Nói chuyện với đêm

Chủ Nhật, 08/07/2018 00:40
Tản văn . NGUYỄN ĐÌNH MINH KHUÊ

Nhà ngoại tôi nằm gần sát mặt lộ lớn, đoạn vắt ngang những cánh đồng phong nhiêu của huyện lị Lấp Vò mà từ đó, ngược về phía bắc chừng vài cây số nữa là đến bến phà Cao Lãnh ngày đêm tấp nập người xe qua lại giữa hai bờ sông Tiền. Dầu vậy, cái náo nhiệt của trục đường này hình như ít ỏi quá mà ruộng vườn thì mênh mông quá, khiến những tiếng người xe như tù lại, vón cục, không cách gì bay thoát khỏi những rặng cây trái bát ngát bốn bề, đành vang ra rồi mất hút đâu đó ở giữa mặt sông.

Đêm ở đây còn buồn thảm thiết hơn. Mẹ tôi kể, ngày mẹ còn nhỏ, tầm năm sáu giờ chiều, khi con lộ trước nhà bắt đầu sẫm màu lại và những hàng cây dần mờ đi trong sương, mẹ sẽ ra ngồi ở bậc thềm đằng sau chái bếp, nhìn quanh quất rồi khóc. Nỗi im ắng kì lạ của đêm khiến mẹ không dám nấc thành tiếng mà chỉ rơm rớm nước mắt, lén trông ra mấy bụi dừa nước ngoài vườn.

Cái buồn đầy bóng tối ấy thậm chí đeo đẳng mẹ đến tận sau này, khi mẹ có gia đình, về sống ở thành phố. Mỗi lần cả nhà về thăm ngoại, mẹ hay chỉ tôi chỗ cái chái bếp cũ nay đã là một gian nhà gạch kiên cố, nơi thời con gái của mẹ từng ngồi thút thít vì sợ cái tịch mịch của đêm đen. Mẹ và các dì cũng hay bảo tôi đi ngủ thật sớm. Đôi khi chừng tám giờ kém, lúc chương trình thời sự trên đài truyền hình vừa hết là mùng chiếu đã được giăng ghém tươm tất trên các phản gỗ, giường tre nằm rải rác từ trước đến sau nhà. Như thể ai cũng sợ thức khuya thêm chút nữa thì bóng đêm đen kịt sánh đặc ngoài kia sẽ giấu mình đi đâu đó rồi nuốt chửng…

Tò mò về nỗi ám ảnh ấy, có lần, tôi nằm trằn trọc đến giữa khuya, cố đợi mọi người trong nhà ngủ thật say, đèn tắt tối mịt mới lần mò ngồi dậy.

Đêm đó, vầng trăng hạ tuần ngoài cửa sổ để mở mỏng dính cong vút như vệt cọ vắt giữa lưng trời, tỏa ra thứ ánh sáng bàng bạc xa xôi, chừng như chỉ làm đêm thêm tù mù chứ chẳng đủ soi rọi dầu là một trảng cỏ dại.

Rồi đêm bắt đầu cuồn cuộn bùng lên như cơn thác lũ hung bạo. Trong phút chốc, hình như có tiếng những mạch máu vỡ ra, bị đêm nhuộm đen kịt. Những mảng da thịt bốc hơi. Những màu sắc rạn nứt. Những kí ức tan loãng. Mất hút. Và hình như những ý nghĩ lúc ấy cũng chối bỏ tôi, trôi tuột đi như vốc cát mịn trong lòng tay, càng nắm chặt càng rơi rụng.

