Ở cuối con đường

Chủ Nhật, 05/08/2018 00:41
Truyện ngắn dự thi. HỮU PHƯƠNG

Rất ngẫu nhiên. Thậm chí không biết để làm gì. Nhưng ông đã cúi xuống cầm lên tấm bảng kim loại trắng bằng cuốn vở học trò treo ở thanh ngang đuôi giường bệnh. Trên đó là họ tên bệnh nhân cùng các chỉ số sức khỏe. Và ông như bừng tỉnh. Mắt sáng lên. Mặt mày xây xẩm...

Là em đấy ư, Maria Hạnh? Người con gái ông đã tìm kiếm và chạy trốn, chạy trốn và tìm kiếm năm mươi năm qua. Đây mới thật là số phận run rủi. Sao ta lại gặp nhau, khi em đã ở cuối con đường…

Rất tế nhị, đoàn người tháp tùng mũ trắng, áo blouse trắng, lặng lẽ lui ra, để lại mình ông bên giường bệnh nhân Maria Hạnh. Giám đốc bệnh viện lật đật bê chiếc ghế tựa, đặt cạnh bệnh nhân và khúm núm mời ông ngồi. Trên giường, người bệnh nửa nằm nửa ngồi, đang thiếp đi. Căn bệnh ung thư giai đoạn cuối hành hạ suốt đêm, sáng nay được tiêm một liều an thần mạnh, bà chìm vào giấc ngủ ngắn ngủi.

Trên tường, tiếng máy lạnh ro ro. Tất cả đều mới, trắng tinh khôi. Tường trắng, trần nhà trắng, giường sắt mạ thép trắng, nệm mút trải ga trắng, cửa ra vào cũng sơn trắng. Đây là đơn nguyên năm tầng hiện đại mới xây, mang tên Khoa Ung Bướu, của bệnh viện tỉnh. Công lao lớn thuộc về ông, khi còn là vị quan đầu tỉnh. Chính ông đề xuất và trực tiếp xin bộ chủ quản. Chính ông yêu cầu thiết kế theo mô hình ông được tận mắt thấy ở một nước phát triển. Chính ông đề xuất hoãn xây Trung tâm hành chính tỉnh, chuyển kinh phí sang xây đơn nguyên điều trị ung bướu này. Cho nên, trong ngày khánh thành, dù đã nghỉ hưu, ông vẫn được giám đốc bệnh viện mời cho bằng được.

Như trước đây bao lần đi úy lạo các đơn vị cơ sở, ông bước giữa rừng người cờ hoa chào đón, mặt mày hoan hỉ. Ông đáp lại họ bằng nụ cười thường trực trên môi, bằng cái vẫy tay ân huệ của người lãnh đạo. Lần này, ông bị hớ. Nụ cười rất tươi và cái vẫy tay rất dẻo không đúng chỗ. Ông đi giữa hai dãy giường bệnh, với những thân người xanh xao gầy mòn, với những đôi mắt không còn mấy sức sống. Họ mặc đồng phục xanh dương kiểu pijama, kẻ nằm người ngồi. Những khuôn mặt gắng gượng, tái nhợt. Vẻ đau đớn và tuyệt vọng không giấu được, dù được báo trước là có lãnh đạo tỉnh đến thăm. Họ biết, mình đang ở đoạn cuối con đường, đã nhìn thấy cột mốc chót đời ẩn hiện. Tích tắc, ông ém sự bối rối, lấy lại vẻ tự tin. Ông biết, mình đang đứng trước hàng chục ống kính của cánh nhà báo săn tin. Việc cúi xuống nâng tấm biển sơn trắng ở cuối giường một bệnh nhân, là ông đang diễn. Hoàn toàn ngẫu nhiên. Và, ông hốt lên! Một cái gì, như thể tiếng sét nổ choáng óc.

Maria Hạnh vẫn chìm trong giấc ngủ. Năm mươi năm, dấu vết vẫn chưa phai trong mắt ông. Cô bé mười bốn tuổi ở sát ngôi nhà ông đóng quân đã lồ lộ nét đẹp trời phú. Sáng, anh bộ đội Việt Minh mười bảy tuổi thường giấu cho bé những quả tắc chín, ngọt và chua thanh. Bộ đội được lệnh chia nhỏ về cơ sở, giúp dân bảo vệ mùa. Địch biết lúa mùa gặt xong dân sẽ chuyển lên chiến khu nuôi Việt Minh, chúng cũng chia nhiều đơn vị đi cướp. Cướp không được thì phá. Tiểu đội của Sáng được cử bảo vệ làng đạo xứ Nam Sơn. Lúa chín tựa mâm xôi, ngợp đồng. Con gái làng đạo đẹp mê hồn...

