Cái ngày đầu tiên tôi được
làm bố quả có nhiều điều kỳ diệu, nhất lại là đúng lúc giao thừa của năm Giáp
Tý, khi pháo nổ đón năm mới vừa đồng loạt vang lên thì cũng là lúc con gái tôi
cất tiếng khóc chào đời và tôi sung sướng đến quáng quàng. Tôi nhớ tôi đạp chiếc
xe đạp đã xịt lốp từ Bệnh viện 108 về đến nhà cứ như đang bay trên không
trung! Phút giây hạnh phúc nhất đời ấy được
những ly rượu thơm bạn bè cùng khu tập thể đến mừng đã kích thích tôi và tôi đã
nằm phủ phục trên giường viết thiên truyện ngắn này. Một thiên truyện ngắn cũng
có nhiều điều kỳ diệu bởi chính nó đã giúp tôi vượt ra khỏi những ám ảnh nặng nề
của những ngày sau chiến tranh. Tôi luôn luôn có ý nghĩ mình được hưởng niềm hạnh
phúc quá lớn trong khi đó, đồng đội mình, nhiều người cứ gặp hết bất trắc này đến
tai ương kia. Tôi nhớ đến các chị các anh ở đơn vị cũ và tôi viết như viết
trong trạng thái say ký ức. Tôi
không tự chủ được ngòi bút của mình. Thiên truyện tự nó được viết ra như nó đã
có sẵn trong tôi từ hồi nào, giờ đây chỉ việc trào ra...
Nhà văn Trung Trung Đỉnh
*****************
Lời chào quá khứ
- Thực ra câu chuyện không phức tạp như những lời đồn đại mà nó giản đơn tới mức không ngờ. Người đời chẳng còn bày vẽ gì được hơn, khi mà trong thực tế cũng chỉ tưởng tượng được tới mức đó. Chị nói với tôi. Một khi có chuyện gì xảy ra, người ta kháo nhau. Lúc đầu cố gắng sao cho đúng với sự thật, nhưng phải có chú ly kỳ, nghĩa là sao cho hấp dẫn. Và thế là người ta bắt đầu thêm thắt! Cuối cùng sự thật chẳng còn là sự thật, đến nỗi chính người trong cuộc cũng không nhận ra…
Chị, người mà tôi được nghe tên, nghe tiếng cả những điều hay lẫn không hay từ hồi trong rừng Tây Nguyên đánh Mỹ. Rồi tên chị, những tai tiếng về chị dần dần được lãng quên có tới hơn chục năm nay. Thời gian sau giải phóng, qua nhiều đợt công tác trở lại đơn vị, tôi luôn hỏi thăm nhưng cũng chỉ được nghe, hoặc, ừ nhỉ, không hiểu rồi người ta có biết trường hợp ấy thế nào? Hoặc, chắc là không phải như dư luận. Nhưng bây giờ làm sao biết được cụ thể kia chứ. Nói chung những câu hỏi lại chỉ được trả lời bằng những câu hỏi…
Thế mà, bỗng dưng đêm nay, đúng lúc giao thừa, cái thời khắc chuyển giao độc đáo của thời gian ấy, giữa lúc cháu gái, con đầu của tôi ra đời, tôi không hề nghĩ tới chị thì lại được gặp. Cũng thật độc đáo, chính chị đuổi tôi, bảo tôi vô duyên. Rằng đàn ông đàn ang gì mà không biết mắc cỡ. Rằng cái nhà anh này sao cứ để nhắc miết miết.
Quả tôi có lì, không chịu nghe lời nhắc của chị sau lúc dìu nhà tôi từ trên xích lô vào phòng đẻ. Tôi cứ muốn đứng ngay bên bàn đẻ để cùng chịu cái đau đớn của nhà tôi, cũng như mọi người chồng khác khi vợ mình mới sinh con đầu lòng. Tôi cho rằng việc chị mắng tôi không phải vì thái độ phục vụ kém. Đến lúc không thể nói nhỏ với nhau được thì phải hét lên. Thế thôi.
Còn cái sự lì lợm của tôi cũng tự nhiên thế. Chẳng lẽ chị lại mắng tôi thật? Và chẳng lẽ tôi lại thiếu tự trọng tới mức ấy? Thế nhưng, sau khi nghe tiếng cháu khóc trong buồng đẻ và tiếng nựng cháu của chị, tôi không thể tự kiềm chế mình. Cứ muốn reo to. Cứ muốn đi lại. Cứ muốn phóng ngay về nhà báo tin cho mọi người. Cứ muốn nhào vô buồng đẻ ôm ghì lấy mẹ cháu, ôm ghì lấy chị. Gặp ai đi qua hành lang bệnh viện tôi cũng toét miệng ra cười.
Tôi không còn chú ý gì nữa ngoài tiếng khóc oa oa thiêng liêng ấy. Tôi dán mắt, dán tai vào kẽ hở trên cánh cửa ra vào buồng đẻ, nghe trộm, nhìn trộm. Tôi nghe rõ tiếng reo nhỏ của chị: “A, cái mũ giải phóng con đã ra đây rồi!”. Chắc chị này có ở Tây Nguyên? Rõ ràng khi nãy chị mắng tôi “Sao cứ để nhắc miết miết?”. Những câu ấy chỉ cánh lính Tây Nguyên chúng tôi hay nói. Và chính những lời ấy khiến tôi nhận được tín hiệu và tôi nơm nớp mong chị làm xong công việc. Mong chị bước ra để hỏi “cái mũ giải phóng của tôi là gái hay trai?”.
Chị ôm cháu khẽ nghiêng người lách khỏi cửa. Tôi xáp lại:
- Cháu trai hay gái, chị?
- Gái. Mà anh vẫn đứng đây à?
Tôi cười trừ:
- Vâng ạ. Cám ơn chị.
Chị bước nhanh trên hành lang. Tôi xoải cẳng bước theo, cố nhìn cho được mặt cháu. Hình như chị bước nhanh hơn.
