Nhà văn An Bình Minh và truyện ngắn "Mắt nai"

Thứ Ba, 22/05/2012 02:00
Tình yêu, hôn nhân, sự kết tinh thiêng liêng và đẹp đẽ nhất của nhân loại, lâu nay vẫn thường được dành riêng cho mối quan hệ trai gái, lứa đôi. Vì thế mà mọi ứng xử tinh thần, triết lý xã hội, thơ và văn... thường chỉ tập trung vào hai đối tượng này; để rồi khi phải đề cập đến sự mất mát, tan vỡ người ta cũng chỉ quan tâm hóa giải mối quan hệ vợ chồng, ít chú ý đến con trẻ.

Nhưng trên thực tế, sự mất mát của của con trẻ mới khủng khiếp. Người lớn được thời gian đồng hành, xoa dịu; nhiều khi nhờ số phận họ còn có cuộc sống, tình yêu mới tươi vui quên đi mối tình xưa... Với con trẻ thì không. Tình yêu tinh khôi của chúng chỉ có được nhờ nương tựa trên đôi vai của bố mẹ. Thiếu đi một bên, nó vỡ tan từng mảnh. Mặc cho mọi sự cố gắng bù đắp từ cha hoặc mẹ, một vệt cắt vẫn hằn trong tâm hồn mãi mãi không phai nhạt…

“Mắt nai” chỉ mô tả phần nổi của sự thảng thốt, mất mát ấy. Tôi vốn nhút nhát, nên dù đã dành cho nhân vật của mình - hai bé gái song sinh - một cái kết theo chiều hướng có hậu; song vẫn phải để một “góc nhìn” xót xa về cái vệt cắt sẽ hằn sâu trong tâm hồn chúng.

Nhà văn An Bình Minh

*******

Mắt nai

“Bố… sao bố chở hết cây của con”. Tiếng thất thanh của con Bông gào lên trong máy. Tiếp theo là tiếng khóc, nghe ong ong như vang lên từ dưới giếng sâu. Thăng sợ hãi, cuống quýt giải thích và xin lỗi con. Anh hứa ngày mai sẽ mang trả lại. Đầu dây điện thoại đằng kia yên lặng. Thăng biết là con anh vẫn đang giữ máy, vẫn đang khóc tức tưởi, nhưng anh gọi mãi vẫn không nghe tiếng trả lời. Thăng gác máy, nằm vật lên đống sách vứt ngổn ngang giữa nhà, tự trách mình tồi tệ và vô tình.

Sáng nay. Thăng từ tòa án ra với tâm trạng khó tả. Dường như tất cả sự dồn nén, của bao nhiêu ngày toan tính, day dứt, dằn vặt, chán chường, mong ngóng nay bỗng trào ra lẫn lộn. Những tưởng, một vết cắt thật mạnh, thật nhanh sẽ đỡ đau đớn hơn vết cứa nhút nhát, dai dẳng; thà nhẫn tâm một tý còn hơn cứ lần lữa, kéo dài những ngày sống vô vị bên nhau. Vậy mà nay khi mọi thứ đã được giải tỏa, thì toàn thân lại bải hoải, đầu óc gần như trống rỗng, vô cảm.

Ngay từ bãi để xe, Thăng đã không thấy bóng Minh, vợ anh (mà bắt đầu từ lúc này là vợ cũ) đâu. Ra vậy, cái giờ phút anh đi đằng anh, tôi đi đằng tôi đã được bắt đầu ngay từ cổng tòa án. Thăng chua chát nghĩ, song anh cũng thấy như thế này là hợp lý. Chắc tất cả các đôi ly hôn từ tòa án ra cũng đều mỗi người đi một ngả. Anh không hình dung nổi nếu bây giờ hai người chạm mặt ở đây thì sẽ như thế nào.

Minh họa: Xuân Khôi

Về nhà, Thăng gần như len lén bước vào buồng riêng. Căn phòng nhỏ bấy lâu nay như cái lô cốt, tạo cho anh chốn yên thân để cố thủ chiến đấu giờ đây trở nên lạnh lẽo, vô dụng làm sao. Thăng ngả người trên giường, tiếp tục với những suy nghĩ không đầu, không đuôi. Phiên tòa xử thuận tình ly hôn đã kết thúc một cách chóng vánh và nhẹ nhàng. Tuyệt nhiên không có cãi vã, không chửi rủa, không đổ lỗi cho nhau. Tất cả đã diễn ra đúng như hai người đã cam kết.

