Chiếc nhẫn đá

Thứ Ba, 19/06/2018 00:55
Truyện ngắn dự thi. TRIỀU LA VỸ

Một nhà sàn mái lá. Những cột gỗ vuông vức. Hai người đàn ông đang ngồi lặng lẽ bên chai rượu gạo. Cây thốt nốt đầu hè nghiêng nghiêng trổ một buồng quả lúc lỉu tím mọng trong mắt hoàng hôn. Phía sau khuôn mặt phụ nữ có đôi mắt đen thẳm, buồn nhức, nhìn xoáy về phía trước…

Giấc mơ có ánh mắt ấy đã ám ảnh Hậu suốt ba mươi mấy năm trời...
*
*     *
Trà chạy băng ra bìa rừng ngồi bệt xuống bờ cỏ dại tím ngan ngát những chùm hoa mắc cỡ. Nắng mềm như lụa trên cánh đồng ngút ngát xanh đến tận chân trời. Con đường thẳng tắp cắt ngang qua cánh đồng mỏng mảnh như một sợi tơ. Lác đác đây đó những cây thốt nốt đứng kiêu hãnh như những con chim công đang xòe cánh múa. Hương lúa đang đòng khiến lòng cô chênh chao. Mắt Trà cay cay. Môi cô mằn mặn. Cô nhớ người con trai Phú Tân vạm vỡ thiệt thà, có ước mơ làm giàu bằng chính những vườn cây ăn trái sum suê dọc bờ sông Vàm Nao ăm ắp phù sa. Anh thủ thỉ: “Trời cho quê mình con cá con tôm bốn mùa ăn không hết, lại cho đất đai màu mỡ trồng cây gì cũng có trái ngọt hoa thơm, sao dân mình còn chạy ăn từng bữa, còn mong làm đâu xa”. Và anh mơ một mái nhà tranh đơn sơ rộn rã tiếng cười xanh mướt nằm giữa một vườn cây trĩu quả.

Trà gặp anh hôm đưa học trò đi dã ngoại Phú Tân. Anh chàng nông dân gì kì quá. Nói hết chuyện trên trời dưới đất, chuyện gì cũng có duyên khiến bọn trẻ mê tít. Lại còn đàn hay nữa. Trông anh cầm cây ghi-ta thật là điệu. Cái giọng trầm trầm rất lạ của anh và lời bài hát Hoa trinh nữ hôm ấy đã gieo ngay vào lòng Trà một xôn xao niềm nhớ. Rồi tình yêu như dòng nước đưa đẩy tự nhiên. Trà nhớ những chiều đợi nhau mòn nắng, những bông hoa mắc cỡ tím da diết bờ sông. Trà thấy mình như loài hoa dại e ấp trinh nguyên. Còn anh như loài cây ăn trái vươn tìm cho mình ánh sáng mặt trời, là nơi cho loài hoa dại nép vào dưới tán. Chỉ có điều loài cây ấy… hiền khô hà, lớn xác vậy mà bẽn lẽn còn hơn con gái. Có lời thương thôi mà lúng ba lúng búng, bao lần ngồi ngo ngó dòng sông, cầm tay run run ngỏ vẫn chưa xong. Trà còn nhớ những hôm qua chơi nấu chè ăn, má anh cười bảo: “Hai đứa bây liệu liệu sớm để má còn tính nghe”. Trà ngượng, má bắt lửa hồng rực, tay lóng ngóng vơ hũ đường đổ ào khiến nồi chè ngọt quá mức. Tưởng hạnh phúc trong tầm tay rồi, nhắm mắt cũng đến. Vậy mà…

Đêm cuối cùng đưa nhau về, sao anh không cầm lấy tay cô lần nữa? Tại chiếc nhẫn đá làm tay anh vụng về hay tại cây cầu khỉ lắt lẻo khó đi? Tại con đường làng gập ghềnh ánh trăng hay tại mắt cô bồi hồi run rẩy? Rồi lúc chia tay nhau sao rơi lối rẽ, sao anh không nói một lời? Tại trời đầy gió hay tại con sông Vàm Nao sóng cứ vỗ đôi bờ? Chiếc nhẫn đá em đeo cho anh hơi ấm bàn tay vẫn đầy ứ đây. Trà muốn gọi anh quay lại, rồi chạy ào đến ôm chầm lấy anh, vùi mặt vào bờ vai vững chãi tin yêu để rồi khóc rồi cười, rồi yêu thương hờn giận và rồi, thật đấy, có thể trao anh thứ quý giá nhất một đời con gái. Nhưng cô chỉ biết đứng lặng nhìn dáng anh trôi xa.