 Nhưng rồi bản hòa tấu cuồng nộ ấy ngừng hẳn lại. Tai tôi ù ù những tiếng vọng mơ hồ, chừng như vang đi từ những tầng thế giới xa xôi nào. Mắt tôi chẳng biết đang nhắm chặt hay mở căng, bởi sau trước sóng sánh một màu đen ròng khiến các dây thần kinh thị giác tê liệt đến trong suốt. Rồi tôi thấy mình nhẹ hẫng như quả bóng. Tôi bay lên. Quanh tôi là đêm, là đêm. Những hình bóng huyễn ảo trôi dạt. Tôi cố bắt lấy, nhưng chợt nhận ra chúng cũng đang với tay nắm níu lấy mình.
Hình như tôi và đêm phân thân…
*
*    *
Cái đêm hè kì lạ ấy đôi lúc vẫn trở về trong những giấc mơ lộng lẫy diễm ảo. Không rõ nét, sắc cạnh hay sặc sỡ, gương mặt đêm nhạt nhòa trôi dạt như ánh bình minh lãng đãng khói sương trong tranh Monet. Còn cơn cuồng nộ của đêm là bầu trời sao cuồn cuộn, ngồn ngộn những suy tưởng, những quá vãng cuốn xoáy trong tranh Van Gogh. Đêm đen đặc, bí ẩn. Đêm trống rỗng. Và nhất là rất im lìm. Cái im ắng vẽ nên những nỗi ghê rợn hư ảo, khiến trẻ con, và đôi khi cả những người lớn, như mẹ tôi, phải phát sợ. Cái im ắng tuyệt đối đến mức làm người ta như quên mất rằng chính mình đang hiện tồn.

Nhưng cũng chính từ cái đêm mùa hạ năm đó, hình như có một thứ mật giao nào đấy bắt đầu thành hình. Những câu chuyện cứ tuôn ra, nối dài đến vô cùng. Như một hạnh ngộ. 

Thông thường, những cuộc chuyện trò như thế sẽ bắt đầu vang lên khi tôi đặt lưng xuống giường vào mỗi tối, mắt nhắm lại chờ giấc ngủ và những cơn mơ ghé qua. Đôi lúc, đêm cũng đến cùng tôi ngắm sao trời trong những đêm không mây. Hay trên những bước đường phiêu dạt xê dịch, tôi thi thoảng dừng lại giữa lưng chừng đèo dốc, tấp vào một quán nước liêu xiêu mở cửa từ một hai giờ sáng, đợi đêm đến làm một tách cà phê sữa nóng trong bảng lảng những quầng khói mù.

Trong những lúc ấy, đêm nhiều khi ôm ấp tôi. Lòng đêm sâu thẳm yên bình đó, vì thế, vẫn thường gợi cho người ta cái cảm giác được trở về làm một bào thai trong bụng mẹ những ngày xa xôi nào. Nói đến đây, chợt ngẫm rằng, suy cho cùng thì trong tâm thức nhân loại từ bao đời nay, có bao giờ đêm lại không được xem như là tổ tiên, là vị phụ mẫu tối thượng có công sinh thành nên vạn vật! Sáng Thế Ký trong Kinh Cựu ước, ngay từ những dòng đầu, đã mô tả trời đất như một vô hình trống rỗng và mờ tối mà từ đó, ánh sáng và những thành tố khác của nhiên giới mới bắt đầu được Thiên Chúa khởi tạo. Trong Thần thoại Hy Lạp, Hỗn mang Chaos và những đứa con đêm tối của ông, Nyx và Erebus, cũng chính là những thần nhân đầu tiên đã từ những vực thẳm cô tịch âm u, lặng lẽ dày công sáng tạo nên cõi giới này. Thậm chí, theo người Hy Lạp, ánh sáng (tức thần Ban ngày Hemera) và thiên giới (hay thần Bầu trời Aether) chỉ là những đứa con được tạo sinh từ cuộc hôn phối giữa Nyx và Erebus, từ cuộc ái ân nguyên thủy tưng bừng giữa bóng tối và đêm đen.

