Nhà văn Trần Văn Tuấn với truyện ngắn Người đàn bà hát trong mưa

Thứ Ba, 05/06/2012 15:54
Truyện viết về một cô thanh niên xung phong từ chiến tranh bước vào cuộc sống bình thường, làm công việc tạp vụ, cũng rất bình thường, nhưng vẫn biết tạo cho mình niềm vui, đấy là những bài hát chị từng hát trong mưa. Bối cảnh của truyện được đan cài kỷ niệm chiến tranh và thời bình. Con người ta dẫu sống trong hoàn cảnh nào cũng cần tạo cho mình một niềm vui, với chị đấy là ký ức thời chiến tranh qua những bài ca, như ngọn lửa thắp lên hy vọng để hướng tới tương lai.
Tôi viết truyện ngắn này vào những năm chín mươi của thế kỷ trước, thời điểm đất nước ta bước vào công cuộc đổi mới, với những lo toan, vất vả để đi lên. Tâm trạng, tính cách nhân vật vừa có những nét riêng vừa có những nét chung của đồng đội tôi, những người từ chiến tranh bước vào thời bình.
Nhà văn TRẦN VĂN TUẤN

**********
Người đàn bà hát trong mưa

Người lạ không thể biết mặt chị. Ngay cả những người cùng làm việc chung trong cơ quan cũng không biết rõ nét mặt của chị. Những khối tròn lắp ghép là ký hiệu của chị. Người đàn bà đi như trôi, đứng như bóng bên cạnh cái xô và cây chổi là biểu trưng của chị. Người ta bảo, trong đời sống cạnh tranh ngày nay, sự nhận dạng con người như vậy là hợp lý. Kinh tế thị trường là sự biến động không ngừng của các lôgô và các-vi-dít. Là thời của khẩu hiệu: “Hướng tới tương lai”. Khẩu hiệu này không cần phải viết chữ vàng trên nền đỏ hoặc đồng thanh hô to. Điều đó đã thấm vào máu, chạy từ tim tới các đầu ngón chân, ngón tay của mọi người. Không hướng tới tương lai tất nhiên sẽ bị đào thải, bị thất nghiệp, bị văng ra lề đường. Thiên hạ đổ dồn đến các máy tính, các nghề có chuyên môn kỹ thuật cao, các sếp có buy-rô trương bảng hiệu chức vụ và ghế xoay có bánh xe di động.

Trong bối cảnh như vậy, không ai để ý tới chị, một nhân viên tạp vụ chuyên dọn dẹp vệ sinh cũng là lẽ thường tình. Vả lại, chị cũng không muốn người ta chú ý tới mình. Cho dù chị luôn cúi gằm mặt, không nhìn trước ngó sau, nhìn ngang nhìn ngửa, nhưng hễ có người đi tới là chị vội dạt sang bên. Tránh người, né người dường như là một phản xạ không điều kiện của chị.

Do công việc, tôi thường hay đến nơi chị làm việc. Một lần từ trong phòng sếp lớn, tôi vội vã đi ra, thấy một khối hình người chợt văng ra, ép sát vào tường. Tưởng chị bị té ngã do nền gạch bông trơn tuột, tôi tới gần ân cần hỏi: - Chị có sao không!
- Không! Không có gì...

Những âm thanh trầm tĩnh đến mức lạnh lùng. Đằng sau những âm thanh ấy là thông báo rõ ràng: không cần thiết phải quan tâm chú ý tới tôi. Bất chợt, tôi cảm thấy bồi hồi, xao xuyến. Nơi phát ra những âm sắc tẻ nhạt vô hồn ấy lại là một cái miệng. Nói đúng hơn là đôi môi đàn bà đẹp đến mức hoàn hảo. Một cấu trúc cân đối hài hòa với những đường nét màu sắc sâu lắng, gợi cảm đến mênh mang, như câu thơ của Nguyễn Du: Buồn trông cửa bể chiều hôm, thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa...

Sếp văn phòng ở cơ quan chị cho biết, chị làm việc ở đây đã lâu. Anh ta nói thêm: lâu lắm rồi, từ hồi tôi còn học đại học. Hết thảy mọi người đều có một cách thông tin giống hệt nhau, rằng: “Chị ấy sống khép kín. Chúng tôi tôn trọng đời sống riêng tư. Công việc là trên hết!”. Có lẽ thời đại bùng nổ thông tin đã tạo ra những ô thông tin quy ước chăng?