- Anh về đi!
Tôi rụt rè “vâng” và thẫn thờ dừng lại. Phải mười phút sau chị mới ra khỏi phòng trẻ sơ sinh. Tôi mạnh dạn tới bên:
- Chúc chị…năm mới….,
Chị bật cười nhỏ:
- Thôi, chú về đi. Mọi việc êm thấm rồi.
- Nhưng….tôi muốn hỏi thăm chị…
- ủa - chị vẫn nghiêm khắc - Cái nhà anh này! Tôi đã nói là cháu gái…
- Không chị ạ - Tôi mạnh bạo - Có đúng chị là chị Thản?
- Sao chú biết tôi? - Chị sững người.
- Đích là chị rồi - Tôi reo lên - Em là Thiêm, y tá K10 đây.
Chị vẫn đứng nhìn tôi. Tôi thấy mắt chị có vẻ như không trông thấy gì. Chị đang cố rọi sâu về quá hứ.
- Có phải chú là nhà báo, bạn anh Quảng ở bên ban quân y không?
- Đúng.
Chúng tôi nhận ra nhau. Tôi kể lược qua những cuộc thuyên chuyển của mình và báo cho chị biết, ở Hà Nội này, chị cũng sẽ có những “đồng hương Tây Nguyên” và tôi mời chị, đúng mùng năm tết tới nhà tôi chơi. Gặp các “đồng hương” hẳn chị sẽ vui hơn.
|
Ảnh: Khanh blog
|
Hội “đồng hương Tây Nguyên” của chúng tôi gồm có năm người. Anh Thảo, trước ở trên cơ quan mặt trận, bây giờ là nhà nghiên cứu lịch sử quân sự. Anh có cái dáng trịnh trọng, lúc nào cũng cầm quyển sách. Anh là người đề xướng lập hội: “Để anh em có dịp mà tề tựu”. Đối với chúng tôi, anh là “pho từ điển sống” về những sự kiện diễn ra ở Tây Nguyên.
Anh có trí nhớ thật kỳ lạ. Nếu bỗng dưng ai đó hỏi: “Thằng Mỹ bị ta bắt đầu tiên ở Tây Nguyên tên là gì? Anh trả lời ngay và còn kể thêm những chi tiết quanh chuyện đó. Anh Thủy trước là chiến sĩ dưới sư đoàn 2, bây giờ là nhà văn, đang công tác ở một toà báo trung ương. Anh Thuỷ bao giờ cũng tất bật và hóm. Gần như chuyện gì anh cũng có thể tham gia.
Anh Thực là bác sĩ, một con người có bàn tay vàng, chúng tôi thường nói với nhau thế. Thực có dáng người bé nhỏ, lúc nào cũng trấn tĩnh và thư thái. Chưa bao giờ thấy anh vội. Đối với anh, mọi việc đều phải cân nhắc, tính toán trước. Bác Thiềng, trước là trợ lý tác chiến một huyện đội, bây giờ đã về hưu. Bác về hưu nhưng lúc nào cũng quân phục chỉnh tề, trừ khi ở nhà với nghề thợ mộc làm thêm của bác. Và tôi, trước là phóng viên của báo mặt trận.
Anh Thuỷ và anh Thảo kéo đến sớm. Các anh mang theo một ghè rượu cần loại nhỏ, mấy cái cần hút rượu và hai quả bầu đựng nước đen bóng. Anh Thực và bác Thiềng tới sau một chút, nhưng cũng là tới sớm hơn hẹn.
Tôi thông báo sự kiện sinh cháu đúng lúc giao thừa và mới “sưu tầm” thêm được một “đồng hương” mới, chị Thản. Có thể nói ai cũng phấn khởi và ngạc nhiên khi biết chị Thản còn. Hơn thế chiều mùng năm chị sẽ lại chơi.
- Nhà cháu chật - Tôi vui vẻ nói - xin mời các bác cứ tự nhiên cho.
- ái chà - Bác Thiềng nói - Bố Kẹo Chanh ra dáng đáo để.
Anh Thuỷ bê tô canh từ bếp lên, nói:
- Hay! Ta đặt tên cháu là Kẹo Chanh được đấy anh Thiêm ạ.
Mọi người cùng cười vui. Bác Thiêng nhất thiết đề nghị dọn bàn, để hết xôi thịt lên cúng cụ.
- Con cháu ở đâu, ông bà cha mẹ theo đó. Bác nói.
Chúng tôi đồng ý ngay.
Anh Thảo và anh Thực nãy giờ đứng hai bên giá sách lục. Rồi anh Thảo cầm quyển sổ ghi chép của tôi mấy năm trước đã rách hết bìa, nói:
- Có phải chú ghi chép nhiều xung quanh sự kiện cô Thản lắm phải không?
- Có tới vài chục trang, trong quyển ấy đấy - Tôi nói.
Anh Thuỷ chạy ra:
- Thế nào rồi tôi cũng phải viết một cái truyện về chị Thản. Anh Thảo thử đọc to, nghe chung xem cậu Thiêm ghi chép được những gì nào.
Anh Thực rời giá sách, lại bên anh Thảo, nói:
- Có lẽ trong lúc chờ chị Thản, anh Thảo đọc nghe một vài chỗ.
- Này - Bác Thiềng góp - Cô ấy ra ngoài này hồi nào nhỉ.
- Chuyện ấy chỉ cô Thản biết - Anh Thảo nói.
- Thật là không bình thường.
- Sự không bình thường trong chiến tranh, âu cũng là chuyện thường tình vậy. Anh Thuỷ triết lý.
