Trái tim sói tuyết

Thứ Ba, 12/06/2018 00:50
Truyện ngắn dự thi. KIỀU DUY KHÁNH

- Ải à, cố ăn hết bát cháo cho khỏe lại đi, sắp đến ngày cúng Xên bản rồi. Mọi người đã góp tiền mua được con trâu to để thịt cúng, ải phải khỏe để còn mặc cái áo vía đỏ ngày cúng chứ...

Vừa đút cho bố thìa cháo loãng, Đanh vừa thẽ thọt. Cụ Áy cố hé đôi môi nhợt nhạt nứt nẻ khô cho vừa lòng con trai út. Nhưng thìa cháo chưa trôi qua cổ họng đã bị đẩy ộc ra. Đưa cánh tay gầy như cái rễ cây khô trên núi đá vỗ vỗ vào bên ngực trái tỏ vẻ đau đớn, cụ khẽ lắc lắc cái đầu chỉ còn lơ phơ vài sợi tóc trắng.

Đanh đặt bát cháo xuống cái đệm, nhè nhẹ tháo hàng cúc, mở phanh hai mảnh áo đen để lộ ra khuôn ngực trơ nổi từng cái xương sườn. Nhìn vào ngực trái của bố, Đanh bỗng thấy lạnh người, rú một tiếng rồi ngã rủn xuống sàn.

Ương đang đồ xôi ngoài bếp, nghe tiếng chồng vội chạy vào. Mặt Ương tái mét. Hai cánh tay vúng voắng huơ huơ về phía trước, bước chân đi giật lùi ra ngoài cửa. Quên cả cái bụng chửa to đã sắp đến ngày đẻ, Ương sải những bước dài qua mấy bậc thang, chạy vội sang nhà trưởng bản Quàng Đao.

Ông Đao vừa đi nương về. Nhìn cái dáng vẻ hớt hải lo lắng và khuôn mặt tái trắng như cái rau cải úa ngâm nước, không cần hỏi thì ông Đao cũng đã biết có chuyện xảy ra với cụ Áy, “Chảu xửa”(1) đời thứ năm khoác tấm áo vía thiêng cho cả bản. Không kịp thay cái áo khác, ông vội chạy sang bên nhà Mo.

Cụ Áy gầy rẹp, khẳng khiu, thóp thép những tiếng thở đầy khó nhọc. Nhìn cái bớt trên ngực cụ, dù đã biết sự việc sẽ phải xảy ra nhưng trưởng bản vẫn mong nó đừng đến sớm thế. Cái bớt hình con sói trắng muốt như màu hoa bông nở sớm đang chuyển sang màu tái lợt và mờ dần đi trên khuôn ngực lép kẹp. Ông Đao bước về phía cái cột to chính giữa nhà. Trên cái cột tròn nhẵn và đen bóng là chi chít những vết khắc với đủ hình thù. Chẳng cần đếm nhưng ông biết cái cột đã được chín mươi chín cái khắc rồi. Cứ mỗi năm bản Chờ Lồng cúng Xên bản một lần để xin trời đất, các thần linh, tổ tiên phù hộ cho bản một năm làm được nhiều lúa nhiều ngô, nuôi được nhiều trâu nhiều bò. Xin sói tuyết linh thiêng ngăn không cho thú hoang vào bản hại người hại vật. Xin ma rừng ăn nắm xôi nếp, miếng thịt gà thịt lợn còn sống đỏ tươi để không vào bản hại người ốm đau...

Sau mỗi lần cúng bản, người trưởng bản của năm đó lại được vinh dự cầm con dao khắc lên cột một cái khắc thiêng. Những vết khắc khác nhau của bao đời trưởng bản. Có vết đẹp như bông hoa ban, hoa mạ, có vết rắn chắc như tảng đá núi, có vết lại ngoằn nghoèo như con rắn đang nằm hong nắng.

