Truyện ngắn dự thi. DƯƠNG ĐỨC KHÁNH
Chú Lôi trước là dân trốn quân dịch, lánh lút ở làng theo nghề mổ heo. Về sau bắt bớ ráo riết quá, chú phải chạy chọt để khỏi đi lính tác chiến rồi đâm đơn vô ngành cảnh sát công lộ. Người ở làng có dịp qua phố thường nở mặt nở mày mỗi lần gặp anh chàng Lôi “lò heo” của làng trở thành anh pu-lít mang lon trung sĩ nhứt với cái tên Trần Lôi trước ngực trong sắc phục trắng thắt cà vạt, giày đen láng bóng, đội kết pi, đeo súng lục xệ bên hông đứng oai vệ trên cái bục hình lục giác ngay giữa ngã tư. Thời đó phố chưa có đèn xanh đèn đỏ nên hiệu lệnh cho xe cộ lưu thông chính là tiếng tu huýt roét roét và đôi tay đeo găng trắng của các cảnh sát viên vung qua vung lại nhịp nhàng như máy. Chú say sưa nhiệm vụ cho tới mức, người ta nhắc mãi câu chuyện vui về chú. Đó là thời khắc quân cách mạng tiến vô thành phố, đã cắm cờ trên nóc Nhà hát Lớn sau lưng mà chú vẫn không hay. Thậm chí khi một chiếc xe tăng lừng lững tiến vô, chú cũng lập tức thổi cái roét, giơ tay chỉ thẳng hướng nam! Chiếc tăng vẫn rầm rầm lao tới, giật mình nhìn kĩ, thấy chiến xa cắm đầy lá cây, lấp ló mũ cối với lá cờ xanh đỏ, chú hoảng hốt lột súng lột mũ phóng khỏi bục, nhảy lên chiếc mô-bi-lét chạy tành tạch một mạch về làng.
Sáng hôm sau, chú cùng với mấy anh nghĩa quân trong làng cầm những lá cờ giải phóng nhỏ bằng bàn tay tới trình diện ban quân quản. Chú khai thiệt công việc mình làm từ bé tới khi đó. Bà con trong làng làm chứng, chú chẳng gây oán thù, tội ác chi, chỉ có nợ máu… mấy con heo! Chú được học tập mười ngày tại đình làng, rồi được trả quyền công dân tại chỗ.
Trở lại anh “phó thường dân”, chú quay lại với nghề cũ ba đời là mổ heo. Cái tên Lôi Cảnh Sát thay đổi hoàn toàn thành Lôi Lò Heo. Chú mặc áo ka ki xanh, đội mũ cối nhựa trắng, kéo chiếc xe kéo với hai ba cái rọ dong khắp làng trên xóm dưới. Chú còn giữ lại cái tu huýt của nghề cảnh sát bỏ túi áo làm kỉ niệm. Quen nghề cầm còi lâu năm thành bệnh nghiện, hôm kéo xe heo nặng qua chợ làng, chú móc ra thổi roét roét. Mấy mụ giựt mình bưng thúng mủng nhường đường, giở nón ngước lên: “Ua cha cha! Lôi pu-lít!”. Có lần chú nhảy vô chuồng, bầy heo chạy tán loạn, chú vung tay thổi cái roét, bầy heo giựt mình khựng lại như bốn chân có phanh, mấy mụ phục lăn!
Trước càng xe của chú lúc nào cũng treo lủng lẳng cái bi đông nhôm đựng rượu. Dân làng Dương Đài chuyên nghề nấu rượu nên chú cứ ghé nhà nào coi heo là mấy chị mấy o cũng mời nếm thử rượu mới ra lò. Trời đang mùa mưa phùn gió bấc mà chiêu vài tợp rượu còn nóng hôi hổi thì ôi thôi, ấm tới xương tủy! Cứ rứa, cho tới khi mua được đôi heo thì chú cũng đã chệnh choạng chân cao chân thấp. Vừa è ạch kéo xe heo chú vừa vung tay nhừa nhựa hát: “Giải phóng miền Nam/ Chúng ta cùng quyết tiến bước…”.
