọc sách. Chữ nghĩa sách vở nguy hiểm ở chỗ là thỉnh thoảng nó làm những người bận rộn phải một mình vớ vẩn ngồi nghĩ. Đau đớn khổ sở thay cho những ai làm việc đại sự mà vẫn bị vương vấn dằn vặt. Vọng đã gặp cô con gái duy nhất xanh lét ở bệnh viện phụ sản khi anh ngấm ngầm theo dõi gã trợ lí đưa cô bé người Thanh Hoá đi xét nghiệm. Đứa con gái ngây thơ của Vọng, nó đang học lớp mười. Hôm đó, Vọng run rẩy đã kêu một trong nhiều tên của Đấng thượng đế.

Minh họa: Đỗ Dũng

Một tu sĩ trẻ, vừa đi vừa thanh minh là hệ thống điện mấy hôm nay đang trục trặc, cầm nến đưa Vọng dọc hành lang vắng tới một căn phòng đầu hồi lủng lẳng cái khoá gỉ. Anh ta không dùng chìa, giật nhẹ cái khoá, cửa gỗ mở, trong phòng ngai ngái một mùi mốc không hơi người. Anh tu sĩ dặn Vọng là có lễ ba rưỡi sáng và hôm nay nếu Vọng đi đường có mệt quá thì mười phút trước chuông, anh ta sẽ ra đánh thức hộ. Vọng cảm ơn và hỏi nhỏ là mình sẽ đi toa lét ở chỗ nào. Anh tu sĩ trẻ đợi Vọng loay hoay mở ba lô lấy khăn mặt và bàn chải đánh răng, rồi dẫn Vọng tới nhà vệ sinh ở một góc phía cuối tu viện. Vọng tự mỉm cười khi nhìn thấy cái hố xí bệt, chắc đến bây giờ đã tuyệt tích những nhà dòng khổ tu. Đêm đầu tiên ở chỗ lạ bao giờ cũng khó ngủ. Gió vô ngôn thổi từ một hoang sơn nào đấy làm phồng rèm cửa. Vọng cố nhớ lại kinh Lạy Cha mà xa xưa lắm Vọng cũng đã thuộc. Vọng cố muốn quên cái cuộc họp gần đây nhất, không hiểu sao hôm ấy tất cả những người dự đều mặc áo ghi xám. Phong phanh tin đồn là sẽ có một thứ trưởng mới. Nhờn nhợt loay hoay những mừng vui những lo lắng. Mặc dù đã rất quen với những cái gì gọi là đạo đức công chức, Vọng vẫn thấy kinh sợ. Vọng bấm cái đèn pin soi vào ngọn nến đang leo lét cháy. Rất nhiều những con thạch sùng mầu xám nhạt luẩn quẩn quanh cả bốn bức tường. Cái im lặng của rừng và núi làm Vọng ghê ghê. Lâu lắm rồi Vọng mới ngủ một mình trong khung cảnh kiểu như thế này. Có một đêm Vọng cũng ngủ một mình ở giữa rừng sau bữa nhậu ở nhà một phó chủ tịch tỉnh mến khách làm rất nhiều món lạ. Trưởng đoàn của Vọng say mềm thiêm thiếp nằm trong lòng một thiếu phụ trẻ có búi tằng cẩu, suốt tối ông cố trốn uống với cớ mai phải về Hà Nội họp