Văn xuôi  Truyện ngắn dự thi

Quẩn nghiệp

Thứ Tư, 17/10/2018 00:15
Truyện ngắn dự thi. VŨ MINH THÚY

 
41452217 337710270130450 3834116716728680448 n
Vút! Vút! Ông Quắc mặt đỏ tía, dạng hai chân khom người dồn toàn lực vào cái dong tre dẻo như gân bò. Thằng Quốc oằn lên: “Con xin cha, con lạy cha!” “Giời ơi, không phải với tao, mà là với ông bà ông vải kia! Bây giờ cháu tao ở đâu?”. “Ông Quắc, ông Quắc, tỉnh chưa? Mồ hôi đầm cả ra đây này. Ông lảm nhảm cái gì thế? Đã thành vong rồi mà còn khổ thế này hả con ơi!”. Bà Lụa thảm thiết hờ con.

Ông Quắc tỉnh hẳn. Bơ phờ lê từng bước ra cửa. “Ông lại ra đấy? Mới có hai giờ sáng. Sương muối dày đặc thế kia...”
Ông Quắc như đui như điếc, lùi lũi đi. Bà Lụa quờ cái áo trên móc quàng vào ông.

 Dưới trăng, nghĩa địa nom hoành tráng hơn. Khu nhà giàu và cán bộ to, lăng tẩm đền đài cong vút sừng sững một góc trời, còn thì lôm nhôm đất mộc, xi măng với lốp thốp gạch men trải ra cả cây số vuông. Đang thanh minh, chỗ nào cũng đầy ắp chân nhang và da diết mùi hương. Không tiếng dế, không đom đóm. Cách đường nhựa một vệt trăng trắng chừng trăm mét chếch về bắc, ánh điện bảo vệ của nhà máy may Đồng Tiến hắt sáng lờ mờ. Đến mộ Quốc, ông Quắc sụp xuống. Một ngọn gió đỏ thẫm như tiết đọng hắt từ dưới lên mang theo tiếng âm u thở dài của âm hồn. Ông Quắc ồ ồ nấc nghẹn, tiếng khóc chìm trong biển sương đang loãng dần phía ban mai.

Dòng họ Ngô, ông Quắc là trưởng nên mọi kì vọng đều dồn vào Quốc, thằng con trai duy nhất mà muộn mằn ông mới có được. Giỏi giang, đẹp trai, mới ra trường vài năm, Quốc đã là phó phòng một cơ quan quan trọng của tỉnh. Tất cả cứ thênh thênh an nhàn thư thái sau quãng dài quan lộ hanh thông của một giám đốc sở giáo dục tỉnh mới nhận sổ hưu là ông, thì bỗng đâu tia sét nhoáng lên vùi ông xuống tận cùng địa ngục.

Quốc bị phát hiện ung thư gan sau cơn đau phải đưa vào viện.
Sau nhiều đợt xạ trị cả trong, ngoài nước mà không thuyên giảm, ông Quắc quyết định chuyển thuốc Nam. Thôi đành nếu Quốc phận mỏng, nhưng trách nhiệm nối dõi tông đường dòng họ Ngô, rồi cơ nghiệp cả đời ông “thấp thỏm” vun vén để cho ai? Nếu không thành công, thuốc Nam sẽ giúp thành... “nhân”, chỉ cần Quốc khỏe lên, ông sẽ tính. Đầu ông vơi nhẹ đi ít nhiều với ý nghĩ ấy, vì thế hễ nghe chỗ nào có thuốc hay, lang giỏi, ông đều đưa Quốc đến.

Cho đến một hôm, có người bạn mách trên mường Ai có thuốc có thể trị được bệnh cho Quốc.
Tin ấy, khiến tim ông chợt thắt lại.