Anh đi. Tít tắp chân trời. Biền biệt bốn mươi năm. Thịt xương người con trai vạm vỡ năm xưa giờ chỉ còn lại một chút này đây... Nhưng dù vậy còn hơn không. Chỉ vài ngày nữa thôi anh Tư ơi, mọi người sẽ đưa anh về với quê hương. Ở nghĩa trang Dốc Bà Đắc, dưới chân núi hình chim anh vũ đang hót, anh và đồng đội ngày lại ngày sẽ được nghe những người lính trẻ thổi vút lên trời xanh những bài hùng ca giữ nước. Nhưng… nếu được, Trà chỉ muốn đưa anh về căn nhà nhỏ bên bờ Vàm Nao mặt nước phù sa, nơi chiều nào má anh cũng tựa cửa đợi con về.

Trà áp mặt vào đôi bàn tay mình nghe tiếng gió chiều đau rưng rức một triền cỏ dại. Hình như có tiếng ai vừa gọi khẽ tên Trà. Cô đứng dậy ngơ ngác. Nắng xế chiều lấp lóa như từng đàn đom đóm bay rợp cánh đồng. Xa xa, dáng anh Hậu đang tất tả đi lại phía cô.
*
*    *
Hậu cùng tiểu đoàn với anh Tư. Nhớ đêm đó, trên đường hành quân chiếm cao điểm T1 ở Tà Keo, nhóm đi đầu của Hậu vấp phải mìn Pôn Pốt. Trước lúc ngất lịm, Hậu còn kịp thấy anh Tư cùng một người nữa đi cạnh bay tung theo chớp lửa nháng lên. Những ngày nằm điều trị ở Bệnh viện 175, rõ tin anh Tư đã hi sinh, tâm trạng Hậu luôn bất ổn. Thế nên sau hơn một năm, khi được ra viện, Hậu chỉ về quê Tân Châu thăm má và các em mấy ngày đã vội vã sắp xếp quần áo ra lộ vẫy xe đi Chợ Mới. Má Hậu chẳng hiểu lí do vì sao con trai lại vội vàng ra đi như vậy nên chỉ biết nói với theo: “Má chờ đón dâu mới à nghen!”.
“Nếu tao có bề gì và nếu mầy còn sống, nhớ săn sóc cho cổ nghe, Hậu”.

Anh Tư đã thầm thì vào tai Hậu như thế vào một đêm mưa rả rích, trước hôm tiểu đoàn hành quân vào đất bạn. Sau nghĩ lại, Hậu thấy đó như là điềm báo. Hậu nhớ mãi hình ảnh anh Tư giơ bàn tay có đeo chiếc nhẫn đá ra ngắm trong đêm rồi lại lấy ngón cái lần sờ như sợ nó bỗng dưng rời ra rơi đâu mất. Hậu thấy kì kì gặng hỏi thì anh Tư khoe của người yêu anh tặng. Rồi anh kể, anh có được nàng là nhờ một ca khúc anh hát cho nàng nghe bên bờ Vàm Nao. Hậu hỏi ca khúc nào, anh Tư không trả lời mà khe khẽ cất giọng. Tôi không phải là vua nên nào biết đến xa hoa. Không ngọc ngà kiệu hoa không nệm gấm không cung son. Tôi chỉ là người lính xa nhà thấy hoa nhớ người yêu rất xa… Trong tiếng mưa rơi nhè nhẹ ngoài vườn khuya đất bạn, cái giọng vịt đực hơi khàn của anh Tư thiệt không hợp với lời bài hát chút nào. Nhưng ảnh hát say sưa lắm. Hậu chợt phì cười khi hình dung một cô giáo làng xinh đẹp đang ngẩn ngơ nuốt từng câu hát trong tiếng ghi-ta bập bùng giữa đêm trăng sáng nức.

