|
|
Năm 1988 tôi sang Đức rồi lấy vợ và sinh con ở bên đó. Khi con gái tôi 6 tháng tuổi, tôi đã đưa nó về Việt Nam và vài lần sau, cháu về tận quê gốc ở Thái Bình. Ra nước ngoài, tôi càng hiểu rằng, không chỉ dân tộc Việt, sắc tộc nào cũng không muốn con cái đánh mất bản quán, quê hương, các giá trị văn hóa gốc.
Thực tế lịch sử ở nước ta, khi xã hội tâm thức bất yên, thì nhiều cung bậc văn hóa cũng đi xuống, nó tàn phá gia đình, tế bào gốc của xã hội Việt; nếu người ta sống thực dụng, thiếu nhân ái, không biết thương yêu con người gần quanh họ, thì dù ở trong hay ngoài nước đều có thể trở thành lưu vong tâm hồn, vong bản vong thân.
Truyện ngắn này tôi chủ tâm thoát khỏi lối sử dụng ngôn ngữ bạo liệt, gai góc tình huống quyết liệt thường thấy ở đặc tính văn chương của mình. Vấn đề của câu chuyện là tình cảnh và tình cảm, nó trước hết cần rõ tiếng rung sâu thẳm trong tâm hồn sao run rẩy và thương yêu hy vọng. Viết về đứa trẻ bé bỏng, nên như gió, như sương khói. Sự cắt dán xâu chuỗi chi tiết cũng nhuần nhị, đời thường, giản dị; nhân vật cũng sao “nhẹ nhàng”, thậm chí thơ mộng, thơ ngây.
*************
Gửi ông Đại tá chờ thư
Viết tặng con gái út
Toản Li năm nay đã chín tuổi. Nó đã được người ta, những người Đức lớn tuổi, gọi là Maedchen(1). Mới hôm nào bé tẹo, thế mà nay nó đã lên lớp Ba. Tôi lớn rồi! Nó nói thế nhưng vẫn giữ thói quen, niềm say mê của nó là nghe đọc truyện trước khi đi ngủ. Vậy mà bố chẳng đọc cuốn sách ấy cho nó nghe. Mỗi tối, mẹ vẫn kể những câu chuyện mà nó đã thuộc lòng. Những chuyện trong hơn chục cuốn sách có tranh chị nó gửi sang từ Việt Nam.
Chiều nay từ trường về, Toản chợt nhớ tới cuốn sách bố vẫn đọc. Tại sao mình không xem bố đọc gì? Nó tự hỏi rồi đi tới giá sách của bố. Phải bắc ghế mới với được cuốn sách. Không có một cái hình nào cả. Toàn chữ là chữ. Thế mà bố nó đọc suốt? Chẳng có cái hình nào mà tại sao bố lại thích? Nó tự hỏi và về phòng của mình.
Tám giờ tối bố mới về. Nó đón cửa bố mẹ. Ngoài trời có mưa tuyết. Nhìn rõ tuyết trắng nhẹ bay khắp mọi nơi giống như cả khu nhà được nhốt trong chiếc máy quay kẹo bông ở chợ trời thị xã cuối tuần. Nước mưa ướt sũng áo khoác cả hai người. Nó ôm chặt lấy cổ mẹ rồi nắm tay bố. Toản ấp má nóng hổi vào đôi môi lạnh toát của hai người. Nụ hôn của nó làm cả hai người lớn khi nào cũng run rẩy.
- Hôm nay có bài học ở nhà không? - Bố cởi áo mưa, bế nó lên và bao giờ cũng hỏi như vậy.
*
* *
Ăn cơm xong, Toản lấy cuốn vở làm bài tập ở Hort(1), những bài tính, tập viết tiếng Đức cho bố xem. Nó đưa tiếp cuốn vở tập viết tiếng Việt. Trong khi mẹ nó rửa bát, bố ngồi nắn nót những dòng chữ tiếng Việt cho nó tập viết, tập đọc.
- Bố đọc truyện gì lâu thế? - Toản chợt nhớ tới cuốn sách của bố.
- Cuốn nào? Bố có những mấy chục cuốn sách!
- Kia kìa! - Toản chỉ cuốn sách mà nó đã để lại vị trí cũ.
