Văn xuôi  Truyện ngắn dự thi

Ngọn đèn khuya ở bản Mây

Thứ Hai, 19/11/2018 01:57
Truyện ngắn dự thi. PHÙNG PHƯƠNG QUÝ
 
vẽ VNQĐ Ngọn đèn khuya new

Buổi sáng sớm ở bản Mây lúc nào cũng phủ đầy mây trắng. Mây từ động đá, từ khe núi đùn mãi lên, phủ kín một vùng rừng nguyên sinh. Ở phía Cổng Trời, chỉ còn mấy cây chò cao là nhấp nhô cái ngọn lên khỏi biển mây. Ngôi nhà nhỏ của Bàn Thị Hoa nép dưới sườn núi, cạnh con suối Chiềng, vẫn còn giữ được vách thưng ván gỗ và mái lợp lá cọ. Chị Hoa lúi húi nhóm bếp lửa lên, tai lắng nghe con tắc kè trên cây cọ già sau nhà thúc giục. “Tắc kè! Tắc kè!...”. Nó kêu liền một hơi bảy tiếng. Hôm nay trời nắng. Con tắc kè chưa bao giờ báo sai, mặc dù sương mù vẫn dày đặc, tràn cả vào trong bếp. Ngọn lửa bếp củi đã bừng lên, reo tí tách. Đám sương mù đã dừng lại ngoài cửa bếp, luẩn quẩn quay lại trước sân. Bỗng trên nhà có tiếng động mạnh, hình như cốc chén gì đổ vỡ trong buồng con Lanh. Chị Hoa bật dậy, ngó ra. Đèn trong buồng con gái bật sáng. Một bóng người đang lùi dần ra cửa, tiếng con trai ấp úng:

- Đừng...! Đừng Lanh ơi! Anh xin lỗi!

Tiếng lưỡi dao chém phập vào cột gỗ. Bóng thằng con trai lao vút vào đám sương mù, mất dạng. Chị Hoa thở dài. Lại một thằng tới ngủ thăm nhưng không đứng đắn rồi. Từ hôm con Lanh ở trường dân tộc nội trú về nghỉ học kì, vợ chồng chị Hoa mới giật mình nhận ra nó đã lớn, đã trổ mã thành sơn nữ xinh đẹp.

Hôm ấy vừa tới nhà, Lanh đã cầm dao vào rừng, mãi lúc mặt trời sắp lặn mới về. Chị Hoa đổ nồi cám lợn vào máng, liếc mắt nhìn con gái. Nó xếp gọn gàng gánh củi vào đầu bếp, rồi xắn váy lên bước tới máng nước. Dòng nước mát lạnh từ mó nước trên lưng chừng núi, theo ống bương về tận sân nhà, róc rách chảy vào chiếc bể xi măng mốc rêu xanh, tràn cả ra ngoài, thành dòng suối nhỏ tí lan qua bờ đất, xuống con đường trước nhà. “Con Lanh muốn ngủ thăm rồi! Mình cũng bốn mươi tuổi, làm mẹ vợ được rồi”. Chị nghĩ thầm trong đầu. Nó đã mười bảy tuổi, sắp học xong lớp chín trường nội trú. Nó bảo không muốn học lớp mười, cái chữ không muốn vào trong đầu nữa rồi. Học lớp mười, lại phải ra tận ngoài phố huyện, cách nhà hơn sáu chục cây số. Giờ về bản giúp mẹ giữ cái bếp luôn đỏ lửa. Chị Hoa thấy con gái chăm soi gương, chải tóc, lại nhờ bố lắp cho bóng đèn quả nhót trong buồng ngủ, biết Lanh đã có bạn trai. Ừ! Gái miền rừng, không học cũng không đi làm công nhân, cán bộ. Về nhà ngủ thăm, lấy chồng thôi.

Chợ phiên mười chín âm lịch. Lanh mua một tấm vải xanh sọc đỏ và mấy cuộn chỉ màu về.

- Mẹ dạy con thêu xí mền đi!

- Ừ! Con gái Dao ngày trước, không biết thêu lui, thêu xí mền là không lấy được chồng đâu. Mẹ biết thêu từ năm mười bốn tuổi đấy!