Ông Đao đã bốn lần được khắc lên cây cột kể từ ngày ông được bầu làm trưởng bản. Chỉ còn ba ngày nữa là đến ngày lễ cúng bản thứ một trăm, lễ cúng cuối cùng của “Chảu xửa” đời thứ năm. Ông cũng sẽ là người được khắc lên cột cái dấu thiêng liêng nhất đánh dấu một sự kết thúc. Sau lễ Xên bản này, cụ Áy mới hoàn thành nhiệm vụ của người giữ tấm áo vía thiêng của bản. Cụ sẽ ra đi và con sói tuyết già trên đỉnh Cơi Pòn cũng biến mất. Từ đỉnh núi thiêng, một con sói tuyết mới sẽ được sinh ra từ ánh trăng. Những đêm trăng, con sói ấy lại đứng oai vệ trên mỏm đá cao nhất trên đỉnh núi và hú gọi ánh trăng. Ở bản cũng sẽ có một đứa trẻ có cái bớt màu trắng bên ngực trái được sinh ra. Đứa trẻ đó sẽ được làm “Chảu xửa”, tiếp tục sứ mệnh giữ tấm áo vía thiêng cho bản.

Nhưng còn tới ba ngày nữa mới đến lễ Xên bản, mà sức khỏe của cụ Áy giờ như cái lá Phay vàng cuối đông đang đứng trước cơn gió mạnh, chẳng biết sẽ rụng lúc nào. Nếu không may cụ mất trước ngày cúng bản, không có “Chảu xửa” khoác tấm áo vía thiêng cắm hai cây Ta leo khóa cổng bản ở phía đầu và cuối bản thì lễ cúng sẽ không còn linh thiêng nữa. Cũng sẽ không có con sói mới được sinh ra cùng lúc với đứa trẻ có cái bớt trắng trên ngực trái. Không có người giữ tấm áo thiêng do thần linh chọn thì bản sẽ gặp họa lớn. Ma rừng sẽ tự do vào bản hại người. Mùa gieo ngô, cấy lúa sẽ không có cơn mưa nào đến với bản. Và nguy hiểm nhất là khi không có con sói tuyết trên đỉnh núi thiêng, lũ sói lửa ở những quả đồi gianh lúp xúp, con hổ già vẫn rập rình ngoài cửa rừng sẽ ào vào bản mà cắn xé trâu bò, lợn gà, thậm chí là cả người trong bản.
*
*    *
Lão Bưởng trệu trạo nhai từng miếng xôi nếp thơm dẻo với thịt hoẵng nướng mà cứ như đang nhai miếng thịt thối cơm thiu. Lão thấy mồm nhạt thệch, lờm lợm, không có cảm giác gì là ngon. Miếng cơm cố nuốt qua cổ họng, một tiếng “o..ọe..” thốc ruột, nó lại bị đẩy trở lại khoang miệng. Lão trợn mắt lại cố nuốt vào. Không ngon lão vẫn phải cố mà ăn. Ăn để còn sống thêm được nhiều năm nữa. Lão sợ khi nghĩ đến cái chết. Mỗi lần nghe trong bản có ai già ốm qua đời, lão lại sợ đến không dám ra khỏi nhà. Lão chỉ ngồi rú trong cái bếp tối tăm lúc nào cũng đỏ lửa mà không hết lạnh để ăn những thứ ngon nhất, uống những bát thuốc bổ từ những cây rừng đỏ lòm lòm như máu. Nhưng càng muốn ăn thật nhiều thì lão lại càng không sao nuốt được. Lão sợ.

Sau lần đi hái thuốc bị trượt chân ngã từ núi xuống gãy mất mấy cái xương sườn, lão Bưởng thấy sức khỏe giảm đi nhanh chóng. Dù là thầy thuốc giỏi, biết tìm những cây thuốc tốt nhất để chữa trị, nhưng hình như cánh rừng đã lấy đi của lão một nửa sức khỏe để bù cho việc lão đào, lão đẽo, lão nhổ tất cả những cây thuốc quý nhất trong rừng đem về bán cho người bệnh từ bản gần đến bản xa với cái giá cắt cổ. Ngày trước, mỗi buổi đi rừng, lão vượt mấy ngọn núi cao, lần nào về cũng gánh trĩu hai đon cây thuốc. Giờ thì đi cả ngày lão cũng chỉ leo hết một quả đồi. Lão không đi tìm cây thuốc về bán nữa. Lão đi rừng chỉ để tìm những cây thuốc bổ nhất, củ sâm đá quý nhất bồi bổ cho mình. Tiền bán thuốc bao nhiêu năm, lão đem xuống huyện mua vàng về cất. Cái chum ủ rượu lão dùng để đựng vàng. Cái chum đã đầy ắc những sợi dây chuyền, những cái nhẫn… có mà ăn mấy đời cũng không hết được. Tích cóp bao nhiêu năm mới được như thế, không cố mà sống để ăn để tiêu cho hết thì phí lắm, lúc chết chẳng có đứa con mà cho.

