Chiếc võng dù

Thứ Bảy, 16/06/2018 00:46
. NGỌC DIỆP

Ngày cậu Ba từ chiến trường trở về, hành trang theo cậu là chiếc ba lô con cóc, cái bình toong, chiếc võng dù màu xanh và nụ cười rạng rỡ của người chiến thắng.

Chiếc võng dù buộc vào hai cây cột nhà, là nơi ngả lưng nghỉ trưa của cậu, là thứ mà mấy anh chị tôi giành nhau nằm đung đưa mỗi khi tan học. Ngoại chê võng dù nằm nóng lưng nhưng tụi con nít thì thích vì võng dù rộng, hai đứa chui vô trùm kín mít rồi cười rúc rích, thích lắm! Có đêm trăng, cậu tôi nằm võng đong đưa, kể chuyện vui buồn đời quân ngũ, chuyện miệt vườn cây trái sum suê, chuyện hành quân các vùng đất cây cối trụi lá vì chất độc những con suối cá chết trắng... Cậu bảo: “Đời chinh chiến, khẩu súng và chiếc võng dù là vật bất li thân, mưa thì che tăng che bạt còn không thì cột lên cây là thành nhà, nhà đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng…”. Cậu Ba còn hay ngân nga câu thơ mà đến giờ tôi vẫn chưa biết của ai: Nằm võng không gối cũng êm/ Nằm võng không trở mình cả đêm không mỏi

Năm đó cả mợ và má đều cấn bầu, hai bà cùng đau bụng lên nhà hộ sinh một ngày. Ba tôi đi làm xa, một mình cậu Ba xoay như chong chóng. Má sinh tôi trước nửa tiếng, mợ khó sinh, lại con so, con bé nặng hơn tôi sáu lạng nên phải mổ… Cậu tôi chạy lên chạy xuống, cuối cùng rồi cả hai người đàn bà cùng mẹ tròn con vuông. Hạnh phúc ngời lên ánh mắt, cậu đặt tên cho hai đứa là Hạnh và Phúc. Hai đứa sinh cùng ngày nên mọi người hay so sánh. Má nói sinh xong ai cũng khen bé Phúc bụ bẫm, còn tôi gầy nhom, da nhăn nheo như bà già mà tủi. Má nói tôi vậy mà dễ nuôi, bú no rồi ngủ khì. Có bữa, má đi chợ chưa về thì chị hai bồng tôi qua nhà mợ xin bú thép. Vì nhà tôi và nhà cậu mợ cách nhau mỗi hàng rào bông bụt nên tôi như ở cả hai nhà. Bú thép no, tôi được mợ đặt lên chiếc võng dù của cậu thế là tôi ngủ mặc kệ bé Phúc của mợ quấy quá, khóc la. Ngoại tôi và mợ phải ẵm bồng nó suốt mà nó vẫn quậy. Má nói chỉ ba tháng sau là tôi đã vượt kí bé Phúc, đã biết lật, sáng ra đã biết hóng chuyện, biết đòi má, biết đòi ăn, biết sợ người lạ… Còn bé Phúc cứ quấy khóc, gầy nhom, suốt ngày đi bác sĩ. Mợ nhìn tôi rồi cứ thầm so sánh: “Bé Hạnh giỏi quá, biết đứng chựng rồi kìa, sao con bé nhà em tay chân cứ mềm nhũn”. Nghe người ta bày, cậu Ba chịu khó đi câu, đi lưới bắt tôm bắt cua về xay nhuyễn, giã nát nấu cháo, nấu bột để bổ sung can xi, sắt cho hai đứa chúng tôi. Khẩu phần ăn của tôi và Phúc giống nhau, hôm nay mợ nấu đồ ăn cho cả hai, hôm sau thì má tôi nấu… Má nói nấu vậy cho tiện, nấu có chút xíu mất công. “Bé Hạnh mọc răng cả hàm, hôm nay nó còn nghiến em đau điếng, sao bé Phúc chưa có cái nào...”. Má tôi an ủi mợ mà giọng bà cũng thấy phân vân: “Từ từ nó mọc đầy cho coi. Ông bà mình nói: Có đầu có đuôi, nuôi lâu cũng lớn. Mợ mày đừng lo”. Chẳng phải chỉ mấy chị em con cháu trong nhà mà cả dòng họ khi nhìn hai đứa đều so sánh. Ánh mắt của tôi đen láy, lanh lợi, thấy ai có cái gì là đòi, biết cười, biết nịnh, biết làm xấu và biết đeo cổ ngoại, còn bé Phúc thì ánh mắt dài dại, vô hồn, ai làm trò gì cũng mặc. Phúc còn khó nuôi, khó nết, không có người bồng là em khóc, mợ chẳng làm được việc gì, suốt ngày phải ôm em và làm bạn với chiếc võng dù mà em không chịu lớn. Mợ và em cùng nằm võng đu đưa, hát hò đủ kiểu. Thấy em lim dim ngủ, mợ nhẹ nhàng đứng lên em lại gào… Tới khi tôi biết kêu ba, kêu má, chạy khắp nhà thì bé Phúc bệnh nặng, hầu như cả ngày đêm mợ và em đều dính chặt với chiếc võng. Ngoại bảo: “Thiệt lạ hết sức, chắc con nhỏ có duyên nợ với chiếc võng ba nó mang về”. Cậu mợ đưa Phúc về Bệnh viện Nhi đồng mới biết em bị di chứng chất độc da cam từ cậu. Cậu mợ buồn lắm, nhưng vợ chồng bàn bạc sao đó, về giấu nhẹm không cho ai hay. Oái oăm ở chỗ, làng trên xóm dưới lại có tiếng xì xầm đồn thổi: “Kiếp trước nhà đó ăn ở thất đức sao đó nên kiếp này mới bị quả báo…”. Cậu mợ suy sụp, ít khi ló mặt ra khỏi nhà.