Thực ra thì cũng có một chút cật vấn thận trọng của vị thẩm phán về tài sản chung. Song, ngay cả cái điều khó phân xử nhất với các đôi ly hôn thì Thăng và Minh đã thỏa thuận được từ trước khi có phiên hòa giải không thành cách nay hơn một tháng. Đã quá chán nhau rồi, chán tới mức nhà cửa, của cải cũng chẳng làm ai thiết tha, luyến tiếc. Những thứ đó giờ đây chỉ đơn thuần là phương tiện tối thiểu để nuôi con. Nó có thuộc về vợ thì người vợ cũng chẳng mang tiếng được thụ hưởng, người chồng cũng chẳng vì thế mà được tiếng là dũng cảm ra đi tay không.


Chắc phiên xử này phải được liệt vào trong hồ sơ vụ án hôn nhân gia đình… kiểu mẫu của tòa án quận trong nhiều năm qua. Không - Thăng gạt ý nghĩ một cách quả quyết - đây là cách ứng xử của hai người có lòng tự trọng. Hai người tốt đâu hẳn đã sống được với nhau thành một cặp vợ chồng hạnh phúc (Thăng có vẻ yên tâm với lập luận này. Nó biện minh được cho trường hợp của anh). Đã không yêu nhau nữa tốt nhất là chia tay. Đôi bên không còn gì thì còn hai đứa con.

Vậy thì hãy ứng xử đầy đủ trách nhiệm của một người làm cha, làm mẹ. Kéo dài tình trạng ly thân trước mặt con trẻ, hoặc mạt sát, chửi bới nhau trước tòa là tự sỉ nhục mình và làm tình, làm tội con cái. Điều còn lại bây giờ là làm sao hạn chế đến mức thấp nhất sự tổn thương của chúng. Phải rồi. Đây là lúc tốt nhất để anh ra đi. Chiều nay, hai đứa con anh sẽ trở về từ lớp học bán trú. Anh không thể ra đi trước mặt chúng.

Một ý nghĩ dứt khoát vụt lên trong đầu đã giúp Thăng vùng dậy. Như một tên ăn cắp, anh nhoáng nhoàng thu dọn vài thứ lặt vặt (sách vở và quần áo đã dọn dần từ trước), xếp mấy chậu cây, gọi xích lô chở đến nơi ở mới. Mấy chậu cây cảnh là thứ của chung duy nhất anh mang đi. Đem chúng đi, anh chỉ nghĩ đơn giản đó là những cái cây anh trồng, anh chăm chút, nay mang đến chỗ ở mới cho đỡ buồn (ngay nếu Minh có nhà, chắc chắn cô ấy cũng sẽ cho thế là hợp lý).

Con anh hãy còn bé, chúng chỉ thích chó, mèo, chứ đâu có thích cây cối. Ấy vậy mà mới chỉ sau mấy tiếng đồng hồ rời bỏ ngôi nhà cũ, anh đã gây ra cho hai đứa con anh một cơn sốc… Mình thật là một thằng bố tồi tệ. Thăng vẫn không thôi tự nguyền rủa mình.


Những đống sách buộc thành đống lổn nhổn như đá hộc đâm lên lưng đau nhói. Mặc kệ Thăng vẫn nằm như để tự hành xác mình. Anh mượn cái đau đớn của thể xác để át đi cái đau tinh thần, nỗi ân hận của tội lỗi. Nhưng vô hiệu, cái tiếng kêu thất thanh của con anh đã trở thành lưu âm văng vẳng trong đầu. Thăng biết tiếng kêu đó không phải của một đứa mà là của cả hai đứa con anh. Con Chích và con Bông.

Đầu tiên là một đứa hét lên lời oán trách bố đã chở hết cây của nó, nhưng liền sau đó hai đứa sẽ cùng gào lên và khóc vang nhà. Đã bao lần anh chứng kiến cảnh hai đứa với những hoạt động tương đồng, đặc biệt khi chúng khóc thì lúc đầu chỉ là một đứa tấm tức, thút thít; nhưng khi sự sợ hãi, bất bình đẩy lên cao thì lập tức cả hai đứa cùng gào lên. Chúng như cảm nhận được sự nguy hiểm và cùng có trách nhiệm phát tín hiệu cầu cứu.

