Thiên hạ đệ nhất kiếm

Thứ Tư, 09/05/2018 00:46
Truyện ngắn dự thi. ĐỖ QUANG VINH

“Người ta nói đường kiếm của hắn không bao giờ lập lại mà biến ảo không ngừng như mây trôi, nước chảy hay gió cuốn. Thanh kiếm vung lên tỏa ra hào quang. Đối thủ khiếp sợ mà cũng kính phục, vì kiếm pháp của hắn đã đạt tới cái đẹp hoàn mĩ. Đúng hơn, hắn chính là hiện thân của cái đẹp. Cái đẹp làm người cho người ta sởn gai ốc…”

Khi rảnh rỗi và không có gì làm anh thường múa kiếm, khoảng sân sau dùng để phơi đồ rất thích hợp cho chuyện này. Có mái hiên che mưa, một khoảng trống có ánh sáng. Vài chậu cây kiểng lá lòa xòa. Hòn non bộ đã cạn nước, hai ba cái lồng chim trống không cùng một cái cũi chó nằm trơ trọi trong góc.

Anh ra đó và múa kiếm.
Anh chẳng biết võ vẽ gì mà chỉ múa may như một thằng nhóc học theo phim kiếm hiệp, nghĩa là huơ tay loạn xạ, bay nhảy phi thân toát mồ hôi hột. Lắm lúc cao hứng anh còn đệm thêm mấy tiếng hô nho nhỏ. Anh đánh với địch thủ vô hình trước mặt và sau lưng, hàng ngàn kẻ thù cùng xông lên một lúc. Có lúc anh là kẻ thiện, có khi lại là người ác nhưng chung quy thì đều chém giết cả. Chém hết kẻ này tới kẻ khác hệt như người ta đang xắt rau.

Vừa múa kiếm anh vừa tưởng tượng câu chuyện trong đầu, kết hợp tất cả những bộ phim võ hiệp đã từng xem thành một mớ hổ lốn những nhân vật và các hoạt cảnh.

Tiếng cây kiếm vun vút trong không khí làm anh thích thú, tim đập mạnh, mồ hôi ướt đẫm, anh khoan khoái thở ra một hơi dài.

Và rồi anh mỉm cười, nụ cười có nét ngây dại, ngờ nghệch pha lẫn chút điên cuồng. Đó là nụ cười của một thằng nhóc nóng tính sau khi đã xả cơn bực bội của nó vào vài đứa bạn nhỏ xung quanh.

Nhưng dĩ nhiên xung quanh anh chẳng có ai. Anh cũng chẳng làm phương hại tới đám cây cỏ xung quanh, hòn non bộ vẫn bền vững và mấy cái lồng chim, cũi chó chỉ bị mục nát theo thời gian.
Hơn hết anh không dám làm sứt mẻ cây kiếm.

Lại nói về cây kiếm, nó vốn là đồ gia truyền của cha anh để lại. Chẳng hiểu ông tìm được cây kiếm gỗ ở đâu, một buổi chiều nọ ông mang nó về sau chuyến đi dài. Thanh kiếm nhìn có vẻ ghê gớm với bao bằng da, có dây đeo, cái chuôi chạm khắc hoa văn rồng phượng. Ông trịnh trọng đóng đinh và treo nó ở phòng khách, sau đó bảo rằng đây là một món đồ quý mà ông đã mua được “giá rẻ”. Cha anh vẫn có cái thú gom góp những đồ vớ vẩn như thế, điều này khiến mẹ anh luôn cằn nhằn. Ngôi nhà lỉnh kỉnh rương hòm, mỗi lần chuyển nhà cha lại tha đi theo. Qua năm tháng, cái thú tích trữ ấy trở nên đáng ngại; ông gom cả những cuốn sách được viết bằng thứ ngôn ngữ xa lạ, hay hàng đống chai rượu rỗng mà ông nói rằng quý hiếm. Người ta lừa ông và ông cũg tự lừa bản thân mình. Cha nghiêm khắc với người nhà nhưng luôn dễ dãi với người lạ.

