Lá thư đô thị

Thứ Bảy, 26/05/2018 00:53
. TRUNG SỸ

Một chiều cuối tháng 2 năm 1979, tiểu đoàn 4 chúng tôi có lệnh hành quân đánh giải vây cho tiểu đoàn 6 trong ga Rômia, Campuchia. Hải quân đón chúng tôi bằng đội tàu há mồm cùng mấy chiếc giang hạm hộ tống rồi hắt lên thị xã Kongpong Chnang.

Bến đổ bộ đục ngầu do nước nông. Tụi tàu LCU gầm gừ trườn trên bùn thối, cố dũi vào cái cầu tàu đóng cừ tràm chèn đất nện do công binh sư đoàn làm tạm. Lâu lắm mới gặp lại vỉa hè hàng phố, có bóng rợp cổ thụ hàng cây phượng tây. Phố bờ sông lạ hoang vu không một bóng người, khẳn mùi mắm thối, mùi cá ươn lưu cữu. Nhưng phố vẫn là phố, đủ gọi tên thầm những hàng phố thân yêu khác, dù xa lắc xa lơ trong lòng một thằng trai phố. Ít ra đêm nay được ngủ ở đây, cũng còn hơn vạn lần quấn nilon ngủ vùi trong ruộng nước.

Xe hậu cần trung đoàn tấp vào. Chúng tôi nhận bổ sung đạn dược, pin máy và gạo, mỗi thằng được phát thêm hai hộp sữa. Trên một chiếc xe khác, Hội “bọ” trợ lí quân lực tiểu đoàn, đeo túi mìn claymore căng phồng leo lên thùng, hét tên từng thằng ra nhận thư. Tôi nhận được mười bốn lá thư một lúc. Thư của mẹ, của em gái cùng các bạn học phổ thông. Đây là lần đầu tiên những lá thư hậu phương tìm đến. Chúi vào một góc phố vắng xé bì thư, đọc ngấu nghiến như ăn cướp, rồi lại giở ra đọc chậm từng lá. Nét chữ tròn rõ ràng của mẹ. Mẹ mong con lúc nào cũng rắn rỏi vững vàng như cây Tùng tên con mẹ đặt. Lén nhìn quanh, rồi cúi mặt xuống quệt ngang tay áo. Áo lính mùa khô hút mau nước mắt và mồ hôi mặn. Có nỗi vui mừng chen lẫn điều gì giống như sự tủi thân. Một thằng lính trận đen đúa, từng dãi dầu nhiều trận ác liệt, nhiều đêm thức sâu trõm mắt, tập tọng hút thuốc và chửi thề như vẹt đói, có ai ngờ chiều nay lén lau nước mắt ở một góc phố rất xa.

Lá thư cuối của em, sau khi đọc hết những lá thư bè bạn vẫn còn kia chưa dám mở. Lời yêu tôi đã ngỏ, như viên đạn đã thoát đầu nòng, mang theo rất nhiều nhớ mong chờ đợi. Tưởng rằng đã quên hết đi theo những nẻo đường hành quân lầm bụi, nay đã trở lại hồi âm, mỏng mảnh trên những ngón tay run. Mẹ kiếp, trúng thì trúng, không trúng cũng đành ráng chịu thôi. Tự động viên bằng một câu chửi thề, và hồi hộp như đêm nghe tiếng đề pa cối địch. Trái đạn bắn đi, tựa viên xúc xắc số phận đã gieo đâu đó trong không gian, nén lại cảm giác ngột ngạt chờ tiếng bạc chẵn lẻ cuộc đời. Tôi bóc chậm lá thư đọc dòng đầu tiên.

Tùng xa nhớ...! Vỡ òa một hạnh phúc, một bình minh đang dựng chứ không phải hoàng hôn đang trùm xuống bờ sông vắng. Đọc đi đọc lại đến thuộc lòng. Đọc xong dường như lại quên ngay, muốn giở ra đọc lại đến trăm ngàn lần nữa. Tôi đưa lá thư lên mũi hít. Mùi hồ dán, mùi giấy và tưởng tượng ra ngón tay người đang nghiêng viết những dòng cuối cùng cho riêng tôi: “Mưa rừng ơi mưa rừng. Hạt mưa nhớ ai mưa triền miên...”.
 