Bộ đội ở trong dân. Ngày súng ống, hái liềm, quang gánh ra đồng. Vừa cùng dân gặt lúa, vừa trông chừng kẻ địch. Đêm, bí mật cài mìn trên các lối hiểm yếu vào làng phòng địch đi càn. Tinh mơ, lại bí mật tháo gỡ, giải phóng các lối đi. Một đêm, sau một tuần yên ổn, chợt Maria Hạnh chộp tay Sáng, kéo vào bụi chuối cạnh cây rơm, nói thầm vào tai: “Bị lộ rồi! Mai địch từ Ba Đồn sẽ kéo lên”. “Sao em biết?”, Sáng giật mình. “Các anh đi nhanh đi! Đừng hỏi!”. Em nói và vụt chạy. Khuya, cả tiểu đội bí mật tháo gỡ mìn, lặng lẽ rút êm không chút dấu vết. Làng đạo Nam Sơn bên bờ sông Gianh vẫn chìm trong giấc bình yên.

Khi mặt trời ló rạng, hai gọng kìm của địch đã khép chặt, cắt đường bộ đi vòng qua Phù Lưu, Tô Xá, áp phía tây làng, chặn lối lên rừng. Đường thủy, năm ca nô đại liên súng cối xanh ngời nước thép, đổ quân bờ sông phía đông và nam. Tịnh không dấu vết Việt Minh. Dân vẫn bận bịu mùa màng, không đoái hỏi. Chúng giật mình, rúc còi thu quân, sợ chậm sẽ rơi vào bẫy.

Cả hệ thống đồn bốt địch ấy, năm sau bỗng tan rã như bong bóng xà phòng, khi tin Điện Biên Phủ thất thủ. Lính Pháp rút lui, Ngụy bỏ chạy vào Nam. Bộ đội Việt Minh các địa phương chuyển thành những đơn vị thanh niên làm kinh tế. Chủ yếu là đi khai hoang, làm các công trình thủy lợi. Sáng theo một đơn vị đi quai đê lấn sông. Con đê ấy ở ngay làng đạo Nam Sơn của em. Đó là phần sông ngập nước mênh mông khi triều lên, là bãi sình lầy mỏi cánh chim trời kiếm ăn khi nước rặc. Có đê ngăn mặn, bãi sình lầy mấy chục héc ta sẽ thành cánh đồng hai vụ lúa.

Thoạt đầu Sáng ngỡ mình nhầm nhà bởi cô gái trước mặt đẹp ngỡ ngàng. “Xin lỗi, tôi tìm nhà mẹ Hạnh”. Từ nhà ngang, bà mẹ nghe tiếng, lật đật bước lên: “Có mẹ đây! Chú là…”. Mấy con mắt đổ dồn sang nhau, mở to ngạc nhiên. Người con gái đã nhận ra, bụm miệng nói khẽ vào tai mẹ: “Anh Sáng đó!”. “Chú Sáng? Chúa ơi! Chú chừ cao lớn thế nớ, mạ mần răng nhận ra?”. “Con đã hai mươi tuổi rồi mà mạ”, Sáng nói, nhưng mắt không rời người đẹp đang e thẹn nép sau lưng mẹ. Bà mẹ hiểu ý, khẽ ẩy con gái lên trước: “Con Hạnh đây! Chú không nhận ra răng?”. “Trời đất! Là Hạnh đấy sao? Em lớn và xinh đẹp quá thể, anh không nhận ra. Em còn nhớ anh không?”. Maria Hạnh ngúng nguẩy mái đầu, như thể không nhớ gì, nhưng đỏ mặt nói: “Em nhớ những quả tắc chín...”.

 
6 2018 (1)
Minh họa: Lê Anh Vân

Bà mẹ đón anh từ công trường về, nói nhỏ: “Sớm mai chủ nhật, con Hạnh chèo đò sang bãi cồn bẻ bắp. Con nhớ ghé nhà, hỉ?”. Anh hiểu, đó là lời nhắn của Hạnh, thông qua mẹ. Khi anh đến, bắp đã luộc chín và chia phần trên các đĩa. Bà mẹ nhìn anh cười, trêu con gái: “Con Hạnh bảo, phần anh Sáng hai trái, có ít không mạ? Mạ nói, mỗi người chỉ hai trái, con thấy ít thì bớt phần mình thêm cho anh ấy!”. Maria Hạnh đỏ mặt, bỏ chạy xuống nhà ngang. Nhưng khi chia tay Sáng ngoài ngõ, nàng nói lí nhí: “Tối thứ bảy ni, ta đi chơi, hỉ?”.

Hạnh nói và vụt chạy, không kịp cho anh hỏi đi chơi đâu, lúc mấy giờ. Nhưng tối thứ bảy ấy, khi Sáng bồn chồn tha thẩn trước ngõ thì thấy bóng Hạnh lướt qua. Sáng làm như vô tình, lấy vẻ thản nhiên bước theo. Tim đập như trống trận. Hai người đi cách nhau mươi bước chân. Ra khỏi làng, Hạnh đứng lại chờ. Không nói gì, hai người bước xuống một con đò, Hạnh chèo ra giữa sông. Mái chèo quẫy nước khe khẽ. Sóng vỗ khe khẽ. Mùi gió mặn nồng nàn. Mùi tóc con gái gội lá sả thơm ngây ngất. Cả hai bước lên một gò nổi lớn giữa sông. Những bãi ngô đã thu hoạch, chỉ còn lại đất trống. Giữa bốn bề sông đêm rì rào. Không một bóng người. Chỉ ánh trăng hào phóng tưới xuống rười rượi. Một cõi thần tiên...