Chị cười! Nụ cười như mặt gương hình cầu. Ai nhìn vô đó đều thấy mình méo mó dị dạng.

Ngày trước, thuở mười chín, hai mươi, nụ cười của chị là chiếc gương phẳng hơi mờ, người ta soi vô thấy mình đẹp hơn. Chị hồn nhiên như cây phi lao ngoài bãi biển, như bông mười giờ, gặp gió là reo, đến giờ là nở rộ. Ở đơn vị thanh niên xung phong, chị luôn miệng cười tươi và ca hát. Đang ăn, có ai đó yêu cầu, chị hát ngay, có khi hát một lèo hai, ba bài. Hết thảy cũng vì người khác. Bất luận việc gì, to hay nhỏ, người khác cậy nhờ chị đều tận tâm tận sức, làm đến nơi đến chốn. Hay hát cũng từ tâm ý đó mà ra. Hát quên cả ăn, cả ngủ, bệnh tật và thời gian...

Minh họa: Lê Trí Dũng

“Bây giờ mẹ cháu chỉ hát trong mưa!”. Người thân nhất bên chị là một cô gái đang học năm thứ hai đại học. Cô gái có dáng vẻ một người mẫu thời trang, cao ráo thanh lịch và rất gợi cảm. Cô gọi chị là mẹ.

“Cháu là con riêng của chồng tôi!”. Chị nói nhanh, vội vã như tiếng xin lỗi của cô hầu bàn nhút nhát lúc nào cũng sợ bị đuổi việc. Cô gái phản ứng gay gắt: Hệ thống thần kinh của mẹ cháu có vấn đề, đôi khi không kiểm soát được lời nói của mình, mong được thông cảm.

Cô khẳng định: Tôi là con ruột! Thiên hạ hay tò mò. Đấy là một thuộc tính bản năng của con người. Tuy nhiên, tò mò cũng hướng tới tương lai. Người ta mơ ước được nổi tiếng nên cũng hướng sự tò mò tới các nhân vật nổi tiếng. Người ta có thể bỏ tiền ra mua một tờ báo đăng tin ca sĩ này bỏ chồng, nghệ sĩ kia lấy vợ để thỏa mãn tò mò, nhưng không thể kiên nhẫn thêm hai, ba phút để tìm hiểu lắng nghe chuyện éo le, nhức nhối của mẹ con chị. Cũng giống như cây me ở đường phố nọ đã chết khô, chết đứng từ lâu vẫn không thấy ai tới hỏi thăm... Buồn thay!

Chị sống trong một chung cư, thuộc thế giới những người ăn lương Nhà nước. Căn hộ tràn ngập sự hiện diện của cô con gái, từ toa lét tới phòng khách. Một cuộc sống khá giả, đầy đủ tiện nghi.
Cô gái nói: “Cháu không hiểu, không thể hiểu được mẹ cháu nữa!”.

Đêm! Chị quét dọn các lối đi và toàn bộ khuôn viên, đường ngang ngõ tắt của chung cư. Người ta bảo, việc đó chị làm tự nguyện từ lâu lắm rồi. Hai năm gần đây, các hộ trong chung cư tự nguyện góp tiền ủng hộ chị. Mỗi tháng cũng thu nhập thêm được ba bốn trăm ngàn. Khi trời đẹp, trăng sáng, người đi lại nhộn nhịp, chị nép ở bên tẩn mẩn nhặt từng chiếc lá khô còn sót lại. Khi trời mưa, lạnh lẽo vắng vẻ, chị hát. Mưa nhỏ, hát thầm. Mưa lớn hát to hơn.
“Nắng tỏa chiều nay, chiều tỏa nắng...”
“Từng đôi chim bay đi, tiếng ca rộn ràng...”.

Là những Bài ca hy vọng, Xa khơi... Bài hát “tủ” của chị ở thời thanh niên xung phong. Con gái chị bảo: “Cũng bởi cháu nghe lén, gắng sức mà nghe mới biết...”.
Chị thản nhiên nói: “Có gì lạ đâu!”