Tình yêu thiệt lạ kì, giữa chốn chết chóc rình rập mà anh Tư vẫn kể về Trà bất cứ khi nào có thể bằng một niềm mê say bất tận khiến chính Hậu cũng mến cô gái chưa quen ấy lúc nào chẳng biết. Trên đất khách, nhớ một hình bóng người con gái cũng là nhớ quê hương.
“Anh Tư ơi, giờ em đang ở rất gần với cổ”.

Hậu đã thầm gọi anh Tư trên chuyến xe đi tìm Trà như thế. Hôm ấy bầu trời mênh mông xanh biêng biếc không một gợn mây. Một cánh chim lấp lóa nắng chao nghiêng cuối chân trời. Tâm trạng Hậu khi ấy thật khó tả, vừa ngậm ngùi tiếc thương anh Tư, vừa thấp thỏm lo lắng không biết mình sẽ thế nào khi gặp được Trà. “Chèn ơi, cổ nghĩ sao về một thằng lính thương tật như em hả anh Tư?”. Nhưng rồi tất cả những cảm giác ấy tan vèo, không còn ý nghĩa gì nữa.

Khi Hậu tìm được đến nơi thì má anh Tư cho biết Trà đã theo chồng ra Bắc. Anh đứng lặng bên bờ sông Vàm Nao. Gió sông thổi thốc vào lòng vụn vỡ. Những bông hoa mắc cỡ tím run rẩy từng vệt chiều. Lời bài hát ngày xưa vọng về đau rưng rức một triền cỏ dại. Hậu thấy thương anh Tư và thương cả thân mình…

Hậu ở lại thêm tuần nữa, kể cho má anh Tư nghe những chuyện đời lính mong má nguôi ngoai phần nào, trong đó câu chuyện Hậu cùng anh Tư đứng ngẩn người trước cây thốt nốt tả tơi vì miểng pháo, lá lòa xòa xơ xác như mái tóc dài rũ rượi rã rời của người đàn bà điên anh gặp trên đường vào giải phóng Tà Keo được kể đi kể lại. Chồng và con trai bà đã bị bọn Pôn Pốt đưa đi lao động khổ sai, rồi chết tức tưởi trong đói khát và đòn roi man rợ. Còn bà bị hãm hiếp đến chết giấc bởi những tên lính choai choắt và trở nên ngây ngây dại dại.

Khi gạt nước mắt chia tay, má anh Tư nói coi Hậu như con và dặn phải siêng xuống cho má đỡ buồn, đỡ nhớ.
Lủi thủi ra lộ bắt xe về lại Tân Châu bỗng Hậu nhớ tới Hòa.
*
*    *
Nắng cuối thu dù mỏng nhưng cái nóng thì vẫn hầm hập hấp xuống. Cả vạt rừng khô ran. Mồ hôi rịn ra nhớp nháp trên khuôn mặt trắng trẻo của Hòa. Anh lạnh lùng đề nghị Hậu cho đội tìm kiếm tạm nghỉ trưa. Nhìn cánh rừng bị đào bới đỏ lừ, Hòa lắc đầu và trộm đánh mắt nhìn Hậu.

Ba má Hòa trước đều là cán bộ ở quân khu nên đã hướng anh theo binh nghiệp. Hòa đã từng là chính trị viên tiểu đoàn lúc chiến trường Tây Nam cực kì ác liệt. Nhưng chừng một tháng trước khi tiểu đoàn được lệnh tiến sang giải phóng đất bạn, Hòa bỗng bị súng cướp cò. Viên đạn xuyên phần mềm đùi, Hòa được chuyển về tuyến sau chữa trị.

Bỗng Hòa thấy chóng mặt. Hậu và một anh lính trẻ vội dìu Hòa đến chiếc võng dù được căng lên giữa hai cây rừng, cách nơi tìm kiếm không xa. Hòa nằm xuống võng và cảm thấy toàn thân rã rời. Anh cảm thấy khó chịu trước ánh mắt thật thà lo lắng của Hậu. Anh biết Hậu nhận ra mình.