sớm. Ngày mai Vọng cũng phải tỉnh táo nghe thuyết trình của ban lãnh đạo tỉnh về dự án xoá đói giảm nghèo. Vọng lảo đảo men theo cầu thang đi xuống nhà sàn. Cái nhà khách heo hút này duy nhất chỉ để dành đón khách víp. Vọng loay hoay chui vào một cái lều giả gỗ xây bằng bê tông. Vọng lơ mơ say thiếp đi và khi tỉnh dậy thì nôn. Trằn trọc vì bồi hồi cô đơn, Vọng nằm không ngủ. Trong sâu xa hình như Vọng cũng khinh ghét đám đông. Đến gần sáng, một cô gái thật trẻ tìm thấy Vọng, khẽ khúc khích không sành sỏi lắm cô bé chui vào chăn. Vọng thở dài tự biết khó giữ mình. Chiều tối qua, chủ nhà có giới thiệu, đám sơn nữ là món lạ nhất của bữa tiệc rừng. Anh chàng tu sĩ trẻ giữ lời, trước chuông nhà nguyện chừng mười phút, anh ta nhè nhẹ gõ cửa, rất ngạc nhiên khi thấy Vọng quần áo đã chỉnh tề ngồi giữa mịt mù khói thuốc. Buổi sáng ở tu viện trong lành, Vọng đã ở đây sang ngày thứ tư và chật vật lắm vẫn không thể quen, Vọng lững thững đi dạo quanh hang đá Đức Mẹ. Lác đác ở các ghế đá vài tu sĩ có tuổi trầm ngâm quỳ suy niệm. Vì sao người ta lại phải quỳ dưới chân Chúa. Vọng đã hỏi một vị cao tăng ở Huế. Tại sao người ta lại phải đọc kinh gõ mõ ăn trường chay ngủ vật vờ trên những tấm bồ đoàn. Vị cao tăng từ bi cười, hứa khi nào Vọng chắc chắn ngồi ghế thượng thư sẽ rốt ráo giải thích. Tôn giáo rõ ràng là mơ hồ làm cho Vọng vừa không ưa vừa sờ sợ nếu mình suốt đời phải ở đây. Mới đến ngày thứ hai, Vọng đã nhoi nhói hụt hẫng nhớ Hà Nội. Trước hôm bỏ đi, Vọng không ồn ào tuyên bố một điều gì. Anh đã đốt cái thư riêng, định để lại dài gần ba trang A4 in máy laser. Kinh Kha nhập Tần chỉ bi tráng ngâm hai câu thơ. Khi qua cầu Chương Dương buông mắt nhìn sông Hồng ngầu đỏ, Vọng khe khẽ lẩm nhẩm ca từ bài Phôi pha của Trịnh Công Sơn, bài tủ của Vọng lúc uống say ngồi giữa đám ca ve ở nhà hàng Hương Cảng phố Thi Sách. Vọng mang máng tự biết rằng suốt một trăm năm nay sau Tam nguyên Yên Đổ thì Vọng hình như là người duy nhất dám treo ấn từ quan. Vọng đã tới một vùng sơn cước mà Vọng chưa bao giờ tới. Vọng đã đồng hành cùng một gã thổ dân mà Vọng đã ngẫu nhiên gặp ở một làng hoang sơ bìa rừng không có ti vi. Vọng sẽ cạo đầu âm thầm gõ mõ niệm