Đi dưới mặt trời

Thứ Hai, 23/04/2018 00:47
Truyện ngắn dự thi. NGUYỄN HẢI YẾN
 
Vi tỉnh dậy nghe thời gian mơ hồ đã bước qua trưa. Cái yên tĩnh nhờ nhợ buổi sáng bắt đầu keo quánh lại, cô không khí thành một khối nham nháp dính, chạm vào da thịt chỗ nào mồ hôi rỉ ra đến đấy. Mồ hôi có mùi rãnh nước thải đang lờ đờ chảy ngay dưới chỗ Vi nằm. Chỉ cần ghé mắt nhìn qua khe hở những tấm gỗ ghép sàn là thấy. Cách một với tay thôi. Nếu lật thanh gỗ mọt này lên, nhoài xuống là chạm tay vào nó. Hơi nóng bốc lên ngùn ngụt từ đó chứ không phải trên đầu. Nắng trưa rọi xuống dòng kênh đặc quện. Nước đen dưới mặt trời cũng thăm thẳm, lấp lánh như gương.
 
Vi xoay ngửa người, cố mở mắt, nhìn vô định lên cái trần nhà cũng chỉ cách mình một sải. Sau lần nilon lót, nước vẫn loang thành vệt. Có tiếng lộp cộp. Yumi chắc cũng dậy rồi. Cô nghe tiếng thau nhựa kéo lê trên mặt sàn. Tiếng xè xè. Tiếng giội nước. Tiếng chất thải trôi từ trên đầu, qua đường ống nhựa xối thẳng xuống nhà vệ sinh lộ thiên ngay dưới chỗ Vi nằm. Ngày trước, góc phòng trọ dưới này là của Yumi. Khi Vi đến, nó chuyển lên trên, bảo cô: “Cứ tạm ở đây. Lúc nào có tiền lên cao thì thoáng”. 
Nhưng đến bao giờ mới có tiền?
 
Vi nằm im, nghe mồ hôi chảy xuôi theo chân mày vào khóe mắt rồi lại giàn ra thành vệt muối lạo xạo đầu ngón tay. Chiếc quạt treo tường trơ cánh, lảo đảo rít lên trong những vòng quay, nung chảy mọi thứ trong luồng hơi hầm hập đứt quãng. Vi hớp đầy miệng ngụm không khí đặc những mùi, rướn mình lê thêm chút nữa để mặt trời xuyên qua lỗ thủng tấm ván ghép tường soi vào giữa mặt mình. Cũng vào một trưa hè thế này, trong căn gác xép áp mái khóa chặt, không quạt, nồng sặc mùi nước tiểu, mùi phân, Vi cũng làm như thế. Căn gác xép trong gian nhà bỏ hoang cuối vườn dùng làm nơi chứa đồ cũng có một chiếc cầu thang bằng gỗ. Vi còn nhớ rõ âm thanh tiếng đầu cô đập cồm cộp trên mỗi bậc sàn cầu khi cô bị bố túm chân kéo ngược lên trên như người ta kéo một con chó chết.
 
Lúc ấy cũng vào xế trưa. Có một dòng mặt trời qua lỗ thoáng xiên thẳng xuống những mảnh váy hồng rũ như cánh bướm gặp mưa trên nền xi măng xám xịt. Vi lết đến đó, vơ mớ mảnh rách tướp ôm vào lòng, ngửa mặt lên cho nắng đong đầy lòng mắt. Những mảnh giẻ hồng trong tay cọ quạy nhắc Vi về cú đạp cuối cùng của bố vào giữa bụng. Vi quằn lên như con giun bị xéo rồi co rút lại, đũng quần ướt sũng, nhơ nhớp chất nhầy. Cùng với tiếng rít: “Mày chết đi!” mảnh váy cuối cùng bị giật ra khỏi người, cũng bê bết dính.
 