Anh Thảo ngả người vào thành giường, mở cửa sổ, hắng giọng và đọc:
“Chấm chấm chấm, - Cái tay Thiêm này tỉ mẩn thật - Anh bình luận rồi mới đọc tiếp - Ngày hai, tháng bảy, sáu sáu. Giữa mùa mưa lũ Tây Nguyên, những trận đánh Mỹ vẫn tiếp diễn quyết liệt. ấy vậy mà trong hậu cứ có tin cô Thản, y sĩ của ban quân y bị mất tích. Lúc ấy chừng giữa trưa, người ta đồn: Cô Thản đi lĩnh thuốc ngoài quân khu về, tới suối Đắc Kơ Piar thì bị người rừng Kơn Hà Nừng bắt. Anh Bươm, chiến sĩ trinh sát, người Bahnar còn kể là, chính anh đã từng gặp người rừng, khi ấy anh là liên lạc cho huyện đội K10, đang trên đường đưa công văn về. Trời mưa, anh trùm ni lon kín, ngược dốc La Pà. Anh đang cắm cúi đi thì bỗng gặp một người rừng chạy ngang. Người rừng ngã sóng soài trước mặt anh. Mấy người rừng khác xúm lại, lôi cái người rừng ngã vào bụi. Tiếng hú, tiếng la ré hoảng loạn khiến anh Bươm mất hết bình tĩnh. Anh quăng luôn cả đồ đạc, chạy tháo thân.
Theo anh Bươm kể thì người rừng cao to hơn anh, nhưng gày lắm. Rằng cẳng chân người rừng nhỏ và dài, đầu người rừng ro bằng cái gùi! Rằng người rừng không phải có nhiều long như xưa nay ta tưởng. Và rằng, tiếng hú của người rừng thì thật là ghê. Nó cứ choi chói, khàn khàn giống như tiếng rít của đài mười lăm oát.
Anh Bươm nhất quyết nói người rừng còn nhiều và mặt người rừng thì thật là dài. Anh bảo hôm ấy anh chạy xé rừng, xé núi. Chạy như chưa bao giờ anh có thể chạy được như thế. Khi tới làng Đê Tung Chà thì trời vừa tối và anh ngất lịm. Dân làng đã cứu anh và anh bị đau một tháng, rụng tóc. Anh Bươm còn nói đi nói lại là, nếu chị Thản về một mình chỗ suối Đăk Kơ Piar thì đúng là bị người rừng bắt thật rồi. Rằng dân làng Đê Tung Chà cũng nói khu rừng ấy có người rừng thiệt. Các thợ săn người Bahnar trong vùng ấy cay cú vì gặp người rừng mấy lần đều không kịp tổ chức bắt thì đã mất hút. Chấm chấm chấm chấm.
Anh Thảo trở nghiêng người, lấy kính ra đeo và tiếp tục đọc:
“Ngày, tháng, năm….Người ta đồn là cô Thản không phải bị người rừng bắt mà bị người cọp vồ. Người cọp là gì, chưa xác minh được. Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh có ra thông báo về vấn đề này. Rằng người cọp là do bọn biệt kích đội lốt. Rằng chúng làm như vậy cốt gây rối vùng căn cứ ta. Nhưng dân các làng trong vùng đồn là người cọp có thật. Rằng người cọp chính là Ma Lai, thứ ma biến bóng tối thành ánh sáng và ngược lại. Ma Lai có thể bắt hết dân làng, lần lượt từng người một. Và rằng, không phải bây giờ người cọp mới xuất hiện. Nó đã có từ xa xưa lắm rồi. Vân vân.
Tối ngày ba tháng mười, đoàn văn công tỉnh uỷ đi phục vụ bộ đội phía trước về, có ba cô gái đi sau bị người cọp nhảy ra vồ sểnh - người ta đồn - có hai cô bị lạc ba ngày sau mới tìm thấy. Chính cái cô đi sau cùng trong số ba cô về được trong đêm đã kể là, cô bị người cọp đẩy ngã, khẩu các bin co đeo bị giộng xuống cướp cò. Súng nổ, người cọp hoảng quá bỏ chạy,
“Làng Dê Bơ Ngăn bị người cọp phục lúc dân làng đi gùi đạn về. Người ta đã quả quyết là người cọp lông xám, vện trắng, mặt cọp, mình người. Chấm chấm chấm chấm.
|
Ảnh: Bằng Lăng
|
Anh Thảo sang trang, đọc tiếp:
“Ngày…tháng….năm sáu bảy. Bộ đội trinh sát F10 - B3 bắt được một người rừng trong hang đá. Cũng là những lời đồn. Người ta kể rằng, bộ phận chỉ huy mặt trận đã phái một B trinh sát vừa bám địch, bảo vệ vùng căn cứ, vừa bám vào rừng sâu tìm dấu vết và theo dõi những hoạt động của “người rừng”. Sau hơn hai tháng bộ đội ta đã tìm được một hang đá tít trên đỉnh núi KK, nơi mà gần như xưa nay chưa có dấu chân người. Nhưng rất tiếc ai cũng chỉ mới bắt được một “con người rừng” chứ không bắt được “mẹ người rừng”. Người ta kể là, sau đó các chiến sĩ trinh sát đã vây rất chặt đỉnh núi, khép dần vòng vây cho tới khi chỉ còn cái hang đá trên cao ấy. Rốt cuộc, “mẹ người rừng” vẫn trốn biệt tích.
“Mẹ người rừng” rất khôn - người ta đồn - Không thể bao vây được. Bộ đội ta đã nuôi đứa bé bằng mọi cách trên bệnh viện, nhưng các bác sĩ đã phải chịu bó tay, nhận thấy không cách chi nuôi đuợc, ngoài mẹ nó. Đành phải đem “trả” con người rừng cho mẹ nó nuôi. Người ta trả bằng cách nào nhỉ?