Nhưng đêm cũng đồng nghĩa với cái chết. Đêm đôi khi vẫn thì thầm vào tai tôi về con đường mờ sương thâm u dẫn đến lãnh địa của Hades, nơi có dòng Stix chảy một điệu chậm rãi như cất lên những tiếng hát ám muội, đòi những người muốn qua sông phải nộp tiền vàng. Đêm cũng hay đọc thơ Tagore, nhất là đoạn về cô dâu mặc chiếc váy trắng, tóc chưa kịp tết, túi đồ chưa kịp soạn mà đã bị thúc hối bước lên cỗ xe cưới của Thần Chết, đi vào hun hút đêm đen. Và dung dị hơn, đêm vẫn thường vang vọng trong những dòng đẫm lệ của Văn chiêu hồn những ngày tháng bảy âm lịch “mưa dầm sùi sụt”: “Trong trường dạ tối tăm trời đất,/ Có khôn thiêng phảng phất u minh./ Thương thay thập loại chúng sinh,/ Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người”

Những lần ấy, đêm vẫn hay đùa rằng có thứ gì kì lạ như đêm không khi vừa là khởi sinh, vừa là vong diệt.
Nhưng tôi còn thêm, rằng đêm vừa là vô hạn bát ngát, vừa là hư không.
Thật vậy, có thứ gì rộng lớn vĩnh hằng hơn đêm? Trong hạt bụi là đêm, và vũ trụ là gì nếu không phải muôn trùng tăm tối? Có lẽ vì vậy mà, vài thế kỉ trước, khi muốn lấy tiếng thơ mình khuấy động ba nghìn thế giới, Basho vỗ tay vào đêm: “Tôi vỗ bàn tay/ Dưới trăng mùa hạ/ Tiếng dội về, ban mai!” (Nhật Chiêu dịch). Như tiếng con ếch nhảy vào ao cũ, cái âm vang ấy từ đêm đen đã khuếch đại ra vũ trụ, xé rách nhật nguyệt, tràn vọng đến ngàn đời.

Nhưng ngược lại, đêm cũng biết làm cho mình trống rỗng đến mức khiến lí trí, giác quan và cả trực cảm phải chết lặng trước một vô hình tĩnh tại và sâu kín. Đêm là cái tuyệt đối không. Không hình thù, không màu sắc (bởi màu đen thực ra cũng chỉ là bóng ảnh mà thôi), không tiếng nói, không thời gian, và không cùng. Chính ở đây, đêm hòa nhập và đồng nhất với cái bản thể uyên nguyên của vạn vật, mênh mông một chữ “vô” to tướng khỏa lấp mọi số phận và cuộc đời.
*
*    *
Cũng có lần, trên một chuyến xe khuya về ngang cao tốc Trung Lương, tôi chợt thấy đèn đường ở nhiều đoạn tắt ngúm, để lộ ra một màn đen tịch mịch. Đêm phủ che cái áo choàng tăm tối của mình đến từng ngóc ngách, khiến hàng cây cao vút ở hai bên đường chỉ còn là những mảng đen sậm cắt hình rõ rệt giữa màu trời xám ngoét do ánh sáng nhờ nhờ của những ngôi sao đi lạc hắt vào đêm. Trên những quãng ruộng xa, ánh điện nhập nhoạng hé ra từ những nhà cửa nằm hiu hắt, cô độc giữa đồng. Và ở tít mù tầm mắt tôi, bên kia vạt đồng là những đốm sáng xanh vàng đang nhấp nháy, chẳng biết từ một thành phố hay thị trấn nào.

Chiếc xe như trôi bồng bềnh giữa một vùng ảo ảnh. Tôi bất giác đọc thành một bài haiku: “Mắt đẫm lệ rồi/ Đèn ai xanh đỏ/ Đêm ngân hà trôi”.

Trong phút chốc, chợt nhiên tôi thấy mình của cái đêm mùa hạ năm nào. Những phân thân hư ảo. Những cuộc thể nhập. Và qua đôi mắt ướt, tôi thấy một làn hương thoảng nhẹ, nối kết những vũ trụ của tôi và đêm vào nhau.
 
N.Đ.M.K
 
 
 
 
 

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)