Có nhiều kiểu cắt nghĩa, có nhiều cách lý giải. Có một dạo chị định hát để kiếm tiền. Sân khấu như bãi biển vắng vẻ. Người xem như sóng triều dâng. Chị hát cho mình. Ông bầu kéo chị xuống, lạnh lẽo bảo: “Chị không thể hát được, về đi thôi!”.

Người ta nói cho chị biết khán giả la ó rầm trời. Chị không buồn phiền, đau khổ. Ở các buổi biểu diễn văn nghệ cuối năm hoặc các dịp tết lễ quan trọng, cơ quan tổ chức liên hoan chị đều xung phong hát để góp vui.

Nhiệt tình của chị bị ngăn lại bởi những cánh tay đàn ông sang trọng, lịch lãm được bày ra sáng chói ở màu sắc của chiếc đồng hồ đắt tiền hoặc măng sét cài tay áo: “Chị đừng hát nữa, phiền lắm!”.
Chị ngạc nhiên, hỏi lại: “Là cớ làm sao! Tôi chỉ muốn mọi người vui thôi mà”.
Ai đó đã bặm trợn thô bạo nói với chị: “Vui sao nổi. Người xấu hoắc, hát những bài cũ xì”.

Chị lặng đi! Cổ và vai cứng ngắc. Chân tê dại như hóa đá. Người ta phải đè chị xuống để cạo gió. Cạo từ chân lên tới gáy. Sự thật quả phũ phàng. Chị lớ ngớ hỏi: “Chỉ vì tôi xấu và bài hát cũ thôi sao?”.
Không có ai giải thích thêm!

Công việc của chị càng ngày càng lùi sâu vào chỗ vắng người. Đang làm văn thư hành chính, chị được giao công việc đánh máy chữ chuyên nghiệp. Tổ đánh máy ở nơi kín đáo, yên tĩnh. Người ta gọi đó là hậu cung của cơ quan. Chị đánh máy giỏi vào bậc nhất, thuộc loại đánh gỡ bản thảo. Mười đầu ngón tay múa trên các phím chữ. Một nghìn chữ chị chỉ đánh trong vòng mười phút...

Đến thời máy vi tính, chị được đi học bốn ngày và được đưa ra phòng máy lạnh làm việc. Có nhiều văn bản phải xử lý ngay, không thông qua trung gian. Thủ trưởng trực tiếp làm việc với bộ phận văn thư - vi tính. Được nửa năm, tổ chức gọi chị lên, bảo chị chuyển công tác. Cái máy vi tính của chị được giao lại cho một cô gái tuổi chưa tới hai nhăm, quanh năm mặc đồ hở nách và hở đùi. Chị đòi hỏi phải được giải thích. Người ta nói rất chung chung, rằng công việc vi tính không phù hợp, chỉ có việc tạp vụ văn phòng mới phù hợp với chị...

“Tại sao?”. Chị nài nỉ.
“Là thế chứ còn sao!”. Hết thảy đều nhã nhặn ôn tồn và lịch sự...

Ảnh: st

Lại một ai đó hét vào tai chị: “Làm ơn soi kiếng lại giùm. Bà xấu như vậy, làm sao phù hợp với sếp”.
Chị bật lùi trở lại ép sát vô tường.

Không phải là sợ hãi, chỉ là sự kinh ngạc. Người ta tưởng chị bị trượt chân. Gạch bông mới lát, lớp men trơn láng dễ bị té ngã lắm. Đã có không ít quý cô, quý bà do muốn nổi dáng cặp mông, nổi duyên bộ ngực trong mỗi bước đi đã bị đo ván ở hành lang này.
“Không sao chứ, làm việc đi!”.

Nhiều lời phát đi, theo mẫu thông tin an ủi có sẵn. Chị câm nín và tránh né mọi người.
“Mẹ cháu đâu có xấu đến mức như vậy!” - Cô gái giận dữ, rít lên.
Chị lại nói: “Có gì lạ đâu!”.

Bữa ăn của hai mẹ con luôn kéo dài vì những câu chuyện không đầu không cuối của cô con gái.
- Bạn con nói có phim Hồng Kông mới ra, bộ “Sư tử Hà Đông” hay lắm mẹ ạ... Cười suốt! Tức cười nhất là đoạn...
- Có gì lạ đâu...
Cô gái muốn làm cho mẹ vui, muốn kéo mẹ trở lại với cuộc sống thực tại. Cô bảo: “Mẹ cháu là người cõi trên rồi...”.

