Quẩn mãi bóng người

Thứ Ba, 10/04/2018 00:15
 Truyện ngắn dự thi. LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG

Tết Trùng cửu, Thanh gọi tôi, giọng anh vẫn ấm như tuổi đôi mươi hôm nào. Anh về Huế rồi, Vân à! Giọng anh xa xôi, anh đã trở thành một kí ức đóng băng, lâu rồi tôi không mở ra. Từ ngày anh đi biệt xứ, mọi thứ đã ngủ yên như một vết chàm buồn. Thanh bảo muốn gặp tôi trên núi Ngự Bình như ngày nào hai đứa yêu nhau. Anh về thăm Huế và rất khó một mình uống hết cút rượu làng Chuồn. Nửa chiều, tôi chạy vào Thành Nội tìm anh. Gặp lại Thanh, bóng người cũ vẫn mờ nhạt tựa hồ lớp sương mỏng dưới sông sau mỗi cơn mưa hạ. Sương mặt sông chập chờn đổ vỡ, là anh trong mớ kí ức vơi cạn đáy bờ. Tóc anh bây giờ dài quá nửa lưng, râu ria thả lửng như một đạo cốt.

“Sao anh thành ra thế này?”. Mắt Thanh lóe đỏ bí ẩn khiến tôi giật thót mình. “Có ổn không anh?”. Thanh bảo ổn, rồi vừa đi anh vừa kể nơi đó có những tàn tuyết rơi giữa mùa đông. Thỉnh thoảng, mắt anh từ đó nhìn thấy trăm sự đời này, cả quá khứ lẫn tương lai. Tuyết ở trời Tây dù sao cũng hay hơn mưa xứ mình. Không ướt át, khối kẻ mơ ước được đi cùng người yêu trong tuyết.

Chẳng phải anh cũng đã từng ước hai đứa mình ngày nào đó cùng nhau nắm tay đi qua sông Seine, hồi hai đứa còn đi với nhau dưới mưa Huế cả trăm lần.

Thanh dừng lại, vẻ bàng hoàng. Hôm qua, anh mở mắt thấy em đi theo những đám mây về núi Ngự Bình. Anh chợt nhớ em, nhớ Huế, cùng anh lên đó, giữ núi. Sao anh vớ vẩn vậy được. Dở hơi. Tôi làu bàu. Thanh bảo, cuộc đời vô thần là cuộc đời vô lối. Anh sẽ giẫm đạp lên những sự hồ nghi, sẽ xóa tan những định kiến như thể hành động bản năng của một con vượn. Tôi nói, anh đã bao giờ tường tận quá khứ đâu, như Ngự Bình này, án ngữ kinh thành và những bước chân vua có bao giờ lên đặng. Thanh nói, dứt khoát, anh sẽ cho em xem những tấm thẻ bài kí ức của chúng mình năm xưa.

Chúng tôi ngồi im lặng và Thanh bắt đầu lấy một tấm thẻ màu trắng, xoa xoa giữa lòng bàn tay rồi kể: Hai người nắm tay nhau đi song song. Hai người là một, như nam châm, cực Nam cực Bắc. Từng nốt nhạc rơi vãi dọc con đường. Vô số bông hoa cười chào. Sau một quãng đường đủ dài để một con ngựa dừng lại ăn cỏ, họ buông tay nhau ra. Đó là hai con người cụ thể, tiếp tục đi trong câm lặng. Lá cành rủ xuống những nơi họ qua. Trên trời, đàn quạ kêu dáo dát. Họ đi trong câm lặng…
Chuyện này là sao?