Lão Bưởng không lấy vợ. Lão sợ lấy vợ về nó sẽ trộm hết tiền hết vàng của lão đem cho bố mẹ đẻ. Nên giờ lão chẳng có đứa con nào mà để tiền, để vàng lại cho nó. Sau này chết đi, lão sẽ thành ma đói lang thang. Thèm con gà, con lợn, thèm bát rượu thóc mầm cũng chẳng có ai để về mà bắt đòi cúng cho. Nên giờ lão phải cố ăn, cố sống.

Nhưng lão có cố cũng chỉ để tự an ủi mình thôi, chứ làm thầy thuốc bao nhiêu năm nên lão biết. Lão có ăn những củ sâm đá quý nhất, uống những cây thuốc bổ nhất thì cũng chỉ như cái cây đã bị nhổ đứt hết rễ rồi trồng lại, tưới thật nhiều nước, nó cũng chỉ tươi hơn lên một tí rồi vẫn lại héo rũ đi ngay.

Muốn khỏe lại được như thời thanh niên, sống thêm được vài chục tuổi, thậm chí cả trăm tuổi, chỉ còn một cách. Trên núi Cơi Pòn cao bằng mười lần bắn tên, quanh năm sương trắng như những đụn bông vừa bật tách hạt kia, có một con sói trắng còn hơn cả bông, trắng hơn cả thoi bạc vừa nung chảy qua lửa. Chưa ai leo lên được đến nửa ngọn núi, cũng chưa ai nhìn thấy tận mắt con sói tuyết bao giờ. Vào những đêm trăng sáng, đứng dưới nhìn lên, chỉ thấy một hình khối trắng còn hơn cả vầng trăng đang đứng bất động hướng về phía ánh trăng và hú lên những tiếng dài vang sắc. Lấy được quả tim con sói, đem hầm với thuốc phiện và huyết lình mười ngày mười đêm bằng ngọn lửa cây dẻ đỏ đem ăn thì có muốn yếu cũng không được, có muốn chết sớm Phạ(2) cũng chẳng cho. Thuốc phiện đen và huyết lình thì lão chẳng thiếu. Nhưng lấy được quả tim con sói tuyết về hầm thì còn khó hơn là sờ vú con hổ đẻ.

Cái tin cụ Áy, người giữ tấm áo vía của của bản Chờ Lồng đang thoi thóp sắp chết đến với lão Bưởng vào một buổi sáng khi lão đang chuẩn bị vào rừng tìm thuốc bổ cho mình. Cụ Áy là bố nuôi của lão. Cụ đã cứu lão ra khỏi cái miệng đục ngầu đói khát đến điên cuồng của cơn lũ núi khi lão vào rừng lấy củi và gặp cơn mưa rừng lớn chưa từng có. Nhưng giờ cái tin ấy chẳng làm cho những vết nhăn trên khuôn mặt lão giãn ra hay co lại thêm một ít. Bây giờ thì ai chết, ai sống lão cũng chẳng cần bận tâm. Lão phải lo cho cái sức khỏe của lão đang tụt xuống nhanh đến chóng mặt từng ngày, như cái củi khô đang trôi xuống dòng thác lũ.

Nhưng rồi lão đứng thần ra nghĩ ngợi. Một toan tính chợt lóe lên trong cái đầu đang mụ đi mỗi ngày vì lo cái chết đang đến gần. Lão  bỗng thấy khỏe hẳn lên. Thay vì đi vào rừng tìm thuốc bổ, lão sang bản Chờ Lồng, tìm đến nhà ông bố nuôi mà lão đã quên béng cả đường đến từ lâu.
- Thằng em út à, bố bị bệnh nặng mà mày không báo cho anh một câu thế. Đun nước sâm đá cho bố uống cũng chỉ giữ cho bố sống đến ngày cúng bản thôi. Muốn bố khỏe lại, sống lâu thì phải làm cách khác...

Đanh không ưa gì lão Bưởng, cái lão vừa tham vừa đểu. Nhưng giờ Đanh đang như người đi lạc trong rừng sâu thì gặp được cái đường mòn, dù cái đường mòn ấy đầy gai và có thể toàn bẫy, nhưng cũng phải thử đi thôi. Đanh đứng bật dậy:
- Anh Bưởng nói thật à. Có cách cứu bố sống bố tôi à? Anh nói cho tôi, tôi cho anh cả đàn trâu, cho cả cái xe máy tôi mới mua về...
- Thằng em Đanh nói thế thì xa cái lòng nhau quá đấy. Bố thằng em cũng là bố ta mà. Ta sang để bàn với thằng em cách cứu bố chứ không muốn lấy đàn bò, lấy cái xe máy của thằng em. Ta biết một cách, nhưng mà khó đấy, sợ thằng em không làm được thôi.

