Xóm trọ

Thứ Tư, 15/08/2018 00:01
Truyện ngắn dự thi. TỐNG PHÚ SA

Chị tỉnh giấc khi đồng hồ chỉ bốn giờ ba mươi bảy phút. Bên ngoài, gió lùa hun hút. Cửa phòng trọ hết đát nên nghe rõ tiếng gió vặn răng rắc, tiếng thở phì phọt của chú chó đang run rẩy dưới cái rét trước mười độ. Chiếc giường mét rưỡi được đóng bằng thứ gỗ tạp là nơi bốn con người trong gia đình chị quây trở hàng đêm. Anh chồng cao lớn nhưng không cân đối nằm sát mép, lưng khòm phơi hẳn ra ngoài tấm chăn nhung màu huyết dụ. Thằng bé nằm kế tiếp, trồi cả cái đầu to với tóc tai bù xù lên chiếc gối lâu ngày không giặt, mốc thỉn và cáu bẩn. Hai chân nó dạng ra, đẩy tấm chăn rớt xuống mép giường. Con gái lớn rúc đầu vào cái gối ôm đã sờn cũ, túm tóc đuôi gà không cởi dây chun, miệng nhểu nước. Chị bị kẹp giữa hai đứa bé, nằm nghiêng cả đêm nên lưng mỏi nhừ.

Rón rén ngồi dậy, len lén tụt khỏi giường, khẽ mở cửa phòng bếp và bật đèn, chị hoảng hốt khi nhìn thấy những chiếc đầu chuột cống ướt nhèm, ít nhất là ba con, lông xù lên, giương cặp mắt thao láo, nhìn trừng trừng vào vị chủ nhân mới đến tiếp quản phòng trọ. Nói phòng bếp cho oai, thực chất chỉ là một ô vuông nhỏ, thấp và ẩm ướt. Nó đủ kê một chiếc bếp ga, một kệ đựng chén bát và ngay sát bên là nơi vệ sinh của cả gia đình. Suốt tối hôm qua, anh chồng chị hì hục để tạo ra tấm chắn nhỏ ngăn ô vệ sinh và ô nấu nướng của gia đình.

Chị làm một vài động tác vặn vẹo cho giãn xương cốt, cắm lại nồi cơm cho nóng rồi mở cửa quét dọn. Bây giờ chị mới kịp nhìn kĩ khu trọ. Căn phòng cấp bốn như một chiếc nắp diêm nằm lọt thỏm giữa những căn nhà cao tầng. Con hẻm nhỏ chỉ đủ một chiếc xe máy đi vào dẫn ra đường lớn. Phía bên kia, những ngôi nhà xây theo kiểu Pháp, hiện đại và sang trọng với những ban công rủ hoa đỏ rực. Đằng sau có một thẻo đất chạy dài với nhiệm vụ chứa tất cả nước thải, chất xú uế của cả dãy nhà chen chúc. Chỉ cần một trận mưa nhỏ là nước dâng lên, ngập ứ cả lối đi.

Chị chuẩn bị bữa ăn sáng cho cả nhà. Nấu ấm nước mới để chồng uống và mang theo cùng càmen cơm trưa. Chưa đến sáu giờ sáng đã nghe xóm trọ rậm rịch đi làm. Gia đình chị mới chuyển tới từ chiều qua, định bụng tối đi một vòng để chào hỏi nhưng chưa đến bảy giờ nhà ai cũng đã kín cửa. Chị ngại nên thôi. Có bóng người bên ngoài, chị bỏ dở nồi cá đang kho chạy ra tận cửa, xởi lởi:

- Mẹ trẻ con chuẩn bị đi làm à? Gớm, thằng bé mới yêu làm sao, lớp mầm hay lá rồi hả chị?

Người phụ nữ mặt đầy tàn nhang, môi tô son đỏ choen choét, ăn vận lòe loẹt không ngước lên, trả lời ử hử cho qua chuyện. Rồi, vẫn đôi môi đỏ choen đỏ choét với giọng nói cắm cáu, bực bội, người phụ nữ gọi dẫu vào trong:

- Có nhanh lên không, đàn ông gì mà lề mề chậm chạp. Thôi, ông bắt xe ôm mà đi, mẹ con tôi đi trước.