Tôi hỏi lại, chẳng hiểu anh đang muốn kể về điều gì. Thanh nói, ngày xưa Ngự Bình là một thắng cảnh nên thơ, một trong Thần kinh nhị thập cảnh. Nơi đây, triều đình nhà Nguyễn đã cho xây một hệ thống bậc cấp bằng đá từ chân lên đến đỉnh để cho vua quan và dân chúng đỡ hao sức khi leo núi vãn cảnh. Giờ chẳng thấy cái bậc đá nào. Khốn nhỉ. Thanh hậm hực. Biến động. Chiến loạn. Vật đổi sao dời. Người ta lật đá đem về xây nhà hết rồi cũng nên. Thanh bảo, xưa các văn nhân mỗi lần uống rượu được phép đánh ngựa lên tới đỉnh núi. Ngồi giữa cỏ hoa thơm thảo, vi vu rừng thông, nhấm chút men nồng, buông sầu lên giấy hỏi còn thú gì bằng. Rồi chúng tôi giẫm lên những đám cỏ dại lún phún nước. Trời như mơ, ánh nắng chiều mờ nhạt đến thẫn thờ trong đám lá thông. Chân bước trên đất xào xạc cả những thăng trầm đây đó tỉ tê. Mùa này thông đã khô, có những túm lá đậu trên những cành già như những cái tổ nhỏ. Tôi thèm màu phấn thông vàng đầu hạ, trát lên vẻ ngây dại thuở xưa đâu đó trong tiếng thông vi vu. Thanh đi thế nào ngã đánh oạch xuống một hố đất nhỏ. Thanh lồm cồm bò dậy, bình rượu văng ra một đoạn, nắp mở, rượu làng Chuồn tỏa ra mùi hương ngây ngất vấn víu cả một vạt cỏ hoang. Tôi lại nhặt lên. Thanh xuýt xoa, chao ôi, giọt tinh túy. Tiếc quá. Ban cho cỏ một chút say mà cũng tiếc ư. Tôi vặn đùa. Thanh tần ngần. Ngồi tạm đây, bên miệng hố này. Thanh mở túi trải một tấm bạt nhỏ ra cỏ, lại lấy rượu và li để cả ra đấy. Tôi hí húi mở bì lạc rang còn hâm hẩm. Ngồi xuống nhé.

 
ng anh minh
Minh họa: Nguyễn Anh Minh

Thanh rót một li đầy. Thanh uống, tôi nhìn.
Thanh nâng lên rồi hạ xuống tưới một vạt quanh chỗ ngồi. Tôi nghe tiếng ngựa chạy lách cách đâu đây. Cả tiếng ai đó ngâm nga giữa bạt ngàn gió Ngự Bình. Em nghe thấy gì không. Tiếng ngựa, tiếng ngâm thơ ấy. Tôi im lặng không nói gì. Chắc Thanh nghĩ tôi cũng nghe như anh ấy. Thôi cạn chén nào. Anh uống một mình chứ em làm sao uống. Thanh nhấp một chén rượu làng Chuồn, hương sập kín mũi, thực quản giãn ra, cả chiếc lưỡi sững lại cho vị rượu ươm say từng tế bào. Mùi đồng nội vương vấn. Thanh thoáng rùng mình hít hà. Tôi nhăn mặt. Cơn say ộc đến như phong kín Thanh, đất trời, thông, gió Ngự Bình trong thoáng giây. Trong hơi rượu tôi nghe tiếng ngựa chạy, lập cập qua từng con dốc. Tiếng quất roi đằm phi nước kiệu, tà áo văn nhân lẫn trong cành thông, xanh sắc trời biếc. Vua bước ra từ chiếc ngự xa, thư thái cất gót theo lối bậc đá hai bên cờ quạt uy nghi giữa tiết thu se sắt. Gió mây la đà kết nên áng thơ ngập ngụa lối thông. Lên đến đỉnh non, quan binh ba lần tung hô vạn tuế. Trùng dương giai tiết, cúc rực Tử cấm thành, vua ngự giá về Nam đón hương đất trời thay sắc. Tiệc rượu bày ra, trầm xông nghi ngút. Mây từ đâu tấp về, cảnh như thiên thai, muôn người lòng trải lòng cùng trời đất.

Đoàn binh tiến lên núi. Từ trong những lùm cây, mười một lính Ngự Lâm quân mặc áo đen cung gươm sẵn sàng hộ giá. Vua nhìn trời Nam thương cảm, lại nhìn trời Bắc căm phẫn. Tôi và Thanh ngồi uống rượu giữa một rừng người bảo vệ, đưa rước đấng quân vương. Tôi say ngư ngất hỏi Thanh, anh đang chơi trò gì vậy. Chẳng phải em muốn trông thấy người xưa, thấy dung nhan vua chúa đó sao. Tôi miên man trôi. Thanh bỏ chén rượu xuống, bỗng nhiên ôm chầm lấy tôi. Anh vẫn nhớ em, vẫn yêu em như ngày nào. Tôi hững hờ. Những kí ức của em về chúng ta đã bị xóa hết rồi anh à. Đừng nghĩ về nhau trẻ con như vậy. Hãy buông nhau ra. Thanh trầm ngâm rồi nói theo một ngọn gió thổi qua núi. Một cộng đồng dân cư, một thành phố, một quốc gia đều có nhu cầu lưu giữ những kí ức, vì lỡ những điều đó bị xóa mất hoặc làm lệch lạc đi, con người và cả cộng đồng sẽ đánh mất căn cước của chính mình. Huống hồ là chính chúng ta, Vân à. Tôi cương quyết, em muốn xóa, tất cả chúng không hữu ích gì cho chúng ta. Kí ức về anh, về tình yêu của chúng ta là sự đau đớn và thất bại nhất đời em. Tuổi trẻ của chúng ta đã nằm trong những áo quan nước mắt.