Hàng phố bâng khuâng
Hàng phố ở đây chỉ những thằng trai phố cũ, có tên bắt đầu bằng những phố Hàng. Phố Hàng Lược, Hàng Khoai, Hàng Mã, chen quanh rộn ràng Đồng Xuân…

Chúng tôi cùng phường cùng phố, học cùng với nhau một lớp suốt thời trung học, có khi thầm yêu chung một cô bạn gái xinh mà chưa đứa nào dám mở miệng. Chiến tranh không từ một ai, ném tất xóm quê lẫn hàng phố, kẻ yêu lẫn kẻ chưa yêu vào cái mồm lúc nào cũng thèm thịt người và khát máu tươi. Mùa mưa khốc liệt năm 1978, mặt trận biên giới Tây Nam đang đói lính.

Hàng phố năm thằng trai ngố vào mặt trận, được chia về các đơn vị khác nhau. ThằngVinh sang quân đoàn 3, lên hướng Snoul Mimut. Tụi thằng Bình, Hiệp, Thọ, Tuấn Anh và tôi về quân đoàn 4, trụ vùng Chi Phu - Ba Vét. Một quân đoàn có nhiều sư đoàn cùng các đơn vị khác nhau nữa. Cứ thế, hàng phố bâng khuâng chia tay nhau về các đơn vị nhỏ, tiếp thêm cho tiền duyên đất nước đang chảy máu một chút hồng cầu.

Tưởng bặt tin, nhưng số phận rồi cũng chiếu cố, sắp xếp cho các trai hàng phố gặp nhau trên những nẻo đường chiến trận. Chúng tôi đánh vào ga Rômia trên lộ 27, hộ tống xe tiếp đạn, giải vây cho trung đoàn và thông đường chuyển tử sĩ ra ngoài Kampong Ch’nang. Nhà ga lúc này đang bị địch bao vây, lộ 27 bị cắt. Xe chạy chậm rì giữa cánh đồng. Lính tiểu đoàn ngồi trên xe căng mắt quan sát địch. Gần đến những điểm nghi có phục kích, bộ binh lại nhảy xuống xe càn lên phía trước mở đường. Đồng hoang đang cháy lem lém. Cỏ và chân rạ mù mịt bốc khói, liếm dần trên mặt ruộng những đám tro đen xám. Từ những chòm thốt nốt lẫn cây bụi nhỏ lúc hiện lúc khuất sau làn khói, địch bắn đoang đoác liên tục về hướng có tiếng động cơ. Đơn vị lùi lũi tiến lên, không bắn trả vì địch không dám tiếp cận. Một trái M.79 câu trúng sườn chiếc xe chở đồ, may mà không trúng xe đạn pháo 105mm.

Tới cầu cháy gần ga, tiểu đoàn tôi bắt liên lạc được với trung đội chốt đường của đơn vị bạn ra đón. Từ dưới con mương cạn, bước lên lừng lững một thằng đen cháy, tay xách khẩu B.41. Trông nó như con ma mọi trong bộ quần áo bẩn thỉu màu vàng đất. Con ma mọi bỗng quát lên gọi tên tôi. Trời ơi thằng Hiệp. Nó vẫn sống, trời ơi! Không thể nói nên lời lúc ấy. Nó như cảm giác bất ngờ gặp lại phố mình ngày cũ, như hờn tủi lần đầu tiên bóc lá thư nhà. Hàng phố tranh nhau nói, nhưng nó nói to hơn tôi. Những thằng điếc hay nặng tai thường nói to hơn người khác. Thằng này điếc mẹ nó rồi, bởi ngày hôm đó đã phụt tới mười sáu trái B.41 vào đám địch bu bám quanh cái cầu cháy này.

Thùng xe chở đồ dính trái M.79 bây giờ đã cháy ngún, bốc khói mịt mù. Chúng tôi nhảy lên xe quăng đồ xuống. Nhiều chiếc ba lô đã cháy nham nhở. Các hộp sữa mới lĩnh ban sáng phồng lên, méo mó bỏng rẫy. Gần vào sát ga, tiểu đoàn vượt qua hai chiếc xe chở tử sĩ bị địch vây, chưa mang ra Kampong Ch’nang được. Ruồi bay loạn, mù mịt trên đầu đoàn quân hành tiến. Mùa khô gay gắt nắng nên thi hài tử sĩ mau trương. Anh em đơn vị bạn phải chặt cành lá phủ lên chống ruồi và tưới nước cho mát để đỡ mùi. Chuyện vội vài câu giữa hương nồng chết chóc, mừng vui xiết bao khi nghe tin các bạn xưa vẫn đang còn ngày xanh, chưa thằng nào phải lên hai cái xe kia nằm.