Về tới nhà tối mịt, nghe thông báo họp toàn dân, chú khật khưỡng đi luôn. Tới nơi, chú múa chân múa tay thoải mái, vỗ vai người này người kia. “Ô, chào đồng chí!” rồi nhè nhè hát“…Vai sát vai chung một bóng cờ…”, trong lúc mấy chú mấy anh thuộc thành phần nghĩa quân, địa phương quân tuy đã được trả quyền công dân nhưng ngồi nghiêm ngắn im thin thít. Tới lúc trưởng thôn đề nghị bầu một chức vụ chi đó, chú lập tức đứng lên giơ tay, giọng nhè nhè: “Tui có ý... kiến!... Tui nhận thấy... đồng chí đó... là một đồng chí... đồng chí rất… xứng đáng!”. Anh Chẻo du kích mang súng đứng gần đó bước tới: “Đề nghị anh Lôi ăn nói nghiêm chỉnh! Anh thành phần mô? Ai cho phép anh được gọi các đồng chí của tui là đồng chí? Ai là đồng chí với anh?”. Chú Lôi “tắt đài” cái rụp, ngồi xuống còn buông một câu: “Không cho kêu đồng chí thì thôi! Mần chi dữ rứa… đồng chí!”. Cả làng cười cái rần. Anh Chẻo cáu lắm, tính văng một câu chi đó, nhưng vội nín kịp.
Vì sao lạ rứa?
Anh Chẻo khi đó mới mang súng du kích thôn được vài tháng. Những năm bom đạn ác liệt, anh mới mười ba mười bốn tuổi, còn giữ trâu ngoài cồn. Hồi đó cán bộ cách mạng từ trên rú mỗi lần về cơ sở thường ém quân giữa cồn. Tới chạng vạng anh Chẻo cho từng người mang tơi đội nón trùm cả súng ống ngồi lên lưng trâu băng đồng, qua mắt kẻ địch vô làng an toàn. Giải phóng, anh đương nhiên là người có công trạng.
Hồi ấy mấy anh mấy chú “ngụy quân ngụy quyền” về làng vài người có xe gắn máy, nhưng ít ai dám đem ra sử dụng, phần do xăng cộ hiếm hoi, phần do ngại. Cán bộ thôn toàn đi bộ, cán bộ xã đi xe đạp cà tàng, cán bộ tập kết về oách nhứt cũng chỉ là cưỡi xe đạp Phượng Hoàng, Thống Nhất. Cho nên chiếc mô-bi-lét của chú Lôi tuy của hiếm cũng đành xếp xó.
Anh Chẻo nhiều lần đi qua đi lại dòm chiếc xe của chú Lôi thèm muốn đứt con mắt. Tới hôm ghé nhà thông báo cho chú Lôi chuẩn bị tập trung đợt lao động thủy lợi mười lăm ngày, anh liếc vô chiếc xe rồi trừng mắt nghiêm mặt: “Chiếc xe ni là… của Mĩ à?”. Chú Lôi xoa tay: “Dạ, dạ mô có anh! Loại xe ni của Tây, có từ trào Pháp lận anh!”. Anh Chẻo chống nạnh chằm chằm vô chú: “Dưng mà… anh đi lính cảnh sát, lãnh lương Mĩ, sắm xe Tây! Trường hợp ni… cách mạng có thể… trưng dụng!”. Chú Lôi lại xoa tay cười: “Ui chà, rứa thì khi mô đồng chí cần đi công tác tui cho mượn thoải mái! Loại xe ni tiện lắm, không có xăng thì cứ đạp như xe đạp thôi!”. Anh Chẻo sướng rơn trong bụng giục chú dắt ra liền. Chú nhảy lên đạp è è một hồi máy không chịu nổ. “Chắc bỏ không đi lâu ngày, nó hư máy rồi! Thôi đồng chí tạm thời đi như xe đạp, mơi mốt có dịp tui đem qua phố sửa lại!”. Anh Chẻo mặt mày hớn hở phóc lên: “Tui phải lên xã có cuộc họp quan trọng!”. Chú Lôi nhìn theo nheo mắt cười. Xe mô-bi-lét có thể đạp như xe đạp, nhưng rất nặng, không thể đi dài được, nhứt là đường quê gồ ghề sống trâu. Gặp lúc mưa gió lầy lội, xe đạp có thể vác lên vai, nhưng với “anh tây gắn máy” này thì… Y như rằng, chiều đó chú Lôi kéo xe đi mua heo gặp anh Chẻo quần xắn tới gối, toàn thân lấm bết ì ạch đẩy chiếc mô-bi-let hệt con trâu đang đánh vật với cỗ bừa ruộng bùn. Rứa là hai người khiêng lên xe kéo, đẩy về.