Vi áp mớ giẻ ấy lên mặt, nhắm mắt lại, nghe nó cọ quạy, nhắc cô về những buổi chiều mòn chân qua cửa hiệu bán quần áo đầu làng, nỗi thèm thuồng đóng đinh vào chiếc váy voan hai tầng lồng trong túi nilon che bụi, tim thắt lại khi thấy có ai đó cũng dừng, cũng ngắm nghía, hỏi tiền, tần ngần nhìn xuống mấy đồng bạc lẻ trong lòng bàn tay lấm lem đất cát - tiền bán giấy vụn moi móc, nhặt nhạnh trong những thùng rác sân trường. Những buổi chiều lầm lũi qua đi, hè tàn rồi thu theo heo may đi mất, chiếc váy lùi dần về cuối dãy nhưng dải nơ hồng vẫn lấp ló chờ. Cho đến tận một sẩm tối đầu đông gió mùa hun hút quật lá vàng tơi tả, cô chủ quán xuýt xoa trong tùm hum khăn áo: “Bảo rét là rét ngay được. Không kịp trở tay. Khổ! Đi lại mãi mấy tháng giời. Đủ tiền rồi hả? Đang định cất đi. Này! Bớt cho… Ừ thế thôi! Hết mùa bán vốn”. 
 
Chỗ tiền thừa ấy Vi mua thêm được một thỏi son.
Vi đưa tay lên đầu tấm sạp đang nằm lần tìm cái khay nhựa. Tiếng lách cách của những cái hộp nhỏ đủ sắc màu rụt rè chạm vào nhau vang trong trưa tĩnh. Thỏi son ngày xưa ấy, cô còn cất kĩ dưới đáy cái khay đựng đồ trang điểm – trơ tận đáy và trầy lem hết vỏ. Ngày đi, ngoài bộ quần áo trên người, cô chỉ mang theo mỗi nó.
 
Có tiếng chân lộp cộp xuống cầu thang rồi cửa hé, Yumi thò đầu vào, khuôn mặt bợt bạt không son phấn nhăn rúm lại: “Dưới này nặc mùi quá! Đang ốm chịu sao thấu. Chờ tí nữa gọi người đưa bà lên trên vài bữa. Giờ đi lấy cháo đã. Húp vài thìa cho tỉnh. Không ăn á? Không ăn tôi cũng gang mồm tọng vào đến ruột. Mà tôi nói thật, bê bết như thế này còn ham hố, đẹp đẽ gì mà đòi chích tiếp. Đấy, chích cho chết đi. Chết mà không có tiền cũng không thành ma nữ được đâu!”. Yumi cáu kỉnh quăng cái túi đựng mớ thuốc và bông băng lên đống vỏ chăn két mùi mồ hôi đầu sạp. Cánh cửa hằn học sập vào. Tiếng loẹt xoẹt xa dần trả lại không gian cũ. Nước vẫn liu riu dưới lưng và nắng vẫn chảy trên đầu, tràn xuống khóe mắt thành dòng.
 
Giá kể bức vách ghép kia được phá bung ra cho nắng chan chan ùa vào ngập phòng. Vi sẽ lại mặc cái váy hồng, nghe da thịt thô ráp của mình run rẩy chạm vào từng lớp vải mềm như hàng đêm Vi vẫn âm thầm cảm thấy trong bóng tối. Suốt từ ngày mua đến tận hôm ấy, lần đầu tiên Vi mặc nó ban ngày, đứng trước gương, bàng hoàng không nhận ra mình vì tất cả nắng tụ lại dưới chân cô, hắt ánh sáng ngược lên lấp lánh, tưởng như chỉ cần dang tay vỗ nhẹ là bay lên với mặt trời. Chiếc khăn len trùm trên đầu cũng xoải bóng sẫm màu thành dòng tóc mơ hồ mềm theo tay vuốt.
 
Vi cố nhấc đầu ra khỏi vũng nắng lết lên trên, kéo theo từng mảnh tóc bết dính chặt vào mặt gối. Chút nữa Yumi về, cô sẽ nhờ nó mang nước vào gội đầu. Nếu có thể cố ngồi dựa vào tường thì sẽ vật nài nó nhuộm luôn chân tóc. Hay nhuộm lại màu khác nhỉ? Màu nâu đồng. Cô thích màu ấy. Chỉ có điều thuốc mua ngoài sạp bé Ba đầu ngõ không biết có lên màu như ý hay không. Yumi sẽ rít lên, đay đả: “Đã là khỉ thì đắp vàng vào cũng không thể thành người. Nhìn lại đi! Mười phần khỉ không nổi một phần người mà ham lắm thế!”. Nhưng rồi nó cũng chiều theo cô. Cô sẽ nghe tiếng cái thau nhựa bị quăng mạnh chỗ vòi nước. Tiếng nó hỉ mũi xoèn xoẹt. Tiếng ai đó hỏi gì không rõ. Rồi nó trả lời, nghèn nghẹt trong cổ: “Đi xin tí nước nóng. Con điên ấy nó đòi gội đầu”. 
 