Chưa bao giờ ông thấy vòng luân sinh đang quẩn vào mình như lúc này.
Sau vài đêm thao thức, ông Quắc quyết định cùng con làm chuyến ngược mường, nơi gắn bó những năm tháng đẹp nhất cuộc đời ông...
*
*    *
Sau khi Quắc xin trưởng ti cho đổi tên gọi thường dùng, quyết định lên miền ngược dạy ở một trường cao đẳng được ghi tên Ngô Quảng. Rừng giang mùa thay lá trải sắc vàng bề bộn vào cỏ biếc làm bật lên tua tủa những búp măng mướt mát tím. Khói sớm quấn quýt đan nhau trong bụi giang xanh óng. Ở đó, Quảng với học sinh trường nội trú thường lên ngắm thác. Một lúc, bọn trò trai tù cẳng biến dần vào các hẻm núi hoặc nhảy suối ùm oàm bắt cá, còn lại rặt trò gái. Có ún say thày, tỏ tình sát sạt. Rất nhiều câu chuyện về bùa ngải chẳng biết thực hư thế nào nhưng cứ âm ỉ khiến Quảng dù đôi lúc lửa lòng cháy phừng sau những đụng chạm nhưng vẫn phải kìm mình. Chẳng hạn chuyện ông Sừ sau khi ăn nằm với một trò, trốn về với vợ nơi cồn muối chang chang nắng, không biết ma xui quỷ khiến thế nào, đi nửa đường thì quay lại rừng luẩn quẩn chuyền cành hót như chim, sau chết rục ở thung sâu. Rồi chuyện anh Hoạt “trót dại” với một ún xong, nhớ Hồ Gươm với cái quán cóc của người yêu, xin xuôi Thủ đô ít ngày, quá hạn không ngược mường liền ra sông Hồng ngụp lặn, men theo sông nuốt cá sống, ăn quả xanh mà về nguồn, từ ấy bặt tăm bặt tích. Nhưng dù đã dặn lòng, cuối cùng cái “bả tình” ấy, Quảng cũng không thoát được dù đã có cô Lụa ở xuôi vẫn ngày đêm ngóng đợi. Người giăng chính là Mai, cô học trò cười trong vắt như tiếng chim hót gọi hừng đông mỗi khi cây gậy của Quảng lia đám măng non sóng soài xuống nền cỏ. Mai bảo đi lấy măng giang chỉ có cách ấy, cái nào không ngã tức là đã quá lứa, không ăn được nữa. Má Mai ửng màu hoa đào nơi cửa rừng, khiến Quảng cứ thộn ra, râm ran ong đốt, mắt hoa lên. Quảng xoay tròn, mím môi dìm cảm xúc vào những đọt măng ngã xuống tới tấp. Chập chờn cây sào nứa, Quảng một đầu, đầu kia lúc là Lụa, lúc lại là Mai, cùng với các đoàn viên làng Bùi đi dồn đám bèo dâu xanh mướt thành đống đem nhân khắp các thửa ruộng chỗ chân mạ. Khi nào bèo ngả sang màu đỏ sậm của lá bàng cuối thu thì vớt lên đem ủ phân xanh để bón lót khắp đồng, vào vụ cấy…

“Đầy hai gùi rồi đấy, thôi không đập nữa, thày giáo Quảng giỏi hơn trai Mường nhé! “- Mai hổn hển vừa nhặt vừa gọi.
Phía trước gùi nặng trĩu vai, bắp chân Mai nòn nõn như hai đọt măng vừa bóc lùa vào cỏ xanh sáng lấp lóa.
Cái bắp chân nòn nõn ấy làm Quảng mất ăn mất ngủ không biết bao lâu cho tới một lần.