Người Hòa ngây ngấy như muốn sốt. Anh muốn gọi vợ, nhưng Trà đã chạy ra bìa rừng. Chắc cổ muốn lặng lẽ một góc riêng trên cánh đồng ngút ngát xanh. Trà đang đầy cảm xúc. Anh hiểu nỗi lòng của vợ và tình yêu cổ dành cho mối tình đầu. Mấy mươi năm vẫn trong sáng và hồn nhiên, vẫn vẹn nguyên và thánh thiện. Điều ấy khiến anh cứ day dứt không thôi.

Mặc dù Trà đã hết lòng chăm sóc thương yêu chồng con, nhưng Hòa biết thẳm sâu trong lòng vợ vẫn có một khoảng riêng không thể thay thế. Trà đã vài lần vào quân khu hỏi thăm và lần nào cũng được cho biết đội quy tập đã theo sơ đồ tìm nhiều lần nhưng vẫn chưa thấy mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Tư. Mỗi lần đi như thế, trở về Trà lại sống bơ phờ cả năm. Sốt ruột, lần này Hòa đã bỏ tiền thuê nhà ngoại cảm nổi tiếng chỉ đường và sang đây giám sát trực tiếp công việc tìm kiếm. Cuộc sống thật trớ trêu. Có ai nghĩ đội trưởng đội quy tập lại là Hậu.

 
32168968 949965781844124 5262106025963552768 n (1)
Minh họa: Nguyễn Anh Minh

Hòa thở dài. Và chợt rùng mình như có một nỗi đau đớn mơ hồ vừa nhói qua tim.

Ngày ấy, sau khi lành vết thương, Hòa được đưa về Long Xuyên công tác ở bộ phận chính sách quân khu. Trong lần được mời về một trường tiểu học ở Chợ Mới kể chuyện đánh giặc Pôn Pốt nhân ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, anh gặp Trà. Cô giáo làng trắng trẻo dễ mến có đôi mắt đẹp và buồn da diết đã hớp hồn anh ngay từ cái nhìn đầu tiên. Qua vài lời thăm hỏi, nỗi nhớ người yêu khôn nguôi của cô giáo trường làng đã được người chiến binh trở về an ủi sẻ chia. Hòa nhớ như in một đêm, cơn mưa bất chợt níu chân anh ở lại căn nhà vách lá đơn sơ bên bờ sông Vàm Nao phập phành gió. Gió mưa lạnh khiến vết thương ở đùi trở chứng. Và một quẹt dầu nóng, một cái khăn ướt, một tô cháo trắng thơm lừng vị cá lóc kho quéo cùng những cái nhìn ấm áp trìu mến thương cảm của cô giáo làng càng làm Hòa ngơ ngẩn. Trà trở thành vợ Hòa trong một đám cưới rộn ràng nhất miệt sông nước trong những năm tháng đất nước còn đang oằn mình với những tô cơm độn bo bo bữa chính. Khi đó Hòa nghĩ là lẽ tự nhiên, như đàn cá linh làm cuộc trở về mỗi mùa nước nổi. Và, để tránh phải đối diện với quá khứ cho cả hai vợ chồng, Hòa đã làm đơn xin ra quân, đưa vợ ra Hà Nội, bước vào thương trường và trở thành một doanh nhân thành đạt. Nhưng đến bây giờ, vợ chồng anh vẫn không thể tránh nổi quá khứ.
*
*    *
Một nhà sàn mái lá. Những cột gỗ vuông vức. Cây thốt nốt ngã kềnh xuống mái tranh. Lửa cháy rần rần. Lửa táp vào mặt Hậu rát rạt. Giữa biển lửa chập chờn đỏ hực, bốn cánh tay chới với giơ lên cao cầu cứu. Trên một ngón tay khẳng khiu gầy đét, Hậu nhìn thấy một chiếc nhẫn bằng đá quen thuộc. Chiếc nhẫn đá của anh Tư!

