Chiều lan vỹ

Thứ Sáu, 22/06/2018 00:06
Truyện ngắn dự thi. NGUYỆT CHU

1.
Sài Gòn.
Tháng 4 năm 1975, những chuyến phi cơ đưa trẻ em (Babylift) lần lượt cất cánh rời sân bay Tân Sơn Nhất.
Những đám mây vẩn đục hình cây thập tự đọng lại trên đỉnh trời, tiếng chuông nhà thờ rền rĩ trong cái náo động ngấm ngầm. Giày đinh rệu rã nện vào từng con hẻm giăng mắc như mạng nhện. Lá cờ vàng ba sọc ủ rũ trong cái ngột ngạt, bức bối của ngày tháng tư khô khốc.
Ma-sơ bước run rẩy. Chậm dần, chậm dần. Đôi tay đan vào nhau. Tiếng phi cơ cất cánh. Gió, cát, và tăm tối vần vũ trên đỉnh trời xám ngoét…
Ma-sơ làm dấu rồi bước vào cổng nhà dòng…
Ngọn đèn hoa kì leo lét đổ bóng xuống nền hành lang gãy gập, ma-sơ nhẹ nhàng mở cửa kiểm tra các phòng, bỗng giật mình khi thấy bóng một đứa trẻ thấp thoáng ở vườn hoa.
Lucia Na, con làm gì ở đây vậy? Đứa trẻ giật mình, ngước nhìn. Hai giọt nước mắt no tròn lăn trên gò má vỡ ra. Cỏ lan vỹ dưới chân dập nát, sực lên mùi cay nồng nã. Những đốm hoa trắng nhạt, mỏng như tơ vương. Ma-sơ ngồi thụp xuống, ôm chầm lấy đứa trẻ. Con lại mơ phải không? Cô bé gật đầu. Ừ, không sao, những cơn mơ sẽ tan nhanh thôi.
Luica Na lại leo lên chiếc giường nhỏ, khẽ kéo tấm chăn mỏng đắp ngang ngực. Cô bé cố nhắm mắt lại, thấy một bóng đêm sâu hơn cả bóng đêm. Tăm tối, hun hút. Tiếng bước chân chạy náo loạn, dồn dập, tiếng khóc thét, tiếng nổ chát chúa.
Những ngày cuối cùng của chiến tranh.
 
2.
Mary à, Luica Na vuốt mái tóc tơ mềm mượt của đứa con nuôi, con đã ngủ rồi đấy ư. Luica Na nhìn xuyên qua đêm tối thấy một khoảng rất xa, mờ đục. Chị nhắm mắt, hai tay ôm đầu, nhoi nhói một sự dập nát từ thơ ấu. Cảm giác đôi chân trần bị xước rớm máu vì những chiếc lá sắc của một loài cỏ dại. Ta xin lỗi. Ta không thể nhớ nổi, không thể phát âm nổi tên của nó, một cái gì đó na ná như tên con, nhưng không phải vậy.
Đã mấy chục năm chị đi tìm loài cỏ dại chẳng nhớ tên, khi tiếng Việt chỉ còn là một khoảng trống. Một cái tên bất giác ùa vào hơi cay của đất mẹ thời quá vãng. Nhưng chỉ được chút vậy thôi. Ở đất này, không kiếm được loài cỏ ấy.
Đất này là Nam California.
 