Chiều ấy, lần đầu tiên chủ tịch xã đưa Quảng đến thăm lần lượt các nhà. Đầu tiên là nhà Mai, ngôi nhà sàn bề thế nhất bản. Chị em Mai là chút chít của Lang Pó, dòng họ làm Lang nối đời, nhưng giàu về bốc thuốc, thường chữa bệnh cho người bản không lấy tiền. Đến chân cầu thang, một cụ già râu tóc trắng cước tươi cười làm hiệu mời ba người rửa chân trước khi bước lên cầu thang. Rồi cụ khoan thai cúi xuống múc nước trong chậu gỗ, thong thả rót xuống chân khách từng dòng sáng trắng. Cảm giác ngượng nghịu qua dần. Khoanh chân trên sàn, lơ mơ trong thứ rượu men lá loang thơm đến mấy quả đồi, Quảng bồng bềnh lịm dần như đang bước lên từng cung mây, cung gió. Mở mắt thấy mình đang nằm trong căn buồng bằng gỗ bài trí rất nhã, ngọn bạch lạp dìu dịu tỏa sang cái giường trải nệm màu trắng ngà, Quảng chợt hốt hoảng khi bắt gặp cách một khuỷu tay, một thiếu nữ nằm nghiêng nép vào tường. Nhìn kĩ là trò Mai. Rung rinh, nhịp thở khiến cơ thể cô khẽ phập phồng như lụa dềnh trong nước suối mùa thu. Quảng trở mình, tiếng lào xào êm ái từ tấm nệm lá mạ trộn với hoa dẻ ngân lên. Cố giữ hơi thở thật nhẹ, Quảng dập dềnh miên man trôi trong những đêm Xường nối nhau không dứt. Tiếng hát giao duyên bập bùng ánh lửa. Lời hát kể rằng, mụ Dạ Dần gánh Xường đi qua xứ mường. Gánh Xường xếp đầy những bài hát tình yêu, chất cao như hai trái núi. Không ai biết mụ Dạ Dần sẽ trao Xường ở đâu và trao cho ai mà gánh Xường rơi vãi khắp dọc đường. Bỗng nhiên gánh Xường đứt quai, một sọt rơi xuống mường Ai, còn đầu kia rơi xuống mường Ông. Dân mường Ông, mường Ai rủ nhau ra nhặt. Vì vậy mà Xường mường Ông và mường Ai được gọi là Xường gốc, điệu Xường xếp đầy trong những nếp nhà sàn, hương thơm ngấm vào những cụm lúa nếp vàng treo trên dây phơi. Lời Xường nhiều như hoa rừng nở bên suối...

Đêm nay Quảng ngủ giữa lòng mường Ai, trên cái giường của cháu chắt mụ Dạ Dần.
Chim hót rộn ban mai gỡ Quảng khỏi trạng thái mê tỉnh. Người đầm đìa mồ hôi, nhìn sang bên, Mai đã dậy từ bao giờ, quờ chỗ nằm không thấy ấm tay. Quảng nhắm mắt nằm yên, hồi lại những thực hư nối hoàng hôn với ban mai. Nghĩ hồi lâu, Quảng chợt khẽ à lên. Thì ra, cách người Mường đãi khách quý mà Quảng từng nghe kể là thế này đây. Nhưng mà chỉ được nằm trò chuyện với con gái người ta thôi, chớ dại chạm vào người. Còn như, muốn được thành con rể, thì là chuyện dài dài.

Sau lần ngủ đó, một hôm, Quảng một mình vác súng vào rừng. Ngô đang mùa trổ cờ rải phấn vàng khắp thung lũng. Trảng rừng thoải dần ra một bờ hoa li ti rủ xuống lòng suối trắng phau đá cuội. Tiếng gà trầm đục gọi bạn tình da diết. Một chốc, dăm bảy gà mái ở đâu lục tục sà xuống, mổ bùm bụp vào từng chùm sung đỏ ối, lúc lỉu soi mình vào nước. Mùi sung chín thơm tràn mặt suối. Quảng từ từ giương súng lên, ngắm nghía. Ờ, con trống này giống như con chim mồi. Cái mào rất thắm ngất nga ngất ngưởng tựa một chiếc mũ màu, đuôi dài tha thướt như đuôi trĩ, óng a óng ánh. Của này tốn mái lắm đây... Quảng vừa căng tay cò để bóp thì chợt tiếng con gái cười khanh khách phía suối vang lên khiến con chim giật mình bay vụt.

Quảng nhìn về phía tiếng cười, hóa ra là Mai. Bắp chân trần trắng ngần in dưới nước rung rinh...
 Vậy là cuộc săn có thêm Mai.