Nói rồi thị dắt xe ra ngõ, vừa đi vừa dấm dẳng:

- Sáng ra đã ám như ma, rõ là đồ…

Tiếng nói với vào chị. Người đàn ông gào lên quàng quạc như vịt đực mùa nước cạn:

- Có giỏi thì cô đi trước đi. Đi đi rồi đừng về cái nhà này nữa. Đồ gái đĩ, mở mồm ra là thối không chịu nổi!

Tiếng đề xe tức tối. Tiếng xe nổ phì phạch. Người đàn bà nghiến răng trèo trẹo:

- Này! Bà đây mà đĩ thì phúc cho cả họ nhà mày. Đồ ăn cháo đá bát! Đồ… đồ…

Choang. Bốp. Bốp. Người chồng thẳng tay ném chiếc li thuỷ tinh vào góc tường của dãy trọ rồi chạy lại phang liên tiếp những bạt tai trời giáng vào khuôn mặt môi son đỏ choẹt hầm hầm trước khi giành lấy tay lái. Người đàn bà im bặt. Thị giơ tay quệt máu dính quanh miệng, lẳng lặng leo lên đằng sau tấm lưng to bè của người chồng, không quên quay lại, ném cái nguýt dài vào khu trọ im lìm, như vẫn còn chìm trong giấc ngủ.

Chị quay vào đứng tần ngần một lúc trước suất cơm trưa của chồng. Để có thêm miếng đậu hũ kho, chị đã phải lùng khắp cả thành phố để tìm được chỗ trọ có giá mềm hơn. Chị lắc đầu, ái ngại nhìn hai đứa trẻ đang lấm lét ngó ra ngoài khoảng sân chung.
*
*     *
Anh làm công nhân ở nhà máy gạch cách chỗ trọ chừng hai mươi cây số. Chị nấu ăn cho trường trẻ tư thục Vàng Anh. Một tháng, trừ hết các khoản chi phí đã rất chi là tằn tiện, cả gia đình chỉ còn dư dật mua được dăm cân thịt ngang. Khắp cái thành phố rộng lớn này, nơi đâu có khu nhà cho thuê trọ là nơi ấy có dấu vết gia đình bốn người của chị. Ở lâu rồi cũng thành quen, có bạn bè chòm xóm, có người cưu mang đỡ đần. Ở lâu, đi là nhớ. Nhưng nhiều khi gia đình chị buộc phải dọn đi vì giá phòng trọ cứ lên vùn vụt hàng ngày.

Năm giờ, chị rẽ qua chợ mua dăm lạng cá cơm về kho ngọt. Vừa đến ngõ thì nghe tiếng bàn ghế, xoong nồi loảng xoảng. Không phải đôi vợ chồng đèo nhau bằng chiếc xe Wave đã cũ khi sáng. Nhà này nằm sát ngay lối đi, vợ hơn chồng những tám tuổi, vóc dáng sồ sề. Anh chồng thuộc dạng lắm lời, sa sả như ở ngoài chợ:

- Con dở con điên kia! Tiền trong túi chồng không móc hết là ngứa tay ngứa chân à! Móc hết rồi ông mày đổ nước lọc vào xe mà đi à!
Lại loảng xoảng. Tiếng khóc dấm dứt của cô vợ, tiếng ì ạch di chuyển trên nền xi măng, tiếng dép khua loẹt xoẹt. Một chút, căn phòng yên ắng. Người vợ nhè nhẹ mở cửa, khuân ra thùng rác những li vỡ, bát vỡ. Gặp chị ngoài sân, cô có vẻ ngượng, cúi mặt phân bua:

- Nhà em hôm nay quá chén. Thường, anh ấy hiền khô, đâu có thế này. À, mà chị nhớ bỏ rác ra xa ngoài kia nhé, ở đây nhiều vụ chửi đánh nhau vì rác lắm. Khi nào rảnh, mời chị qua nhà em chơi. Chị đừng ngại, anh ấy nhà em hiền khô à!