3.
Luica Na, tỉnh dậy đi con!
Tiếng ma-sơ gấp gáp. Cô bé đang vùng vẫy, chấp chới giữa một hố đen ngòm của cơn mơ. Trong bóng tối, những giọt nước mắt trộn lẫn với những giọt mồ hôi nóng hổi, mặn chát. Ma-sơ ôm cô bé vào lòng, đôi tay chai sần vuốt ve cái thân hình non nớt đang run rẩy.
Luica Na ghé sát vào tai người đàn bà thì thầm: “Con thấy trong mơ âm thanh gì đó rất lạ. Con không biết, chỉ thấy những tiếng ù ù quay tít trong đầu, những tiếng gầm gào như mãnh thú. Đôi mắt con như muốn nổ tung ra”.
Những âm thanh mơ hồ, huyễn hoặc từ đâu đó dội lại ám ảnh. Rồi đây, khi nó lớn lên ở bên kia, nó sẽ ra sao. Ai sẽ là người vỗ về những cơn mơ? Lạy Chúa! Ma-sơ thấy cổ họng mình nghẹn lại. Luica Na là đứa trẻ mà sơ yêu thương nhất, nó có cái bớt tím hình trăng khuyết ngay trên ngực trái, như một mảnh tim vỡ…
Luica Na khẽ lay ma-sơ. À…ừ… Có thể đó là cái mà Chúa muốn thử thách con. Vượt qua được những âm thanh đáng sợ ấy, con sẽ mạnh mẽ hơn, Luica Na yêu dấu ạ.
Cô bé dường như đã thỏa mãn với câu trả lời. Lạy Chúa lòng lành! Người đang thử thách con. Nhưng mà sơ ơi, các bạn con đã đi đâu?
À, các bạn ấy đến một nơi tốt đẹp hơn, được chăm sóc chu đáo hơn. Chúa dẫn đường cho các bạn ấy.
Vậy bao giờ đến lượt Chúa dẫn đường cho con đi? Con thèm nhìn thấy ánh sáng. Mà con là một đứa trẻ xấu xí phải không? Đứa trẻ xấu xí thì Chúa sẽ không dẫn đường. Mẹ con cũng không dẫn đường cho con.
Không đâu Luica Na ạ! Con là một đứa trẻ xinh xắn, Chúa sẽ ban phước lành cho con. Mẹ con vẫn ngày ngày dõi theo con. Một ngày nào đó, con sẽ tìm thấy mẹ, con nhớ kĩ lời ta, mẹ con cũng có cái bớt hình mảnh trăng trên ngực trái. Con đau thì mẹ con cũng đau.
Vậy sao mẹ lại bỏ con? Mẹ không bỏ con mà chỉ là trong hoàn cảnh quá khó khăn, cũng như sơ, những ngày sắp tới không thể chăm sóc con được nữa. Con sẽ như các bạn, đến một nơi tốt hơn. Nhưng con không muốn phải xa nơi đây. Không, con ạ! Con có nghe được tiếng vỗ của những cánh chim tự do trên nền trời không? Chúa sẽ bảo vệ con …
Ma-sơ bước ra khỏi phòng. Những đêm cuối cùng của tháng tư khô ran. Mùi cỏ lan vỹ dập nát dưới chân cay nồng, u uất. Tiếng lựu đạn ì ùng đâu đó. Một vài tiếng giày đinh lộc cộc nện vào mặt đất. Rồi gục xuống. Từng dòng máu tràn lên cỏ.
 
4.
Luica Na khẽ hôn lên mắt đứa con nuôi đang thiêm thiếp ngủ. Căn phòng nhỏ chật cứng những con thú nhồi bông. Đôi tay chị rệu rã trên từng mũi kim.
Daddy Bear, Mommy Mouse, Cat Cat…cả Baby Monkey, ngồi yên đây nhé! Chị nhẹ nhàng bảo những con thú. Ta cần phải lấy thêm ít bông và vải vụn nữa. Màu xanh lá cây, màu đỏ hay màu vàng nữa, ta mặc định bằng độ mịn và độ dày của vải. Chị lần đi về phía tủ, hì hục lôi ra một bao tải bông và vải  vụn. Nào, hãy lên tiếng đi các bạn yêu dấu. Sao cứ câm lặng như thế? Ta điểm danh nào. Bắt đầu từ Daddy Bear…
Đã xong xuôi hết cả chưa, chị lại hỏi. Bỗng có vật gì nhỏ rớt xuống nền nhà cạch một tiếng. Chị với tay ra, quờ quờ xuống sàn. Chà! Con mắt sao lại rớt xuống vậy cưng? Chị lúi cúi đính lại con mắt của chú gấu bông bằng chiếc cúc áo đen.
Bỗng Mary chồm dậy, ôm choàng lấy chị. Con làm sao vậy, lại mơ nữa ư? Sao mẹ con ta toàn những ác mộng.
Luica Na đưa bàn tay lau những giọt nước mắt và những giọt mồ hôi mặn chát trên mặt con bé. Nào ngồi xuống đây, cùng mẹ xếp những con thú bông này vào túi nhé. Sáng sớm, họ sẽ đến lấy hàng đấy.
Cô bé im lặng gật đầu. Ánh sáng yếu ớt của chiếc đèn ngủ trùm phủ. Con Mommy Bear vẫn trong chăn, để lộ ra lớp lông nâu bạc phếch và cái mũi đen bóng. Cô bé nhướn mắt ra cửa sổ. Khoảng trời đêm u ám điểm những bông tuyết hiếm hoi trên đất Nam California này. Những cơn mưa tuyết dự báo cho những ngày đầy khắc nghiệt và bất ổn. Cô bé ném ra bên ngoài ánh mắt lo âu. Bộ tóc xù lên như một đám mây vẩn lên giữa nền trời giông bão.
 