Đanh mừng quá, nắm chặt hai cánh tay lão Bưởng, rổn rển.
- Anh nói cho tôi đi. Có khó bằng đuổi bắt con chim Nộc Pà trong rừng rậm, mò tìm cái tóc rụng ở dưới hủm nước sâu tôi cũng làm được, chỉ cần bố khỏe lại thôi...

Lão Bưởng lấm lét ngó nghiêng trong nhà ngoài cổng, yên tâm không có ai nghe trộm, lão mới ghé tai Đanh lào thào. Nếu thằng em lên được đỉnh Cơi Pòn bắn được con sói tuyết, lấy quả tim nó đem về để ta làm thuốc cho bố uống thì bố sẽ khỏe như con gấu ngày xuân, đẹp như cây hoa Pó mùa hè, sống thêm đến trăm tuổi nữa. Ta biết thằng em leo núi giỏi, đi săn chẳng ai bằng. Nhưng con sói kia là sói thần đấy. Cái nỏ thằng em có mạnh, có tốt đến đâu cũng khó mà chạm được mũi tên vào sợi lông của nó. Ta còn giấu được cái súng kíp tốt, vẫn để ngoài nương xa. Đêm nay thằng em ra lấy mà đem đi săn con sói. Nếu bắn được thì mổ lấy quả tim, đem ngay về để ta làm thuốc cho kịp. Việc này phải giấu kín, đừng để đến tay lão trưởng bản là việc không thành được đâu.
*
*    *
Đeo khẩu súng kíp ra phía sau lưng, chụp cái đèn săn lên đầu, Đanh lặng lẽ lần bám vào vách đá tìm đường leo lên núi. Ánh đèn rạch một vệt dài lên vách đá dựng đứng bàng bạc trắng. Vừa nghển đầu nhìn lên, bàn tay Đanh vừa xoa xoa lên vách đá lần tìm những cái núm đá nhô ra, những cái khe nhỏ mà bám chặt vào, nhích dần lên. Núi Cơi Pòn toàn đá dựng đứng, chỉ thỉnh thoảng mới nhô ra một bụi mạy noi úa vàng, vài cụm phong lan đá bám vào nhau nhúm nhít hay một cây si đá gầy guộc khẳng khiu cố vươn chìa ra khắc khổ.
Trăng đã lên. Ánh trăng nhếnh nhoáng chảy tràn từ đỉnh núi xuống như một dòng bạc. Bàn tay Đanh bám vào những cái vú đá cũng mát rịm ánh trăng. Vội tắt đèn pin để nếu người dưới bản có nhìn lên cũng không phát hiện có người đang leo lên núi. Ngước nhìn lên, thấy đỉnh núi vút cao bồng bềnh huyền ảo trong sương đêm và ánh trăng hòa quyện, xoắn xuýt.
Hú....uu..ú..ụ…

 
trai tim soi tuyet le anh van new
Minh họa: Lê Anh Vân

Một tràng âm thanh trầm khàn đứt quãng vang lên trên cao. Tiếng hú của con sói tuyết. Tiếng sói cho Đanh biết mình còn ở cách xa đỉnh núi. Hai bàn tay Đanh đã rộp phồng tóe máu, đôi chân đã mỏi nhừ. Chỉ muốn tìm được vách đá bằng ngồi nghỉ một lúc. Thèm một ngụm nước mát đến rịm người. Nhưng Đanh không thể ngồi nghỉ dù chỉ một giây. Phải lên được tới đỉnh núi trước khi con sói hú hồi thứ ba. Không lên kịp thì lại phải ngồi đợi tới đêm sau. Mai đã là lễ cúng Xên bản rồi. Phải lấy được quả tim con sói đem về để lão Bưởng kịp làm thuốc cho bố trước khi buổi lễ kết thúc. Đanh cố quên cái đau, cái mỏi, cái khát đang cùng lúc ùa tới mà tiếp tục leo lên.