Chúng, tuy hai nhưng là một, bởi Chích, Bông là hai chị em sinh đôi. Chích và Bông là tên sữa. Chúng là hai con chim nhỏ ríu rít chuyền cành, chúng dễ thương, tươi tắn mang lại niềm vui cho cả bố mẹ, họ hàng nội ngoại, nên mặc nhiên ai cũng cảm thấy cái tên này là dành riêng cho chúng.

Con Chích là chị, con Bông là em. Trẻ song sinh thường có “tính đại diện”. Suy nghĩ và hành động của đứa này cũng chính là của đứa kia. Thăng đã quen với điều ấy từ khi chúng còn tấm bé. Ngay cả ngồi chơi với anh cũng ít khi cùng có mặt cả hai đứa. Lần trước là con chị thì lần sau sẽ là con em. Có dịp chở chúng đi chơi thì lúc đi, con này ngồi kế sau lưng bố, còn khi về thì chỗ ngồi ấy sẽ là của con kia.


Người suy nghĩ đơn giản thường bảo, nuôi con sinh đôi vất vả nhưng cũng là một công nuôi, lại được lời những hẳn một đứa. Nhưng người nghĩ sâu sắc hơn lại quả quyết, nuôi trẻ sinh đôi là lĩnh hội một công việc thiêng liêng. Phải là gia đình được tạo hóa lựa chọn mới được gửi gắm, giao trọng trách sinh dưỡng hai sinh linh nhỏ bé, yếu ớt vốn phải nương tựa nhau để sống.

Nương tựa nhau, nên chúng thường giống nhau: Thích mặc quần áo cùng màu, cùng kiểu, đứa này bệnh, đứa kia chắc chắn sẽ ốm theo. Song, mỗi cặp song sinh lại có những điều kỳ lạ riêng. Hai đứa con anh chẳng hạn: Khi ngủ, chúng thường có tư thế nằm giống nhau. Nếu con Chích trở mình, thì chỉ lát sau, con Bông cũng lật theo. Hai đứa ở hai nơi, nhưng đứa này vẫn có thể biết đứa kia đang làm gì.

Chả thế mà có lần con em đang tập giúp việc bếp núc dưới nhà (nó nghịch là chính), bố hỏi con chị đang làm gì trên lầu, đứa em chớp chớp mắt, nghĩ vài giây, trả lời: “Lúc nãy nó đọc sách. Nhưng bây giờ đang nghịch đất. Bố! Bố lên mắng nó đi”. Quả nhiên, con Chích đang lúi húi bên chậu cây cảnh, đất vung vãi khắp hành lang... “Ấy thế mà bố mẹ nỡ bỏ nhau. Phải tội chết con ạ”. Mẹ Thăng đã nhiều lần buồn rầu, chép miệng trách anh như vậy. Thăng cũng biết thế. Nhưng chẳng hiểu vì sao, vì lòng tự ái bị tổn thương, vì những bước đi quá đà (của cả hai vợ chồng), hay vì điều gì gì đó mà anh đã quyết chí vứt bỏ cuộc sống cũ để làm lại từ đầu.


Ảnh: Blueangel

Hình như cuộc chia ly, đổ vỡ của bất cứ lứa đôi nào cũng thường có những tình huống và bước đi giống nhau. Cuộc chia tay của vợ chồng Thăng chắc cũng không ngoại lệ. Thoạt đầu cũng là những điều không thỏa mãn từ ứng xử về quan hệ vật chất, họ hàng, quan hệ bạn bè và cả… quan hệ tình dục (tất nhiên). Những điều mà trong thời kỳ yêu đương dẫu có xảy ra thì việc giải quyết ổn thỏa sẽ quá ư dễ dàng. Nói tóm lại là cái củ ấu trước kia tròn trịa là thế thì nay nó bỗng hiện nguyên hình bộ dạng xù xì, đen đúa.