Chị cười, nhìn theo dáng đi ậm ạch, khuôn mặt sạm đen vì nám của người hàng xóm mới.

Khu nhà trọ dài như hộp diêm ồn ã tiếng nói cười, tiếng trẻ con khóc, tiếng mỡ cháy xèo xèo khi trời xấp xổm tối. Hành lang bé tí trở thành nơi xào nấu thức ăn. Những ông bố, bà mẹ da mặt đen sạm, móng tay móng chân cáu bẩn, đầu tóc xơ xác, bù xù cắp những tô cơm và thức ăn lổn nhổn, đứng ghếch chân nơi bờ tường bón cho con. Hoạ hoằn lắm mới có cơn gió nhẹ lọt qua những dãy nhà cao tầng. Trên kia, tiếng xèn xẹt của hàng chục máy điều hòa mở hết công suất, phả ra hơi nóng đục ngầu.

Chị vén quần lên ngang bẹn. Hơi nóng sầm sập từ đường cống ngầm chạy qua con hẻm, từ mái fibro xi măng ủ nắng cả ngày, từ những căn nhà cao chót vót ép sát hai bên dãy phòng trọ bủa vây đến ngộp thở. Trẻ con không có chỗ chơi, dồn hết cả vào con hẻm bé như sợi chỉ. Ba bốn đứa mũi dãi thò lò đứng nép góc tường thèm thuồng nhìn theo chiếc xe ba bánh đủ màu. Người lớn cũng dồn hết ra khoảnh hành lang bé tí, mỗi người mỗi việc nhưng đều chung nhau ở khuôn mặt khắc khổ, đen đúa đầy nỗi lo toan. Người phụ nữ bụng to như có chửa ì ạch xách xô nước bẩn đổ vào chiếc vò bỏ sẵn cuối hành lang. Lúc quay về, chị chàng đứng lại trước cửa phòng chị, nấn ná chuyện trò:

- Thằng cu áo đỏ, đi chiếc xe ba bánh đỏ kia là con trai của em đấy. Nó tên Danh, em tên Cù nên mọi người ở xóm trọ thường gọi đùa nó là Du Cành, có người lại gọi là Đu Cành.

Cù nhìn theo con, cười ngoác cả miệng, cười nhểu cả nước. Ôi chao là nụ cười! Nó hiện diện trong khu nhà trọ chật chội và nóng bức này như một thứ nước đá không bao giờ tan chảy. Nó làm dịu lại cái hơi nóng hầm hập, cái hối hả của cuộc sống xô bồ ngoài kia. Nó là dòng nước tưới tắm cho những mảnh đời như chị, như Cù. Nụ cười tươi mới như màu vàng ngút mắt trong buổi chiều chạng vạng ở vùng quê của chị, của Cù. Chị kéo ghế cho Cù. Cô vừa ngồi vừa thẽ thọt:

- Em thế này chứ bệnh tật đầy người. Hôm qua em mới đi lấy dịch trong bụng, chứ ngày thường căng chật cái áo này luôn. Thằng con em nó mê cái xe ba bánh kinh khủng. Mỗi lần mấy đứa trẻ trong dãy trọ đưa xe ra là nó ngồi một góc, nhìn theo và cắn móng tay đến chảy máu. Mà cũng may thật đấy chị ạ, em đi mua sách cũ, giấy mục. Thấy nhà nọ năm bảy chiếc xe để chật một góc sân, em đánh bạo hỏi mua. Người ta chỉ lấy tiền em bằng giá sắt vụn. Em và thằng con em sướng điên lên. Giờ nhìn nó đi em vẫn còn thấy sướng.