“Ngày…tháng, năm sáu bảy - Anh Thảo đọc tiếp - Người ta đồn là cô y sĩ Thản được điều về cơ quan thủ trưởng. Rằng cô ta đã “tụt tụt” với tham mưu trưởng Q trong khi đang yêu và sắp cưới anh L, phó ban quân y. Rằng anh L đã không những thông cảm cho thủ trưởng Q và người yêu của mình, mà còn tỏ ra như không hay biết chuyện đã xảy ra. Anh L làm như thế để bảo vệ uy tín cho thủ trưởng Q, hơn thế, anh sẽ khỏi phải điều tra phía trước. Anh L còn lên thêm một “hạt” và chức trưởng ban sẽ ở trong tầm tay.
“Tuy nhiên - vẫn là những lời đồn - cô Thản đã không chịu đựng nổi dư luận, nhân đi lấy thuốc quân khu về đã trốn vào một làng Bahnar sống. Hiện nay dân làng đã chấp nhận cô ta như là một thành viên của mình. Chấm chấm chấm chấm.
“Ngày, tháng, năm một chín sáu tám. Người ta đã thôi khong đồn về cô quân y Thản. Nhưng bây giờ lại rộ lên. Rằng cô Thản không bị người rừng, người cọp vồ cũng không phải cô ta chạy trốn dư luận bỏ vào làng mà đích thị cô ta đã đi chiêu hồi. Có lời đồn cô Thản là tình báo của ta. Đảng “tổ chức” cho cô ta đóng vai chiêu hồi như vậy, sau đó sẽ hoạt động mật trong lòng địch.
“Người ta kháo nhau là, thủ trưởng Q, sau khi nghe tin cô Thản mất tích đã cầm súng ngắn, vào rừng, bắn lên trời ba phát, không nói nửa lời. Đó là câu chào hay một lời thề? Còn anh L thì ngay lập tức xin chuyển xuống đơn vị chiến đấu!
“Ngày, tháng năm sáu tám. Rõ ràng là cô Thản đi chiêu hồi! - Người ta đồn - Rằng cơ sở ta đã báo ra, hiện cô Thản đang làm y sĩ trong trung tâm chiêu hồi P. Rằng cô ta đã trực tiếp ngồi trên máy bay Mỹ thả loa kêu gọi các “Binh sĩ cộng quân Bắc Việt, hãy trở về với chính nghĩa quốc gia!”.
“Và bây giờ thì không còn nghi ngờ gì nữa. Truyền đơn của chúng đã in ảnh cô Thản và những lời kêu gọi của cô ta. Người ta lại đồn là, hồi cô Thản còn ở ban quân y, cứ cô ta vừa rời khỏi đâu thì y rằng, B52 địch giội nát khu rừng cô ta vừa ở. Vân vân.
Anh Thảo bỏ quyển sổ xuống giường, gỡ kính, xoa xoa tay lên mặt, một lúc sau, nói:
- Còn một đoạn nữa. Đọc hết nhé?
Mọi người không ai xê dịch, cũng không ai nói gì. Anh Thảo đeo kính, đọc tiếp:
“Ngày, tháng, năm sáu tám. Thế là không còn gì để cho mọi người đồn đại nữa. Người ta coi như sự đã hai năm rõ mười. Trong chiến tranh, bản chất của mỗi con người được phô bày. Có người dũng, cũng có kẻ hèn nhát. Có người trung thành, cũng có kẻ phản bội. Nếu không bình tĩnh ta sẽ luôn luôn bị bất ngờ và những bất ngờ đó thật là nguy hại.
*
* *
Chúng tôi, từ khi nào đã đứng vây quanh anh Thảo. Chợt anh Thực, nãy giờ tựa lưng vào giá sách kêu lên:
- ồ chị Thản! Mời chị vào.
Tôi giật mình. Thoáng một cái, bên cánh cửa sổ khép hờ, tôi nhận rõ khuôn mặt phúc hậu của chị cúi xuống đầm đìa nước mắt. Tôi bật cửa định ra kéo chị vào. Nhưng chị đã kịp nhảy lên xe, phóng lẫn vào dòng người trên phố.
Tôi trở vào. Mọi người đều ngơ ngác như vừa ra khỏi một giấc mơ, bây giờ là khoảnh khắc bừng tỉnh. Chị đến trong lúc chúng tôi mải mê lục lại quá khứ của chị chưa được xác minh. Họa chăng, cái sự thực ấy chỉ có chị và một vài người biết. Nhưng mỗi người cũng chỉ biết một đoạn, như chúng tôi chỉ biết đoạn đầu đến khi có tin chị mất tích.
Các “đồng hương” của tôi đều sững sờ nhận ra vừa rồi mình quá vô tâm. Chị Thản đã nghe được những bàn luận và những dòng ghi chép qua dư luận hòi chiến tranh về chị. Chị phóng về, để lại cho chúng tôi một câu trả lời, rằng quá khứ của chị không phải là cái gì đấy vui vẻ mà chúng tôi hùa vào thưởng thức; Rằng sự thực bao giờ cũng có một khoảng trống kích thích ta tìm tòi và chính cái khoảng trống ấy đã gây nên không biết bao nhiêu ảo giác.
Chúng tôi vô tình, chưa kịp tìm hiểu chị Thản hôm nay, mà chỉ lục tìm chị Thản của quá khứ, chị Thản trong ảo giác. Trời mùng năm tết năm nay vẫn còn rét dữ. Tiếng khóc oa oa bất chợt của con tôi như tiếng chuông thức tỉnh mọi người. Tiếng khóc vô ý thức của một sinh linh mới ra đời có một sức mạnh tiềm àng khiến ta không kìm giữ nổi lòng mình…
- Ngày mai mỗi người lại phải chạy theo công việc của mình - Anh Thực nói - Biết làm thế nào được?
- Mai chú Thiêm đến thay mặt anh em xin lỗi chị ấy - bác Thiềng nói.
- Nói chung là không nên để chị ấy hiểu lầm chúng ta - Anh Thủy lên tiếng, - Và chúng ta không được phép để chị ấy cô đơn.
- Tất nhiên - Anh Thảo nói - Chúng ta phải tới chị ấy.