Thanh không buồn tranh cãi với tôi nữa. Anh lại lục túi xách, lấy thêm một tấm thẻ bài màu xanh lá cây. Em còn nhớ chuyện trồng thông của chúng ta trên ngọn núi này không. Thanh xoa vào lá bài.
*
*    *
Tôi nhớ ngày xưa cùng các bạn trong trường phải hoàn thành kế hoạch trồng bảy mươi lăm nghìn cây thông trên núi Ngự Bình. Sau chiến tranh, núi Ngự vắng bóng thông, lẽ vì khói lửa, bom đạn. Hồi ấy, đứng từ xa nhìn Ngự Bình tội nghiệp, lởm chởm như một bức bình phong cũ nát trước nhà viên Thượng thư Công bộ xóm tôi. Trồng thông trên núi cũng không phải là khó, ai vụng nhất cũng trồng được năm, mười cây trên những triền núi thấp. Hôm ấy lên Ngự Bình trồng thông, gió rừng thổi về rất mạnh. Thầy cô chủ nhiệm sợ học sinh bị lạc giữa đồi núi nên quản lí rất chặt. Thanh hồi đó lầm lì, ít nói, còn tôi lớp phó học tập, nói nhiều nhí nhảnh nên được cô thầy giao đi kèm, sợ có lạc, có ngã thì cũng có người kêu giúp. Tôi hỏi thầy, sao bạn Thanh ít nói vậy. Thầy bảo, Thanh mồ côi, ba mẹ bạn ấy chết trong chiến tranh, bạn ấy luôn buồn, cả lớp phải thương bạn ấy. Tôi đi theo Thanh vì sợ cậu ấy lạc. Vẻ bí ẩn của Thanh thu hút tôi, Thế mà Thanh lạc thật, lạc mãi vào tận chùa Tra Am kéo theo sự lạc không thể hiểu của tôi. Tôi hỏi, mình đi đâu hả Thanh. Đi vô chùa. Vậy, bạn không trồng thông à, thầy cô biết đuổi học đó. Thanh im lặng.

Chùa Tra Am nhỏ, nằm sau lưng núi Ngự Bình. Muốn đến chùa phải đi theo con đường đất đỏ, chạy sau lưng núi từ phía An Cựu, rẽ qua trái, băng qua một dòng suối, đi ngang trước nghĩa trang của gia đình họ Nguyễn Khoa, nép theo các hàng tre xanh dẫn đến cổng chùa. Ngôi chùa này cũng như bao ngôi chùa ở Huế, có vườn mít, chuối, chè xanh, có một hàng trúc cao bao bọc. Chùa vách xây, mái lợp ngói âm dương, sân chùa lát gạch, bên trong chánh điện tráng xi măng. Phía sau chùa khoảng trăm mét, có ba ngôi tháp của các vị trụ trì đã viên tịch. Sương chiều bấy giờ buông xuống sau sườn núi Ngự Bình, cảnh non xanh sương khói mơ màng khiến lòng tôi thanh tịnh. Thanh ngồi ở cổng chùa ngắm sương che lần lần vết tích của những bóng cây xanh. Và khi tiếng chuông công phu chiều vừa chấm dứt, hai chúng tôi lẩn thẩn bước vào chánh điện. Thanh lạy Phật ba lạy, lui hậu điện lạy tổ ba lạy, cứ ở đâu có tượng Phật, Bồ Tát, các vị La Hán, Thanh đều gập mình cung kính. Tôi đi theo Thanh không bỏ sót tượng nào.