5.
Luica Na, đi thôi con!
Ma-sơ làm dấu thánh, một tay xách hành lí, một tay dắt Luica Na, vội vã bước ra khỏi nhà dòng.
Đến lượt con rồi ư? Đúng rồi con, và cả các bạn của con, là những đứa trẻ cuối cùng.
Con nhớ lấy, hôm nay là ngày 28 tháng 4.
Luica Na ngơ ngác giữa dòng người hỗn độn, tay nắm chặt lấy bàn tay ma-sơ. Đôi chân cô bé loạng choạng, run rẩy trong những âm thanh của xe cộ trên đường phố. Không, sơ ơi, con không muốn đi, con sợ lắm! Tiếng cô bé tan ra rồi chìm lút vào giữa đám đông đang ào lên như những ngọn thác. Đám đông gào thét trong náo loạn. Chen lấn, xô đẩy. Chuyến bay cuối cùng rồi! Những đứa trẻ khóc ré lên từng cơn.
Khuôn mặt ma-sơ tái đi. Những con chim sắt khổng lồ đang nằm chờ đợi. Chúng sẽ mang những đứa bé lên đỉnh trời rồi thả vào bốn phương. Ma-sơ thoáng rùng mình khi nghĩ đến sợi dây liên kết trong chuyến bay cuối cùng và chuyến bay đầu tiên trong cuộc Babylift này. Tiếng nổ, nứt toác, những mảnh kim loại văng ra rồi bốc cháy, những cột khói đen cuồn cuộn.
Đây là đâu sơ ơi? Cô bé nhướn đôi mắt đục mờ hỏi trong bất lực. Những tiếng hối thúc từ phía sau: “Go! Go!”. Sơ dắt Luica Na len qua đám người rồi đẩy cô bé lên cầu thang của cửa tàu bay. Mắt con bé yếu quá, gần như không nhìn được nữa. Đi đi con! Không, sơ ơi, con sợ! Chúa sẽ mang ánh sáng cho con, bước lên đi! Sơ đi cùng con! Không được con ơi…
Những người phía sau bước lên và đẩy Luica Na tiến về phía trước. Người nữ tiếp viên vội vã đỡ cô bé vào trong khoang. Phút chốc, bóng dáng bé nhỏ lầm lũi xách chiếc vali đã lọt thỏm giữa một đám đông mỏi mệt. Ma-sơ ngước nhìn đỉnh trời. Đám mây hình cây thập tự tan đi rất nhanh. Thấy cổ họng mình nóng ran và khô khát. Thế là xong! Tất cả đã ra đi trong chuyến bay cuối cùng.
Chiều tháng tư sực lên rát bỏng.
Trên khoang tàu bay, những đứa trẻ được đánh số nằm ngồi la liệt. Một số trẻ nhỏ hơn được nằm chung trên ghế. Có đứa vẫn đang thoi thóp thở trong những sợi dây níu giữ. Một vài quân nhân Mĩ gục xuống bơ phờ. Luica Na cố nhìn qua cửa sổ. Trong tâm tưởng cô bé, ma-sơ với tấm áo choàng màu đen và viền mũ trắng. Bầu trời thì xanh và ánh nắng màu vàng. À, lan vỹ cũng xanh, nhưng không giống màu xanh của bầu trời. Hoa lan vỹ cũng trắng nhưng không giống màu trắng trên mũ sơ. Nó mỏng hơn, nhẹ hơn, như một đốm bông. Cứ mờ dần, giờ thì mình không nhìn rõ nữa, như không có ánh sáng. Luica Na lần sờ nơi ngực trái. Một cái gì đau lắm, ùa đến. Những tiếng ù ù quay tít. Cô bé ôm đầu, thở dốc. Ma-sơ, cứu con…

