Những câu thơ ngoái lại - Những gương mặt chiến tranh

Thứ Hai, 09/05/2011 15:28

(Thơ Lương Hữu Quang - nxb văn học - 2010)

Những câu thơ ngoái lại – chúng tôi nghĩ Lương Hữu Quang rất có lý khi chọn cho đứa con tinh thần của mình một nhan đề như vậy bởi xuyên suốt tập thơ là cảm hứng về thời kỳ gian khổ song hào hùng, thời kỳ cả dân tộc sống trong tinh thần: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.

Từ hiện tại ngoái nhìn quá khứ, Lương Hữu Quang có điều kiện mô tả, chiêm nghiệm chiến tranh qua nhiều lăng kính khác nhau. Chiến tranh trong cõi lòng người mẹ là nỗi lòng khắc khoải chờ con đêm đêm: “Tiếng mõ cầu an rỗng lòng đêm mùa hạ/ Hun hút thời gian mẹ đợi anh về”. Chiến tranh qua tâm trạng người con trai là nỗi bâng khuâng, ngậm ngùi pha chút tủi hổ khi mình vì sức khỏe kém nên đành ở lại làng quê chứng kiến bạn bè lần lượt nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, để rồi ngày hòa bình lập lại: “Tôi có cơ may/ Dẫn vợ con tới xem chiến trường/ Hố bom san sát/ Vết đạn ken dày/ Mộ anh đây/ Mộ anh kia/ Mọc đầy hoa trắng/ Tôi nghiêng mình nhẹ hái một bông/ Giơ lên ngắm mặt trời hực đỏ”.

Chiến tranh trong tâm trạng người phụ nữ là những đợt sóng ngầm trào dâng cuồn cuộn của bản năng, của tiết hạnh, của thủy chung, của khát khao, của mòn mỏi, của thương nhớ và của hy vọng: “Bao năm ôm mặt khóc đỏ chiều hoàng hôn/ Bao năm phòng không giường lạnh khóc đêm dài mưa rét/ Bao năm ngày mùng một ngày rằm, ôm chân bàn thờ khóc”.

Và sau cùng chiến tranh với người trong cuộc là tâm trạng nghẹn ngào khi biết mình sắp không thể cùng đồng đội chiến đấu mà nơi quê nhà còn mẹ già, em thơ. Lời người đồng đội dặn người đồng đội sao thật đắng đót cõi lòng: Ngày mai ta không là đồng đội/ Anh tìm tôi ở mé chân đồi/ Nói với mẹ rằng tôi chưa mất/ Đưa tôi về an nghỉ bên cha.

Miêu tả như vậy, theo chúng tôi, Lương Hữu Quang đã khắc họa đủ đầy gương mặt chiến tranh rồi.

ĐÒAN MINH TÂM chọn và giới thiệu

Mẹ gọi tên anh

Trăng lạnh treo trên vườn hoang vắng

Lều tranh lay lắt ánh đèn dầu

Cánh cửa ấy đêm đêm vẫn mở

Khói nhang mờ quyện với sương khuya

Mẹ ngồi đấy nhiều năm chờ đợi

Thành tượng người vô cảm sóng thời gian

Bóng già in tường vôi loang lổ

Nước mắt đức tin đông thành đá lạnh

Tiếng xào xạc gọi mùa về khô lá

Tiếng thở dài xé vụn không gian

Tiếng mõ cầu an rỗng lòng đêm mùa hạ

Hun hút thời gian mẹ đợi anh về

Thế nhưng

Trận đánh khốc liệt cánh rừng say nghiêng ngả

Đơn vị anh còn lại đống tro tàn

Mảnh bom nhỏ đốn ngang niềm hy vọng

Vệt máu tươi che khuất mẹ già

Anh đã thành áng mây Trường Sơn trắng

Theo gió trời quanh quẩn trên mồ cha

Lá trầu khô

Bình vôi hóa đá

Hơi thở mong manh lẫn với gió trời

Mẹ yên lặng thành người thiên cổ

Cõi vĩnh hằng về sum họp bên nhau

Người thương binh già lái xe ôm

Mặt đầy nắng Sài Gòn

Râu hai tuần chưa cạo

Cứ để thế cho đỡ nhớ rừng

Cứ để thế, những giọt mồ hôi trên má kia, cho đỡ nhớ

những hạt mưa thuở trước

Sau hai giờ tắc đường

Chở khách chạy tắt trên vỉa hè

Như đã từng cắt phương vị trong thời chiến

Ông bình thản nhận từng đồng lẻ

Nhét vào túi ngực sờn xanh

Chiếc áo lính Trường Sơn dãi dầu chung thủy

Cùng đôi chân gỗ

Và con ngựa chiến – chiếc xe máy cà tàng

Ông lại kiên nhẫn chờ

Một người từ nhà hàng bước ra giọng quê còn lơ lớ

Mang theo hương rượu tây và mùi đàn bà

Hắn không nhận ra ông

Bởi lẽ

Kẻ đảo ngũ không bao giờ nhớ bạn

Chiếc xe hơi đắt tiền hơn cả cánh đồng làng ông làng hắn

Lao vào dòng chảy phố phường như trốn chạy

Một vệt khói đen rớt lại phía sau

Có một thời lửa máu

Có một thời trai trẻ lao xao…

Râu hai tuần chưa cạo

Mặt đầy nắng Sài Gòn

Ông lái xe ôm bâng quơ nhìn trời xanh mây trắng.

VNQD
Tin tức khác
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)