Khoảng thiếu hụt nhỏ nhoi mà trước kia có thể chín bỏ làm mười một cách nhanh chóng thì nay trở thành một khoảng cách, liều lượng khổng lồ không gì bù đắp nổi. Công bằng mà nói lúc đầu họ cũng ngần ngại trước một cuộc chia ly và đã không thiếu những động tác hàn gắn. Nhưng vì là hàn gắn trong trạng thái phán xét, vì thế mà lấp được một lằn xước nhỏ thì họ lại làm nứt ra những cái rãnh lớn để rồi cùng vỡ lẽ: hóa ra người chồng (người vợ) của mình cũng quá ư tầm thường.

Bây giờ là giai đoạn họ bắt đầu nói thẳng (kèm theo ngôn từ ác ý) những suy nghĩ về nhau, ghi những điều đó thành hồ sơ để tiếp tục xét nét, đổ lỗi lên án nhau. Sự kiêng nể bị mất dần ở mỗi bên sau các cuộc đấu khẩu, đấu lý để rồi người này nhìn người kia trong cái lăng kính của vùng luật pháp, kết tội với các tình tiết tăng nặng. Họ xa dần nhau và trong ngôi nhà của họ bắt đầu thiết lập những vùng “không phận sự miễn vào”.

Tiếp theo là trạng thái người này ngại nhìn thấy bóng người kia, đến độ họ chỉ muốn làm một mình, nghĩ một mình, ăn một mình, tha thẩn một mình. Đến đây thì cái phải đến sẽ đến, đó là xuất hiện của… hai “người thứ ba”. Mặc dù chỉ thấp thoáng, nhưng bóng dáng của hai người này đủ sức làm dịu đi cuộc chiến vốn đang tạo ra sự độc địa, cô đơn cho cả người vợ và người chồng.


Thoạt đầu là một người đàn bà. Người đàn bà khiến người chồng ngạc nhiên thầm reo lên như vừa phát hiện được vùng đất mới mẻ. Sao lại có người phụ nữ tinh tế đến thế. Cô ta có tất cả cái mà vợ mình thiếu: Sợ sự ghẻ lạnh, biết lắng nghe và thầm lặng chia sẻ. Kể cũng lạ, một người thanh mảnh như thế lại có thể chứa đựng bao nhiêu điều: vừa như yếu đuối cần che chở, lại vừa tỏ ra có bản lĩnh, sẵn sàng lên án, đối đầu với những điều bất công…

Thế rồi cũng đúng lúc ấy, bóng một người đàn ông vương vướng vào đôi mắt tò mò, e ngại của người vợ cô đơn, đang phải sống cạnh một ông chồng khắc nghiệt, tẻ nhạt. Sao lại có người rộng lượng, bao dung đến thế. Người này khác chồng mình về mọi phương diện. Anh ta coi bất cứ việc làm gì của mình cũng đầy ý nghĩa và mới mẻ.

Có thể thấy được rất rõ cái điều này: “người ấy” trân trọng với từng cử chỉ của mình. Lạ thật, làm sao mà anh ta lại có thể biết được mọi sở thích của mình, lắng nghe một cách say mê mình nói với đôi mắt vừa hóm hỉnh vừa bao dung như thế. Lại thế này nữa, có vẻ như trên đời này không có gì làm anh ta lo sợ bằng phải chứng kiến mình buồn, mình gặp khó khăn trở ngại…


Người chồng bắt đầu chăm chút mình hơn, thường mua cho con những món quà đắt tiền hơn. Còn người vợ thì tươi tắn hơn. Cái nét tiều tụy tan biến đâu mất. Chị ta thường đi làm sớm một tý và về hơi muộn một tý. Với hai đứa con, chị thường đưa chúng đi chơi, những chuyến đi bất thường trong một vài giờ đồng hồ.

Từ lâu, người chồng không ăn cơm chung thì nay, chị vợ và con cũng ít ăn cơm nhà. Cái tính giận cá chém thớt (chủ yếu là dồn vào con) biến đâu mất. Người mẹ có vẻ thương con hơn, nằm thức bên con nhiều hơn và thỉnh thoảng lại ôm chúng vào lòng thật chặt vừa như chuộc lỗi, vừa như níu kéo một cái gì đó.