Yumi không bao giờ bỏ cô. Cô nhìn xuống. Vết sẹo lồi đắp bờ lên nhờn nhợt đỏ với những đường khâu xẹo xọ vắt sang hai bên như con rết bò dọc lòng bàn tay nhắc cô kỉ niệm với Yumi… 
 
Tối ấy mùa hè, không trăng nhưng có gió. Sân bệnh viện âm âm bóng cây trong ánh đèn vàng nhờ nhờ chập chờn hoen từng mảng sáng tối. Vi ngồi thu lu góc cái giường sắt nhìn qua song cửa sổ. Phía xa, đằng sau bức tường cao quá đầu người chằng chịt dây thép gai và mảnh thủy tinh có một quầng sáng màu vàng tái hắt ngược lên nền trời. Tiếng nhạc từ đó theo gió dội về quẩn dọc bốn bức tường và cái cổng sắt khóa chặt đập vào ngực Vi thình thịch. Đêm nay là đêm cuối cùng Vi nhìn thấy quầng sáng đó. Vi biết điều ấy vì suốt từ sáng, tiếng loa miết qua miết lại trên con đường mòn lưa thưa hàng quán ngoài kia hằn thành rãnh trong đầu cô: “Tối hôm nay. Tối hôm nay. Tại sân vận động thị trấn. Đoàn ca nhạc tạp kĩ Hoa Sen sẽ trình diễn một đêm cuối cùng. Đêm cuối cùng. Với những tiết mục đặc sắc của những ca sĩ, nghệ sĩ đến từ thành phố Hồ Chí Minh. Xin kính mời và kính mời!”
 
Có tiếng lạch xạch mở khóa. “Uống thuốc nhá!” Những bóng người ngơ ngẩn ngồi dậy, im lặng chìa tay đón viên thuốc nhỏ màu trắng và cái cốc nhựa đen sì. Vi nhắm mắt uống hớp nước tanh ngòm, trả cái cốc đã qua bao miệng người, há mồm cho y tá nhìn vào tận họng rồi ngoan ngoãn nằm xuống. “Đi vệ sinh đi nhé! Tí khóa cửa đấy!” Cô y tá dóng dả dặn trước khi đẩy xe thuốc sang phòng bên.
 
pham ha hai 889
Minh họa: Phạm Hà Hải
Vi moi vội viên thuốc đặt dưới lưỡi dúi xuống gối, nhổ bãi nước bọt đắng nghét qua cửa sổ rồi chồm sang giường cạnh: “Ăn ruốc không? Đi ra ngoài tao cho. Khẽ thôi!”. Thằng giường bên líu ríu ngồi dậy, mải mốt quơ dép đi theo, miệng lẩm bẩm: “Ruốc hả? Ruốc hả? Thích lắm! Đi với!”. Vi dẫn nó lẩn qua vệt tường tối, theo bóng cây ra khu nhà xây bỏ hoang giáp tường bao - chỗ ấy có một đoạn dây thép gai bị đổ. “Giờ mày ngồi xuống, đỡ tao lên. Tao ở trên ấy mới đưa ruốc cho mày được”. Nó ngoan ngoãn ngồi xuống đội cả Vi lên trên đôi vai u nần nẫn. Khi đã yên vị, Vi móc túm nilon bọc ruốc thả vào bàn tay đang chìa ra: “Quay vào ngay rồi hãy ăn!” Nó cười hềnh hệch, gật đầu. Thuốc ngủ bắt đầu ngấm, nó chập chững, lảo đảo vừa đi vừa bốc ruốc cho vào mồm. “Đi mau lên không tao đòi lại bây giờ!” Nó quay lại, vẫn cười hềnh hệch rồi co cẳng chạy về phía dãy phòng bệnh nhân mờ mờ trong quầng lá. 
 
Chỉ cần ở trong ấy thêm một thời gian nữa, với ngày hai cữ thuốc an thần là Vi cũng thành ra như nó.
Buổi sáng mẹ vào thăm Vi, mang theo bịch ruốc, hộp thịt kho và gói kẹo: “Chịu khó uống thuốc. Nghỉ ngơi đừng phá. Nghe lời bác sĩ. Đỡ rồi mẹ cho con về”.
 