Và thế là ngay tối hôm ấy, tôi đạp xe tới bệnh viện tìm chị. Chị phải trực thay một chị bạn về quê và chị hẹn tôi thế nào mai cũng tới.
*
* *
Ba giờ chiều mùng sáu tết chị Thản đến nhà tôi thật. Chị đem theo cháu Nghĩa, con trai chị. Cháu Nghĩa mới mười sáu tuổi nhưng dáng cao và chắc. Cháu có cái vẻ trầm tĩnh đến gan lì. Chị bảo cháu ra vườn hoa gần nhà tôi chơi. Tôi mừng thấy chị vẫn giữ nguyên trạng thái điềm đạm, gần như không có ấn tượng gì đáng kể về cuộc gặp mặt không bình thường với các “đồng hương” hôm qua. Tôi thay mặt anh em xin lỗi chị, chị cười:
- Thực ra chẳng ai trong chúng ta có lỗi cả.
Tôi đặt ca rượu cần hôm qua anh Thủy hút ra để phần chị, nói:
- Chị uống đi, tiêu chuẩn của chị đấy!
Chị nhìn tôi rồi cầm ca rượu, uống một hơi cạn.
- Thú thực với chú - chị nói - Rượu cần chỉ có hút trực tiếp bằng cần mới ngon. Rút ra ngoài thế này, uống gờn gợn thế nào ấy.
Tôi rót thêm ly rượu quê, cũng là phần của chị, chị gạt đi:
- Chú đừng nghĩ tôi hay rượu, mắc cỡ lắm.
Chị tự rót trà vào ly, nói:
- Chú nghĩ về tôi thế nào?
Tôi lúng túng:
- Em rất phục chị - Tôi nói:
- Đó không phải là điều tôi muốn biết. Chắc chú nghĩ là tôi không còn?
- Cũng gần như thế.
- Bây giờ thì mọi sự đã qua. Nhưng cái dư vị của nó còn đắng mãi suốt cuộc đời tôi.
- Dù sao chị cũng không nên có mặc cảm quá khứ như vậy - Tôi nói.
- Thực lòng tôi không thể không có mặc cảm. Chị nói - Kể ra thì ngượng, mà để mãi trong lòng tôi đâu có bình tâm được, chú.
- Lẽ ra chị không nên im lặng lâu thế.
- Có muốn im lặng tôi cũng không im lặng được - chị nói. Thời gian đã lùi xa, những quan niệm ngày ấy coi là nghiêm trọng, bây giờ chúng ta nhìn nhận khác, phải không chú? Nhưng tôi vẫn không hiểu sao đời mình lại long đong thế. Nhắc lại thật rùng mình. Tôi không thể lường trước được các bước ngoặt khiến mọi sự diễn ra sau đó lại trở nên những sự kiện thật phiền hà!
Tuy nhiên bây giờ, ở bệnh viện tôi, người ta chỉ biết tôi là một quân y sĩ hoàn thành nhiệm vụ ở chiến trường ra. Rằng chồng tôi là anh A, anh B nào đó đã hy sinh. Rằng cháu Nghĩa là câu trả lời là sự chứng giám, bảo lãnh cho tôi. “Mẹ ơi, bố con hồi trước có hay đánh bóng chuyền không?”. Cháu nó mê bóng chuyền nên cứ hỏi tôi thế. Rồi có hôm cháu bỗng hỏi tôi: “Mẹ ơi, con muốn có tấm ảnh của bố quá”. Tôi phải phân giải cho cháu hiểu thế nào là chiến tranh. Chúng ta có thể dấu được mọi điều bí mật và cả thế giới, nhưng với con thì không. Tôi đã kể rõ ngọn ngành với cháu khi đêm, sau lúc nghe các chú bàn luận ở đây về. Tôi thành thực cảm ơn các chú. Cảm ơn những đồng đội đã không lúc nào quyên nhau.
|
Ảnh: pic-online
|
Chị Thản lau nước mắt, một lúc sau, tiếp:
- Hồi ấy chuyện người rừng, theo tôi có thể có thật. Nhưng người cọp thì hoàn toàn không. Đó là do bọn loạn rừng làm lốt hù dọa nhân dân. Bọn chiến tranh tâm lý của địch không từ bỏ thủ đoạn nào. Trường hợp của tôi chẳng dính dáng gì tới chuyện người cọp với người rừng cả. Truyền đơn chúng tung ra, in ảnh tôi, tôi biết. Có lẽ ảnh của tôi chúng lấy được vì một lần tôi và anh L qua sông B, mất chiếc ba lô của anh, trong đó có tập ảnh của tôi.
Nước sông Ba đã cuốn cái ba lô của tôi xuống vùng địch. Mà tập ảnh tôi dán kỹ bằng túi ni lông chú ạ. Cả lý lịch của tôi nữa. Thời gian ấy tôi đã ăn ở với anh L như là tình cảm chúng tôi đã được công bố. Tôi có chiều thủ trưởng Q một lần hồi chiến dịch đang mở. Thủ trưởng làm việc quần quật suốt ngày đêm, đến ăn cũng không biết là mình đang nhai thứ gì.
Tôi là quân y sĩ phục vụ thủ trưởng. Nhiều lúc phải ra lệnh bắt thủ trưởng nghỉ ngơi. Một con người không hề nghĩ chút xíu nào cho bản thân mình. Đã ngoài năm mươi tuổi, đã hai thứ tóc mà không hề thấy thủ trưởng tỏ ra có ý định xây dựng gia đình. Có những đêm đang ngủ, tôi bỗng thấy thủ trưởng tung bọc võng dậy, gọi điện thoại nơi này, nơi nọ, rồi thì bấm đèn pin, gạch gạch xóa xóa trên bản đồ.