Các gã trai hàng phố chia tay nhau, mải mốt bước theo đơn vị của mình.
 
Ga Rômia
Tiểu đoàn 4 dự bị cho trung đoàn 1 đánh vỗ mặt địch, thọc sâu lộ 27 tiến vào Amleang. Chúng tôi nằm trên sân ga đợi lệnh xuất phát.
Ga Rômia, cũng bé tẹo như mọi ga xép trên trái đất, với đường ke, nhà chờ và tháp nước. Con đường sắt heo hút chạy giữa rừng dầu thưa, mùa khô lá rụng vàng cháy. Nhà ga một tầng, lợp ngói đỏ, tường lỗ chỗ vết đạn to nhỏ. Những kiến trúc còn lại nhắc nhở một thời yên bình. Nếu không có tiếng gầm của pháo đội 105mm đang bắn quần quật ngay sau lưng, người ta sẽ nghĩ chúng tôi là những hành khách nhàn tản, đang ngồi chờ một chuyến tàu chiều.

Trên sân ga, hàng me keo cổ thụ xõa trùm bóng mát. Mỗi khi đại bác thụt nòng, hơi gió giật thổi qua, những trái me keo chín xoăn lại rùng mình quay vòng rụng xuống. Trái keo giống chiếc vòng tay tím đỏ màu thạch lựu, nức nở mở lòng phô bày múi nhân trắng dịu bao quanh chuỗi hạt. Lính thê đội 2 đợi lệnh vận động tấn công, đứa ngồi đứa nằm há miệng chờ keo rụng. Nhằn trái keo ăn chơi như nhằn cục kẹo, thấy vị mát ngọt kèm theo chút đắng. Cục kẹo đồng số phận chút nữa có vị gì hẳn chưa thằng nào nghĩ đến, bởi chúng tôi đa phần còn rất trẻ.

Khẩu pháo 37mm hai nòng của địch trên trái núi thấp đằng trước hạ nòng, bắn tà âm cản bộ binh. Tiếng đạn cao xạ nổ lốp bốp mé dãy thốt nốt đằng trước. Tiểu đoàn bộ dạt sang bên tay trái, rúc vào một vườn cây thấp. Tôi hỏi cây bàng à anh Ky, vì thấy lá cây nó giống lá bàng. Toàn cồ cười hô hố, bảo, bàng rừng đấy, ăn đi. Hắn vặt những trái “bàng” chín đỏ trên những cành thấp, nhét vào mồm nhai phọt nước. Anh Ky bảo cây điều, ăn trái được. Một thứ trái cây kì lạ, láng mọng đỏ vàng thật đẹp mắt, nhưng trôn lại lòi ra cái hạt phồng trông như con ve chó mập.

Đang khát nước nên tôi làm gần chục trái. Toàn cồ xui hạt nó cũng ăn được, bùi lắm, mày ăn thử đi. Không chút nghi ngờ, tôi đưa cái hạt lên miệng nhai. Những tia dầu trong vỏ hạt xốp tứa ra. Cảm giác rát bỏng đến tức thời, làm phồng rộp lột da môi. Miệng cứng lại, nước dãi trào qua rất rát. Toàn cồ lăn ra cười rất khả ố. Hắn lính đoàn Thanh Hóa vào năm 1977, hơn tôi hẳn một năm và to con gấp rưỡi. Cơn điên bùng lên, tôi vớ được cái bi đông nhựa đầy nước, ném thẳng vào cái mặt đang nhăn nhở. Hắn né được, nhảy vào định chụp tôi nhưng anh em xông vào kéo ra. Toàn cồ vẫn còn tức, lầu bầu chửi suốt. Tôi muốn chửi lại nhưng không được vì mồm sưng vêu do bỏng dầu sống hạt điều.