Thời này hiện đại rồi, cái gì cũng có sẵn ngoài chợ, ngoài cửa hàng. Muốn thứ tốt hơn thì chịu khó ra phố huyện, vào siêu thị. Con gái Dao bây giờ ít người biết thêu thùa nên chị Hoa thấy con gái muốn học thêu thì mừng trong bụng. Mừng lắm! Nó muốn thêu chiếc khăn xí mền cho bạn trai nào? Là người trong bản hay người xóm bạn, hay người ngoài phố? Là mẹ thì tò mò thế, chứ duyên phận biết đâu mà tính. Cứ tìm được người tử tế như bố nó là tốt rồi. Cùng vợ chèo chống nuôi bốn đứa con, cực khổ hay sung sướng cũng chẳng bao giờ kêu than. Chẳng biết nó sẽ chọn thằng trai bản nào? Bây giờ đã khác trước, bọn trẻ có yêu thương nhau mới đồng ý cho ngủ thăm, vừa lòng nhau là báo hai họ làm đám cưới, không cần chờ tới lúc đứa con gái có chửa, mới báo già làng “cúng buộm”, rồi đám cưới bắt rể. Nghĩ ông bà mình ngày xưa ngủ thăm thoáng hơn, lại thấy buồn cười. Chính mẹ chị Hoa chứ ai. Bà bảo khi có chửa rồi, phải gọi hết tám thằng đàn ông từng cạy cửa ngủ thăm tới trình diện hội đồng làng. Lúc đó bà phải chỉ ra thằng trai nào làm được mình có chửa, rồi làng bắt nó về mang tới một con gà trống và con lợn cắp nách để già làng “cúng buộm”, là một cách phạt vạ hình thức, lấy lệ với tổ tiên, trời đất, sau đó cho hai người thành hôn. Chú rể sẽ phải về ở gửi nhà cha mẹ vợ hai năm, chăm chỉ lao động, trả cái công người ta sinh thành, nuôi dưỡng vợ mình.

Lúc sắp tắt đèn đi ngủ, chị Hoa thấy cánh cửa buồng con Lanh cọc cạch rồi kêu két một tiếng. Đã có thằng trai nào đó cạy cửa vào ngủ thăm rồi. Không nén được tò mò, chị rón rén đi lại sát cái vách liếp bằng nứa, căng mắt dòm sang. Làm thế này là không đúng cái tục lệ người Dao để lại, rằng bố mẹ không can thiệp chuyện ngủ thăm của con gái, nhưng quả là chị lo cho con gái quá, chỉ muốn biết mặt mũi cái thằng rể tương lai ra sao thôi.

Hóa ra trong buồng con Lanh có những ba thằng trai cùng vào. Hai thằng ngồi trên ghế thì chị Hoa biết. Thằng đầu trọc kia là con trai bác Đạo, có cửa hàng tạp hóa ngoài chợ xã. Thằng quần bò áo phông kia là con mụ Hồng chủ cây xăng mãi dưới Kim Thượng, xa cả chục cây số. Thằng có vẻ mặt hiền lành ngồi ghé mép giường kia thì rất lạ. Không biết con nhà ai. Nó chỉ ngồi bẻ ngón tay, cười, nghe hai thằng kia huyên thuyên về các hãng xe máy đắt tiền.

- Em Lanh đi học trường nội trú về, đẹp hơn ở nhà nhỉ!

Thằng đầu trọc buông lời. Con Lanh nghiêng đầu, vuốt mái tóc dài, làm duyên:

- Đẹp thì vẫn thế, nhưng ra khỏi bản học được nhiều thứ hay thì người mình khôn ra một tí thôi!

Hai thằng ngồi ghế, đứa thì mắt quạ, đứa thì nhả nhớt. Thằng ngồi giường lại lành quá. Chúng nó tán nhảm tới mười giờ thì về cả, không đứa nào được mời ngủ thăm. Hay là không đứa nào dám xin ngủ thăm? Có lí do đấy. Lúc mải tán gẫu, Lanh làm như vô tình nhặt con dao rựa mới mua, lưỡi sáng choang để dưới chiếu, ngay đầu nằm. Thằng ngồi giường ngạc nhiên:

- Em sợ ma à? Ở nhà mẹ anh hay để dao dưới đầu giường để tránh bóng đè, nhưng dao nhỏ thôi.