Tôi nấu cháo cho thủ trưởng. Thủ trưởng húp một hơi cạn, không khen chê lấy nửa lời. Nhiều lần như thế, tôi bực quá. Nhưng cứ nhìn thủ trưởng húp cháo tôi lại không dám nói gì. Một lần, không hiểu sao, bỗng tôi nắm chặt cánh tay thủ trưởng kéo xuống nhà hầm, ấn vai thủ trưởng xuống sạp. Tôi định nói thẳng những ý nghĩ của tôi. Nhưng thủ trưởng lại ngồi thừ nhìn tôi như một người mất hồn. Thương thủ trưởng quá, tôi dụi đầu vào ngực thủ trưởng khóc.
Thủ trưởng đã quên mất mình là thủ trưởng. Và tôi cứ nghĩ quẩn mãi, lỡ thủ trưởng chết, thủ trưởng chưa biết gì về phụ nữ!…Nhưng thật không may, cậu công vụ đã biết rõ chuyện ấy…- Tôi đã thú nhận tội lỗi của mình với anh L. Bên ngoài anh tỏ ra thông cảm cho tôi và thủ trưởng Q. Nhưng thâm tâm anh, tôi biết, anh rất đau đớn và hết tin tôi. Biết làm sao được?
Tôi không thanh minh vì tôi nghĩ, sự việc tự nó chỉ nói lên điều bất chính. Tôi chắc thủ tưởng Q cũng có thể hiểu lầm tôi. Cậu công vụ trước nay đối xử với tôi rất tốt, nhưng sau đó, chú ấy không thèm nói với tôi nửa lời. Tôi cảm ơn chú ấy đã không nói lộ ra để ảnh hưởng tới thủ trưởng. Nhưng rồi sự việc vẫn cứ tự nó mọc thêm lông cánh bay đi khắp chốn! May trong dịp ấy có điện quân khu báo ban quân y cho người ra lĩnh thuốc bổ sung. Tôi xung phong ngay và được chấp thuận.
Hồi ấy là mùa mưa. Thân gái một mình lẽo đẽo đi bộ cả tháng trời. Tôi nhập vào các đoàn khách hành quân. Tôi cố quên những sự kiện bất thường do mình gây nên. Nhưng không tài nào nguôi được. Hai lăm cân thuốc, mười cân gạo và đồ đạc lỉnh kỉnh trĩu vai tôi. Đôi mắt to, nâu của thủ trưởng Q mở trừng trừng nhìn tôi thảng thốt. Đôi mắt hiền lành của anh L chau lại như cố rọi sâu vào tận cùng của sự thật để trách cứ, để lảng tránh và tha thứ cho tôi…
Nỗi nhiềm riêng không ai san sẻ khiến tôi gan lỳ, nhiều hôm có bom pháo tôi không hề né tránh. Những đoạn đường giao liên thông báo có nguy hiểm, tôi vẫn không dừng lại! Tôi đi như máy. Nghỉ ngơi chỉ làm tôi chán nản, đau buồn. Rồi một hôm ở bình trạm II, tôi gặp anh Kơ Tít người Bahnar. Anh nói trước anh ở vận tải quân khu sau được ra Bắc học, nay trở vào và được về phép.
Chúng tôi đi cùng đường với nhau. Vốn là lính vận tải nên đi nhẹ anh không thích, anh bảo tôi thế. Tôi san hàng, nhờ anh mang giúp. Anh Tít rất thạo tiếng phổ thông và hát rất hay. Những ngày đầu mới quen nhau, anh kể chuyện miền Bắc cho tôi nghe. Anh nhắc tới những tên phố mà tuổi thơ tôi từng gắn bó làm tôi khóc được. Nhiều lúc nghe chuyện anh, tôi không hề có cảm giác anh là người thiểu số.
Tình thế là như vậy. Hai chúng tôi đi trong rừng vắng. Chiến tranh như là cái cớ cho hai người gặp nhau. Những chiều dừng chân, anh vào rừng săn bắn, kiếm con chim, con cá, tôi lo rau canh, cơm nước. Mưa, hai võng mắc song song chung một mái tăng. Khô ráo, hai võng mắc chụm đầu, phía dưới chân đốt đống lửa. Chúng tôi nói chuyện linh tinh, tới khi mệt thì ngủ. Rồi chặng đường cũng tới ngày kết thúc.
Chúng tôi đến chỗ đường rẽ vào làng anh. Tít bảo tôi vào nghỉ chân vài ngày, sau đó anh sẽ giúp tôi hoặc nói với du kích làng anh giúp tôi đưa thuốc về đơn vị. Tôi nghe theo. Đó là một chiều mưa tầm tã. Tại nhà rông của làng, đội du kích đang chỉnh huấn chính trị. Thấy chúng tôi bước lên, mọi người nhìn ra nhưng rồi không ai chú ý. Họ rất nhanh quay vào bàn luận chuyện gì hung lắm.
Tít bảo tôi dựa bao hàng vào vách nhà rồi ngồi nghe chơi. Tôi cũng biết kha khá tiếng Bahnar nên cũng thích nghe bà con tranh luận. Tôi thấy trên cột nhà có treo tấm bảng đen nham nhở. Một anh cán bộ du kích đang ra sức giải thích thế tiến lên của cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới. Anh cầm một viên phấn, vạch một vạch chéo, vẽ mũi tên đang bay lên và nhắc đi nhắc lại: “Cách mạng ta tiến lên không ngừng…”. Bỗng một ông già quắc thước lừ lừ đi lên tay cầm con rựa, tới bên anh nhìn vào mắt anh dữ tợn:
- Tầm bậy! Mày nói tầm bậy rồi!
Rồi ông cầm viên phấn, vạch mũi tên ngược lại, cãi:
- Cách mạng đi lên dốc à? Lên dốc mệt sức hung, không tốt đâu con ạ. Cách mạng mình xuống dốc có nhanh hơn, ít mệt hơn mới trúng chớ.
Mọi người lặng phắc. Tít tự tin đứng lên, đi lại phía ông già và anh cán bộ:
- Không ai nhận ra tui là Kơ Tít đây à?