Hai người đứng ngắm trăng, cố ý cách nhau chừng năm bước chân. Cả hai lúng túng, sượng sùng, không biết bắt đầu từ đâu. Chợt nhiên, cái điều canh cánh bao năm thốt ra từ miệng Sáng: “Tối ấy, sao em có mật tin địch càn vào làng sớm mai?”. Maria Hạnh hơi giật mình vì câu hỏi đột ngột, trong khi cô đón đợi lời ngọt ngào của lần đầu hẹn hò. Nhưng cô đã hiểu, và nghiêm giọng: “Mãi mãi, anh cũng phải giữ kín, nhá? Là tin từ anh ruột em...”. “Hả? Cậu Hiếng?”. “Dạ, là anh ấy. Cả ngày hôm đó, anh Hiếng đi mô biệt tăm. Ở đội du kích cũng không có. Sẩm tối mới mò về nhà, môi ngậm điếu thuốc thơm có ý khoe, tay dúi cho em chiếc kẹo bọc giấy bóng rất đẹp. Mạ phát hiện, quát: “Mi vừa ở đồn Ba Đồn về phải không?”. Anh Hiếng ấp úng. Mạ bước đến, giáng cho anh ấy một bạt tai. “Cút ngay ra khỏi nhà! Tau không có thứ con làm tay sai cho giặc!”. Mặt anh Hiếng đỏ rần. Miệng hục hặc cái chi trong cổ họng, nghe không rõ. Anh cúi đầu, lui cui bước ra khỏi cửa. Có lẽ anh quay lại đồn Ba Đồn. Từ đó không thấy anh ấy đâu nữa. Có thể anh ấy đã vào Nam. Cũng có thể anh ấy bị chúng giết, vì khi bao vây làng đạo Nam Sơn sáng hôm sau, không tìm thấy bóng Việt Minh đâu. Cả đơn vị dân quân của làng, cũng lặn tăm nên chúng sinh nghi, cho rằng anh ấy đã lừa chúng... Hôm ấy, sau khi biết chuyện, em lén ra sau vườn, nhả viên kẹo ném vào bụi chuối, lao đi tìm chú Chiến tiểu đội trưởng, thì đụng phải anh đi ngang. Em báo cho anh tin đó là gián tiếp giết anh Hiếng, còn chi? Nên anh không được để mạ biết, nhá? Khi anh ấy đi khỏi nhà, mạ đã ôm mặt khóc rưng rức. Mạ càng khóc to hơn, khi ngày đình chiến anh Hiếng không trở về...”.

Trăng chấp chới trên từng con sóng. Gió thì thào lời đêm dịu dàng. Hai người đã dịu lại sau chi tiết nóng bỏng đêm ấy. Maria Hạnh chợt hỏi: “Vợ anh làm công việc chi?”. Trời đất! Sáng khẽ cười ý vị: “Em hỏi chi lạ! Mặt anh giống người có vợ lắm sao?”. “Ai biết được! Trên ấy có ghi chưa vợ mô?”, Maria Hạnh thẹn thùng, vặn vẹo mấy ngón tay. “Anh có muốn lấy vợ vùng ni, em bày cho một người?”. “Có! Em giới thiệu đi!”. “Nhưng mà... anh ưng người ra răng?”. “Người như em đó!”. Hạnh giẫy nảy: “Ấy chết! Lạy chúa! Không được mô!”. Lời vùng vằng, nhưng Maria Hạnh xích lại bên Sáng từ khi nào. Anh mân mê đôi bàn tay với những ngón thon dài. Hương từ da thịt con gái tuổi mười bảy phả ra ngốt ngát khiến Sáng ngộp thở. Mãi đến khi giẫm phải chân nhau, Hạnh sực tỉnh: “Ối, khuya rồi! Em phải về thôi. Mẹ mắng chết!”.

Một bộ phận đơn vị đột ngột được điều đi bổ sung cho đại công trình đập chắn hồ Cẩm Ly, kịp tích nước trước mùa mưa. Sáng gấp gáp đến chia tay Maria Hạnh lúc sẩm tối. Hai người đứng dưới lùm tre bên đường. “Em nói... giới thiệu người cho anh, mà thấy đâu?”, Sáng rụt rè mở lời. “Không được! Em hỏi họ rồi. Họ nói không được!”. Hạnh dứt khoát. “Sao vậy?” Sáng hỏi gấp, tràn ngập thất vọng. “Vì họ có đạo, anh thì ngoại”. Sáng thở ra, khẽ cười: “Tưởng gì! Chuyện đó khó chi? Tình yêu là trên hết. Vì tình yêu, bên này có thể từ bỏ để sang bên kia, hoặc ngược lại!”.