Cái bếp, nhân chứng biểu trưng quan trọng cho hạnh phúc của một gia đình giờ đây lạnh tanh với đầy đủ ý nghĩa. Tất nhiên, ở giai đoạn này cả hai vợ chồng đều có đôi lúc thoáng một chút ghen tuông. Đó là cái ghen thường tình của kẻ không thiết tha với sản vật mình có, song lại không muốn bị mất quyền sở hữu một cách quá dễ dàng. Nhưng rồi cái ghen ấy trở nên vô lý khi mà họ không còn là của nhau và hơn thế lại được bù đắp một cách quá đầy đủ bởi “hai người thứ ba” kia.

Để rồi cả vợ chồng đều tỏ ra cao thượng, tự liệt mình vào nhóm những người đề cao lòng tự trọng, Rình rập, bắt quả tang, thu thập chứng cứ lúc này chỉ là hành động của những kẻ hèn kém. Họ không muốn là một kẻ như vậy trước mặt nhau đã đành, mà ngay cả với “hai kẻ thứ ba” kia, họ cũng dằn lòng ngụy trang bằng sự đắc ý, khinh mạn “đó là thứ ta đã bỏ đi, xin mời”… Đến lúc này thì một cây thánh giá đã cắm lên cuộc hôn nhân của hai vợ chồng. Mọi việc gần như đã được ngã ngũ, chỉ còn là sự chờ đợi một đề xuất, thách thức của một trong hai người.


Thực ra thì chuyện Thăng và Minh sẽ bỏ nhau hai đứa con họ đã biết từ lâu. Có vẻ như chúng coi đó là điều tất yếu và đã dần quen với việc rồi đây chúng chỉ còn có mẹ. Mặc dù từ gần một năm nay, bố mẹ cố gắng không để những cuộc cãi vã lọt vào tai chúng. Nhưng tín hiệu về sự chia ly đã nhấp nháy liên tục, đập vào ánh mắt của chúng khá đầy đủ.

Ảnh: Blueangel

Bố chúng không ăn cơm nhà; cái buồng dưới đã được dành riêng cho bố. Bây giờ muốn vào, chúng phải gõ cửa và nếu ở lâu trong đó là mẹ chúng lại quát, gọi (ngầm hiểu là không được làm phiền và không tốt đẹp gì mà vào đấy). Mỗi khi đi học về, chúng thường lén rảo bước nhanh lên lầu, nhiều khi anh phát hiện gọi chúng lại bắt chào. Theo lệnh lạnh lùng của mẹ “chào bố đi”, chúng lí nhí cất tiếng chào chiếu lệ.

Thỉnh thoảng chúng cũng nói chuyện với anh. Hầu hết câu chuyện hướng về các tình huống sau khi bố mẹ bỏ nhau (có vẻ như chúng coi đây là điều tất yếu): Bố mẹ bỏ nhau, bố sẽ đi đâu (bố chưa biết); bố đã tìm được chỗ ở chưa (chưa); chỗ ấy có xa đây không (bố sẽ cố gắng tìm một nơi gần các con); rồi sau này bố sẽ lấy vợ phải không (Bậy nào. Không); bố sẽ có em bé mới. Đúng không (Không. Bố chỉ có các con thôi)… Chúng hỏi có vẻ vô tư, nhưng với giọng đượm buồn, với ánh mắt của con thỏ thoáng thấy bóng con đại bàng trên cao.

Thăng nghe, như đứt từng khúc ruột. Anh buồn nhưng trong thâm tâm lại có phần đỡ lo. Con anh đã được chuẩn bị sẵn về tinh thần, điều ấy sẽ tốt khi mọi việc được giải quyết và giờ phút anh đi khỏi nhà. Vậy mà khi ra đi, anh vẫn gây ra một cú sốc cực mạnh cho chúng.


Quá nửa đêm thì nỗi ân hận được giải tỏa. Minh gọi điện đến, vẫn với cái giọng cứng lạnh như đá “Này. Khỏi mang cây đến. Nhá! Chúng nó không thiết gì cây cối của anh đâu”. Máy cúp.

Phải rồi. Đơn giản thế mà sao anh không hiểu. Chúng đâu có cần cây cảnh. Chúng đã mất một cái gì thật lớn, rất lớn. Chúng gào lên vì anh đã lấy đi mất… bố của chúng. Nỗi ân hận về sự vô tình tưởng như được giải tỏa thì nỗi đau khác lớn hơn gấp bội lại ập đến dày vò.