 
chieu lan vy pham minh hai
Minh họa: Phạm Minh Hải

6.
Mary à, con có biết ta đã dành dụm được bao nhiêu tiền không? Luica Na nở một nụ cười nhẹ nhõm, xoa xoa vào cái má bầu bĩnh của đứa con gái. Con bé lắc đầu. Nó giơ những ngón tay ra làm dấu và đặt bàn tay Luica Na vào đó. Chị bật cười thành tiếng. Ồ, hơn nhiều chứ, con gái bé bỏng! Chúng ta có những kế hoạch trở về.
Mary, con để Mommy Bear ở đâu rồi nhỉ? Ờ đây! Luica Na vuốt ve con gấu bông rồi đưa lên miệng hít hà, cưng nựng. Con đã chán chơi với nó chưa? Nó già quá! Nó là con thú bông mà mẹ ta, bà ngoại của con - ờ, bà ngoại, con hiểu bà ngoại là gì không nhỉ, đã tặng cho ta đấy. Ma -sơ bảo vậy. Nhờ có nó mà ta đã nghĩ ra cách kiếm kế sinh nhai trong suốt mấy chục năm trời chứ không phải chỉ sống dựa vào tiền trợ cấp của chính phủ. Con vẫn khâu thú nhồi bông giúp ta ư? Đính mắt vào cho chặt nhé, đừng để nó rớt xuống mà không thấy đường về. Luica Na lần sờ vào chiếc cúc mà con bé đính trên mặt thú bông. Đúng rồi! Mấy con rồi nhỉ? Chúng im lặng đến phát bực! Thật tệ. Nhưng ta không nói con đâu nhé, con bé bỏng. Ta xin lỗi, ta không thể nhớ tên loài cỏ dại sực hơi cay.
Con à, cô giáo dạy tiếng Việt bảo rằng ta có nhiều tiến bộ đấy. Tuy rằng có nhiều từ phát âm chưa chuẩn. Nhưng có hề chi. Chưa bao giờ ta thấy việc học lại hứng thú như thế này. Vì đã dự định để trở về. Ta đã mất rất lâu để quen với những con chữ nổi. Những con chữ nhảy nhót. Rờ vào chúng, ta có cảm giác như được rờ vào kí ức đã đánh mất.
 
7.
Trại trẻ mồ côi.
Bang Nam California.
Ngày đầu tiên khi chuyến phi cơ cuối cùng đưa trẻ em Babylift hạ cánh an toàn.
Luica Na ngồi nép vào góc phòng, cố thu mình cho thật nhỏ. Con Mommy Bear vẫn cuộn tròn ngủ say trong lòng cô bé. Một mùi lạ lẫm xộc vào mũi. Cô bé khẽ hắt xì lên vài tiếng. Những âm thanh cũng lạ lẫm. Những tiếng xôn xao va đập vào nhau, loang loáng trước mắt như những ngọn sóng. Tiếng rì rầm ở đâu đó, tiếng nô đùa, tiếng chạy nhảy, cả những tiếng khóc thét, quát tháo… Dù cố thu mình như một con mèo ngoan ngoãn trong bóng tối nhưng đôi tai cô bé vẫn như căng ra và toàn bộ làn da như phồng lên để hứng mớ những âm thanh và cảm giác lạ lùng.
Một giọng nói vang lên qua chiếc loa phóng thanh. Những tiếng xôn xao im bặt.
Luica Na vẫn nép mình trong bóng tối.
Các giác quan như vỡ ra khi Luica Na nghe tiếng loa phóng thanh gọi con số của mình. Và có tiếng bước chân tiến về phía cô bé, mau lẹ, chắc chắn, vực cô bé dậy. Một bàn tay to khỏe nhưng ấm nóng và mềm mại. Một giọng nói khàn khàn vang lên, có vẻ như reo vui.
 Bàn tay ấy kéo Luica Na đi. Sơ đưa con đi đâu vậy? Những tiếng xôn xao lại vang lên. Bước chân Luica Na như ríu vào nhau. Bàn tay bóp chặt con Mommy Bear. Cô bé run cầm cập như một chú mèo con bị rơi xuống nước.
Các ma-sơ người Mĩ đưa Luica Na đi kiểm tra sức khỏe.
Bác sĩ đo cân nặng, chiều cao, thị lực mắt, đo tim phổi, huyết áp cho cô bé rồi lắc đầu trước đôi mắt không cứu chữa được nữa.
Kiểm tra sức khỏe xong xuôi, người ta xếp phòng cho những đứa trẻ. Cứ năm trẻ ở một phòng do một ma-sơ phụ trách. Chúng sẽ ăn ở, sinh hoạt và học cùng nhau. Những ngày đầu tiên, Luica Na buồn bã đến phát khóc vì nhớ nhà và bất đồng ngôn ngữ bởi cô bé được xếp ở cùng với bốn bạn Mĩ lai, hai trắng, hai đen.
Chắc là đã khuya lắm. Cô bé cảm nhận được điều đó bởi các bạn cô đều say ngủ. Chẳng có tiếng động nào phát ra từ màn đêm tịch mịch. Luica Na lần mò mở cửa, bước ra vườn. Những ngọn gió se se phả vào mặt, xoa bộ tóc rối bời tan lẫn vào đêm. Những bước chân run rẩy trên cỏ lạo xạo. Cô bé nhắm nghiền mắt, hít thở thật sâu. Vẫn không thể nào thấy mùi cỏ cay nồng sực. Luica Na rờ rẫm bước đi, đôi tay khua khua về đằng trước, thấy có chỗ, cỏ ngợp đến gần đầu gối. Nhưng cỏ không cào xước đôi chân. Không phải cỏ quê nhà.
Đêm trôi qua rất nhanh.
 