Vì là thợ điện, hay đi thi công những công trình ở khắp nơi nên cha vắng nhà nhiều. Trong những chuyến đi ông luôn gom góp tất cả mọi thứ thấy hay ho về nhà.

Trong số của nả ấy, thứ làm anh thích thú nhất chính là thanh kiếm gỗ. Hồi là một thằng nhóc sáu bảy tuổi anh hay đứng nhìn nó thèm thuồng. Nó oách hơn những cây kiếm nhựa mà lũ nhóc hay đánh nhau và sáng giá hơn mọi cây súng đồ chơi ở ngoài cửa hàng. Nhưng cha chẳng bao giờ cho anh đụng vào thanh kiếm, ông quý nó lắm. Có lần phát hiện anh định tháo kiếm xuống, ông đánh anh một trận nên thân.

- Ai cho mày động tới nó? Không được động tới nó nghe chưa?
Mẹ anh đứng từ xa quan sát, bà không dám ngăn cản chồng. Thỉnh thoảng cha cũng đánh bà vì ghen, vì bực bội hay những lí do bí ẩn nào đó. Những lúc như thế mẹ chỉ im lặng chịu đựng, bặm môi giấu những tiếng khóc.

Khi cha đột ngột mất, mẹ đã thanh toán hết phần lớn “của cải” của ông. Đó là điều mà bà làm đầu tiên. Vài thứ được bán, vài thứ đem cho, thứ khác bị vứt đi cho khuất mắt. Nhưng rồi cây kiếm vẫn ở lại. Mẹ nhìn lên bức tường, thở dài.
- Hồi còn sống ba mày khoái cái của nợ này lắm! Tao mà quăng đi chắc ổng quở chết.

Bà nói thế rồi bỏ đi, cây kiếm được an toàn. Mẹ không cho ai động tới cây kiếm, bà vốn mê tín nên luôn nghĩ thanh kiếm là một kiểu bùa hộ mạng cho gia đình. Rằng ông chồng đã nhập hồn vào cây kiếm để xua đuổi tà ma và đem lại vận may. Hình như một lão thầy bói nào đó đã nói với bà như thế.

Chục năm sau mẹ anh cũng qua đời, sau khi lo liệu mọi việc, anh ngồi một mình trong nhà giữa một buổi chiều dài tĩnh lặng. Ngôi nhà quá yên tĩnh, anh tưởng chừng như nghe được tiếng lũ chim đập cánh trên nền trời, một đàn én chao lượn mải miết không dừng.
Tự nhiên anh nhìn lên và cây kiếm đang ở đó.

Anh đứng dậy, với tay và nhón chân. Cây kiếm ở cao quá, anh leo lên cái ghế. Anh không nhớ đã bao lâu rồi mình mới động tới nó. Nhiều năm trời anh đã không còn ham thích gì cây kiếm nữa. Nhưng trong giây phút ấy mọi thứ lại trở về như xưa. Anh là một đứa trẻ hớn hở vui mừng khi cha mẹ đi vắng.  Toàn thân căng cứng, nín thở, mười đầu ngón tay run rẩy. Cái di vật ấy đang nằm trước mặt. Anh nắm chắc chuôi kiếm và giật ra thật mạnh.
Qua rất nhiều thời gian cây kiếm vẫn còn nguyên vẹn.

Trong một giây anh sững sờ, cảm giác lẫn lộn buồn vui. Anh cười thầm, cười lớn rồi không kiềm được, cười ha hả.
Anh bắt đầu múa kiếm, như thể để bù lại cái ham muốn bị cấm đoán lúc nhỏ. Anh cảm thấy bụng mình lắc lư, cái khối mỡ bao năm trường phình vì nhậu nhẹt đang bị ép và xoay theo quán tính.

Kể từ lúc ấy anh đắm chìm vào kiếm đạo, ngày nào anh cũng múa kiếm ít nhất một lần.
Thấm thoát bảy năm trôi qua…
- Đậu xe kiểu gì vậy? - Có tiếng ai đó thét lên, giọng đàn ông ồm ồm.