*
* *

Một tháng sau ngày Thăng dọn nhà và ổn định được nơi ở thì cũng là lúc bắt đầu vào mùa khai giảng năm học mới. Anh mừng vì chỉ trong một thời gian ngắn đã có thể khẳng định mình không sa vào vết của những thằng đàn ông bỏ vợ. Bỏ vợ nhưng quyết không sống như những kẻ độc thân: ở trong cái tổ tò vò lầu áp sân thượng.

Cơm hàng cháo chợ, ăn xong lấy thêm mấy cái tăm đút túi. Cuộc sống của Thăng dần trở lại điều độ, tập thể dục đều đặn, đi ngủ đúng giờ… Tất cả đã đúng với lời ước trong lòng: sống thật tốt để không bị thiên hạ chê cười và để có điều kiện gần gũi hai đứa con. Đây là mùa khai giảng đầu tiên con anh xa bố, Thăng hoạch định kế hoạch, trong đó việc chu cấp cho con phải được thực hiện ở mức cao nhất, càng nhiều càng tốt.


Cách ngày khai giảng hơn nửa tháng, Thăng trở lại đưa tiền cho Chích, Bông mua sắm đồ dùng học tập và may đồng phục. Nhà chỉ có hai đứa, anh đã mừng vì sẽ có dịp trò chuyện, thuyết phục, an ủi chúng. Anh sẽ nói với chúng đại loại, bố mẹ bỏ nhau, bố phải dọn đi nơi khác, nhưng như thế không có nghĩa là bỏ con; rằng bố vẫn sẽ chăm sóc, yêu thương các con; các con mãi mãi vẫn là con của bố và không ai có thể thay thế được…

Song vẫn như lệ thường, chỉ có một đứa, con Bông xuất hiện. Thăng thoáng thấy bóng con Chích trong buồng, nhưng gọi thế nào nó cũng không ra. Thăng hỏi câu gì con Bông trả lời câu đó. Nó gần như không muốn nói chuyện với anh. Anh đưa tiền, nó trả lại. “Mẹ mua xong hết rồi”, nó nói giọng lạnh lùng. Anh bảo con cứ cầm lấy, nhưng nó để lại trên bàn, lý nhí nhắc lại: “Không, mẹ mua rồi”.

Nói xong, nó vào trong buồng cùng con chị. Thăng nghe có tiếng bấm chốt cửa. Gọi tên hai đứa vài lần không được, anh đành lặng lẽ ra về. Ra đến đầu ngõ, Thăng quay lại, anh thoáng thấy bóng chúng thập thò ở cửa phòng khách. Nhận ra bố đang nhìn, lập tức, hai cái bóng thụt vào và cánh cửa từ từ khép lại. Thăng bần thần. Anh không nghĩ cuộc gặp con lại khó khăn đến thế. Anh cố dùng những lời lẽ đơn giản, thấm đẫm yêu thương, nhưng bao nhiêu lời cứ trôi tuột, như nói vào khoảng trống không có người nghe.


Ngày khai giảng. Thăng đến trường của hai con ngay khi học sinh vừa xếp hàng xong đang ngồi dưới sân trường. Anh nhẩm đếm thứ tự, tìm khối lớp 5 và cuối cùng nhìn thấy hai đứa. Chúng kia, tư thế giống hệt nhau, lưng hơi gù, cằm tựa vào đầu gối, hai tay ôm lấy bắp chân. Cái cách ngồi của người bị lạnh trông thật tội nghiệp. Thăng tìm mọi cách ra hiệu để chúng nhìn thấy anh. Chắc nhìn thấy anh chúng sẽ bất ngờ và vui lắm. Bố mình kia, bố vẫn như ngày trước, bố vẫn là bố của mình, vẫn đứng ngoài hàng rào sân trường vào ngày khai giảng…

Cuối cùng thì chúng cũng đã nhìn thấy anh. Con em nhìn thấy trước. Đúng là nó có thoáng thoáng ngạc nhiên thật. Nó nhìn một lúc lâu, đôi mắt gần như vô cảm. Sau đó, nó quay sang con chị (chắc là thì thào thông báo) và rồi nó ngồi im với tư thế ban đầu, như không có chuyện gì xảy ra. Thăng chăm chú, mong ngóng. Rất lâu sau đó, anh mới thấy con chị nghiêng nghiêng đầu nép nhìn qua gáy con em. Nó nhìn trộm. Rồi hình như chúng nói gì với nhau và sau đó cả hai đứa cùng nhìn về phía anh.