Trong giây phút chia tay vội vã, Hạnh đăm chiêu, nói nhỏ như phân vân: “Em... sẽ nói lại ý anh, với người đó…”.
Bà Maria Hạnh khẽ cựa mình, hé mắt. Vẻ mặt hoảng hốt, bối rối. Nửa tin nửa ngờ. Đây đang mơ, hay đã thực? Nhưng đôi môi tái nhợt của bà nở nụ cười khô héo. Mắt bà sáng lên vì quá bất ngờ. Miệng lập cập kêu lên trong hơi gió: “Anh Sáng...”. Ông vội vàng nắm lấy bàn tay xanh xao gầy guộc của bà: “Hạnh tỉnh rồi?”. Bà vẫn để yên bàn tay khô tái trong tay ông, nhưng môi lại mấp máy nói, khi liếc thấy tấm áo choàng trắng khoác hờ trên bộ com lê sang trọng: “Xin lỗi ông! Tôi đã ngủ thiếp...”. Bà khẽ cựa mình, định kéo chăn đắp cả mặt, nhưng ông giữ chặt mép chăn, cự tuyệt.

Không! Em không có lỗi! Em không có lỗi! Ông suýt gào lên, nhưng đã kịp ghìm lại, khi xung quanh các bệnh nhân khác đang nhìn. Lời ông nói trong lúc chia tay năm ấy, là lời gan ruột của một thanh niên hai mươi tuổi, trong sáng trước cuộc đời, trong sáng trước tình yêu và ước vọng hạnh phúc. Ông đã quay lại tìm, Hạnh không còn ở đấy nữa! Bà mẹ cũng lánh mặt, cố không gặp ông.

Hai mươi ba tuổi, xong công trường thủy lợi hồ Cẩm Ly, Sáng về quê, làm chủ tịch xã. Vẫn chưa vợ. Trời lại đưa Maria Hạnh đến cho anh? Ba tử nữ của dòng tu kín Hướng Tâm, một sáng, xuất hiện trước phòng làm việc của anh. Cả ba áo thụng đen, khăn lúp đen viền trắng trùm kín mặt. Một trong ba người đẩy khăn trùm ra sau đầu, để lộ gương mặt đứng tuổi, xưng là Matta Lưỡng, phụ trách nhà dòng. “Thưa ông, chúng con đến để xin nhập hộ khẩu cho một thành viên mới”. Matta Lưỡng nói và chỉ sang nữ tu trẻ ngồi cạnh, dáng cao ráo mảnh mai, khăm trùm kín mít. Sáng không đọc, chỉ nhìn thoáng giấy tờ xem đã đủ chưa, rồi chỉ họ sang phòng bên cạnh, nơi chuyên lo việc tách, nhập hộ khẩu.

Khi cả ba tu nữ bước ra khỏi phòng, Sáng mới giật mình. Như người phải bỏng. Có cái gì vừa chạm trái tim anh? Là dáng người? Sáng quay quắt, vội bước sang phòng nhân viên quản lí hộ khẩu, nhưng ở đó chỉ sơ Matta Lưỡng không kéo khăn trùm mặt, còn hai tu nữ kia vẫn kín bưng. Anh soi vào dòng tên mới trong cuốn hộ khẩu của nhà dòng: Maria Hạnh. Mắt anh hoa lên. Là em đấy ư? Sao em lại vào chốn này, Hạnh? Sáng nhìn xoáy vào thân hình mảnh mai trong thứ mũ áo kín bưng kia. Rã rời quay về phòng làm việc, anh thấy hẫng hụt. Trời đất tối sầm. Và một giọng nói từ đâu đó thẽ thọt trong tai, phản bác: “Tên đẹp như vậy, con gái nào chả muốn đặt. Một vùng công giáo đông đúc, có bao cô gái tuổi ấy mang tên Maria Hạnh?”. Ý nghĩ này làm Sáng mỉm cười một mình, rằng đó không phải là Maria Hạnh của anh.

Dịp may chợt đến, Sáng được mời tham gia đoàn cán bộ công tác tôn giáo huyện về tổ chức hội nghị phổ biến chủ trương tôn trọng tín ngưỡng của người dân ở nhà dòng Hướng Tâm. Khu nhà nguyện khá kín đáo, được ngăn đôi bằng tấm mành tre lớn. Nửa ngoài sáng sủa, dành cho đoàn cán bộ. Nửa trong ánh sáng nhờ nhờ, là các nữ tu nhà dòng ngồi. Hai chiếc bàn đặt gần nhau, đối xứng qua tấm mành, dành cho người chủ chốt mỗi bên. Bàn ngoài của trưởng đoàn cán bộ, bàn trong của Matta Lưỡng. Sáng cố căng mắt nhìn sâu vào bên kia, cố tìm dáng hình cũ. Nhưng không thể thấy gì. Hội nghị giải lao, sinh hoạt văn nghệ. Hai bên cùng cử người ra hát. Và Sáng đã hát. Mường tượng bên kia tấm mành có Maria Hạnh đang nghe. Lời gọi tha thiết từ gan ruột, từ trái tim rớm máu, lồng vào câu hát Bài ca gửi noọng: “Noọng ơi! Ới noọng cùng ta, cùng chung mái nhà. Noọng về cùng ta...”.