Mọi người ồ lên, xúm quanh anh:
- A tốt quá rồi! Kơ Tít đem vợ miền Bắc về đây rồi. Khác quá!
- Cách mạng đi lên hay đi xuống, Tít?
Tít cầm cây ná của người đứng cạnh, dương lên nói:
- Cách mạng là mũi tên bắn thằng Mỹ. Thằng Mỹ ở trên trời, mũi tên bay lên trời. Thằng Mỹ ở dưới hố, mũi tên cách mạng bay xuống hố. Cách mạng là mũi tên còn người bắn mũi tên ấy là Đảng mình, là đồng bào mình.
Mọi người nghe trúng quá, cùng cười vui. Tít giới thiệu tôi là y sĩ trên đường về đơn vị, ghé thăm chơi làng, không phải là vợ Tít. Nhưng không ai tin cả. Cả làng kéo tới nhà rông đón Tít. Tít chỉ còn một người em ruột, bố mẹ mất cả rồi. Người em ruột của Tít tên là Bờ Tàu. Bờ Tàu cao hơn anh, nhưng có vẻ trầm tĩnh hơn…
Chị Thản chợt giật mình khi thấy cánh cửa bị bật ra vì gió. Tôi gài cửa lại. Chị vân vê mấy cái giấy kẹo trong tay, nói:
- Số phận cố tình đẩy tôi tới những bước ngoặt mà chính tôi không thể hình dung được. Thời gian đầu ở lại làng, bà con đem cho tôi trứng, gạo, thịt để nấu ăn chung với nhà Kơ Tít. Không ai tin tôi và Kơ Tít là bạn bè. Tôi thấy Kơ Tít cũng không có ý định giải thích thêm. Chú em Kơ Tít bỏ ra chòi rẫy ở. Được ba ngày sau, tôi đòi về Kơ Tít cứ lần lữa, không muốn. Rồi cuối cùng anh đã tỏ tình với tôi. Tôi hoảng quá nhưng không có cách nào xử lý khác.
Kơ Tít bị tôi đẩy ra. Anh buồn rũ, không nói, cũng không cưỡng bức tôi. Tôi đòi về. Anh nhìn tôi thảng thốt và sau cùng anh lắp bắp: “Đường hành lang bị kẹt rồi, không về được đâu” - “Kẹt tôi cũng phải về Kơ Tít ạ” - “Em sợ tôi à? Dân làng đang có bệnh dịch, hôm qua chết hai người, em có ưng ở lại giúp đồng bào không? - “Anh không được nói dối tôi đấy!” - “Tôi nói dối em làm gì. Em không ưng tôi, được. Nhưng em không thương đồng bào là sai đấy”.
Tôi và Kơ Tít tới những gia đình có người ốm thăm hỏi. Quả làng đang mắc bệnh đi lỏng hàng lọat thật. Có thuốc trong tay, có nghề trong tay, gặp bệnh không cứu chữa, tôi không đành. Tôi và Kơ Tít cùng nhau xoay xở, cứu chữa bà con. Dân làng càng thương quý chúng tôi, càng tin tôi là vợ Kơ Tít thật. Nhiều người nhắc Kơ Tít phải tổ chức uống rượu mừng. Kơ Tít và chú Bờ Tàu, em trai Kơ Tít đã lo được rượu, heo cho anh. Dân làng tới ăn mừng gọi tôi là de cà dầng nhâng Tít - tức là vợ anh Tít. Sự thật là như thế, không thể đảo ngược. Tôi không tính cách nào khác được, đành phải chấp nhận. Kơ Tít quá sung sướng. Còn tôi thì thú thực với chú, không cách nào nguôi ngoai vì những vết thương do chính tôi tự đánh vào đời mình.
Tôi kể thật hết những gì đã xảy ra ở đơn vị trong vòng hơn một tháng nay. Kơ Tít cứ ngửa cổ lên hát và đánh đàn goong. Tôi nén lòng cố không nghĩ ngợi nữa. Thế là hết cả đường đi lẫn lối về…Tôi biết tôi đang mang thai. Nhưng tôi không thể nghĩ đó là con ai khác ngoài con Kơ Tít. Dù vậy, nhiều lúc tôi đã cầm thuốc ngủ liều cao trong tay, định uống cho xong hết mọi sự đời. Nhưng nghĩ tới đứa con trong bụng mà dừng lại.
Ngày tháng cứ trôi qua. Những công việc thuốc men, rẫy nương với bà con tôi cũng quen dần. Tôi không còn nghĩ điều gì khác nữa ngoài việc chuẩn bị cho con tôi ra đời. Kơ Tít khuyên tôi khỏi lo gì, ở đơn vị cũng đánh Mỹ, ở đây với dân làng cũng đánh Mỹ được, cũng làm cách mạng được. Anh trở thành cán bộ du kích. Tôi trở thành cán bộ phụ nữ. Làng có việc gì chúng tôi cũng tích cực tham gia. Thế là mình đã lẩn được mặt - tôi nghĩ.
Rồi thời gian sẽ ủng hộ mình. Những gì là sai lầm, là hèn kém ta sẽ cố sửa chữa, sẽ chuộc lại bằng việc làm thiết thực. Tôi trồng thuốc Nam, tìm cây thuốc Nam trong rừng về chữa chạy cho bà con. Kơ Tít chỉ huy du kích đánh địch càn, làm nương rẫy khá giỏi. Từ khi có chúng tôi, dân làng yên tâm hơn. Mọi sinh họat của làng thay đổi theo chiều hướng tốt. Không ai còn ăn bốc, uống nước lã nữa…Hạnh phúc của tôi là thế.