Chị mỉm cười vu vơ. Khi không có ai ở bên. Nụ cười như một mảnh trăng khuyết giữa trời cao xanh thăm thẳm. Cô gái nói: “Mẹ hát đấy!”.
Chị bảo: “Vui mới hát, nhớ mới hát. Lời hát từ miệng mà ra. Có khi đi ra, có lúc đi vào”.

Chị hát! Để thiên hạ vui. Thiên hạ không thích thì hát để cho mình vui. Người ta không thể sống nếu không có niềm vui sống. Mơ ước để vui. Nhớ lại cũng để vui. Có thể xem như một chân lý.

Thời con gái, chị mơ ước trở thành một ca sĩ. Niềm mơ, nỗi ước lúc nào cũng đầy ắp, tràn trề. “Hoàng tử Bạch Mã” trong lòng chị là một nhạc sĩ tài năng có mái tóc dày gợn sóng và chiếc kính cận nặng từ 2 đi ốp trở lên...

Mẹ chị, một người đàn bà cô đơn sầu muộn từ đầu tới chân. Từ quê trôi dạt lên thành phố kiếm sống, cái khối thịt xương kềnh càng thô nhám của bà là cái túi chất đầy những đau khổ, chua xót. Bà phải bỏ tiền ra thuê người ta âu yếm để có một đứa con. Bà mong có con trai. Trời vẫn không thương xót. Chị ra đời trong một đêm mưa giông giật giã và lạnh lẽo, bên dòng kênh lềnh bềnh rác rưởi.

Đêm mưa nào bà cũng lẩm bẩm, rền rẫm: Xin trời Phật hãy phù hộ cho con gái tôi... Chị hát cho mẹ nghe. Bà khóc, không có nước mắt. Những ngày trên giường bệnh, bà khắc khoải chờ mong con gái bà có được một người bạn đời - xấu đẹp, già trẻ gì cũng được, miễn là người đó yêu thương con, là chồng của con - tiếng của bà nghe rạo rực như thủy tinh vỡ vụn dưới gót giày đàn ông.

- Mẹ đừng lo, con vui mà, con hạnh phúc lắm... - Chị gào lên, rồi thì thầm! Nụ cười như chiếc gương lồi từ đó.
Có một người nhào tới, áp sát thân mình, che đi nụ cười đó. Anh ấy cùng đơn vị thanh niên xung phong với chị, một người đẹp trai, biết sáng tác nhạc, làm thơ. Chỉ còn thiếu cái kính cận và những bản nhạc hay. Chị mơ mộng nói thầm: - Nếu cháy hết, cháy đến tận cùng chắc sẽ tỏa sáng...
Anh hỏi: - Cháy cái gì?

Chị quay mặt về phía trái, không phải để che giấu nỗi niềm; là lắng nghe sự chuyển động của thế giới. Phải, từng nốt nhạc, từng câu hát của anh đều có cánh, đều bay lên dập dờn mềm mại như đàn bướm đủ màu sắc. Nhưng đó chưa phải là một bản nhạc hay - “Em có thể giúp gì cho anh sáng tác”. Tiếng nói như tiếng chim non đòi ăn. Người nhạc sĩ nghiệp dư chuyên vẽ tranh cổ động và khẩu hiệu ở phòng văn hóa thông tin mạnh mẽ tuyên bố:
- Anh xin được cưới em làm vợ...

Trên giường bệnh, mẹ chị vùng đứng lên, như người khỏe mạnh sau cơn ngủ đẫy giấc: - Nhận lời đi con. Hãy tổ chức cưới ngay...

Chị gục đầu xuống ngực. Ai đó đã kéo chị đến nơi đăng ký kết hôn.

Bao năm nay, những bài hát do anh viết ra, chị là người hát đầu tiên. Chưa lần nào chị cảm thấy xúc động. Chị hát như người thợ cơ khí. Ráng sức gò, hàn làm cho các âm tiết dính sát vào nhau. Lần nào hát xong chị cũng nói, giọng lạc đi vì sợ hãi: - Vẫn còn thiếu một cái gì đó. Chị sợ anh buồn!

Anh luôn đam mê âm nhạc. Với anh, những nốt nhạc hay là tất cả.
- Anh biết, anh sẽ tìm được cái thiếu ấy...