Bố nó cười:
- Con hỏi làm gì?
- Nó chẳng có cái hình nào cả!
Người cha cúi xuống đứa con gái. Ông xoa đầu nó và dịu dàng:
- Đấy là Đại tá chờ thư!(2) - Ông suy nghĩ một lát rồi nói tiếp: - Con biết không, ông ta mong một lá thư. Lâu lắm mà thư chưa tới. Như ông nội ngày xưa mong thư con ấy!
- Wer ist Đại tá? - Toản Li hỏi.
- Con hãy nói với bố bằng tiếng Việt! Bố nói rồi, chúng ta phải nói tiếng mẹ đẻ ở nhà.
- Ja! Con hiểu. Đại tá là ai? - Toản Li ôm lấy cổ bố.
- Đó là một người lính già.
-Như ông nội hả, papa? - Con bé rướn đôi mắt lên.
- Đúng rồi, như ông nội!
Như ông nội ư? Toản nhíu đôi lông mày thưa, nhưng đen nhanh nhánh như mun và nhún vai.
Toản ngồi thừ ra bên bàn. Nó lại nhún vai. Nó chợt nghĩ tới ông nội ở Việt Nam. “Toản yêu ông nội!” Đã bao lần nó nói như vậy qua điện thoại. Thực ra, nó muốn nói nhiều nữa, nhưng không biết diễn đạt thế nào. Cha nó vẫn nhắc, con phải học tốt tiếng Việt. Đấy là tiếng mẹ đẻ của chúng ta. Đấy là Quê hương, đấy là Tổ quốc. Lại nói, muốn nói chuyện với ông con phải nói thạo tiếng mẹ đẻ. Nhưng ông nội mất hai năm nay rồi. Tự nhiên mắt nó rơm rớm nước mắt.
Thực ra, Toản không hiểu tất cả điều bố nó nói. Nó chỉ biết ở xa lắm, trên cái bản đồ tròn như trái bóng kia, nơi từ đây muốn tới Việt Nam phải vượt qua biết bao nhiêu đất và biển; ở chỗ cong cong kia, xanh xanh kia, có ông nó, chị nó và nhiều người thân của nó. Về Việt Nam, nơi mà bố nó hay nhắc tới từ Quê hương kèm theo ấy, nơi xa ơi là xa, lâu ơi là lâu mới tới được, nó có nhiều người họ hàng, nói theo người Đức gọi là Than-thờ (Tante)! Nhưng chỉ có ông nội là nó thấy thích nhất, nhớ nhất.
Thích nhất vì ông chơi với nó lâu nhất. Ông lại đánh đàn rất hay, vẽ nó cũng rất đẹp. Nó thấy đẹp, vì ông nội vẽ nó cười rất tươi. Khi bố vẽ nó, thì chưa thấy trong tranh nó cười bao giờ. Thực ra, nó còn điều bí mật lý thú nữa với ông nội, đấy là khi nó cũng được gọi là họa sĩ như ông, sau bữa nó khoe ông những bức tranh nó vẽ ở lớp học vẽ bên Đức đem về tặng chị và các bác nó.
Chuyện này cũng hơi dích dắc một chút. Đầu tiên nó không hiểu ý ông lắm, khi ông nói nó là họa sĩ. Rồi ông nhắc lại cái từ ấy bằng tiếng Pháp, lại cả tiếng Anh và giải thích rất cụ thể cái từ ấy bằng chính tiếng Việt. Khoái thực, nó nghĩ, ông mới thực sự coi nó là người lớn! Nó lại nhớ tới trước khi ông mất, bố mẹ nó ngồi khóc.
Sau đó, bố nó hay ngồi đọc lại những lá thư của ông viết cho cả nhà. Cả những lá thư mà ông nội dành riêng cho nó. Nó hỏi vì sao? Mẹ nó bảo, ông nội mong muốn con học giỏi. “Phải giỏi cả tiếng Việt nữa!” Toản nói. Thực ra đấy là nó nhắc lại lời của bố nó hay nói. Toản nhớ lại, khi ông còn sống, mẹ nó thường nhắc: “Con thành thạo tiếng Việt, viết thư cho ông.” - “Ông nội mong thư con à?” - “Ông nội mong thư con lắm. Nhưng con phải viết bằng tiếng Việt Nam”. Mẹ nó nói. “Con sẽ viết bằng tiếng Việt Nam cho ông.” Nó bảo.