Hậu bàng hoàng thức dậy, thảng thốt. Hoàng hôn bầm tím như một vũng máu chưa kịp khô cuối chân trời.
Hồi chiều, sau khi thắp hương nhắm mắt lẩm nhẩm giao tiếp với vô hình, nhà ngoại cảm đi vòng vòng rồi bất ngờ chỉ vào một khoảng rừng trống rồi yêu cầu đào. Khoảnh đất tơi xốp đến mức nghi ngờ khiến Hậu nhíu mày. Và khi chiếc quách đựng những lóng xương lổn nhổn được cho là hài cốt anh Tư đã được hàn kín bằng xi măng rồi phủ lên đó một lá cờ đỏ sao vàng, Trà và Hòa đã cãi nhau một trận kịch liệt. Trong suốt mươi ngày im lặng làm việc cùng nhau chưa bao giờ Hậu thấy cổ lạ lùng như vậy.

Hậu biết Trà đã ngờ ngợ ngay từ khi nhà ngoại cảm kể vanh vách về quê quán, người thân của anh Tư. Lúc ấy Hậu đưa mắt nhìn Trà và bắt gặp nỗi hoài nghi khi hai ánh mắt vừa chạm vào nhau. Nhưng Hậu vẫn chưa nói gì. Hàng chục năm rồi, mùa khô nào Hậu cũng dẫn đội sang đây. Nhiều mộ quân tình nguyện Việt Nam được tìm thấy, nhưng mộ anh Tư thì chưa. Dù đã có trong tay sơ đồ do phòng chính sách cung cấp, nhưng chỉ có những người như Hậu mới hiểu, một dấu chấm trên bản đồ thì ngoài thực địa là cả một diện tích mênh mông. Bởi thế trong những cuộc tìm kiếm kiệt lực Hậu luôn thắp nhang khấn mong anh linh các liệt sĩ phù hộ, và thi thoảng anh cũng thành công nhờ những chỉ dẫn tâm linh bí ẩn. Thế nên anh không dám coi thường các nhà ngoại cảm. Nhưng lần này, bộ hài cốt được tìm thấy trong một vị trí xa khó ngờ so với sơ đồ. Điều nghi ngờ càng được khẳng định khi Trà môi run bần bật hỏi: “Còn… còn… chiếc nhẫn? Chiếc… nhẫn…?”. Nhà ngoại cảm nhìn Trà ngơ ngác. Rồi sau vài phút ngập ngừng bà lắc đầu bảo rằng nó đã bị bọn rà phế liệu lấy mất từ năm ngoái. Nghe thế mặt Trà tái nhợt. Cô lảo đảo như muốn ngã khụy xuống đất. Hậu vội bước tới đỡ lấy tấm lưng gầy guộc của Trà và thoáng thấy những thớ cơ giật run trên khuôn mặt đầy vẻ đau khổ của Hòa. “Liệu có nhầm lẫn gì không anh?”. - Trà hỏi. “Làm gì có chuyện nhà ngoại cảm nhầm được!”. - Hòa gắt lên dù câu hỏi là Trà dành cho Hậu. Trà bặm môi nhìn chồng trân trối rồi bất ngờ mắt long lên, đùng đùng đòi lái xe riêng của nhà đưa về Việt Nam ngay, một mình, không thèm nghe Hòa và nhà ngoại cảm thanh minh thêm nữa…

Hậu bước ra khỏi lều bạt nhìn về phía rừng. Chỉ có tiếng cú vụt lên trong đêm từng hồi lạnh lẽo.
*
*     *
Hòa trở mình liên tục trong chiếc võng dù, mắt anh mở trừng trừng. Những lời nói và ánh mắt nửa như van lơn cầu xin, nửa như hờn giận trách móc của vợ nhọn hoắt như những cây gai mắc cỡ ghim vào tim anh nhức buốt. Chiếc võng dù trắng toát, lùng nhùng như một cái kén nhện quấn chặt lấy thân thể Hòa. Con nhện cái có khuôn mặt giống hệt nhà ngoại cảm đang trố cặp mắt soi mói hăm dọa và lạnh lùng vào anh. Anh muốn vùng thoát ra khỏi chiếc kén. Nhưng anh càng vùng vẫy, những sợi tơ càng thít chặt, cái hòm kén càng siết mạnh vào da thịt. Hòa thở hổn hển khó nhọc, toàn thân rã rời đau đớn. Dường như da thịt Hòa đang tan rữa, đang mủn nát ra chỉ còn lại những khúc xương trắng hếu khô khốc. Bỗng Hòa nghe tiếng hô.