Một tràng còi xe vang lên, thấp thoáng vài khuôn mặt giận dữ phía sau lưng. Anh cúi lờ đi. Gần mười phút đồng hồ đã trôi qua mà tay đồng nghiệp vẫn chưa chịu ra, hắn đang mải mê tám chuyện với con bé bán hàng. Anh nhìn hắn qua cửa kính xe, điệu cười thô bỉ làm anh phát điên.
- Làm gì mà lâu quá vậy? - Anh hỏi khi cái thân hình nặng nề của hắn đã trèo lên xe, mùi lăn nách rẻ tiền trộn với mồ hôi thành ra một thứ chua chua khó chịu.
- Tao xin được số điện thoại của con nhỏ bán hàng rồi! - Hắn hởn hớ nói, giọng thâm hiểm.

Im lặng, anh cảm thấy mặt nóng bừng. Vít ga, lách trái rồi lách phải, anh làm chỗ lắp đặt máy tính, đi dây điện, chạy việc vặt, giao hàng. Chẳng có gì to tát hoặc lớn lao, khi ba mươi lăm tuổi nghiệp của anh đã dừng lại, lơ lửng ở lưng chừng trời và đất.

Ngay cả khi bị tiếng ồn ào đường phố nuốt chửng, anh vẫn thấy tưng tức trong lồng ngực, gần đây hay như thế. Lắm lúc anh lo sợ là triệu chứng của một căn bệnh quái ác nào đó mà báo chí vẫn hay nhắc tới.

Cha anh qua đời bởi một cơn đau tim, ông chết ngay khi đang làm việc, cheo leo trên cây cột điện cách mặt đất mười mét. Theo lời kể lại, thân thể ông được cái đai bảo hộ giữ lại lơ lửng giữa không trung, hai bàn tay buông rũ đung đưa theo gió. Chiếc mũ nhựa màu vàng rơi xuống, lăn lóc trên đường và bị một chiếc xe tải cán nát. Một người đồng nghiệp đã gom góp các mảnh vỡ lại rồi đưa cho gia đình.

Cái chết đột ngột diễn ra khi ông còn khỏe mạnh, không một dấu hiệu nào báo trước. Cha bị đánh gục và loại bỏ khỏi cuộc đời, dửng dưng và tàn nhẫn. Vài người nói ông bị lao lực, vài người khác thì cho rằng đó chỉ là xui rủi. Những người còn lại chẳng nói gì, họ quên đi.

Mọi thứ trước mặt như đang mờ dần, anh nheo mắt, một đám bụi thổi tới cay xè.
Liếm môi, những lúc như thế này anh thèm được vung kiếm.
“Khắp nơi hắn đi tới người người đều ngả xuống như rạ. Hắn đã giết vô số nhân mạng, nhiều không kể xiết. Dường như không ai trên cõi đời có thể làm địch thủ xứng tầm của hắn. Cũng vì vậy mà kiếm đạo của hắn dần đi vào cõi mênh mông, vô định…”.

Ngôi nhà nằm lọt thỏm giữa một cửa hàng hai mươi bốn giờ và cây xăng trên một con phố đông đúc. Đối diện bên kia là cái loa phường mỗi ngày đều đặn đọc hai bản tin sáng chiều bằng thứ âm thanh ồ ề chất lượng thấp của mình. Tiếng ồn bủa vây cả ngày lẫn đêm không lúc nào ngơi nghỉ, hơi xăng bốc lên nồng nặc làm mọi người nghẹn ứ cổ họng. Buổi tối, ánh đèn trắng từ bên ngoài xuyên qua cửa sổ. Trên bức tường phòng ngủ nhập nhoạng những chiếc bóng mờ của hai vợ chồng, nếu nhìn quá lâu vào chúng mắt anh sẽ hoa lên. Và rồi anh chẳng biết rằng những cái bóng hay chính bản thân mình đang di chuyển, hằn lên rồi phai nhạt theo một nhịp điệu bất tận.

Anh đi vào trong phòng khách. Chật chội và tối tăm, kể từ khi những ngôi nhà xung quanh được xây thì ngoài cửa sổ đã không còn ánh sáng. Đèn bật suốt  ngày và không gian luôn lờ nhờ những mảng màu xam xám.

Vợ anh đang đứng lên ghế, nàng nhón chân với tay lên thanh kiếm gỗ, dựa vào chân ghế là một cái khung tranh lớn bằng gỗ sơn màu đen bóng.