Thực ra, Toản Li phải rất cố gắng, bởi như vậy nó phải học liền hai thứ tiếng. Hàng ngày ngoài những bài học của lớp, mỗi tuần ba buổi mẹ kèm nó tiếng Việt. Nó học cũng nhanh tiến bộ. Chỉ sau hai năm nó đã viết được nhiều câu giản đơn. Nhưng thực buồn, viết được tiếng Việt thì ông nội nó chết rồi. Như vậy ở Việt Nam không có ai chờ thư nó nữa.
Chị nó thì rất bận, lại chỉ thích nghe điện thoại nên chả cần viết thư. Năm ngoái, nó còn không biết chết là gì. Nó mang điều ấy tới hỏi cô giáo của nó. Bà Nikol dẫn nó ra vườn trường bên lớp học. Đấy là hôm có một con cánh cam bị lũ kiến tha lê trên thảm cỏ. Con cánh cam có đôi cánh màu óng ánh rất đẹp, mới bữa nào bay vù vù chuyền trong rặng táo đầy hoa màu hồng tím. Thế mà bấy giờ cánh cam co rúm chân và không cử động để lũ kiến đông vô kể tha kéo.
Bà giáo chỉ con cánh cam và bảo: Chết là như thế này! Chết là như thế này! Bọn trẻ nhìn con cánh cam như lần đầu nhìn thấy nó. Toản Li ngồi thụp xuống bên cạnh đàn kiến. Lũ kiến khéo léo kéo con cánh cam qua những đọt cỏ. Chết tức là không bay, không cử động nữa và tệ nhất là bị lũ kiến bâu vào cắn xé. Trong lòng nó bỗng có sự liên tưởng và trào lên sự xúc cảm ghê gớm.
Ai cũng nghĩ là sau đó vì nó thương con cánh cam, nên khóc cả giờ sau gốc táo đỏ cuối vườn. Không ai biết là nó đâu chỉ thương con cánh cam? Nó nghĩ tới ông nội ở Việt Nam cũng không cử động, nằm yên cho lũ kiến bâu vào khênh đi. Bọn kiến sẽ cắn ông đau lắm. Nó đã một lần bị kiến cắn trong vườn cây của nhà mẫu giáo hồi nào, nên nó biết điều ấy.
Nó tưởng tượng ra cái vườn sau nhà ông ở Việt Nam và ông nó nằm trên cỏ... Chỉ tới buổi tối ấy, trong câu chuyện lộn xộn mà nó kể cho mẹ, mẹ nó mới hiểu sự liên hệ của nó từ cái chết của con cánh cam và ông nội. Mẹ nó phải giải thích mãi, rằng ông nội chết nhưng không bị kiến khênh đi. Ông mãi mãi nằm yên trong một cái hòm trong lòng đất. Như thế, chắc ông nội chẳng còn chơi các trò chơi gì nữa, và dưới đất thì lạnh lắm. Nhìn kìa, tuyết rơi và sẽ tan ra thấm nước xuống đất! Toản thương ông nội! Nó thốt lên với mẹ trong câu chuyện của hai mẹ con.
Tất nhiên, bây giờ nó đã hiểu, nếu nó về Việt Nam ông nội sẽ không còn nữa. Ông nội không còn nữa, tức là không còn người chơi với nó. Không có người lấy hai chiếc đũa gõ lên những cái bát đựng chút nước, phát ra tiếng kêu lanh canh khác nhau. Vui tai lắm! Ngày nào, theo bố nó nói, ông luôn mong thư nó. Ông chết rồi, ngủ mãi dưới đất biết đâu mà mong thư nó?
Toản nhìn qua cửa sổ, đường sá, những nóc nhà, mặt đất phủ trắng tuyết! Dưới đất lạnh, không đèn, không bàn ghế và bút vẽ... Chúng ta sẽ đắp thêm đất lên ngôi mộ của con cánh cam chiều nay! Đấy là ý kiến của nó nói với Monika, đứa bạn thân ngồi kế bên vào giờ giải lao đầu tiên của buổi học hôm sau.