Vi nhìn chằm chằm vào mặt mẹ.
Chẳng bao giờ Vi đỡ. Đồng nghĩa với việc chẳng bao giờ cô được trở về. Mà về làm gì? Về để mỗi lần nhà có khách Vi lại bị tống lên căn gác xép cuối vườn khóa chặt. Bố lại đánh, lại chửi vì tội đua đòi, bệnh hoạn như hôm bắt gặp Vi mặc chiếc váy hồng. Mẹ lại mời thầy cúng về trừ con ma nữ đang nhập vào, biến đứa con trai duy nhất trong sáu đứa con thành hồn cô xác cậu. Lại nhờ người quen cho vào đây chữa bệnh thần kinh hoang tưởng. Càng không thể trở về để đến trường. Cái bàn góc lớp chỗ Vi ngồi tách một mình lại ướt nhẹp nước mỗi giờ ra chơi, sách vở lại bị quăng dưới chân, đầy dấu dép. Lại những trận đánh hội đồng quây Vi vào giữa những tiếng cười hô hố: “Lột quần nó ra xem là cái giống gì!”. Vi đã từng bị bỏ lại giữa đường như thế. Ê chề và rúm ró. Quần bị tụt xuống đến đầu gối. Tất cả phơi dưới mặt trời...
Vi nhìn về quầng sáng phía xa. Tiếng loa từ đấy hối hả vọng về. “Hôm nay đi nữa không?”. “Có chứ! Cái thằng pê đê ấy làm trò xôm quá! Lắm tiền lắm đấy! Này lúc đầu cứ tưởng nó là con gái. Sau mới biết là đàn ông.”. “Ừ! Thật đấy! Ai cũng nhầm.” – khi đứng trong nhà bếp chìa cái bát nhựa chờ chia cơm, Vi nghe trọn vẹn câu chuyện ấy.
 
Vi nhìn xuống chân tường. Đen hun hút dưới ấy là ruộng. Nhảy xuống, chạy một thôi chừng hơn cây số là tới quầng sáng ngoài kia.
Và Yumi đã tìm thấy Vi sau quầng sáng ấy. Bết những bùn. Áo bị thép gai cào toạc, trơ mảng lưng đầy vết xước rỉ máu, đứng nép trong bóng tối cái bục gỗ sân khấu, tránh ánh đèn. Mày ở đâu? Tàn trò rồi sao chưa về? Nó quát. Rình mò trộm cắp hay sao? Có cái gì mà trộm? Người hay ma từ dưới đất chui lên? Mà làm sao kia? Tay chảy máu kìa! Đầy bùn thế uốn ván nó giật cho bằng chết! Đi rửa rồi xem thế nào! Ơ hay! Nói thế mà cứ đứng đơ ra như thằng ngẫn? Rồi nó túm mảnh áo rách lượt thượt của Vi lôi vào trong quầng đèn. Lúc bấy giờ Vi mới nhìn thấy máu vẫn chảy ra thành giọt ở tay mình. Không thấy đau cho tận đến khi Yumi cầm chai nước suối giội vào, đất bùn trôi đi bớt để lộ vết rạch dài, há hoác, chạy suốt lòng tay. “Làm sao mà đến nông nỗi này?”. “Không biết! Chắc mảnh chai!”. “Tôi hỏi nhà cửa ở đâu mà đến nỗi như này?”. “Trốn viện!” - Vi ngơ ngẩn trả lời rồi nhìn hút vào mặt Yumi còn nguyên lớp hóa trang, đẹp mướt mát dưới ánh đèn. Nó cũng nhìn Vi ngờ ngợ rồi hạ giọng: “Cũng bóng hả? Bóng kín?”. “Nghĩa là gì?”. “Là pê đê ấy! Là giống tôi! Nhưng tôi là bóng lộ. Như thế này sướng hơn nhiều!”. Lại ngơ ngẩn gật đầu: “Cho tôi theo với!”. “Nếu nhà cửa êm ấm thì ở. Đi chẳng sung sướng gì đâu!”. 
 
 Vi đi theo Yumi từ đêm ấy. Đi để được là mình.
 “Gọi nắng trên vai em gầy, đường xa áo bay…”. Hình như đâu đó trong trưa tĩnh ai đang hát. Vi mê nhạc Trịnh... Nhưng lâu lắm rồi…
 
Ngày đoàn rã đám, Yumi rủ: “Đi hát nhé!”. “Là thế nào?”. “Làm ca sĩ!”. “Nhưng mình chỉ biết diễn trò. Biết hát gì đâu?”. “Thì học. Chỉ cần thuộc nhiều bài. Hát đám không cần hay. Chỉ cần diễn. Để tôi xin bầu đám. Chắc được. Bà học hát đi là vừa!”. 
 