- Em làm gì đó? - Anh đứng sững lại hỏi nàng và chỉ tay vào cái khung tranh.
- À, anh về rồi hả? Em vừa mới được bạn tặng bức tranh, con Nguyên họa sĩ ấy. Nó nói tranh này để treo phòng khách hợp lắm, với lại cái cây kiếm này em thấy dẹp đi luôn là vừa, nhìn gớm chết.
- Đừng đụng vào! Để yên cây kiếm ở đó!
Nàng giật thót rụt tay lại.
- Anh sao vậy? Tự nhiên gắt lên làm gì?
- Trèo xuống đi, không được tháo cây kiếm.

 
image2
Minh họa: Vũ Đình Tuấn

Nàng nhìn anh, ánh mắt khó chịu. Một cái nhướng mày, những nếp nhăn hằn sâu trên vầng trán.
- Cái thứ của nợ này cứ treo mãi ở đây làm cái gì? - Nàng lên giọng.
Mặt anh nóng bừng, hai bàn tay siết chặt. Anh nhảy lên giật phắt cây kiếm và cầm chắc nó trong tay.
- Được rồi đó, giờ cô muốn làm gì thì làm. - Nói rồi anh cầm cây kiếm đi xuống dưới bếp.
- Xì, làm như quý giá lắm! - Nàng nguýt dài.

Rồi nàng treo bức tranh lên tường. Anh mở tủ lạnh tu một ngụm nước, sau khi loanh quanh một lúc anh quyết định cất cây kiếm trong tủ quần áo, đặt nó ép sát vào thành tủ.

Trước khi đóng cửa tủ anh nhìn chằm chằm cây kiếm một lúc, tự hỏi vì sao bỗng nhiên mình điên tiết với vợ. Hình bóng cha lờ mờ hiện lên trong đầu anh, có lẽ ông cũng đã từng phản ứng như thế khi có người động vào kiếm. Nghĩ tới đó anh rùng mình, hình như lồng ngực lại bắt đầu đau.

Bữa cơm nặng nề, nàng ăn qua quýt và không nói một tiếng nào; thỉnh thoảng lại trừng mắt lên nhìn anh. Mỗi lần anh cố gắng mở lời thì nàng lại tảng lờ. Đâu đó bên ngoài tiếng xe cộ vọng vào thành những âm điệu mơ hồ. Thằng con trai tám tuổi dường như chẳng hề để tâm đến xung đột của cha mẹ vẫn vô tư ăn uống.
- Cái ổ điện trên phòng con bị gì rồi ba! - Nó nói giữa bữa cơm trong khi đang nhồm nhoàm nhai một miếng thịt. - Cắm điện không vào được.
- Ừm, nó bị lỏng lâu rồi, hôm trước ba tính sửa mà…

Nói tới đó bỗng dưng anh khựng lại. Phải rồi, sao anh lại không sửa cái ổ điện nhỉ? Cũng gần cả tháng nay rồi còn gì, anh luôn tự nhủ khi đi làm là sẽ dành ngày cuối tuần ra để đi lại dây điện, có mất bao nhiêu thời gian đâu. Năm phút là xong. Thế mà anh vẫn không thực hiện được, thời gian đó anh đã dành để làm cái gì? Ngẩn người, bàn tay cầm cái chén lơ lửng trên không trung, mắt anh dại đi và mọi thứ bắt đầu tan lẫn vào nhau.
Hẳn là anh đã dùng để vung kiếm, có thật nhiều lí do để làm thế.

Ăn cơm xong nàng bỏ đi ngay qua nhà hàng xóm tán chuyện, còn anh vào phòng đứa con trai và sửa cái ổ điện. Thằng con ngồi trên giường lặng lẽ quan sát không nói tiếng nào. Phòng nó lúc nào cũng ngăn nắp và sạch sẽ; bàn học gọn gàng, tập vở được phân loại có thứ tự. Trên một bức tường là mấy cái giấy khen được đặt cạnh nhau; năm nào nó cũng đứng đầu lớp. Hồi bằng tuổi nó anh không được gọn gàng như thế, lại càng không học giỏi. Cũng chính vì điều đó mà lúc nhỏ anh bị cha đánh suốt ngày. Gần như sau bất kì chuyến đi xa nào ông cũng đè anh ra đánh. Khi thì bởi điểm thấp, lúc là do quậy phá, thỉnh thoảng bởi vì anh cúp học đi chơi. Thời xưa mọi thứ chỉ đơn giản như thế, người cha trở về đánh con mình một trận và rồi tới ngày mai thì đâu lại vào đấy.