Rồi tôi sinh cháu. Tôi nâng con trên tay, nhiều lúc cứ thần người. Kơ Tít thì rối lên mừng rỡ. Anh đã tạo cho tôi một chỗ dựa khá vững chắc. Anh hết lòng chăm sóc vợ con. Tôi đã tự thề với lòng mình xin vĩnh biệt quá khứ. Xin chào vĩnh viễn những gì đã tạo nên sự trắc trở cho cuộc đời nhỏ mọn của tôi. Nhưng rồi tôi đã lại phải chịu đựng thêm một trắc trở khủng khiếp nữa! Tôi kinh hoàng khi biết tin Kơ Tít bị cây đổ trong khi làm rẫy, không tránh kịp.
Chú Bờ Tàu đã bế xác anh về chòi rẫy, và dân làng dìu tôi ra. Tôi ngất đi và sau đó tôi trở nên chai lỳ. Nhìn vật gì cũng chỉ thấy màu đen hãi hùng. Tôi là kẻ bất hạnh nhất trong số những người bất hạnh trên thế gian này. Nhưng tôi không thể chết. Tôi còn phải sống để nuôi con. Chỗ dự cuối cùng của tôi là cháu. Cháu như là được sinh ra để cứu vớt mẹ nó.
Tôi ẵm con trở lại đơn vị ư? Đã nhiều lần tôi định thế, nhưng vẫn không đủ can đảm bước ra khỏi làng. Chú Bờ Tàu mất anh, vốn đã ít nói bây giờ sống như cái bóng. Sớm xách súng, cầm rựa ra mương, chiều về. Ngoài bữa ăn ra là chú ấy hút thuốc. Cái tẩu thuốc lúc nào cũng gắn chắc trên môi. Và thật khủng khiếp cho tôi, sau hơn một năm, dân làng làm lễ bỏ mả cho Kơ Tít rất linh đình.
Rồi người ta tuyên bố De than bơm ca dâng de Bờ Tàu (Người Thản làm vợ người Bờ Tàu!). Người ta giải thích đó là do phong tục. Cái phong tục gì mà khiếp vậy hả trời! Tôi thành vợ của em chồng tôi ư? Không thể chấp nhận được! Nhưng phong tục là phong tục, còn tôi và Bờ Tàu có chấp thuận hay không là chuyện khác. Tôi van xin Bờ Tàu đừng nghe theo lời người ta. Bờ Tàu không nói gì, chỉ hút thuốc và hút thuốc.
Mấy lần tôi ẵm con, định trốn khỏi làng, nhưng Bờ Tàu bắt được và chú ấy đẩy tôi lên sàn. Hai chị em sống với nhau như vậy suốt cả gần một năm trời. Bờ Tàu không động chạm gì đến người tôi. Chú ấy cố tránh cái nhìn van xin của tôi và thực ra, qua thái độ chú ấy, tôi cũng dần dần bình tâm lại. Rồi một đêm mưa, Bờ Tàu bỗng vùng dậy - Tôi luôn theo dõi chú ấy - Tôi thấy chú ấy thu dọn rất nhanh đồ đạc, nhét vào một cái ba lô cũ rồi tới gọi tôi dậy:
- Tôi đi bộ đội- Chú ấy nói - Tôi theo bộ đội ngoài hành lang không về nữa đâu!
Tôi níu tay chú ấy khóc. Chú Bờ Tàu đẩy vai tôi ra rồi nhảy xuống sàn cửa. Biến vào trong đêm. Tôi ôm con đứng nhìn căng mắt, chỉ nghe có tiếng chân người, tiếng súng va chạm lích kích ngoài đường cái. Tôi gào giật lên trong mưa. Một vài người trong làng đốt đuốc tới. Họ biết Bờ Tàu đã bỏ nhà theo bộ đội, nhưng không ai nói gì.
Tôi nằm ôm con nuốt nỗi cay cực của mình mà thầm thề rằng quá khứ hãy cút khỏi nơi đây. Rằng đời tôi không phải là cái túi chứa đựng những bất hạnh. Chú Bờ Tàu hãy tha thứ cho chị. Mọi người hãy đừng nghĩ về tôi như trước nay người ta đã hiểu lầm…
Chị Thản dừng lại thở gấp. Mặt chị tái nhợt. Tôi rót ly nước lọc mời chị. Chị tiếp:
- Tôi sống với dân làng, nương tựa vào dân làng bằng nghề nghiệp của tôi đến ngày giải phóng. Vâng, bà con đã đưa tôi ra trạm thu dung. Lúc ấy tôi đã nghĩ ra một cái lý lịch hoàn toàn khác. Rằng tôi là y sĩ của K55. Rằng tôi được cử ở lại phía sau trồng thuốc Nam, chế biến thuốc Nam, dựa vào dân làng. Rằng chồng tôi tên là Nguyễn Thành Trung, anh ấy đã hy sinh. Con tôi là Nguyễn Trung Nghĩa. Các chú ở trạm đã giúp tôi lập lại hồ sơ - vì toàn bộ giấy tờ của tôi bị bom, tôi khai thế và các chú rất tin tôi. Trường hợp như vậy thiếu gì phải không, chú? Thế là mẹ con tôi được chuyển ra Bắc công tác…
Chị Thản ngừng để uống nước. Tôi lấy bánh chưng bóc mời chị. Đúng lúc ấy cháu Nghĩa về. Chúng tôi cùng ăn bánh. Tôi lấy mấy cuốn sách mới mua hồi trước tết ra mừng tuổi cháu. Cháu Nghĩa cám ơn tôi rất từ tốn.
- Từ nay chị và cháu cứ đi lại đây với vợ chồng em - Tôi nói - Coi như chị em trong nhà.
Chị Thản ôm đầu cháu Nghĩa, bứt rứt những mẩu bụi ra, nói:
- Con muốn biết thêm gì về mẹ, từ nay cứ hỏi chú Thiêm, nghe.
- Vâng ạ.
- Thôi chào cô chú, mẹ con tôi về kẻo tối.
Hà Nội, tháng Giêng Giáp Tý
- 1984
TRUNG TRUNG ĐỈNH