Trời nhá nhem, Thanh ngỏ ý sư trụ trì cho ở lại hưởng cảnh thiền môn. Sư trụ trì thấy hai đứa học trò hiền lành thì đồng ý ngay, chắc thắc mắc cớ vì sao có một cô gái theo cùng. Một chú tiểu đứng bên, đầu để ba chỏm nói như đùa: “Trong chùa lúc này có cặp rắn khổng lồ dưới đất của các ngôi tháp, vào đợt công phu lúc ba giờ sáng thường hay bò vào chánh điện để nghe kinh, xong thời kinh lại bò về hang xuống tháp. Các vị ở lại nên cẩn trọng, tránh kinh động”. Hai đứa nghe như đùa. Tôi hỏi tới hỏi lui có phải thật không. Thanh bảo, thật đấy. Rắn cũng tu mà. Sư trụ trì bảo rằng: “Chùa chiền là nơi thanh tịnh để chúng sinh tìm đến tu tập, nay chúng sinh đã đến đây tu hành nghe kinh thính pháp, mà đuổi họ đi thì không hợp đạo lí, hơn nữa họ không làm gì hại đến ai cả, vả lại muốn đuổi họ đi, thì không ai có đủ sức đuổi họ, hãy chờ thời công phu sáng quý vị sẽ thấy họ và chứng kiến sự hiền hòa của họ”.

Tôi hỏi, Thanh còn nhớ ông Dài và ông Cộc không. Thanh nói như mới hôm qua, nhớ chứ, chính họ đã khai thị cho mình mà.

Đêm đó, tôi nằm trên giường nghĩ miên man, ngủ hồi nào không hay, đến khi nghe tiếng đại hồng chung ngân vang tôi mới thức giấc, xem đồng hồ thì đã ba giờ rưỡi sáng. Tôi qua buồng gọi Thanh dậy. Buổi công phu sáng cũng đã bắt đầu. Tiếng chuông đại hồng kèm theo tiếng niệm danh hiệu các vị Phật của chú tiểu sa di vừa chấm dứt, các đèn dầu và nến được thắp sáng trưng chánh điện. Sư trụ trì đắp y hậu chỉnh tề, bước lên chánh điện để niệm hương thỉnh Phật. Chuông mỏ ngân vang trong đêm thanh vắng. Độ năm phút sau, khi chúng tôi còn ngồi xổm trên giường tre, bỗng nghe những tiếng đập bạch bạch dưới nền chánh điện. Qua ánh đèn dầu, một con rắn to, thân hình tròn, óng ánh xanh như một ống tre luồng, trên đầu có một cái mồng đỏ như mồng gà trống ngả sang một bên, giống như đội mũ ca lô trên đầu. Tôi sợ chết khiếp, hồn vía bay đi đâu mất. Các sư niệm Phật liên hồi. Tôi bắt chước niệm theo. Hồi hồn lại mới biết, tiếng đập bạch bạch dưới đất là do cái đuôi rắn đập xuống nền khi di chuyển. Tôi để ý phần cuối của đuôi chú rắn này bị cụt. Tiếp theo sau là một con rắn khác thân hình đen nhánh, dài độ hai mét rưỡi nhưng cái mồng đỏ trên đầu thì nhỏ hơn và đứng thẳng đang bò vào, nhẹ nhàng, ít tiếng động hơn. Bò qua cửa xong, hai con chia làm hai hướng, tiến thẳng về phía chánh điện, leo lên bàn thờ, và quấn tròn mỗi con một bên, gác đầu lên mình, nằm nghe kinh. Đứng xa ngó vào, người ta có cảm tưởng như hai chồng vỏ xe hơi đắp lên nhau. Tôi lạnh cả gáy, chỉ dám nhìn he hé. Thanh chẳng tỏ phản ứng gì, tâm trí cậu treo đâu đó trong Đại hùng bảo điện thơm ngát hương trầm. Các sư cũng chẳng mấy bận tâm, tụng kinh gõ mõ suốt hai tiếng đồng hồ. Sau này khi hỏi tại sao một cặp rắn mà con ngắn con dài, hai mồng trên đầu lại khác nhau, người trong chùa giải thích rất trịnh trọng, bằng cách gọi hai con rắn ấy là “ông Dài” và “ông Cụt”. Ông Cụt là con rắn đực, có mồng lớn, ông Dài là con cái có mồng ngắn. Đôi rắn đó là vợ chồng, ngộ đạo nên đến Tra Am nghe kinh, tu tập. Đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ in những tiếng gáy như của gà tre, là tiếng gáy của ông Cụt trong đêm ngụ lại Tra Am.