“Xung phong… xung phong… xung phong…”.
Tiếng hô dõng dạc. Đúng là tiếng hô của anh Tư không sai được. Tiếng hô xé toạc cái hòm kén ngập ngụa bóng tối. Hòa bị đẩy ngược trở lại quá khứ. Về lại cái giây phút tự kê nòng AK vào đùi mình…
*
*    *
Một nhà sàn mái lá. Những cột gỗ vuông vức. Hai người đàn ông đang ngồi lặng lẽ bên chai rượu gạo. Cây thốt nốt đầu hè nghiêng nghiêng trổ một buồng quả lúc lỉu tím mọng trong mắt hoàng hôn.

Hậu đã đi theo cái cảnh thấy bao lần trong mơ ấy. Đi mãi, đi mãi, hai người đàn ông như có ý gọi Hậu. Hậu nghe mùi bánh bò thơm phức. Vị thơm ấy rất xốp, vừa ngọt vừa thanh như nước cốt của một loài hoa. Hậu nhớ chiếc bánh bò nóng hổi ngọt lừng vị thốt nốt của bà má Khmer đôn hậu đãi các anh trong đêm hành quân tiến về cao điểm T1 ở Tà Keo. Cả tiểu đoàn, ai cũng thấy ấm lòng trên đường hành quân cứu nước bạn khỏi họa diệt chủng. Nhưng riêng anh Tư đã không ăn. Anh bảo anh muốn dành chiếc bánh cho những đứa bé đói khát đầu tiên anh thấy khi đơn vị giải phóng thị xã. Lúc đó Hậu định nói bánh bò thốt nốt để lâu hư sao anh, nhưng bị lây cái hồ hởi phấn khích trước một trận đánh lớn của ảnh nên Hậu quên lửng lúc nào không biết. Và rồi anh Tư đã vĩnh viễn nằm lại đây với chiếc bánh bò thơm lừng trong ba lô.

Hậu đi theo mùi bánh bò thơm nức ma mị như người mộng du. Chân Hậu chênh chao như đang bay là là trên những bờ ruộng tím ngằn ngặt những bông hoa mắc cỡ. Bên kia đường cái, cách chỗ đội tìm kiếm chừng vài trăm thước là một căn nhà sàn mái lá cột gỗ quen thuộc. Lửa bập bùng chái bếp. Những đụn khói ngui ngút bay lên đọng thành những vệt sương trắng tinh trên tán lá thốt nốt bên hiên nhà xòe ra như một con chim công đang múa. Hậu chợt rùng mình như vừa chạm vào một hồ nước đóng băng. Rõ ràng Hậu vừa nhìn thấy anh Tư nở nụ cười tươi rói bên dưới gốc cây thốt nốt. Anh đang cầm trên tay một chiếc bánh bò bốc khói. Chiếc nhẫn đá lấp lánh lấp lánh trên ngón tay áp út.

Bỗng Hậu cảm thấy có cơn gió thổi qua lạnh ngắt.
Tất cả mờ dần, mờ dần…
Có tiếng gọi và tiếng ho húng hắng vọng lại từ sau lưng. Hậu giật mình mở mắt. Trời đã tang tảng sáng. Quay lại, Hậu thấy Hòa xơ xác như một cây thốt nốt vừa qua cơn bão lớn. Đầu tóc rối bù. Tóc bạc trắng. Mắt thất thần. Đâu rồi một Hòa vẫn oai phong, tự tin và bệ vệ thường ngày.

“Anh… Tư… Anh… Em có tội… với anh! Hậu ơi… tôi…”.
Hòa run rẩy lắp bắp rồi gục mặt vào vai Hậu khóc nấc lên như một đứa bé. Hậu bỗng hiểu tất cả. Anh để mặc cho Hòa khóc, và nước mắt anh cũng chảy giàn giụa. Không hiểu sao anh bỗng thấy thương Hòa. Nhưng rồi một nỗi căm giận lại bùng lên. Hậu đẩy mạnh Hòa ra, trợn mắt và gằn trong họng:
“Đ. má mầy, Hòa! Sao chúng mầy tạo hiện trường giả”!
Cả Hòa và nhà ngoại cảm run rẩy trước cơn giận bừng sôi của Hậu nhưng không biết làm gì.
“Cu..u…út”!
Hậu hét lên và chỉ tay về phía chiếc Gat 66 của đội đang đậu nơi bìa rừng. Anh tài xế đã đoán ra sự việc, vội lên xe nổ máy.