8.
Luica Na thiếp đi bên những con thú nhồi bông. Có con chị đang khâu dở, tuột khỏi tay, rơi xuống sàn, lớp lông thú toang hoác, lộ ra lớp lõi bông trắng nhức nhối. Rồi chị thấy trước mắt, một cảnh tượng hỗn độn, những con thú bông giẫm đạp lên nhau chạy trong cơn cuồng nộ. Những tiếng nổ khủng khiếp. Những âm thanh từ thời thơ ấu dội về. Căn phòng chật chội lắc lư, chao đảo như trên một chiếc thuyền. Có tiếng ì ầm từ lòng đất. Chị gọi con mình. Chị không nghe tiếng chân của Mary. Chị hốt hoảng gào lên Mary! Mary! Những tiếng lắc và toàn bộ căn nhà rung chuyển.
Vài giờ sau, đội cứu hộ tìm thấy chị đang thoi thóp thở trong đống đổ nát sau trận động đất, con gái chị, Mary đã tắt thở. Chiếc đèn chùm vỡ nát trên người cô bé. Đôi tay thì vẫn nắm chặt con Mommy Bear lông tóc bạc phếch.
Chẳng ai biết, rằng cô bé đã lao ra đỡ chiếc đèn chùm thủy tinh với những đầu nhọn hoắt để nó khỏi rơi xuống thân thể người mẹ tội nghiệp.
Giờ, chỉ còn là thế giới của câm lặng. Một thế giới cỏ sực hơi cay của những chiều tháng tư khô khát.
Những con thú bông rách nát hết. Chỉ là bông. Chỉ là màu trắng. Rợn ngợp.
Đài BBC đưa tin về một vụ động đất mạnh 7 độ Richter tại Nam California gây ra nhiều thiệt hại về người và của…
 
9.
Luica Na! Con ra đây, con sẽ về làm con nuôi của gia đình ông bà Thomas nhé! Con sẽ ra khỏi trại trẻ mồ côi này và chúng ta cũng luôn mở rộng cánh cửa để chào đón con mỗi khi con muốn về thăm. Chúa sẽ bảo vệ con!
Luica Na òa khóc. Lại một lần nữa, cô bé bị bứng đi khỏi cái nơi mà mình yêu thương và gắn bó. Dù là ma-sơ Việt Nam hay ma-sơ Mĩ thì các sơ đều nhân từ và bao dung. Như ở nơi đâu thì Chúa cũng vẫn chịu câu rút để gánh tội cho cả loài người.
Gia đình thứ nhất.
Đừng gọi ta là Daddy, Mommy. Ta không phải là cha mẹ của con. Ta chỉ nuôi con theo yêu cầu của chính phủ. Vậy thôi.
Một tháng sau, Luica Na được chuyển về làm con nuôi nhà khác.
Gia đình thứ hai.
Gia đình thứ ba.
Rồi gia đình thứ tư.
Đến gia đình thứ năm.
Luica Na yêu dấu. Vừa nói người đàn bà vừa vuốt mái tóc đen láy và bồng bềnh như áng mây của Luica Na, con rất giống Anna của ta. Chỉ có điều con tóc đen và mắt đen còn Anna có mái tóc vàng và đôi mắt màu xanh. Con bé về với Chúa sau khi bị xe tông phải. Còn ta thì chẳng thể sinh nở được nữa…
Giọng người đàn bà chùng xuống. Ngậm ngùi. Luica Na đưa tay ra lau những giọt nước mắt âm thầm nhỏ xuống trên gò má người đàn bà. Cô bé quàng tay vào cổ người đàn bà, hôn lên trán và khẽ thì thầm vào tai: “Con yêu Mommy!”.
Mà Mommy chuẩn bị đi đâu vậy?
À, ta sắp có chuyến thực địa để khảo sát vùng rừng nhiệt đới. Khí hậu bất thường và sự tác động của con người khiến các cánh rừng thường xuyên bị cháy. Miền Nam California này xem ra không phải là một mảnh đất yên ổn. Nhưng con yên tâm, ở nhà cùng Daddy, ta sẽ sớm trở về thôi.
Luica Na nằm lọt thỏm trong đống chăn nệm thơm phức, tay vẫn ôm con Mommy Bear vào lòng. Có tiếng mở cửa. Tiếng chân người bước vào nhẹ nhàng, chậm rãi. Luica Na nhỏm dậy. Daddy phải không? Tiếng đáp lại từ tốn. Luica Na lại nằm xuống. Người đàn ông đến bên cạnh cô bé, khẽ vuốt mái tóc, vỗ vai rồi vỗ lưng đưa cô bé vào giấc ngủ.
Đôi chân trần bước trên những cọng cỏ tê dại cay. Run rẩy. Những đốm hoa li ti phát sáng trong đêm như những ngọn đèn rực rỡ. Bỗng Luica Na thấy một cái gì đó nặng lắm, to lắm, đè lên cô, trùm phủ. Cô bé không thể thở. Muốn vẫy vùng, hét lên, cầu cứu mà chân tay không cựa được. Mommy! Daddy! Cứu con! Có cái gì cứng nắc và rát bỏng đâm xuyên thấu cô. Luica Na gào lên sợ hãi. Cô bé chồm dậy. Một dòng ấm nóng tràn ra giữa cặp đùi non. Luica Na khóc không thành tiếng. Bụng dưới đau thắt.
Cơn địa chấn đầu tiên trong cuộc đời tị nạn.
 