Một thằng ngồi ghế cười ngặt nghẽo:

- Em Lanh sợ chuột chứ gì? Sợ thì để anh ngủ đây rình bắt chuột cho!

Lanh kéo gấu váy che kín hai đầu gối tròn mịn, nghiêm mặt:

- Ông ngoại mình kể, ngày trước trong buồng con gái Dao đến tuổi ngủ thăm, lúc nào cũng phải có con rựa. Con rựa dưới đầu nằm chính là luật của người Dao. Ai không được con gái cho ngủ thăm, hoặc ngủ thăm mà có tính sàm sỡ, con gái nó chém chết vô tội. Nhưng là ngày xưa thôi, bây giờ Lanh chỉ xin một cái tai.

 
vẽ VNQĐ Ngọn đèn khuya new
Minh họa: Đặng Tiến

Mấy thằng kia sợ mất dép. Chị Hoa phì cười vì cái kiểu dọa nạt của con gái làm bọn trai lạ sợ thụt dái lên cổ. Thế thì bao giờ mới có người ngủ thăm. Bao giờ mới cưới được chồng. Thời của ông bà chẳng nói làm gì. Người ta cứ ngủ thăm mãi bao giờ có chửa thì thôi. Thời của vợ chồng chị đã khác rồi. Con trai con gái có khi nằm ngủ chung hai ba người liền. Ai giỏi tán, mà đối tượng thấy tâm đầu ý hợp mới được ngủ tiếp. Buồn cười hồi chị Hoa còn trẻ, cho hai đứa con trai cùng ngủ trong buồng, chuyện rì rầm cả đêm, con mắt mở thao láo. Bố con Lanh nằm phía trong, hai tay khoanh trên bụng, ra dáng anh cán bộ phó bản. Thằng bạn hồi cấp hai nằm ngoài, mồm miệng như tép nhảy, nói rằng đi làm thuê cho công ti lâm sản, lênh đênh hết mấy con sông về xuôi mà không thấy gái ở đâu đẹp bằng gái bản Mây. Nghe nó nói thế là chị Hoa không tin. Ở đâu mà không có gái đẹp, gái xấu. Lúc nó giả vờ đặt tay lên bụng chị, anh cán bộ bản còn đập cho một phát, nhắc nhở:

- Ngủ đi! Không được khua khoắng chân tay!

Cuối cùng thì chị chọn bố con Lanh bây giờ. Sau mấy lần tắt đèn trong buồng, bọn trai bản không đến nữa. Hai người được tự do tâm sự, yêu đương, đến gần Tết thì thành vợ chồng, không cần chờ có chửa mới báo cho hai bên cha mẹ.

Bọn trẻ như con Lanh, bây giờ không chú trọng việc ngủ thăm. Những đứa có điều kiện đi ra khỏi bản lại càng mau quên. Chúng học rất nhanh cách sống của người vùng xuôi. Lanh có một người bạn trai đang học trường trung cấp nông nghiệp. Anh ấy người tỉnh khác, lại không phải dân tộc Dao nên hay hỏi về tục ngủ thăm. Nhìn ánh mắt tò mò, háo hức mỗi khi nghe Lanh kể về chuyện trai gái Dao hẹn hò hoặc cạy cửa ngủ thăm, biết anh ấy muốn thử cho biết.

- Thế đêm hôm cạy cửa nhà người ta, không bị đánh vì nghi ăn trộm à?

- Không! Con trai nó chỉ cạy cửa buồng con gái thôi mà!

- Hôm nào nghỉ học, anh lên bản Mây chơi, thử cạy cửa ngủ thăm được không?

- Được mà! Cái luật người Dao cho phép đấy! Em sẽ chỉ cho mấy đứa bạn gái cùng bản!

- Không! Muốn ngủ thăm nhà người quen thôi!