Khi tiếng gà rừng đầu tiên e e gáy dưới lũng xa thì Đanh đã đặt chân lên được đỉnh núi. Nhìn xuống dưới bản, thấy những ánh đèn đêm lốm đốm sáng như một vũng sao rơi. Đêm nay cả bản thức khuya để chuẩn bị đồ lễ ngày mai cúng Xên bản. Trước khi làm lễ tế rừng thiêng và cắm Ta leo khóa cổng bản hai đầu, sẽ phải cúng ma nhà chủ áo. Không thấy Đanh ở nhà, mọi người sẽ lo lắng đi tìm khắp bản trên bản dưới, sẽ trách thằng con út không biết lo cái việc lớn của nhà, của bản mất thôi. Nhưng giờ Đanh không còn thời gian để mà nghĩ nhiều nữa.

Tháo cái súng kíp đeo sau lưng xuống, Đanh bật đèn kiểm tra lại cò súng, kíp nổ cẩn thận. Nhồi vào nòng gói thuốc đen mịn đã chuẩn bị sẵn, nhét một ít bùi nhùi phoi tre, lấy thanh sắt dài bên cạnh nòng súng Đanh nén chặt. Lại cho một nhúm đạn ghém vào nòng, lại nhét ít bùi nhùi. Nhúm đạn ghém phải đến vài chục viên sắt bé như cái hạt mắc khén. Khi bắn, những viên đạn sẽ cùng lúc bay tỏa ra, con thú có nhanh đến đâu cũng không thể nào chạy thoát.

Tất cả đã yên tâm, Đanh tắt đèn, hướng nòng súng về phía trước, nhón những bước thật nhẹ như bước chân con mèo rừng rình mồi. Đi săn đêm nhiều nhưng Đanh chưa thấy nơi nào lại yên tĩnh như trên đỉnh Cơi Pòn. Không có tiếng con thú đi ăn đêm chạy loạt soạt trên lớp lá khô giòn, không có con cú già ẩn trong lùm cây thả những tiếng đều đều buồn rủ, không có con chim lợn kéo những vệt âm thanh sắc rợn rạch đứt ánh trăng khuya. Chỉ có sương đêm đặc quánh ào lên như cái chõ xôi đang đun lửa nỏ thì bị mở bật vung ra. Yên ắng quá. Cố đi thật nhẹ và khẽ thế mà vẫn nghe được tiếng lá vỡ rồm rộm dưới chân.

Đanh bỗng đứng khững lại, đôi mắt mở căng tròn, nhìn như không chớp về phía trước. Cách đó chỉ hơn chục cái sải chân, trên hòn đá cao và chông chênh với vi vút gió với sương và trăng quyện xoắn, con sói trắng muốt như một tảng tuyết được đúc nặn đang đứng nhìn về phía mặt trăng xa, bất động. Nó đang say ánh trăng. Mới nhìn qua, Đanh còn tưởng đó là một tảng đá trắng hình con thú nếu không thấy cái đuôi bông dài thi thoảng ve vẩy nhẹ. Đêm khuya và lạnh, nhưng từ người con sói tỏa ra một luồng hơi ấm đậm khiến làn sương đêm chỉ chờn vờn bay quanh mà không sao tiến lại được gần. Đanh đứng ở xa mà vẫn cảm nhận được luồng ấm như người bắt cá đêm về được ngồi cạnh đống than hồng.

Cứ đứng ngẩn ra thế mà nhìn con sói lạ như bị thôi miên, như bị rơi mất hồn. Phải một khoảng thời gian mà trong cơn mụ mị thất thần, không sao nhớ được là bao lâu, Đanh mới dần nhớ ra nhiệm vụ của mình đêm nay. Nhưng nhìn con sói đẹp quá. Đanh lại ngẩn ra, không nỡ xiết cò. Cái súng cứ nâng lên lại hạ xuống mấy lần.

Hú...uu...ụ...
Tiếng hú trầm khàn lại vang lên khiến Đanh giật mình. Hình ảnh bố nằm thoi thóp, phều khào, gầy rạc hiện lên. Đắn đo một lúc, lại nâng súng hướng về phía con sói, nhưng ánh mắt lại quay vội về phía khác, Đanh nhắm mắt bóp cò.
Đoàng....oàng...