 
41384887 1007570149415882 6387262044470509568 n
Minh họa: Bùi Tiến Tuấn

Vắt qua một dốc dài khí núi đổ ướt sũng áo thì đến suối Mây. Mùi hôi hôi khen khét chợt xộc vào mũi khiến Quảng nôn nao. Chưa kịp hiểu chuyện gì thì tay chợt bị kéo mạnh. Mất đà, Quảng loạng choạng ngã vào một bụi rậm, đổ vào người Mai. Định thần, nhìn theo hướng ngón tay Mai, Quảng lạnh người. Phía bên phải, một con vật hình dáng loài hổ, bộ lông tuyền màu da đá đang gằm mặt xuống suối. Uống xong, nó ung dung xoay mình một vòng, uyển chuyển bước đi, lẹ làng nhảy lên một mỏm đá rười rượi nắng chìa ra phía trên lối mòn. Con vật mê mải nhìn lên đỉnh núi có vầng mặt trời đỏ rực như một mâm tiết đang bốc khói, bộ lông màu da đá ánh lên như có tuyết đọng. Nó là con beo đá. Giống beo nhỏ con nhưng tinh nhanh xảo quyệt nhất trong họ nhà hổ.

Mồ hôi Quảng vã ra.
Hai bàn tay run bần bật, Quảng cố gắng nâng nòng súng hướng về phía con vật định bóp cò. Giữa lúc ấy, lại là bàn tay nhỏ nhắn của Mai khẽ khàng giữ tay Quảng, từ từ ghìm súng xuống, cố gắng không gây tiếng động.
Quảng ngồi im như đứa trẻ trong lòng mẹ.
Con beo đá chợt quay đầu.
Trong một khắc, như có một quầng lửa phủ lấy khiến Quảng cụp mắt, thu người, gần như nép hẳn vào lòng Mai, lỗ chân lông như dựng hết cả lên.
Quảng nghe rõ tiếng dồn nhịp trong lồng ngực Mai. Cảm giác như Mai đang đấu mắt với nó.
Không rõ bao lâu, chỉ biết lúc tiếng thở ra như trút cả quả núi xuống cùng giọng nói khẽ khàng của Mai vang lên: nó đi rồi..., thì Quảng mới hoàn hồn. Lúc ấy, Quảng mới cảm thấy bầu ngực mềm ấm của Mai phập phồng rộn ràng ấp phía vai mình. Trong Quảng chợt nẩy lên một thứ tình cảm tin cậy, ấm áp và yêu thương. Quảng ngồi dậy, khẽ kéo Mai vào lòng.

Chủ nhật sau trưởng bản đến tận trường mời các thày đi săn con beo đá. Quảng với mấy thày hào hứng khoác súng đi theo. Lâu lắm rồi bản Mẩy mới có cuộc săn lớn như thế này. Mỗi nóc nhà ít nhất góp một người, không biết săn thì hò reo cổ vũ. Người lớn đi, trẻ con đi, các chó nhà đi. Bọn chó rất được việc, biết dồn thú vào góc cho người bắn. Đoàn người nô nức rậm rịch như đi hội, hò hét váng mấy dãy núi. Bữa ấy dù không gặp con beo kia, nhưng lại được hẳn hai nai to, một lợn bố, chục mái gà, ba con dúi. Thích nhất là lúc chia phần, cứ đếm đầu mà chia. Kẻ săn và người hò reo cổ vũ. Người lớn và trẻ con. Đầu chó và đầu người. Bằng nhau tất. Luật là thế, cứ có mặt là có phần. Cho dù bé bằng quả ổi, cốt phải đều. Dân bản gửi các thày đem về biếu bếp nhà trường mỗi thứ một ít, thảy đến một yến cả xương lẫn thịt da.