Và nhớ Tra Am là nhớ để quên. Tôi rảo bước trước Thanh, lên thật cao trên kia. Núi giờ dựng hơn xưa, đi phải nhoài người về phía trước, chân bấm lên đất, lên cỏ. Tôi nghe tiếng chân Thanh trong gió lạch bạch như tiếng đuôi Ông Cụt. Càng lên cao Thông càng mọc thẳng, rễ đâm vào đất những nhát sống mạnh mẽ. Tôi ngoảnh về phía đông, những đám mây con lững lờ trôi theo gió chiều. Cả thành phố chợt mờ nhạt đi trong cái màu thủy mặc hiếm khi. Một vạt cỏ bằng đã đợi chúng tôi. Một gốc thông già cành cong khúc khuỷu như tranh Thạch Đào để treo những thứ mang theo và che hai cái hồn lãng đãng, treo giăng những tấm thẻ bài kí ức.
Thanh lại lấy ra một tấm thẻ bài màu hồng.
*
*   *
Anh sẽ ra đi. Xứ Huế buồn quá, Vân à. Anh đi đâu. Anh bỏ em một mình ư. Tôi cầm bàn tay Thanh đặt hờ lên trán tôi. Bàn tay lạnh. Nhưng tôi tin con tim anh không giá băng. Tôi nhắm mắt. Anh vào cùng gió, anh đến cùng mây. Anh nắm tay tôi như sắp bước qua một thế giới đầy giá băng bám víu lấy tôi. Bàn tay tôi cũng đóng băng, tôi không thể nắm chặt. Tôi lạnh. Một hơi ấm trùm lên tôi. Thanh bảo, anh thích đắm đăm ngắm nhìn tấm thân ngà ngọc của tôi nhịp nhàng, uyển chuyển dưới ánh nắng vàng khi đi trên núi Ngự. Đôi tay trần chắp sau gáy như muốn khoe với thế nhân, đây là tuyệt tác của hóa công. Làn tóc mây, óng lên màu nắng, phất phơ buông thả phủ nửa kín, nửa hở đôi vai trần của giai nhân. Tôi cười hạnh phúc. Anh nằm bên tôi, ấm nóng lạ kì. Da thịt anh ủ ấp cho tôi, đang từng hồi run rẩy. Tôi chìm vào sương mù của một mặt sông lặng. Thanh hôn khắp người tôi, hôn đến đâu áo quần trên người tôi nằm xuống đất. Anh dùng miệng mở từng nút áo. Anh không bỏ Huế đi nữa chứ. Tôi hỏi. Thanh im lặng. Rồi anh nằm phủ lên tôi, truyền hơi ấm sang cơ thể đương rạo rực thanh xuân. Anh đi nhẹ vào tôi, lấp đầy những khoảng trống hồ hởi chờ đợi và tuyệt nhiên không có một dự liệu nào. Một chút kháng cự nhỏ của thứ thành quách còn sót lại sau một cuộc chiến kéo dài. Mồ hôi tôi túa ra. Nóng. Chật chội. Khai mở! Em mãi là của anh. Đừng xa em!

Anh còn nhớ chuyện đó không?
Anh buồn buồn nhìn tôi. Xin lỗi em! Anh không phải là thằng đàn ông của gia đình, của bổn phận. Tôi không biết phải nói gì nữa, đưa mắt ngắm quang cảnh xung quanh. Những cây thông nhỏ như chân chim sơn ca thuở nào chúng tôi cầm trên tay bây giờ đã lớn. Tàng cây xanh như mái tóc thề che phủ cả phong sương. Tôi lặng lẽ ngồi dựa dưới bóng thông chiều. Những bóng cũ mường tượng trước mắt, đi đi về về. Chiều nay, đã có những em bé nghèo đi hốt rác lá thông thấp thoáng dưới chân đồi. Tôi nghe như còn tiếng ngâm thơ nhè nhẹ của Thanh ngày mới yêu nhau, hai đứa nhìn nhau muối mặt buồn!. Thanh à, tuổi trẻ chúng mình trôi qua nhanh quá. Xưa gió núi xao xác về thổi bay tóc mây của học trò, bây giờ đã có những lá thông đã phủ xanh khoảng trời ngày đó.

Anh sẽ thay đổi, Thanh nói, rồi lấy ra một cây bút sắt, chích ngòi bút vào ngón tay đeo nhẫn, máu ứa ra giọt. Thanh viết máu lên thẻ. Tấm thẻ hồng nhuộm thành màu đỏ.