Nó bảo gì Vi cũng nghe. Ngày mới nhập đoàn, đi đâu Vi cũng bám theo nó như chó con bám chủ. “Tôi bỏ nhà từ năm mười bốn tuổi. Từ ngày ấy chẳng về. Chắc mẹ tưởng chết rồi. Ngày phát hiện tôi là bóng, cứ đến bữa ăn bả chửi móc họng, bảo giá chi đẻ ra cái trứng còn hơn, biết thế này, lúc đẻ tao kẹp vào l. cho mày chết đi.” - Nó thản nhiên như kể chuyện ai đó rồi bày ra trước mặt Vi một đống đồ nghề: “Đây là phấn. Loại này vừa rẻ tiền, chợ nào cũng bán lại bắt ánh đèn. Da bà thô, phải đánh đậm vào cho lấp bớt. Này son. Này mas. Mấy bộ đồ biểu diễn. Sexy lắm đấy! Ngại á? Chưa quen thôi! Muốn kiếm được tiền phải thế! Có tiền tôi sẽ sang Thái trước. Rồi về dẫn bà theo. Bà manly hơn tôi, muốn bớt thô phải cắt cả vai, cả xương hàm, trái cổ… Cắt hết. Tốn tiền một tí nhưng đi một chuyến cho bõ. Đẹp luôn!”
 
Một ngày nào đó có tiền Yumi sẽ đưa cô sang Thái. Ngày trở về Vi sẽ hoàn toàn là con gái. Sẽ mặc áo dài trắng. Mảnh mai, lộng lẫy dưới mặt trời…
 
Vi dùng hai khuỷu tay lết người lên lần nữa. Trong đáy ngăn kéo cái tủ nhựa đựng đồ có chiếc áo dài ấy. Chiếc áo dài dành cho ngày trở về. Chỉ một đoạn nữa thôi… một đoạn nữa là Vi chạm được tay vào nó… Chỉ một đoạn, sao mà vời vợi thế. Một đoạn của ước mơ, cũng là một đoạn của ê chề. Khóe mắt Vi chợt rấn ướt. Một đoạn, bắt đầu từ đêm ấy… Cái đêm cuối năm trời u u gió, Yumi ở đâu ào về, quăng cái bánh mì nhão xìu vào lòng Vi, hối: “Lẹ lên! Có đám gọi rồi!”. Vi cẩn trọng xếp chiếc áo ấy lên trên hộp đồ trang điểm, nhẩm lại những bài mình định hát tối nay. Gọi nắng trên vai em gầy, đường xa áo bay…
 
Ngày ấy mới thôi mà như lâu lắm. Khi xe ôm chở hai đứa đến đầu hẻm nhỏ đã thấy trong dãy quán tôn lụp xụp lấp ló ánh nhìn. Rồi lập tức Vi bị quây giữa mấy cô gái. Mùi nước hoa sực trong mùi người ngây ngấy, nồng nồng. Cái tát lật mặt thay cho lời chào. Vi chúi xuống. Yumi gào lên che đỡ: “Em xin các chị đừng đánh! Chúng em có làm gì đâu!”. “Thế đến đây làm gì?”. “Chúng em đi hát đám!”
 
Vòng người giãn ra. Bàn tay móng đỏ đỡ Vi lên: “Xin lỗi cưng. Bọn chị tưởng cưng là gái, đi giành khách. Bữa rày ế quá! Vào đây xem nào!”
 
Vẫn bàn tay ấy dặm lại phấn trên mặt Vi. Rồi lật áo thay cho trái bóng bay độn nước làm ngực giả: “Tội nghiệp! Phải lồng mấy trái vào nhau rồi hãy cho nước kẻo vỡ. Cưng đi hát lần đầu?”. “Sao chị biết?”. “Nhìn áo dài thì biết. Đi hát đám mà mặc áo dài?”. “Em hát nhạc Trịnh.”. Bàn tay khựng lại. Một lúc sau thì thầm: “Chị cũng thích… Nhưng chốn này…” 
 
Vi lần tay tìm cái bịch nilon Yumi quẳng trên đầu sạp, bóc một nắm viên màu trắng. Thuốc tránh thai uống theo cữ. Ngày một viên nhưng bao giờ Vi cũng uống gấp năm. Uống riết thì có ngực, da mềm đi, râu ria cũng bớt. Chẳng biết ai mách thế. Cả Vi và Yumi đều uống - loại rẻ nhất - một vỉ sáu nghìn đồng. Thuốc đã ngấm. Tai Vi bắt đầu ù đặc. Cái chóng mặt và cảm giác đau như bị khoan vào hai bên thái dương với những cơn tức dồn lên ngực quật Vi nhũn xỉu. Ngớp thêm một ngụm không khí, Vi nhắm mắt chờ cơn thuốc vật qua đi. Ngày nào cũng thế. Quen rồi.
 