Lúc trở về đi qua đầu bản, Quảng thấy mọi người líu ríu quanh giếng nước. Tiếng gầu múc oàm oạp. Một bên trai, một bên gái. Tất cả trần như nhộng, đùi khép chặt, mặt úp vào thành giếng mà kì cọ. Quảng đỏ mặt ngó lơ. Trường nội trú cũng có một giếng, mọi người đều tắm như thế. Quảng lính mới, chỉ dám mon men ra đấy lúc đêm. Các thày có thâm niên cắm bản thì không kể trưa hay tối, cứ thấy nực là tắm. Trò gái đi qua láu lỉnh: “Em chào thày giáo tắm ạ”. Thày, hai tay bưng bụng hồn nhiên chả kém “Ờ, lấy được nhiều măng không em?”. Quảng tưởng đến một trưa nào, Quảng cũng hào hứng đáp lại tiếng chào của Mai lảnh lót vút lên. Quảng sẽ hòa vào thăm thẳm những đêm Xường. Vào bộn bề trầm tích văn hoá Mường...

Những hình ảnh như thế của Mai càng ngày xuất hiện càng nhiều trong đầu Quảng.
Một hôm sau giờ học, Mai rủ Quảng mang giỏ ra suối bắt cua cá cải thiện. Mà không chỉ cua cá, tôm tép ốc ếch chẫu chàng to bé bắt tất. Trò hướng dẫn một chốc thì thày thành thạo, hai cái giỏ đầy ặc. Hồi ở nhà, Quảng có tiếng sát cá. Mai xúc xúc các giỏ trong nước cho thật sạch rồi thày trò về làm bữa chiều. Đến nhà, Mai treo giỏ lên chạc cây, vào bếp mở chum lấy măng ra nấu. Măng muối một năm, lật lớp cùi xám đen phía trên, bày ra ngồn ngộn trắng phau lẫn những trái ớt đỏ rực. Mai vắt từng nắm bỏ vào nồi đồng, đặt lên bếp. Nồi măng đượm lửa sôi sùng sục. Mai ra chạc cây đem giỏ vào, nhờ Quảng mở nắp nồi chổng phộc giỏ lên trút tất cả vào. Quảng nhìn những con chẫu chuộc cuống quýt chui vào trong ống măng, lạnh cả gáy. Một mùi thơm thơm chua chua quyến rũ toả ra khắp ngôi nhà sàn. Hơi bốc lên nghi ngút, vờn vào hai cánh tay Mai nõn như hai cái măng vừa bóc áo. Vờn vào ngực áo rộng phập phồng. Quảng choáng váng, dán mắt vào Mai như bị thôi miên. Lửa bếp reo rần rật, đẩy Quảng giật lùi dựa người vào cột nhà, mồ hôi vã như tắm.

Không được! Quảng lắc lắc mạnh đầu cho tỉnh táo. Đây chỉ là tạm, là trung chuyển! Phải. Ý định lên đây của Quảng là để lấy xuất biên chế sau đó sẽ xin chuyển về trường Cao đẳng sư phạm tỉnh nhà, chỗ bố Lụa, người yêu của Quảng đang làm hiệu trưởng. Một tương lai phơi phới đang chờ Quảng ở đó... Nhưng chỉ được một chút, lí trí Quảng đã chìm nghỉm trong nồi măng. Đầu Quảng ong ong, lửa trong Quảng cũng rực lên, hừng hực cảm giác đôi bầu vú nóng bỏng của Mai áp vào mặt mình hôm gặp con beo. “Mai ơi!” tiếng Quảng nghẹn trong cổ mãi mới phát ra được. Quảng cảm thấy ngộp thở khi nghe tiếng dạ cùng bóng Mai mỗi lúc mỗi gần.

Lửa vẫn rần rật cháy soi hai bóng đổ ập vào nhau.
Những ngày sau đó, Quảng luôn sống trong trạng thái âu lo, thấp thỏm. Có đêm Quảng giật mình tỉnh dậy, mồ hôi vã ra như tắm khi trong giấc mơ, Quảng thấy mình lúc luẩn quẩn chuyền cành hót như chim, khi ngụp lặn men sông nuốt cá sống rồi ngoác miệng cười.
Quảng ít vào bản hơn. Đôi lần Mai đến tìm nhưng Quảng đều cố gắng tạo ra những tình huống để không chỉ có hai người.
Mai gầy sọm đi, lực học sa sút hẳn.