10.
Có tiếng gọi khe khẽ. Trong bóng tối bỗng xoẹt ngang một màu trắng nhẹ bẫng. Luica Na từ từ mở mắt.
Theo bản năng, chị nhỏm dậy và định lao ra khỏi giường.  Toàn thân vẫn đau đớn. Những dây dợ sục sạo khắp người. Một bàn tay kìm chị lại. Luica Na, yên nào…
Lucia Na đã mất con…
Những hình ảnh dữ dội bỗng ùa về trong tâm trí. Hoảng hốt, chị gọi tên đứa con rồi lại gọi Mommy Bear. Đừng ồn ào thế chứ. Hãy cố gắng nghỉ ngơi đi.
Người bác sĩ ngồi bất động . Đôi tay bóp mạnh vầng trán.  Thật ngẫu nhiên anh đã nhận ra cô bé đi cùng anh trong chuyến Babylift năm đó, chính là người đàn bà này nhưng số phận không may mắn bằng anh.
 
11.
Sài Gòn.
2018.
Chiều tháng tư sực lên rát bỏng. Những đám mây xám đục hình cây thập tự vẩn lại trên đỉnh trời. Con chim sắt khổng lồ chầm chậm đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất.
Người đàn bà run run bước ra khỏi khoang tàu bay.
Một cơn gió của xứ nhiệt đới gió mùa ẩm thổi táp vào mặt, làm tung bay những sợi tóc mai đã điểm màu. Người đàn bà, cứ thế, đứng giữa phi trường, khóc như đứa trẻ con lạc mẹ. Trên tay vẫn giữ chặt một con gấu bông đã cũ nát.
Ở khoảng cách không xa lắm, người bác sĩ, người bạn trên chuyến bay năm xưa kiên nhẫn chờ đợi.
Người đàn bà đang khóc chợt lau nước mắt, mỉm cười. Mary à, chúng ta đã trở về rồi. Chị khẽ vỗ vào chiếc ba lô trên vai. Con có thấy không? Mùi cát bụi sao mà thân thuộc.
Nào, ta đi tìm cỏ lan vỹ. Ta xin lỗi, đến khoảnh khắc cuối cùng ta mới nhớ nổi tên loài cỏ dại, gần giống tên con.
Ta đi tìm ma-sơ.
Ta đi tìm mẹ. Ta đau thì người ấy cũng đau.
Những bước chân hồi hộp lạo xạo trên con đường gồ ghề đá sỏi. Tiếng chuông chiều chầm chậm. Phía trước đã là nhà dòng.
Con nhớ lấy, hôm nay là ngày 28 tháng tư.
Mẹ con mình đã về. Quê hương.
 
N.C
 

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)