Bà Maria Hạnh khẽ cựa bàn tay mình trong bàn tay to lớn của ông. Hai má chợt ửng hồng. Đôi môi khô mấp máy: “Khi hội nghị giải tán, em đã lén cửa sau, vụt chạy như bay, vòng qua mé đồi đón đợi. Nhưng anh và đoàn cán bộ đã theo con đường tắt ra giữa đồng. Em gọi to mấy tiếng “Anh Sáng! Anh Sáng ơi! Em đây nè!” vô vọng trong gió... Không hiểu sao, em lại xử sự như vậy, khi lần tiếp đến, anh ghé thăm nhà dòng Hướng Tâm nhân lễ Noel năm đó. Nghe tiếng anh và tiếng cha Paolô Kiệm ngoài ngõ, em đã trùm kín mặt, chỉ chừa đôi mắt hút sâu, mặt cúi xuống chăm chú thái chuối. Sau lưng, đàn lợn khẽ kêu eo óc đòi ăn. Hôm trước, chị bề trên Matta Lưỡng đã thông báo, sáng mai ông chủ tịch xã đến thăm nhà thờ, nhân thể thăm các cơ sở sản xuất, chăn nuôi của nhà dòng. Bọn em phải tự túc đời sống của mình, từ trồng lúa, nuôi gà lợn, đến trồng mía ép mật...

Cha Paolô Kiệm cùng Matta Lưỡng dẫn Sáng đi hết nơi này sang nơi kia, cuối cùng là trại lợn. Họ tận tình giới thiệu nhưng tâm trí anh kín đáo tìm một người. Các cơ sở đã đi qua bặt tăm, chỉ còn lại chỗ này. Và Chúa đã phù hộ anh. Dáng hình người ngồi thái chuối, không thể ai khác. Sáng cố nén trái tim đang đập mạnh. Tất cả đều bọc trong áo choàng và khăn trùm đầu. Cả đôi mắt to đen thăm thẳm cũng bị khuất lấp khi người ấy cúi xuống chăm chú thái chuối. Nhưng đôi bàn tay thì không thể giấu. Nó lồ lộ ra, khi bàn tay trái úp giữ thân chuối, bàn tay phải nắm chặt con dao thái. Những ngón tay thon dài, nhắm mắt Sáng vẫn nhận ra. Bởi anh đã từng mân mê nó, hôn lên nó, trên hoang đảo đêm trăng xưa. Sáng nấn ná bước ra sau cùng, và không hiểu sao, bất ngờ quay đầu lại. Bắt gặp người con gái ấy, Maria Hạnh, giờ anh khẳng định thế, bưng mặt khóc. Cả mái đầu trùm khăn, cả đôi vai tròn sau lần áo choàng, rung lên từng cơn. Trái tim Sáng như bị cứa nát thành trăm mảnh...

“Anh biết không...”. Môi Maria Hạnh tiếp tục mấp máy, “Khuya đó, em trốn vào chỗ vắng, viết mấy dòng. Sáng sau, nhân đi mua muối ở cửa hàng hợp tác xã, em đã lén bỏ vào thùng thư treo trước cửa...”.

Ông Sáng chăm chú nghe, đúng hơn là ước đoán theo diễn biến sự việc. Ngày ấy đúng là ông nhận được bức thư. Bì thư không đề tên người gửi. Cuối thư cũng không kí tên. Nội dung thư chỉ có hai dòng: “Xin lỗi Mẹ! Và xin được tha thứ!”. Ông đã bần thần, lật qua lật lại. Đọc đi đọc lại mấy lần. Chợt hiểu rằng, bà muốn nhắc nhắn, mọi chuyện giờ đã an bài. Xin đừng khuấy lên tình cảm nhớ thương trần tục nữa. Hãy để bà an tâm tu hành trọn kiếp...

Mối tình đầu tươi đẹp và nhức nhối được ém lại. Hai mươi lăm tuổi, Sáng được điều về huyện, chính thức làm cán bộ ăn lương. Cưới vợ, lập gia đình. Hoạn lộ trập trùng trải ra trước mắt. Sáng mải mốt bước theo số phận. Maria Hạnh, dù tuyệt đẹp và ngọt ngào trong kí ức, đã thành xa vời...