Tiếng nổ khô khốc bật lên cùng lúc với một vệt lửa đỏ quạnh, nhọn hoắt phụt ra phía đầu súng. Khói thuốc súng khét lẹt xộc vỡ làn sương mỏng lả lơi. Tiếng hú cô đơn của con sói tuyết bỗng bị âm thanh chát chúa và lạnh lùng làm vỡ vụn, rơi lả tả lịm tắt.
*
*    *
Lão Bưởng cầm cái chày gỗ cứng và nặng trịch nhón nhén tiến về phía con chó vện đang ngủ say bên bếp lửa. Con chó vện đã ở với lão mười mấy năm rồi. Có nó, lão bớt đi sự cô đơn, trống vắng. Con chó ngoan và trung thành. Nó đã cứu lão thoát khỏi cái chết trong một lần vào rừng hái thuốc gặp phải con lợn lòi hung dữ. Cũng vì cứu lão mà con chó vĩnh viễn mất đi một cái chân sau. Giờ mỗi lần theo lão vào rừng, nó phải nhảy lò cò bằng ba chân còn lại, trông thật tội nghiệp.

Nhưng bây giờ tất cả những kỉ niệm đẹp về con chó không còn ở trong đầu lão. Khom người xuống, vung cái chày lên cao, hai hàm răng nghiến đến bạnh cả quai hàm, bằng tất cả sức lực trong người, lão phang thẳng cái chày vào giữa đầu con chó.
Oắng...

Bị đánh một đòn mạnh và bất ngờ, con chó chỉ kịp kêu một tiếng đau đớn, cố nghển cái đầu đã lòi cả máu và óc lên để nhìn chủ nhân lần cuối với ánh mắt oán giận. Giãy giụa được mấy cái như muốn cố giành lấy sự sống rồi nó nằm im, bất động.

Phang thêm một cái nữa để yên tâm là con chó đã chết hẳn, không quay lại cắn. Bây giờ lão Bưởng lấy con dao sắc, rạch một đường phanh bụng, móc ra quả tim đỏ loét máu, cho vào cái bát, giấu trong chum gạo. Nếu thằng Đanh lấy được quả tim sói về đây, lão sẽ lấy tim con vện để đánh tráo. Còn cái xác con chó, lão giấu xuống gầm sàn, đợi sáng mai sẽ gọi thằng Sếnh buôn chó đến bán rẻ cho nó được thêm đồng nào tốt đồng ấy.

Bây giờ thì lão thấp thỏm đứng ngoài sàn nhìn lên ngọn núi Cơi Pòn chờ đợi. Khi nghe tiếng súng kíp vẳng lên từ trên ngọn núi cao, lão mừng húm hím, muốn nhảy chồm lên. Hố, cái thằng Đanh bắn giỏi có tiếng, con diều hâu đang bay tít trên trời cao, nhìn bé như cái lá me tròn mà cái nỏ nó vừa giương lên con diều hâu còn phải rụng xuống, nói gì con sói to thế. Phạ ôi, Phạ giúp ta rồi. Lão muốn ngửa cổ hú to lên giữa đêm khuya như thế. Nhưng lão chưa kịp hú. Một vệt trắng lóa như mảnh trăng bị vỡ lao vút xuống từ đỉnh Cơi Pòn.
Ối...cứ...ứ...u...
*
*    *
Đứng căng mắt bất động một lúc, đợi làn khói súng xanh khét tan loãng vào sương đêm, Đanh bật đèn, bước như chồm về phía hòn đá. Không thấy con sói đâu nữa. Nhìn xuống chỗ nó vừa đứng, Đanh như không tin được vào mắt mình. Ngay đỉnh hòn đá, một quả tim nóng hổi vẫn còn thúp thíp đập. Quanh đó, những giọt máu đỏ tươi rơi lốm đốm trên mặt đá trắng phau như những bông hoa ban đỏ. Nhìn quả tim, trong lòng Đanh bỗng chộn lên một cảm giác khó tả. Vừa thấy vui sướng, vừa liu riu buồn cùng một cảm giác như là tiếc nuối, như là ân hận. Cứ đứng thần ra nhìn quả tim đang đập những nhịp yếu dần, để mặc khóe mắt mủng ra nhơm nhớm nước.
Téc...te...te...té

Tiếng gà rừng vẳng lên từ rất xa như nhắc cho Đanh nhớ là trời sắp sáng. Quỳ gục xuống bên hòn đá, hai tay run run đón lấy quả tim còn nóng hổi, miệng lầm rầm như đọc bài cúng hồn. Giọng Đanh lạc đi, nghẹn đắng...