Câu chuyện có như vậy thôi mà đôi khi trong giờ chơi, mỗi lần ra vườn trường, ai nhắc tới lũ kiến và con cánh cam xinh đẹp, nó lại rơm rớm nước mắt. Lại một đêm, nó mơ tới ông và sớm ra kể trọn vẹn cuộc gặp gỡ của nó trong giấc mơ với mẹ...
*
* *
Toản nằm trong chăn nghe mẹ nó đọc truyện. Đêm nay mẹ nó đọc lại câu chuyện Cô gái quàng khăn đỏ. Nó chợt nhớ tới cuốn sách của bố.
- Bố ơi! - Nó gọi vọng sang phòng bên. Sau hai lần gọi, bố nó chạy sang.
- Cái gì con, ngủ đi!
- Bố kể về Ông Đại tá của bố đi!
- Đại tá nào?
- Đại tá chờ thư như ông nội ấy.
- Hừ! Thôi ngủ đi! - Bố giục.
- Không, bố kể đi! - Nó van vỉ. Khi ấy, ánh mắt nó tha thiết làm sao.
Bố nó tới, ngồi xuống bên giường. Bố xoa đầu nó, kéo chăn lên cao hơn che ngực cho nó và thủ thỉ:
- Có một người lính cựu, một Đại tá, chờ một lá thư suốt bao nhiêu là bao nhiêu năm. Ngày lại ngày! Con hiểu không?
Đứa trẻ chớp mắt, gật đầu. Giọng người bố thực trầm, ấm áp:
- Nhưng mãi chả có ai viết cho ông ấy. Ông ta là một người tốt. Một người già, tốt như ông nội. Thôi, ngủ đi nhé!
- Bố kể nữa đi! Ông ấy vẫn chờ thư à? - Toản rướn cổ lên khỏi chăn.
- Bây giờ vẫn chờ thư! - Mắt bố nó tự nhiên hơi buồn.
Toản tung chăn ôm lấy cổ bố. “Bố ơi, bố đừng buồn. Rồi lá thư ấy sẽ tới!” Toản ôm lấy cổ bố nó. Người bố ôm nhẹ lấy nó và đỡ nó xuống giường. “Con hãy ngủ đi!”
Toản nhắm mắt. Nó phải ngủ theo lời bố nói. Nhưng thực ra nó không ngủ được. Nó nghĩ tới Ông Đại tá của bố. Chà, ông ấy khổ nhỉ. Chờ mãi thư, chắc vì con gái ông ấy lười viết. Ông ấy có cháu không? Nếu có, tức là nó không ngoan. Sao lại để ông mình chờ lâu thế tới mức để người ta viết truyện cho nhiều người biết. Chắc ông ấy buồn lắm.
|
Ảnh: Skychapter |
Ông nội chẳng nói một lần trên điện thoại là ông sẽ rất buồn, nếu không biết tin nó, học ra sao, ăn nhiều không và ngoan không? Thế mà bây giờ ông nội nó không còn để nó viết thư cho ông. Ở Việt Nam bây giờ chỉ còn có Ông Đại tá chờ thư thôi. Mà tại sao mình không viết thư cho ông ấy nhỉ, nếu ông Đại tá ấy như ông nội của nó....Toản nghĩ như vậy nhưng mi mắt nó đã sập xuống trong tiếng nhạc rất nhẹ phát ra từ chiếc Sony của mẹ để bên đầu giường.
*
* *
Buổi học sớm ấy bà giáo Nikol nói về những người lính cứu hỏa. Nói về đường phố và thị xã nơi nó sống. Lính cứu hỏa thì nó đã nhìn thấy nhiều lần trên đường. Thế là nó nhìn ra ngoài cửa sổ. Từ đâu bay về đậu trên rặng cây dẻ những bốn con quạ. Con bên trái kêu quà quà, giọng rất khàn. Hệt như hôm bố nó bị cảm và ho mất một tuần.
- Toản Li nhìn đi đâu vậy? - Bà Nikol nở một nụ cười và bỗng hỏi nó.
Toản Li giật mình. Trong lớp không được như thế! Vậy là nó lúng túng.
- Em nghĩ gì thế ? Bà giáo lại hỏi.