Chuyến về phép với lí do bố ốm nặng, Quảng quyết định giục bố mẹ sang dạm ngõ đồng thời thẽ thọt với bố vợ tương lai về việc chuyển về xuôi càng sớm càng tốt để kịp ngày cưới.
Một tháng sau thì Quảng có quyết định. Hôm lên đường, Quảng gói ghém hành lí, đi như ma đuổi để lại lời hứa với Mai cũng gấp gáp chẳng kém: Tháng sau sẽ quay lại hỏi cưới cô.
Đúng là một tháng sau thì Quảng cưới vợ, chỉ có điều, cô dâu là Lụa chứ không phải Mai.
Vào đúng ngày cưới của Quảng, có một biến cố mãi sau Quảng mới được bạn bè trụ lại trên mường Ai cho biết: Mai tìm đến một ngọn núi rồi thả mình xuống vách với đứa bé đang tượng hình trong bụng. May mắn có một cây mọc chìa ra đỡ lại.
Mai được cứu sống nhưng đứa bé thì không...
*
*    *
    Quả như ông Quắc linh tính, người kế thừa những bài thuốc gia truyền của Lang Pó, chính là bà Mai. Ngày ấy, sau khi được cứu, bà Mai bỏ học. Để khuây khỏa, bà phụ giúp ông nội làm thuốc rồi được ông truyền nghề. Chồng mất sớm, bà ở vậy cùng Mận, cô con gái hiện đang là giáo viên một bản xa mãi tận vùng biên, thỉnh thoảng mới về.
Chiều tháng hai, Ông Quắc lững thững một mình ra suối. Rừng mơ rưng rưng trắng. Trắng đến buốt lòng. Chuyện cũ vẫn được ông giấu nhẹm, nhưng ông cảm giác bà Mai đã nhận ra mình ngay lần đầu tiên gặp lại khi ánh nhìn lướt qua ông buốt như nước đá, đâm nhôn nhốt như kim, khi ông quỳ xuống cầu xin bà cứu Quốc. “Cuộc sống này, vạn vật đều phải có chữ tình. Thuốc cũng vậy, nó có tình với ai thì người ấy mới được cứu... Cứ để cháu ở đây một thời gian xem thế nào”.

Câu nói ấy của bà Mai như cái móc câu ngoắc vào tim làm ông Quắc thắt thở. Liệu bà Mai có nhận ra mình không? Nhỡ đâu, thật sự bà ấy đã nhận ra nhưng không nói để trút nỗi hận vào thằng Quốc? Ý nghĩ ấy hành hạ ông trên suốt quãng đường từ mường Ai về nhà và những ngày sau đó. Chỉ đến khi mỗi tháng một lần lên thăm con, thấy cơ thể Quốc dần bừng lên, nhuận sắc hồng hào, nỗi lo ấy mới từ từ cất bớt. Sau hơn nửa năm, những cơn đau của Quốc đã gần như yên hẳn. Rằm tháng giêng, ông Quắc quyết định lên hẳn đất Phật Yên Tử, mời thầy cao tay về lập đàn tràng, lễ lạt rất to trong ba ngày để giải nghiệp chướng ngày xưa đã gây ra cho bà Mai cùng đứa con chưa hoài thai và tạ ơn tiên tổ. Lần lên mường Ai này, ông quyết định đón Quốc về để cho đi viện K xét nghiệm lại xem bệnh chuyển thế nào và tính chuyện nối dõi tông đường. “Mẹ cháu bảo mời bác về ăn cơm chiều thôi ạ”. Tiếng con gái lảnh lót ven suối làm ông bừng tỉnh. “Hoa mận trắng muốt cả một rừng, đẹp không bác?”