Hình như có một lần, rất lâu rồi cha đã đánh anh vì cầm viết tay trái. Lúc ấy có lẽ anh chỉ mới đi học, anh còn không hiểu vì sao mình bị đánh. Cha dùng cây chổi lông gà quất mạnh vào tay trái anh cho đến khi những lằn đỏ hiện lên, tấy máu.
Anh chưa bao giờ đánh con mình, thằng bé luôn làm tốt mọi sự. Mà có lẽ dù nó có không tốt đi nữa thì anh cũng sẽ không đánh. Mọi sự đã khác rất nhiều so với thời anh còn nhỏ. Hơn nữa nàng nuôi dạy nó rất kĩ, chịu khó lên mạng tìm hiểu thông tin, đọc các bài viết và học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nguồn. Nàng còn tích cực tìm những chỗ học thêm uy tín để đăng kí cho thằng nhóc học.
- Em muốn nó lớn lên có tương lai một chút, chứ không… - Nàng bỏ lửng câu nói của mình.
- Ừ, anh cũng vậy. - Anh nói theo và không hỏi lại nàng định nói gì.

Chỉ có một đứa con duy nhất nên hai vợ chồng đổ hết tiền bạc vào nó, thằng nhóc lớn lên mà chẳng thiếu thốn điều gì.
Như hầu hết trẻ con ở thời đại này, thằng con trai anh sống khép kín trong thế giới riêng của mình, suốt ngày ở trong phòng sử dụng máy tính, lên mạng. Khi không dùng máy tính thì nó dán mắt vào điện thoại.
- Lúc này việc học của con sao rồi? - Anh hỏi theo thói quen khi đang dùng dao gọt phần vỏ nhựa của dây điện. - Con sắp thi học kì hai đúng không?
Im lặng, thằng con không trả lời. Một lúc sau anh quay lại thì thấy nó đang nằm dựa vào tường và nhấn điện thoại.
- Con! - Anh thầm gọi.

Thằng nhóc vẫn chẳng hay biết. Đó không phải là hỗn hào hay thách thức, chỉ đơn giản là nó đang mải bận rộn với công việc của mình.
Chẳng nói gì nữa anh lẳng lặng làm tiếp. Anh nghĩ về thanh kiếm trong khi siết ốc.
- Xong rồi. - Anh chép miệng và đứng lên, hệt như lúc đang làm việc.
Thằng nhóc reo lên một tiếng hớn hở và ngay lập tức nhảy lên cái ghế xoay và bật máy tính.
- Cảm ơn ba. - Nó nói mà không nhìn anh.

Lùi lại một bước, anh đứng ở ngưỡng cửa. Có cảm giác như thứ ánh sáng từ màn hình máy tính đang vây bọc đứa con anh, tạo thành một lớp vỏ mỏng xung quanh nó. Cái lớp vỏ mà anh không thể phá vỡ được.

Cầm thanh kiếm gỗ ra sân sau anh vung tay thật mạnh. Mỗi khi nàng đi tán chuyện là phải một hai tiếng sau mới về nhà, còn thằng con sẽ không rời khỏi phòng sau tám giờ tối. Thế là anh có thời gian và không gian để múa kiếm.

Anh nhảy lên, thanh kiếm kêu rít trong không khí. Cả người ngả ra đằng sau hết cỡ, thân thể uốn lượn như một con giun oằn mình. Mồ hôi tuôn ra, anh cười gằn. Anh nghĩ tới tên đồng nghiệp của mình, mùi mồ hôi và lăn nách rẻ tiền của hắn. Anh nghĩ về con đường buổi chiều đông nghịt xe cộ, hơi xăng bốc lên ngộp thở, về bức tranh mà nàng treo lên, cơn giận dữ mù quáng của mình, anh nghĩ về việc thằng nhóc nói cảm ơn mà không thèm nhìn ba nó.
Và rồi anh chém. Chém, chém và chém, anh chém điên cuồng!