“Anh ạ, mọi việc không qua được tai mắt chị bề trên Matta Lưỡng...”. Mặc hai ngấn nước dâng đầy trong hai hốc mắt đã trũng sâu, môi Maria Hạnh vẫn mấp máy. Tuồng như bà tranh thủ nói hết những gì cần nói, trước khi từ giã cõi đời. Ông nhanh tay rút chiếc mùi xoa của mình, chấm nước mắt cho bà. Maria Hạnh khẽ cười, hạnh phúc. Lần đầu tiên, bà nhận được cử chỉ này của người mình yêu. “Quy định nhà tu kín rất nghiêm ngặt. Không được bước ra khỏi nhà khi chỉ có một mình. Đi ra ngoài phải có đôi có ba. Không tiếp xúc, không tơ tưởng đàn ông. Đêm ngủ phải nằm sấp, không được nằm ngửa. Đêm đêm, chị bề trên đi rảo, kiểm tra hết lượt này sang lượt khác. Sạp ngủ của các nữ tu san sát như lán thanh niên xung phong. Chiếc roi mây trong tay chị bề trên vung lên vun vút, quất không thương tiếc vào những cặp đùi ngủ say đang nằm ngửa. Nhất là những cặp đùi dạng ra vô tư, trên đôi môi chủ nhân vương nụ cười tươi rói tuổi xuân thì... Anh biết đấy, em đã vi phạm tất cả! Tai mắt chị bề trên Matta Lưỡng có khắp mọi nơi. Cả những nơi em không ngờ nhất. Hẳn nhiên, chị bề trên đã lịch sự một cách dứt khoát, mời em ra khỏi nhà dòng, không lâu sau đó.”.

Ông Sáng cố nghiêng tai, lọc những âm thanh nhẹ như hơi gió, phát ra từ cái lưỡi đã không còn linh hoạt của người xưa. Ông cảm nhận qua đôi môi bà Hạnh mấp máy thì đúng hơn. “Em không hối hận...”. Maria Hạnh tiếp tục thều thào. “Bởi ngay từ đầu, trong lần xưng tội với cha Paolô Kiệm, em nói là xin lánh vào đó một thời gian. Cha Kiệm ngạc nhiên hỏi, con có chuyện gì phải không. Em đáp dạ thưa cha, anh ta ngày nào cũng đến, nhất quyết đòi cưới con làm vợ cho bằng được! Cha hỏi sao con không đồng ý, khi người ta thiết tha. Em đáp thưa cha, con không thể. Quyết không thể! Anh ta trước làm lính bảo vệ ở đồn Ba Đồn, rất tàn ác!”.

Ông Sáng như ngồi phải lửa, thốt cắt ngang lời Maria Hạnh: “Có phải cậu Khản không?”. Bà Hạnh khẽ gật đầu. Biết ngay mà! Thằng Khản con lí trưởng Khủn, là đứa cực chai lì. Mười bốn tuổi, Khản không biết Sáng là quân báo của đội du kích xã. Mỗi lần địch từ đồn Ba Đồn đi càn lên vùng chiến khu Trung Thuần, Sáng đều rủ Khản đi theo. Hai đứa thường lân la ở hậu quân, nơi có tên quan ba Pháp chỉ huy. Ở đó, trong khi Sáng chắm chú ước nhớ số quân, các loại vũ khí, hướng tiến quân của địch, thì Khản tha hồ lục nhặt những cây kẹo, những điếu thuốc sót lại trong bao, cùng nhiều tàn thuốc, nhiều vỏ đạn. Có cả vỏ lon sữa hộp, hắn đem về đổ nước sôi vào quấy tráng, húp rì roạt. Khi mười sáu tuổi, hai đứa đã khá to xác. Một hôm, Khản kéo Sáng ra chỗ vắng, thì thầm: “Mình khai tăng tuổi, xin đi lính bảo vệ đi? Món đó hời lắm! Vừa có tiền lương, vừa có đường sữa, thuốc lá”. Sáng chần chừ. Khản lại dồn: “Hay mi có hướng khác?”. “Nỏ! Mạ mất rồi, cha đau yếu, tau bỏ đi răng được”. Năm sau, Khản thành lính bảo vệ. Sáng nhảy núi, vào bộ đội Việt Minh. Chẳng mấy chốc, Khản thành người có thế lực trong đồn Ba Đồn. Ông Khủn bố hắn càng huênh hoang, chỉ huy bọn hương vệ ráo riết săn lùng quân du kích và cán bộ Việt Minh nằm vùng. Chính quyền Việt Minh buộc phải bí mật bắt ông ta, đưa đi học tập, cải tạo. Được tin báo, Khản lồng lộn cho người về bắt ngay ông Sấn, bố Sáng và bắn tin, nếu Việt Minh thả ông Khủn, thì bên này thả ông Sấn. Rốt cuộc, hai ông già cùng được thả. Nhưng từ khi trở về, ông Khủn co vòi, nhũn như con chi chi. Khi đồn Ba Đồn tan rã, Khản không di cư vào Nam, về quê sinh sống...