Lanh đỏ mặt, cười hinh hích. Có lá gan to thì lên núi thử xem. Có tấm lòng chân thật thì tới cho gái Dao bắt rể hai năm đi. Thế nên, biết Lanh được về nghỉ ba ngày, anh bạn cũng xin nghỉ, đi xe máy hơn sáu mươi cây số lên bản Mây. Nghe đâu anh cũng có người bạn làm kiểm lâm xóm Cọ, chắc sẽ vào nghỉ nhờ, rồi tối lên bản Mây. Lanh cũng có ý chờ, nhưng hai ngày qua không thấy mặt mũi anh bạn đâu. Hay người Kinh nó nhát, không dám đến ban đêm? Anh ấy chẳng thường nói dưới quê, chỉ có kẻ xấu mới đêm hôm khuya khoắt đi lang thang hay mò mẫm ngoài đường. Muốn gọi điện thoại hỏi xem nó ở đâu, mà ở bản này chưa có sóng di động. Chiều tối nào Lanh cũng mặc đẹp, soi gương, chải tóc ngồi ngóng.

Đêm thứ ba, tiếng tắc kè lại khắc khoải ngoài cây cọ già. Trời se lạnh giục cái bếp cháy sùng sục nồi cám lợn. Chị Hoa không nỡ cời than, tắt bếp đi ngủ, vì con Lanh vẫn ngồi bó gối, mắt đăm đăm nhìn ánh lửa phập phồng. Chắc nó chờ ai đó. Mấy đứa trai bản, cả thằng bạn học hồi cấp một cũng thấy mất dạng sau cái đêm ngủ thăm không thành. Con gái ơi! Còn ít tuổi nên dại lắm. Dao rựa dưới đầu giường chỉ là vật phòng hờ, từ đời trước tới nay, đã mấy người con gái Dao phải dùng đến. Mày đem ra dọa lũ trai, nó sợ không dám đến là phải thôi.

Con Lanh như là giận hờn. Đêm nay đi ngủ mà không bật ngọn đèn quả nhót trong buồng. Như thế là nó không muốn có người ngủ thăm rồi. Đèn tắt có nghĩa là trong buồng đã có người ngủ thăm hoặc không muốn cho người khác vào nữa. Con tắc kè lại bật tiếng kêu khàn khàn. Con gà trống chín cựa ngoài cây dổi cất tiếng gáy tè té te, giục lũ gà trong bản gáy râm ran một hồi không dứt. Cửa buồng Lanh có tiếng lạch cạch, làm nó giật mình tỉnh ngủ. Quái! Ai cạy cửa nhỉ? Nó tắt đèn rồi cơ mà. Đứa này chắc không phải trai bản Mây, vì không biết cách cạy cửa. Cái then gỗ gài giữa cửa, chỉ cần khéo léo lấy ngón tay gạt qua một bên là được. Nhưng tiếng lạch cạch lại phát ra từ bên dưới. Ô! Người miền khác rồi! Lanh ngồi choàng dậy. Hay là anh bạn trung cấp lâm nghiệp! Chỉ có người xuôi mới không biết tín hiệu đèn tắt trong buồng, không biết cách cạy cửa buồng con gái Dao. Nó liền bật bóng đèn quả nhót, rón rén bước về phía cửa buồng.

- Lanh ơi! Anh không mở được cửa!

Một giọng trai quen quen. Lanh mừng rỡ khi nhận ra người có hẹn.

- Sao hôm nay anh mới đến?

Câu hỏi bật ra cùng với bàn tay mở cửa. Bóng người vội bước vào buồng, đem theo hơi sương lành lạnh. Người trai ôm choàng lấy Lanh, đặt nụ hôn lên má.

- Anh sợ quá! Hôm nay mới dám sang!

Miệng bạn trai còn thoảng mùi rượu. Lanh gỡ tay bạn ra, nói khẽ:

- Nói chuyện đã! Anh uống rượu ở đâu?

- Thằng bạn kiểm lâm cho ăn thịt dê!

Lanh lên giường nằm, gấp cái vỏ chăn thành gối, đẩy sang bên cạnh. 

- Lên đây anh, trời lạnh rồi!

Ngọn đèn quả nhót tắt phụt, ánh đèn pin soi lối cho người trai lạ bước tới bên chiếc giường con gái. Có thể nghe rõ tiếng tim đập thình thịch, hồi hộp của người trai nằm bên cạnh.