“…Nhưng rồi hắn gặp phải một địch thủ xứng tầm, người cũng tinh thâm kiếm đạo như hắn. Hắn đã giao chiến với kẻ xa lạ kia không biết bao nhiêu hiệp, bóng kiếm như những tia sét lóe lên giữa nền trời quang đãng. Càng đánh hắn càng thấy địch thủ lạc lối hơn. Để rồi tới cuối cùng hắn không biết là mình là kẻ đuổi theo hay là người đang bỏ chạy. Vòng tròn ngày càng thu hẹp, hắn quay cuồng chới với. Như thể kẻ địch có cùng một thứ kiếm đạo với hắn và đọc được suy tư của hắn từ cõi sâu kín tâm hồn…”.

Tim anh đập dữ dội và đột nhiên dừng lại. Một cơn đau khủng khiếp bất ngờ xuyên thẳng vào lồng ngực. Anh đổ gục, chống một tay xuống đất, tay còn lại vẫn giữ chắc thanh kiếm và ôm ngực. Cả cơ thể lạnh toát, tay anh run lẩy bẩy. Trong một khoảnh khắc, anh nghĩ rằng mình sắp chết, một cái chết ngớ ngẩn với cây kiếm gỗ. Hình ảnh cái xác của cha đung đưa giữa cây cột điện hiện lên trong tâm trí. Lấy hết sức còn lại anh đấm thật mạnh vào ngực mình mấy cái và nằm ngửa xuống sân.

Cơn đau dần dần qua đi và dịu lại, anh cũng bắt đầu thở được.
- Mình bị gì vậy? - Anh thì thầm không thành tiếng.
Đứng dậy, vuốt mồ trên mặt anh vào nhà, nhét thanh kiếm vào trong tủ quần áo và đóng sầm cửa lại.
“Kể từ khi bị trọng thương phải bỏ chạy tìm đường sống, hắn không dám động tới kiếm nữa. Kẻ càng mạnh thì khi chiến bại nỗi sợ sẽ càng lớn, hắn giống như người trèo lên đỉnh núi cao để rồi bị rơi thẳng xuống vực thẳm. Đôi khi hắn ước rằng giá mà mình chết đi ngay trong trận huyết chiến để khỏi phải sống và bị đọa đày trong nỗi ô nhục. Từ đó hắn lang bạt khắp nơi, lẩn trốn tất cả…”.

Có tiếng loa phường vọng vào từ bên ngoài, bản tin buổi chiều được nói bằng cái giọng chứa đầy nhiễu tạp. Anh nhìn những người đang ngồi ở phòng khách nhà mình, ba tên đồng nghiệp và tay tổ trưởng trung niên mập phệ có hàm râu quai nón. Tất cả đều đang cười và nói một cái gì đó nhưng anh không nghe rõ. Có cảm giác như anh vừa thức dậy sau một giấc ngủ ngắn, ngay giữa buổi nhậu nhẹt tại nhà mình.

Cúi xuống anh nhìn mớ đồ ăn được bày la liệt trên nền nhà, một miếng chả lụa cắn dở nằm chỏng chơ dưới đất. Két bia, xô đá và những cái li. Bộ bàn ghế ngày thường dùng để tiếp khách đã bị đẩy gọn vào một góc. Quang cảnh bề bộn và hỗn loạn. Anh nhìn thấy một hình ảnh lờ mờ trên bàn tay mình.
- Cái quỷ gì thế này? - Anh lầm bầm.
Vừa lúc đó một bàn tay nặng trịch đặt lên vai anh, gã tổ trưởng thét lác gì đó với giọng lè nhè của người say. Mỗi khi uống vào là gã lại như thế, toàn nói những điều lung tung vô nghĩa.
- Hôm nay mày bị gì vậy? Cứ im re. Bệnh hả mày? - Một tay đồng nghiệp hất cằm về phía anh.
Tay hắn đang cầm li bia, theo quán tính anh cũng cầm li của mình. Một tiếng hô rồi cả đám rào rào uống cạn.