Toản chợt nhớ tới câu chuyện đêm qua với bố, thế là nó lập tức kể: - Thưa cô, ở Việt Nam có một người chờ thư đã rất lâu. Ông ta già như ông nội Toản.
- Thế thì hãy viết thư cho ông ấy! Còn bây giờ thì quay vào nghe giảng nhé. - Nói xong, bà Nikol lại tiếp tục bài giảng của mình.
Sao không viết thư cho ông ấy nhỉ? Đúng rồi. Mình sẽ viết thư cho ông ấy. Nghĩ như vậy, Toản Li thấy vui vô cùng và nó bắt đầu lại chú ý nghe tiếp bài giảng của cô giáo.
Ngày học hôm ấy kết thúc đúng giờ như mọi ngày. Chiều, tuyết đổ xuống mau hơn. Con đường phủ trắng một lớp tuyết như bôi kem. Toản đi nhanh về nhà, nó chẳng tha thẩn như mọi khi. Về tới nhà nó lập tức ăn rất nhanh hai lọ sữa chua, chứ không chậm trễ để anh nó phải giục như mọi lần. Xong, nó rón rén vào phòng học, lấy một tờ giấy trắng tinh. Tờ giấy trong hộp giấy mà bà hàng xóm đã tặng nó nhân ngày sinh nhật để tập vẽ. Nó bắt đầu viết. Có lẽ tới hơn nửa giờ lá thư mới xong. Chữ nó ngay ngắn và đẹp. Thư viết:
Nước Đức, ngày... tháng...
Cháu gửi ông Đại tá chờ thư,
Ông Đại tá ơi, cháu là Toản Li. Cháu viết thư cho ông. Bố cháu bảo ông giống ông nội cháu và đã chờ thư lâu rồi. Ông đừng buồn nhé. Cháu không muốn ông buồn. Ông phải ngoan và phải ăn nhiều! Ông biết không, ông nội cháu rất ngoan. Ông biết đánh đàn và vẽ.
Ông có biết đánh đàn như ông nội cháu không? Mùa hè này cháu sẽ cùng với mẹ cháu về Việt Nam chơi. Cháu có được phép đến chơi với ông không? Cháu đang học lớp Hai, ông ạ. Cháu đang học cả tiếng Việt. Bố cháu bảo, phải học tiếng của người Việt Nam. Nói như thế cháu không hiểu. Phải nói là học tiếng của ông nội và ông nữa. Có đúng không?
Viết tới đấy, Toản không thêm được một dòng nào nữa. Nó lại nghĩ tới ông nội. Nó nghĩ về chuyến phép năm nào. Phải rồi, trên cái sân thượng, ông có nhiều cây. Có bông hoa trắng muốt, thơm vô cùng. Tại Đức, chưa khi nào nó thấy bông hoa giống như thế. Trắng và thơm như thế! Ông đã hái vài bông cho vào trà và còn cho nó những năm bông. Toản đã để mấy đóa hoa trắng muốt, thơm lựng vào cái hộp giấy bé xíu... Nghĩ đến đấy Toản viết thêm được một câu:
- Ông ơi, ông nội Toản chết rồi. Ông Đại tá có biết không?
Viết xong, Toản Li vẽ một đứa trẻ cầm hoa đang vẫy. Nó tô màu xanh thành một đám mây và cả ông mặt trời đang cười nữa. Tất nhiên nó vẽ nhanh hơn viết, vì nó là họa sĩ cơ mà.
Toản Li lục tìm chiếc phong bì. Nó nghĩ tới những lá thư mẹ viết cho chị nó ở Việt Nam. Nó lục tìm cuốn sách của bố và nắn nót viết ngoài phong bì:
To: Đại tá
Nhà xuất bản X. Phố... Hà Nội. Việt Nam.
Nhà xuất bản X là dòng chữ viết trong trang cuối cuốn sách. Đấy là nhà ông Đại tá, bởi nó đọc thấy dòng chữ sau cuốn sách ghi rõ số nhà. Nó tủm tỉm cười như thể phát hiện được điều gì mới lạ. Nó có những ba chiếc tem. Nó tìm một con tem có hình con cá vàng rất đẹp và nhấm nước bọt, rồi dán như những lần mẹ nó đã làm.