Ông Quắc quay lại. Là Mận, con gái bà Mai. Sao mà Mận giống Mai ngày trẻ đến thế. Chỉ khác là trên đôi má ửng hồng của Mận đang lăn tròn những giọt mồ hôi sáng long lanh. Mận tinh khôi tươi rói như Mai thủa nào. Ông mới chỉ gặp Mận một lần duy nhất cách đây hai tháng khi bữa lên thăm ấy, tình cờ đúng vào cuối tuần nên Mận về thăm mẹ. Hôm ấy, Mận rủ Quốc xuống suối lấy nước về đổ vào cái bể nhỏ ở góc sân. Đôi thùng cứ nhún nha nhún nhẩy theo nhịp bước. Trán Mận lấm tấm mồ hôi, tràn xuống mi mắt, rịn vào lưng áo tròn lẳn. Hơi thở Mận hôi hổi, nhịp nhịp theo đôi bắp chân trắng ngần lấp loáng lùa vào cỏ xanh. Nhìn Quốc sải bước thật nhanh cho kịp Mận, rồi vượt lên dang tay chắn đường, đòi chuyển gánh và sau đó là nụ cười tươi rói của cả hai, lòng ông Quắc lâng lâng. Một hi vọng khác bất chợt lóe lên như vệt sao băng. Vệt sao băng ấy thi thoảng lại vút qua đầu sau khi ông trở về. Ơn giời, phúc đức dòng họ để lại cho ông còn dày... cái nghiệp kia, lẽ nào ông lại cất được bằng cách ấy...

Ông liếc nhanh Mận một lần nữa. Con bé không dịu dàng, e thẹn như lần gặp trước mà trở nên líu ríu đến lạ. Đôi chút ưu tư, một vẻ ưu tư đằm thắm của người thầm yêu, thầm nhớ. Vẻ mặt bừng lên một thứ ánh sáng rất lạ giống như Mai ngày xưa - cái ngày sau cuộc đi săn trở về...

Sáng hôm sau, Mận bịn rịn tiễn chân bố con ông về xuôi để xét nghiệm lại cho Quốc. Hoa mận trắng rung rinh in vào lòng suối, và trong lòng ông, cũng có những rung rinh hoa như thế...
Phúc đức gia đình, dòng họ ông, tất cả sẽ phải trông chờ hết vào tờ giấy xét nghiệm kia.
*
*    *
Đám cưới tưng bừng của Quốc và Mận diễn ra không lâu sau khi có xét nghiệm của bệnh viện K ghi không còn phát hiện tế bào ung thư trong cơ thể Quốc. Ngay sau khi cưới, Mận chuyển về dạy ở một trường gần nhà chồng. Niềm vui với ông Quắc càng nhân lên gấp bội khi mấy tháng sau, bụng Mận bắt đầu lùm lùm. Đi siêu âm, kết quả là con trai.
Nhưng trong niềm vui ấy, xen vào là một nỗi buồn lớn lao khác. Vào đúng hôm Mận trở dạ, một cơn đau cũng vật Quốc xuống.
Chưa đầy một tháng sau, Quốc ra đi vĩnh viễn vì căn bệnh cũ của mình.
*
*    *
Sự kiện Mận bất ngờ ôm con bỏ đi biệt tích làm náo loạn không chỉ vợ chồng ông Quắc mà cả dòng họ Ngô. Ông Quắc thổ máu tươi, đột quỵ phải đưa vào viện. Tỉnh dậy trên giường bệnh, định thần, ông ồ ồ khóc. Cả họ chia nhau đi tìm mẹ con Mận. Riêng ông Quắc, sau khi ra viện, ông ngược mường Ai. Ông kinh ngạc thấy bà Mai, chỉ sau một thời gian ngắn mà tóc đã trắng như vôi.