Bà Maria Hạnh vẫn thều thào kể tiếp, tiếng được tiếng mất. “Em thưa với cha, con... đã yêu người khác rồi! Cha Paolô Kiệm khẽ gật đầu trầm ngâm, cha hiểu! Nhưng sao các con không công khai, để người ta khỏi lui tới, sinh sự? Em nói, dạ thưa cha, anh ấy còn công tác ở rất xa. Cha Paolô Kiệm đã hiểu sự tình, đưa em đến giao tận tay chị bề trên Matta Lưỡng, nơi dòng tu kín thuộc nhà thờ Hướng Tâm của cha cai quản. Ngày hôm sau, em được phát áo thụng đen và khăn lúp đen viền trắng, dành cho nữ tu trọn đời. Em hơi ngạc nhiên, nhưng nhìn vẻ mặt nghiêm khắc của chị bề trên, đã không dám hé lời...”.

Một tiếng hực suýt bật khỏi cổ họng ông Sáng. Hai hàm răng ông cắn chặt. Ôi, Hạnh của ông đau đớn thế sao? Phận gái xứ đạo trầm luân thế sao? Gần như không chú ý đến cảm xúc ông Sáng lúc này, hay để tranh thủ thời gian, Maria Hạnh vẫn thổn thức: “Em đã đi tìm anh... Ở ủy ban xã, người ta nói anh đã lên huyện. Ở huyện, là ở nơi đâu? Anh đã như bóng chim tăm cá. Đợi trông vò võ, nhưng không thấy anh trở lại. Rồi một lần đi chợ phiên Ba Đồn, thấy người tụ tập rất đông trên sân vận động. Hiếu kì, em lén đến nhón chân ghé xem. Và mắt hoa lên khi trên lễ đài, anh đang phát biểu. Chưa kịp mừng, em đã như tàu lá héo. Em hiểu rằng, hai ta giờ đã ở hai không gian khác biệt. Em muốn bước tới cũng không được nữa. Anh muốn quay lại, cũng chẳng dễ chi... Em thành con thuyền mắc cạn. Anh gần đấy, mà ngàn dặm cách trở. Nhà tu kín sau lưng, nhưng em không thể quay về...”.

Không kìm được nữa, nước mắt ông Sáng chảy ra giàn giụa. Maria Hạnh nhìn ông, khẽ cười: “Thực ra, Khản đã ám em từ rất sớm. Khi em mười lăm tuổi, hắn đã chạm mặt cận kề, trong một đợt đi càn lên làng đạo Nam Sơn. Lúc đầu hắn rất mềm mỏng, thưa bẩm với mạ, xin cưới em ngay. Mạ em nói, con gái mẹ còn con nít, đã biết chi mô! Khản nói, lớn đôồng giôồng, nhỏ chi nữa! Mạ em lắc đầu nói, ngó to xác rứa, chớ hắn ngủ còn đái dầm mê man! Bị cự tuyệt, Khản làm già. Khản cho lính bắt em dẫn đến trước mặt anh ta. Nhả khói thuốc mù mịt, Khản hỏi vì sao cô không chịu lấy tôi. Em đáp tôi đã có người yêu rồi! Khản rú lên, á, thằng nào? Có phải thằng Sáng không? Vùng này sáng mặt, chỉ có hắn. Nhưng hắn theo Việt Minh, đã chết trận ở Hạ Lào rồi! Nói cho mà biết, trước sau, cô cũng ngả vào vòng tay tôi thôi... Em đã chạy trời không khỏi nắng. Anh à. Lời Khản như một lời nguyền ma quỷ, em không vượt qua được...”.

Ông Sáng hốt hoảng: “Em nói sao? Em nói cái gì?”.
“Thì em biết làm sao? Anh bặt vô âm tín, còn anh ta, im tiếng súng là lại mò về. Ngày nào cũng đến nhà em. Lê lết cầu van em. Nhất quyết xin cưới bằng được. Anh ta nói, cậu Sáng ở tít tận công trường đại thủy nông Cẩm Ly trong kia, phải năm bảy năm mới xong. Lại nữa, hắn ở giữa hàng ngàn cô gái xinh đẹp. Mà gái công trường như rương không khóa, nghĩ mô đến em nữa? Để thoát ra khỏi anh ta, em buộc phải lánh vào nhà tu kín. Lúc đó, Khản mới chịu đi lấy vợ!”.

Ông Sáng thở ra đánh thượt, như cất được tảng đá chặn ngực nãy giờ.
Bà Maria Hạnh lại mấp máy môi. Lần này sắc mặt lộ vẻ bực bõ. Sự bực bõ hình như nhắm vào ông Sáng. “Nhưng em biết làm sao với thân gái lỡ thì của mình đây? Không đàn ông con trai nào ngỏ lời yêu em, cưới em làm vợ cả, dù em biết họ vẫn ngoái nhìn sái mắt khi em đi qua. Thử hỏi, có người đời nào rủ lòng thương, chấp nhận gái lộn Chúa?”.