Chị khắc khoải mong chờ, hy vọng một bài hát không còn thiếu cái mà chị cảm thấy thiếu. Chị đâu có chờ đợi cuộc hôn nhân với anh...

Ảnh: st

Đám cưới được tổ chức đơn giản. Một bữa tiệc trà cho mười người. Hai ngày sau, mẹ chị thanh thản nhắm mắt qua đời. Đám tang mẹ chị được tổ chức chu đáo. Lối xóm khen chị chọn được người chồng tốt, vừa đẹp trai vừa hiếu thảo với mẹ vợ. Một tối, trời chuyển mưa, chị khẽ khàng bảo: “Anh có thể đi được rồi...”. Chị biết rất rõ, anh đến với chị vì nghĩa cử, vì niềm vui trước lúc qua đời của người mẹ. Anh hôn nhẹ lên má chị. Chỉ có thế! Đêm đó trời mưa rả rích. Người ra đi không hề từ biệt. Người ở lại không nói câu tiễn đưa. Tất cả chỉ diễn ra im lặng, như hai cái bóng của người. Trong chị vẫn rỗng không. Anh không muốn để lại bất kỳ một thứ gì. Tất cả đều được trôi đi và được rửa sạch bằng xà bông. Anh chìm trong mưa và bóng tối.

Chị hát trong mưa từ đó!
“Từng đôi chim bay đi... xao xuyến gió mùa xuân...”

Tiếng hát của chị nhòe nhoẹt trong tiếng mưa. Không một ai nghe thấy tiếng hát của chị. Sáng hôm sau, chị tìm đến cô nhi viện, xin một đứa bé gái năm tuổi về nuôi.
Chị nói với Tổ chức cơ quan: “Nó là con riêng của chồng tôi. Anh ấy để lại cho tôi nuôi!”.
Cô gái khóc nức nở: “Sao mẹ lại nghĩ như vậy. Con luôn là con ruột của mẹ mà...”.

Chị nói nhỏ. Những tiếng sóng xa xôi: “Ông ấy là chồng của mẹ”. Cũng năm đó, một vụ cháy nhà hàng xóm lan sang thiêu rụi luôn căn nhà bé nhỏ ọp ẹp của chị. Chị được cơ quan cấp cho một căn hộ ở chung cư. Ở đó, cửa mở ra, đóng vào nhanh như mở tắt tivi. Người ta tôn trọng giấc ngủ trưa, giữ gìn sự yên lặng và sạch sẽ ở trước cửa nhà mình như tôn trọng pháp luật. Thế nên rác chất đống ở các góc hành lang, nơi không thuộc địa giới của nhà nào. Rác lên cao rồi đổ xuống, thành từng gò, từng đống, tràn ra lấn sâu vào lối đi. Vẫn không có ai lên tiếng. Chị mất một tuần lễ dọn dẹp, chuyển rác xuống lề đường. Chung cư sạch sẽ. Người ta khen chị: “Người tốt hiếm thấy!”. Sếp lớn nhất của cơ quan khẳng định: “Chị là một nhân viên tận tụy với công việc”. Anh ta còn trẻ, tuổi ngoài bốn mươi, lúc nào cũng tất bật, tả xung hữu đột với các cú điện thoại. Một cuộc phá vây kéo dài liên miên. “Cuối năm tôi sẽ tăng lương cho chị ấy!”. Anh ta khóa máy điện thoại di động, nhảy vọt xuống cầu thang. Chị còn nhanh hơn, dạt sang bên kia hành lang, ép sát vào tường.
Chị nói nhỏ: “Có gì lạ đâu...”.

Trời lại mưa! Có những cơn mưa ngắn ngủn, rời rạc, như bài thơ “Con cóc trong hang, con cóc nhảy ra, con cóc nhảy ra, con cóc ngồi đấy, con cóc ngồi đấy, con cóc nhảy đi...”.

Dầu vậy, chị vẫn hát:
“Từng đôi chim bay đi tiếng ca rộn ràng...”
Có mấy người nghe thấy lời hát của chị?
Cô gái bảo: “Mẹ cháu vẫn chờ đợi bài hát của người ấy mang về. Đã mười sáu năm trôi qua...”.

TRẦN VĂN TUẤN

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)