Phật, hoặc không sẽ mặc áo chùng thâm lặng lẽ đọc Kinh Thánh. Nhưng thích nhất, Vọng muốn thành ẩn sĩ ở lều gianh khoác áo thô gai. Vọng sẽ cô đơn như núi mà hoà nhập vào thiên nhiên. Mải nghĩ, Vọng suýt đâm vào một hàng dọc tu sĩ vừa đi lấy củi về đang từng bước im lặng hướng phía nhà ăn, Vọng nối vào người đi sau cùng. Phòng ăn rộng vừa đủ, nhang nhác giống bếp ăn tập thể hồi Vọng còn sinh viên chưa xuất ngoại. Không có mùi của các món xào, chỉ nặng trịch một mùi rau luộc. Vài ông cha già đã ngồi trước lẩy bẩy xúc cơm nhạt. Vị linh mục tóc bạc ngồi ở đầu một bàn xa xa bình thản đọc trầm trầm một đoạn Phúc âm. Vọng theo mọi người vào bàn, vụng về làm dấu rồi cố trang nghiêm nghe tiếng ngân nga đọc kinh. Vẫn anh tu sĩ trẻ không hẳn ngẫu nhiên ngồi đối diện Vọng làm từng thao tác thật chậm để Vọng làm theo. Đến miếng cơm thứ ba thì Vọng không thể nuốt nổi. Bữa chiều qua Vọng ngồi một mình trong phòng rón rén mở ba lô. Rất nhiều các loại hộp nhưng nhiều nhất là pa tê Pháp và trứng cá Nga. Vợ Vọng biết tính chồng, cẩn thận phiên nôm tên món bằng tiếng Việt dán giấy dính trên từng nắp hộp. Ba lô kia có hai cái bi đông nửa lít bằng inox. Một cái đựng whisky Giôn xanh, một cái đựng rượu ngâm mật gấu rừng. Vọng ngần ngừ làm hai nắp bi-đông của mỗi loại mồi, vã với hộp thịt bò nấu sốt cay. Qua khung cửa sổ con, Vọng chợt lại nhìn thấy núi. Mây đặc rất khó tả màu làm ngọn núi mất đỉnh. Trên đấy chắc chắn không có người bình thường ở, hoặc phải là tiên hoặc phải là yêu quái. Men rượu chầm chậm ngấm và không hiểu sao Vọng thấy dáng núi có những nét gợi dục. Những đường cong thiếu nữ lồ lộ, đã bao lần Vọng vừa uống rượu vừa ngắm. Vọng nhắm mắt. Vọng chợt nhớ đến gã hoạ sĩ trẻ đứng thút thít khóc ở cổng triển lãm tranh nghệ thuật khoả thân đầu tay của gã khi nhìn người Hà Nội ồn ào rủ nhau đi xem tranh khiêu dâm. Vọng đấm mạnh tay vào ngực mình nhưng không kêu lỗi tại tôi. Có ai đấy nhìn trộm rất nhanh qua cửa sổ. Vọng đi ra hành lang và gặp thằng bé vác thuê đang lúng túng. Vọng bảo nó vào, thằng bé rụt rè ngồi song ẩm. Tự nhiên hôm nay Vọng thấy khuôn mặt thằng bé già dặn kinh khủng, bờn bợt một màu đô thị, hết hẳn vẻ sơn dã.