Ngoài kia tự dưng yên lặng thế. Ước chi thời gian dừng trôi. Vi sẽ nằm thêm một lúc nữa cho hồi lại. Sẽ nhờ Yumi mua cho một suất cơm. Không phải chỉ có bịch cơm trắng và túi nước dưa chua tra thìa mì chính như thường khi, mà là một suất cơm ba mươi nghìn. Có thịt kho. Có đậu. Có món xào. Và có cả một cốc nhựa đựng canh. Yumi sẽ giãn cái mặt nhăn như đít khỉ của nó ra, cười: “Có thế chứ! Để nói mãi! Ăn còn lấy sức!”. Nó sẽ đứng nhìn Vi húp đến thìa canh cuối cùng, thu dọn rồi bảo cô nghỉ đi, chiều muốn gì cứ nói. 
 
Đã lâu lắm rồi Vi không dám ăn một suất cơm như thế. Không phải chỉ để giữ dáng thật gầy, cho bớt thô mà cái chính là để tích tiền. Những nắm bạc lẻ sặc mùi người gửi vào trong tài khoản đều đặn hàng tuần nhắc cô về chuyến đi Thái trong mỗi giấc mơ. Chuyến đi ấy hết chừng ba lăm ngàn đô la. Thế mà cả tuần nay cô nằm liệt. Chỗ tiền khách bo đêm hát đám hai tuần trước đổi về cái bịch nilon này. Chai silicon. Lọ hoocmôn. Hộp thuốc tránh thai. Và đống kim tiêm, băng gạc.
Ngoài kia yên tĩnh thế. Nắng vẫn chảy thành dòng trước mặt Vi. Ru mãi ngàn năm dòng tóc em buồn… Lần đầu tiên đi hát đám, mặc chiếc áo dài trắng đứng trên cái bục gỗ tạp bắc thành sân khấu, phía sau là chiếc quan tài nghi ngút khói hương – vừa cất giọng, tiếng la ó đã nổi lên rần rần: “Xuống đi! Đù má con bóng dẹo! Xuống đi!”. Một khúc bánh mì nhão nhoẹt tương ớt ném thẳng vào giữa mặt. Dòng nước đỏ chảy vào mắt tối sầm. Vi loạng choạng, rờ rẫm, rồi hụt chân ngã sấp mặt xuống đất. Bước chân người dồn đến. Những bàn tay vồ vào trước ngực. Hô hố cười. “Vú giả chúng mày ơi!”. Tiếng bóng bay vỡ bụp. Nước chảy xuôi xuống đẫm hai bên nách, bên sườn. Nước mắt Vi giàn ra. Không biết vì tương ớt hay vì khóc. Yumi lầm lũi đỡ Vi đứng dậy. Tiếng cười khả ố đằng sau bám chằng chằng như đỉa đói: “Tôi đã bảo bà rồi. Mạt hạng như chúng mình mới đi hát đám. Giống kền kền ăn theo xác chết không thanh cao, không sạch sẽ được đâu”.
 
…Vi khó nhọc ngửa lòng bàn tay cho nắng soi vào thành vũng. Chai silicon lỏng sóng sánh, trong suốt bỗng hắt ngược ánh sáng lấp lánh như cầu vồng gọi dòng silicon trong người Vi bắt đầu chuyển động. Trên má. Trên hõm thái dương. Mấu ngón tay. Mông và ngực… Khắp người… Có lần Yumi hỏi nhớ bao lần chích silicon không? Vi cười méo mó: “Không đếm nổi. Nhưng nhớ lần cuối cùng là cách đây một tháng…”
 