Cù đứng lên. Chiếc bụng đổ ập đằng trước kéo theo tấm thân nặng nề. Nghĩ thế nào, Cù quay lại, ngồi xuống, thầm thì:

 
pham minh hai xom tro
Minh họa: Phạm Minh Hải

- Thấy chị lớn tuổi lại đứng đắn nên em mới kể. Chứ ở cái xóm trọ này không vớ vẩn được đâu. Hôm em đưa xe về, thằng con hí hửng đưa ra khoe bị ăn ngay cái nguýt dài mấy cây số “nghèo rớt như nhà mày mà cũng bày đặt. Chắc là con mẹ mày chôm của ai đưa về cho mày đi đấy phỏng?”. Thằng nhà em chả hiểu sất gì. Nó cười hiền lành, nói hiền lành. “Xe của mẹ Cù mua cho Danh, mẹ Cù yêu Danh nhất mà”. Em nghe lỏm nó nói, nghe mà không nhìn thấy gương mặt của nó. Nhưng ôi chao, ruột em như đứt từng khúc. Em sợ mai mốt em không còn, ai sẽ chở che nó đây?

Cù nói mà không khóc. Mắt ráo hoảnh. Như mọi nỗi bất hạnh, mọi nỗi buồn đau đã quá đỗi quen thuộc với người đàn bà này. Mười chín tuổi Cù kết hôn với người đàn ông cùng làng. Hai vợ chồng làm công nhân giày da, lương hàng tháng đủ trang trải cho một gia đình nhỏ với cuộc sống đạm bạc. Khi con trai Cù được ba tuổi thì chồng Cù mất do tai nạn giao thông. Hai năm sau Cù bị sa thải bởi không đủ sức khoẻ để làm trong dây chuyền. Cù đem con đến khu trọ này với đủ thứ công việc mạt hạng nhất. Nhìn dáng Cù chậm chạp khuất sau khung cửa, lòng chị thắt lại. Bất chợt, chị nén tiếng thở dài.
*
*     *
Chị thường nói đùa với chồng về nỗi khổ hai N ở khu nhà trọ này. Chưa đến hai giờ sáng, chị đã phải bật dậy để giải quyết vấn đề N thứ nhất. Nước. Khi nước chảy tràn trề vào các bể ngầm của những ngôi nhà cao tầng, nước bơm thỏa thuê lên các téc ở tầng hai, tầng ba, lúc ấy, nước trong hệ thống của dãy nhà trọ mới ri rỉ chảy. Vòi nhà này mở thì nhà kia tịt. Chị phải thức trắng đêm để canh lấy nước đủ dùng cho ngày mai.

Đêm nay, chị tranh thủ vừa lấy nước vừa giặt quần áo, chăn màn để cất. Chị hả hê như lập được chiến công lớn khi thùng nước đã đầy tràn và đống quần áo đã giặt xong. Loáng cái, dây quần áo phơi phẳng lì được gió thơm nức. Chị tự thưởng cho mình bằng hai mươi phút ngủ nướng trong một buổi sáng mà lúc nào cũng ngập ứ công việc.

Trong giấc ngủ chập chờn, chị nghe tiếng gọi thì thào qua khe cửa hẹp. Tiếng thì thào cùng nhịp thở dồn dập:

- Chị Lành ơi! Ơi chị Lành, mở cửa cho em.

Chị bật dậy. Tay chân tự nhiên lạnh ngắt. Ôi trời, nhìn điệu bộ của Cù chị chắc mẩm đã có chuyện động trời xảy ra! Cù thở gấp:

- Chị ra đầu ngõ mà xem nhé, em quý chị lắm mới liều sang đây. Đừng nói với ai là em báo chị nhé. Mà chị cũng đừng làm ầm lên, cứ coi như không biết cho yên chuyện.

Cù lẩn ra khỏi cửa. Hình như chiếc áo hoa lò xo dính đầy mủ và dầu mỡ chật căng hơn ngày hôm qua. Chị nhìn theo dáng Cù ngã chúi về phía trước. Chị nhìn thấy đám mây u ám đang vần vũ ngang qua cuộc đời người đàn bà tội nghiệp ấy. Thấy dòng sông mùa mưa cuộn nước và bầu trời hoàng hôn chợt tắt. Ôi chao một kiếp người! Một kiếp người rũ buồn trong góc khuất tăm tối của cuộc đời.