Sau vụ này anh Chẻo luôn ghé nhà, vẻ mặt hậm hực “đề nghị” chú Lôi phải mang xe qua phố sửa. Nhưng chú Lôi cứ lần khất mãi.
Một hôm anh Chẻo lại mang túi dết kiểu cán bộ tới nhà chú Lôi giục tiếp. Nhưng chú với vợ đi bán thịt chưa về, chỉ có mấy đứa nhỏ đang chơi đùa trước sân. Anh đi thẳng vô nhà dòm dáo dác. Trên bàn nước đặt cái đồng hồ có hình con gà tự động mổ thóc lách cách theo tiếng kim chạy, đẹp lạ lùng. Lâu nay ai tới nhà chú Lôi cũng thích thú trầm trồ, phải là dân từng ở phố mới có thứ này. Anh Chẻo đứng ngẩn hồi lâu…, rồi mới quay ra. Anh vừa tới sân thì bỗng tiếng đồng hồ “reang reang” liên hồi. Tụi nhỏ la lên “Tới giờ đi học tụi bay ơi!”. Chợt mấy đứa nhỏ dỏng tai lên: “Ủa sao đồng hồ reo trong người chú Chẻo? Răng chú lấy đồng hồ của con, đồng hồ con vặn reo giờ đi học mà!... Ơ chú ăn cắp!”. Anh Chẻo đứng đực mặt ú ớ, vừa lấy cái đồng hồ ra vừa chỉ tay vô mặt tụi nhỏ: “Đồ ni là của Mĩ… mơi mốt là tau tịch thu luôn, nghe chưa!”. Chú Lôi về nghe chuyện liền cấm tụi nhỏ hé răng: “Không đứa mô được nói tầm bậy! Chú Chẻo bắt lên xã nhốt hết nghe chưa!”.
|
Minh họa: Nguyễn Đăng Phú |
Anh Chẻo tuy thường hoạnh họe với chú Lôi, như trong đêm họp dân vừa rồi. Nhưng cũng chỉ dám thế thôi. Làm quá, tay Lôi này hê chuyện chiếc đồng hồ ra thì đồng chí Chẻo quay về đuổi trâu như chơi! Tấm gương anh Chờ vẫn ràng ràng trước mắt kia kìa.
Anh Chờ có lí lịch đỏ chói. Ngày cha anh lên tàu đi tập kết, mẹ anh đang mang thai anh, cái tên Chờ cũng đã nói lên ý nghĩa thủy chung đợi chờ ngày đoàn viên sum họp. Trưởng thôn nói, phải phát huy con đường cách mạng cho đối tượng. Bước đầu anh Chờ được giao chức phó an ninh thôn, vừa làm vừa học bổ túc văn hóa, rồi sẽ được tạo điều kiện để đi học lớp cốt cán. Nhưng anh muốn tiến nhanh. Anh nghĩ phải phấn đấu để có chiếc xe đạp. Có xe đạp là anh lên ngồi ghế cán bộ xã mấy hồi. Vậy là anh nghĩ cách… Hồi đó thợ sơn xe đạp trong làng có phong trào không dán nhãn mác chữ tây có sẵn, mà đua nhau trổ tài vẽ, viết thẳng lên sườn xe theo ý khách, đỡ tốn tiền lại có cái hay, xe ai tên nấy. Có người viết MIENMUON (miễn mượn), rất tiện, khỏi phiền phức mất lòng. Thời ấy có xe đạp là được coi như… đại gia. Bởi vậy ai có xe cũng nâng niu giữ gìn. Vậy mà chú Ca, ki cóp mấy mùa bắp đậu mới tậu được một chiếc, vừa thuê thợ vẽ sườn xong, chưa đi được vòng nào thì đêm đó trộm lẻn vô nhà cuỗm mất. Trời chưa sáng chú quay quắt chạy đi báo phó an ninh thôn. Tới nhà thấy anh Chờ đang còn thắp đèn lui hui tháo rã chiếc xe ra từng món sửa soạn đem cất giấu. Chú liền nhào tới chộp ngay cái sườn xe chạy ra đường tri hô. Bà con ùa ra rần rần bàn tán về cái tang vật có sơn hàng chữ LEBACA – 39T X4. Ban đầu anh Chờ còn cãi, rằng xe LEBACA người ta… sản xuất hàng loạt, anh cũng mua một chiếc chứ thèm trộm cắp của ai. Phải đến khi chú Ca bảo dòng chữ chú sơn là viết tắt của Lê Bá Ca – 39 tuổi, Xóm Bốn, thì mọi người cười ồ, còn anh Chờ cúp mắt lẩn vào nhà… Cha anh Chờ nghe chuyện giận dữ phẩy tay. Vậy là vừa chớm hoạn lộ anh Chờ đã ngã cái đụi.