Hôm ấy cũng vào xế trưa. Yumi vừa kéo bung cánh cửa cho nắng dạt vào đến chỗ tấm nệm nằm, vừa sa sả: “Đã bảo con này chích hộ vào chỗ nào cũng được nhưng ngực nhiều mạch máu, chỉ cần lệch kim đi một tí, tắc mạch là chết. Ngực đàn bà có mỡ, có thịt còn trụy tim chết sặc nữa là ngực đàn ông toàn da với xương. Bơm ba lần đã thoát rồi thì thôi. Tham thì thâm. Trên người còn chỗ nào không có silicon nữa không? Chết không thối được đâu! Mà chết tươi nguây nguẩy, chết giẫy đành đạch ra đấy thì con này đi tù chứ ai? Không dại!”. Nhưng Vi bảo nó không chết được. Mà nếu chết thì tốt quá. Đỡ nhọc nhằn cái kiếp chẳng ra giống người. Nếu Vi chết, cứ tiêm hết chỗ này đều vào hai bên ngực rồi đặt xi lanh vào tay Vi. Ai cũng bảo Vi tự tiêm mà chết. Yumi ạ, từ thuở bé mình chỉ ước làm con gái. Không có tiền phẫu thuật đành tiêm silicon. Có chết cũng phải chết dưới hình hài con gái. “Phần ấm chén còn nguyên đấy? Có phải con gái không?”. “Thế mới nói. Tiêm cho mình đi! Có đẹp mới đi khách được. Đi hát đám mới được bo nhiều. Mới có tiền. Rồi Yumi đưa mình sang Thái”.
 
Yumi nhìn ra ngoài. Im lặng lâu lắm rồi mới quay vào, dằn dỗi: “Thôi cũng đành hầu bà! Có chết cũng đừng về tìm tôi mà oán!”
 
Silicon sóng sánh trong lòng chiếc ca inox được hút vào đầy chiếc xi lanh đại. Yumi lắp mũi kim to như kim tiêm trâu vào rồi đưa mắt nhìn. Vi đã cởi áo, nằm dựa vào chồng gối, tay cầm tấm áo cũ nhàu như giẻ rách, nhét vào mồm, đẩy cái bát nhựa đựng bông gạc và hộp keo 502 về phía nó, ra hiệu: “Làm đi!” Yumi quỳ xuống, cẩn trọng đưa tay nắn bóp khắp ngực Vi, rồi dừng lại ở một chỗ. “Thả lỏng ra!” Vi im lặng, nhắm mắt, nghiến chặt đống giẻ áo gật đầu cố gắng hướng ý nghĩ đi thật xa. Mệt quá cái thân ta này, nằm xuống với đất muôn đời. Tự mình biết riêng mình, và ta biết riêng ta. Vang câu nhạc Trịnh trong đầu...
 
Mũi kim bất ngờ cắm phập xuống. Dòng chất lỏng đẩy vào đến đâu Vi rít lên từng cơn đến đấy. Tiếng rít bị nút giẻ đẩy bật vào cổ họng nhưng nước mắt cứ giàn ra. Mỗi mũi kim để lại một lỗ sâu hoắm. Silicon từ đó trào ra như nước. Keo 502 bơm vào. Tê điếng. Không thấy cả cảm giác keo cháy trên da. Mệt quá cái thân ta này... “Chịu khó xoa bóp cho nó tan đều. Nếu lần này thoát, ngực bằng quả cam rồi đấy!” Tiếng Yumi lẫn trong ca từ nhac Trịnh và cơn đau…
 
Vi lết thêm một nhịp. Tay đã chạm được vào ngăn cuối cùng của chiếc tủ nhựa đựng đồ. Chiếc áo dài trắng mặc ngày trở về. Con dao rọc giấy. Lá thư viết sẵn. Thư gửi Yumi…
 
“Không thở nổi nữa Yumi ơi! Hết sức rồi! Chỉ cần buông tay ra là rũ xuống, không dậy nữa. Cũng không muốn dậy. Không muốn đi nốt kiếp người. Giá kể silicon trong người mình đừng chảy vào tim mà lên não trước. Để liệt não. Để quên…”
 
Nhưng không quên được. Vi nằm đây. Trong gian buồng sặc mùi cống này. Phải nhớ…
Ngày mới đến, Vi hỏi sao không ở chung phòng cho đỡ tốn. Yumi thản nhiên: “Để đi khách cho tiện.”. “Khách nào? Có ai quen mà tiếp?”. “Là bán dâm ấy! Thế mới có tiền. Tôi đi khách từ năm mười bốn tuổi. Bà có đi không tôi dắt mối. Muốn có tiền thì phải thế. May ra…”.
 
Căn phòng sặc mùi nhơ nhớp khiến Vi buồn nôn. Vi gập người xuống ọe khan. Bao nhiêu lần Vi đưa khách về đây? Không nhớ nữa. Nhưng cái mùi ấy và cơn đau xé thịt lần đầu tiên đi khách với một ả nam ở chính chỗ này thì không thể quên. Đến chết cũng không quên.
 