- Sao hôm nay anh mới đến?

Lanh lặp lại câu hỏi.

- Nghe mấy thằng trai bản nó đồn, em có con dao rựa dưới chiếu, sẵn sàng chém người. Anh sợ!

Lanh cười rúc rích:

- Con dao không chém vào tình yêu đâu!

Lời nói của cô gái bỗng nhiên giải tỏa hết những lo lắng, nghi ngờ. Người trai nằm xích lại, ôm ghì lấy tấm thân con gái non tơ. Hai má Lanh nóng bừng, cánh tay muốn động cựa mà bị vòng tay bạn trai ôm chặt.

- Anh nói chuyện đi!

- Chuyện gì?

- Chuyện gia đình, chuyện học hành, chuyện tương lai!

- Mấy chuyện đó anh kể cho em nghe mãi rồi còn gì! Hôm nay đi ngủ thăm thôi!

Vòng tay bạn trai nới lỏng, nhưng bàn tay bắt đầu mò mẫm phía lườn ra sau lưng, rồi nhanh chóng luồn lên ngực Lanh.

- Không được!

Lanh kêu lên khe khẽ. Nhưng phía ấy hơi thở đang mạnh lên, dồn dập. Tấm thân con trai bất ngờ nằm sấp trên bụng Lanh. Cô đẩy bạn trai xuống, với tay lên đầu giường, rút ra con dao sắc. Ánh đèn phòng bật lên sáng trắng. Không phải bóng đèn quả nhót mà là cây đèn tuýp dài một mét hai. Lưỡi dao chém phập xuống thành giường, hai mắt Lanh sáng rực:

- Sao anh làm thế? Định cưỡng bức em à?

- Đừng làm thế Lanh ơi! Anh yêu em mà! Yêu em nên mới tìm đến ngủ thăm đây!

- Anh không biết ngủ thăm! Anh xấu lắm!

Lanh giật mạnh con dao. Bóng người bạn trai nhảy nhoàng xuống đất, lúng túng mở cửa rồi lao ra ngoài sân.

Con Lanh rủ thằng em trai buộc lại hàng rào gỗ quanh vườn giúp bố mẹ. Lũ dê hàng xóm cứ hở ra là nhảy vào vườn, gặp thứ gì ăn thứ nấy, làm mấy bụi chuối của bố chỉ còn xơ xác vài tàu lá. Chị Hoa gõ vào máng gỗ cạch cạch cạch, gọi mẹ con đàn lợn về ăn cám.

- Mai xuống trường rồi! Mày đi bằng cách nào? Còn tấm xí mền thêu dở, có mang đi không?

Chị lo lắng cho con gái, vì mai không phải là ngày xe khách chạy ra huyện. Họ chỉ chạy vào những ngày chẵn, mùng hai, mùng bốn, mùng sáu. Mai là mùng một, không có xe.

- Con đi nhờ xe máy anh bạn!

- Ai? Cái thằng suýt bị chém đêm trước á?

- Vâng!

Chị Hoa ngạc nhiên. Nó đuổi chém con người ta tí chết, giờ sao lại ngồi nhờ xe ra trường? Bọn trẻ bây giờ khó hiểu thật.

- Mày đuổi nó, giờ nó có cho ngồi nhờ xe không?

- Có mà! Con giận thì dọa chém thôi! Cho nó biết thế nào là ngủ thăm. Mai kia có lên ngủ lại thì làm khác đi.

Chị Hoa không biết một bí mật, là con Lanh không xin nghỉ học nữa. Nó nghe lời khuyên của anh bạn trung cấp nông nghiệp, rằng phải học cao lên, càng cao càng tốt. Con gái Dao có học lên trung cấp, đại học thì dân bản được nhờ, bố mẹ được nhờ. Chứ học dở dang, về lấy chồng đẻ con, tiếc lắm.

Con Lanh gấp chiếc khăn xí mền thêu dở vào ba lô. Xuống trường nó sẽ tranh thủ thêu nốt. Kì nghỉ hè này về bản, nếu có người trai thân thiết nào tới ngủ thăm, nó sẽ tặng chiếc xí mền ấy.
                                                                                
Tháng 10/2018
P.P.Q
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)