Vài phút sau nó đã đứng bên hộp thư thị xã ở ngay ngã ba sát nhà nó. Nó ngần ngừ một lát, rồi nhón chân thả thư vào thùng. Tối đó, nó không hề nói với ai về sự việc trên. Đấy là điều bí mật! Cũng đêm ấy, nó mơ một giấc mơ rất đẹp. Nó bay lên cùng với lá thư của mình. Nó nhìn thấy ông nội ngồi cười cười hiền từ. Râu ông bạc như tuyết và hình như từ đó phát ra nhiều tiếng kêu rất vui tai.
Nó lại nhìn thấy một người nữa đang chuyện trò với ông nó. Nó hỏi: Ông có phải là Ông Đại tá chờ thư không? Nó đưa lá thư của nó đã viết. Không phải là thư. Trên tay nó là muôn vàn con bướm nhỏ đủ màu sắc, muôn vàn con cánh cam biêng biếc xanh, và khi nó xòe bàn tay nhỏ xíu ra, những vật đáng yêu bay lên và đậu xuống vai ông già kia. Thế rồi tất cả lại biến ảo, nhòa dần, rồi lại tụ lại rõ nét như những hình trong ống kính vạn hoa. Nó cười nắc nẻ...
*
* *
Ông giám đốc Nhà xuất bản X tại Hà Nội, theo cái địa chỉ mà Toản Li đề trên bì thư, chưa già lắm nhưng hay ngáp vì mệt mỏi. Ông mệt vì phải ký rất nhiều và trên bàn ông bầy biện nhiều bản thảo của biết bao thi sĩ và văn sĩ.
Sớm nay, cô văn thư chuyển lên vài tài liệu. Những công văn chỉ thị của các cơ quan, và thư của cộng tác viên ở xa. Lá thư phong bì rất đẹp dán tem nước ngoài làm ông chú ý. Ông bóc lá thư ấy và đọc. Ông giám đốc đọc mấy lần mà chẳng thế hiểu được nội dung của lá thư này. Một đứa trẻ nào nghịch ngợm đây? Rõ ràng là một đứa trẻ! Nét chữ và lời thư thật hoàn toàn khó hiểu. Không biết nó gửi cho ông Đại tá nào? Ở đây làm gì có Đại tá! Hay là người gửi nhầm với ai ở cánh quân đội. Lại không ghi họ tên thế này! Không bận tâm tới trò vớ vẩn!
Trên bàn biết bao tập thơ và tập truyện đang chờ ông! Ông định ném lá thư vào sọt rác, nhưng cơn mệt mỏi làm ông ngáp, thế là lá thư tuột khỏi tay ông, rơi trên mặt bàn, cạnh đống bản thảo ngồn ngộn. Ông giám đốc đứng dậy, vươn vai những ba cái và ra khỏi phòng, đi xuống tầng một. Vớ vẩn! Vớ vẩn quá! Vớ vẩn như biết bao bài thơ trường phái bí hiểm mà bố ông cũng không hiểu nổi. Ông nghĩ như vậy và dắt xe ra khỏi cơ quan. Có lẽ phải đi làm một vại bia với ông thi sĩ K. Giờ này chắc hắn có nhà.
Khi ấy, trên căn phòng ông giám đốc có làn gió thổi thốc vào. Gió thổi tung lá thư của Toản Li. Nó bay lên, ban đầu chấp chới tựa như cánh bướm; sau đó vượt qua hàng xấp bản thảo, bay qua cả những chồng sách đã xuất bản. Lá thư thuận gió theo đà bay qua cửa sổ, ngược lên vượt trên ngọn sấu cao vút đến tầng tư ngôi nhà và bất chợt cuốn lên cao mãi, cao mãi cho tới khi từ mặt đất nhìn lên, chỉ thấy một điểm nhỏ xíu lẫn vào với nền trời xanh vô biên...
NGUYỄN VĂN THỌ
-------
(1) Maedchen: Cô gái. Theo thói quen Đức, đứa trẻ khi hết 6 tuổi, đi học được gọi là cô gái.
(2) Sân - ở đây chỉ nơi bán trú của hệ tiểu học ở Đức.
(3) Tên một truyện ngắn của G. G Marquez.