Không muốn nhìn cảnh Hòa và nhà ngoại cảm sợ sệt chạy giật lùi tới chiếc xe, Hậu quay người bỏ đi mà nghe mắt mình ậc nước. Hậu nhớ ngày nào trên đường hành quân anh em đã cùng ăn chung một miếng đường thốt nốt, uống chung một bi đông nước sông. Miếng đường chảy ra chuyền từ bàn tay ám bụi này sang bàn tay ám bụi khác. Trong những câu chuyện của lính ngày đó, mặc dù nhắc nhau không được nói đến chết chóc, nhưng không hiểu sao những lúc vui nhất anh Tư lại luôn nói câu: “Lỡ tao chết thì tụi bây nhớ mang hài cốt về cho má tao nhé!”. Khi Hậu phát cáu, anh cứ nói những điều gở ấy làm gì, anh Tư nghiêm trang bảo để tao phù hộ cho má khỏe thêm được chút nào thì khỏe...
*
*    *
Thêm một đêm, giấc mơ có ngôi nhà và hai người đàn ông lại trở về với Hậu. Và thêm lần nữa Hậu bước như mộng du. Cũng thêm một lần nữa căn nhà sàn mái lá cột gỗ lại biến mất như chưa hề tồn tại, chỉ còn cây thốt nốt đứt ngọn đứng nghiêng nghiêng trơ trọi giữa một lùm cây lá rậm rạp trông như một nòng pháo đang ngỏng lên trời cao. Bầu trời đỏ rực như một đám cháy phía đông.
Một cái gì đó đột sáng trong đầu Hậu. Anh vội giở lại bản đồ, dùng kính lúp soi tỉ mỉ và đối chiếu với hiện trường. Và dường như cùng một lúc, cả trong đầu và lồng ngực Hậu bật ra một tiếng reo.

Hậu quyết định họp đội rồi hạ lệnh:
“Chúng ta sẽ tìm ở đây!”.
 Anh khoanh ngọn thước một vòng trên tấm bản đồ treo trên vách lều bạt rồi chỉ tay ra cây thốt nốt đứt ngọn.
*
*    *
Chưa bao giờ anh em làm việc phấn khích như lần này. Đến chiều đội đã tìm thấy hai bộ hài cốt cạnh nhau. Hậu mừng rú lên khi thấy xương lóng tay áp út của một hài cốt có chiếc nhẫn đá còn nguyên. Vậy còn bộ hài cốt thứ hai của ai? Hậu vốc một nắm đất đưa lên mắt nhìn kĩ, thấy vương những mảnh sợi, loại dùng để dệt quần áo thổ cẩm. Hậu vỗ trán một hồi rồi à lên. Cậu con trai của bà má Khmer đã đãi các anh món bánh bò thốt nốt. Cậu ấy đã tình nguyện đưa đường cho tiểu đoàn tiến vào Tà Keo.

Hậu cầm chiếc nhẫn đá xoay xoay mấy lần trong tay mình, tự dưng nước mắt anh trào ra. Trà ơi, chúng ta đã tìm thấy anh Tư! Anh cuống quýt bấm số gọi Trà. Nhưng đầu dây bên kia lại là tiếng trả lời khàn đặc gấp gáp của Hòa.

Hậu buông máy rũ người khi nghe Hòa cho biết, tối hôm trước, khi xe chở Trà vừa về tới biên giới thì mất lái đâm vào cột mốc. Hiện Trà đang nằm mê man bất tỉnh ở khoa hồi sức cấp cứu của bệnh viện Tây Ninh.

Toàn thân Hậu run lên, mắt nhòe đi. Chiếc nhẫn đá trong tay Hậu mủn ra, tan thành một làn khói… 

T.L.V
 
 

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)