Mỗi tháng một lần anh có nhiệm vụ phải tổ chức một bữa ăn nhậu cuối tuần, đó là quy định của tay tổ trưởng. Mỗi tuần một đứa trong tổ phải chủ chi một bữa, cứ thế xoay vòng tất cả các ngày trong năm. Tay tổ trưởng là tạng người thích ăn nhậu và luôn ép buộc người khác phải ăn nhậu cùng mình. Cả đám trong tổ đều ngầm hiểu rằng quy mô những bữa ăn nhậu cuối tuần sẽ quyết định giá trị của mỗi người.

Anh đứng lên gắp đá và rót bia cho từng người, đúng lúc đó thì nàng chở thằng con trai về sau giờ học thêm tiếng Anh. Nàng bước vào cùng thằng nhóc, lãnh đạm nhìn quanh một lượt rồi nở một nụ cười cho phải phép.
- Chào mấy chú mấy bác đi con.
Thằng nhóc gật đầu khoanh tay thưa, nó biết mặt tất cả và trịnh trọng nhắc tên từng người sau mỗi câu chào. Chào xong hai mẹ con rút vào nhà sau. Anh ngồi xuống.
- Thằng con mày lễ phép quá, nhỏ con gái của tao cạy miệng nó không ra được một tiếng chào. - Một tên đồng nghiệp nhận xét.

Anh mỉm cười gật đầu. Rồi anh nhận ra thằng nhóc chào tất cả mọi người nhưng lại không chào anh. Lần cuối cùng nó chào anh là khi nào nhỉ?
- Do con vợ biết dạy thôi, chứ nó đi làm suốt ngày đâu có thời gian.
- Ừ, kiếm được con vợ tốt ở thời buổi này cũng khó lắm chứ chẳng chơi.
- Mẹ, con vợ của tao thì tao thua rồi, càng nhắc càng chán. - Giọng gã tổ trưởng ồ ề vang lên.
Cả đám cười hề hề, vài đôi mắt nhấp nháy một cách mỉa mai.

Anh thấp thoáng thấy hai mẹ con đứng sau bếp nhìn ra, hai đôi mắt trống rỗng mở to, vô cảm. Bàn tay anh siết chặt lại, mặt nóng bừng. Lại cái cảm giác đó, khi vợ tháo cây kiếm xuống và treo bức tranh lên. Khi tên đồng nghiệp bắt anh phải đợi, mùi mồ hôi và lăn nách rẻ tiền, hơi xăng choáng ngộp, tiếng ồn từ cái loa phường.

Những lúc như thế này anh thèm được múa kiếm, nhưng đã hai tháng rồi anh không động tới kiếm nữa. Nó vẫn nằm im trong tủ quần áo, cạnh mấy bộ sơ mi được nàng gấp lại gọn gàng.

Bao giờ giải quyết xong hiệp một thì tay tổ trưởng cũng rủ rê đi tiếp hiệp hai, có khi cao hứng hắn sẽ nhậu nhẹt thâu đêm, để rồi ngày mai tới chỗ làm miệng mồm nồng nặc hơi men.

Cả đám chạy xe ra quán cách nhà chừng mười cây số, anh cảm thấy gió man mát lùa qua hai bên mặt mình. Hơi men làm mọi thứ trở nên mờ ảo, cả người anh như sắp ngả hết ra đằng sau.

Cuộc nhậu nhẹt tiếp diễn trong cái quán nằm giữa một khoảng đất trống, dưới ánh đèn vàng vọt là hàng chục cái bàn nhựa nằm cạnh nhau và tiếng hò hét của một đám đông tạo thành một chuỗi âm thanh bức bối. Anh gãi đầu soàn soạt rồi nâng li lên.