Có mùi me non đâu đó len lỏi qua mùi cống rãnh vào phòng. Me non vừa cạo vỏ, vị chua sắc và nhan nhát chát, chấm muối ớt ăn như ăn ghém. Mỗi tháng một lần, có những ngày Vi thèm day dứt đồ chua. Yumi bảo ngày ấy, chất đàn bà trong Vi hoạt động như phụ nữ đến kì. Không biết có đúng không nhưng những ngày như thế, đêm nào Vi cũng mơ mình được làm tình với một người đàn ông không rõ mặt - làm tình bằng cơ thể một người con gái thực sự - nằm ngửa, lồ lộ dưới ánh đèn là ngực, là eo, là đôi cánh bướm run run giữa hai đùi rời rợi sáng. Từ những chuyển động đầu tiên, cơn co thắt đã dồn lên, không thở nổi. Rồi giật mình tỉnh dậy, ghê tởm nhận lại thân thể chính mình. Vật đàn ông cứng ngắc, thô kệch, trơ trẽn chọc mù cơn khát thèm rất đàn bà còn rung nhẹ trong Vi.
 
“Nếu có tiền Yumi sẽ đưa mình sang Thái. Cắt bỏ hết để được làm con gái. Chỉ một ngày thôi, chết cũng mãn nguyện rồi. Yumi đừng chửi mình khi trong đám hát, chỉ vì hai mươi ngàn mà sẵn sàng bò lê như chó từ đầu sàn này sang đầu kia. Sẵn sàng lột trần ra, phơi mình cho lũ đàn ông sờ soạng, nắn bóp, chỉ trỏ cười. Nhầy nhụa và nhơ nhớp thế nhưng bao giờ đủ tiền?”
 
…Vi không chờ được nữa nhưng Yumi sẽ đi hộ cô. Tiền trong tài khoản của cô và tiền dành dụm của nó đủ cho một chuyến đi. Ngày nó trở về sẽ là một ngày đẹp nắng. Nó sẽ mặc hộ cô áo dài màu trắng. Đứng đấy nhìn cô. Mảnh mai, lộng lẫy dưới mặt trời.
 
Con dao rọc giấy dưới tay Vi rung lên bần bật. Hình như Vi bắt đầu quên. Quên mình sinh ra ở vùng quê nào ngoài kia xa lắm. Quên cả tên bố mẹ đặt cho mình - một cái tên con trai nào đó. Quên đã từng có một gia đình. Từng được đến trường. Từng ước mơ là cô giáo… Chỉ nhớ cơn đau sau cú đạp vào giữa bụng. Nhớ bệnh viện thần kinh có cái nhà xác không cửa và cái bục xi măng chờ để xác người. Nhớ những cơn đau liệt người vì silicon. Nhớ những lần vừa rút mũi kim chích hoocmon máu mũi đã phun ra như cầu vồng. Lối rẽ đầu hẻm ra quán quen bán thuốc tránh thai rẻ nhất. Tiếng cười hô hố. Tiếng chửi: “Con bóng dẹo. Đã xấu lại còn không biết làm trò”. Những đồng bạc lẻ nhây nhớp. Nhớ cả Yumi. Nó đứng đằng kia, nói thì thầm nhưng nghe rất rõ: “Nếu đủ tiền, tôi sẽ đưa bà sang Thái”. Nhớ cả ông bác sĩ trong phòng khám, im lặng nhìn Vi rất lâu: “Silicon trong người em vón cục hết rồi, lấn vào mô, vào mạch máu. Phải phẫu thuật, nạo vét ngay. Nhưng…”. “Em không có tiền. Bác sĩ biết rồi mà”. “Không phải. Em uống thuốc tránh thai, chích hoóc môn tùm lum. Biến chứng. Xét nghiệm máu em cũng có vấn đề. Có H…”.
 
Ngoài kia sao vẫn im lặng thế. Vi cố mở đôi mắt đang sụp xuống, nhìn lần cuối màu áo trắng lấp lóa. “Gọi nắng trên vai em gầy, đường xa áo bay”. Vi đứng cuối con đường ấy. Phía trước chẳng có ai. Chỉ có mặt trời.
 
Con dao rọc giấy theo tay Vi lần xuống giữa hai đùi. Không thấy gì hết. Chỉ nắng đang tắt dần... 
 
N.H.Y
 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)