Cả hai rơi vào im lặng sau câu hỏi thều thào cay đắng của Maria Hạnh. Ông Sáng nắm bàn tay bà Hạnh chặt hơn, như một lời xin lỗi. Bà Hạnh chợt nói, giọng nhỏ và run run: “Anh không có lỗi! Lỗi là ở em. Lỗi ở bức thư của em. Cuối cùng, em đánh tiếng hẹn Khản. Đêm, em và Khản bí mật chèo đò ra cồn vắng giữa sông, chỗ chúng mình đứng năm xưa. Em đã dâng tấm thân con gái trinh trắng, gìn giữ bao năm, cho anh ta...”.

Ông Sáng nghiến răng, đấm nắm tay tuyệt vọng xuống mặt nệm trải giường. Bà Maria Hạnh hiểu được nắm đấm ấy, dẽ dàng nói: “Biết răng đặng chừ, khi em cần một đứa con?”.

Ông Sáng vục vặc mái đầu, chua chát lắng nghe. Ông mải mốt theo chốn quan trường, đâu hay sự đa đoan của Hạnh. Lòng chưa thôi thổn thức ngậm ngùi, chợt nghe ngoài hành lang lẹt xẹt tiếng bước chân, rồi ngưỡng cửa xuất hiện thiếu phụ trẻ, tay dắt đứa con gái nhỏ chừng ba tuổi. Con bé giựt tay mẹ, chạy lon ton đến giường Maria Hạnh. Nó lấm lét nhìn ông Sáng nửa giây như xin phép, rồi leo tót lên giường, ôm lấy mặt Maria Hạnh hôn chùn chụt. Maria Hạnh khẽ cười mãn nguyện.

“Chẳng bao lâu, em có một nàng tiên trong nhà. Anh ạ... Con bé đẹp khác thường. Vẻ đẹp chỉ có Chúa ban mới được như rứa. Ngôi nhà đơn sơ của hai mẹ con, thành địa chỉ lui tới dập dìu của các chàng trai trong vùng. Nhưng, chẳng khác mẹ nó, các chàng trai si mê ấy, chẳng ai ngỏ một lời yêu. Cũng không một lời hứa hẹn. Cuối cùng, học xong phổ thông, em cho nó vào Nam, ở nhờ nhà một người bà con, theo học một trường cao đẳng sư phạm. Cháu được một chàng trai đứng đắn, con một gia đình khá giả và tử tế yêu thương cưới làm vợ. Biết mẹ bị trọng bệnh, nhân mấy tháng nghỉ hè, hai mẹ con ra chăm em. Chúa lòng lành! Giờ em sắp về bên Chúa. Gặp anh bất ngờ thế này, chắc cũng được Chúa run rủi. Em thấy mình được an ủi. Giờ, em an nhiên và hạnh phúc. Anh à...”.

Ông Sáng lại xoắn bàn tay Maria Hạnh, lòng cồn lên từng đợt bão giông. Những đợt bão giông chua chát và cay đắng, chỉ ông mới thấm đủ. Nghĩ thương Maria Hạnh một đời éo le, cay cực, giờ chẳng sống được bao lâu nữa. Nhưng nhìn con bé thông minh và kháu khỉnh, ông thấy lòng đôi chút dịu lại. Định nói một lời chia sẻ với người xưa, nhưng đầu óc ông bấn loạn, bất lực.

Ngoài hành lang, người thiếu phụ trẻ thập thò qua khe cửa. Khi nãy thấy mẹ có khách thăm, cô giáo trẻ vội lãng ra đây đứng chờ. Kín đáo nhìn qua khe cửa, thấy người đàn ông nắm chặt bàn tay mẹ, chị mừng run lên. Không nghi ngờ chi nữa! Đây là người đàn ông mà mấy chục năm qua chị đã gặng hỏi nhưng mẹ không hé nửa lời. Khoảng trống bao năm canh cánh trước sự cô đơn của mẹ, và của chính chị nữa, giờ được khỏa lấp. Một cách không thể bất ngờ hơn. Lòng chị rộn vui một niềm ấm áp gia đình.

Chị hồi hộp theo mỗi tiếng bước chân ông đi ra. Và khi bóng ông vừa bước khỏi cửa, chị lao đến, ôm chầm lấy ông. Cái ôm ghì âu yếm của đứa con gái bao năm khát khao nhìn mặt cha. Chị úp mặt vào ngực ông, nghẹn ngào và nũng nịu: “Bố! Bố của con! Con cám ơn bố!”.

Ông Sáng trố mắt, ngớ ra nửa giây. Nhưng rất nhanh, ông đã kịp thay đổi. Ông lập cập đưa tay vỗ nhè nhẹ lên vai người con gái của Maria Hạnh, miệng líu ríu an ủi: “Con đấy à... Bác... à... ờ... bố xin lỗi! Con gắng thay... bố, chăm sóc mẹ!”.

Ông như người say. Nghiêng ngửa. Một cơn say không có tên trong cuộc đời. Cởi vội chiếc áo blouse trắng khoác vào cánh tay, ông chếnh choáng từng bước xuống tam cấp. Trong ánh nắng chan hòa. Sống mũi ông xộc lên, cay cay.
 
Trại sáng tác Đồng Nai, tháng 6/2018

H.P
 

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)