“Kiếm, hãy cầm kiếm. Kiếm là sinh mệnh, kiếm là con đường”.
Giật thót, anh mở mắt ra. Điện thoại rung lên trong túi quần, tin nhắn của nàng.
“Hai mẹ con em ra ngoài ăn tối, lát nữa nếu anh về trước thì cứ đi ngủ đừng chờ.”
- Tao có việc bận đột xuất rồi. - Anh lắp bắp mắt vẫn dán vào màn hình điện thoại. - Để… để hôm khác nhé. Tao phải…
- Mày bị gì vậy?
- Tao phải về bây giờ. Có… có chuyện ở nhà, tao phải về ngay.

Cả bốn khuôn mặt ngước lên nhìn anh ngơ ngác, trong một giây tất cả đều im lặng.
- Có chuyện gì vậy?
- Mặt mày xanh lét rồi kìa!
- Bữa khác sẽ nói… tao phải về, tao về.

Ngôi nhà tối tăm không một bóng người, anh với tay mò công tắc đèn. Đồ ăn thức uống vẫn nằm la liệt dưới sàn nhà, những cục đá đang tan dần trong xô. Một cái li bị đổ, bia tràn ra ngoài và chảy thành một vệt dài. Anh nhìn lên bức tranh ở phòng khách, khu rừng đang thay lá, có một màng màu đỏ ối trong những tán cây tựa như máu.
Anh muốn vung kiếm, anh phải vung kiếm.

Chạy lên phòng ngủ anh mở tủ và lôi cây kiếm ra. Rút kiếm ra anh vứt phăng cái vỏ xuống đất, miệng rít lên như một con thú đang gầm gừ. Vừa tới sân sau, anh dồn hết sức quật thẳng một phát về phía trước, cảm thấy hàm răng mình đang nghiến chặt vào nhau. Một nỗi khoái chí tràn qua tâm trí anh.

Anh chạy vòng quanh sân, anh nhảy lên, anh cúi xuống. Ngả ra trước, ngả ra sau. Anh vung vẩy hai tay, anh đá chân. Anh tự do.
Kiếm cho anh tự do.

Và rồi cơn tức ngực lại bắt đầu, anh mặc kệ nó và vẫn vung kiếm. Hai bàn tay anh lại lạnh toát, thân thể run lên. Cơn đau ngày một dữ dội, anh không thở nổi nữa. Nhưng anh vẫn vung kiếm. Anh nghĩ tới cái chết, anh nghĩ về cuộc sống mà mình đang có và vung kiếm.
Rồi anh gào lên, há miệng hết cỡ mà gào.

“…Và rồi chính trong khoảnh khắc mà sinh tử chỉ cách nhau một đường tơ kẻ tóc, hắn nhận ra địch thủ phía trước chính là bản thân mình. Đó là dư ảnh của hắn. Đột nhiên hắn hiểu ra tất cả, kiếm đạo của hắn rốt cuộc đã bắt kịp bản ngã của hắn, hắn chính là cừu địch lớn nhất của hắn. Để tìm cái sống hắn phải giết chết chính mình. Nghiến răng hắn lao tới, mà cũng như đang quay đầu bỏ chạy. Kiếm quang vùn vụt tỏa ra như một bông hoa muôn vạn cánh bùng nở. Hắn đang chém kẻ thủ thành vạn mảnh và bị kẻ thù chém lại. Thành bại được phân định chỉ trong vòng một sát na...”.

Dùng hết sức, anh rướn người vung mạnh kiếm, phạt ngang một đường. Một tiếng “rắc” vang lên, thanh kiếm gỗ gãy làm đôi. Lưỡi kiếm bắn ra quay tròn trong không trung rồi đập vào bức tường. Thân thể anh theo quán tính xoay thêm vài vòng nữa rồi rơi phịch xuống đất.

Ngửa mặt lên, anh thở hồng hộc, người nhằng nhịt mồ hôi. Cơn đau đang dịu lại dần. Bàn tay anh giơ lên, cây kiếm chỉ còn lại cái chuôi và một đoạn ngắn cũn. Anh nhìn kĩ phần còn lại của thanh kiếm, bên trong là một thứ bột gỗ màu nâu đỏ mịn màng.

Kiếm quý thật nhưng đã bị ăn ruỗng từ bên trong.

Anh cười lớn và rồi không hiểu sao nước mắt lại chảy ra, anh khóc.
  
Đ.Q.V
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)