Trong gian phòng khách, bà Mai ngồi đối diện ông trong im lặng. Một im lặng rợn rợn giống như những đêm ngày xưa ông tỉnh dậy sau giấc mơ thấy bóng dáng mình ẩn giữa những khuôn hình đàn ông bị bùa ngải trèo cây, ăn quả sống. Ông như đang lọt thỏm nơi công đường trong quãng thời gian chờ đợi phán quyết cuối cùng. Một phán quyết với bản án đời mà ông đã phải thi hành, và giờ, cái phán quyết cuối cùng này sẽ chính thức đóng chiếc đinh lên cuộc đời ông. Ông cảm giác, ánh mắt của bà, còn lạnh lẽo hơn, sắc nhọn hơn bữa đầu tiên mà ông gặp lại khi đưa Quốc lên đây, dù nó vẫn chỉ là một thoáng lướt qua - một thoáng đầy khinh bỉ như ngầm ý, chỉ cần thế thôi, cũng đủ thấu tâm can ông.
Không chờ ông Quắc mở lời, bà Mai lẳng lặng đứng dậy mở cánh tủ lấy ra một bì thư.
Đó là thư của Mận.

Tay ông Quắc run run khi nhận và mở nó ra.
Gương mặt ông chợt chuyển từ đỏ sang tái rồi xám xịt
Trong bì thư, chỉ có duy nhất hai tờ giấy xét nghiệm.
Một tờ là kết quả xét nghiệm ADN của thằng bé. Nó được xác nhận đúng là cháu ông Ngô Quắc, do chính ông mới làm.
Tờ kia, cũng là giấy xét nghiệm. Nhưng là giấy xét nghiệm ung thư. Ngày tháng ở đó trùng với ngày ông Quắc mang tờ xét nghiệm xác nhận đã hết tế bào ung thư lên cho Mận và bà Mai xem rồi nhận là ân nhân và xin cho Quốc được cưới Mận. Chỉ khác, ở tờ này là kết luận: Tế bào ung thư của Quốc chỉ tạm thời được bao lại và sẽ tái phát bất cứ lúc nào trong hai năm tới. Lúc đó, cái chết sẽ nhanh chóng tới tìm.

Giọng bà Mai lành lạnh và mệt mỏi. Bà bảo, Mận đã tình cờ thấy hai tờ giấy ấy được giấu kĩ ở một ngăn nhỏ trong lần dọn dẹp lại chiếc tủ tài liệu, và đó là lí do Mận ôm con bỏ đi. Mận sợ ông Quắc sẽ tìm đến bắt thằng bé trở về nên cũng không nói cho mẹ nơi mình đến. Mận hứa sẽ nuôi thằng bé nên người, và chỉ trở về khi con trai đã trưởng thành. Tiếng bà Mai cứ nhỏ dần rồi biến thành tiếng u u như ngọn gió chướng từ dưới khe núi thổi lên. Nó khoan trong tai rồi xoáy lên trên đỉnh đầu, hai bên thái dương, cuộn xuôi xuống ngực, bụng nhức nhối. Trước mắt ông Quắc, những chấm li ti đỏ rơi lả tả rồi rực lên cháy bùng bùng. Hầm hập. Gương mặt cô học trò Mai, rồi đến Mận và cả Quốc nữa, nhập nhòe bay bay như những tàn lửa. Một chút, ngọn lửa ấy tắt để lại ong ong đêm đen và lạnh. Trong cái lạnh lẽo ấy, thấp thoáng hai bộ xương của ông Sừ, anh Hoạt rồi cả chính ông nữa đang lội ngược con suối trở lại mường Ai…

Khi ông Quắc tỉnh lại, trời cũng đã sâm sẩm tối. Nhìn quanh không thấy ai, ông vội vã tụt khỏi giường rồi lủi nhanh ra phía cổng, lả thả về quê mà không dám một lời từ biệt bà Mai. Đêm nào ông cũng ra mộ Quốc. Cả chục năm đằng đẵng như thế. Chục năm, là ba nghìn mấy trăm đêm mắt ông chong chong ngóng về con đường trước nhà trông bóng mẹ con Mận, và cũng là bấy nhiêu đêm ông thấy mình bì bõm dọc suối, sông ăn cá sống ngược nguồn, ngược về những ngày trai trẻ…

Mộ Quốc, mùa loa kèn thứ mười. Đêm đêm. Từng bông trắng buốt bỗng đỏ rực như máu, biến ảo theo từng trận gió lốc thành những hình thù màu sắc kì dị.
 
Trại viết Đồng Nai 2018
V.M.T
 

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)