Chị bần thần như thế đến khi chợt nhớ ra điều hệ trọng mà Cù phải “liều” thì thào trước khe cửa nhà chị. Chị chạy ra đầu ngõ, nơi có khoảng đất trống mà chủ của nó chưa cất nhà chằng chịt dây phơi của cả khu trọ. Do mất mĩ quan của khu phố nên nhiều lần những người trong khu trọ bị phê bình, kiểm điểm. Nhưng do chẳng có nơi nào để phơi nên phê đi bình lại mọi việc vẫn như cũ.

Chị lặng người khi nhìn thấy toàn bộ quần áo mà mình phải thức cả đêm chắt nước để giặt nằm gọn trong thùng nhựa mà người xin rác bỏ sẵn để lấy thức ăn thừa về cho lợn. Đồ đồng phục của thằng cu. Chiếc váy trắng cộc tay của con bé. Bộ đồ đi cưới hỏi giỗ chạp của chị. Chiếc áo kẻ ca rô còn rất mới của anh… Tất cả phụng phèo, bốc mùi sình thối trong xô nhựa cáu bẩn, lúc nhúc những sinh vật mang tên giòi bọ. Mặt chị thoắt đỏ rồi chuyển sang tái xám. Máu bốc lên. Máu dồn khiến hai mang tai của chị giật giật. Chị ngồi bệt xuống nền đất, cố kìm cơn giận dữ đang sôi trào.

Chị kéo trượt thau quần áo về nhà mà mắt cay xè. Lạ thay, khu nhà trọ vẫn yên ắng. Mắt trời choe choé trên các nhà cao tầng. Mắt trời thiêu, nóng ran cả gáy mà khu nhà vẫn thật yên tĩnh. Chị nhìn thấy đằng sau các cánh cửa, những cặp mắt đang dõi theo chị. Họ chờ đợi một cơn tam bành. Ít nhất là tiếng chửi xuyên cửa xuyên nhà, xuyên sáng, xuyên tối. Tiếng chửi với những âm thanh tục tĩu nhất. Bởi, ở khu nhà trọ này, đây không phải là lần đầu tiên quần áo bị ngâm trong đống bùi nhùi đó. Chỉ cần nhà này phơi nhầm chỗ, nhà kia phơi quá nhiều hay che mất ánh nắng thì kiểu gì cũng có chuyện. Khu trọ này xưa nay vẫn thế. Hình như nơi đây là chỗ an toàn nhất, thuận tiện nhất cho việc trút bỏ nỗi cay cực, muộn phiền mà cuộc sống ngoài kia đang bủa vây, giày xéo họ.

Chị kéo trượt chiếc thau đi qua các căn phòng trọ. Chị nhìn thấy sự hả hê trong đôi mắt bạc màu của những kẻ bầm dập trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn và khốn khổ. Chị nhìn thấy sự lo lắng đến run rẩy của Cù, nhìn thấy sự cảm thông của người đàn bà có chồng luôn say khướt, đánh chửi vợ không tiếc lời.

Chị kéo trượt chiếc thau nhựa, chậm chạp và nhẹ nhàng, bình tĩnh và cam chịu qua những cánh cửa vẫn còn đóng kín. Chị nhìn thấy tất cả, ngoại trừ lòng thù hận.
*
*     *
Những ngày mưa gió dầm dề.

Khu nhà trọ ẩm mốc, hôi hám với những cặp vợ chồng mèo hoang già khú khụ. Mỗi buổi sáng khi chị mở cửa phòng bếp, mèo vợ mèo chồng lông ướt nhèm nhẹp, mắt mở to, chậm chạp đi qua lỗ hổng thông ra ngoài. Dăm bảy phút sau đã thấy vợ chồng nhà mèo ghếch mặt, buồn bã nhìn vào căn bếp sơ sài không có lấy một mẩu thức ăn. Chúng đói. Mà cũng đúng thôi. Mỗi bận cả gia đình bốn người nhà chị nấu hai ống lon gạo. Thằng cu đang tuổi ăn tuổi lớn, ăn gì cũng thấy ngon. Anh chồng làm công việc nặng, mắm quẹt với cơm trắng ăn mấy cũng còn thèm thì đâu còn đồ rơi vãi.