Câu chuyện lỡm nhau nhanh chóng đi qua. Tiểu đoàn nhận lệnh hành quân. Chặng đường gian nan ác liệt đang chờ đằng trước, số phận biết đâu ai mất ai còn. Nhưng cũng từ đó trung đội thông tin không bao giờ bố trí Toàn cồ với tôi đi chung một máy nữa. Năm 2011, sau cuộc chiến hơn ba mươi năm, tôi khấp khởi tìm về tận quê, xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân tìm anh Ky, Toàn cồ, Trung khói, để uống với nhau một trận quên sầu. Vào cả ủy ban xã dò tin nhưng vẫn bặt vô âm tín. Chén rượu mừng kỉ nhân hồi chưa rót đành vẫn bỏ dở dang.
 
Rùa vàng và tê tê
Chúng tôi rúc dài trong lòng một con suối cạn, giấu quân trốn nắng và đợi lệnh luồn sâu. Hàng le khô dày hai bên bờ đan nhau như một mái vòm, biến lòng suối thành một đường hầm cát ẩm. Những con rùa vàng to như cái bi đông, lạt xạt rúc vội trong lớp lá le khô rụng. Toàn cồ hì hục trong một cái hốc, lôi ra một con vật bốn chân mõm dài, thân phủ đầy vảy. Con vật kì quái cuốn mình lại như một cái vỏ sên khổng lồ. Đó là một con tê tê lớn. Hắn tai quái chẹn đầu gối lên con tê tê, nghiến răng cố kéo cái đuôi nó duỗi ra nhưng không được. Anh Nhương cáu, quát: Mày thích chầu ông vải à, có vứt nó đi ngay không? Toàn cồ hoảng sợ, lại bê con vật để vào chỗ cũ rồi vạch dái tự đái vào tay nó để giải xui.

Chuyện kiêng cữ gặp rùa, gặp tê tê của lính trước khi vào trận đến bây giờ tôi mới biết. Trước chỉ mới biết kiêng cơm khê, kiêng mặc quần áo mới, kiêng sơ vin áo bỏ trong quần, kiêng bắt tay nhau và cắt tóc. Nói chung kiêng tất những gì long trọng chỉn chu, giống như khi người ta chuẩn bị chia tay để về bên kia thế giới. Áo quần sao tiết mới chỉ có thể thấy trong các tấm hình liệt sĩ, nằm trên bàn thờ sau nải chuối xanh. Giờ tự nhiên đi trận, có thằng bỗng nhiên lôi bộ quần áo tươm nhất ra mặc. Lại sơvin cẩn thận, mỉm cười bắt tay anh em và nói những lời linh cảm xa xôi thì kinh lắm.

Rùa, tê tê và cái nghi thức vạch dái đái tay kia ám ảnh tôi suốt buổi chiều hành quân luồn sâu hôm ấy. Rừng khộp mùa khô khát khao, vàng cháy thoi thóp dưới hoàng hôn. Tiểu đoàn lặng lẽ len qua giữa một quần thể dầu rái lớn cao vòi vọi. Trên thân những cây dầu cổ thụ, địch đục vũm vào thân cây những cái hốc sâu, đốt mồi trong đó để lấy dầu. Ngày tàn chạng vạng, ánh lửa nhập nhoạng từ thân những cây dầu tối đen lừng lững trông càng ma quái, khiến người ta nghĩ đến những ngọn đèn thờ. Tôi bỗng nhiên thấy sợ, cố tình đi chậm lại, tránh xa thằng cha Toàn cồ tai quái kia một đoạn. Biết đâu số phận ập oành một phát, chẳng phải đầu cũng phải tai.

Chúng tôi dừng lại ở một cái phum cũ giữa rừng. Có thể nhận biết nơi đây từng có người ở qua cây me, cây chùm ruột lẫn trong những khung nhà xiêu vẹo. Các đại đội lặng lẽ bố trí đội hình. Cấm đốt lửa. Tôi bẻ nắm cơm vắt được phát hồi trưa, chấm với bột gia vị nuốt nặng họng. Đêm rừng hôm ấy tịch lặng và bí hiểm. Đâu đó xa xa vài tiếng súng lẻ không biết ta hay địch vang lên rồi tắt ngấm. Sau tiếng súng, không gian như càng im vắng hơn.

T.S

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)