“Hôm nào thì cháu về?”

“Cháu đợi chú mà.”

Vọng kìm ngạc nhiên, lạnh lùng hỏi.

“Cháu có biết tại sao chú vào đây không?”

Thằng bé gật đầu nhưng rồi lưỡng lự lại lắc. Vọng rót đưa cho nó một nắp whisky, thằng bé sành điệu ngửa cổ hất gọn một trăm phần trăm. Chắc chắn Vọng đã gặp thằng bé ở đâu rồi. Đấy không phải là cái kiểu uống của dân miền núi, Vọng tò mò cố nhớ lại những bữa nhậu. Giống như những quan chức bình thường khác, vào những trận uống ở tiệc lớn, Vọng cũng phải có cây đỡ. Cây đỡ của Vọng là viên trợ lí bốn mươi hai tuổi gốc Hà Nội tửu lượng bất khả tư nghì. Gã có khuôn mặt thanh thoát đã tốt nghiệp một trường đại học nổi tiếng của Nga về chuyên ngành hoá dầu. Có một buổi chiều trống rỗng thật thà giữa hai người, Vọng hỏi gã: tại sao một trí thức có thể tha hoá thành đê tiện? Viên trợ lí nhìn Vọng bằng đôi mắt đùng đục đẫm rượu. “Tại vì tôi không có đức tin.” Liệu hôm ở bệnh viện phụ sản gã có gặp đứa con gái duy nhất của Vọng. Vọng bải hoải muốn hỏi nhưng kìm được. Hôm Vọng đi vào núi chỉ mình gã là người duy nhất biết. Vọng nhấp một ngụm canh nhỏ cốt để trôi miếng cơm, khi ngẩng lên anh gặp cái nhìn hiền từ của vị linh mục tóc bạc. Vị linh mục gọi theo tên thánh là Xi Mon là Minh Hùng là Gio An, anh tu sĩ trẻ có nói nhưng Vọng đột ngột quên bẵng. Vọng cúi mặt, anh thấy hoang mang và muốn giãi bày với ông cha già. Kiên nhẫn dự xong lễ trọng buổi chiều, Vọng chầm chậm đi tìm phòng xưng tội. Hồi bé, Vọng đôi lúc theo ông ngoại vào nhà thờ Hàm Long. Hồi sinh viên ở Nga, ân hận vì vài chuyện bạc tình, Vọng thỉnh thoảng có vào nhà thờ Chính Thống giáo. Nhưng chưa bao giờ Vọng quỳ xưng tội. Vọng loay hoay đi tìm, suốt dọc hành lang hun hút vắng vào giờ nguyện không thấy một bóng người. Lúc nãy, Vọng quỳ lẫn trong đám tu sinh khấn tạm, tò mò nhìn ba vị cha bề trên đồng tế làm thánh lễ Mi Xa. Hôm nay tu viện dâng lễ trọng tưởng niệm vị khai sáng dòng tu. Vẫn anh tu sĩ trẻ đưa Vọng quyển kinh phụng vụ, còn anh ta đọc ké lời nguyện của người bên cạnh. “Xin thêm trí khôn ngoan của Chúa, hướng dẫn các nhà lãnh đạo quốc gia. Để họ tận tình lo cho dân nước hằng an cư lạc nghiệp.” So với mấy lần dự lễ trước, đến hôm nay, Vọng đã thấy đau đầu gối. Vọng biết lời khấn dòng là khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục. Còn Vọng đã giàu có, ngầu đục và chỉ biết theo ý mình. Vọng sẽ phải cắn răng chịu đau. Anh tu sĩ trẻ khẽ hích nhẹ vào vai Vọng, ra hiệu là mọi người đã được ngồi. Vọng thả lỏng xoay xoay bắp chân sung sướng thở phào. Tạ ơn Chúa. Phòng xưng tội quả thật khó tìm, Vọng đi lang thang qua thư viện rồi vô thức đi lên cầu thang gỗ tới một gác chuông cũ kĩ. Vọng đứng cạnh quả chuông to mang vẻ nhiều tuổi bâng khuâng nhìn toàn cảnh tu viện. Phía dưới xa, cổng ngoài dòng tu có vòm cuốn nham nhở rêu bám vào những chữ đắp nổi, ora et labora. Chợt có tiếng chuông điện thoại di động, một đoạn nhạc quen thuộc bi hùng của bản giao hưởng Định mệnh mà Vọng đã gài vào mô bai của mình, Vọng ngạc nhiên cứng người. Hoá ra, ở hoang sơn những chỗ cao đều bị phủ sóng.

“Anh cứ yên tâm đi, có vẻ sếp đã chán rồi, giỏi lắm là trụ nổi hai ngày nữa.”

Tiếng thằng bé vác đồ thuê, giọng nó không còn ề à sơn cước mà lanh lảnh ngữ điệu sành sỏi của bọn người đô thị.

“Ngày kia anh cứ cho xe lên đây, nhớ mang theo hai hòm nến đại. Còn tiền nong của những ngày phát sinh thêm em vẫn tính anh y như giá cũ theo đúng biểu giá của tua du lịch mạo hiểm đặc biệt.”