Chị chép miệng, lấy hòn đá nhỏ chèn cái lỗ trong căn bếp. “Đi ra bãi rác mà kiếm ăn”. Chị nói đổng. Mèo chồng giơ chân cào nhè nhẹ vào hòn đá, miệng gừ nho nhỏ. Tiếng gừ mà nghe như tiếng rên. Nó buồn phiền, sầu muộn. Bất lực và khốn khổ. Bên ngoài, mèo vợ áp tấm thân run rẩy, ướt nhèm nhẹp vào mèo chồng. Tiếng kêu nhỏ và khao đục cho thấy, nàng ấy đã không còn sức lực để tình tứ, để yêu thương.

Chị quay mặt. Mưa gió thế này vợ chồng nhà mèo biết đi đâu được? Nghĩ đi nghĩ lại, chị quay xuống bếp, cất hòn đá qua một bên. Thoắt cái, đôi mắt già nua hiện ra, lấp lánh qua lổ hổng.

Bệnh của Cù trở nặng. Ấy nhưng, Cù vẫn phải đi. Chị nhìn hút theo dáng người cúi gập về phía trước của Cù. “Bác sĩ yêu cầu em nhập viện. Nhưng mà em nằm đâu có được. Em nằm rồi thằng Danh ai lo, chị ơi!”. Cù vén áo. Dưới màu nâu nhàu nhĩ, bụng của Cù phình trương, những đường gân xanh chằng chịt trên màu da bủng vàng. Cù nói, giọng ráo hoảnh: “Em còn được bao lâu nữa chị. Lạy giời để cho mẹ con em qua hết mùa đông!”.

Cù đi. Đi về phía bãi rác để nhặt lượm ve chai. Đi về phía những ngôi nhà cao tầng, những ngôi biệt thự để gom giấy lộn, lon bia… Và bao giờ cũng thế, chị thấp thỏm lo âu. Chị nóng bời ruột gan khi chưa nhìn thấy cánh cửa căn phòng trọ ấy sáng đèn. Mỗi lần như thế, chị lại thầm cầu nguyện. “Về đi em ơi! Cù ơi, em mau về đi…”.

Không hiểu sao sáng nay, chị linh cảm điều chẳng lành. Chị nhìn hút theo dáng người cúi gập về phía trước của Cù. Dáng người cúi gập ấy đang cố tỏ ra cứng cỏi, cố chiến thắng bệnh tình quái ác, cố đứng lên thật thẳng để vòng qua nhiều con phố, nhặt thật nhiều những chai lọ, giấy vụn, báo vụn… Dáng người cúi gập ấy mong chiều về có một món đồ chơi, một thanh kẹo mỏng cho thằng cu lên sáu đang cắn móng tay đứng đợi.

Nhưng, Cù không cố được nữa rồi. Một người đàn ông tốt bụng chở Cù về trên chiếc xe xích lô cũ nát. Cù thoi thóp thở. Hơi thở nặng nhọc như chính cuộc đời bất hạnh của Cù.
*
*     *
Những ngày mưa gió không dứt.

Đã ba ngày Cù mê mệt trên chiếc giường đơn trong ngôi nhà ẩm thấp của xóm trọ. Thằng cu con của Cù gầy nhách nheo trong tấm áo len rộng thùng thình, ngồi co ro bên mép giường, tay vân vê một chiếc bóng bay thủng nát bươm. Nó ngơ ngác trước khuôn mặt chảy xệ, trắng bệch của mẹ. Mỗi khi Cù tỉnh, thằng bé lại lóng ngóng đút nước cháo cho mẹ. Cù nuốt. Khuôn mặt mờ lệ nhìn hút vào khoảng không đục ngầu bên ngoài khung cửa sổ bé như bàn tay của khu nhà trọ.

Khu trọ vẫn ồn ã như mọi ngày.