Sau này truyền thông rộng rãi, báo chí, ti vi nói nhiều mọi người mới biết đến ảnh hưởng của chất độc hóa học, chất độc da cam dioxin đối với những người lính chống Mĩ như cậu, nên hiểu và thông cảm, có nải chuối, quả cam hay vài quả trứng cũng mang qua cho bé Phúc. Lại nữa, chính quyền, đoàn thể ở địa phương thường xuyên đến động viên chia sẻ, giúp đỡ nên cậu mợ cũng nguôi ngoai nỗi buồn phần nào…

 
MH VNQD SO5 2018 TRUYEN CHIEC VONG DU copy
Minh họa: Lê Huy Quang

Tôi lớn dần, học hết cấp một, cấp hai rồi cấp ba nhưng bé Phúc của mợ vẫn vậy. Tuy tay chân dài ra nhưng đầu óc vẫn như đứa trẻ lên ba, không biết nói, chẳng biết đi, suốt ngày nằm trên chiếc võng dù màu xanh của cậu. Thỉnh thoảng thấy em cười vu vơ, vô hồn, cho cái bánh thì cầm ăn, ú ớ gì đó chẳng biết. Đã mười lăm tuổi vẫn không cầm được muỗng xúc cơm. Mợ nói tập hoài mà không được, các ngón tay co quắp, cứng còng, cho nó xúc một chén cơm lại tốn công đi tắm giặt. Hết ngoại rồi cậu mợ thay phiên nhau chăm sóc em vậy mà em đi bệnh viện suốt. Nhà cậu miết chẳng có thứ gì đáng giá. Hễ thấy tôi là mợ lại chép miệng: “Nhìn con Hạnh mà ham, anh chị thiệt có phước” rồi mợ lau nước mắt.

Năm mười bảy tuổi, em Phúc cũng “có tháng”. Tuy có muộn hơn tôi một năm nhưng em ấy chẳng có tí khái niệm gì cả, chỉ tội cho ngoại và mợ. Thấy nóng nảy, vướng víu, khó chịu là em ấy cởi phăng, quăng hết… Thương em ấy quá mà chẳng biết làm sao. Nhân sinh nhật lần thứ mười bảy của tôi và Phúc, má và tôi đi chợ, thấy áo đầm màu hồng đẹp quá, má liền kêu tôi vô thử rồi mua cho tôi và em Phúc. Tôi diện vào ai cũng khen đẹp. Má và tôi mặc cho em Phúc, em không phản ứng gì, cười ngô nghê, tay vân vê cái bông hồng trước ngực. Vậy mà chiều tôi chạy qua đã thấy cái áo bị xé toang, em đang cởi trần, xương tay xương chân dài ngoẵng, ngực lép kẹp, xương sườn lộ rõ đếm được từng chiếc. Mợ và ngoại đang dỗ dành em mặc áo. Má ngán ngẩm lắc đầu: “Không biết mợ bây còn khổ đến bao giờ…”.

Cuối đông năm đó, em đi sau một trận bệnh. Em không chịu ăn, không chịu uống, không cho truyền nước biển, hung hăng phá phách quá trời, tới khi sức kiệt thì đi, tuổi mười bảy đành gửi lại.

Đám tang của em cả làng đến chia buồn nhưng không ai khóc cả. Mấy bà thì thầm: “Nó đi là một giải thoát cho nó, cho ba má nó. Ba má nó khổ quá rồi”!

Mợ cặm cụi tháo chiếc võng dù màu xanh đã xơ cũ đặt vào cho Phúc. Chiếc võng suốt mười bảy năm qua gắn liền với mọi sinh hoạt của em. Mợ thì thầm: “Đem theo cho con nằm êm lưng, nằm giường đau xương tội nghiệp”. Thấy mợ quệt nước mắt mà xót xa…

Sau đám tang, chỗ treo chiếc võng trông trống sao ấy, mỗi lần qua nhà mợ tôi lại nhìn chỗ treo chiếc võng. Hình ảnh em Phúc, cô bé chưa được biết hạnh phúc là gì, chưa một lần cất tiếng gọi “má ơi”, chưa một lần được trang điểm, được diện đồ đẹp, được thử giày mới… Tôi thương em, thương em cả đời chỉ biết gắn liền bên cánh võng, thương cậu mợ quá đỗi. Căm thù cái chất độc chết người đã ngấm sâu vào máu thịt cậu, vào bao đồng đội của cậu để bây giờ cuộc chiến đã lùi xa nhưng bao mảnh đời còn phải hứng chịu nỗi bất hạnh... Vâng, một kiếp người đã yên, còn bao kiếp người như thế đang khắc khoải đâu đây.

Nghe má nói khi Phúc được sáu tuổi mợ cấn bầu thêm một lần nữa. Cậu mợ hi vọng “đổi lốt con” sẽ khác nhưng được tám tháng thì thai chết lưu. Mợ lại lên bàn mổ, khi đưa ra ngoài thì đó là một bé trai không có chân và không có mắt… Cậu mợ sợ quá nên không dám sinh tiếp nữa.

Sau ngày ngoại và cậu mất, thấy mợ lủi thủi một mình, ba má kêu anh Tư của tôi qua ở hẳn với mợ. Mợ cưng cháu ghê lắm. Cu Bi con anh Tư bụ bẫm, lém lỉnh ôm bà Ba tối ngày. Nhà luôn rộn rã tiếng nói cười, tiếng bi bô của con trẻ mà suốt mấy chục năm qua không có được. Vợ chồng anh Tư hiếu thảo chính là chút an ủi cuối đời của mợ.
 
N.D
 

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)