Vọng vội vã như trôi xuống cầu thang, đi dọc hành lang đi qua thư viện, đi qua nhà nguyện và chắc cũng đã đi qua phòng xưng tội. Vọng đóng cửa phòng, ngửa cả bi đông mà tu rượu. Đám thạch sùng xám bám trên tường giương mắt lồi nhìn Vọng. Vọng nhớ ra rồi, anh có gặp thằng bé ở phòng lễ tân của trung tâm mát xa Gốc tre xanh. Mọi người lờ nhờ say và gã trợ lí đã bắt nó đi mua thêm một chai Jack Daniel. Gã khen nó ít tuổi nhưng thâm niên rất sành. Chính nó lúc gần sáng đã gọi cô bé nằm cùng phòng với Vọng ra mắng. Có tiếng chuông từ nhà nguyện. Vọng sụp xuống chân giường lỗ chỗ mối, tuyệt vọng xấu hổ lẫn tức giận. Vọng lẩy bẩy siết chặt con dao ăn giắt ở cạnh ba lô. Hình như Vọng đã đi ra cửa rồi Vọng lại trở vào. Vọng duỗi dài người trên giường, tung cái chăn đơn dạ mỏng đắp kín cả mặt và chân. Không biết bao nhiêu tiếng trôi qua, Vọng uể oải trở dậy. Nắng nhợt nhạt quẩn trong sương mù lờ mờ che thấp thoáng hình núi. Trời đã sang ngày, Vọng sửa lại quần áo đi tìm phòng cha Bề trên. Vọng xin phép là mình muốn đi về, nhưng biết đâu đấy đến ngã ba Vọng sẽ lại rẽ vào con đường bên phải. Ở cuối đường đấy là một Thiền viện. Dọc hành lang vắng, Vọng gặp ông thầy Bốn hôm đầu tiên ra mở hé cửa cho Vọng. Vẫn im lặng, ông ta dẫn Vọng qua một hoa viên nhỏ rồi đưa tay chỉ phòng riêng của vị Đan Viện trưởng. Cửa khép hờ, Vọng định gõ nhưng đã nghe thấy giọng chuẩn Hà Nội của gã trợ lí.

“Trình cha, con xin phép về và nhân tiện con có đem hai hòm nến biếu nhà dòng để thắp ở bàn thờ Đức Bà.”

“Cám ơn anh.”

“Dạ thưa cha đây chỉ là lòng thành. Vả lại chúng con quấy rầy nhà dòng nhiều quá.”

“Có gì đâu, cửa Chúa bao giờ cũng luôn rộng mở. À, mà anh có về Hà Nội cho tôi gửi lời thăm sức khoẻ đến giáo sư.”

Vọng thở dài, loay hoay mất công rồi cũng chỉ đẩy vào những cánh cửa đã mở sẵn. Vọng nhớ lại cái cảnh gã họa sĩ trẻ sụt sịt khóc ở góc cổng triển lãm. Vọng quay về phòng mình gói ghém ba lô, đã hết rượu nhưng còn rất nhiều thịt và cá hộp. Thằng bé vác thuê đi vào. Vọng chỉ đám lổn nhổn hộp nói những thứ này là của nó. Vọng và thằng bé im lặng đi khỏi tu viện chẳng chào hỏi ai. Khi đi ngang qua hang đá Đức Mẹ, thằng bé cởi ba lô quỳ xuống lầm rầm đọc kinh Kính Mừng. Hoá ra thằng mất dạy này nó có đạo. Vọng bâng quơ nhìn những cây nến đại đang cháy được cắm chắc chắn trên giá đỡ bằng đồng. Vọng mêu mếu cười, phía gần dưới chân một cây nến vẫn sót mẩu giấy nhỏ có ghi tổng giá tiền kèm chữ kí nháy của bà kế toán trưởng răng vẩu mà Vọng rất ghét. Vọng mông lung bỏ đi, cắm cúi dọc đường mòn kệ thằng bé vác thuê lệt bệt chạy theo giơ cao cái mô bai đang rung những vệt sáng có tín hiệu gọi đến. Vọng dừng bước, không thấy con suối lần trước Vọng đã lội qua, chỉ lác đác vài trảng cỏ nửa xanh nửa vàng vì thiếu mưa. Vọng đi như chạy tới ngã ba đường mòn vẫn thấy cái quán ka ra ô kê đứng đìu hiu trong nhợt nhạt nắng quái. Vọng run run đưa mắt chậm nhìn quanh. Xa xa là cái Mercedes chín chỗ hay đưa Vọng đi công tác hoặc đi du lịch.

Giữa hoàng hôn chiều bảng lảng của rừng, tuyệt không thấy núi

Ngày lễ Đức Bà lên giời, 2002

N.V.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)