Trước rẻo sân chung lầy lội và nhớp nháp, đám trẻ con đua nhau xếp thuyền giấy, thả trôi theo dòng chảy. Chúng lách trên hành lang dựng đầy xe cộ, phơi chằng chịt quần áo, thỉnh thoảng, lại cãi nhau chí chóe. Một vài đứa bị mẹ lôi về, nhốt vào phòng:

- Khôn hồn thì ngồi yên đó cho tao! Rặt một lũ tôm tép, xó chợ đầu đường. Chơi với ngữ ấy thì có mà hư!

Thế là khẩu chiến. Hết giọng khào đục của chị chàng luôn tô môi đỏ choét, đến giọng kim the thé của người phụ nữ không chồng ở cuối dãy nhà. Tất cả đều nhảy lên choi choi. “Đây mà tôm tép thì ngữ nhà chị là sâu, là bọ…”. “Đồ giời đánh. Về, chúng mày về hết cho bà. Đừng có bén gót đi qua cửa nhà bà. Bà cấm. Bà giết!”.

Tiếng đóng cửa sầm sập. Tiếng răng nghiến trèo trẹo. Lũ trẻ con run rẩy ngồi trong xó nhà, buồn bã nhìn mưa rơi.

Chị nấu một nồi nước lá, lau rửa chân tay cho Cù. Sáng nay, Cù ăn được non nửa bát cháo. Cù nói: “Em phải ăn no trước khi lên đường. Mẹ em ngày trước cũng thế, bảo rằng phải no để kiếp sau không khổ, để có thể về phù hộ độ trì cho những kiếp người như chị, như em! Mà, có đúng không chị nhỉ?”.

Cù cười. Nụ cười không đủ sức để nhểu cả nước miếng, ngoác cả miệng nhưng vẫn ngập tràn một niềm tin tưởng. Chị nhìn thấy ánh sáng diệu kì trong đôi mắt ấy, trong nụ cười ấy. “Đúng mà em, rồi thằng Danh sẽ nên người”.

Cù cười. Ôi chao là nụ cười! Chị lén quệt nước mắt. Lén dìm tiếng thở chật căng trong lồng ngực!

Bên ngoài, tiếng chân nghe rậm rịch. Người phụ nữ hơn chồng tám tuổi mặt đầy rỗ hớt hải chạy vào, ghé tai chị nói nhỏ.

Khi chị sang, căn phòng của cặp vợ chồng đi xe Wave đã chật ních người. Anh chồng nằm trên cáng, mặt trắng bệch. Cô vợ nước mắt nước mũi chảy đầm đìa. Những người đàn ông trong khu trọ không kịp mặc quần dài, khiêng cáng chạy ra đường lớn. Cô vợ ngồi bệt trước thềm, môi son nhàu nhĩ, xám tái. Đám đàn bà con nít trong khu trọ ngồi chồm hỗm trước rẻo sân chung lầy lội nước. Những khuôn mặt sạm đen, khắc khổ. Những cánh tay gầy đầy vết tàn nhang. Họ ngồi bên nhau. Lặng yên. Chờ đợi.

Chị đặt tay lên vai người phụ nữ đang thất thần ngồi bệt dưới đất. Chỉ chờ có thế, cô ta lại khóc toáng lên:

- Anh ấy uống thuốc ngủ tự vẫn chị à! Mà em cũng vì miếng cơm của thằng cu Vọng nên phải tiếp thêm khách ngoài giờ. Lạy trời cho anh ấy qua khỏi, em hứa sẽ bỏ, bỏ cái nghề mạt hạng này. Em sẽ theo cô Cù đi nhặt đồng nát, mua ve chai. Nhất định là thế, chị ơi!

Người phụ nữ ấy ôm chặt lấy chị. Ngoài kia, mưa đã ngừng rơi. Trên bờ rào của khu nhà trọ, đôi vợ chồng mèo lông ướt nhèm nhẹp. Mèo chồng lim dim mắt, nằm chỏng bốn chân lên trời. Mèo vợ nhè nhẹ lướt chiếc lưỡi dài mềm mại lên khắp bộ lông màu tro xám của chồng.

Bên ô cửa nhỏ của khu nhà trọ, lấp lánh nụ cười của Cù.

Ôi chao là nụ cười...  

T.P.S



 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)