Ảnh: Blueangel

Thăng vẫy tay cười trìu mến, yêu thương. Nhưng rồi anh cụt hứng. Chúng vẫn ngồi bất động, không đáp lại. Hai mắt chúng long lanh, chớp chớp thật nhiều. Anh hiểu rồi, đó là để không cho nước mắt trào ra. Ôi đôi mắt. Đôi mắt thảng thốt, đượm buồn và tuyệt vọng hệt như cặp mắt của con nai con sập bẫy... Con nai con sập bẫy nằm còng queo dưới hố. Nó đau đớn, hoảng hốt khi thấy bóng thợ săn đến gần. Nó nhìn người thợ săn tuyệt vọng. Người thợ săn cúi xuống lấy dây trói bốn chân nó lại và nhấc nó lên. Con nai nhỏ chớp mắt, một giọt nước mắt to lăn trên mảng lông vàng óng ả, rơi xuống đám lá khô.

Thăng đứng bất động cho đến hết hồi trống khai giảng, học sinh lần lượt theo cô giáo vào lớp. Có cái gì đó giống như lưu luyến và hy vọng, anh vẫy vẫy tay tiễn hai đứa. Nhưng chúng vẫn không vẫy lại. Duy nhất chỉ một tích tắc trước khi khuất dạng cuối hành lang, chúng bỗng cùng ngoái đầu lại nhìn anh. Vẫn ánh mắt ấy. Ánh mắt của con nai nhỏ sập bẫy. Đau đớn, tuyệt vọng, chúng không tin, không đủ sức để tin rằng Thăng vẫn còn là cha của chúng.


Sau tháng khai giảng là mùa noel. Có vẻ như mối quan hệ giữa Thăng và các con đã được cải thiện đôi chút. Công đầu thuộc về Minh. Cô ta đã giữ đúng cam kết, không trao đổi, không tiếp xúc với chồng cũ, nhưng không hằn học oán trách và đặc biệt là không nhồi vào đầu con những lời nguyền rủa bố của chúng như nhiều cặp vợ chồng ly hôn từng làm.

Bạn bè anh bảo Minh như vậy là khôn, song Thăng biết có nhiều người đàn bà khôn hơn vẫn không làm được như thế. Chính nhờ có hậu thuẫn này mà Thăng giữ được nếp đến thăm con thường xuyên một tuần vài ba lần. Tuy chuyện trò giữa anh và chúng vẫn chủ yếu ở mức bố hỏi, con đáp, nhưng rồi dần dà đến bước tiến triển khá hơn. Thoạt đầu chúng kể cho anh nghe chuyện trường, chuyện lớp; ở mức cao hơn, thân tình hơn, chúng bắt đầu kể cho bố nghe chuyện về bạn bè.

Trẻ con nói chuyện với bố mẹ về bạn bè là tình thân giữa chúng và bố mẹ sẽ rất gần gũi. Thăng mừng vì điều này, nhưng cũng vì những chuyện này mà nhiều lúc lỡ lời chúng bất chợt sa vào chuyện tương tự hoàn cảnh bố con anh. Thế là bóng đen buồn thảm lại ập đến. Mới chiều hôm qua, con Bông khoe vô tư:

- Chiều nay, mẹ cho mấy đứa bạn con đến nhà chơi - Nói đến đây, nó bỗng chững lại, giọng lả xuống, tiếp - Chúng nó thế nào cũng hỏi, bố mày đâu - rồi con Bông chẹp miệng như bà già - Chẳng biết trả lời thế nào. Chán thật.

Suýt nữa Thăng buột miệng “thì con cứ nói bố đi công tác xa”. Nhưng anh kìm ngay lại được. Sao lại có thể đưa sự vô tình vào chốn thiêng liêng của chúng. Không khí trầm xuống. Thăng không biết nói gì, đành im lặng. Mãi lâu sau, như sực nhớ ra, con Bông thì thào:
- Ở lớp con cũng có một bạn bố mẹ vừa bỏ nhau.