Anh Chờ có cha làm to mà vi phạm vẫn mất chức như chơi, vậy nên anh Chẻo ngại chú Lôi là phải.
Chú Lôi và anh Chẻo chắc sẽ còn “giữ miếng” nhau dài dài, nếu không xảy ra một chuyện.
Độ ấy nạn trộm cắp xảy ra như cơm bữa. Chính nhà trưởng thôn, một buổi sáng mở mắt nhìn lên bàn thờ thấy trống huơ, bộ lư đồng mới tậu bên Phường Đúc mọc cánh bay tự lúc nào. O Hường thợ may ngồi khóc ròng cả ngày, cái máy may hiệu Sinco của Nhật, “cái nồi cơm” hàng ngày của mẹ con o sáng ra chỉ còn cái chưn, còn đầu máy tự biến trong đêm… Hết trộm trong làng tới trộm trên nương. Bác Hốt sáng sớm ra nương thấy hai vồng khoai bị bới tan tành, nhìn cuối vồng có cắm tấm biển đề hai câu thơ “Thật thà liêm chính đã thông/ Bởi hết gạo mới xin vồng khoai lang!”
Không thể để trộm lộng hành, đội du kích tăng cường tuần tra. Một đêm hai thằng trộm đang rình mở chuồng trâu nhà bác Hốt bị bắt, trói giật tay ra sau. Anh Chẻo được giao nhiệm vụ giải chúng về ủy ban xã. Trời tối như mực, giữa đường một thằng tự mở trói được nhào vô giựt súng của anh Chẻo quăng vô bụi và mở trói cho thằng kia. Rồi hai thằng hợp sức tấn công anh Chẻo. Nghe tiếng la ó uỵch đụi vang rân, chú Lôi đang è ạch lôi xe heo gần đấy bèn phóng tới. Nhanh như chớp, chú bay lên tung cú song phi như đao chém hạ gục một tên, rồi ra tiếp mấy đòn với tên còn lại. Chỉ trong vài phút, chú đã khóa vặc tay cả hai thằng cho bà con ra trói lại.
Kể từ hôm đó anh Chẻo tôn chú Lôi làm sư huynh. Những đêm sáng trăng anh thường dẫn tiểu đội du kích tới nhà chú học võ. Dần dần, trai tráng trong làng cũng xin theo. Khúc đường làng trước nhà chú Lôi trở thành võ đường.
Từ ngày được sư huynh chỉ giáo, anh Chẻo liên tiếp lập thành tích trong công tác trật tự trị an nên được thăng chức xã đội phó. Nhậm chức đúng dịp tế làng nên anh Chẻo tự nguyện cúng thần một con trâu đực trong bầy trâu nhà. Và việc hạ mổ trâu tất nhiên phải nhờ chú Lôi.