Mặt trời nhô lên đỉnh Cơi Pòn thì Đanh cũng xuống tới chân núi. Cầm chắc quả tim sói, Đanh chạy vội về phía nhà lão Bưởng.
Vừa đến chân cầu thang, Đanh bỗng đứng sững lại, giật thót. Trên nhà lão Bưởng lố nhố người. Người cháu họ lão đang đứng ở Chan quản, hú báo Phạ, báo bản có người nhà chết. Đanh leo vội lên cầu thang. Lão Bưởng nằm bất động, cứng đơ trên cái bậc cửa Quản, hai mắt vẫn mở trừng trắng đục. Trên mặt, trên quần áo và quanh chỗ lão nằm, lông sói trắng muốt như những sợi bông tơ trong quả khế mèo nẻ khô bung ra vương vãi.

Đanh cúi xuống, vuốt cho đôi mắt mở trừng khép lại rồi lao nhanh về nhà. Đến đầu bản, đã thấy cây Ta leo cắm bên cạnh cái sàn cúng vừa dựng. Hương vẫn đang cháy đỏ. Lễ khóa cổng phía đầu bản vừa xong. Đanh chạy về nhà. Trên cái đệm mới, vợ Đanh nằm nhăn nhó, bên cạnh bà đỡ đang xoa xoa lên cái bụng tròn căng.

- Mình đi đâu từ hôm qua mà để cả bản đi tìm. Mọi người đang làm lễ ở cuối bản, mình ra ngay đi. Hôm nay thằng con nó đạp mạnh quá, tôi không đi được, chắc đêm nay tôi sẽ sinh đấy, bà đỡ vừa xem cái cổ tôi bảo thế…
*
*    *
Cả bản đứng như nín thở quanh gốc cây muỗm cuối bản, hồi hộp và lo lắng. Cụ Áy yếu quá rồi. Cụ nằm như bất động trên cái cáng. Hơi thở cụ cứ lịm dần đi. Nhìn vào khuôn ngực mỏng lép, phải để ý kĩ lắm mới thấy cái áo vía đỏ hơi phập phồng, động đậy.
Thầy Mo Thầu đã đọc xong bài cúng khóa cổng bản. Thầy quay nhìn cụ Áy đầy ái ngại.

- “Chảu xửa” phải cắm được cái Ta leo này nữa thì mới xong được lễ cúng Xên bản. Lễ cúng bản kết thúc thì “Chảu xửa” mới của bản mới được ra đời cùng với con sói tuyết khác sẽ xuất hiện vào mùa trăng sau trên đỉnh Cơi Pòn. Nếu cụ không thể làm được thì lấy cây Ta leo đặt vào tay cụ, chọn một thanh niên khỏe nắm tay cụ và cây Ta leo để truyền cái khí thiêng, rồi thanh niên cắm thay cũng được. Nhưng làm thế thì không được tốt lắm đâu…

Cụ Áy khẽ mở mắt. Khó khăn lắm cụ mới gượng ngồi được dậy. Ông Mo và trưởng bản vội đỡ dìu cụ đến bên gốc muỗm. Run run cầm lấy cây Ta leo, cụ bỗng đứng thẳng lên. Bằng tất cả chút sức cuối cùng, cụ cắm mạnh cây Ta leo đứng thẳng xuống đất, mặt Ta leo hướng về phía trước như bông hoa Săng vừa nở. Một hồi chiêng kết thúc lễ cúng khóa cổng bản vang lên.

Đanh chạy đến nơi, chỉ kịp nghe tiếng “che...eng” cuối cùng của hồi chiêng dài. Ôm ghì quả tim sói bên ngực, Đanh rẽ đám đông lao đến bên bố. Cụ Áy nhìn Đanh, nhoẻn một nụ cười cuối đầy mãn nguyện rồi đổ gục xuống bên gốc cây muỗm già.

Đanh ngã khuỵu xuống, nghẹn ngào ôm lấy bố...

Thấy nặng trĩu buốt lạnh ở lòng bàn tay trái. Đanh nhìn xuống. Quả tim đang chuyển dần sang màu trắng toát và cứng đanh như viên đá suối. Nước mắt Đanh trào lên ướt nhoẹt. Quả tim vữa rời ra thành những vụn tuyết, rơi lả tả qua những kẽ ngón tay... 

K.D.K
-------
1. Chảu xửa: Chủ áo, Tiếng Thái
2. Phạ: Trời, tiếng Thái

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)