Im lặng. Con Bông nhìn đi nơi khác. Ánh mắt buồn thăm thẳm. Thăng hình dung trong buồng kia, với sự tương đồng vi diệu của trẻ song sinh, con Chích cũng đang với ánh mắt như thế. Ánh mắt của con nai nhỏ hôm khai trường.

Chẳng nhẽ không thể khác hơn được ư. Quan hệ bố con được cải thiện khiến Thăng yên lòng, nỗi ân hận vơi dần đi, nhưng nỗi ám ảnh về ánh mắt của chúng thì vẫn còn nguyên. Chả thế mà Thăng sợ nhất, buồn nhất là vào những dịp lễ, tết. Những ngày đó, dù anh mua quà cho con có đặc sắc đến đâu đi nữa thì cũng không thể làm chúng hào hứng.

Thông thường cái cảnh đó diễn ra như thế này: Con Chích (hoặc con Bông) bình thản, (có một chút miễn cưỡng để chiều lòng bố) mở gói quà. Nó đặt sang một bên phần quà của con kia và cầm quà của mình ngắm nghía chiếu lệ. Rồi nó ôm hai phần quà vào buồng. Vừa đi, vừa lý nhí cảm ơn bố với ánh mắt rười rượi. Vẫn ánh mắt đó. Ánh mắt của ngày khai trường…


*
* *

Rồi cũng lại phải thêm nhiều năm sau nữa, lúc Chích và Bông đã khôn lớn, mối quan hệ giữa bố con Thăng mới thật sự được thoải mái. Những năm tháng nặng nề cũng đã trôi qua, giờ đây hai đứa đã học lớp 12. Đã bẩy năm rồi còn gì; càng lớn, tình cảm giữa chúng với bố lại càng thân mật, thắm thiết. Chúng bắt đầu kể về những thằng bạn ngỗ nghịch (Thăng hiểu những điều này chúng không thể kể với mẹ. Mẹ chúng với nguyên tắc mẹ cọp con tiên, không thể nói những chuyện vu vơ về bạn trai được. Như thế, chúng sẽ bị lâm vào cảnh tình ngay lý gian).

Hay nói đến bạn trai, chú ý đến cách ăn mặc của bố và điều mà anh không nghĩ đến là thỉnh thoảng chúng lại nhớ bố. Chúng công khai bày tỏ trạng thái tình cảm này, làm cho Thăng vừa mừng, vừa… hoang mang không hiểu đó là gì. Mới hôm rồi, quãng chín giờ tối, Thăng nghe một đứa gọi điện thoại. Cái giọng hệt như ngày xưa khi đứa này “mách tội” đứa kia: “Bố. Con Chích nó lại nhớ bố này”. Thăng mừng quýnh trấn an con và lao ngay đến. Thấy bóng anh, con Bông ra mở cửa, nó gọi lớn:

- Đây! Bố đến đây này, con Chích đâu. Con Bông thông báo với giọng bình thản không ra vui, không ra buồn. Phải rồi. Đã lâu lăm rồi, có dễ đến hàng ngàn ngày, Thăng chưa một lần được nghe thấy tiếng reo của con. Anh không hình dung được khi con anh reo lên vui sướng thì ánh mắt của chúng sẽ như thế nào.

Mấy phút trôi qua, vẫn không thấy bóng con Chích đâu. Con Bông giục:

- Kêu nhớ bố, bố đến này, Chích.

Thăng gọi con, giọng tha thiết. Mãi sau, con Chích ra đứng cửa buồng. Thấy vậy, con Bông nói ra chiều thông cảm và pha chút chê bai:
- Đây, bố đây này. Thích nhé.

Con Chích ngoẹo đầu, phồng miệng, nói dỗi “không”. Rồi nó quay vào nhà, thoáng nhìn bố. Đôi mắt luyến tiếc, long lanh, ầng ậng nước. Nó ngẩng mặt lên trời cho nước mắt khỏi trào ra.

Vẫn đôi mắt ấy. Đôi mắt của con nai nhỏ sập bẫy, thảng thốt, tuyệt vọng. Nó hằn sâu, tạo thành lưu ảnh trong đầu Thăng, vĩnh viễn không bao giờ nhạt.

AN BÌNH MINH

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)