Con trâu được anh Chẻo dẫn tới buộc vô gốc cổ thụ vườn sau sân đình. Chú Lôi đề nghị với anh Chẻo bắn trâu bằng súng cho gọn, không nên dùng búa tạ. Anh Chẻo đồng ý ngay, nâng khẩu súng bằng hai tay kính cẩn. Chú Lôi đón súng, nhìn mọi người chung quanh nói: “Tui mần cảnh sát mấy năm trời chưa bắn viên đạn mô, nhưng hồi ba tháng trong trường huấn luyện tui cũng xạ thủ loại giỏi à nghe!”. Chú lên đạn, đứng đúng tư thế xạ kích, nheo mắt nhắm giữa sọ con trâu. Mọi người nín thở.
“Đoàng!”
Viên đạn trúng ngay… chiếc dây niệt cổ trâu. Con trâu gầm lên chúc cặp sừng nhọn hoắt lao tới chú Lôi bằng một tốc độ kinh hồn. Chú vội quăng súng nhào ngang một cú như chớp. Con trâu húc trượt đối thủ lập tức ghì bốn chân cháy đất khiến bụi tung mịt mù. Nó quay phắt lại trong tiếng la hét váng trời. Anh Chẻo nhảy tới chộp khẩu súng giơ lên nhưng không dám nổ tiếp giữa đám đông dân làng đang náo loạn. Anh cũng đành quăng súng hét “hò rì hò! hò rì hò!”. Con trâu này bao nhiêu trận húc nhau ngoài cồn anh chỉ cần hô lên mấy tiếng như thế là nó dừng lại. Nhưng lần này tiếng hô của anh vô tác dụng.
Chú Lôi tiếp tục nhào lộn, né đòn tấn công của con vật. Hình như chú đang cố tình “câu giờ” để con trâu kiệt sức, nhưng càng lúc nó càng hăng máu hơn. Anh Chẻo liên tiếp nhào tới cản đòn cho thầy, miệng vẫn hét “hò rì hò rì.” Và anh đã chộp được sợi dây buộc mũi trâu. Anh phóng lên lưng trâu, gồng mình siết cương. Con trâu chịu hếch cổ lên nhưng đôi chân vẫn lao tới quyết xéo nát chú Lôi. Anh Chẻo bèn ngoắc sợi dây vô sừng trâu, rút mạnh. Con trâu khựng lại. Trong tích tắc, chú Lôi bật tới vận hết công lực tung một cú đá quét vào chân trước con trâu. Con vật sụm xuống, ọ lên một tiếng bất lực. Anh Chẻo chạy tới ôm chầm lấy sư huynh rưng rưng trong tiếng vỗ tay hoan hô náo động sân đình.
Ngay sau cuộc hạ trâu, các bô lão đề nghị chú Lôi làm quản áp đội âm công. Chức này lâu nay do bác Cai Giang đảm trách, nhưng giờ bác đã già yếu, bài múa quyền trước lễ bái quan đã chậm chạp, tiếng hô lệnh cũng không còn mạnh mẽ hùng hồn. Đội âm công toàn là các đồ đệ của chú Lôi nên nghe thế thì ào ào vỗ tay đồng tình. Bên chiếu cỗ làng, trước các bô lão trong hội quý tế, bác Cai Giang trịnh trọng trao lại dải đai vải đỏ và hai thanh trắc lệnh vào tay chú Lôi.
Sáng hôm sau mổ heo xong, chú Lôi mặc áo dài đen đội khăn đóng, lễ mễ bưng khay trầu rượu như một đồ đệ tới nhà bác Cai Giang cậy xin truyền thụ các bài bản, lễ thức… Chú biết công việc mình sắp đảm nhận vô cùng hệ trọng. “Nghĩa tử là nghĩa tận” nên người làng chỉ tín nhiệm những người có cả tài và tình. Hai thanh trắc lệnh lên nước gỗ bóng loáng từng qua tay mấy đời quản áp. Tiếng trắc và lệnh hô từ quản áp cho toàn đội âm công “Nài! Eo! Vai!” luôn phải đồng bộ nhịp nhàng để dù lên đập xuống đê, lên bờ xuống ruộng, giàn rạp chở linh cữu phải giữ một mực thăng bằng. Có vị đã chứng tỏ tài năng quản áp bằng cách đặt li nước đầy lên nắp áo quan từ nhà tới huyệt mộ không rơi một giọt!