Tôi mơ cảnh đám cưới sau đó. Tôi mặc áo dài màu đỏ, Thanh mặc áo dài xanh, khăn đóng. Ba mẹ tôi đứng bên trái, ba mẹ Thanh đứng bên phải. Có mâm ngũ quả, có lồng đèn và cơ hồ bánh kẹo, trà nước. Đêm tân hôn, chúng tôi quấn nhau không rời và quấn nhau mãi cho đến khi sinh hạ được ba đứa trẻ bụ bẫm, xinh xắn. Thanh đứng bên hiên, uống nước trà, vuốt má tôi, ngắm các con vui đùa trong sân. Tóc tôi hồi đó xõa, dập phồng, y như ca sĩ Ngọc Lan. Thanh bảo, em mãi đẹp nhất trong lòng anh.
Nhưng mà, anh còn nhớ vụ thông Ngự Bình sau đó nhà trường đã phạt chúng ta như thế nào không?!
*
*    *
Quay về thực tại, tôi hỏi Thanh có nhớ đôi rắn tu ở chùa Tra Am không. Thanh gật đầu. Anh biết gì. Thanh bảo với tôi, giọng rất giống một người thâm cội bồ đề. Trong các kinh Phật, rắn là một trong Thiên Long Bát Bộ, là tám loại chúng sanh nguyện phát tâm bảo vệ chánh pháp, hộ trì Tam Bảo. Rắn biết nghe kinh, thính pháp, tu tập hành trì, nên tâm linh của họ thăng tiến. Và qua một thời kì tu tập lâu dài vài nghìn năm, cũng có thể tiến hóa từ động vật, súc sanh đến quả vị loài người, và từ cõi người lên các cõi chư thiên, hay quả vị giác ngộ và thành Phật. Ngày trước, khi đức Thích Ca đang tu khổ hạnh, ngồi dưới cội Bồ Đề, trong dãy Tuyết Sơn, có nhiều ngày bị mưa lũ hoành hành các thần rắn đến quấn quanh mình Ngài, dùng bảy đầu xoè ra che cho Ngài khỏi bị ướt. Tôi gật gù. Chuyện đó hay thật. Sao Thanh không đi tu, để kí ức sẽ trở thành thanh tịnh. Vân sẽ không đau khổ nữa. Vân sẽ là ông Dài, Thanh là ông Cụt, mình sẽ cùng sống trong hang tháp chùa Tra Am.

Thanh lục túi tìm thẻ bài, nhưng không còn tấm nào nữa. Cũng như anh chẳng còn nhớ đã nói gì trong ngày tạm biệt tôi vào chiều mưa Huế lâm râm con đường Nguyễn Trường Tộ. Anh đã nói dưới bóng cây long não rằng, đừng bao giờ níu kéo một ai cả. Đơn giản vì khi người ta muốn ở lại, có đuổi thế nào cũng không đi. Nếu người ta muốn đi có giữ thế nào người ta cũng không ở lại. Anh đi nhé! Nói vậy là tàn nhẫn anh biết không!?

Tôi hỏi Thanh còn tấm thẻ bài kí ức nào nữa bỏ cả ra đi. Như một giễu cợt. Anh cứ bỏ ra hết, bôi xóa hết để kí ức trở nên lung linh theo cách anh muốn. Kí ức chỉ thay đổi khi chúng ta nghĩ khác về nó thôi nhưng thực tại không thay đổi. Anh và em vẫn mãi cách xa nhau. Thanh xuân em dành hết cho anh. Anh bỏ em. Chúng ta không có đám cưới. Chúng ta chưa bao giờ sống cùng với nhau dưới một mái nhà. Chúng ta không có ba đứa trẻ. Chúng ta không là gì của nhau cả trong phần đời còn lại này. Nếu có thể hãy là Cụt, là Dài trong chùa Tra Am thôi anh.

Khi tôi nói hết lời, nước mắt chảy tràn cả mặt. Tôi ngẩng đầu lên để tìm Thanh nhưng anh đã không còn đó nữa. Gạt nước mắt bao năm khóc quẫn, tôi thẫn thờ xuống núi. Dọc đường vô tình nhặt được những trang nhật kí của mình, những trang nhật kí xanh, trắng, hồng... và cả tấm hình Thanh nữa. Tấm hình tôi nhờ người chụp lại trên bia mộ của Thanh tại Chambéry nước Pháp. Thanh xanh xao, vàng vọt, ánh mắt ơ hờ nhìn dõi đâu đâu. Thanh trong hình không phải Thanh của tôi hôm nào. Vì vậy, ngày ngày tôi tự tạo cho mình những hình bóng Thanh khác nhau, ở Ngự Bình này... 
 
L.V.T.G
 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)