Được bác Cai Giang chỉ giáo tận tình bằng lí thuyết nên dù không có cơ hội nào để thực hành nhưng chú Lôi vẫn vào thẳng vai quản áp đám đầu tiên. Đó là đám tang bác Kết. Bác Kết là cán bộ tập kết về hưu nên ngoài tục lệ ma chay của làng có thêm phần nghi thức do chi bộ tổ chức, có lễ truy điệu, đọc điếu văn... Hôm đưa tang nhằm ngay ngày nước lụt trắng đồng. Bốn năm chiếc nốt to nhứt vạn chài được huy động. Giàn rạp chở linh cữu đầu rồng đuôi phụng được kết lên chiếc nốt to nhứt. Đội âm công chia đều tả hữu, lội nước “la hè dô khoan” đẩy nốt đưa đám băng đồng ra cồn mồ. Chú Lôi áo dài đen thắt đai đỏ ngang hông, làm lễ bái quan xong là lao xuống nước vừa gõ trắc lệnh vừa bước giật lùi. “Cóc cóc cóc cóc! Bớ âm công! Tả hữu bình bình! Tiền hậu nhứt nhứt!...”. Tiếng trắc lệnh dội vang giữa đồng nước mênh mông. Qua mấy khúc ruộng sâu, cả quản áp và đội âm công như bơi giữa biển. Tới khúc ruộng cạn, chiếc nốt đưa linh cữu bác Kết bỗng khựng lại. “Mắc cạn đập rồi!”. Lại ra sức “hè dô!”. Bác Khoai bí thư, trưởng ban lễ tang đứng hẳn lên trên nốt bên cạnh huơ tay hò hét chỉ đạo. Quản áp hét hò khản giọng năm lần bảy lượt. Các bô lão chắp tay khấn vái rần trời. Vẫn không thể nhích lên. Giờ hạ huyệt sắp tới… Chú Lôi nhíu mày suy nghĩ một lát, vung tay gõ trắc phát lệnh rồi lập tức cởi áo. Chú rút hai thanh đòn khiêng thả xuống nước làm chỗ đứng cho khỏi lún, rồi bắt đầu gồng mình xuống tấn vận nội công dùng hai tay nâng mui nốt. Chú nâng trước cả đội đẩy sau. “Hố… dô!”. Tới lúc cả vai ngực, mặt chú máu cuộn lên đỏ bầm, chiếc nốt chở linh cữu bác Kết cũng nhẹ nhàng lướt qua trong những tiếng thở hắt ra nhẹ nhõm.
*
* *
Thời gian… Quay đi ngoảnh lại mà đã hơn bốn chục năm trời. Năm ngoái, tôi về quê việc hiếu ông chú ruột, tới giờ sắp đưa tang tôi gặp lại chú Lôi. Đã xấp xỉ bảy mươi nhưng chú Lôi còn khỏe khoắn nhanh nhẹn, dẫn đầu đội âm công tiến vô chuẩn bị làm lễ bái quan. Làng tôi giờ sắp lên phường nên mọi thứ đều đổi thay. Đội âm công mặc đồng phục xanh đậm viền trắng y như bên phố. Ông quản áp giờ đội kết pi oai vệ, thổi tu huýt roét roét chứ không còn gõ trắc lệnh lóc cóc như ngày xưa. Đám tang giờ đưa bằng xe cải tiến trên đường làng bê tông phẳng lì…
Tôi được thay mặt gia đình tiếp rượu đội âm công trong cỗ hậu tạ. Thật bất ngờ, tôi thấy có mặt cả anh Chẻo. Anh vừa tới tuổi nghỉ hưu, tóc đã bạc, cười nhăn cả trán rồi. Trước khi nâng li, chú Lôi lột kết pi đặt ngửa xuống bàn cùng với cái tu huýt. Chú nói, năm nay chú cũng sắp già, được làng mời ngồi chiếu lão rồi. Chức quản áp sắp tới sẽ bàn giao cho anh Chẻo, “hiền đệ, đệ nhứt môn sinh” của chú.
Tháng 3/2018
D.Đ.K